Họp lớp
Đặng Quang Tình
Họp lớp
Có một thời rộ lên như nấm sau mưa các cuộc “họp đồng”. Thật đủ loại.... Đồng hương thì: tỉnh, huyện, xã, thậm chí cả đồng làng. Đồng ngũ thì: tiểu, trung, sư, quân khu, chiến địa. Đồng thời thì: Trường Sơn, Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Căm Pu Chia, Lào với đủ Trung, Thượng, Hạ. Đồng học càng phong phú: đồng trường, đồng lớp cả trong nước lẫn Tây Tàu.
Nấm sau mưa thì chóng tàn. Nhưng cũng có mụp trụ được với thời gian và sương gió... Chả thế mà có nấm Linh Chi trăm tuổi khô khốc phải dùng dao chẻ, Đông y bảo cực bổ chữa được bách bệnh. Lại còn nấm hóa thạch cho các nhà khảo cổ nghiên cứu địa tầng.
Cái nấm Văn K2 chúng tôi chẳng thể hóa thạch vì nó ngày càng teo ngót , nhưng vẫn nhậm ngọt chất linh chi trong các ngày hai mươi sáu tháng ba hàng năm, cái ngày luôn sống dậy trong chúng tôi câu hát:” Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu... Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân...”.
Chà, làm sao quên được cái buổi họp mặt chia tay lên đường năm một ngàn chín trăm bảy muơi ba ấy. Cuộc họp đủ chuyện nhưng sôi lên là chuyện về người lính mà chúng tôi sắp dấn thân vào.... Chả biết từ đâu có một chai bia Trúc Bạch để làm phần thưởng cho ai có được tiếu lâm người lính hay nhất.... Thôi thì đủ tục, thanh... nhưng cuối cùng chung khảo là ba tay mồm mép nhất.
Trạng Hoạt cứ thề là thật trăm phần trăm vì là chuyện của ông anh họ cậu, một trung đội trưởng trinh sát có hạng của trung đoàn 280 Trung Lào, đã từng là dân li-xê (1).... Hôm ấy máy bay Pháp đánh phá Đô Lương, chàng trung đội trưởng đã ở nơi yên ổn mới nhỏm người lên xem chúng bom xóm dưới, rồi buột mồm: “ Đẹp quá! đẹp quá!”. Anh ta khen hai máy bay địch cắn đuôi nhau bổ nhào phóng bom rồi vọt lên như chuồn chuồn đạp nước. Hôm sau, trong hội trường chỉnh quân, chính ủy Võ Thúc Đồng nói: “ Chúng ta cần chú ý rèn luyện lập trường giai cấp. Không thể thấy máy bay địch bổ nhào đánh giết nhân dân, tàn phá xóm làng lại khen “đẹp quá, đẹp quá”. Hôm sau, máy bay địch lại đến đánh phá. Chàng li-xê bỏ nơi đang nấp chạy đến một bụi sim trên mép hầm chính ủy, vươn cổ: “Ối giời! Xấu như cứt, lượn xấu như cứt!”. Chính ủy chỉ còn lắc đầu : “Chịu lính!”.
Cuộc họp rộ lên tiếng vỗ tay. Trạng dơ tay với chai Trúc Bạch.
-Chưa được, chưa được! Còn có ta đây! Hùng Trương Phi chồm lên.
-Được rồi, được rồi... Hoạt lên tiếng- Phải là chuyện thật đấy nhá... Nhân vật của tớ là có thật. Võ Thúc Đồng lúc ấy là thường vụ khu ủy khu Tư, chính ủy mặt trận Trung Lào, hiện là ủy viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Còn ông anh họ tớ là chiến sỹ thi đua Trung đoàn, hiện chăn bò tại nông trường Mộc Châu.
-Ối, ối... bây giờ lại đi chăn bò à? Tiếng cười rộ...
-Chà! Hoạt gãi đầu- Cái người chẳng chịu ai, có máu chọc ngoáy thì đời nó thế, dù là ông li-xê, ông chiến sỹ thi đua...
-Được, được...-Hùng nói- Nhân vật của tớ cũng là chiến sỹ diệt máy bay Mỹ và cũng là ông anh họ....
-Ối, ối.. cũng là một ông anh họ... Tiếng cười lại rộ lên.
-Im đi nào... và chuyện cũng mới xảy ra thôi... Ông ấy là lính cao xạ. Trên đường hành quân, phúc đức thế nào đoàn xe lại trú nắng ở ngay cây đa đầu làng. Ông ấy báo cáo chỉ huy vào xóm nhờ đi đồng rồi tót ngay về nhà; vội mà lại vòng qua một đám xã viên đang gặt lúa. Quả là vợ ông đang ở đó. Bà đội trưởng liền bảo với mọi người là quên túi cứu thương....
-Mỹ ngừng ném bom miền Bắc rồi cỏ mà?
-Vẫn phải luôn cảnh giác, thằng địch có thể lật lọng..
Chuyện vẫn đựợc tiếp một cách tỉnh bơ: ...Hộc tốc chạy về nhà, bà đội chưa kịp đỡ túi dết cho lang quân thì thằng con năm tuổi xộc về. Nó đang ê a học hát thì cô mẫu giáo bảo hình như bố cháu về, thế là nó tót về luôn.
-Thật khốn khổ cho anh lính... Tiếng cười lại rộ lên.
Nhưng đã là chiến sỹ cao xạ thì phải nhanh nhạy, đáp ứng mọi tình huống... Ông pháo thủ liền rút ra tờ một hào bảo con chạy ra hàng bà Mạc mua hai điếu thuốc, còn bao nhiêu thì mua kẹo mà ăn. Thế mà... thoáng một cái, thằng nhóc trở về ngay vì nó rất xán bố và quán bà Mạc thì xa xôi gì...
-Thật khổ cho anh lính! Tiếng cười rộ lên...
-Không sao, không sao! Lính cao xạ cơ mà... Việc đã tắp lự xong từ khi cái mũ sắt ngoắc lên con sỏ vẫn còn đung đưa, lộp cộp va vào vách.
-Trời! Đúng là pháo thủ cao xạ, tắp lự, máy bay bị hạ ngay...Bái phục, bái phục...
Cuộc thi sắp vào kết thì Nghiêm Gia Cát khoát tay:
-Khoan đã, vẫn còn ta đây.... Có một anh lính đi đò dọc.....
-Ê, lại chuyện đò dọc, và cũng là chuyện ông anh họ chứ gì?
-Thì cứ cho là vậy! Nghiêm tỉnh bơ: Ngày ấy làm gì có ô tô mà không đò dọc? Đò dọc thì phải đi đêm-ban ngày cho mà bỏ mẹ với máy bay à?... Không đèn đóm- cái thằng bà già xăm xoi như cú. Chật như nêm, gấp vạn lần chen tàu hỏa bây giờ...
-Lại người nọ ngồi lên chân người kia , chân người kia xía vào mông người nọ chứ gì?
-Đương nhiên! Đã bảo là nêm cối mà..
-Lại mẹ buôn chứ gì?
-Tất nhiên! Chỉ có các mẹ buôn mới cơm bữa liều thân trên đò dọc....
-Lại mẹ buôn kêu toáng lên: “Có thôi không?”... Lại một ông công an rút bật lửa ra bật, bật làm ông anh họ tiếc đứt ruột ra, môm vẫn “nhân dân chưa cho thôi” chứ gì?... Ê, chuyện này đã nhàm hàng tổng.... Loại bỏ.
-Ấy, ấy, chưa hết, gắng nghe thêm chút nữa!... È hèm, tớ hỏi các cậu: bật lửa ngày ấy toàn dầu hỏa, làm gì có xăng? làm sao vài cái bật, lửa đã xòe? Và nếu có xòe thì hàng chục cái mồm thổi phụt ngay, không thì máy bay nó tia cho bỏ mẹ.... Ông lính đã lường hết nên bình chân như vại..
-Thế rồi mẹ buôn chửi toáng lên à?... Các mẹ là đanh đá lắm.
-Cái này ông lính cũng đã tính.... Tiếng mẹ buôn càng lúc càng nhỏ, nhíu lịu..., rồi lí nhí: “đồ phải gió”, khi ông lính khúc khích cười...
-Hay, hay.. Cuộc họp rộ lên- Cậu đúng là Gia Cát.... Mở chai Trúc Bạch đi Nghiêm....
x
Sau khóa huấn luyện cấp tốc ở Xuân Mai, tôi được ba ngày phép về chia tay gia đình trườc khi ra trận... và gặp một số bạn vẫn đang ở Hà Nội. Người thì ở Quán Sứ ngay sát trụ sở đài Tiếng nói Việt Nam, người thì ở một khu vây kín trên dốc Yên Phụ, người thì ở Quần ngựa, người thì ở 10 Nguyễn Cảnh Chân, người thì ở ngay câu lạc bộ Thống Nhất bên hồ Hoàn Kiếm.... Hóa ra không phải tất cả đều cầm súng... Còn phải bổ xung muôn mặt cho Mặt trận Giải phóng đang phát triển như vũ bão... Lại còn phải tính đến chuyện xây dựng đất nước sau ngày thống nhất cũng sắp đến... Khối anh còn được cử đi Tây, Tàu học, đương nhiên, chủ yếu là con các cốp. Nghiêm Gia Cát được đi học về Chủ nghĩa Xã hội khoa học ở trường Lômônxốp Liên Xô.
x
Chiến tranh kết thúc, hầu hết bọn K2 sống sót chúng tôi trở lại trường tiếp tục học rồi tỏa đi công tác khắp nơi, quy tụ tại Hà Nội chỉ còn dăm bảy. Chúng tôi quyết định lấy ngày 26 tháng 3 làm ngày họp lớp dù mưa nắng bất kỳ, công việc lút mũi. Địa điểm lúc đầu còn câu nệ trường xưa, sau lần lượt ở các nhà có điều kiện vì con số ngày càng teo. Cuộc họp cũng ngày càng nhạt vì chuyện cũ nói mãi cũng nhàm, gia cảnh của nhau cũng đã tường, mới chăng là xem hoạn lộ có gì thêm thắt.... Và xem ra các nhà tâm lý học nói thế mà đúng : nhân vật phản ánh tác giả.Trạng Hoạt hay chọc ngoáy, chẳng chịu ai, chức trưởng ban chẳng lên lại đi làm chuyên viên nghiên cứu. Hùng Trương Phi cái gì cũng tắp lự, lại thêm cái kiểu cười nhàn nhạt, chánh văn phòng chẳng đậu đi làm đội trưởng bảo vệ.
Ấy thế mà cứ đến trung tuần tháng ba hàng năm ai cũng thấp thỏm. Dù sao thấy được mặt nhau cũng mừng, cũng le lói lại một thời hào hùng, và dù sao cũng đỡ lạc lõng với thời cuộc. Cái này phần nào trông chờ Nghiêm Gia Cát. Đã qúa tuổi hưu đến ba năm, Nghiêm vẫn được giữ lại, ở cương vị đi đâu cũng có xe đưa và bảo vệ kè kè. Thú vị là Nghiêm vẫn giữ được cái mạnh mồm của thuở sinh viên.
Thế mà liền hai cuộc họp Nghiêm không đến, không gọi điện thoại mà gửi đến dăm chữ và cái tờ năm trăm ngàn. Lần thứ nhất chúng tôi đều vui vì dù bận hắn vẫn không quên và năm trăm ngàn cũng được một chầu bia cật lực. Nhưng lần thứ hai thì chúng tôi tự ái. Lật mặt sau mảnh giấy tôi ngoạch liền hai chữ “cám ơn”. Hùng Trương Phi ngoáy thêm: “ Đã xong chai Trúc Bạch”. Hoạt thì ngoằng: “ good farewell” (2). Tất cả tống lại phong bì, bảo người đưa thư cầm về cho Nghị.
Ngay tối hôm sau Nghị đến nhà tôi, lướt thướt nước mưa.
-Xe cộ đâu mà như chuột chạy lụt thế này? Tôi hỏi.
-Từ nhà, lỉnh cửa sau, tớ đi xe ôm đến đây. Các cậu đéo hiểu cái gì nên trách tớ- Nghị làm một thôi- Lúc nào cũng lù lù một thằng bảo vệ sẽ làm các cậu mất vui, lại càng không thể xả chuyện ..., mà nói như báo, đài, các cuộc họp thì các cậu đã thừa biết... không khéo còn bị mắng.
-Chà, xem ra cũng không được thoải mái nhỉ?
-Môi trường nào cũng có khoảnh của nó, chẳng thể thả giàn.... Chính các cậu bây giờ là sướng!
-Thì sướng đi, ai cấm? Hay “nhân dân chưa cho thôi?”
-Ôi chà, rắc rối lắm! Chẳng phải muốn là được, còn bao nhiêu liên quan, dằng kéo, cậy trông... ngay như bỏ thuốc lá cũng chẳng giản đơn ...
-Phải, mà nó ngày càng được tẩm ướp các hương liệu the best (3), có khi cả thuốc phiện...Ô hô, tớ đã hiểu, dã từ quyền lực, lợi lộc đâu có dễ, mà nó lại ngày một tăng trưởng.... Ừ! Cậu thành mẹ buôn đò dọc líu nhịu năm nào rồi.
Hà Nội 11-9-2012
Chú thích: (1) tiếng Pháp: licencié = cử nhân
(2) tiếng Anh: vĩnh biệt
(3) tiếng Anh: tối ưu