Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Câu chuyện dưới tán lá rợp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1850 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Câu chuyện dưới tán lá rợp
Nguyễn Thị Ngọc Tú

Phần 2

Chiến trường là nơi thể hiện phẩm chất người lính rõ ràng nhất. Mạc chiến đấu rất dũng cảm. Tôi cùng một tiểu đội chiến đấu với Mạc và được thấy nó trước tất cả mọi thử thách. Không một lần nào nó tỏ ra chần chừ, ngần ngại trước một trận chiến đấu. Hơn thế nữa nó gan dạ và mưu trí. Nó có một vài thành tích và được khen thưởng. Những điều đó làm tôi lấy lại trong mình tình cảm quý mến bạn bè ngày trước và quên dần đi những gì nó đã không phải đối với tôi.
Sau những trận đánh và truy kích địch, chúng tôi lần lượt giải phóng những thành phố. Như các bạn biết đấy, nhân dân các đô thị miền Nam đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Mạc bị cuốn hút vào những hoạt động sôi nổi của thành phố. Màu sắc sặc sỡ của nhà cửa đầy tiện nghi, lối ăn mặc của đủ loại người, những tiếng động của các loại xe gắn máy, tất cả đều hấp dẫn Mạc. Nhưng nó thích nhất xe Honđa. Nhiều lúc, tôi bắt gặp nó đứng ngây người nhìn những chiếc xe lướt trên đường phố.
- Thật là một tốc độ thích thú! Mình rất thích một tốc độ như thế. Sau này nhất định mình sẽ mua một cái xe Honđa. – Mạc nói và không ngày nào là không nhắc đến chiếc xe nó mơ ước. Ít lâu sau anh em đặt ngay cho nó một biệt hiệu là Mạc Honđa. Mạc rất thích thú với cái biệt hiệu này.
- Sau ngày giải phóng miền Nam mình sẽ ra Bắc bốc Thảo vào đây. Yên Hạ là cảnh của người già, cảnh về hưu, buồn không chịu được.
- Liệu Thảo có bằng lòng không? – Một người hỏi.
- Cái đấy thì cầm chắc. Tớ thích là Thảo thích! Thảo rất ngoan và biết chiều theo mọi ý muốn của tớ. – Mạc nói một cách khẳng định.
Chúng tôi cũng chẳng cần biết những điều đó có thành sự thật hay không vì nó còn quá xa. Những trận đánh vẫn diễn ra ác liệt và chúng tôi tiến nhanh như vũ bão. Những thành phố miền Nam được giải phóng liên tiếp. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn. Tôi bị thương ngay từ ngày đầu giải phóng thành phố nên phải vào bệnh viện.
- Xui xẻo quá, hà! – Mạc kêu lên vẻ thương cảm tôi.
Đối với Mạc, Sài Gòn là thành phố mà mơ ước đêm ngày được đặt chân đến. Vì vậy, việc tôi bị thương phải nằm viện trong khi Sài Gòn vừa giải phóng Mạc cho rằng không có bất hạnh nào lớn hơn. Kể thì cũng đáng tiếc là những gì diễn ra trong thành phố những ngày đầu tôi không được chứng kiến. Mạc bị thương lại ở phần mềm, chỉ gần một tháng nó đã khỏi. Trong thời gian chờ theo dõi kiểm tra lại nó được nghỉ công tác, và một ngày được phép đi chơi bên ngoài vài giờ.
Tôi nghe tin nó tìm được người nhà. Việc nó có người nhà trong này trước đây tôi chưa hề nghe Mạc nhắc đến bao giờ, mặc dù chúng tôi đã ở chung với nhau khá lâu và tôi cũng biết rõ những người ở trong gia đình Mạc. Vì vết thương khá nặng, tôi phải nằm viện lâu. Bạn bè thường đến thăm tôi trừ Mạc, mặc dù nó đã ra viện từ lâu và rảnh rỗi hơn nhiều anh em khác. Tôi lo lắng không hiểu vì sao. Một hôm, tôi hỏi thăm một người khá thân với Mạc. Cậu ta cười bảo:
- Cậu ấy bận với chiếc Honđa mới.
- Honđa mới? Ở đâu ra vậy? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Người nhà cho! Cậu ấy tìm được một bà thím goá. ông chú không còn nữa, bà thím đã lấy chồng khác rồi nhưng dù sao hai bên cũng đều cần nhau. Người vật chất kẻ thích tinh thần. Hai bên cùng có lợi. Bà ta có cô con gái út khá đẹp. Cô này ngoài ba mươi nhưng nom còn trẻ lắm. Hôm chúng mình đến chơi thấy cô ta đang dạy ông anh tập Honđa.
- Cô ta có chồng chưa? – Tôi hỏi và chợt nghĩ đến Thảo.
- Chưa chồng nhưng có một đứa con gái nhỏ.
- Con ai vậy?
- Sao hỏi kĩ vậy? – Người bạn kêu lên.
Tôi lặng đi trong một linh cảm đau lòng. Lâu nay, tôi đã quên hẳn con người tôi trước tình yêu của Mạc và Thảo. Tôi chỉ mong muốn sao cho họ hạnh phúc. Hạnh phúc ấy tuỳ thuộc ở Mạc. Mà Mạc lại như ngọn lửa rơm dễ bùng cháy, nhưng lại chóng tàn. Điều ấy bọn con trai chúng tôi nhìn rõ lắm. Nhưng trước đôi mắt của con gái thì ngọn lửa rơm rực rỡ có sức thiêu đốt họ. Ít lâu sau, tôi nhắn Mạc vào gặp nhưng chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Bạn bè cho biết nó đã ra ở ngoài và thỉnh thoảng bạn bè lại gặp nó vi vu trên đường phố với chiếc Cúp 50 và cô em họ.
Tôi không thể chịu nổi khi nghe những chuyện ấy. Tôi xin ra viện và đi tìm Mạc. Tất nhiên là tôi đã gặp Mạc ở nhà người thím goá của nó. Biệt thự nằm chìm trong vườn cây. Tôi ngạc nhiên khi thấy trước nhà này có hai cây doi nhỏ (ở trong này gọi là cây mận) có những chùm quả màu hồng. Đám trẻ con đang trảy doi và cười đùa ầm ĩ. Chẳng hiểu chúng là con cái nhà ai mà nhoai nhoai đủ loại. Có đứa tóc quăn tít môi dày, mắt to trắng dã, có đứa da trắng mắt xanh, lại có đứa mặt bị xị, mắt nhỏ xíu và những cái nhìn bỡ ngỡ.
- Cô Liễu ơi, nhà có khách nè! – Một đứa bé kêu lên và tiếng chuông cũng kêu lên.
Trong nhà buông ra một tiếng đanh đảnh:
- Ai đó, mời vô!
Có cái gì làm tôi bỗng thấy rụt rè ngần ngại trước những bậc đá hoa bóng loáng, rèm cửa xanh biếc, những ô kính nhiều màu.
Một người đàn bà còn trẻ đang ngồi trước bàn, chân bắt chéo ngước nhìn tôi. Phút chốc, tôi như bị choáng ngợp trước vẻ kì ảo của đôi mắt tô xanh và màu sắc rực rỡ của quần áo, mùi thơm của nước hoa và mùi son phấn… Một nụ cười của đôi môi mỏng nở rộng, bàn tay có những móng dài đỏ chót chìa ra trước mặt tôi:
- Chào anh Hai, mời anh Hai vô nhà. Chắc anh Hai đến tìm anh Mạc phải không? Anh Hai chờ chút xíu anh Mạc ra liền đó. Anh Hai ngồi đây. Bay đâu, lấy hai li trà đá…
Tôi ngồi ra trên ghế nhìn căn phòng tiện nghi sang trọng với những tủ, những gương và tranh ảnh. Nhưng thu hút sự chú ý của tôi hơn cả là người đàn bà đang đứng trước mặt tôi. Sau một phút định thần lại tôi mới thấy rõ là mình đã lầm. Cô ta không hề đẹp. Khi cô ta cúi xuống đặt cốc nước trước mặt tôi, tôi nhìn rõ những lớp phấn cứng trên da mặt, son bết trên môi và những vết sẹo ở đuôi mắt đã được che đậy bằng những vệt xanh biếc tô chung quanh.
- Anh Hai ở cùng một phân chủng với Mạc? – Người đàn bà hỏi và lúng liếng nhìn tôi, cặp lông mì chớp chớp.
- Vâng, tôi với anh Mạc cùng đơn vị.
- Sao lâu nay em không hân hạnh được đón tiếp anh Hai? Hay anh Hai mới ở ngoài Bắc vô?
- Tôi bị thương ngay ngày đầu vào thành phố này, phải nằm viện, hôm nay mới ra viện và đến đây thăm Mạc.
- Tội nghiệp quá. Anh Hai bị thương ở đâu vậy? Tội nghiệp, cách mạng vất vả gian khổ quá hà!
Mạc đẩy chiếc Honđa ra ngoài, bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ giơ ra bắt tay tôi:
- Tớ đang giở tay một chút xíu, xe kẹt xăng, tệ quá! Ồ mà cậu ra viện hồi nào thế? Khoẻ hẳn chưa. Ờ, nom cậu gầy đi đấy! Mấy hôm tớ bận quá chưa vào thăm cậu nhưng vẫn hỏi thăm luôn đấy. Nhớ cậu nhiều hôm tớ cứ nhắc luôn làm cả nhà kêu toáng lên. – Mạc vừa nói vừa ngồi lên cái xe và mở máy. Một làn khói đen phụt ra từ ống xả. Sau những tiếng nổ giòn, chiếc xe chồm lên. – Được rồi! Chà, xài thì thích nhưng khi nó hỏng thì bực hết muốn.
Mạc dựng xe, chùi tay vào cái giẻ rồi đến ngồi trước mặt tôi. Tôi nhận thấy nó béo hơn nhưng khuôn mặt lại phờ phạc và cái nhìn của nó chờn vờn ở đâu đó, tránh mặt tôi. Những câu nói tuy vồn vã mà lạnh lẽo, thân thiết mà thờ ơ… Tôi cảm thấy nó có vẻ miễn cưỡng khi gặp tôi ở đây.
- Bà thím đâu? Tôi hỏi.
- Bà đi chợ bán đồ chứ có nhà đâu. Bà có một cửa hàng ở Chợ Lớn, thỉnh thoảng mới về nhà. – Mạc đáp lờ phờ và ngáp, tay tiếp tục chùi vào mớ giẻ.
- Cô vừa ngồi đây là con gái bà ấy à?
- Ờ, cô út. Út Liễu đấy. Con bé tội nghiệp, dễ thương đáo để. Cậu thấy thế nào?
- Bố cô ta đâu?
- Ai mà biết! Ông bà buôn bán rồi đụng nhau sinh ra cô ta.
- Cậu đã nhận thư của Thảo chưa? – Tôi hỏi.
- Thảo à. Chưa. Ừ nhỉ, tớ chưa nhận được gì cả, mà cũng bận quá chưa viết thư được. Sao, thế nào, cậu có nhận được tin tức gì của Thảo không? – Mạc vồn vã hỏi và nhìn quanh như sợ ai nghe tiếng.
Tôi ngồi lặng, lòng giận sôi lên nhìn vào cái thân xác to lớn đã bắt đầu có bụng của Mạc mà thấy thương Thảo vô cùng. Bởi vì tôi biết chắc giờ đây ở nơi xa xôi dưới những tán lá rợp, Thảo đang mong chờ Mạc.
- Nghe đâu cậu có chuyện gì mới phải không? – Tôi tấn công.
- Chuyện gì? – Mắt nó sửng lên nhìn tôi. – Đứa nào lại dư luận tầm bậy? Đấy, tệ thế đấy. Ai mà sống nổi được cơ chứ.
- Sao cậu không ở với anh em mà lại chuyển ra ngoài?
- Mình ốm, cậu hiểu chưa. Ở với anh em ăn cái quái gì?
- Ốm đi bệnh viện, tớ nghĩ rằng…
- Ô, ô, tôi chán ngấy bệnh viện rồi. Tôi chiến đấu giải phóng cái thành phố này, không phải để vào bệnh viện. – Mạc kêu lên và đứng dậy mở tủ lấy chai bia lạnh ra, cứ thế tu – Hôm nay, cậu phải ở lại đây với tớ, ta kiếm cái gì nhậu lai rai nhé!
- Mình phải về!
- Làm gì mà cậu cứng khô như vậy? Đời được mấy gang tay mà khắc khổ quá vậy? Cậu thử nghĩ xem cậu cần gì nào. Cái gì cậu cũng có rồi kể cả cái khổ cậu cũng khổ nhiều rồi, bây giờ phải biết tận hưởng lấy phút hạnh phúc ở đời chứ!
Từ phòng bên nổi lên tiếng nhạc xập xình của một chiếc Akai và một giọng sướt mướt tiếp theo. Mạc liếm môi rồi đứng dậy mở tủ lấy ra một chai rượu màu xanh.
- Cậu cẩn thận không bị đánh giá đấy! – Tôi nói. Thực ra không biết nói thế nào cho đúng.
- Tở có giá rồi chẳng ai đánh được! – Mạc đáp và cười thoải mái. Vừa lúc ấy người đàn bà có tên Liễu bước ra. Cô ta đã thay bộ đồ khác, cái túi da cầm tay và hình như khuôn mặt đã được tô vẽ khác.
- Ta đi chứ không má mong anh Hai! – Cô ta nói với Mạc rồi quay về phía tôi. – Dạ cảm phiền anh Hai ngồi chơi một lát em đi chút xíu rồi về ngay mà. Anh Hai cứ tự nhiên như ở nhà…
Tất nhiên là tôi không ở lại và Mạc vừa nói những câu vồn vã đãi bôi vừa đẩy xe ra. Rồi cả hai lên xe phóng đi trước mắt tôi.
Tôi trở về nhà viết thư báo tin cho Thảo biết Mạc đang ở Sài Gòn. Nghĩ đến Thảo tôi lại tự trách mình bất lực trước cuộc sống bắt đầu hư hỏng của Mạc. Tại sao tôi không tìm cách ngăn Mạc lại trước cái dốc mà Mạc đang trượt xuống? Người bạn cùng tổ tôi hình như cũng biết tâm trạng tôi, nói:
- Thủ trưởng cũng nhắc nhở phê bình mãi rồi, cứ để nó bị kỉ luật may ra nó mới chừa được. Nó đang xin nghỉ phép đấy! Giữa lúc bận như thế này không biết nó xin phép nghỉ để làm gì nhỉ?
Những lo nghĩ của tôi bị công việc cuốn đi, tôi ít gặp Mạc và nhiều khi không nghĩ đến nó nữa. Còn Mạc, tất nhiên nó tìm cách tránh mặt tôi.
Thế rồi một hôm tôi nhận được thư của Thảo nhờ chuyển hộ cho Mạc. Tôi rất muốn biết Thảo viết gì cho Mạc, nhưng tôi đâu có quyền bóc thư và cũng không thể không chuyển cho Mạc được. Thế là tôi lại một lần nữa tìm gặp Mạc.
- Thảo gửi thư cho tớ? Kì nhỉ? Sao cô ấy lại biết địa chỉ của tớ? Mạc kêu lên và cầm lá thư tôi đưa để xuống bàn. Khi thoáng thấy bóng Liễu từ trong nhà đi ra. Mạc vội vã bỏ lá thư vào túi và vội nói lảng sang chuyện khác. Tôi bỏ ra về, nhưng Mạc giữ lại với lí do để xem thư Thảo viết gì.
- Điều ấy thì có liên quan gì đến mình?
- Mọi chuyện đều liên quan đến nhau! – Mạc cười một cách khó hiểu và khi Liễu đi khỏi, Mạc vội vã bóc thư và đọc ngấu nghiến.
Xong, Mạc lia cái thư vào tay tôi:
- Cậu đọc đi!
- Để làm gì?
- Để biết! Đời thật là một mớ bòng bong. Tại sao hồi đó… Ờ, mà cũng không sao... Cũng may là chưa cưới – Mạc lúng túng nói và bối rối đứng lên mở tủ lấy ra hai cốc vại, mở nút chai. Bọt sủi lên.
Tôi cúi xuống đọc thư của Thảo. Thư của Thảo ngắn ngủi báo tin Thảo đang học năm thứ hai y khoa. Thảo đã vượt qua rất nhiều khó khăn để nuôi các em và học tập. Một đứa em của Thảo sau khi tốt nghiệp 10 đã đi bộ đội và hiện nay cũng đang ở xa. “Những ngày tháng vừa qua em sống và làm việc được như vậy là nhờ anh – tình yêu của anh là sức mạnh của em. Em và… chờ anh. Sao anh không viết thư cho em?
Chắc anh bận lắm phải không? Nếu bận anh cố viết cho em vài chữ. Bao giờ nhận được thư của anh, em sẽ viết dài và kể tỉ mỉ cho anh nghe”.
- Cô ấy và ai đó đang chờ cậu? – Tôi trả lại thư cho Mạc.
Mạc có vẻ nghĩ ngợi. Nó ngồi im lặng với cốc bia sủi bọt cứ vơi rồi lại đầy. Mắt nheo nheo, đôi lông mày nhạt nhíu nhăn một cách khổ sở.
- Cậu không thích cô ấy đợi cậu sao? – Tôi hỏi.
Mạc thở dài vò lá thư bỏ vào túi, rồi đứng lên đi đi lại lại trong nhà, rồi nhìn tôi chăm chăm. Hình như Mạc muốn nói với tôi điều gì.
- Cô ấy mà lấy mình cô ấy sẽ khổ suốt đời, vì mình không có những thứ cô ấy mong muốn, – Mạc vừa nói vừa đi quanh. – Cô ấy cần một người khác nhưng cô ấy lại nhằm vào mình, thật tội nghiệp! Tình cảm là một cái gì không thể buộc được. Mình biết làm sao bây giờ?
- Sòng phẳng, đó là điều tốt nhất! Cậu không nên làm khổ người khác. Cậu không còn yêu người ta nữa sao không nói ngay?
- Không đơn giản như thế nữa đâu, ông ơi? – Mạc kêu lên và vò tóc. – Trời hại tôi rồi!
Mạc có vẻ đau khổ vì một điều gì đó mà tôi không thể hiểu được.
- Cậu ngại Thảo biết sự thật à? Cậu ngại viết thư thì để tớ viết hộ nhé.
- Ấy, đừng, phải từ từ, dần dần để cho Thảo quen với sự mất mát chứ không thì cô ấy chết mất! Vả lại…
Mặt Mạc thuỗn ra và tôi bỗng thấy lại hình ảnh nó đêm nào ngạo nghễ đứng bên con cáo chết. Lúc ấy, nó đẹp bao nhiêu thì bây giờ xấu bấy nhiêu.
- Cậu đã yêu cô Liễu rồi chứ gì? – Tôi hỏi.
- Cái chính là cô ấy yêu tớ, cô ấy cưa tớ, tớ đổ… – Mạc đáp và lại thở dài. – Đó là một tình yêu nóng.
- Còn Thảo?
- Thảo là một tình yêu lạnh. Thảo là quá khứ trong sạch như tuổi thơ của con người.
Mạc đã say, mắt đỏ lên và nói lảm nhảm. Tôi bỏ đi ra ngoài đường, lòng tràn ngập một nỗi buồn.
Từ đó, tôi cố tìm cách tránh Mạc. Rồi công việc lại cuốn tôi đi. Mặt trận phía Tây lại mở. Và tôi lại lên đường.
Qua nhiều chiến dịch, tôi gần như quên hẳn chuyện của Mạc. Tôi và nó không còn ở chung với nhau như trước nên không hiểu mọi chuyện diễn biến ra sao.
Ba năm sau, do sức khoẻ sút kém, tôi được điều ra Bắc an dưỡng và chuyển ngành. Tôi được trở lại với nghề dạy học của tôi, chỉ có điều chưa biết tôi sẽ dạy học ở đâu?
Tôi trở lại Sài Gòn và chuẩn bị ra Bắc. Tôi hỏi thăm và được biết Mạc đã xin ra khỏi quân đội chuyển về làm ở một cơ quan thương nghiệp của quận hay phường gì đó. Mạc đã lấy Liễu…
Về Hà Nội, người tôi đến thăm đầu tiên là Thảo. Tình yêu của tôi và Thảo đã chết từ lâu. Trong tôi chỉ còn một tình thương như đối với một người sa cơ lỡ bước. Biết đâu trong những năm qua Thảo vẫn chung thuỷ chờ đợi một con người bội bạc. Tôi nghĩ rằng lần gặp này dù Thảo có đau khổ đến đâu tôi cũng vẫn nói sự thật về Mạc…
Tôi hồi hộp biết bao khi lại nhìn thấy những tán lá rợp xanh ngắt trên bầu trời Yên Hạ. Những hồ nước rộng, trong veo, những con sóng nho nhỏ thì thầm như bao lời tâm sự. Một không khí dịu dàng trìu mến bao quanh và làm tôi như tiêu tan đi bao nhiêu nhọc mệt và bụi đường xa. Tôi ngồi trên mô đất và cố tìm nhận ra trong cái vùng xanh đậm của những tán lá ấy đâu là cây của nhà Thảo. Và tôi theo những ước đoán lần tìm nhà Thảo. Nhiều người chào hỏi và nhận ra tôi. Chắc rằng chỉ cần vài lời thăm hỏi là tôi biết được tin tức về Thảo, nhưng tôi lại không hỏi một lời. Tôi muốn tận mắt được thấy một cuộc sống mà chắc rằng sẽ thay đổi. Biết đâu Thảo lại không đi lấy chồng và đã ở nhà khác.
Ngôi nhà vẫn nhỏ nhắn và nép dưới cây xanh. Nền nhà cũ mà Mạc cùng Thảo đắp lên ngày trước giờ đã tôn cao hơn lở lói vì mưa nắng. Ngực tôi đập thình thịch khi nghe tiếng trẻ con trong nhà vọng ra. Một chú bé chừng ba tuổi đang chơi quả bóng cao su trên nền đất dưới mái hiên với con mèo. Quả bóng lăn ra hè, thằng bé chạy theo nhặt, và nhìn thấy tôi. Nó đứng ngây ra một lúc rồi mới nói:
- Cả nhà cháu đi vắng rồi!
- Cho chú vào chơi một tí có được không? – Tôi nói.
- Cháu không có xìa khoá – Thằng bé đáp và chỉ vào cái khoá treo ngoài cổng gỗ.
Tôi thoáng nhận ra trên khuôn mặt nhỏ bé ấy những nét quen thuộc: vầng trán xanh xao và nụ cười ngượng nghịu.
- Cháu là con ai thế – Tôi hỏi và hồi hộp nhìn thằng bé, cầu mong được nghe từ đôi môi nhỏ xinh ấy một cái tên xa lạ.
- Cháu là con mẹ Thảo… – Nó nói.
- Thế bố cháu đâu? – Tôi hỏi và ngồi xuống một mô cỏ.
- Bố cháu không có ở đây đâu, bố cháu đi xa lắm, bố cháu đi đánh thằng Mỹ cơ...
- Bố cháu tên là gì?
- Bố cháu tên là anh bộ đội...
- Cháu ra đây chơi với chú đi!
- Mẹ cháu không cho cháu ra ngoài đâu.
- Chú quen mẹ cháu, cứ ra đây với chú! – Tôi dỗ dành thằng bé và trong tôi nổi lên một mong muốn đến khao khát được ôm nó vào lòng. Thằng bé cũng muốn ra với tôi nhưng có lẽ sợ mẹ mắng nên nó cứ đứng ngây ra tì trán vào những chấn song. Tôi giơ tay qua chấn song cổng xoa lên tóc nó. Mái tóc nó thưa hoe hoe, cái cổ gầy và hai bàn tay nhỏ bé dính đất.
- Ngày nào cháu cũng bị nhốt như thế này à?
- Cháu phải trông nhà, cả nhà có một mình cháu là con trai. Bao giờ bố cháu về cháu mới không bị nhốt. Mẹ cháu bảo thế – Thằng bé nói và nhìn tôi đăm đăm. – Bố cháu có về không hả chú?
- Chú làm sao mà biết được.
- Thế làm sao chú lại về được, chú về với em bé của chú à? Em bé của chú có phải nhốt không?
Tôi không kìm giữ được lòng mình nữa, tôi vịn những chấn song gỗ leo lên và loáng cái tôi đã ở trong sân. Thằng bé không nói một lời khi tôi ôm gọn nó vào lòng. Nó lấy tay quệt những giọt nước mắt lăn trên má tôi, nép vào tôi, tiếng nói hơi lạc đi:
– Chú ơi, thế chú cũng quen cháu à?
- Chú quen cháu, quen từ lâu lắm rồi. Cháu còn bé cháu không biết chú, còn chú vẫn nhận ra cháu. – Tôi nói và không cầm được nước mắt. Tôi cũng không hiểu vi sao tôi lại khóc, nhưng cùng với nước mắt tôi cảm thấy người bỗng vơi nhẹ đi.
Có một cái gì đó đang tan rã trong tôi. Phải chăng đây là “ba dấu chấm lửng” cùng với Thảo chờ mong Mạc về?
- Chú ơi, xìa khoá đây. Mẹ cháu bảo không được đưa cho ai nhưng chú quen thân với cháu, chú mở cửa vào nhà đi, có nước xi rô mẹ cháu để cho cháu, cháu mời chú. – Thằng bé nói và kéo áo lên. Tôi nhìn thấy một chiếc chìa khoá to đeo trước ngực nó. Nó cúi đầu gỡ chiếc chìa khoá đưa cho tôi, rồi kéo tôi lại bên chiếc khoá.
- Chú không mở đâu, mẹ cháu mắng cháu – Tôi nói.
- Không, mẹ cháu không mắng cháu đâu, nhưng mà chú không được làm bừa nhà cháu, chú không cho bánh vào nước chè nhé!
- Thế cháu hay bỏ bánh vào nước chè à? – Thằng bé toét miệng cười – Đó là nụ cười đầu tiên từ lúc tôi gặp nó. Những cái răng sún cười với tôi. Tôi không mở khoá vào nhà. Tôi ngồi chơi với thằng bé cùng con mèo, rồi đi quanh vườn. Tôi đi ra sau hồ và ở đâu sự thiếu vắng đôi bàn tay của người đàn ông cũng hiện ra rất rõ. Cỏ rêu phủ mờ các lối đi và trên nền nhà dãi dầu mưa nắng. Tôi muốn hỏi thằng bé con nhiều chuyện nhưng rồi tôi lại không biết hỏi gì. Thằng bé có tôi thì vui hẳn lên ríu rít kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, bàn tay bé nhỏ nằm gọn trong tay tôi thỉnh thoảng lại giật mạnh để bắt tôi chú ý vào câu chuyện của nó.
Bỗng nhiên nó kêu lên:
- Chú ơi, mẹ cháu về rồi đấy!
Tôi giật mình nhìn ra ngoài, không thấy ai.
- Tiếng xe đạp của mẹ cháu đấy! Mẹ cháu đang xuống dốc đấty. Chú ơi chú không nghe thấy à?
Đúng là trong im lặng có tiếng xe đạp tới gần. Tiếng xích khô rão kêu lên rồi tiếng gọi:
- Tiến ơi, con đi đâu rồi?
Liền theo tiếng gọi, Thảo hiện ra với chiếc xe đạp cũ kĩ đèo nặng những túi và làn, rau và sách vở. Vẻ lam lũ hiện ra trong dáng đi nhanh và tất tưởi, đầu hơi cúi về phía trước. Thảo như gầy và xanh hơn, nhưng vẫn giữ được dáng nét xinh đẹp dịu dàng ngày con gái.
- Ôi! Thảo kêu lên rồi đứng sững một lúc sau mới lắp bắp: Anh đã về! Anh đã về!
Chiếc xe đạp bỗng đổ xuống đất và người Thảo như cũng muốn khuỵu xuống theo. Tôi chạy lại đỡ Thảo và đặt thằng Tiến vào tay Thảo.
- Về đến đầu làng đã nghe bà con nói có anh bộ đội đến nhà, không ngờ lại là anh! Em không ngờ anh vẫn còn nhớ đến em! – Bàn tay Thảo run lên khi mở khoá và không đợi tôi ngồi xuống ghế, Thảo hỏi ngay:
- Tất cả mọi chuyện về Mạc là thật phải không anh?
- Chuyện gì? Tôi hỏi và bỗng muốn nói dối.
Nhưng rồi khuôn mặt tôi lại không thể giấu được sự thật giữ trong lòng. Khi tôi vừa ấp úng “Không phải như thế đâu, Mạc bận việc nhiều” thì Thảo ôm mặt chạy vào trong nhà và khóc nức nở.
Hôm ấy tôi ở lại nhà Thảo và đến tối khi Thảo đã bình tĩnh tôi mới nói tất cả sự thật về Mạc. Thảo nghe rất chăm chú nhưng không một chút ngạc nhiên vì tất cả những điều đó Thảo đều đã biết.
- Có những điều em nghe người ta nói lại nhưng có nhiều điều em biết bằng linh cảm. Rồi từ những linh cảm em tìm ra sự thật. Lâu nay em chỉ sống vì công tác và thằng bé này. Không có nó, em không thể sống được như thế này dù rằng nó làm em rất cực.
Vẻ bình thản đã trở lại trên khuôn mặt Thảo. Sáng hôm sau, cô lại vào trường và lên lớp học như mọi ngày. Trước đây tôi cứ tưởng rằng tôi sẽ là người an ủi nâng đỡ Thảo, nhưng đến lúc ấy tôi mới thấy hình như ngược lại. Ở người con gái này, tất cả nỗi bất hạnh của một người bị lừa gạt và nghị lực sống của cô đã làm tôi thêm sức mạnh.
Tình cảm cũ thức dậy trong tôi với dáng vẻ tươi mới của sự hồi sinh. Sau mấy tháng an dưỡng tôi xin về Yên Hạ dạy học, và quyết định nói rõ tình thương yêu chân thành với tất cả sự vụng dại của tôi cho Thảo biết.
- Sao anh không nói những điều đó với em cách đây năm năm? Bây giờ thì quá muộn rồi. Em không xứng đáng với anh đâu. – Thảo nói và thở dài. Tôi nghe trong giọng nói có nước mắt đang chảy.
Mọi thứ đều có thể làm được, trừ cái chết. Mà anh thì đã về đây! – Tôi nói.
Thảo chỉ khóc. Để Thảo bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi đón thằng Tiến về nhà nuôi để Thảo yên tâm học tập – đợt học cuối cùng chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Rồi Thảo ra trường và nhận công tác. Chúng tôi làm lễ cưới vào mùa đông năm ấy. Có thể nói chúng tôi sống rất hạnh phúc. Thảo là bác sĩ của một bệnh viện trong thành phố.
Tôi dạy học. Bé Tiến khoẻ mạnh ngoan ngoãn. Và cuộc sống có lẽ cứ thế mà êm ả trôi đi chẳng có gì đáng kể, nếu như Mạc không trở lại miền Bắc và tìm đến Yên Hạ.

 

<< Phần 1 | Phần kết >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 932

Return to top