Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người Cắt Lau

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 301 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Cắt Lau
Tanizaki Jun. ichirô (1886-1965)

Nguyên tác Ashikari

Lời Người Dịch:
Theo niên biểu đời sáng tác của Tanizaki Jun. ichirô, tác phẩm Người Cắt Lau (Ashikari) được đăng trên tạp chí Kaizô vào tháng 11 năm Shôwa thứ 7 (1932) lúc nhà văn 46 tuổi. Ta biết lúc này Tanizaki đã thành danh. Những tác phẩm ra đời trước thời điểm đó đều được đánh giá như có tầm vóc lớn.
Từ năm 1923, sau trận động đất lớn ở Tôkyô và miền Đông, Tanizaki về sống ở miền Tây nên phần sau của văn nghiệp ông có nhiều tác phẩm liên quan đến vùng Kyôto - Ôsaka, trong đó phải kể đến Tuyết mịn (Sasameyuki, 1942-1947), Góp nhặt truyện cô Cầm (Shunkinshô, 1933) và dĩ nhiên, Người cắt lau (Ashikari, 1932).
Trong một buổi mạn đàm văn học khoảng thời gian nhà xuất bản Chuô Kôron cho ra đời tuyển tập của Tanizaki, Mishima Yukio đã đồng ý với ý kiến của Donald Keene khi nhà nghiên cứu và dịch giả người Mỹ lập luận rằng trong Người Cắt Lau không phải chỉ có một truyện mà là hai truyện lồng làm một khi Tanizaki với chủ đích viếng thăm đền Minase nơi thờ thái thượng hoàng Gotoba (1180-1239), đã tình cờ biết được sự tích của người con gái hiện đại đẹp như một nữ thần tên là O-Yuu. Theo Keene, lối hành văn trong truyện này cũng giống cách Prosper Mérimée (1803-1870) viết Carmen. Nhân đi tìm những phế tích La Mã còn sót lại ở Tây Ban Nha mà nhà văn và nhà khảo cổ Pháp mới nghe nói đến bi kịch ái tình giữa Don Jose và Carmen. Có điều tuy cũng uyên bác như Mérimée nhưng thủ pháp của Tanizaki tinh xảo hơn. Trước khung cảnh hoang vu của ly cung Minase, với một giọng văn hoa lệ pha đôi chút khinh bạc, ông đã sử dụng điển cố thi văn Trung Quốc và Nhật Bản để làm sống lại được cái thế giới phong lưu của một thời đã qua.
Nhân vật người cắt lau không phải là vai chính. Ông ta chỉ dòm trộm quá khứ qua lỗ khoá và khoác lác với đời sau. Nhưng tại sao ông ta lại đội lốt người cắt lau ? Phải chăng ông là hậu thân của người đàn ông lưu lạc trong truyện dân gian, cắt lau bán độ nhật, sau được đoàn tụ với vợ mình trong tác phẩm cổ điển Yamato Monogatari (do tác giả vô danh thu góp, ra đời khoảng thế kỷ thứ 10) ? Hay là một hình tượng dân dã cùng một loại với ông tiều, nhà sư tu trên núi, người múc nước triều làm muối ... thấy trong waka giúp cho bài thơ có một bối cảnh nhiều phong vị ? Hoặc chỉ là hồn ma trong tuồng Nô kể cho thầy tăng vân du sự tích trong vùng thầy ta đang đi qua? Người cắt lau đó cũng có thể là Tanizaki-lữ-khách, tưởng gặp một hồn ma nhưng rốt cuộc gặp chính bóng của mình.
O-Yuu (cô Du) trong phần thứ hai của câu truyện, một người có nhan sắc lộng lẫy kiêu kỳ mà nhân vật nam không với tới được, nhân vật nữ cũng phải tôn thờ, có phải là hình bóng nối tiếp trong chiều sâu lịch sử những cô gái làng chơi (du nữ) được thần thánh hóa như bồ tát trong phần đầu hay không ? Hoặc nàng là hóa thân của Kaguya-hime, cô tiên trên cung trăng bị đọa xuống trần làm con lão tiều đốn trúc trong cổ tích Taketori Monogatari (1)  của Nhật Bản? Đó cũng là một câu hỏi thú vị vì nó liên quan đến khuynh hướng sùng bái nhan sắc phụ nữ thấy qua văn chương Tanizaki.
Nguyên tác Ashikari rút từ Tuyển tập Văn Học Nhật Bản (Nihon no Bungaku), quyển thứ ba trong ba quyển dành cho Tanizaki Jun. ichirô (các quyển 23,24 và 25) mà nhà Chuuô Kôron phát hành năm 1967. Người dịch đã tham khảo Le Coupeur de Roseaux, bản dịch Ashikari sang Pháp văn của Daniel Struve, Gallimard, 1997 để học hỏi lối dịch. Văn Tanizaki trong truyện nầy cũng như bao truyện khác, lê thê, lập đi lập lại, lè nhè một cách cố tình, không câu nệ lối chấm câu ngắt đoạn và lược hết chữ Hán nên rất khó hiểu (nhưng phải chăng đó cũng là cái duyên dáng của thuật kể truyện như " ông già bà cả " theo phong cách Tanizaki ?).


***
 Nghĩ thầm em đã vắng
Để mình tôi cắt lau
Trên bãi Naniwa
Làm sao vơi cay đắng

Đó là chuyện xảy ra vào tháng chín một năm hồi tôi còn sống ở vùng Okamoto (2). Thấy trời quá đẹp, khoảng chiều chiều, nói là chiều chứ lúc ấy vừa mới hơn ba giờ thôi, tôi bất đồ thèm đi dạo mát một vòng trong vùng. Đi xa đã không đủ thời giờ mà đi gần lại toàn những chỗ tôi viếng hết rồi. Sau khi đắn đo suy nghĩ không biết có chỗ nào thả bộ được hai ba tiếng đồng hồ, lại phải là một nơi thiên hạ quên lãng mà cả tôi lẫn người khác nếu không chịu nghĩ một chút sẽ tìm không ra thì mới được, tôi chợt nhớ ít lâu nay mình đã nuôi ý định viếng đền Minase mà chưa bao giờ có dịp. Đền Minase được cất lại trên nền cũ ly cung của thái thượng hoàng Gotoba (3) nơi được nhắc tới trong chương "Vùi trong cỏ gai" của bộ sử truyện Masu-kagami (4) như thế này:

"Thái thượng hoàng thường ngự ở các cung Toba hay Shirakawa ngài đã cho sửa chữa nhưng còn xây thêm một ly cung còn trang nhã hơn ở một nơi tên gọi Minase (5) mà xa giá đến thường xuyên. Người đời ai cũng biết rằng ngài đến đây để di dưỡng tính tình, ngắm hoa đào mùa xuân, lá hồng mùa thu, tiêu dao ngày tháng. Đặc biệt từ ngự sở có thể ngắm cảnh dòng sông đang chảy ngoài xa. Một ngày trong năm Genkyuu (1204-1206), nhân họp mặt bình thơ, thái thượng hoàng đã gieo những vần như sau:
Minase nước đôi bờ,
Dâng sương chân núi xa mờ âm u.
Cớ sao sông chuộng chiều thu?
Những hành lang, lối đi, điện đài đều có mái lợp tranh, chỗ nào trông cũng hết sức đẹp đẽ. Trước mặt cung có bày lớp đá xếp thành hình thác nước đang đổ từ núi xuống, còn trong sân, những nhánh tùng lùn chen cành cùng với đám cây rừng phủ dày rêu xanh, quả thật là phong cảnh u tịch của nơi có thể dung thân nghìn đời. Trong thời gian ngài hạ lệnh tạo dựng khu vườn, thái thượng hoàng có vời một số người đến chung vui. Vào cuối buổi, quan tham nghị bậc trung là Teika (6), lúc ấy địa vị hãy thấp kém, dâng bài thơ sau này:
Trải nghìn năm vẫn không già,
Tùng con báo trước triều ta lâu bền.
Sóng nước len đá trong vườn,
Nhiều như năm tháng quân vương trị vì.
Như thế, thái thượng hoàng ngự ở cung Minase giữa tiếng tơ tiếng trúc, xem cảnh vật thay đổi theo hoa nở lá hồng. Ngài tận hưởng cuộc nhàn du và chỉ sống theo lòng mình muốn".

Trên đây là sự tích mà sách sử ghi chép về dấu vết cung điện của thái thượng hoàng Gotoba. Ngày xưa, khi tôi vừa biết đọc Masu-kagami thì câu chuyện về cung Minase luôn luôn ám ảnh tâm trí. Từ xa ngắm dòng sông Minase dâng sương trùm chân núi và hỏi dòng sông sao lại chuộng buổi chiều thu! Tôi thích cái tâm tình thái thượng hoàng đã thổ lộ qua thơ.

Thơ ngài làm, biết bao nhiêu bài tôi vẫn khắc ghi trong tâm khảm, ví dụ khi ngài vịnh về bến Akashi có câu "Thuyền câu chèo vào sươngmù" hay trong thời gian ngài bị đày ngoài đảo Oki "Ta bỗng thành ra người gác đảo". Tuy nhiên, riêng lúc đọc bài thơ này, tôi thấy phong cảnh vừa bùi ngùi vừa ấm áp của một dài sông phía thượng nguồn Minase trở về trước mắt như một vật xa cách lâu ngày. Thuở ấy tôi chưa rành địa lý vùng Kansai nên chỉ phỏng đoán cung Minase tọa lạc ở một chỗ nào đó gần Kyoto. Thật tình lúc đó tôi cũng chẳng để tâm xem thực sự nó ở đâu nữa. Gần đây thôi, mới nghe nói nó nằm bên bờ sông Yodo, cách nhà ga Yamazaki có vài trăm mét, không xa chỗ giáp ranh giữa hai xứ Settsu và Yamashiro, và ngày nay, trên dấu vết cung xưa, người ta đã xây thêm ngôi đền thần đạo để cúng tế thái thượng hoàng Gotoba. Như thế, một cuộc viếng thăm đền Minase là chương trình vừa vặn cho cuộc dạo mát cuối ngày như thế nầy. Đoạn đường đến Yamazaki, ngay đi xe lửa cũng không mất bao nhiêu thời giờ nhưng tốt hơn nên đáp xe điện Hankyu rồi đổi qua đường mới Shin-Keihan. Thế rồi, nhân hôm ấy đúng rằm tháng tám, trên đường về tôi nghĩ thế nào mình cũng phải ghé ngắm trăng bên bờ dòng Yodo. Ý đã quyết và bởi vì nơi đó không phải là chỗ đem theo đàn bà còn nít, tôi bèn lên đường mà không báo ai hay.

Yamazaki thuộc quận Otokuni trong xứ Yamashiro, nền cố cung Minase lại thuộc quận Mishima xứ Settsu. Nếu đi từ Osaka, tốt hơn nên lấy đường mới Shin-Keihan xuống ga Ô-Yamazaki, rồi đi ngược lại và vượt qua lằn ranh hai vùng trước khi đến được cố cung. Tôi chỉ biết về Yamazaki nhờ có một dịp nào đó đã ghé khu chung quanh nhà ga xe lửa liên tỉnh và hôm nay mới là lần đầu tiên tôi thử đi dạo dọc theo đường quốc lộ về phía tây. Đi được một đỗi, con đường chẻ làm hai nhánh. Lối bên tay mặt có một tấm cột đá chỉ đường nom đã xưa cũ . Đó là con đường đi từ sông Akuta đến Itami băng qua Ikeda. Nếu ta còn nhớ sự tích ghi chép lại trong tập ký sự chiến tranh Shinchôki (7), vùng này và ven tuyến đường nối Itami, Akutagawa và Yamazaki chính là nơi các danh tướng thời Chiến Quốc như Araki Murashige và Ikeda Shô. nyuusai đã để lại những chiến công hiển hách. Có lẽ ngày xưa nó là tuyến đường chính cũng nên. Con đường nương theo dòng sông Yodo này có thể tiện lợi cho những người dùng thuyền nhưng vì nó xuyên qua nhiều vàm sông hoặc đầm lầy lau sậy mọc tràn, có thể gây bất tiện cho khách bộ hành. Nhân đó tôi cũng biết thêm một số chuyện như bến đò Eguchi (8) ngày xưa, nay nằm ngay chỗ bên cạnh đường xe lửa vừa đưa tôi đến đây. Bây giờ, Eguchi đã ở trong khuôn vi của Ôsaka mở rộng; còn Yamazaki thì kể từ năm ngoái, khi diện tích Kyôto nới ra, nó đã được sáp nhập vào thành phố nầy. Tuy nhiên vì khí hậu và phong thổ của hai vùng Kyôto và Ôsaka không được đồng nhất như vùng Hanshin (Ôsaka và Kobe), và có lẽ những khu biệt thự cây xanh và khu gia cư hiện đại khó lòng lan rộng mãi nên Yamazaki may ra giữ được khung cảnh đồng quê thêm ít lâu nữa. Đọc truyện Chuujingura(9) còn thấy thời ấy tả cảnh lợn rừng và cướp núi vẫn lảng vảng gần đường cái làm người ta có thể nghĩ rằng ngày xưa nơi đó còn rùng rợn hơn nhiều. Ngay bây giờ, đối với hành khách sử dụng đường xe điện Hankyuu vốn đã quen mắt với phố phường thôn xóm hiện đại, hình ảnh những ngôi nhà mái rạ xếp thành hàng hai bên đường là khung cảnh thuộc về một đời nào đâu. Theo sách Ô-kagami(10) ghi lại, cũng ở nơi này, ngài Kitano Tenjin tức đại thần Sugawara no Michizane trên bước đường lưu đày, đã qui y cửa Phật và viết bài thơ bất hủ: "Ngọn cây nhà em ở đâu?. Bước đi mỗi bước ngoái đầu ta trông". Theo cuốn sử truyện, Michizane buồn phiền cay đắng vì người ta kết cho ông cái tội mà ông không hề phạm, nên trở thành tăng ở Yamazaki. Nếu thế thì trên mảnh đất này xửa xưa đã có đường giao thông dịch trạm và nơi đây phải chăng là một trạm xá cái hồi kinh đô Heian vừa mới xây xong. Tôi vừa suy nghĩ như thế vừa quan sát từng căn nhà một mà những mái hiên tối âm thầm như còn phảng phất không khí của những thời đại đã đi qua.

Muốn đi đến nền cũ cố cung, phải băng qua một cây cầu bắc ngang dòng sông có lẽ là con sông Minase, xong lội bộ thêm chút nữa ra đến đường lớn rồi quẹo trái. Ngày nay ở đó nhà nước đã bỏ tiền xây một đền thần bậc trung để tế lễ các thiên hoàng Gotoba, Tsuchimikado và Juntoku, ba vị nầy đã chịu chung vận mệnh hẩm hiu (11) sau cuộc loạn năm Jokyuu (1221). Đối với một vùng như ở đây vốn có nhiều đền thần và chùa chiền nguy nga đẹp đẽ thì cái đền bậc trung kia lẫn cảnh vườn của nó không có gì đáng kể. Chỉ vì nhớ lời thuật lại trong sách Masu-kagami vừa mới nói tới mà lòng tôi bồi hồi khi tưởng như nhìn được qua từng phiến đá cành cây cảnh tượng những cuộc yến ẩm vui chơi theo bốn mùa của giới quyền quí Kamakura thuở đó. Sau khi ngồi xuống vệ đường để hút một điếu thuốc, tôi bắt đầu lững thững đi qua đi lại trong khu vườn không mấy rộng của ngôi đền. Mảnh vườn chỉ cách con đường một khoảng ngắn và nấp đằng sau mấy túp nhà dân thưa thớt có những hàng dậu điểm đủ loại hoa mùa thu bao bọc. Nó thụt vào giống như cái túi con, yên tĩnh và khuất mắt người qua lại. Thế nhưng xưa kia cung điện của thái thượng hoàng Gotoba hẳn không chỉ giới hạn trong mảnh đất chật hẹp nầy mà phải trải ra đến tận bờ sông Minase đằng kia, nơi tôi vừa băng qua. Có lẽ khi nhìn mặt sông từ trên lầu cao xây bên bờ nước hay lúc đi dạo thẩn thơ trong khu vườn, thái thượng hoàng đã tìm ra nguồn thi hứng mà ngài đã đưa vào trong câu: "Dâng sương chân núi xa mờ âm u". Masu-kagami cũng ghi lại: "Một ngày mùa hè, thái thượng hoàng ngự ở đình câu cá trong điện Minase. Lúc ấy ngài giải khát bằng nước mát và hạ lệnh đem một loại như cơm ướp lạnh ban cho bọn công khanh trẻ tuổi đi theo. Sau đó, khi uống rượu, ngài mới phán: "Ôi chao, cái bà Murasaki Shikibu (12) xưa kia, đáng nể thật. Còn gì thú vị hơn khi biết được rằng trong Truyện Genji, bà ghi lại là bữa cơm của ông hoàng Genji có món cá hương ayu đánh được từ con sông bên cạnh hay những con cá trê loại ishibushi từ Nishiyama đem đến tiến. Phải chi ngày nay ta có thể thưởng thức những món ấy". Lúc ấy có một kẻ tên gọi Hata trong bọn tùy tùng đang đứng dưới bao lơn, không xa ngài bao nhiêu, nghe những lời đó mới hái mấy lá tre mọc bên bờ đầm, đặt lên đó ít cơm trắng đã dầm trong nước sông dâng lên ngài. Thái thượng hoàng bảo : " Trong Truyện Genji có chỗ chép "Như hạt mưa đá trên tấm lá tre. Vội tan biến khi tay ta chạm đến". Làm như ngươi cũng là một cung cách vượt người thường " Rồi ngài cởi ngự bào trao cho kẻ tùy tùng ấy và uống thêm mấy chung rượu nữa ".

Khi nhớ đến đoạn văn nầy, người ta tưởng tượng là ngày trước, cái đầm có đình câu cá có thể ăn thông với dòng sông bằng lối nào đó. Hơn thế, dòng sông Yodo phải chăng chảy đằng sau điện thờ và về hướng Nam, ở chỗ chỉ cách xa chốn nầy khoảng vài trăm mét. Từ nơi tôi đứng bây giờ, không thể nào nhìn thấy dòng nước. Bên kia bờ, ngôi đền Hachiman và ngọn Otokoyama tròn trịa thấy như treo ngang tầm mắt và tưởng chừng muốn đổ trùm lên người nhưng tôi cảm thấy không có dòng sông lớn nào chắn ngang giữa nó và mình. Tôi ngẩng đầu lên nhìn kè đá Iwashimizu của ngọn núi nầy xong quay qua đỉnh ngọn Tenno, mọc đối diện với nó phía bờ bên nầy, ở phía bắc điện thờ. Khi đang đi trên đường cái, tôi không để ý gì cả nhưng từ khi đặt chân đến đây và nhìn khắp bốn phương, tôi mới thấy mình đang đứng dưới đáy một thung lũng hình lòng chảo, hai phía nam bắc có núi chắn bầu trời như những bức bình phong. Nhìn thấy hình sông thế núi, ta hiểu được ngay vì sao tự thời Heian, vương triều đã lập một cửa quan trên đất Yamazaki và vùng nầy trở thành một cứ điểm chiến lược cho những thế lực muốn tấn công kinh đô từ ngõ phía tây. Nơi này, đồng bằng Yamashiro mà trung tâm điểm của nó là Kyoto ở phía đông, và đồng bằng Setsukasen (13) ở phía tây chung quanh Ôsaka, như bị thu lại cực hẹp và dòng sông Yodo chảy lọt chính giữa. Hai thành phố Kyôto và Ôsaka tuy được nối với nhau bằng dòng sông này nhưng điều đó không ngăn việc khí hậu và phong thổ của hai vùng có một biên giới rõ ràng phân biệt. Dân Osaka hay bảo khi trời mưa ở Kyoto thì bên tây Yamazaki lại nắng; mùa đông khi xe lửa vừa qua khỏi Yamazaki thì khí hậu bỗng trở lạnh đột ngột. Do đó, cứ nhìn cảnh các lùm tre bao bọc lấy thôn làng, nhìn cách xây cất những ngôi nhà dân dã, vẻ thanh u của cây cỏ, màu đất cát, người ta thấy nó không khác chút nào cảnh chung quanh vùng Saga và có cảm tưởng miền quê Kyoto như kéo dài lên mãi tận đây.

Đi ra khỏi khu đền, tôi men theo con đường nhỏ phía sau quan lộ và trở lại bên bờ sông Minase rồi quẹo ngoặt lên đê. Có lẽ hình dáng những ngọn núi phía thượng nguồn và cả dòng nước chắc đã chịu nhiều biến đổi trong khoảng thời gian bảy trăm năm qua nhưng cái phong cảnh như được âm thầm vẽ ra lòng tôi mỗi khi tôi ngâm nga những bài thơ của thái thượng hoàng thì không khác những gì đang trải rộng dưới mắt tôi bây giờ. Tôi vẫn thường nghĩ phong cảnh ở nơi đây phải có dáng dấp gần giống như thế này thôi. Không phải là sơn thủy hùng vĩ kỳ tuyệt với những vách núi cao vòi vọi, những thác nước bào mòn bờ đá và đổ xuống ào ạt nhưng chỉ có những ngọn đồi thoai thoải với dòng nước lặng lờ. Nhờ những đợt sương chiều bao quanh, phong cảnh ở đây thêm êm ả và thanh bình giống như một bức tranh Yamato-e (14). Thật ra, cách thưởng thức cảnh vật thiên nhiên nơi mỗi người mỗi khác và có thể có người nghĩ nơi đây không có gì đáng xem cả. Tuy nhiên đối với tôi, những ngọn núi tầm thường và dòng nước cũng tầm thường, không có gì là vĩ đại hoặc đem đến sự bất ngờ như sông núi nơi đây, lại có thể mời mọc tôi vào trong giấc mộng ngọt ngào và khiến tôi quyến luyến không nỡ rời chúng. Nếu phong cảnh chốn nầy không làm đã mắt hay đoạt hồn người ta, bù lại nó biết đón nhận du khách bằng cái mỉm cười dễ thương tươi tắn. Với những ai chỉ nhìn thoáng qua, nó không thổ lộ gì nhưng đối với những kẻ nán lại lâu hơn một chút, họ sẽ thấy mình được bao bọc bằng một tình cảm dịu dàng như trong vòng tay ấm áp của người mẹ hiền. Đặc biệt trong cái cô đơn lúc chiều về, ta muốn được cuốn hút vào trong lớp sương nhạt đang chơi vơi trên mặt nước và đưa tay ra vẫy gọi ta từ xa. Dầu vậy, thái thượng hoàng Gotoba đã đặt câu hỏi: "Cớ sao sông chuộng chiều thu ? " Bởi vì, như trong câu thơ gợi ý, nếu phong cảnh con sông này được đặt vào giữa buổi chiều xuân, nếu có làn sương hồng đang giăng mắc ngang chân núi êm ả, điểm thêm mấy chòm hoa anh đào nở rải rác hai bên bờ sông, giữa những đỉnh núi và thung lũng nữa thì sẽ ấm cúng dường nào. Ta có thể nghĩ là phong cảnh như thế đã từng bày ra trước mắt của ngài. Thế nhưng phải là một người tâm đắc với nghệ thuật như thái thượng hoàng thì mới biết thưởng thức cái đẹp sâu sắc nấp dưới cái vỏ bình dị của phong cảnh chốn nầy. Cái đẹp ấy nếu là người không có tấm lòng hoài cảm sự ưu nhã của vương triều (15) xưa thì có lẽ chỉ coi là tầm thường thôi. Mình tôi vẫn đứng lặng trên đê khi chiều dần dần buông xuống, đưa mắt về phía thượng nguồn. Nhìn qua bờ sông bên phải để tìm dấu tích ngôi đình câu cá nơi ngày xưa thái thượng hoàng đã dùng món cơm dầm nước sông với đám tùy tùng và các công khanh, tôi chỉ thấy vùng đó nay đã thành rừng cây cối um tùm chạy mãi tận đến đằng sau phía điện thờ. Điều này chứng tỏ rằng cánh rừng rộng kia có lẽ tương ứng với diện tích của nền cũ ly cung ngày trước. Không những thế, từ chỗ này có thể nhìn thấy lòng sông Yodo rộng ra, biết đó là địa điểm mà khúc cuối dòng Minase hòa nhập vào. Giờ thì tôi đã hiểu rõ ra vị trí tuyệt diệu của ly cung : phía nam có sông Yodo, phía đông có dòng Minase và nhờ nước ở chỗ mũi đất nơi hai con sông hợp lưu có thể kiến tạo một khu vườn hoành tráng rộng cả mấy vạn tsubo (16). Nếu đúng như thế thì xuống thuyền đi từ Fushimi, thái thượng hoàng có thể cập bến dưới mái hiên đình câu cá và gặp ngay được quần thần. Việc ngài đi lại được dễ dàng giữa kinh đô và ly cung phù hợp với những gì ghi lại trong Masu-kagami " Thái thượng hoàng ngự giá thường xuyên tới cung Minase ". Tôi không khỏi nhớ đến những biệt thự của các tay phú hào soi bóng trên dòng nước mà thời trẻ tôi đã thấy xây san sát ở Hashiba, Imado, Komatsujima, Kototoi , đối mặt nhau dọc theo hai bờ sông Sumida (ở Tokyo) . Có lẽ sự so sánh của tôi không được cân xứng nhưng tôi hình dung thái thượng hoàng đã đến ly cung này để tổ chức những cuộc yến ẩm và đôi lúc thốt lên: " Chao ôi, cái bà Murasaki Shikibu xưa kia, đáng nể thật ! Có điều làm sao bây giờ thưởng thức được những món ấy nữa " " hay khen ngợi một kẻ tùy tùng : " Trong Truyện Genji có chỗ chép:  Như hạt mưa đá trên tấm lá tre. Vội tan biến khi tay ta chạm đến. Làm như ngươi cũng là một cung cách vượt người thường " thì quang cảnh ấy phải chăng đã có vài điểm tương đồng với cái lề thói phong lưu của người dân sành chơi đất Edo bây giờ ? Tuy nhiên, cảnh sắc con sông Yodo, mỗi sáng mỗi chiều in bóng cái đỉnh màu xanh thẫm của ngọn Otokoyama, và trên dòng thuyền bè như mắc cửi nối liền sự giao thông với kinh đô, đã đem đến cho thái thượng hoàng một niềm an ủi và khiến những cuộc yến ẩm hội họp của ngài có thêm nguồn hứng. Đó là điều mà con sông Sumida nhạt nhẽo kia đâu thể so bì. Về sau, khi ngài thất bại trong việc lật đổ Mạc Phủ và chịu đựng 19 năm lưu đày ngoài đảo Oki, trong tiếng sóng vỗ gió gào (17), tìm lại kỷ niệm của quá khứ huy hoàng, phải chăng cảnh sơn thanh thủy tú của vùng này và những cuộc ngự du hào hoa một thời là những cái thường xuyên ám ảnh tâm trí thái thượng hoàng hơn cả ? Tiếp tục chìm đắm trong mộng ảo, trí tưởng tượng của tôi lần lượt vẽ nên cảnh tượng sinh hoạt thời đó với từng chi tiết một trong khi bên tai tôi tưởng chừng như còn vọng lại dư âm của đàn sáo cũng như tiếng suối chảy róc rách và tiếng cười nói hoan lạc của các bậc đình thần sang trọng.

Giữa khi ấy, tôi nhận ra trời đã hoàng hôn và khi lấy đồng hồ xem mới biết sáu giờ rồi. Ban ngày quá sức nóng, tôi không thể đi mà không vã mồ hôi nhưng khi mặt trời vừa lặn, đã cảm thấy gió chiều thu nổi lên làm se lạnh thịt da. Bụng đoi đói, tôi nghĩ phải đi kiếm bữa cơm chiều trong khi chờ trăng mọc. Và như thế, tôi bước xuống con đê, quay trở lại đường cái.

Không hy vọng có một cửa hàng ăn nào vừa ý ở cái thị trấn nầy, và chỉ muốn có miếng gì ấm bụng đỡ lòng, tôi bắt gặp ngọn đèn hiệu của một quán mì miến. Tôi bèn gọi hai lượng sake và hai bát kitsune-udon, thứ bánh canh bột mì có kèm bìa đậu phụ rán. Ăn xong, tôi nhờ nhà hàng hâm nóng một nậm rượu hiệu Masamune, cắp kè kè theo và bắt đầu đi xuống bãi bằng bên sông bằng con đường chủ quán chỉ dẫn để đến bến đò. Khi chủ quán biết tôi có ý định lấy thuyền ngắm trăng trên dòng sông Yodo, đã cho biết : " Tốt quá, vừa vặn xa chỗ nầy một đỗi, có bến đò cho người muốn qua thị trấn Hashimoto phía bờ bên kia. Thưa gọi là đò chứ sông ở đây rất rộng nên giữa sông có một cồn cát, trước tiên phải đi qua phân nửa sông đến bên cồn rồi từ đó lấy một con đò khác qua bờ đối diện. Dạ thầy có thể lợi dụng khoảng thời gian đó mà ngoạn cảnh ". Ông quán còn tốt bụng chỉ thêm : " Bên Hashimoto đó lại có xóm chơi bời, con đò nầy cập bến lên bờ ngay dưới xóm đó, mười giờ mười một giờ đêm hãy còn có chuyến nên nếu muốn, thầy có thể lấy thuyền đi qua đi lại nhiều lần nhìn cho mãn nhãn ". Biết chuyện hợp tình hợp cảnh như vậy tôi vui mừng quá và bắt đầu cất bước, mặc cho làn gió đêm thổi lên khuôn mặt đã ửng hồng hơi men. Con đường ra đến bến đò xem ra dài hơn khoảng cách ông chủ quán cho biết nhưng khi đi đến nơi, tôi nhận ra ở giữa sông quả có một cồn cát. Phần cuối bãi về phía hạ lưu nghĩa là trước mắt tôi đây, có thể trông thấy rõ ràng nhưng về phía thượng lưu thì đường nét chu vi của nó càng xa càng chìm theo ánh sáng mờ nhạt đang bao bọc một quãng sông nên tưởng như kéo dài mãi đến vô cùng. Nếu thế thì cồn cát nầy không phải là một cái đảo nhỏ nằm giữa con sông lớn đâu, hẳn nó là mũi đất nơi hai dòng Yodo và Katsura gặp gỡ ! Dù sao, đây là vùng đất làm điểm hẹn của các dòng sông Kizu, Uji, Kamo và Katsura và là nơi tụ hội của nước từ năm tỉnh Yamashiro, Ômi, Kawachi, Iga và Tanba. Một quyển địa dư cổ bằng tranh vẽ nhan đề " Đại cương hình thể hai bờ sông Yodo " có chép về một bến đò ở phía thượng nguồn tên là " Bến Chồn Qua " mà khoảng cách giữa hai bờ là 110 ken (18), lòng sông ở cái bến tôi đang đứng đây chắc phải rộng hơn ở bến trên đó một chút. Hơn thế nữa, cồn cát nầy không chia con sông thành hai phần bằng nhau. Cồn có vẻ sát với phía bờ tôi đang đứng hơn nhiều. Trong khi ngồi trên bãi sỏi bên bờ sông để chờ, tôi thấy con đò tách khỏi thị trấn Hashimoto tít đằng xa nơi lấp lánh mấy ánh đèn và chèo về phía cồn cát ; thế rồi khách đi đò bước xuống và cuốc bộ băng ngang cồn cát đến cái bến của con đò thứ hai để đến nơi tôi. Thật ra đã lâu tôi chưa đi đò; nhưng nếu so sánh với những lần ở các bến San-ya, Takeya, Futako và Yaguchi mà tôi còn giữ lại trong ký ức về thời thơ ấu thì cái bến đò nầy, phải chăng vì có cồn cát chia đôi dòng nước, nên có không khí thong thả chây lười hơn một bậc. Lạ cái nữa là giữa Kyôto và Ôsaka ngày nay sao vẫn còn một phương tiện giao thông cũ kỹ như thế nầy. Tôi có cảm tưởng như vừa nhặt được một vật gì quí báu không ngờ.

Trong tập sách về sông Yodo mà tôi vừa nói tới, bức tranh khắc gỗ phong cảnh Hashimoto cho thấy một vầng trăng treo giữa bầu trời đằng sau đỉnh núi Otoko, có kèm thêm một bài thơ waka của Kageki (19) :
Nhờ trăng lên Otoko,
Bao nhiều thuyền trẩy Yodo hiện ra.

Và một bài haiku khác của Kikaku (20) :

Trên Otokoyama,
Xưa trăng vẫn mới, núi là con trai ?
Trong khi chiếc đò đưa tôi chèo đến gần cồn cát, vầng trăng tròn vằng vặc đã treo sau núi Otoko (Con Trai), giống hệt như thấy trong bức họa. Cây cối xanh um bóng như nhung, ngọn núi giống một tảng mực thẫm màu vươn lên giữa không trung hãy còn vương chút ánh sáng hoàng hôn. Người lái đò ở phía bờ bên kia cồn cát mời tôi : "  Nầy ông, mau mau leo lên thuyền, còn phải đi tiếp đó " nhưng tôi nói với lại: "Dạ không, tôi nán lại trên cồn hóng gió một chút, thôi để chuyến sau!", rồi đạp vẹt đám cỏ hoang ướt sương, một mình tiến về phía đầu mũi cồn cát và ngồi xổm xuống trên bãi mọc đầy lau. Ngồi như thế chẳng khác nào giữa một con thuyền đang trôi trên dòng nước và có thể ngắm tùy thích hai bên bờ sông đang trải dài dưới ánh trăng. Đầu tôi nhìn về phía hạ lưu, con trăng nằm ở bên trái, nhưng có một vầng ánh sáng xanh lơ êm dịu ôm trọn cả vùng sông làm tôi có cảm tưởng con sông lúc nầy như tỏa rộng ra so với khi thấy nó dưới ánh sáng ban ngày hồi chiều. Bài thơ Đỗ Phủ vịnh hồ Động Đình cũng như những câu trong Tỳ Bà Hành hay một đoạn của Xích Bích Phú, những áng văn thơ chữ Hán êm tai nầy lâu ngày tôi đã quên khuấy tự dưng lại trở về âm vang trên môi tôi. Nếu nói thế thì đoàn  "thuyền trẩy trên dòng sông Yodo" mà nhà thơ Kageki đã vịnh, vào một buổi chiều ngày xưa giống như chiều nay, với cả những chiếc thuyền lớn, " thuyền ba mươi thạch ", đã xuôi ngược như mắc cửi trên mặt sông nầy. Ngày nay trên sông không còn có thuyền nào đáng gọi là thuyền mà chỉ còn những chiếc đò chở được năm sáu người là cùng. Tôi đưa nguyên nậm rượu Masamune đem theo lên miệng tu, vừa uống vừa chếnh choáng cao giọng : Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt (21). Trong khi đang ngâm mấy vần thơ ấy tôi bất chợt nhớ ra ngày xưa những nơi lau lách đìu hiu thế nầy đã xảy ra những tình huống tương tự từng thấy trong Tỳ Bà Hành của Bạch Lạc Thiên. Nếu những thôn làng như Eguchi và Kanzaki thực sự nằm ở phía hạ lưu một chút thì hẳn có không ít những nàng kỹ nữ đã lai vãng quanh vùng trên những con thuyền nhỏ len lỏi giữa mấy khóm lau. Hồi thời vương triều, có văn nhân Ôe no Masahira (22) đã viết thiên thuật sự " Quang Cảnh Gái Làng Chơi " (Yuujo wo miru no Jo) để nói đến hoạt động nhộn nhịp của các chị em và không khí trăng hoa suốt một dãi sông này :

" Vùng Kayô (Yamazaki) (23) nằm giữa địa giới ba xứ Yamashiro, Kawachi và Settsu, là một cửa biển trọng yếu trong thiên hạ, khách bốn phương đông tây nam bắc khi đi lại đều phải ghé qua. Những kẻ buôn hương bán phấn ở dưới vòm trời này, không kể già trẻ đều dắt nhau đến đây. Xóm ăn chơi đối mặt hai bên bờ, họ cột thuyền trước cửa nhà, chèo kéo khách giữa dòng sông. Những cô trẻ làm xao xuyến lòng các ông bằng son phấn và tiếng cười giọng hát, các cô luống tuổi thì nấp dưới bóng dù, ra hiệu cho hay mình đang trống bằng cách chống ngọn sào. Ôi thôi, màn thúy buồng hồng, cho dù không theo lễ giáo con nhà nhưng một cuộc vui vầy trong thuyền trên sóng không đáng để đời hay sao ! Mỗi lần đi ngang qua đây và nhìn quang cảnh nầy, ta không sao nén được tiếng thở dài ".

Qua nhiều thế hệ, con cháu Masahira có người tên Ôe no Masafusa (24) lại viết "  Bút ký về gái làng chơi " (Yuujoki), trong đó ông tả kể lại cuộc sinh hoạt diễm tình và sống động ven bờ sông này :

" Bờ nam bờ bắc không biết bao nhiêu là xóm làng. Một phân nhánh con sông chảy vào xứ Kawachi. Trong vùng gọi là Eguchi có hai trang trại, một cái tên là Miharagi thuộc về Sở Dược Thảo, một cái tên là Oniwa thuộc về Sở Bảo Trì. Khi sông vào xứ Settsu, lại qua các vùng Kanzaki và Kanishima. Nhà cửa nơi đây cứ mọc san sát, không còn chỗ lọt. Gái làng chơi tụ lại thành nhóm, chèo những chiếc thuyền con cập vào thuyền buôn lớn và rủ rê khách chung chăn gối. Tiếng hát của họ vọng đến mây trời, âm nhạc hòa theo gió nước trên dòng. Thấy nói người qua lại không ai còn nhớ về nhà và thuyền câu, thuyền buôn cứ liên tiếp mắc vào nhau lấp cả dòng sông, hết còn thấy được mặt nước. Chốn này quả là địa điểm hành lạc số một trong thiên hạ ".

Bấy giờ tôi vừa thử đi tìm trong đáy ký ức mơ hồ của mình một số đoạn văn mà tôi góp nhặt và đem ra được, vừa ngắm mặt sông vắng vẻ, chỉ có làn nước trôi buồn bã dưới vầng trăng vằng vặc. Ai trong chúng ta không có chút lòng hoài cổ. Nhưng sắp đến cái tuổi năm mươi dễ xúc cảm thì nỗi buồn bâng khuâng lúc thu về mà hồi son trẻ tôi chẳng đoái hoài gì, lại đè nặng không sao tưởng tượng. Một ngọn lá sắn lay động trước ngọn gió thôi cũng đủ làm lòng tôi dậy lên niềm cảm xúc khôn nguôi. Huống chi trong buổi chiều như hôm nay, lại ngồi bó gối ở nơi như chốn nầy, làm sao tôi không cảm thấy cái mong manh bèo bọt của những mưu đồ do con người mà nay không còn vết tích, cũng như làm sao không luyến tiếc về thời đại hoa lệ đã tan biến vào quá khứ. Trong tập " Bút ký về gái làng chơi " có ghi lại tên tuổi nổi như cồn của các nàng kỹ nữ thưở ấy : Kannon (Quan Âm), Nyo. i (Như Ý), Kôro (Hương Lô), Kuujaku (Khổng Tước). Ngoài ra còn truyền lại danh tiếng những Kokannnon (Tiểu Quan Âm), Yakushi (Dược Sư), Yuya (Hùng Dã), Naruto (Minh Độ). Những nàng con gái chọn cuộc đời sóng nước ấy bây giờ đã về đâu ? Nếu các nàng chọn biệt hiệu có hơi hướm Phật giáo như thế bởi vì, cứ theo lời người ta, các nàng đinh ninh chuyện bán dâm là một sở hành của bồ tát. Hình dáng những người con gái tự cho mình là hoá thân của đức Phổ Hiền (25) và có lúc đã được các vị cao tăng cúi lạy kia có còn bao giờ xuất hiện trở lại trên dòng nước để rồi tan biến đi như những bọt sóng hợp tan ?

Tăng Saigyô (26) viết : "Khi dạo quanh những vùng kỹ nữ sống như Eguchi hay Katsuramoto, ta thấy nhà cửa của họ chen chúc nhau hai bên bờ nam bắc của dòng sông. Tội nghiệp thay, họ phải kiếm ăn bằng cái nghề chiều theo ý khách ! Rồi họ sẽ ra sao khi rời bỏ cuộc sống vô nghĩa này để sinh về kiếp sau ? Hay cái nghiệp chướng từ những đời trước lại bắt họ phải tiếp tục đời buôn hương bán phấn ? Để sống cho được một kiếp người chỉ thoáng như giọt sương, họ đã làm cái nghề mà Đức Phật nghiêm cấm. Nào chỉ có mang tội vào thân một mình, họ còn đáng trách vì đã làm cho tan nát bao nhiêu cuộc đời khác. Thế nhưng đã có bao nhiêu kỹ nữ được siêu sinh về cõi tịnh độ vì tuy làm hại cuộc đời của khách trên bến, cũng có những kẻ thực sự có lòng tốt ".
Có lẽ như thế thì các nàng kỹ nữ, như Saikyô nghĩ, đã thác sinh về đất Phật và giờ đây, với một nụ cười thương cảm, đang ngắm nhìn sự sa đọa của thế nhân, cái điều duy nhất không hề thay đổi trên cõi dương trần.
Giữa khi một mình đang tiếp tục đắm chìm trong dòng suy tưởng, một đôi tứ thơ lại chợt đến trong đầu, sợ nhỡ quên, tôi mới lấy sổ tay ra chép lại bằng bút chì dưới ánh trăng. Dè sẻn chút rượu còn sót lại, tôi tợp một ngụm, cầm bút chép, rồi lại tợp thêm ngụm nữa để chép tiếp, lập đi lập lại như thế cho đến giọt cuối cùng, xong ném cái nậm không thật xa ra ngoài dòng. Chính lúc đó tôi nghe tiếng lá lau lay động xào xạc cách chỗ tôi không xa và vừa khi tôi ngoảnh về phía phát ra tiếng động, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi xổm trong đám lau, kiểu giống như tôi tựa bóng với hình. Ngạc nhiên, trong một chốc tôi lặng người nhìn bộ dạng ông ta không chút e dè nhưng người đàn ông ấy vẫn tỉnh queo, lên tiếng chào tôi với một giọng thoải mái :
" Trăng đẹp quá, ông hén ! Tôi thấy ông chịu chơi hết chỗ nói. Thiệt ra tôi ngồi đây nãy giờ lâu rồi nhưng không dám quấy rộn sự thanh thản của ông. Hồi nãy có trộm nghe ông ngâm Tỳ Bà Hành làm tôi cũng ngứa ngáy muốn đọc mấy câu thơ. Vậy thì ông có cho phép tôi làm nhàm tai ông một chút không ? "

Ở Tokyo đâu thấy ai bắt chuyện trơ trẽn với người không quen như cái ông nầy nhưng từ lâu tôi đã hết lấy làm lạ với tính bộp chộp của người dân miền Kansai nếu không nói đã trở thành giống họ nên trả lời không chút khách sáo:
" Thế thì quí hóa quá. Ông cho nghe đi chứ ! "
Người đàn ông đó liền đứng dậy, rẽ lau tiến đến bên cạnh tôi:
"Xin vô phép hỏi ông nhưng ông có dùng chút rượu không?"

Ông ta vừa mời vừa đưa tay gỡ một vật gì buộc bằng một sợi dây trên đầu cây gậy bằng gỗ thô. Nhìn lại thì đã thấy tay trái ông ta đang nắm một quả bầu còn trên tay mặt chìa về phía tôi một cái chén sơn .
"Tôi vừa thấy ông vứt nậm rượu mà tôi lại còn chút đỉnh đây nè. " Ông ta lắc lắc quả bầu. "Xin ông dùng chút rượu nhạt để tôi được cảm ơn ông chịu nghe mấy câu thơ tào lao tôi sắp ngâm đây. Nếu đang mềm môi mà phải ngừng thì còn gì hứng. Ở đây gió sông lại mát, có quá chén một chút chắc cũng không sao".
Chưa biết tôi có chịu hay không thì ông đã bắt tôi cầm lấy cái chén. Rượu rót vào gây âm thanh ục ục vui tai. "Cám ơn, tôi không làm khách đâu!", vừa nói tôi uống một hơi sạch bách. Không hiểu rượu này là loại gì nhưng sau khi đã uống một nậm Masamune nóng rồi, tôi mới nghiệm ra đây là một loại sake lạnh, dìu dịu, thơm mùi hương gỗ, để lại một cảm giác mát mát trong miệng. "Nầy, ông làm thêm chén nữa đi...Nầy, chén nữa nào!" Ông ta bắt tôi uống hết ba chén và khi tôi vừa uống xong chén thứ ba thì ông ta bắt đầu hát một điệu trong tuồng Nô nói về nàng Kogô (27). Có lẽ vì ông ta đã uống nhiều rượu nên làn hơi không được dài, phải gân cổ. Giọng ông lại không ngọt lắm mà cũng chẳng to nhưng được cái sâu lắng và lão luyện. Dầu sao cách hát của ông có vẽ trầm tĩnh chứng tỏ là người đã khổ công tập luyện lâu năm. Hơn nữa, lúc ngồi hát không ngượng ngùng trước một người khách lạ là tôi, ông đã để mình chìm đắm vào thế giới của vở tuồng, không cho bất cứ điều lo lắng nào có thể xáo trộn. Nghe ông hát, tôi thấy tâm hồn bay bổng của ông giao cảm được với hồn tôi, làm tôi nghĩ cho dầu tài nghệ chưa đạt đến mức cao diệu nhưng trong nghề chơi mà nuôi dưỡng được cái tâm hồn nghệ sĩ như ông ta thì đã không phải là chuyện đùa.
"Thật hay hết chỗ nói. Cảm ơn ông đã cho tôi được hưởng những giây phút thú vị như thế nầy!". Ông bạn cũng đã hết hơi, mới uống một ngụm rượu giải khát, xong lại chìa cái chén về phía tôi: "Ông làm chén nữa coi!". Cái nón lưỡi trai của ông ta chụp tới mí mắt để lại một cái bóng đen che cả nửa trên khuôn mặt nên dưới ánh trăng, khó lòng quan sát từng chi tiết, chỉ đoán ông có vẻ trạc tuổi tôi, tuy hơi gầy và nhỏ con hơn. Ông mặc trơn mỗi cái áo dài kiểu Nhật ngoài choàng thêm áo khoác đi đường (28): "Xin lỗi hơi đường đột nhưng ông có phải người Osaka không?", tôi hỏi ông ta vì sau vài câu trao đổi, tôi thấy giọng ông ta người miền Tây chứ không phải dân vùng Kyôto.
-"Dạ đúng đó. Tôi có mở một tiệm nho nhỏ bán đồ cổ ngoạn ở phía nam Osaka".
-"Thế ông trên đường đi hóng mát về chắc?"
-"Không, không. Tôi mới tới đây hồi chiều để thưởng trăng thôi. Thường mọi năm tôi lấy đường Keihan nhưng năm nay tôi lại đánh vòng theo đường mới Shin Keihan trước khi lấy đò vượt sông. Đến được đây, tôi thích quá!". Ông ta vừa nói vừa rút ra một bọc thuốc lá rời và nhồi thuốc vào tẩu.
-"Chớ năm nào ông cũng chọn một địa điểm để đi thưởng trăng hay sao?"
-"Dạ phải" Người đàn ông ngừng giây lát để có thời giờ châm tẩu thuốc, xong, tiếp lời: "Thường tôi đi ngắm trăng ở bên đầm Ogura. Tình cờ chiều này đến đây tôi mới được xem cảnh trăng sông tuyệt diệu như thế nầy. Tôi phải thưa thật là may có ông đang ngồi nghỉ ở đây mà tôi nhận ra chỗ nầy mới đáng xem. Xin cảm ơn ông đã gợi ý cho tôi. Nhìn con trăng từ đám lau giữa hai nhánh chẻ đôi của con sông Yodo này đúng là đẹp gấp mấy nơi khác". Ông ta gạt tàn vào cái hộp thuốc mang theo người rồi lại nhồi thuốc mới vào tẩu châm lửa cho hồng, vừa nói:
- "Nãy giờ nếu ông có viết được câu thơ nào vừa ý, xin cho tôi nghe với!"
-"Không, không!" Tôi trả lời và vội vàng cất quyển sổ tay vào trong ngực áo. " Được có mấy câu vụng lắm, đâu đáng để trình ông".
-"Ôi, ông đừng dạy thế!" Ông ta tuy nói như vậy nhưng không có ý ép mà cũng chẳng nài nỉ gì thêm. Rồi như đã quên khuấy chuyện đó, ông ta chầm chậm ngâm nga một mình:
Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy,
Vĩnh dạ thanh tiêu, hà sở vi (29)

Được một lúc, đến lượt tôi cất tiếng hỏi thăm: "Ông ở Ôsaka chắc biết lịch sử và địa lý vùng nầy. Tôi có chuyện muốn hỏi ông: có phải khắp khu vực này ngay cả bãi cát mà chúng mình đang ngồi đây ngày xưa là bến đậu thuyền của gái làng chơi, chẳng hạn cái bà Eguchi no kimi (30) mà người ta hay kể? Khi tôi ngắm con trăng nầy, tôi có cảm tưởng như hồn ma bóng quế của những nàng con gái ấy đang phảng phất trước mắt. Từ nãy giờ, tôi đã khổ tâm ra sức mà không tìm ra câu thơ nào kha khá để diễn đạt được cái ảo tưởng đó của tôi".
-"Thật là đồng thanh tương ứng" người đàn ông kia không dấu được vẻ ngạc nhiên, như reo lên: "Tôi cũng mới có cái cảm giác y hệt điều ông hỏi". Không dấu được xúc động, ông ta tiếp lời: " Nhìn ánh trăng nầy, trong đầu tôi cũng hiện ra hình ảnh một bóng ma trong quá khứ".
-"Theo như tôi phỏng đoán. tuổi ông và tuổi tôi chắc cũng sàn sàn" Tôi vừa nói vừa nhìn cho thật rõ khuôn mặt người đàn ông. "Có lẽ vì ảnh hưởng của thời gian đối với bọn mình hay sao chớ như trong trường hợp của tôi thì, mỗi khi thu về là niềm cô quạnh và sự buồn chán cứ tăng lên, năm ngoái đã hơn năm kia, năm nay còn hơn năm ngoái. Nói tóm lại, mỗi mùa thu, tôi thấm thía thấy một nỗi buồn vô cớ trở về trong lòng. Phải ở tuổi chúng mình thì mới thưởng thức được với những vần thơ cổ như "Nghe tiếng gió thổi mà đâm giật mình" (31) "Gió thu lay động bức rèm buồng ta" (32) Nói như vậy đâu phải vì mùa thu buồn mà mình ghét nó. Ngược lại đằng khác. Hồi còn trẻ, trong bốn mùa, tôi thích mùa xuân nhưng có tuổi rồi thì tôi nôn nao đợi mùa thu đến còn hơn cả đợi xuân về. Cùng với thời gian, con người ta như trở nên cam chịu và mở rộng lòng mình để vui mà chấp nhận qui luật có sinh có diệt của thiên nhiên, muốn sống một cách bình lặng và thăng bằng hơn, có phải không ông?Do đó thay vì ngắm phong quang đẹp đẽ thì tìm nguồn an ủi trong cảnh vật bi thương, cũng có khác gì thay vì tham luyến cái lạc thú hiện thực thì đắm đuối nhớ về những niềm vui thỏa trong quá khứ. Nói cách khác, tâm tình hướng về quá khứ, đối với những người trẻ, chỉ là điều không tưởng, chả mảy may dính líu với hiện thực nhưng đối với người già thì nó là cách duy nhất để có thể tiếp tục sống với hiện tại".
-"Ông hoàn toàn có lý!" Người đàn ông gật gù ra vẻ đồng cảm. "Nếu ai ai cũng phải trải qua sự thay đổi tự nhiên như thế khi mình có tuổi thì điều đó cũng phải xảy đến cho tôi. Tôi còn nhớ lúc tôi hãy còn nhỏ xíu, cứ đến đêm rằm tháng tám, ông già tôi bắt tôi phải lội bộ theo ông hai, ba dặm (33) đường trong đêm trăng. Ngay bây giờ, tới ngày nầy tháng nầy tôi vẫn còn nhớ lại những kỷ niệm của thời xưa ấy".
Ông già tôi hồi đó cũng như ông bây giờ, ổng thường bảo tôi: "Tuổi con chưa hiểu hết được cái buồn của đêm thu đâu, nhưng đến lúc nào đó rồi mầy sẽ hiểu, con ạ!".
-"Rốt cục, ông cụ hành động như thế với mục đích gì vậy? Bộ ông cụ thích ngắm trăng rằm lắm hay sao? Lại còn bắt ông lúc còn non nớt như vậy mà phải lội bộ hai ba dặm đường như thế thì ..."
-"Lần đầu tiên ông già ổng kéo tôi đi theo thì tôi mới có bảy, tám tuổi nên không hiểu gì hết. Cha con sống ở một căn nhà sâu trong ngõ hẻm, mà lúc đó bà già tôi mất đã được hai, ba năm rồi. Nhà chỉ có hai cha con, liệu chừng vì vậy, đi đâu, ổng bắt buộc phải dắt tôi theo. Dù sao, tôi nhớ ổng hay rủ: "Này, thằng nhóc! Bố đưa con đi xem ông trăng nhá !". Tôi còn nhớ, hai cha con ra khỏi nhà lúc trời hãy còn nắng rồi xuống bến Hachiken-ya lấy tàu thủy chạy bằng hơi nước - hồi đó chưa có xe điện - để đi ngược dòng sông. Hai cha con rời thuyền ở Fushimi, sau này tôi mới biết, và tôi lặng lẽ bước theo cha mải miết suốt một quãng đê dài. Cuối cùng chúng tôi đến cạnh bờ đầm lớn. Bấy giờ thì tôi hiểu đó là bờ đê Ogura và cái đầm cùng tên. Con đường tôi vừa đi qua khoảng một dặm rưỡi đến hai dặm mỗi một chiều".

Tôi mới xía miệng hỏi: " Thế nhưng, ông cụ bắt ông đi xa như thế để làm gì hở? Chẳng lẽ cụ đưa ông đi lòng vòng chỉ để xem ánh trăng chiếu trên mặt đầm thôi à?
-"Tôi chỉ biết cha tôi lâu lâu lại dừng chân trên đê, nhìn đăm đăm mặt đầm rồi hỏi tôi "Con thấy cảnh đẹp không nào!" . Vẫn tiếp tục bước theo ông, nghe cha nói trong tâm hồn nhỏ dại của tôi cũng cảm thấy ừ nó đẹp thật. Khi chúng tôi đi ngang qua một trang viện có lẽ là phủ đệ của một gia đình quyền quí, tôi nghe có tiếng đàn koto, shamisen và kokyuu (34) vọng ra ngoài chòm cây lá rậm rạp. Cha tôi dừng chân một đỗi lâu trước cửa ngôi nhà, lắng tai nghe, xong không biết bất chợt suy nghĩ thế nào mà lại bắt đầu đi lòng vòng dọc theo bức tường vây quanh phủ đệ rộng lớn ấy trong khi tôi rảo bước đi theo. Tiếng đàn koto và shamisen mỗi lúc nghe càng rõ hơn, và có cả tiếng người vẳng nhẹ ra, chứng tỏ chúng tôi đi đến gần ngôi vườn phía sau nhà. Ở đây, ngôi tường đã nhường chỗ cho một hàng rào cây xanh. Cha tôi bèn kiếm một chỗ thưa cây để có thể nhìn xuyên qua. Tôi không hiểu sao ông ta lại cứ bất động như thế và không bỏ đi đâu nữa. Tôi cũng bắt chước ông, thò mặt vào đằng sau một khoảng thưa giữa chòm lá dòm vào bên trong. Đó là một bãi cỏ rộng với nhiều ngọn đồi nhân tạo, có một con lạch nước tràn trề, trên đó là một cái sàn cao với hàng hiên lát chiếu có bao lơn bao chung quanh. Năm sáu người vừa đàn ông vừa đàn bà đang dự tiệc. Bên cạnh lan can có trưng bày một số cỗ bàn, rượu và đèn đuốc, mấy cái vò lớn cắm các loại hoa lau susuki và hagi (35) tươi ...cho ta biết mục đích của buổi gặp gỡ là để thưởng trăng. Một bà, ngồi ở vị trí chủ tọa, đang gảy đàn koto, trong khi một người đàn bà khác, búi tóc theo kiểu Shimada (36) , có vẻ là một người hầu gái, đang chơi shamisen. Ngoài ra còn có một ông già mù, chắc là nhạc sư hay lão nghệ nhân môn nào đó, đang kéo kokyuu. Từ chỗ tôi đứng, không thể nào quan sát tường tận các nhân vật nhưng đối diện với chúng tôi là một bức bình phong vàng ánh, đằng trước có một người hầu gái trẻ khác đầu cũng búi tóc kiểu Shimada, đang nâng quạt múa một điệu vũ. Cho dù không nhìn rõ nét mặt của người đó, chúng tôi cũng có thể theo dõi từng động tác một. Một phần vì thời đó làm gì điện đã bắt đến nơi, một phần có lẽ muốn tăng thêm không khí tao nhã, họ có thắp mấy chùm đèn nến bên hàng hiên mà ánh sáng chập chờn in lên trên những cột gỗ bóng và bức bình phong dát kim nhũ. Ánh trăng chiếu sáng mặt nước của con lạch, bên bờ có cột một chiếc thuyền con: nước của con lạch có lẽ lấy từ đầm Ogura vào và chiếc thuyền con có thể đưa người ta ra thẳng ngoài đầm. Một chốc sau, điệu vũ chấm dứt và mấy người hầu gái đem mấy gáo rượu sake đến rót cho thực khách. Từ chỗ chúng tôi đứng, nhìn cung cách lễ phép của những người hầu, có thể phỏng đoán bà đánh đàn koto là nữ chủ nhân và những nhân vật khác trong tiệc là khách đến chơi cho có bạn. Quang cảnh nầy xảy ra cách đây đã trên bốn mươi năm; vào thời đó, người giúp việc của những nhà cố cựu ở vùng Kyôto và Ôsaka vẫn con ăn mặc như thị nữ trong phủ đệ. Ngoài lời ăn tiếng nói, lối cư xử lễ độ, nhà chủ nếu có sở thích đặc biệt, có thể cho dạy họ cả những nghệ thuật tiêu khiển. Cái ngôi nhà mà chúng tôi đến phải là biệt thự của một nhà giàu có và người đàn bà đánh đang koto hẳn là người trong gia đình nhà chủ. Tuy nhiên bà ta ngồi mãi trong xa và gương mặt của bà bị bóng mấy cây hoa lau hagi và susuki chưng bày làm tối đi nên chúng tôi không thể quan sát rõ ràng từ chỗ mình đứng. Cha tôi như thể kiếm cho bằng được cách nhìn thật gần, đi đi lại lại không ngừng dọc hàng rào để thay đổi vị trí nhưng tầm mắt ông cứ vướng mấy cành hoa lau kia. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nét trang điểm đậm nhạt và màu áo kimono bà chủ ấy mặc, ta không có thể bảo đó là một người lớn tuổi. Giọng bà ta còn son trẻ lắm. Cho dù vì cách nhau khá xa, chúng tôi không hiểu được họ đang nói chuyện gì, chỉ riêng cái giọng nói ấy nó tách ra khỏi những giọng khác với dấu nhấn cao cuối câu, đặc điểm của tiếng nói vùng Ôsaka như "Vậy hở?", "Chắc thế đấy!"... vang lên trong khu vườn làm ta cảm thấy ngay cái tươi tắn, giàu âm hưởng, đầy sinh khí của nó, rất trong trẻo và ngân mãi ra. Người đàn bà ấy hình như đã ngà ngà say nên lâu lâu phát ra một tiếng cười khanh khách làm cho toàn thể khuôn mặt một nét vui tươi rạng rỡ đồng thời vẫn giữ được vẽ thanh lịch và đượm chút ngây thơ.
Tôi thử lên tiếng hỏi : "Bố ơi, thế mấy người nầy đang làm cỗ trông trăng, hở bố?"

thì nghe cha tôi trả lời "Chắc vậy đó con!"nhưng ông vẫn không ngừng nhìn xuyên qua hàng dậu. Tôi lại gặng thêm: "Bố có biết đây là nhà ai không?" nhưng lần nầy cha tôi chỉ ậm ừ gật đầu và có vẻ như đang bị thu hút hoàn toàn bởi cảnh tượng trước mắt. Bây giờ nghĩ lại mới thấy khoảng thời gian cha tôi cứ đứng như vậy dài tưởng như không bao giờ chấm dứt, vì trong lúc đó, mấy cô hầu đã đứng lên cắt bấc nến cũ ít nhất hai ba lần. Sau khi xem trình diễn một điệu múa nữa, nữ chủ nhân cất giọng trong thanh ca một bài, vừa đánh đàn koto đệm theo. Chúng tôi nhìn họ mãi đến cuối tiệc, lúc các thực khách đã rời hàng hiên. Tôi không nhớ rõ đường về như thế nào, chỉ biết là một quãng đi bộ rất dài và chán ngấy dọc theo mặt đê. Ông có thể hiểu tại sao tôi còn giữ được ký ức rõ ràng về một chuyện xảy ra đã quá lâu, khi hãy còn quá trẻ không? Trên thực tế, như tôi vừa có dịp thưa với ông xong ,từ hôm đó trở đi cho đến nhiều năm sau, mỗi khi đến rằm tháng tám, cha tôi lại đưa tôi đi trên con đê ấy; thế rồi, chúng tôi lại ngừng trước cánh cổng của ngôi biệt thự bên mặt đầm, lại nghe tiếng đàn koto và shamisen; để rồi cha tôi lại đi vòng bức tường thăm dò qua bờ dậu những gì xảy ra trong vườn. Quang cảnh ngôi biệt thự hầu như không có gì thay đổi theo năm tháng, mỗi lần đều thấy lại người đàn bà có lẽ là nữ chủ nhân ngôi nhà ấy với mấy người bạn nghệ sĩ và hầu gái như thường lệ tiêu khiển quanh một bữa cỗ trông trăng. Tuy rằng kỷ niệm về những điều quan sát được vào cái năm đầu tiên sẽ được bổ túc bằng chi tiết mới thu lượm trong mấy năm sau nầy nhưng phải nói là cảnh tượng mà tôi vừa mô tả cho ông nghe cứ lập đi lập lại như vậy hằng năm.
-" Ra là thế! ". Tôi như bị lôi cuốn vào thế giới kỷ niệm của người đàn ông. "Nhưng ngôi biệt thự ấy nó là cái gì thế , hở ông? Chắc cụ nhà phải có lý do gì đặc biệt mới cứ trở lại chốn đó mỗi năm chứ?
-" Lý do ấy à?". Người đàn ông trả lời sau khi chần chừ một chút : "Nói cho ông nghe thật ra không hề gì. Nhưng dù sao ông là người không quen không biết nên tôi chỉ ngại câu chuyện tôi kể nó nhàm tai và làm mất thì giờ ông thôi ".
-" Nghe đến đây rồi mà ông không cho nghe tiếp thì ức quá. Thật đấy ! "
-" Cảm ơn ông đã không quan ngại. Nếu ông có lòng quí hóa như vậy thì tôi xin được kể tiếp câu chuyện của tôi ". Ông ta vừa nói vừa kéo cái bầu rượu khi nãy ra. " Nhân nói đến ức, trong bầu nay hãy còn một ít rượu, chúng mình thanh toán nó cho xong để khỏi tiếc nuối gì nữa ". Ông ta trao cái chén cho tôi rồi lại nghiêng bầu đổ rượu vào ục ục.

Sau khi cẩn thận dốc bầu rượu, chắt cho thật kiệt, người đàn ông kể tiếp :
-" Trong những dịp cuốc bộ hàng năm đêm rằm trên đê với cha tôi như thế, mỗi khi cha tôi đề cập đến câu chuyện, mặt ông lúc nào cũng nghiêm trang và nói với tôi bằng một giọng như thể với một người cùng lứa tuổi : "Con còn trẻ nên chưa hiểu được bố nói gì đâu nhưng khi nào con lớn lên, bố mong con nhớ lại những chuyện hôm nay. Do đó, bố không coi con là con nít, bố muốn nói chuyện với con như một người lớn. " Trong trường hợp nầy , để chỉ nữ chủ nhân của trang viên mà ông dắt tôi đến mỗi năm, ông gọi " người ấy" hay " Yuu phu nhân " " Con đừng quên " Yuu phu nhân ", con nhé ! Nếu bố đưa con đến đây thường xuyên mỗi năm, là để sau nầy con có thể nhớ lại xưa " phu nhân " đã sống như thế nào!". Ông nói bằng một giọng nghẹn ngào, và tuy tôi không hiểu hết lời ông nói nhưng vì tính tò mò thường thấy ở trẻ con, lại thêm nhờ sự nhiệt thành toát ra từ cha tôi, tôi đã có thể chăm chú nghe những điều ông nói. Rốt cục, tôi có phần nào hiểu được và thông cảm với những điều ông muốn bày tỏ.

Người mà cha tôi gọi là " Yuu phu nhân " sinh trong gia đình Kosobe ở Ôsaka. Theo lời cha tôi, năm mười bảy tuổi, nàng về làm dâu họ Kayukawa và nổi tiếng là một người tuyệt đẹp. Tuy nhiên chỉ được bốn năm năm thì chồng qua đời nên mới hăm hai hăm ba, nàng đã góa bụa. Nếu là thời bây giờ, không ai ép một người đàn bà ở vậy suốt đời và những người chung quanh sẽ sẳn sàng can thiệp nếu chuyện đó xảy ra nhưng hồi đó mới đầu thời Meiji và tập tục cổ lỗ cuối Mạc Phủ hãy còn ảnh hưởng mạnh lắm. Ngoài ra, dường như trong gia đình ruột thịt cũng như phía nhà chồng có những người thân thích già cả lắm mồm, lại thêm, như lời cha tôi kể, giữa nàng và ông chồng quá cố chừng có một mụn con trai, làm cho những dự tính bước đi bước nữa của nàng không sao thực hiện được. Không những thế, O-Yuu còn được mẹ chồng lẫn chồng hết sức quí trọng vì họ cất công cưới nàng về nên chi từ khi làm dâu cô ta càng được nuông chìu, chẳng phải làm lụng, sướng hơn hồi còn con gái. Ngay sau khi đã lâm vào cảnh góa bụa, nàng vẫn còn dắt theo một đám kẻ hầu người hạ thăm núi nầy, viếng cảnh nọ, tự do sống xa hoa như thế. Người ngoài nhìn vào thì thật là một cuộc đời không chút lo âu, còn người trong cuộc ngày ngày cứ thỏa mãn sung sướng nên không cảm thấy có gì đáng nói. Đó là cuộc sống của O-Yuu ngày cha tôi mới gặp nàng lần đầu. Lúc đó cha tôi mới hăm tám, tôi thì chưa ra đời và ông hãy còn độc thân. O-Yuu hăm ba tuổi. Theo lời cha tôi kể, chuyện xảy ra vào đầu mùa hè một hôm ông đi xem hát ở khu Dôtombori cùng với vợ chồng người em gái, tức là cô dượng tôi ; O-Yuu ngồi ở một lô ngay phía sau họ, đi cùng một người con gái tuổi độ mười sáu, mười bảy và một bà già, hình như là nhũ mẩu hay quản gia cùng với hai cô tớ gái. Ba người hầu cận này ngồi đằng sau cô và thay nhau lấy quạt để quạt mát cho cô. Cô tôi cúi đầu chào O-Yuu và khi cha tôi hỏi ai đó thì được cho biết là cô dâu góa nhà Kayukawa. Thiếu nữ đi theo chính là em ruột nàng, cũng là con gái họ Kosobe. " Ba mới gặp đã mê liền ! " , cha tôi sau đó thường lập đi lập lại với tôi như vậy. Hồi thời đó, người ta lấy vợ lấy chồng rất sớm và trường hợp cha tôi, trưởng nam và kẻ thừa kế trong nhà, đã hai mươi tám tuổi mà hãy còn độc thân, chứng tỏ ông ta rất kén và đã từ chối tới tấp bao nhiêu đám người ta làm mai cho. Thiên hạ đồn và chuyện này thật ra cũng có là ông hay lui tới các phòng trà và cho dầu ông cũng có một số liên hệ tình cảm với các cô ở đó nhưng ông không chịu lấy cô nào trong đám ấy làm vợ cả. Nói cách khác, cha tôi lại - nói sao cho đúng nhỉ - khá công tử hay quan cách, nên chỉ thích đàn bà có dáng dấp quí phái, kiểu các cô như tiểu thơ trong phủ đệ, lượt là áo choàng uchikake và bắt người ta đọc Truyện Ông Hoàng Genji cho nghe giữa trướng phủ màn che cơ ! Một cô geisha không thể nào được thế. Tại sao sở thích của ông lại có vẻ không dính líu gì với bối cảnh gia đình thuộc tầng lớp buôn bán của ông ? Thật ra ngay ở Ôsaka, các gia đình thuộc loại dân có cửa hàng trong khu Senba cũng bắt kẻ ăn người làm xử sự có lề lối, phép tắc. Họ hết sức chú trọng đến kiểu cách bề ngoài và ở nhiều điểm còn tỏ ra quí phái hơn gia đình của một tiểu lãnh chúa (daimyô). Điều này giải thích được tính nết của cha tôi, một người sinh ra trong môi trường như vậy. Dù sao di nữa, khi gặp O-Yuu lần đầu, cha tôi đã cảm thấy ngay nàng là mẫu người đàn bà mà ông mơ tưởng từ lâu. Tôi không biết cái gì đã làm cho tình cảm ấy đã nẩy ra trong ông, có thể là giọng nói của nàng khi nàng chuyện trò cùng với mấy người tùy tùng mà cha tôi đã nghe được vì nàng ngồi ngay sau ông. Cũng có thể là trong cử chỉ và thái độ khác của nàng mà cha tôi đã bắt gặp được vẻ khoan thai của các mệnh phụ phu nhân. Trong các bức ảnh của nàng, ta thấy O-Yuu có đôi má tròn căng, khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ con, thế nhưng theo lời cha tôi kể, tuy nét mắt nét mũi của nàng thanh tú như mắt mũi của tất cả những người đàn bà đẹp nhưng mặt nàng lúc nào cũng như chìm trong sương khói, đôi mắt, cánh mũi, khoé miệng đều có cái gì không rõ ràng như bao phủ bởi một tấm màn mỏng, xóa đi được những nét quá cứng và nhọn. Nếu người nào chăm chú nhìn vào đôi mắt nàng sẽ có cảm tưởng nó bị che mờ và một vầng sương mù như bao phủ lấy con người của nàng. Theo lời bố tôi, chữ " quí phái thanh lịch " mà ta thường thấy trong sách xưa đúng là để chỉ một khuôn mặt như vậy, đặc biệt nó nâng giá trị của " Yuu phu nhân " lên. Ông hẳn phải có lý do gì để suy luận như vậy. Những người đàn bà nào có khuôn mặt bầu bĩnh thường lâu già nhất là khi không bị những khổ cực của cuộc đời làm cho tàn héo, và nếu tin lời của cô tôi kể lại thì nét mặt O-Yuu, trong khoảng thời gian nàng mười sáu mười bảy cho đến bốn sáu bốn bảy, không có một tí thay đổi, bao giờ cũng giữ nguyên vẻ tươi mát thanh xuân. Riêng cha tôi thì ông bị thu hút trong lần gặp gỡ đầu tiên vì những đường nét mơ hồ của khuôn mặt, vì cái gọi là " thanh lịch đài các " ấy. Chỉ cần quan sát một tấm ảnh chụp O-Yuu và nhớ lại những sở thích của cha tôi thì đã hiểu tại sao ông bị nàng thu hút như thế. Nói tóm lại, con người O-Yuu toát ra cái hương thầm của những con nộm Izukura (37) trong cung đình xưa, vừa sặc sỡ lại vừa cổ kính, gợi cho ta nhớ đến hình ảnh của những phụ nữ đài các hay tiên nữ cung trăng mà ta không với tới được. Mùi hương đó đã thấm đượm vào từng nét mặt của O-Yuu. Cô tôi, em gái út trong nhà, bạn ngày còn bé của O-Yuu, nay lớn lên lại đi học cùng một lớp đàn koto, đã thuật cho cha tôi nhiều chi tiết mà cô được biết về gia thế, về thời thơ ấu, cuộc hôn nhân của O-Yuu. . . Nàng có nhiều anh chị em, ngoài cô em út mà nàng đưa đi xem hát cùng, hãy còn có các chị các em khác, thế nhưng chỉ có nàng được cha mẹ cưng yêu hơn cả, họ dành cho nàng mọi sự chiều chuộng và chấp nhận tất cả mọi sự khó tính của nàng. Có lẽ họ đối xử như vậy một phần là do sắc đẹp lộng lẫy của nàng so với mấy anh chị em ; những người này cũng coi O-Yuu như một sự tồn tại đặc biệt bên cạnh họ và xem chuyện nàng được cha mẹ ưu đãi như một việc tự nhiên. Hay nói như cô tôi " Số O-Yuu nó có phước ! ". O-Yuu không đòi hỏi thiên hạ cung phụng mình, nàng cũng không kênh kiệu kiêu kỳ chút nào ; thế mà những người chung quanh lúc nào cũng tìm cách đỡ đần để nàng khỏi phải cực khổ. Họ chăm chút và lo lắng cho nàng như đối với một cô công chúa. Ai cũng muốn hy sinh bản thân để cho nàng khỏi phải chịu những sóng gió cuộc đời. Tính tình O-Yuu làm cho cả thảy - từ cha mẹ, anh chị em cho đến bạn bè và những người tiếp xúc với nàng - ai ai cũng đối xử với nàng cùng một cách. Khi cô tôi còn là một thiếu nữ, bà có đến nhà họ chơi và cũng chứng kiến việc O-Y Yuu được nâng niu như hòn ngọc quí của gia đình Kosobe. Họ không để cho nàng phải đụng tay vào việc nhà, các chị em khác thiếu điều hầu hạ nàng như thể họ là những con sen và xem chuyện đó không có gì đáng kể. Trong khi ấy, O-Yuu, đối tượng của sự nuông chìu, cũng tiếp nhận sự chú ý về mình một cách ngây thơ. Khi được nghe từ cô em gái những tin tức về O-Yuu, cha tôi càng yêu nàng thêm lên, nhưng sau đó, thời gian tuy trôi qua mà cha tôi chẳng tạo ra được cơ hội thuận tiện nào cả. Cho đến một ngày nọ, cô tôi biết được O-Yuu đang chuẩn bị tham dự một buổi trình tấu đàn koto, mới đến báo tin cho cha tôi. Cô tôi lại đề nghị nếu ông muốn gặp, cô sẽ tháp tùng. Hôm ấy O-Yuu tóc láng mượt, mặc áo khoác uchikake dành cho ngày hội, và sau khi đốt trầm, mới đánh bản Yuya (38). Cho cả đến ngày nay, khi muốn trình tấu một số tác phẩm cần có sự cho phép đặc biệt (39) trước của bậc thầy, người ta thường tổ chức một buổi ra mắt cực kỳ tốn kém và đòi hỏi một chi phí kết xù, cho nên những người thầy hay đề nghị những đệ tử giàu có nhất trong đám học trò của mình chơi những tác phẩm chọn lọc ấy. Để tiêu khiển, O-Yuu đã theo học một khóa đàn koto và có lẽ đã được thầy mình đề nghị trình diễn bản đó. Tôi là người từng nghe nàng hát cho nên tôi có thể, như đã thưa trước, đánh giá được phẩm chất của tiếng hát đến độ, sau khi đã biết về con người của nàng, tôi chỉ cần ngồi nhớ lại về tiếng hát đó để cảm thấy thêm một lần nữa tất cả chiều sâu của nó . Cha tôi lần đầu trong đời được nghe nàng hát và đệm koto, tỏ ra rất xúc động, Ông cũng ngạc nhiên thích thú khi thấy nàng mặc cái áo khoác kiểu cung đình dành cho ngày hội ; như thế giấc mơ mà ông ấp ủ từ bấy nay đã được thực hiện đến nổi ông vừa sung sướng, vừa nghi ngờ cả cặp mắt mình. Buổi trình diễn chấm dứt, cô tôi đi kiếm O-Yuu lúc ấy còn ở trong buồng trò, nàng vẫn mặc chiếc áo ngày hội đó. Nàng giải thích cho cô tôi là nàng không quan tâm cho lắm về năng lực trình diễn của mình nhưng luôn luôn thèm có dịp khoác chiếc áo kia, cho dù chỉ một lần thôi. Nàng còn muốn người ta chụp cho mình một bức ảnh trong chiếc áo uchikake trước khi thay đổi trang phục. Khi cha tôi nghe nói về những ước muốn của O-Yuu, ông rất vui vì thấy mình và nàng ta có chung một sở thích. Tự nhủ nếu không lấy được O-Yuu ông sẽ không lấy ai khác và nàng chính là người trong mộng từ bấy lâu nay, ông mới thổ lộ một cách kín đáo điều đó với cô tôi. Thông cảm với ước nguyện của ông anh nhưng lại biết rõ hoàn cảnh O-Yuu, cô tôi đành khuyên ông từ bỏ cái giấc mơ không bao giờ có thể thực hiện được. Cô tôi cho biết nếu không có chuyện con cái dính vào thời không sao nhưng O-Yuu lại có một mụn con trai còn non nớt và đang có trách nhiệm nuôi dạy nó. Hơn nữa, cậu bé đó là người nối dõi tông đường và gia đình đang đặt tất cả kỳ vọng trên vai cậu ấy. Không thể nào họ cho phép nàng xa con và từ bỏ gia đình Kayukawa ra đi. Không những nàng còn bà mẹ chồng, tuy mẹ ruột của nàng đã qua đời nhưng ông bố hãy mạnh khoẻ. Nếu những người trưởng thượng nầy để nàng được tự do thoải mái cho đến nay bởi vì họ tội nghiệp số phận góa bụa của nàng và muốn giúp nàng khuây khỏa trong kiếp sống cô đơn ; bù lại, đó cũng là một hình thức họ đòi hỏi nàng phải suốt đời ở vậy nuôi con. O-Yuu hiểu rõ điều đó nên cho dù nàng tận hưởng những thú vui lộng lẫy xa hoa nhưng không bao giờ làm gì để thiên hạ có thể đàm tiếu về hành vi của mình. Vì lẽ đó, cô tôi mới đi đến chỗ phỏng đoán là nàng sẽ không bao giờ bước đi bước nữa. Thế nhưng cha tôi không chịu lùi, ông cứ nài nỉ cô tôi làm thế nào cũng phải dàn xếp để ông đôi lúc gặp được O-Yuu. Ông còn cho cô tôi biết chỉ cần gặp mặt nàng một đôi khi thôi là đã thỏa lòng. Trước sự ỉ ôi của cha tôi, cô tôi không nỡ nào từ khước cái giải pháp thứ hai nầy nhưng vì cô tôi và O-Yuu tuy quen thân tự ngày còn bé, lớn lên lại trở thành xa cách nên chuyện cha tôi nhờ cũng không phải dễ thực hiện. Do đó, sau khi nghĩ đi nghĩ lại, cô tôi bàn với anh là chi bằng ông chịu khó đi hỏi cô em gái út của O-Yuu làm vợ. Nếu việc cầu hôn O-Yuu gặp nhiều cản trở thì việc tiến tới với cô em xem ra không có vấn đề gì. Cô em này tên O-Shizu, người con gái mà O-Yuu đã dẫn theo khi đi xem hát. Một cô em khác, lớn hơn O-Shizu thì đã có nơi có chốn trong khi O-Shizu mới vừa đến tuổi lấy chồng . Cha tôi đã được thấy mặt nàng trong buổi xem hát nên lời khuyên của cô tôi đã làm ông suy nghĩ. Không thể bảo O-Shizu không đẹp, nét mặt của cô ta có khác O-Yuu nhưng dù sao họ cũng là chị em, nhìn mặt cô cũng hao hao giống bà chị. Có cái hơi buồn một chút là, so với chị, cô ấy thiếu dáng dấp " đài các thanh lịch ", một đặc điểm chỉ có nơi O-Yuu. Nếu cô ấy đứng một mình thì không ai nhận ra điều gì cả nhưng khi cô ở cạnh chị thì người ta cảm thấy như một người thị nữ đứng bên cô công chúa. Nếu O-Yuu và O-Shizu không phải là hai chị em thì có thể kế hoạch hôn nhân này không có lý do gì để được đặt ra ; nhân vì O-Shizu là em gái út của O-Yuu, họ có chung dòng máu cho nên cha tôi mới có cảm tình luôn cả với cô. Tuy nhiên vì yêu cô chị mà nhẫn nhục đến mức đi cưới cô em không phải là một quyết định dễ dàng đối với cha tôi. Trước hết, nếu đã rắp tâm cô chị như thế mà đi cưới cô em thì ông thành ra không tốt với O-Shizu, hai là ông muốn cảm tình dành cho O-Yuu được trọn vẹn và không gợn lấy một điều gì để được mãi mãi trung thành với người vợ mà ông đã âm thầm cưới trong tâm tưởng. Việc kết hôn với một người đàn bà khác, cho dẫu là em gái nàng, sẽ làm đầu óc ông mất đi sự thanh thản. Nhưng mặt khác, khi nghĩ lại, ông thấy nếu mình cưới cô em thì sẽ có nhiều dịp gặp gỡ và trò chuyện với nàng. Trong trường hợp ngược lại, suốt đời ông chỉ có thể bằng lòng với đôi lần gặp gỡ tình cờ. Nghĩ thế, đầu óc cha tôi rối bời. Trong khi cha tôi tiếp tục khổ tâm như vậy thì rốt cục, một buổi lễ coi mắt đã được tổ chức cho ông để gặp O-Shizu. Thật ra, lúc đó cha tôi hãy dùng dằng chưa quyết mình có nên hỏi O-Shizu làm vợ hay không, và buổi lễ coi mắt này, đối với ông chỉ là một dịp may, dầu chỉ là một, để gặp lại O-Yuu mà thôi. Cái đòn của cha tôi như thế mà lại thành công vì O-Yuu lúc nào cũng đến dự những buổi lễ coi mắt hay hội họp trong gia đình. Phía nhà Kosobe vì bà mẹ đã qua đời và O-Yuu trong cảnh hiện tại là người có nhiều thời giờ rảnh nên O-Shizu một tháng có thể sang ở chơi bên nhà Kayukawa hai tuần, đến độ người đằng đó coi cô như con cái trong nhà. Tự nhiên là O-Yuu xuất hiện thường xuyên trong mọi dịp liên quan đến cuộc đời cô em gái, điều đó đối với cha tôi là một dịp may ngoài sức tưởng tượng. Vì tự buổi đầu mục đích của cha tôi chỉ có thế nên ông tìm cách kéo dài sự việc, xin gặp một lần thứ hai, rồi lần thứ ba, dây dưa khoảng sáu tháng trời rồi mà câu chuyện cưới xin vẫn chưa ngả ngũ. Trong khi ấy, O-Yuu bắt đầu lui tới thường xuyên nhà cô tôi để bàn bạc. Khoảng thời gian nầy, nàng có dịp chuyện trò với cha tôi và dần dần hiểu thêm về con người ông. Thế rồi một hôm, nàng mới hỏi cha tôi :

-Chớ anh không thương O- Shizu à ?

- Dạ, đâu có chuyện đó ! Cha tôi mới trả lời.

-Thế thì anh cưới em tôi đi !

Như thế, O-Yuu khuyến khích cha tôi cưới em nàng làm vợ và quay qua cô tôi, nàng còn nói một cách rõ ràng hơn là trong đám anh chị em, con nhỏ O-Shizu là người em hợp tính hợp tình nhất với nàng và vì vậy nàng mong muốn gả cô cho một người như anh Serihashi, và có được một cậu em rể như anh là nàng rất sung sướng. Chính những lời nói của O-Yuu khiến cha tôi quyết tâm và sau đó, O-Shizu đã lên xe hoa. Việc xảy ra dù có rắc rối một chút nhưng rốt cuộc, O-Shizu trở thành mẹ của tôi còn O-Yuu thành bà bác. Tôi không biết cha tôi đã hiểu thế nào về câu nói của O-Yuu, chỉ biết đêm tân hôn, O-Shizu vừa khóc vừa cho cha tôi hay là nếu cô chấp nhận kết hôn với cha tôi cũng vì cô đã hiểu được tâm trạng của người chị. " Nếu bây giờ em có trao thân cho anh ", cô nói, " thì em thành ra không phải với chị của em. Xin cho phép em suốt đời làm một người vợ hờ, người vợ dưới con mắt thiên hạ thôi cũng được, miễn sao cho chị của em được hạnh phúc".

Cha tôi nghe O-Shizu nói những lời không ngờ tới đó mà cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Tuy cha tôi trộm yêu O-Yuu nhưng ông không bao giờ dám nghĩ nàng biết tới mối tình thầm kín đó và nhất là không tưởng tượng được mình lại được nàng yêu.

-Tại sao em lại hiểu lòng chị em như vậy ? Cha tôi hỏi dồn trong khi O-Shizu vẫn đầm đìa nước mắt. " Em nói như vậy hẳn phải có bằng cớ. Hay là chị O-Yuu có tâm sự gì về điều ấy với em ? "

-Những chuyện như vậy không ai có thể đem ra thổ lộ mà cũng chẳng có người nào đi đặt câu hỏi. Thế nhưng em chắc chắn hiểu được lòng chị ấy.

O-Shizu trả lời như vậy. Không ngờ O-Shizu, bà mẹ của tôi, một người con gái còn chưa hiểu chuyện đời mà có thể khám phá ra một sự bí mật như thế. Sau nầy cha tôi mới biết gia đình Kosobe ban đầu đã định từ chối lời cầu hôn của ông lấy cớ có sự chênh lệch tuổi tác quá đáng. Lúc đó O-Yuu cũng hơi ngả theo ý kiến họ hàng. Thế nhưng có một hôm khi O-Shizu đến chơi thì nàng mới bảo với em :

-Chị thấy không có đám nào tốt như đám này. Đây không phải chuyện chồng con gì của chị nhưng không phải vì trong nhà ai cũng chống đối mà mình thấy là không nên. Nếu O-Shizu chịu lấy anh ấy thì tự em nên cho họ biết điều đó ; chị đã có cách đứng giữa dàn xếp cho mọi sự diễn tiến tốt đẹp.

-Nếu chị đã bằng lòng thì em nghĩ đó là chuyện đáng mừng. Vốn lòng chưa định, O-Shizu trả lời như thế. Nếu chị nghĩ em nên nhận lời người ta thì em sẽ làm đúng theo ý chị.

-Chị rất vui khi nghe em trả lời như vậy. Ngoài đời, chênh lệch nhau mười một mười hai tuổi đâu phải là chuyện hiếm. Mà chị có cảm tưởng anh ta ăn nói hợp ý chị. Chị em trong nhà này hễ lập gia đình là thành người dưng hết, mỗi O-Shizu là chị không muốn để ai bắt mất. Đối với anh nầy thì chị có cảm tưởng không bị mất O-Shizu mà lại có thêm một cậu em mới. Nghe chị nói, em có thể nghĩ chị ép uổng em lấy người này vì những lý do ích kỷ của riêng chị nhưng thật ra người nào hợp với chị sẽ hợp với em. Em thương chị thì nghe lời chị đi ! Nếu em về với người mà chị không ưa, chị sẽ mất một người bạn chơi độc nhất và chị sẽ hết sức cô đơn.
Như tôi đã thưa trước với ông, O-Yuu bao giờ cũng là đứa con nuông trong gia đình và đã hấp thụ một nền giáo dục làm cho nàng không ý thức được về sự ích kỷ và những cái hứng bốc đồng của mình. Nếu O-Shizu không thấy được qua mấy câu nói nàng vừa thốt ra chứng cứ của sự lợi dụng hẳn hoi của bà chị đối với cô em gái, người vốn gần gũi với nàng hơn ai hết, chỉ vì cô không nhận ra trong thái độ của O-Yuu dấu hiệu kẻ được nuông chiều mà nàng thường tỏ ra khi đòi hỏi điều gì. Bình thường, lúc nàng ích kỷ hay muốn làm tới bao nhiêu, nàng lại tỏ ra dễ thương bấy nhiêu, tuy vậy, lần nầy, dưới cái dáng dấp khả ái ngây thơ, người ta cảm thấy có một sự nhiệt thành. Thế nhưng nếu O-Yuu không ý thức điều đó, lẽ nào O-Shizu lại cảm thấy được ! Thật ra, người phụ nữ nào kín đáo ngay lúc không nói ra vẫn thường suy tư nhiều, và O-Shizu, một người con gái tính khí như thế, có thể đoán đúng nhiều chuyện hơn thế nữa. Từ khi nàng biết được ý nguyện muốn kết thân của cha tôi, O-Yuu tỏ ra linh hoạt hơn, và nàng không ngừng bàn về tin tức liên quan đến ông ta trong những buổi chuyện trò với O-Shizu và có thể nói rằng ngoài chuyện này, nàng không thấy điều gì đáng quan tâm hơn.
" Em chỉ tưởng tượng ! " Cha tôi thường nói với O-Shizu như thế với một giọng bề ngoài như thể dửng dưng trong khi cố tình nén tiếng đập của trái tim mình ". Anh có cảm tưởng em có đôi điều không thỏa mãn về cuộc hôn nhân của chúng mình nhưng một khi anh đã hứa thì anh giữ lời ! Anh rất khâm phục em về tình cảm kính mến của em đối với chị hai nhưng nếu em tìm mọi cách nhằm thực hiện một bổn phận mà em tự đặt cho chính mình thì việc làm của em vượt ra ngoài mọi khả năng luận lý. Chẳng những nó làm cho anh đau xót vô ngần mà nó còn đi ngược lại lời ước nguyện của chị ấy. Không có bằng cớ nào chứng tỏ chị ấy muốn em cư xử như vậy, và chị ấy sẽ hết sức bối rối khi biết được mọi việc.
-Ủa chứ không phải muốn kết tình thân gia đình với chị hai mà anh cưới em hay sao ? Chị hai em có nghe em gái anh nói chuyện đó rõ ràng như vậy và em cũng đã chấp nhận thế. Giới thiệu bao nhiêu đám xứng đáng cho anh mà tới nay anh có chịu đám nào đâu ! Nếu khó tính như anh lại chịu đi lấy một người con gái tầm thường như em thì chỉ vì lý do là em có được bà chị như thế thôi.

Cha tôi cúi đầu không tìm ra câu trả lời. O-Shizu nói tiếp :
- Nếu em nói một tiếng để xác nhận tình cảm chân thành của anh đối với chị hai em thì chắc chỉ sẽ sung sướng biết bao. Thế nhưng điều đó sẽ tạo ra giữa hai người một sự ngại ngùng nên thà em không nói gì cả trong lúc này. Nhưng anh không được dấu diếm với em bất cứ điều gì, nếu không em giận cho mà coi.
-Anh không ngờ em hết lòng hết dạ như vậy ! Cha tôi nói mà đến lượt ông nước mắt tuôn trào. Anh sẽ không bao giờ quên tấm lòng quảng đại của em. Nhưng chị hai của em đối với anh sẽ chỉ là một người chị không hơn không kém và dù em có làm chi cho anh, em cũng không lay chuyển được điều đó. Cho nên nếu em nằng nặc trung thành với cái nguyên tắc mà em coi là bổn phận của mình thì em chỉ làm cho anh và chị ấy, cả hai phải đau khổ. Dầu điều làm cho em cảm thấy bất hạnh trong cuộc hôn nhân này là gì đi nữa, nếu em không đến nỗi ghét bỏ anh thậm tệ, anh van em hãy tỏ lòng kính thương chị em bằng cách ngừng khách sáo với anh, mà hãy thẳng thắn như giữa vợ chồng. Như thế chẳng phải là một cách để quí trọng tôn thờ người chị chung của chúng ta hay sao ?
-Em nào có ghét bỏ gì anh và có điều gì để than thở hay bất mãn đâu. Em thuở giờ luôn luôn làm theo ý chị hai và chỉ cần anh làm đẹp lòng chị ấy là em đã yêu anh rồi. Thông thường mà nói thì đáng lý ra, em không thể đồng ý kết hôn với một ông chồng lại là người được chị mình yêu. Nhưng em tự nhủ nếu em từ chối thì em đã để cho những qui ước xã hội ngăn cản mối liên hệ giữa anh và chị em. Vì vậy chính bản thân em, để được việc cho chị, em đã bằng lòng lấy anh.
-Thế có nghĩa là em để mai một đời mình cho chị sao ?Em có chắc chị ấy chấp nhận việc em hy sinh không ?Không phải khi quyết định như thế, em đã làm tổn thương một con người trong trắng như bà chị của em ?
-Nếu anh lập luận như vậy thì tội nghiệp cho em. Em cũng kính trọng chị hai của em đã biết giữ gìn lòng mình trong trắng đấy chứ ! Nếu chị ấy trung trinh một dạ với người chồng đã khuất thì em cũng xin giữ tiết của em để tỏ lòng kính trọng đối với chị ấy. Đâu phải mình em để mai một cuộc đời mình. Chị hai không như thế hay sao ?  Có lẽ anh không biết nhưng bà chị của em từ ngày còn bé đã được trời phú cho một tấm nhan sắc và tính tình khiến cho người chung quanh ai cũng thương cũng mến ; tất cả gia đình dành cho chị một sự đãi ngộ, bao che đặc biệt, chẳng khác nào con trời con phật (40) gửi gắm mình nuôi. Khi em biết được tình cảm chị ấy dành cho anh , đồng thời cả những nguyên tắc xã hội ràng buộc chị ấy, em không có lòng dạ nào phạm cái tội ác là cướp mất người chị ấy yêu. Nếu chị ấy nghe em nói, chị ấy có thể bảo là em đặt điều, nhưng em tin ít nhất anh là người thấu hiểu lòng em ! Riêng em thì thây kệ thiên hạ nghĩ thế nào, em phải hành động sao cho tâm hồn mình được yên ổn. Nếu trong cuộc đời này, một người hội đủ mọi điều kiện để có được hạnh phúc như chị của em lại phải sống trong đau khổ thì em sẽ cố gắng tìm mọi cách để chị có được hạnh phúc dầu chỉ là một hạnh phúc nhỏ nhoi. Từ lúc đầu, vì nghĩ như vậy nên em đã chấp nhận trở thành vợ anh đó. Xin anh hãy có được một thái độ tương tự, hãy xử sự trước mắt mọi người như thể anh với em là một cặp vợ chồng, tuy mình vẫn không ăn ở thực sự với nhau. Nếu anh không cố gắng để thực hiện nổi điều nầy, có nghĩa là anh không có lấy được phân nửa tình cảm của em dành cho chị ấy ".

Cha tôi đâu chịu kém đàn bà. Trong đầu óc, ông chỉ muốn sao mình cũng có thể vượt lên ngang hàng với một sự hy sinh như thế.
-Không ! Ông nói. Em có lý, anh xin cảm ơn em. Bởi vì chị hai chịu đựng cảnh góa bụa, anh cũng sẽ xem mình như ở giá cho đến ngày cuối cùng của đời. Từ lúc đầu anh đã định bụng như vậy. Sở dĩ nãy giờ anh ăn nói như thế chỉ vì anh không đành lòng bắt em phải sống như một ni cô. Nhưng nay anh đã nghe được tâm tình hết sức cao thượng của em, anh không biết lấy lời nào để cảm tạ em cho đủ. Nếu em đã lấy quyết định như vậy, anh không cản em chi nữa. Nếu anh thú thật là anh sung sướng khi chuyện được quyết định như vậy, em có nghĩ rằng anh là người tàn nhẫn không hở em ? Anh biết rằng mình không có quyền gì chờ đợi từ nơi em một thái độ như thế mà chỉ trông đợi ở mỗi lòng thương yêu của em thôi.
Cha tôi cầm lấy bàn tay của O-Shizu với tất cả lòng kính cẩn và hai người đã thức nguyên tối tân hôn bên nhau không ngủ, chuyện trò đến sáng.
xx
Như thế, dưới mắt mọi người, cha tôi và O-Shizu là một cặp vợ chồng đầm ấm thuận hòa trong khi trên thực tế họ không ăn nằm với nhau. Chính O-Yuu cũng không hề biết chuyện hai người đã ước nguyện hy sinh như thế. Nhìn vợ chồng cô em sống đầm ấm, nàng vẫn hãnh diện nói với người trong gia đình, họ hàng, rằng mình dã có lý khi tác thành cho cuộc hôn nhân. Từ dạo đó, không có hôm nào mà ba người không đến thăm nhau, và mỗi khi có dịp coi hát hay dạo chơi phong cảnh, vợ chồng Seribashi lúc nào cũng có mặt. Người ta còn thấy nhiều khi hai bên mời nhau đi du lịch chung, những chuyến đi kéo dài hai ba hôm. Vào những dịp đó, ba người có dịp trải gối ngủ cạnh nhau chung một gian phòng và thành thói quen. Đến nỗi ngoài những cuộc đi chơi chung như vậy, nhiều khi O-Yuu giữ hai vợ chồng Seribashi qua đêm đằng nhà mình và có lúc đến ngủ lại bên nhà họ. Về sau, cha tôi thường nhắc lại kỷ niệm thời đó với vẻ luyến tiếc như việc O-Yuu, trước khi đi ngủ, thường bảo cô em gái : " Nầy, O-Shizu, đến ấp chân cho chị ấm, đi em ! " và kéo nàng qua giường mình. Nàng hay lạnh chân nên khó dỗ giấc ngủ trong khi thân thể O-Shizu ấm áp một cách đặc biệt nên cô lúc nào cũng giữ nhiệm vụ sưởi ấm chân bà chị.
-Từ khi em đi lấy chồng, O-Yuu nói như xin lỗi, chị có nhờ mấy con hầu sưởi cho chị nhưng không đứa nào làm chị được ưng ý như em. Không biết có phải đã thành cố tật hay không chứ lồng ấp chân hay túi chườm nước nóng không sao làm cho chị đỡ lạnh.
-Chị đừng ngại ngùng chi. Em có mặt ở đây cũng là để giúp chị tìm lại những thói quen cũ. Vừa trả lời như thế vừa vội chui vào giường O-Yuu và ở cho đến lúc O-Yuu cho biết nàng đã đến cơn buồn ngủ và O-Shizu có thể để nàng một mình.

Nhân nói về những sở thích đài các của O-Yuu, tôi còn được nghe nhiều chi tiết khác nữa . Nàng bao giờ cũng có bên cạnh ba bốn kẻ hầu hạ, mỗi khi nàng rửa tay thì một cô hầu phải xách gáo xối nước cho nàng, một cô khác cầm khăn. O-Yuu chỉ cần chìa hai tay ra là cô hầu đã chờ sẳn để lấy khăn lau cho nàng kỹ lưỡng. Nàng không bao giờ phải động chân động tay, cả trong việc xỏ chân vào giày hay khi đi vào phòng tắm để tắm gội. Ngay thời đó, tất cả những chuyện nầy được xem như là một trò xa xỉ quá quắt đối với một người đàn bà gốc gác con nhà buôn. Thế nhưng lúc đem nàng gả cho cậu ấm nhà Kayukawa, cha nàng đã cẩn thận giải thích với bên thông gia: con gái của ông vốn được nuôi dạy như thế và bây giờ bắt nàng thay đổi tập quán thì đã quá trễ và nhân vì gia đình bên chồng muốn cưới nàng về cho bằng được, ông nài nỉ họ nên đối đãi với nàng theo cách thức áp dụng cho đến bây giờ. Như thế, lấy chồng, thành mẹ một đứa con rồi mà O-Yuu vẫn giữ cái tính ngang nhiên của một người con gái mới dậy thì. Cha tôi thường nói khi đến chơi nhà O-Yuu, ông có cảm tưởng như bước vào phòng ốc một cung điện. Có lẽ vì cách trang trí nơi đó hoàn toàn phù hợp với sở thích của chính mình nên làm ông có ấn tượng như vậy. Hơn nữa, những vật dụng trong phòng của O-Yuu đều là những đồ dùng chế tạo rất trang nhã, chạm trổ hoa văn cổ truyền như thể của triều đình; từ cái máng khăn cho đến bồn nước, cha tôi cho biết, tất cả đều là gỗ đánh bóng bằng sáp hay thếp vàng. Thay vì dùng cánh cửa kéo, để ngăn phòng này với một phòng khác bên cạnh, đã có một cái giá lớn trên đó có giăng các tấm áo khoác kosode và còn thay đổi chúng mỗi ngày. O-Yuu chiếm chỗ đó, nàng không nằm trên sàn xây cao lên như vẫn thấy trong các căn nhà xưa, nhưng chỉ dựa trên một cái bệ để tì tay. Lúc rảnh rỗi, nàng hay sắp đồ lề ra xông hương quần áo hay đốt trầm để mùi thơm thấm vào áo xống; có khi, cùng với các cô hầu cận, nàng tổ chức những buối thi phân biệt các mùi hương, chơi trò ném quạt (41) hay xem đánh cờ vây để giết thời giờ. Một người như O-Yuu thì chỉ có thể có những thú vui tao nhã. Tuy nàng không giỏi cờ vây nhưng nàng rất yêu cái bàn cờ bằng gỗ thếp vàng của nàng, trên đó có những hoa văn hình mấy thứ cỏ mùa thu, và nàng đùa với mấy trò đơn giản như sắp năm con tốt thành hàng, gọi là để có dịp dùng đến bàn cờ. Ngày ba bữa cơm, nàng dùng những chén bát bé xíu như đồ dùng của búp-bê và đơm cơm trong một cái bát sơn. Khi nàng khát, người giúp việc mang lại cho nàng chung trà đặt trên một chiếc khay chuyên dùng vào việc đó; nếu nàng muốn hút thuốc thì đã có một gã đàn ông phục vụ đến bên cạnh, nhồi thuốc và châm lửa vào cái ống điếu dài mỗi bận nàng bập một hơi. Đêm đến, họ dựng bên giường nàng một tấm bình phong trang trí kiểu Kôrin (42) ; buổi sáng khi nàng thức giấc, nếu trời lạnh, người ta trải trong buồng nàng một tấm đệm bằng giấy dầu và thay nước nóng trong chậu gỗ hay thau nhiều lần để nàng lau mặt. Vì mọi sự phải được tổ chức sao cho nàng được thoải mái, mỗi lần nàng xê dịch, người nhà phải chuẩn bị bao nhiêu là đồ lề và trong những chuyến đi chơi, luôn luôn có ít nhất một cô người làm theo hầu, còn O-Shizu thì thường xuyên để ý tất cả mọi chi tiết trong khi cha tôi cũng phụ giúp. Mỗi người phụ trách một công việc: xách hành lý, mặc áo quần, đấm bóp cho nàng, để nàng không phải thiếu thốn điều gì. Cậu bé con của nàng lúc ấy đã cai sữa, hơn nữa đã có một vú em trông coi cho nên nàng không bao giờ phải giữ con bên cạnh mình. Duy có một lần, khi ba người đi thưởng hoa anh đào ở Yoshino, buổi tối về khách sạn, O-Yuu than mình bị lên sữa và đòi O-Shizu bú cho đỡ căng. Lúc đó cha tôi chứng kiến cảnh đó, mới cười và khen O-Shizu làm phận sự được giao cho một cách khéo léo.

-Tại em quen việc rồi. O-Shizu trả lời cha tôi. Sau khi sanh xong, cháu Hajime đã được gửi cho vú nuôi nên chị hai em hay nhờ bú hộ để đỡ bị tức sữa.

Khi cha tôi hỏi mùi vị sữa người như thế nào:

-Em không nhớ rõ hồi em còn bú mẹ thì vị như thế nào nhưng bây giờ, khi bú thì em thấy nó hết sức ngọt. Anh thử nếm xem!

O-Shizu trả lời cha tôi như thế rồi lấy sữa rịn ra từ bầu vú vào một cái tách và trao cho cha tôi. Cha tôi nhấm một chút ở đầu lưỡi và làm bộ dửng dưng bảo rằng sữa có hơi ngọt thật. Nhưng vì cha tôi không tin rằng O-Shizu đã làm cử chỉ ấy một cách vô tình, đôi má ông bỗng ửng đỏ lên, không nán lại được trong phòng mà phải trốn ra ngoài hiên và lập đi lập lại: Vị gì lạ quá! Lạ quá! Trong khi đó O-Yuu có vẻ khoái chí, cười lanh lảnh. Từ sau sự cố nầy, O-Shizu bày ra đủ chuyện trớ trêu làm như thể cô cảm thấy thú vị mỗi khi cha tôi gặp cảnh bối rối ngượng ngùng. Ban ngày vì có nhiều người vây quanh cho nên họ không có dịp đối mặt tay ba nhưng nếu may mắn được một cơ hội như thế, O-Shizu bèn bỏ ngay đi chỗ khác để mặc cha tôi ở một mình thật lâu với O-Yuu, rồi trở về bất chợt khi cha tôi bắt đầu bồn chồn. Những lúc họ ngồi bên nhau, bao giờ cô cũng xếp cha tôi ngay cạnh O-Yuu. Ngược lại, khi họ chơi bài hay một trò nào đó phải tranh thắng bại, cô ta lại đặt cha tôi đối mặt O-Yuu để cho hai người phải là địch thủ của nhau. Khi O-Yuu nhờ em gái giúp mình buộc lại cái giải lưng, O-Shizu bảo rằng việc đó cần đến sức đàn ông và bắt cha tôi phải thắt hộ; lúc khác, cần thử đôi tất mới, cô ta lại bảo ghim quá cứng khó tháo và gọi cha tôi đến giúp, nghĩa là bày đặt mọi thứ để có dịp ngắm cha tôi thẹn thùng hay bối rối. Dĩ nhiên đó chỉ là những trò tinh nghịch ngây thơ mà cha tôi biết là không có ác ý và không chủ tâm bày ra để chế nhạo ông nhưng mặt khác, O-Shizu không phải là không có dụng ý giải tỏa sự e dè giữa O-Yuu và cha tôi, để một ngày nào đó, đưa đẩy bởi hoàn cảnh, cuối cùng hai bên sẽ thổ lộ tình cảm của họ và hai con tim sẽ tìm đến nhau. Dù sao, thấy như thể O-Shizu trông mong tạo được một kích thích hay một sơ sẩy nào đó giúp hai bên có cơ hội khắng khít hơn.

Mối liên hệ giữa O-Yuu và cha tôi không có gì thay đổi cho đến ngày có chuyện xảy ra giữa hai chị em O-Yuu và O-Shizu. Hôm ấy, cha tôi đến thăm O-Yuu, bỗng thấy nàng quay đầu dấu khuôn mặt đầm đìa nước mắt mà không hiểu tại sao. Ngạc nhiên trước cảnh tượng hiếm có nầy, ông mới hỏi O-Shizu xem chuyện gì đã xảy ra thì được cô trả lời rằng chị cô đã biết tất cả rồi. Cô chỉ nói thêm rằng mình ở trong cảnh bắt buộc phải thổ lộ tất cả cho chị nhưng không giải thích tại sao cuộc đàm thoại giữa hai chị em lại dẫn đến chỗ đó, làm cho cha tôi không hiểu cặn kẽ lý do hành động của cô ta. Có lẽ O-Shizu đã lợi dụng một cơ hội nào đó để ướm hỏi O-Yuu và dẫn nàng đến đề tài này, và cho rằng đã đến lúc có thể nói rõ sự thật được rồi để O-Yuu, khi biết rằng em gái mình và cậu em rể không phải là một cặp vợ chồng thật, có thể có đôi lời trách móc nhưng rồi rốt cục sẽ phải chấp nhận điều đó như sự đã rồi và xúc động bởi sự tận tụy của hai người đối với mình. Thật ra, O-Shizu vẫn có thói quen tính toán trước mọi chuyện và có lẽ do cái tính hay lo toan của nàng, từ khi còn trẻ , cô đã có cái mưu trí của một geisha lão thành. Dường như cô đã lại có thói quen hy sinh cả tâm hồn và thể xác của mình miễn là người chị được hạnh phúc và chính cô từng thú nhận đối với mình không có niềm hạnh phúc to lớn nào hơn là lo lắng được cho chị. Chỉ cần ngắm khuôn mặt của O-Yuu là cô hầu như quên được tất cả, ngay bản thân. Nhiều khi cô lo lắng cho chị đến độ quấy rầy nàng nhưng điều đó chỉ bắt nguồn từ sự tận tâm vô vụ lợi, khi cha tôi thấy, ông chỉ biết nhỏ nước mắt mà cảm ơn. Lúc đầu, O-Yuu giật nẩy:
-Tôi có biết đâu vì tôi mà ra nông nỗi như thế nầy. Mấy người mà đối với tôi như vậy thì thế nào kiếp sau tôi cũng bị trời phạt.

Nàng lo âu nói như thế và van xin hai người, nếu chuyện còn có thể thay đổi được, thì từ nay về sau phải sống như vợ chồng thật.

Tuy nhiên, O-Shizu vẫn không lùi bước:
-Dù sao, đâu phải vì chị đòi hỏi mà tụi em quyết định như vậy. Anh Shinnosuke và em, hai đứa đã hành động theo ý mình. Chị không có gì phải lo lắng vì bất cứ điều chi. Đáng lẽ em không nên đem chuyện này tâm sự với chị làm gì. Tha lỗi cho em nhé. Tốt hơn hết chị hãy làm như không biết gì cả.

Tuy từ đó O-Yuu thưa thớt việc đi lại nhưng vì cả gia đình đều biết đến tình thân giữa ba người nên họ không thể nào ra mặt từ nhau, không những thế cuối cùng họ dần dần trở lại thân mật như xưa và rốt cuộc, kế hoạch mà O-Shizu đặt ra đã thành công mỹ mãn. Thật vậy, những ai có khả năng dò xét tận đáy lòng của O-Yuu sẽ thấy tâm hồn nàng có một sự thư giản như thể những sợi giây chăng ra để phòng ngự mà nàng tạo ra cho mình tự bấy lâu nay đã được phá bỏ: tuy nàng có chống đối và không chấp nhận bằng chứng về sự tận tụy của cô em nhưng cùng lúc, nàng không thể không cảm thấy có một sự đồng tình ngoài ý muốn. Trong khoảng thời gian tiếp theo biến cố vừa kể, O-Yuu có một thái độ dửng dưng đến kiêu kỳ. Trạng thái tinh thần này thể hiện qua sự chấp nhận tất cả mọi sự ưu ái mà cha tôi và em gái nàng đã dành cho, nàng để họ nuông chiều nình mà không có lấy một lời, khiến cho họ chẳng hiểu nàng có nhận ra những sự cực nhọc họ gánh chịu vì nàng hay không. Cũng chính trong thời gian nầy cha tôi bắt đầu dùng cách gọi "Yuu phu nhân". Một hôm, khi hai người bàn đến chuyện của nàng, O-Shizu mới bảo cha tôi: "Anh không phải gọi "Chị Hai" mỗi khi anh nhắc đến người ấy trước mặt em nữa; và cha tôi nhận ra rằng cách gọi tôn xưng như trên mới thích hợp với cái tính nết của nàng. Sau đó, hai người cứ quen miệng gọi như thế mãi, cho đến một ngày cha tôi buột miệng gọi "Yuu phu nhân" trong khi nói chuyện với chính nàng. Nghe như thế nàng có vẻ thích chí và cho phép hai người khi nói chuyện với nhau về nàng thì cứ dùng cách gọi như vậy. Đó là cách thức nàng biểu lộ tấm lòng biết ơn của mình đối với những sự ưu ái họ đã bày tỏ, đồng thời muốn mọi người hiểu cho là tự ngày bé, nàng đã quen xem đó là những điều tự nhiên. Tóm lại, nàng muốn nói với họ là nếu họ đối xử với nàng một cách kính cẩn thì nàng không có cớ gì để bất mãn. Xin kể ra một ví dụ khác về tính trẻ con và đồng bóng của nàng. Một hôm nàng bảo với cha tôi: "Anh nín thở đi, khi nào tôi cho phép mới được thở!" và lấy ngón tay bịt lấy mũi cha tôi. Tuy nhiên, vì cha tôi nhịn thở không nổi mới để thoát ra một làn hơi nhẹ thì nàng quở ngay:

-Ai cho phép anh thở đâu nào! Để phạt anh, . . . .

Thế rồi nàng lấy ngón tay khép chặt hai cái môi của cha tôi rồi kiếm cái khăn lụa đỏ xếp làm đôi , giữ hai đầu và bịt kín miệng ông ta. Lúc ấy, khuôn mặt ngày thường thấy có vẻ trẻ con, thấy hoàn toàn như một học trò mẫu giáo và không ai nghĩ rằng đó là khuôn mặt của người đàn bà đã ngoài hai mươi cả. Hoặc:

-Anh không được nhìn tôi, nàng ra lệnh, đặt hai tay sát đất, cúi đầu cung kính cái coi. Và bây giờ trở đi, cấm anh cười. Nàng vừa nói vừa cù dưới cằm và hai bên mang tai cha tôi. Lại có lúc nàng bảo "Đừng có la lên đó nghe!" thế rồi hết bấu véo chỗ này đến chỗ kia. Những trò nghịch ngợm này xem ra làm nàng hết sức khoái chí.

-Tôi muốn anh phải thức cả trong lúc tôi ngủ. Nếu có buồn ngủ, anh cũng cứ phải dòm thẳng mặt tôi lúc tôi ngủ và rán cưỡng lại không được nhắm mắt!

Thế rồi trong lúc nàng ngủ ngon lành và đến lượt cha tôi đờ đẫn vì cơn buồn ngủ xâm chiếm, rồi khi cha tôi định chợp mắt một chốc thì nàng đã thức dậy đột ngột và làm ông ta phải bừng tỉnh bằng cách thổi vào lỗ tai hay cuốn giấy làm giây ngoay ngoáy trên da mặt. Theo lời cha tôi kể, tính O-Yuu có cái gì như thích đóng trò, nó in đậm nét trong ý nghĩ và cử chỉ của nàng một cách tự nhiên đến nổi chính nàng cũng không nhận biết. Những trò nghịch đó không có gì giả tạo hay làm cho bực mình, ngược lại, nó bộc lộ cái tinh anh và duyên dáng của nàng. Chính ở điểm này, người ta nhận ra sự khác nhau giữa hai chị em bởi vì làm trò, đóng kịch không phải là sở thích của O-Shizu. Chỉ có O-Yuu mới làm ra vẻ kiểu cách mà không bị ai cho là kỳ khôi những khi cô mặc chiếc áo choàng kiểu cung đình để trình diễn đàn koto, ngồi dưới bóng một bức rèm làm bằng tấm áo mát kosode hay nhấp sake trong cái chén sơn mà những cô hầu rót cho nàng.

"Dù sao, mối liên hệ giữa cha tôi không đi đến chỗ thân mật như vậy nếu O-Shizu không làm trung gian đưa đẩy. Nhân vì ở đằng cặp Seribashi, họ tránh được những cặp mắt dị nghị hơn là khi ở nhà Kayukawa cho nên phần nhiều O-Yuu hay đến chơi với hai vợ chồng. O-Shizu lại ranh mãnh viện cớ du lịch với kẻ hầu người hạ sẽ gây ra nhiều tốn kém và chỉ cần mỗi mình cô cũng lo cho O-Yuu đầy đủ, nên thường tổ chức những cuộc đi chơi tay ba, hết đền Ise tới đền Kotohira. Cô ăn mặc đơn sơ như là một cô tớ gái và cho đặt giường ngủ của mình trong một căn phòng nhỏ kế cận căn phòng chính. Mỗi người trong bọn đóng vai trò của mình , tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi lời ăn tiếng nói và cử chỉ sao cho thích hợp. Nếu cách đơn giản nhất vẫn là làm cho nhân viên lữ quán tin rằng cha tôi và O-Yuu là một cặp vợ chồng, thì O-Yuu lại thích đóng vai cô chủ, xem cha tôi một người quản gia hay thư ký, hoặc đối xử với ông như một người nghệ sĩ mà cô có nhiệm vụ bảo bọc, che chở. Trong những chuyến đi , cha tôi và O-Shizu chỉ gọi O-Yuu là " phu nhân". O-Yuu xem đó như là một trò chơi làm nàng tiêu khiển và hầu như không mấy khi quan tâm đến nó, chỉ có lúc dùng cơm chiều, sau khi uống tí rượu thành ra dạn dĩ hơn thì khi được gọi như vậy nàng mới vui hẳn lên và cất tiếng cười nắc nẻ. Tuy nhiên tôi phải nói điều này để bênh vực cho O-Yuu và cha tôi, nghĩa là cho dù khi mối liên lạc giữa hai người đạt đến độ thân mật như thế , cả hai đều biết ngừng lại ở cái mức độ cuối cùng. Ta có thể xem như đến trình độ này thì điều đó chỉ còn là một chi tiết nhỏ, có cũng được không chẳng sao, để mà đánh giá sự khác nhau. Thật ra cũng khó mà dung thứ cho họ với lý do là họ chưa vượt qua cái giới tuyến nhỏ nhặt nầy nhưng tôi cảm thấy lời trình bày của cha tôi về chuyện đó là đáng tin. Một hôm ông nói với O-Shizu: " Có thể là đến cái mức độ như bây giờ giữa anh và chị O-Yuu thì không cần phải bào chữa kia nọ để làm gì. Tuy nhiên, có trời phật chứng giám, anh phải thề với em rằng cho dù khi anh và O-Yuu nằm ngủ bên cạnh nhau, bọn anh lúc nào cũng giữ đúng phép tắc. Chắc em không thể nào tin như thế nhưng "Yuu phu nhân" và anh không thể nào khinh lờn em được, nếu không thì kiếp sau phải bị quả báo. Có thể anh và O-Yuu gìn giữ như thế để được sự yên ổn trong tâm hồn.

Nếu có một phần thành thực trong lời nói của ông thì cũng có thể là hai người sợ có con. Tuy nhiên quan niệm về trinh tiết có thể được giải thích năm bảy đường, rộng rãi hay khe khắt, cho nên không ai có thể khẳng định một trăm phần trăm là O-Yuu giữ cho mình không vướng chút tội lỗi nào. Nhân nói về chuyện này, tôi nhớ cha tôi hãy còn một tấm áo kosode dùng vào mùa đông của nàng để trong một cái hộp bằng gỗ ngô đồng tẩm hương thơm có khắc chữ do chính tay O-Yuu viết, mà ông trân trọng giữ gìn. Một hôm cha tôi cho tôi xem các vật đựng trong hộp. Khi ông ta lấy từ đó ra tấm áo dài bằng nhiễu chirimen nhuộm kiểu Yuzen (43) được xếp lại và dấu dưới tấm kosode cho tôi xem và bảo:

- Đây là một chiếc áo mà "Yuu phu nhân" mặc lót mình . Con xem, loại nhiễu nầy có nặng không nào?

Đặt lên hai tay để xem thử nặng nhẹ, tôi nhận ra đó là một chất liệu khác với các thứ hàng người ta dùng thời nay. Đây là loại nhiễu ngày xưa, có độ lồi lõm sâu mà sợi thì dày, buông xuống nặng như một tấm lưới kim loại.

-Nặng đấy chứ, có phải không con? Cha tôi hỏi và khi thấy tôi trả lời đúng như ý, ông gật gù ra dáng sành sõi:

-Một loại nhiễu có giá không chỉ cần mềm mà còn phải có độ lồi lõm sâu. Sau khi bàn tay đã chạm vào mặt nham nhám của tấm áo để lần vào thân thể của người đàn bà thì mới cảm thấy rõ hơn cái mềm mại của làn da. Ngược lại, người đàn bà mặc một tấm áo bằng nhiễu như thế nầy phải có một làn da thật mượt mà để những hạt hiện ra rõ nét và như thế, khi sờ vào mới thú. Chân tay O-Yuu hết sức nõn nà và khi nàng mặc áo này, lớp nhiễu càng làm tăng thêm vẻ đẹp đó.

Nói xong, ông ta đến lượt ông ta nâng lấy tấm áo trên hai tay xem nặng nhẹ rồi và cất tiếng than:

-Ôi chao, cái thân hình như thế mà phải mang tấm áo nặng cỡ này!

Thế rồi, ông áp chặt tấm áo lên má như thể đang ôm ấp O-Yuu trong vòng tay mình.

-Khi cụ nhà ta cho ông xem tấm áo của bà O-Yuu, chắc lúc ấy ông đã là đàn ông con trai rồi chứ nhỉ? Lúc đó là lần đầu tiên tôi mới cất tiếng hỏi, cắt ngang lời kể chuyện của người lạ mặt mà tôi đã yên lặng nghe đến khi ấy. Nếu cụ nhà tâm sự kiểu đó thì trẻ con làm sao hiểu cụ muốn nói gì!

-Thưa không! Năm đó cùng lắm tôi mới có mười tuổi thôi nhưng cha tôi, khi kể truyện, không hề coi tôi như con nít. Lúc mới nghe chuyện, tình thật tôi không hiểu bao lăm, nhưng cha tôi ổng nói sao tôi cứ nhớ in như vậy, rồi khi tới tuổi biết suy nghĩ, tôi mới rõ ra ổng muốn nói gì.

-Thế thì, nếu được, ông cho phép tôi hỏi thêm một câu nhé! Nếu mối liên lạc giữa O-Yuu và cụ nhà chỉ có thế thì ai sinh ra ông vậy?

-Tôi hoàn toàn thông cảm với điều ông thắc mắc và câu chuyện tôi thưa với ông sẽ dở dở dang dang nếu tôi không trả lời được câu ông hỏi. Ông chịu khó nghe tôi kể thêm vài phút nữa đi. Mối liên hệ lạ lùng giữa cha tôi và O-Yuu không kéo dài được lâu la, ba bốn năm là cùng tính từ lúc O-Yuu hăm bốn hăm lăm tuổi. Năm nàng hăm sáu thì cậu Hajime, đứa con nàng có với người chồng quá cố, bị ban sau mắc thêm chứng viêm phổi rồi qua đời. Cái chết của cậu bé này đem tới cuộc đời O-Yuu những hậu quả nghiêm trọng và cùng lúc, đảo lộn tất cả cuộc sống của cha tôi. Trước đó một thời gian, mối liên hệ mật thiết giữa O-Yuu và gia đình vợ chồng Seribashi, nếu không bị bên Kosobe tức nhà cha mẹ, có điều tiếng gì, đã trở thành đầu đề câu chuyện bàn cãi bên Kayukwa, phía nhà chồng, giữa bà mẹ chồng của O-Yuu và những người trong thân tộc, mà một vài nhân vật trong đám họ tuyên bố không hiểu nổi thái độ của O-Shizu. Cho dù cô này có khéo léo lấp liếm, với thời gian sự nghi ngờ cũng lần hồi lộ ra ánh sáng và đã có những lời trách móc kiểu như "Con vợ thằng Seribashi khờ khạo quá!" hoặc là "Chăm lo cho chị thì cũng vừa vừa thôi chớ!", chỉ có bà cô ruột tôi, người đã đoán biết liên hệ giữa bộ ba nầy, hết sức lo lắng cho họ. Tuy nhiên, nếu bên nhà Kayukawa lúc đầu còn để ngoài tai những lời đồn đại, nhưng nhân cái chết của cậu Hajime thì O-Yuu bị họ chỉ trích là đã bỏ bê con cái, một điều chính ra không mấy oan ức cho nàng. Tuy không phải là người không thương con nhưng từ lâu nàng đã quen giao cho vú em lo từ đầu đến cuối. Người ta còn kể rằng, nhằm lúc nàng tạm rời giường bệnh đứa bé để nghỉ ngơi một buổi cho lại sức là chính lúc bệnh nó trở nặng và biến ra chứng viêm phổi. Khi còn đứa con trai, O-Yuu là một nhân vật quan trọng trong gia đình, nhưng từ khi nó chết rồi thì bắt đầu có những lời đàm tiếu chung quanh nàng, một bà góa hãy còn quá trẻ. Họ lại bàn nhau tốt hơn nên trả nàng về nhà cha mẹ trước khi mọi chuyện rắc rối có thể xảy ra. Thế rồi sau khi đã kỳ kèo và bàn cãi lung lắm về số phận của nàng, hai bên gia đình đi đến một kết luận thoả đáng là gạch tên nàng khỏi hộ tịch nhà Kayukawa. O-Yuu trở về sống bên nhà mình nhưng lúc đó, người anh trai nàng đã trở thành gia trưởng họ Kosobe và tuy ông này tìm đủ mọi phương tiện để đón rước nàng một cách trọng thể, xứng đáng với địa vị cô em ngày xưa cha mẹ cưng yêu mà sự việc nhà chồng thải về bị coi như là một điều sỉ nhục, nàng không còn được tự do như thời song thân còn sinh tiền và luôn luôn cảm thấy bị ràng buộc. O-Shizu bao lần đề nghị với O-Yuu nếu ở đằng Kosobe sống không thoải mái thì cứ dọn về ở với vợ chồng mình nhưng ông anh trai đã cắt đứt ngay cuộc đối thoại dẫn đến quyết định nầy bằng cách đưa ra ý kiến khuyên nên thận trọng. Theo lời O-Shizu, có lẽ ông ta đã biết hết sự thực và việc ông ta đã lo việc tái giá cho O-Yuu chỉ trong vòng một năm sau, đã xác nhận giả thuyết nầy. Người cầu hôn là một ông chủ lò rượu sake ở Fushimi, tuổi khá lớn, vốn đi lại với gia đình Kayukawa và thừa biết cái tính thích tiêu pha của O-Yuu. Ông ta mới góa vợ gần đây, sốt sắng muốn cưới cho được O-Yuu. Nếu O-Yuu chịu lấy, ông sẽ không bắt nàng về ở đằng lò rượu ở Fushimi mà sẽ nới rộng biệt thự của ông bên bờ đầm Ogura, xây cất nó lại theo kiến trúc trà thất cổ truyền, thành một chỗ ở mà nhất định nàng sẽ hài lòng. Đó là một đề nghị hết sức đàng hoàng, chỉ đưa ra toàn những chuyện ưng ý và hứa hẹn với O-Yuu là nàng sẽ có những điều kiện sinh hoạt xa hoa lộng lẫy hơn cả những gì nàng đã hưởng như con nhà lãnh chúa hồi làm dâu gia đình Kayukawa. Người anh của nàng xiêu lòng ngay và muốn nhận lời. Ông ta thuyết phục nàng:" Đây là dịp may đến với cô. Kết hôn với người này, cô sẽ làm bẽ mặt những kẻ bêu riếu cô, không phải là điều hay à?". Không chỉ thế thôi, ông còn gọi cha tôi và O-Shizu đến, thúc bách họ nói khéo làm sao cho O-Yuu nhận lời, để dập tắt những lời đồn đại. Đến lúc đó thì cha tôi, trung thành với mối tình tuyệt đối của mình, chỉ thấy mỗi giải pháp duy nhất là cùng nhau tự tử vì tình. Trên thực tế, ông đã toan tính nhiều lần nhưng không biến nó thành hành động được vì bên ông còn có O-Shizu. Tình cảm của ông có thể tóm gọn trong một câu: ông không thể nào chết đi để O-Shizu ở lại trơ trọi một mình và cũng không muốn tự tử tay ba. Đó cũng là nỗi ám ảnh của O-Shizu: "Bề gì, cũng phải cho em theo anh chị. Em không tưởng tượng được có sự khổ tâm nào lớn hơn là bị bỏ qua một bên sau khi cùng nhau sống tới phút nầy!" Khi O-Shizu nói như thế, lần đầu tiên trong lời của nàng lộ ra một chút tình cảm ghen tuông, tình cảm mà trước đó nàng chưa bao giờ hé lộ, và sau này cũng không hề tỏ ra nữa. Thế nhưng hãy còn có một sự suy tính khác làm chùn bước không cho cha tôi thực hiện giải pháp của mình: ông muốn nương tay với O-Yuu. Một người như nàng phải sinh ra để mà được sống một cuộc đời luôn luôn tươi trẻ ngây thơ, một cuộc đời diêm dúa xa hoa, lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ; bắt nàng phải chết giữa khi có một người đàn ông đề nghị cho nàng được hưởng cuộc sống như thế là điều quá tàn nhẫn. Chính ý tưởng đó quyết định thái độ của cha tôi. Ông bày tỏ với O-Yuu tâm sự của ông như sau. Ông bảo : "Em không có tội tình gì để chia sẻ số phận hẩm hiu của anh; một người đàn bà tầm thường có thể chết vì tình, nhưng riêng em là một vưu vật đã nhận được phước đức của trời đất, nếu mà đem từ khước những ơn huệ này, em sẽ đánh mất tất cả những gì đã tạo nên giá trị của em. Do đó, tốt hơn là em phải ra ngôi biệt thự bên bờ đầm Ogura, sống ẩn náu sau những cánh cửa kéo và bình phong trang trí tuyệt vời ấy. Khi nghĩ rằng em hưởng một cuộc đời như vậy thì anh sẽ cảm thấy mình hạnh phúc hơn là cái hạnh phúc được chết bên em.

Qua những điều anh vừa kể em nghe, em sẽ không nghĩ rằng anh từ bỏ kế hoạch của mình vì anh sợ chết đâu, em nhỉ. Bởi vì anh biết em có một tâm hồn quảng đại nên anh mới yên trí nói chuyện thẳng thắn với em. Trời sinh ra em là người cao thượng và tự hào, đáng lý ra em có thể bỏ ra đi và cười một cái thằng người như anh.

O-Yuu im lặng nghe cha tôi tỏ bày, một giọt nước mắt ứa ra và lăn trên gò má, nhưng thoắt cái, nàng đã ngước lên nhìn cha tôi với gương mặt bình thản:

-Nếu đó là ý muốn của anh thì em xin chiều theo thôi.

Nàng chỉ nói chừng đó, không lộ chút bối rối hay muốn biện minh cho mình gì cả. Cha tôi bảo tôi chưa bao giờ ông thấy nàng có một phẩm cách đáng ngưỡng mộ hơn lúc nầy.

xx

Sau đó ít lâu, O-Yuu lấy chồng và về sống ở Fushimi. Ông Miyazu, chồng nàng, hình như là một tay ăn chơi. Ông ta chọn nàng làm vợ chỉ vì sắc đẹp của nàng, chẳng mấy lúc đã chán chê, đến nỗi không mấy khi bỏ công đến thăm nàng ở ngôi biệt thự. Đối với ông, nàng không khác gì hơn một vật trần thiết như đồ người ta chưng trong hốc một gian phòng khách, khác chăng là ông ta cung phụng nàng đầy đủ và nhờ đó, O-Yuu tiếp tục sống trong một thế giới như sao chép ra từ những bức tranh minh họa tập truyện Inaka Genji (44). Trong lúc ấy, ở Osaka, dòng họ Kosobe, gia đình nàng cũng như gia đình cha tôi bắt đầu suy sụp một cách nhanh chóng. Như tôi đã kể ông nghe, lúc mẹ tôi qua đời, gia đình tôi phải trú ngụ tạm bợ ở căn hộ thuộc một dãy phố nằm lút trong hẻm. Khi tôi nói đến mẹ tôi tức là muốn nói tới O-Shizu, người đàn bà đã sinh ra tôi. Sau khi chia tay với O-Yuu trong hoàn cảnh tôi vừa kể ông nghe, cha tôi mới biết thương O-Shizu vì những sự cực nhọc mà bà chịu đựng trong bấy nhiêu năm và vì tình thương vô bờ bến của bà đối với O-Yuu. Ông đã xem mẹ tôi như người vợ thực sự. "

Sau những lời cuối cùng nầy với một giọng đôi khi như đứt đoạn vì câu chuyện dài đã làm mình hết hơi, người đàn ông mới ngừng lại và móc thuốc lá từ trong túi ra .

-Tôi cảm ơn ông đã kể cho nghe một truyện thật lôi cuốn. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ngày còn bé, cụ nhà đã dẫn ông đi với cụ và dắt ông vòng chung quanh ngôi biệt thự bên bờ đầm Ogura. Ông bảo với tôi, có phải không ạ, mỗi năm ông tiếp tục đến đó để ngắm trăng. Nếu tôi không lầm thì hôm nay, một lần nữa, ông cũng đang trên đường trở lại thăm chốn ấy?

-Vâng, tôi sắp đi đến đấy, ông ạ. Một lần nữa, đêm nay rằm tháng tám, trong khi đi vòng chung quanh ngôi biệt thự đó và nhìn qua khe hở của bờ dậu, tôi lại sẽ trông thấy O-Yuu đang đánh đàn koto đệm cho mấy cô hầu múa.

-Thế chứ O-Yuu ngày nay không phải đã là một bà cụ tròm trèm tám mươi rồi sao, thưa ông?

Tôi lấy làm kỳ , sửng sốt hỏi lại sau khi nghe ông ta nói thế. Nhưng tôi chỉ nghe mỗi tiếng gió vi vu lướt qua lá cỏ, một vùng lau lách suốt trên bãi sông đã mất dạng không biết lúc nào và hình bóng của người đàn ông cũng tan loãng vào ánh sáng của đêm trăng.

Bắt đầu dịch ngày 7/01, xong ngày 25/04/2005.
Nguyễn Nam Trân
Chú Thích Của Người Dịch
(1) - Taketori Monogatari (Truyện lão tiều đốn trúc) cổ tích được xem như là nguồn gốc của tiểu thuyết Nhật Bản, ra đời vào thời Heian (794-1185), kể truyện lão tiều đốn trúc tìm thấy cô công chúa cung trăng Kaguya-hime trong lóng trúc, đem về nuôi, sau cô từ chối lời cầu hôn của hoàng đế và của các công tử mà bỏ về trời.

(2) - Okamoto là thành phố nhỏ vùng Kansai, gần Kobe. Tác giả sống ở đây khoảng từ 1926 đến 1936 tức lúc 40 đến 50 tuổi.

(3) - Thiên hoàng sau trở thành thái thượng hoàng Gotoba (1180-1239) một ông vua tài hoa, có chí hướng diệt mạc phủ để trung hưng hoàng thất nhưng thất bại trong chính biến năm Jokyuu thứ 9 (1198), bị đày ra đảo Oki 19 năm. Ở đó ông tiếp tục chỉnh đốn lại thi tập Kokin Waka-shuu mà ông đề xướng việc biên tập. Trên một thế kỷ sau, một thiên hoàng khác, Go Daigo cũng âm mưu trung hưng bất thành và lại bị đày ra đây (1331).

(4) - Bộ sử truyện cuối cùng trong 4 bộ sử truyện (gọi là kagami hay "kính soi") của Nhật. Masu-kagami ghi chép lịch sử Nhật Bản với hình thức biên niên về 15 triều đại trong gần 2 thế kỷ (1183-1333), bắt đầu từ đời thiên hoàng Gotoba (trị vì từ 1183-1239).

(5) - Minase nổi tiếng trong văn học sử Nhật Bản với bài liên ngâm một trăm vần Minase Sangin Hyakuin do ba nhà thơ lớn Sôgi, Shôhaku và Sôchô cùng soạn năm 1488, đọc trong buổi lễ tế thái thượng hoàng Go-toba.

(6) - Fujiwara no Teika (1162-1241), nhà thơ waka có tiếng đầu thời Kamakura. Vâng mệnh thái thượng hoàng Gotoba soạn tuyển tập Kokin Waka-shuu. Tuy bài thơ ghi trên đây chỉ có tính cách thù tạc nhưng Teika thực ra là một nhà thơ tiêu biểu, nhà văn học lớn. Chức quan tham nghị bậc trung (Chuunagon) là chức quan được tham dự triều chính, bàn việc cơ mật nhưng đứng ngoài tổ chức hành chánh.

(7) - Shinchôki, 15 quyển, ra đời khoảng năm 1600, ghi chép về hành trạng của danh tướng thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản, 1467-1568) Oda Nobunaga ( Chức Điền, Tín Trường, 1534-1582, người hay được gọi là Shinchôkô hay Tín Trường Công). Araki Murashige (?-1586), tướng cầm quân cho Nobunaga, sau bị nghi là mưu phản và bị giết (có thuyết cho là đi tu), còn Ikeda Shônyuusai hay Terumasa (1564-1613) cũng là tướng giỏi thờ liên tiếp 3 đời chúa Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu.

(8) - Bến buôn bán sầm uất trên dòng sông Yodo, nay thuộc Ôsaka. Ngày xưa, có xóm chơi bời nổi tiếng.

(9) - Truyện liên quan đến 47 người vũ sĩ phiên trấn Akô trả thù cho chủ cũ, sau thành tuồng múa rối rất ăn khách. Hồi thứ năm trong vỡ tuồng có nói về lợn lòi và về bọn cướp núi giết người đoạt của ở Yamazaki.

(10) - Bộ sử truyện đầu tiên trong bốn bộ sử truyện thời trung cổ đã nói ở trên . Liên quan đến giai đoạn 14 triều đại từ năm 850 đến 1025, trong đó có đề cập đến cảnh đại thần và văn học gia Sugawara no Michizane trên đường đi đày, có ghé vùng Yamazaki.

(11) - Sau khi cuộc binh biến thất bại, 3 cựu thiên hoàng liên can bị mạc phủ Kamakura đày. Gotoba ra đảo Oki, Tsuchimikado ra đất Tosa và Juntoku, đảo Sado.

(12) - Nhà văn nữ cung đình, không rõ năm sinh năm mất, đã sáng tác Truyện Genji (khoảng năm 1001), với bút pháp hào hoa và lối phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, được xem như tác phẩm lớn nhất của văn học Nhật.

(13) - Setsukasen (Nhiếp-Hà-Tuyền) là tên tắt để gọi ba vùng Setsu, Kawachi và Izumi.

(14) - Tranh vẽ kiểu Nhật thời xưa, phần nhiều là tranh cuốn hay trên bình phong. Chữ dùng để phân biệt với tranh tàu.
(15) - Tác giả muốn nói đến triều Heian (794-1185) , lúc các thiên hoàng nắm quyền và lực lượng quân nhân (samurai) chưa có sức mạnh chính trị.
(16) - Đơn vị đo diện tích đất đai, nhà cửa, tương đương 3,306m2.
(17) - Lúc ở đảo Oki, thái thượng hoàng có câu thơ: "Gió kinh đô đến được đâu! Đảo hoang, muôn sóng đến chầu ta thôi."
(18) - Ken là đơn vị đo chiều dài , khoảng 1,818m. (19) - Kageki tức nhà thơ waka Kagawa Kageki (1768-1843). Giọng thơ tự nhiên, bình dị.
(20) - Kikaku tức Takarai Kikaku (1661-1707), một trong 10 đại đệ tử của thi hào haiku Matsuo Bashô. Thơ hoa lệ, kiểu cách.
(21) - Nguyên văn viết bằng chữ Hán. Phan Huy Vịnh dịch: " Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu".
(22) - Ôe no Masahira (952-1012), học giả Hán văn và thi nhân tiêu biểu thời Heian.
(23) - Kayô tức là Hà Dương, tên một vùng đất bên Trung Quốc (nơi Phan Nhạc làm huyện lệnh và nổi tiếng nhiều hoa đẹp) mà thiên hoàng Saga đã đem đặt cho vùng Yamazaki. Lối "mượn tên" như một hình thức tu từ nầy rất phổ thông ở Nhật thời xưa.
(24) - Ôe no Masafusa (1041-1111), chắt của Masahira, học giả thuộc giai đoạn sau đời Heian.
(25) - Cùng với Văn Thù là hai vị bồ tát giúp Đức Phật giáo hóa và cứu độ chúng sinh.
(26) - Saigyô, cao tăng và thi nhân quan trọng cuối thời Heian. Để lại 94 bài trong tuyển tập thơ waka Shin-Kokin-shuu.
(27) - Tên một vở tuồng Nô nói về sự tích nàng Kogô, con gái quí tộc Fujiwara, thiếp yêu của thiên hoàng Takakura (1161-1181). Từ khi Taira no Tokuko, con gái của quyền thần Tairano Kiyomori nhập cung làm hoàng hậu, Kogô bị ông này, vì bảo vệ quyền lợi gia đình mình, bức hiếp đến nỗi phải bỏ đi tu lúc mới 23 tuổi. Tuồng có một khúc ca tụng cảnh trăng đêm tuyệt hay.

(28) - Áo trùm như cái bị để chống rét mà tăng lữ hay trà sư thường mặc để đi đường nên còn được gọi là áo "đạo hành".

(29) - Tạm dịch: Gió tùng thổi, sông trăng vàng. Đêm dài trời lặng, biết làm chi đây"

(30) - Sau chỉ chung các cô gái làng chơi ở bến Eguchi trên sông Yodo, được nhắc đến trong thơ waka của tăng Saigyô. Trong sách Jikkinshô (Thập Huấn Sao, 1252), cao tăng Seikuu khi viết lại truyện xưa để răn đời có nói đến việc Đức Văn Thù Bồ Tát hoá thân thành gái làng chơi (du nữ).

(31) - Thơ trong thi tập Kokin Waka-shuu.

(32) - Thơ công chúa Nukata trong thi tập Manyôshuu.

(33) - Dặm (ri) đơn vị của Nhật là 3, 9273km. Đoạn đường cậu bé nầy đi và về từ 3 đến 4 dặm, tính ra ít nhất trên 10 cây số.

(34) - Koto, một loại đàn tranh, Samisen hay Shamisen là đàn 3 giây, Kokyuu tức hồ cung hay đàn nhị.

(35) - Hai loại cây hoa bạc như lau sậy, tượng trưng cho mùa thu.

(36) - Cách búi tóc Shimadamage tương truyền của gái làng chơi vùng Shimada, lại có thuyết cho là theo kép tuồng kabuki Shimada Mankichi. Thường là cách búi dành cho người chưa chồng.

(37) - Gọi theo tên của người lái buôn chuyên môn cung cấp đồ dùng trong nhà cho các nhà công khanh ở Kyôto dưới thời Edo, người phổ biến loại con nộm rất được yêu chuộng này.

(38) - Yuya là tên khúc hát trong một vở tuồng Nô của soạn giả Zeami kể về mối tình qua đường của tướng họ Taira là Takamori với tiểu thơ Yuya, kết thúc trong biệt ly.

(39) - Phép đặc biệt gọi là Yurushi, chứng nhận đã đủ tài sức, một kiểu giấy phép hành nghề.
(40) - Nguyên tác: con daimyo (lãnh chúa)
(41) - Trò chơi thời Edo tên gọi Tôsenkyô, nghĩa là phóng quạt với độ mở rộng hay hẹp khác nhau nhằm đánh đổ một cái đích đặt cách chỗ người ném khoảng một mét, để tranh cao thấp.
(42) - Tranh sơn mài kiểu Ogata Kôrin (1658-1716), bậc thầy thời Edo, có những đường nét hoa lệ và táo bạo. .
(43) - Lối nhuộm tinh vi đời xưa làm nổi lên được màu sắc, hình ảnh và hoa văn đẹp đẽ trên lụa được Miyazaki Yuuzensai (1681-1763), một nghệ nhân thời Genroku (1688-1704) phát huy. Từ thời Meiji trở đi, phát triển rộng rãi và trở thành một sản phẩm danh tiếng của vùng Kyôto.
(44) - Tập tranh minh họa cuốn Inaka Genji viết dang dở của Ryuutei Tanehito (1783-1842), do họa sư Utagawa Kunisada (1786-1864), một kiệt tác với nét họa diễm lệ và nội dung rất tỉ mỉ về cuộc sống cung đình.

 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 734

Return to top