Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đôi bông cưới

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 465 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đôi bông cưới
Huỳnh Mẫn Chi

Chị nhẹ nhàng bước đến chiếc tủ. Mở hộp nữ trang ra xem, chị lắc đầu oải hoải. Chỉ có lúc này, chị mới ngắm nhìn kỷ vật trong ngày cưới của mình. Từ trước đến nay, chị có bao giờ nhìn ngó đến đâu. Phải nói rằng mười năm trôi qua, kể từ cái ngày anh cưới chị, đôi bông cũng nằm yên trong chiếc hộp cùng với khoảng thời gian ấy.
Nắng chang chang. Nắng phủ kín mọi cảnh vật đang ngự trị trên đường. Nắng hừng hực bốc lên từ con đường nhựa, một làn hơi oi bức. Phố sá trải rộng thênh thang. Đường vắng, hun hút xa. Chị đạp xe như phóng, như bay. Con đường phía trước vẫn là một màu của nắng, vô tận. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, trên mặt, chị như trút cơn giận dữ xuống đường.   
Dựng chiếc xe đạp ngay cửa, chị thở hổn hển. Chân bước lụi đụi vào nhà. Nét mặt hậm hực, chị đảo mắt tìm chồng.
- Anh đâu, ra đây.
Xé rách chiếc nón lá, chị vứt xuống đất. Tay vớ được những gì bên cạnh, chị đều nén tứ tung. Chồng chị khập khiễng từ nhà bếp bước lên. Chiếc chân giả lộp cộp vang lên trên sàn nhà. Thằng con trai anh chị đang ngồi xem ti vi. Nó bật đứng dậy. Mắt chăm chăm nhìn mẹ, nó run bây bẩy. Chị vẫn giữ thái độ đó. Nó lao đến cạnh anh. Đôi tay níu chặt cái chân giả của anh, nó mếu máo:
- Ba ơi! Mẹ lại mang thuốc về nữa rồi.
Anh khom xuống bế thằng con trai lên. Thằng bé co ro trong lòng cha. Ánh mắt đầy nỗi sợ hãi, nó không dám quay lại nhìn mẹ. Anh nhìn vợ nồng nàn. Bởi cái giận dữ của vợ, anh đã quen rồi. Chị ngày nào không hờn không dỗi. Đối với anh, chuyện vợ trách, vợ mắng cũng giống như cơm bữa. Chuyện hàng ngày, đến giờ đến bữa người ta phải ăn, thế thôi.
Anh nhẹ nhàng bước đến cạnh vợ. Cái chân thật của anh quằng nặng như đang phải chống đỡ cái chân giả. Thằng con trai anh cố thu nhỏ người lại nép mặt vào ngực cha. Lấm lét nhìn mẹ, nó hốt hoảng. Anh dửng dưng trước thái độ của con, của vợ. Mẹ nào con nấy, anh còn xa lạ gì nữa. Thằng bé cứ giẫy giụa trong vòng tay của cha. Như mặc kệ nó, anh khệ nệ bế con đến cạnh vợ. Chị ngồi chết lặng nhìn anh. Đôi mắt giận dữ long lên đến táo tợn. Anh bình thản thả thằng bé xuống cạnh vợ, giọng ôn tồn:
- Lại giận! Lại dỗi…
Dứt lời, anh đưa tay vuốt lấy những giọt nước mắt trên má vợ. Nét mặt khổ sở, anh ôm chị vào lòng. Chị vẫn như vậy. Tiếng khóc rưng rức vang lên, mỗi lúc một to dần. Thằng bé nhìn mẹ, nhìn cha không dám nhúc nhích. Căn nhà chật hẹp lại phải chứa đựng một bầu không khí nặng trình trịch. Cái nắng gay gắt ngoài sân như đã tràn vào nhà. Vậy mà, chị lại nổi cơn dông gió với anh. Anh tự hỏi. Chẳng lẽ ngày nào, chị cũng làm mưa làm gió với anh hay sao? Một tháng có bao nhiêu ngày, chị gây sự với anh suốt bấy nhiêu. Ngay cả ngày rằm, chị cũng làm tuốt luốt với anh. Anh cúi đầu hôn vợ, giọng dỗ dành:
- Con mình đã hết sốt rồi em à!
Vợ anh, mặt ướt đẫm nước mắt. Chị thẳng tay, bốp! Anh ôm mặt. Anh chới với. Tiếng lộp cộp, tiếng lục khục đan xen vào nhau, vẳng lên. Anh ngã xuống sàn nhà. Cái chân cụt ngang gối nằm bất động. Khúc chân gỗ nằm trơ trọi bên cạnh anh. Anh đau đớn nhìn vợ, giọng nghèn nghẹn:
- Trời ơi!
Chị bật khóc nức nở. Chị nhìn chồng đến nghẹn lời. Có lẽ trong lúc này, chị mắng nhiếc anh dễ dàng hơn chuyện trò. Bởi vì, chị làm sao nói ra được những lời này. Rồi, anh và chị sẽ ra sao? Khi chị đã cho anh biết, chị đã biết sự thật về anh? Chính vì vậy, tức giận chị chỉ muốn buông, muốn trút hết lên anh. Anh và chị có ra sao thì ra. Chị là vậy. Lừa dối vợ, chị không tức, không buồn bằng xem thường vợ. Thế là, chị gán ghép anh bao nhiêu là tội. Tội lớn nhất và nặng nhất chính là anh xem thường, xem rẻ vợ. 
Chuyện gì chẳng hiểu. Anh nhìn vợ bực tức. Anh không ngờ vợ mình dữ dằn như vậy. Đàn bà con gái, ai lại lúc nào cũng ong óng với chồng. Chồng nói một lời, vợ ẩu đả lại hàng trăm câu. Anh chán lắm rồi. Vợ đẹp thì mặc xác vợ chứ. Chẳng lẽ, những thằng đàn ông có vợ xấu trong khu phố này, họ sống không được sao? Họ có khổ sở như anh đâu. Đột nhiên, anh mong mỏi vợ vắng một tháng. Chị vắng nhà, anh chấp nhận leo dốc suốt ngày cũng chẳng sao. Hàng xóm vẫn biết anh là chủ căn nhà này mà! Nhưng anh chỉ hùm hổ, dằn vặt với bản thân mình, anh nào có đối diện với vợ. Chị yếu ớt bé bỏng, anh sao nỡ nặng lời. Còn đánh vợ như đánh banh, anh đành bó tay. Đàn ông đánh vợ còn ra thể thống gì. Đàn ông ai lại thế, vợ tát một cái lập tức quất lại tám cái. Phải chi ngoài chiến trường, địch xông ra thì anh nã súng ngay. Vợ và giặc phải khác nhau chứ. Mặc dù thỉnh thoảng chị vẫn cho anh vài tát tay, nhưng ai lại đánh trả lại với vợ. Như vậy không khác nào hơn thua vợ, trong khi đó, anh rất yêu vợ. Vợ mình chứ phải nào đàn bà con gái ngoài đường, ngoài sá. Vợ người khác anh còn nhịn, huống chi vợ mình. Điển hình như vợ ông nhà bên cạnh, thỉnh thoảng, bà cứ mang rác sang cửa nhà anh đổ, đống nào đống nấy thền thền, to tướng. Mỗi lần như vậy, anh phải dọn dẹp. Nếu không, chị lại mắc mõ anh. Chị giụt anh xông ra chửi tay đôi tay ba với bà ấy. Chị đã hiểu rồi vẫn chứng nào tật nấy, anh làm sao thực hiện được điều đó. Thế là, gia đình anh rơi vào cảnh cơm không lành canh không ngon. Cũng phải thôi, ai bảo anh khôn nhà dại chợ làm chi. Vợ mình nể nang đã đành, vợ hàng xóm lại sợ tuốt luốt.
Khổ nỗi, vợ anh có khuôn mặt rất lạ kỳ. Khuôn mặt lành lành, tội tội làm sao ấy. Khuôn mặt mà những ai đối diện, họ đều có cảm giác bình yên. Còn anh khi tức giận đến mấy, nhìn mặt vợ thì nguôi ngoai ngay. Cho nên rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này, anh rút lui. Nhịn vợ đôi lúc cũng là một điều hay, vợ mình chứ có phải bà hàng xóm đâu. Nếu ai đó xầm xì bảo anh sợ vợ, anh thấy có gì là không đúng. Vợ anh cả xóm còn sợ, anh không sợ mới là chuyện lạ.         
Mặc cho chồng như thế nào, chị không hề ngó ngàng đến anh. Anh lẳng lặng vào nhà bếp. Chị vẫn khóc. Tiếng khóc vang ra xót xa và mệt mỏi. Thằng con trai chị ngồi lặng thin, buồn hiu. Chị kéo nó đến gần. Thằng bé rụt rè. Nó nhìn mẹ sợ sệt. Chị đặt tay lên trán thằng bé. Nó rùn người, miệng ấp úng:
- Con đã hết bệnh rồi.
Chị lại khóc. Thằng bé thờ ơ trước những giọt nước mắt của mẹ. Nó nhìn hai túi áo chị chầm chầm. Tìm kiếm ở túi áo này, xem xét bên túi áo kia, mắt thằng bé long lanh ngập tràn niềm vui. Chị vẫn để thằng con trai ngồi yên trong lòng. Bất chợt, nét mặt thằng bé hơn hớn, miệng tươi cười:
- Mẹ chẳng có viên thuốc nào cả.
Mắt nhắm nghiền, chị ngã lưng xuống sàn nhà. Thằng bé gối đầu lên cánh tay mẹ. Nó chòm hom bên này rồi leo sang bên kia. Chẳng mấy chốc, nó chìm vào giấc ngủ li bì. Chị nằm ôm con vào lòng. Mắt nhìn con tha thiết. Thằng con trai chị vẫn phì phù trong vòng tay của mẹ. Chính thằng bé, nó như sợ dây xiết chặt tình cảm vợ chồng chị. Nhiều lúc chị giận chồng, nhưng lại thương con nên mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy. Lần này, chị không biết sẽ ra sao. Chị lấy chồng đã mười năm. Khoảng thời gian ấy cùng với thằng con trai, vậy mà giờ đây, chị quá bẽ bàng trước cuộc hôn nhân ngày ấy. Lần đầu tiên kể từ ngày lấy anh, chị lại muốn bỏ nhà ra đi.
Chồng chị một thương binh. Anh từ chiến trường biên giới Tây Nam về. Anh và chị là láng giềng hàng xóm với nhau. Nhưng hồi ấy, chị không hề để ý đến bất cứ chuyện gì của anh. Chị chỉ biết anh sống trong căn nhà chật hẹp với người mẹ già. Mẹ anh là người đàn bà nhân từ, hiền hậu. Bà như chiếc bóng ra vào trong xóm. Ký ức chị mỗi khi nghĩ đến mẹ chồng, không gì khác ngoài sự ít nói. Mà có cố nhớ cách mấy, chị cũng khó hình dung được mẹ chồng. Độ tuổi mười hai, mười ba, chị để ý những chuyện làm gì. Để rồi sau này, chị về làm vợ anh mới chợt nhớ lại bà già ít nói ngày xưa chính là mẹ chồng mình. Vì khi chị lấy anh, bà đã ra đi năm sáu năm gì đó.
Chồng chị hiền lành, chịu thương chịu khó. Khổ nỗi, anh rất nghèo. Cả khu phố nơi anh chị sinh sống không ai nghèo như anh. Dù nghèo nàn, kham khổ, khốn khó nhưng anh được nhiều người yêu quý. Cũng chính vì sự yêu mến đó, anh luôn bị chòm xóm thúc giục chuyện vợ, chuyện con. Họ bảo anh phải lấy vợ. Ngày trước, anh có mẹ nên chuyện này chậm trễ mấy cũng không sao. Bây giờ mẹ mất rồi, mọi thứ ai lo cho anh. Anh mỉm cười bảo với mọi người rằng mình biết nấu cơm, nấu canh. Ngay cả kho cá, anh cũng biết. Mọi người phớt lờ cách phản ứng của anh. Họ vẫn cứ đôn đốc anh chuyện vợ con. Đàn ông có giỏi giang mấy cũng cần đến đàn bà chuyện trông nhà trông cửa. Anh vẫn cứ im im.
Rồi đùng một cái, anh nổi tiếng khắp khu phố. Bởi vì, anh rinh được cô vợ đẹp nhất xóm. Chuyện vợ đẹp vợ xấu chẳng ai quan tâm. Hàng xóm chỉ thấy lạ vì trước đó anh có gì với cô gái ấy đâu. Ngay cả cưa tán vợ, anh cũng không tốn một lời. Trước đây chòm xóm cứ nghĩ không biết bao giờ anh mới cưới được vợ. Hoàn cảnh khó khăn, đàn bà con gái, anh không dám tán dám cưa gì cả.
Anh lặng thinh. Láng giềng hàng xóm có hiểu lầm, anh không cần giải thích. Giải thích làm gì, họ lại có chuyện để bàn, để tán nữa chứ. Không khoái con gái người ta, anh điên sao mà đi cưới. Không ham vợ, ai lại ba giò bốn cẳng rước về trong khi hoàn cảnh khó khăn. Anh đã từng nhìn trộm cô ấy đến mỏi mắt. Xóm làng này làm sao biết được chuyện ấy.  
Hàng xóm lại xì xào chuyện khác. Chuyện gia đình cô dâu đòi hỏi sính lễ quá đơn giản. Con gái xinh đẹp như vậy, ai lại đòi hỏi chàng rể chỉ có đôi bông tai. Anh nghe mà lòng buồn quằn quại. Anh ghét cay ghét đắng những ai bàn ra tán vào chuyện ấy. Chuyện anh nghèo họ không biết sao? Đôi bông cưới vợ là vật thiêng liêng gì đó. Vậy mà từ trước đến nay, anh không hề nghĩ đến. Bây giờ nghĩ đến nó, anh lại thấy căng thẳng cả đầu óc. Anh không biết phải làm sao để có đôi bông, đôi hoa gì đó. Một vật mà anh chưa hình dung ra được. Vậy mà ba ngày nữa, phải làm sao để sở hữu nó, anh mới có được vợ.
Cha mẹ chị rất thương anh. Ông bà mắng những ai to nhỏ chuyện nhà họ. Ngược lại, ông bà còn phấn khởi khi chọn được anh để trao con gái. Vì đối với ông bà, con gái lấy chồng thương binh- một người đã cống hiến cho Tổ quốc- là một vinh quang. Cho nên, ông không đòi hỏi thêm bất cứ gì cả. Sự mất mát của chàng rể trên chiến trường, ông bà xem như một danh dự lớn. Mọi thứ, tiệc tùng, ông bà sẽ đứng ra lo chu toàn. Chỉ mỗi đôi bông cưới. Con gái xuất giá không có đôi bông chồng cưới, thế gian sẽ cười mãi đến đời con, đời cháu.
Sính lễ chỉ là một đôi bông, anh lại chạy đôn chạy đáo. Mấy hôm nữa đã đến ngày cưới, đôi bông anh vẫn chưa có. Nhưng cuối cùng anh vẫn có đôi bông để cưới được vợ. Đã cưới được vợ, anh lại cứ ngờ vực. Anh không tin mình đã có vợ. Anh thường nhìn vợ với ánh mắt xót xa và hổ thẹn. Dần dà về sau, anh hay chiều chuộng vợ một cách quá đáng. Vợ anh được nước thừa thắng xông lên. Đàn bà là vậy. Tội gì, chồng cưng chồng chiều mà không biết trèo ngay lên vai. Cũng tại anh, người đời đã bảo: "Dạy con dạy từ thuở còn thơ. Dạy vợ dạy từ thuở ban sơ mới về". Anh không biết vâng lời cha ông ráng mà chịu. Đàn bà là vậy, sống lâu với cái gì thì thành thói quen với cái đó.
Chị về là vợ anh cũng chẳng sung sướng gì. Gia cảnh lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Quanh năm suốt tháng, chị sống thấp thỏm trong thiếu thốn. Mọi thứ đồ đạc trong nhà đều lần lượt ra đi. Mỗi đôi bông cưới, chị gìn giữ như một báu vật. Chị là vậy. Của cải mất rồi sẽ có. Tài sản bán rồi sẽ mua. Đôi bông cưới phải vĩnh cữu. Dẫu thời con gái của chị có trôi qua, nhưng đôi bông trong ngày cưới phải còn mãi. Để rồi, mọi chuyện gì đến sẽ đến ngoài dự tính của chị. Đứa con trai đầu lòng của chị lên cơn sốt mấy ngày liền. Bao lần đắn đo, chị giấu chồng mang đôi bông ra cửa tiệm bán. Tại đây chị không thể ngờ, đôi bông ấy lại là vàng giả. Chị phải đứng mím chặt môi, để không bật khóc. Chị không tin đây là sự thật. Đôi bông này chị luôn cất giữ khư khư. Mỗi mình chị và anh mới biết chỗ để, không ai có thể tráo đổi được cả. Thất tĩnh, chị ngẩng mặt nhìn ông chủ tiệm vàng, xấu hổ. Chị cầm đôi bông lên săm soi. Đôi bông vàng đã chuyển sang một màu đen kịt. Nó nhuộm đen bao giờ, trong khoảng thời gian nào, chị không rõ. Chị cúi đầu bước đi trong hai hàng nước mắt chứa chan. Không bán được đôi bông cưới, chị lấy đâu ra tiền để thuốc thang cho con.
Chị nhẹ nhàng bước đến chiếc tủ. Mở hộp nữ trang ra xem, chị lắc đầu oải hoải. Chỉ có lúc này, chị mới ngắm nhìn kỷ vật trong ngày cưới của mình. Từ trước đến nay, chị có bao giờ nhìn ngó đến đâu. Phải nói rằng mười năm trôi qua, kể từ cái ngày anh cưới chị, đôi bông cũng nằm yên trong chiếc hộp cùng với khoảng thời gian ấy. Nhưng giờ đây, nó chẳng có ý nghĩa gì đối với chị cả. Tại sao chị phải giữ gìn, nâng niu cái mà người ta lừa đối mình. Chị muốn gào lên. Chị muốn đập phá tất cả. Chị muốn rời khỏi nơi đây. Chị muốn ly dị anh ngay. Rồi trăm nghìn cái muốn phải được ấy, chị lại bật khóc một mình.
Bên ngoài, tiếng anh nựng nịu con văng vẳng vang lên. Chị cầm đôi bông lên xem, đắn đo. Chị lại muốn vứt đôi bông ra trước mặt anh. Chị muốn anh biết rằng. Chị không còn tình yêu với chồng như ngày xưa. Thế nhưng chị lại rùng người, tim chị thắt chặt nỗi đau. Chị không muốn mình phải tổn thương. Rồi, chị cất đôi bông vào hộp. Cánh tay run rây rẩy, chị đặt chiếc hộp vào chỗ cũ.
Đang lúc chị buồn rầu, người dân thị xã Thủ Dầu Một kéo nhau ùn ùn vào khu công nghiệp tìm việc làm. Họ đem về gia đình biết bao chuyện thú vị. Chuyện máy móc hiện đại, chuyện ông Tây bà Đầm, chuyện lương bổng bạc triệu, chuyện hàng hóa chồng chất… Chị sinh tâm để ý đến chuyện nhà người khác. Chị không giữ kẽ với láng giềng như trước. Chị lân la đến họ. Chị thấy người thành thị vốn không quen sương gió, nhưng khói bụi lại là những điều không xa lạ. Họ cứ rậm rịch rủ nhau vào khu công nghiệp. Chị nôn nao. Chị cũng rất muốn vào khu công nghiệp tìm việc làm. Bởi vì, chị không muốn thấy gia cảnh mình mỗi lúc một thiếu thốn. Mờ mờ sáng, chị phải lo gạo, tìm mắm, kiếm muối. Chạng chạng tối, chị lại chạy vạy cái ăn cái mặc cho chồng, cho con ngày hôm sau.
Dẫu biết rằng công nhân rất cơ cực, nhà máy không phải là nơi để người nghèo thay đổi cuộc sống, chị vẫn phải đến. Chị xa được anh trong hoàn cảnh này là một điều cần thiết. Nhưng khi nghe tin, anh lại ngăn cản. Không cho đi là phải, vì cũng có rất nhiều người vào nhà máy lao động cực nhọc nhưng cha mẹ phải nuôi cơm hàng ngày. Cuộc sống của công nhân anh còn xa lạ gì. Người mang tiền lương bạc triệu về cho gia đình. Người lại mới đầu tháng đã ứng lương cuối tháng. Lương tháng của công nhân tính theo sản phẩm. Nhà máy lại thiếu hụt nguyên liệu quanh năm. Chưa kể đến giờ làm việc lại áp dụng theo kiểu ca kíp, chị làm sao chịu nổi. Anh còn nghe nhiều chuyện khác nữa. Đôi lúc, công nhân phải làm việc đến mười tám tiếng trong một ngày. Chị lại có con nhỏ. Những đêm nó khóc đòi mẹ, anh biết làm sao? Điều mà anh lo hơn những thứ ấy lại là tính cách của chị. Lấy chồng từ năm mười tám tuổi, trải qua mười năm, chị vẫn chưa hay mình đã là vợ, là mẹ. Ở nhà mỗi khi chị dặm chân, anh lập tức xuất hiện ngay bên cạnh vợ. Con khóc con la, chị cũng hờn, cũng dỗi anh. Vào nhà máy, chị vẫn cứ thế thì sẽ ra sao? Anh lo lắng. Nghĩ đến chiếc máy may cũ ở góc nhà, anh đủ sức nuôi chị và con. Bao năm nay, anh vẫn sống bằng cái nghề may vá ở đầu hẻm. Anh vẫn nuôi cả chị lẫn con kia mà. Người ta giàu thì ăn thịt ăn cá. Mình nghèo phải mắm ăn mắm, phải muối ăn muối có sao đâu. Gia đình bền chặt phải có hạnh phúc, hạnh phúc có từ tình yêu. Tiền bạc chỉ là thứ cần chứ không bao giờ đủ…
Những lời lẽ anh đưa ra chẳng thuyết phục chị. Chị khăng khăng đòi vào nhà máy làm công nhân. Anh như không còn lời lẽ để giải thích. Chị lại bảo anh phải ngẩng mặt lên nhìn những người trong xóm. Nhà bà Bảy có năm người, hết tám người vào khu công nghiệp, ngay cả dâu lẫn rể đều vào làm. Họ đi làm đôi ba tháng đã sắm xe máy chạy rầm rộ cả hẻm, tivi, cát-xét phát ầm ĩ cả ngày. Thời đại công nghiệp hóa, chuyện không có nguyên liệu, không đủ tiền trả lương, bóc lột sức lao động công nhân… ai tin? Chị muốn là phải được. Những chuyện gì người khác đã làm, chị phải làm được. Vậy mà, anh vẫn cố sức ngăn cản ý định ấy của chị. Chị nhìn anh bực bội:
- Làm chồng như anh không lo được cho vợ, cho con, anh cứ làm vợ chẳng sao.
Thế là, chị tháp tùng theo những người nhà bên cạnh vào khu công nghiệp xin làm công nhân. Được hai tháng, chị đã có tiền triệu. Công việc của chị chẳng có gì cực nhọc, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và chịu khó. Sự đòi ấy, chị thừa khả năng. Hàng ngày, chị chỉ ráp các linh kiện điện tử theo một công thức có sẵn. Khi những linh kiện ấy khớp với nhau, trở thành chiếc máy. Những nguyên liệu đã thành phẩm mà không bị chê, chị rất vui. Chính vì vậy, chị không hỏi đó là chiếc máy gì? Chị chỉ biết đó là hàng Nhật. Người ta sẽ đóng thùng xuất khẩu sang Nhật.
Mỗi chuyện phải tranh giành từng sản phẩm để cuối tháng có lương, chị thấy ngán ngẩm. Nghĩ đến đây, chị lại thấy thương anh. Đồng tiền làm ra và có được sao mà khó quá. Vậy mà trước đây, chị luôn chì chiết anh mỗi khi gia đình thiếu hụt. Anh phải tìm, phải kiếm ra từng đồng trên chiếc máy may nhọc nhằn, chị tiêu xài trong chốc lát. Chị lại than thân trách phận vì phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Bất mãn chen lẫn tự cao, chị phải lao vào cuộc sống bằng chính đôi chân của mình. Mệt mỏi, gian nan, chị mới nhận ra anh là một người chồng tốt. Chị xót xa. Chị thấy yêu anh, khi những chuỗi ngày khó khăn đã trôi qua.
Anh nhìn chị bằng ánh mắt thương cảm và nể phục. Tất nhiên, anh không phải nể chị vì tài kiếm tiền mà lại tính cách. Chị đối xử với anh khác hẳn trước đây. Chị hiền thục hẳn đi. Mọi thứ trong gia đình, chị thể hiện theo nguyên tắc của một công nhân đang lao động trong khu công nghiệp lớn. Ngoài công việc ở nhà máy, chị vẫn lo trong lo ngoài chuyện gia đình. Chị gầy đi khá nhiều. Anh xót thương vợ. Nhìn chồng chăm sóc chị từng miếng ăn giấc ngủ, chị ái ngại.
Chị nhớ gia cảnh của cô gái làm cùng ca với mình. Nuôi chồng, cô ấy vẫn bị chồng ngược đãi. Vậy mà, cô gái ấy vẫn lặng câm. Ngày ngày, cô vẫn đến nhà máy hoàn thành tốt công việc. Tháng nào như tháng nấy, cô luôn dẫn đầu chỉ số sản phẩm trong nhà máy. Chị thầm trách mình. Chị mỉm cười, sung sướng, khi có anh và con bên cạnh. Nhưng anh lại nghĩ khác, anh giành phần may mắn về phía mình. Anh thấy hạnh phúc, khi mái ấm gia đình đã dần dần di chuyển theo sự thay đổi của chị.
Những ngày tháng trôi qua, sống trong căn nhà ngập tràn hạnh phúc của chồng, của con. Chị vẫn không quên đôi bông giả trong ngày cưới. Chị chỉ căm lặng. Dù thỉnh thoảng vẫn uất ức hành động của chồng trước đây, nhưng chị chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh của anh khi đó. Chị căm ghét cái nghèo. Chị quyết tâm xa lánh mọi khốn khó. Dẫu biết rằng trong cuộc sống đã có định mệnh an bày, nhưng chị phải đấu tranh để tránh xa. Chuyện chị buồn phiền là phải. Phụ nữ nào chịu được khi biết chồng cưới mình bằng "hàng giả hàng dỏm". Dằn vặt mãi, chị càng khổ tâm. Chị lại lao vào công việc ở nhà máy. Công việc ở nhà máy ngày lại càng trôi chảy hơn. Được ít tiền, chị lại giấu chồng. Anh vẫn thế, thờ ơ và vô tư. Cho nên ngoài lo cho gia đình, chị đều dành dụm riêng cho một khoản tiền. Cho đến một ngày, số tiền chị cất giữ được ngang bằng với giá trị đôi bông, chị đành đến tiệm vàng sắm lại đôi bông như đôi bông trong ngày cưới.
Chị mang về cất vào tủ thay thế đôi bông giả trước đây. Chuyện này, mỗi mình chị biết. Lẽ ra phải buồn, chị lại thanh thản khi đôi bông cưới của mình đã có giá trị. Giá trị ở đây là lòng tin và tình yêu của chị dành cho chồng.
Người đời thường bảo: "Họa vô đơn chí". Ngược lại, gia đình anh chị lại đến hai lần may mắn. Đang lúc chị có công ăn việc làm ổn định, căn nhà của họ rơi vào khu đất giải tỏa. Khu đất mà Nhà nước đã đưa vào kế hoạch mở khu công nghiệp lớn. Nghe tin này, chị rất vui. Vì từ lâu, chị muốn cùng anh và con ra ngoại thành sinh sống. Nhưng đây là căn nhà của mẹ anh để lại nên chị ái ngại khi phải nó ra lời này với anh. Chính vì vậy, chị nhận được tin này như đang "múa cờ trong bụng". Chị và con ham hở, chuẩn bị đến một nơi ở mới. Mặc dù, anh không mấy bằng lòng về chuyện di chuyển, thay đổi chỗ ở, nhưng chị lại mong đợi từng ngày.
Thế là, họ đã có một khoản tiền bề bù nhà khá cao ngoài sự mong đợi. Lúc đầu, anh rất buồn. Vì đây là căn nhà anh và mẹ từng sinh sống ngày trước. Nghĩ đến căn nhà, anh lại nhớ đến mẹ. Căn nhà đối với anh chính là kỷ niệm khó quên của mẹ để lại. Nhưng biết làm cách nào, khi những nhà bên cạnh của mình cũng vậy. Thôi thì người ta như thế nào, gia đình mình phải như thế đó chứ biết làm sao. Nhắc đến kỷ niệm, đôi môi anh lại run lên vì đắng cay. Có được nhiều tiền trong tay, anh chợt nhớ đến đôi bông cưới. Những giờ phút khổ đau dằng xé lương tâm anh hiện về. Anh thấy hổ thẹn với vợ.
Nhận tiền từ khoản đền bù căn nhà, anh vội vã mang đôi bông ra ngay tiệm vàng. Anh đứng lúng túng. Mắt nhìn trước nhìn sau, anh mở chiếc hộp. Anh cầm đôi bông lên xem. Dưới nắng, đôi bông lấp lánh, sáng chói. Anh dáo dác nhìn quanh quẩn. Anh tiến đến ông chủ tiệm vàng.
- Tôi muốn mua đôi bông y chang như thế này, nhưng phải là vàng thật.
Ông chủ tiệm vàng cầm lấy đôi bông lên ngắm nghía. Anh nhìn theo đôi bông, mặt mũi tái ngắt, lạnh lùng. Ông chủ lại cầm đôi bông trộn trở. Mặt ông nhăn nhíu, ánh mắt khó chịu.
- Đây là vàng thật, anh còn muốn đổi gì nữa.  
Anh ấp úng. Anh ngượng cười. Anh cất đôi bông vào hộp, bẽn lẽn ra về. Vừa đi, anh mĩm cười. Mở nắp hộp, anh lại lấy đôi bông ra xem. Xem một lúc, anh cất vào. Rồi đi một đoạn đường, anh lại mở nắp hộp lấy đôi bông ra xem. Cứ vậy, vừa đi, anh vừa tủm tỉm cười một mình trên suốt đoạn đường về nhà.
Gia đình anh chuyển về căn nhà mới chưa trọn một ngày. Cuộc sống của họ có phần thay đổi. Sau này, chị phải đi làm xa hơn. Anh cũng vậy, chiếc máy may cũ chắc rồi phải xếp xó. Công việc mới của anh chắc không gì khác ngoài chuyện trồng trọt. Có sao đâu, anh thích như vậy. Sống ở đâu cũng phải lao động, nghề gì cũng là nghề…
Đêm nông thôn tĩnh lặng. Trăng sáng bàng bạc trên hàng tre. Sương giăng trắng xóa trên thảm cỏ. Đám cỏ hoang um tùm, nhởn nhở lấp lóa dưới trăng. Bầu trời trong veo, yên tĩnh. Anh rón rén đi ra phía bờ ao. Đúng là vợ anh, chị ngồi thụp xuống, hai tay ôm ngực. Anh nép người sau hàng tre. Trống ngực anh đánh thình thịch. Không biết, chị có nghe được những nhịp tim anh đang thổn thức. Anh thật lạ kỳ. Vợ mình mà anh cứ đứng thập thò không thua gì đang nhìn trộm cô hàng xóm. Vợ chồng sống với nhau hàng chục năm, anh cứ ngỡ như ngày đầu cưới vợ. Anh nhớ đến câu nói của dân gian. Người ta bảo: "Trăng đẹp nhất là đêm rằm. Đàn bà đẹp nhất là khi tắm". Anh lớ ngớ. Đêm nay đúng là đêm rằm. Anh thấy trăng có đẹp gì đâu. Vợ anh đẹp thì có. Vũ trụ đêm nay như mỗi mình vợ ngự trị. Dòng nước sóng sánh một màu da thịt của chị. Chị vẫn thờ ơ với tiếng nước khua tách tách. Anh nhè nhẹ trên thảm cỏ đẫm ướt sương đêm. Mỗi lúc, anh càng tiến gần đến chị.
Chị giật mình, rùng người. Chị nhìn anh ngường ngượng. Chị lại nép mình xuống dòng nước. Anh đến bên cạnh chị. Trăng soi rõ từng kẽ lá. Trăng nhuộm bạc ánh sương đêm. Trăng làm thay đổi cả dòng nước. Chị óng ánh, rạng ngời dưới ánh trăng. Anh lúi cúi. Anh ngần ngại. Anh run rẩy. Anh lăng xăng. Anh lấp bấp:
-Em!…
Anh bẽn lẽn. Chị ngường ngượng, ngẩng mặt nhìn chồng, chờ đợi. Anh nghèn nghẹn:
- Ngày xưa nghèo, anh phải sắm đôi bông giả làm sính lễ cưới em. Không ngờ, chủ tiệm vàng đã bán nhầm hàng thật.
Chị cúi đầu lặng im. Một làn gió nhẹ thoáng đến. Dòng nước nhấp nhô. Vầng trăng sóng sánh. Chị như đang đùa với dòng nước. Anh mỉm cười,  hạnh phúc./.
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 475

Return to top