Chiều muộn
Chu Thị Thơm
Rồi gió xé tan từng tàu lá. Nhưng những đêm trăng, những tàu lá rách ấy vẫn giãy lên đành đạch để hứng tình như trước đây. Thị bất chợt nhận ra một điều rất lạ. Sao ngày ấy, trăng sáng thế nhỉ?
Làng Vũ Đại.
Một ngày đẹp trời. Tiết xuân se lạnh, trời lắc thắc mưa. Trong làn sương mỏng của mưa, có nhiều tốp các cụ già răng đen nhưng nhức, đang xúng xính trong bộ áo tứ thân màu nâu mới, tay cắp nải chuối, rẽ vào cổng chùa làng.
Mấy hôm nay, Thị Nở không đi kín nước nữa. Thị không có thói quen đi chơi xuân. Từ ngày Chí Phèo mất đi, thị buồn lắm. Thói quen ra sông ngắm trăng khi kín nước mang về lều cũng không còn nữa. Thị lầm lũi như một cái bóng, ra đường không nhìn ai. Tối tối, sau khi đi làm về thị lăn ra chõng nằm. Từ cái chõng tre nơi thị nằm, nhìn ra cửa sổ. Nơi ấy, chênh chếch ánh trăng treo ngang khi ngày rằm đến. Cũng từ khi biết thế nào là tình yêu, thị hay trông chờ cái ngày trăng lên lắm. Thị hết trông trăng lại ngắm những tàu lá chuối. Những tàu lá chuối rách thì rủ xuống, xác xơ, tay lá đua những mảnh xương của cuống lá chìa ra với gió, trông rất thảm thương. Tàu chuối nào còn lành lặn thì vỗ đành đạch, theo làn gió mỗi khi có một cơn gió điên cuồng chạy sầm sập đến.
Khúc sông nhà thị có rát nhiều cát, thoai thoải đổ ra sông. Bờ cỏ xanh mướt trải dài theo dải cát. Con đường dẫn đến bến sông thường thưa thớt mỗi khi chiều về, hoặc vào hôm mưa, hoặc khi không phải vào ngày chợ. Nhưng bến đò không có ở đấy. Muốn sang bờ phải chịu khó đi ngược lên một chút. Ở đó không có nhiều bụi chuối như ở đây, nhưng bù lại có cây gạo cổ thụ trơ tấm thân vạm vỡ với những cánh tay lực lưỡng chĩa về bốn phía. Dưới gốc cây gạo, có ngôi miếu, cũng cổ kính và u tịch theo thời gian. Mùa xuân, từng cành tung những chum hoa đỏ rực về bốn phía quanh mình, rồi lặng lẽ phủ lên gốc cái sắc đỏ của hoa, chồng chất, hệt như bức thảm đỏ. Thuở trước, Chí Phèo mỗi khi ra chợ uống rượu về, lại ngả người lên gốc gạo - làm một giấc say sưa. Bầy bò lông vàng rực tha thẩn, nhẩn nha gặm cỏ ven gốc gạo, thỉnh thoảng lại đuổi nhau. Có những lần Chí bị đàn bò đánh thức bởi một cú hích thật mạnh, qua cuộc hỗn chiến của đôi bò mộng nhà Binh Chức và nhà Lý Cường. Kết quả, cổ của con bò mộng nhà Binh Chức bị rách bởi đôi sừng nhọn hoắt của nhà Lý Cường xuyên thẳng. Nhưng Chí Phèo cũng bị vạ lây, bởi cuộc rượt đuổi tìm ngôi thứ võ sĩ nhà bò của hai con đã vô tình chạm đến nơi Chí đang say sưa dưới gốc gạo. Chí bị sừng con bò nhà Lý Cường sượt qua người, hất tung chai rượu trên tay. Còn mạng sườn thì bị một cú hích mạnh đến nỗi Chí phải ôm rên và nằm im mấy ngày không ra nổi chợ.
Có nhiều người đã thốt lên, tiếc rẻ:
- Phải chi nó (tức con bò) làm một cú thật mạnh, để cho thằng chuyên đi ăn vạ chết luôn, cho dân làng Vũ Đại đỡ khổ…
Nhưng giờ thì Chí chết thật rồi.
Có lẽ chưa bao giờ Thị Nở lại chú ý đến hình thức của mình như lúc này. Thị không có thói quen ngắm mình qua chiếc gương nhỏ xíu hình vuông mà bà cô mua ở chợ làng dạo nọ. Nhưng thị lại muốn soi mình trong làn nước trong veo của dòng sông, của chiếc chum đựng nước dưới gốc cau trước nhà. Mỗi lần thị cúi xuống nhìn mình trong chiếc gương-nước ấy, thị đều nhìn thấy một người đàn bà xa lại, dung nhan kinh sợ chăm chăm nhìn mình. Thị giận người đàn bà kia lắm. Thị thò tay xuống nước, khua khoắng làm vẩn mặt nước lên, và gương mặt người đàn bà kia nhòe theo cơn tức giận của thị.
Bà cô thị là người trải qua những nỗi đau của kẻ bị phụ tình hồi trẻ, bà cũng là người bị dân làng dèm pha bởi không con, nên rất hiểu nỗi niềm đứa cháu gái. Thực lòng, bà không muốn cho thị rơi vào con đường oan nghiệt của kiếp chồng vợ mà theo bà, nó là con đường chết chứ không phải là con đường sống. Bà giơ tấm lưng gầy nhăn nheo ra chìa cho đứa cháu xấu xí xem chứng tích của những trận đòn trong cơn say và sự giận dữ của chồng; rồi vạch tóc cho thị sờ vết sẹo lồi, kết quả một trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng vì bà bị cáo buộc cái tội “không biết đẻ”. Cuối cùng không thể chịu đựng nổi những trận đòn vô cớ, bà cô thị đành lết về nhà bố mẹ đẻ trong đêm, thắp hương tạ lỗi với cha mẹ, định nói lời bỏ chồng. Nhưng bố mẹ đẻ càng thương con gái bao nhiêu lại càng có cảm giác nhục nhã vì đứa con bất hiếu bấy nhiêu. Tội không biết đẻ, là tội nặng nhất còn gì?
Cuối cùng, bà lại phải quay về với người chồng vũ phu vì không muốn người mẹ nhảy xuống sông tự tử. Bà trở về nhà chồng, bị người chồng cầm chiếc roi chăn bò đập cho nát tấm thân vốn đã bầm dập, rồi kéo vào chuồng bò suốt đêm, sau khi đóng gióng chuồng lại.
Cũng không hiểu tại sao hai con bò đêm ấy lại không hề chạm vào bà. Hình như chúng biết thương chủ, không dẫm thêm vào tấm thân bầm dập ấy, để bà còn sống đến ngày nay.
Nhưng ông Trời thật có mắt.
Sau khi bỏ vợ trong chuồng bò, gã chồng vũ phu lại vào uống rượu. Uống xong, y lảo đảo ra sông tắm, vì nóng quá. Dân làng biết gã là người bơi rất tài, ấy vậy mà không hiểu sao, hôm ấy y ra sông, rồi vĩnh viễn không bao giờ bơi vào bờ để về nhà hành hạ vợ nữa.
Hai ngày sau, xác y dạt vào vệt cỏ cuối làng, sau khi phập phềnh trên sông. Bọn trẻ trâu trông thấy trên sông có một vật gì lềnh bềnh, hình như là người bởi bàn tay mập mạp, đen cháy chĩa lên khỏi mặt nước. Ánh nắng mặt trời đã thiêu đốt tấm thân ở phía bên trên được nổi lên mặt nước khiến cho cái xác vốn đã trương phềnh, lại còn đen cháy, mọng nước. Khi vớt vào bờ trông rất gớm ghiếc và kinh hãi.
Ngày đưa ma chồng, bà cô thị đã rỏ những giọt nước mắt muộn mằn khi bàn tay run run cúi xuống thắp hương cho chồng. Nhưng đó không phải là những giọt nước mắt tiếc thương, nhung nhớ của nghĩa vợ chồng. Mà là những giọt nước mắt tiếc thương cho một thời con gái, những giọt nước mắt tủi phận của một kiếp người.
Thế là ơn trời phật, bà cô Thị Nở thoát chết, được trở lại làm kiếp người.
Bà đã cho Thị Nở biết thế nào là nỗi khổ cực, nhục nhã của kiếp làm vợ - kiếp đàn bà.
Ấy vậy mà nó lại đem lòng si mê cái gã nát rượu, không nhà cửa, anh em. Cái gã chỉ biết mỗi việc là rạch mặt đi ăn vạ thiên hạ.
Đứa cháu sắp đi vào con đường cũ của bà ngày xưa.
Nhưng, lần nữa, tạ ơn trời phật, Chí lại chết. Trong giấc mơ, bà cô Thị Nở cũng không dám nghĩ điều đó có thể xảy ra với Chí sớm như vậy. Trong thâm tâm, bà chưa biết cách nào đưa đứa cháu gái xấu xí thoát khỏi vòng trầm luân của kiếp chồng vợ đầy khổ ải mà bà đã trải qua.
Chí chết đã hai con trăng.
Rồi ba con trăng…
Thị Nở vẫn thui thủi một mình không đi đâu. Ngoài những việc cần thiết như đi cấy, gánh nước, xay lúa…thị lầm lũi như một bóng ma. Thị ít cười. Vì vậy mọi người không còn được thấy bờ môi vĩ đại của thị nhe ra trong đám răng to, lộn xộn chĩa ra khỏi miệng một cách tùy tiện và vô cớ.
Cuối năm, bà cô nhắc thị:
- Mày xem nước nôi thế nào còn đi gánh đi chứ! Chiều nay đánh lại cây rơm đi! Rồi ra cổng, vét bùn dưới ao đắp vào mấy cây chuối, để nó bén rễ, cho quả sai hơn….
Mặc, thị bỏ ngoài tai những lời bà cô dạy bảo. Thị đang mải mê ngắm mình trong chum nước của nhà. Thị vẫn thường xuyên ngắm mình như thế! Khi nào thị thích làm thì thị làm, chẳng cần ai sai khiến cả.
Còn hôm nay, tiết xuân quá đẹp.
Bà cô ái ngại nhìn đứa cháu xấu ma chê quỷ hờn tha thẩn một mình với ao chuôm và những chiếc chum nước để chỉnh trang nhan sắc và ngắm mình một cách kỳ dị..
Bà cô thị thấy vậy thở dài: “Nó đã dở hơi, lại im lặng thế kia, chắc là khổ lắm đấy. Thôi, kệ quách , khi nào nó cười thì cười, nó nói thì nói…”. Đoạn, bà cô cùng tốp các bà cụ răng đen chuẩn bị đi lễ chùa.
Bình thường thì không sao, nhưng khi nghe tiếng lao xao của mấy bà cụ chuẩn bị đi du xuân, thị bỗng chột dạ nhớ ra rằng mình đang ở nhà một mình. Tự nhiên, thị có cảm giác vắng vẻ. Cái cảm giác ấy thôi thúc thị vào buồng đi chọn mấy tấm áo tứ thân. Thị tìm cho mình bộ lành lặn nhất. Rồi thị vấn khăn. Thị thắt dải yếm – chiếc yếm màu mận chín bằng vải đũi, mà thị rất thích, ngày xưa thị thường mặc mỗi khi mang cháo sang cho Chí Phèo. Ban đầu Chí thích mê mẩn bát cháo hoa thị nấu và bón cho Chí ăn lúc chí bị cảm gió. Về sau món ăn ấy đã khiến Chí trở thành nghiện ngập. Ngày nào không có cháo hoa, ngày ấy, Chí bần thần không yên.
Thị xuống bếp.
Thị nấu bát cháo hoa.
Rồi thị ra vườn, nhổ một túm hành hoa.
Thị rửa sạch sẽ rồi lấy tay - bàn tay to xù xì thô kệch của thị - ngắt túm hành thành bốn. Thị để ở chiếc đĩa sứt. Rồi ngồi đợi.
Chẳng bao lâu, xoong cháo đã bốc hơi nghi ngút và thơm phức.
Thị đặt chiếc bát sành to nhất trong chạn ra chiếc bàn gỗ cũ kỹ, đoạn lấy muôi múc cháo ra bát. Thị nêm vào đó mấy hạt muối. Sau đó, thị trút hành vào bát cháo, quấy lên cho đều. Tất cả cháo, hành sóng sánh lại dưới bàn tay quấy đều của thị.
Thị đặt bát cháo vào chiếc đĩa, cho khỏi nóng. Đoạn thắt lại dải yếm, trong bộ tứ than màu gụ, thị bắt đầu thận trọng đặt bát cháo vào chiếc làn cói, cẩn thận úp lên mặt bát cháo một mảnh lá chuối tươi. Thị nhón chân lấy chiếc bùi nhùi châm lửa, mang theo nén hương. Rồi thị tất tả đi ngược lên bến sông..
Thị men theo con đường ven sông, nơi thoai thoải vệt cát và bờ cỏ xanh non, chẳng mấy chốc thị đến trước túp lều của Chí ngày xưa. Túp lều không có người ở, lạnh lẽo và xiêu vẹo. Chung quanh, cỏ mọc um tùm. Bọn trẻ chăn trâu sợ Chí ngay cả khi y chết đi, chúng vẫn không dám liều mạng tiến vào túp lều để phá phách.
Chiếc chõng vẫn còn nguyên, mặc dầu chiếc chiếu cói đã bắt đầu mục bởi mưa dột đúng vào nơi ngủ của Chí.
Thị mở tấm liếp nhỏ được treo lơ lửng phía bên trái nhà. Thị chống tấm liếp bằng phên nứa lên, cho ánh sáng tràn vào. Bầy muỗi u u vo ve bay lên loạn xạ. Ánh sáng hắt thẳng vào thị.
“Nhà” của Chí không có bàn thờ.
Thị đặt bát cháo hành còn nóng hổi ấy lên chiếc chõng mà Chí thường nằm ngày nào. Đúng hơn là cả thị cũng đã nhiều lần nằm lên đó.
Thị thắp hương, rồi lạy Chí sống khôn chết thiêng nhận ra tấm lòng của thị, đặng trở về dùng món cháo hành - món ăn ngày xưa mà Chí rất thích. Chưa bao giờ người đàn bà dở hơi biết khấn vái. Nhưng không hiểu tại sao, ma xui quỷ khiến thế nào, mà lần này, thị khấn người tình cứ ông ổng, lưu loát với những lời lẽ thống thiết - cứ như từ thuở sinh ra đến giờ, thị chuyên khấn vái vậy.
Thị xõa tóc xuống. Thuở Chí còn sống, Chí rất thích mái tóc dài của thị. Chí vuốt ve mái tóc thị và từng đun nước lá bưởi, lá sả và hương nhu cho cho thị gội đầu.
Hôm trước, Thị Nở đã gội đầu bằng lá sả, lá bưởi và hương nhu.
Thị ngẩn ngơ nhìn ra sông qua tấm liếp rách.
Ngoài kia, tiết xuân lất phất mưa bay. Những chồi búp chuối non bắt đầu làm loa, chẳng bao lâu nữa sẽ xòe ra thành tàu lá, che bầy kiến khỏi mưa phía dưới.
Rồi gió xé tan từng tàu lá. Nhưng những đêm trăng, những tàu lá rách ấy vẫn giãy lên đành đạch để hứng tình như trước đây. Thị bất chợt nhận ra một điều rất lạ. Sao ngày ấy, trăng sáng thế nhỉ?
Còn bây giờ, làn mưa bụi giăng như một làn sương, bí ẩn và buồn bã, mặc dầu cỏ vẫn non mơn mởn, lá chuối xanh đến rợn người.
Thị mặc cho làn mưa hắt qua tấm liếp mỏng, bay vào “nhà” Chí.
Thị chợt nhớ ra mình đã đến lúc phải về.
Men theo con đường trở về, thị không hề nhận ra bà cô đang đi sau thị. Bà cô thị đặt lên chõng cút rượu, thắp cho Chí thêm tuần hương, rồi hắt cút rượu cùng bát cháo xung quanh nhà Chí, để vong hồn của Chí về thụ hưởng trọn vẹn, không bị đói bởi cả một năm mới bắt đầu.
Bà cô trở về đến nhà. Thấy Thị Nở đang soi mình trong chiếc chum nước, cười toe toét, lộ chìa mấy chiếc răng cải mả to tướng:
- Cô nhẩy, tiết trời đẹp quá, cô nhẩy.
Thị không nhớ mình đã vừa gặp Chí như thế nào. Càng không hề biết mình đã bỏ quên bát cháo hành và chiếc làn cói ở nhà Chí mà bà cô đã phải mang về cho thị.
- Ừ trời hôm nay đẹp. Nở, chải lại đầu đi, xõa tóc, ướt hết rồi!.
Bà cô nhắc thị. Lần đầu tiên sau ngày Chí chết, bà cô mới thấy thị cười.
28/12/2007
* Tranh minh họa của Mai Long.