Hoa sứ cùi
Võ Tấn Cường
Gốc sứ đứng cạnh bờ sông Tiền đã trở thành điểm hẹn tình yêu của tôi và Ngọc Hoa. Nhà của Ngọc Hoa nằm chon von ở đuôi cù lao. Tôi không hiểu tại sao cả xã cù lao này lại chỉ trồng duy nhất một gốc sứ.
Mọc giữa mảnh đất cù lao màu mỡ, phì nhiêu nhưng gốc sứ vẫn cằn cỗi, khẳng khiu. Những chùm hoa sứ trắng muốt như da thịt thiếu nữ độ xuân thì nở kiêu hãnh như khoe sắc cùng những đám mây màu bông đang bồng bềnh giữa bầu trời. Chẳng biết từ bao giờ, dân cù lao đặt cho cây sứ cái tên: cây sứ cùi. Những đêm tối trời, bầy đom đóm thường quần tụ quanh gốc sứ hắt quầng sáng nhập nhờ, ma quái xuống mặt sông. Chẳng hiểu có phải do tôm cá bị ma lực của quầng sáng dẫn dụ hay do sự run rủi nào đó mà những chiếc xuồng câu đậu gần gốc sứ thường trúng đậm. Thế là những lời đồn đại lan truyền khắp cù lao như một thứ dịch bệnh. Nhiều người cho rằng cây sứ cùi bị ma ám. Đám trẻ con ở cù lao sợ đến nỗi không còn dám bén mảng đến cạnh gốc sứ chơi đùa và nghe lão Năm gảy đàn kìm nữa. Lão Năm sống lầm lũi như chiếc bóng. Nhiều khi tôi tự hỏi không hiểu tại sao tạo hóa lại bày ra trò chơi trớ trêu khi sắp đặt một người con gái rực rỡ, trinh trắng như thiên thần kia sống chung với một ông già bị bệnh cùi cô độc và lạnh giá…
Ngọc Hoa và tôi tỏ thái độ phớt lờ trước mọi lời đồn đại của thiên hạ. Sự vắng lặng của cảnh vật càng khiến xui cho những cảm giác tình ái của chúng tôi tăng thêm. Những buổi chiều khi lão Năm bơi xuồng đi câu, chúng tôi lại hẹn hò nhau bên gốc sứ để tình tự. Cây sứ cùi đã chứng kiến và đồng lõa với mối tình trong trắng, thầm kín của chúng tôi. Nụ hôn đầu đời chúng tôi trao nhau cũng bên gốc sứ này. Tôi đã khắc tên tôi và tên Ngọc Hoa lên gốc sứ. Cây sứ vẫn đứng trầm mặc lắng nghe tiếng rì rào của dòng sông và lời thì thầm của hai trái tim như một chứng nhân thầm lặng.
Buổi tối cuối tuần, Ngọc Hoa lại hẹn tôi. Ngọc Hoa đứng tựa lưng vào gốc sứ, mái tóc nàng như dòng suối đen đổ dài càng làm tôn thêm làn da trắng mịn lẫn vào màu trắng hoa sứ. Ngọc Hoa nhìn tôi buồn rười rượi và nói: "Mai em đi rồi…”. “Em đi đâu?”, tôi hỏi. Ngọc Hoa chậm rãi đáp: "Đi xa lắm… Chẳng biết có còn gặp anh nữa hay không…”. Tôi thổn thức: "Sao vậy? Ngọc Hoa… Anh yêu em mà… Sao em lại có thể bỏ đi xa được?”. Ngập ngừng một lát Ngọc Hoa đáp: "Mẹ em ở Mỹ mới về đón em đi”. Tôi sửng sốt: "Anh nghe ba em nói mẹ em mất rồi mà…”. Ngọc Hoa buồn bã nói: "Không... Ba chỉ là ba nuôi của em thôi… Mẹ ruột của em vẫn còn sống… Em sẽ cùng mẹ sang Mỹ rồi sẽ rước ba sang chữa bệnh…”. Tôi hỏi: "Em nỡ bỏ ba một mình sao?”. Ngọc Hoa đáp: "Không! Em phải đi! Em không quên công dưỡng dục của ba nhưng mẹ lại có công sinh thành ra em. Em không thể để mẹ sống cô đơn cuối đời ở xứ người xa lạ. Vả lại, sống ở đây em không chịu nổi sự xa lánh và thái độ lạnh lẽo của mọi người…”.
Trăng đã mọc tròn vành vạnh, rải những hạt vàng lên chùm hoa sứ trông như những chùm đèn lung linh giữa toà thiên nhiên huyền ảo. Ngọc Hoa vẫn đứng dựa lưng vào gốc sứ, mái tóc nàng bay lòa xòa trước gió, chạm bờ môi tôi nhồn nhột. Gió đêm thổi lồng lộng từ phía bờ sông khiến Ngọc Hoa khẽ run bờ vai nhỏ. Nàng đứng nép vào tôi và thổn thức: "Mai em đi rồi… Hôn em đi anh…”. Tôi siết chặt nàng giữa vòng tay, đôi môi nóng bỏng lướt trên môi nàng. Nàng đáp lại nồng nhiệt và từ từ buông xuôi đôi tay. Da thịt Ngọc Hoa sáng ngời ngợi trộn lẫn màu hoa sứ dưới ánh trăng huyền diệu. Cái màu trắng kỳ ảo chợt khiến trí óc mê dại của tôi sững lại, lóe sáng như có luồng điện chạy qua. Trước mắt tôi chợt hiện lên hình ảnh lão Năm chỉ còn hai ngón tay bết máu run rẩy trên sợi dây đàn. Những cánh hoa sứ tả tơi trên mái đầu bạc phơ của lão. Không hiểu sao cái màu trắng tinh khiết của hoa sứ lại gây ám ảnh khiến một kẻ háu tình như tôi bỗng trở nên lạnh lùng. Tôi buông lỏng vòng tay và rời khỏi Ngọc Hoa như một cái máy. Ngọc Hoa ngạc nhiên hỏi: "Sao vậy anh?”. Tôi hững hờ đáp: "Không…. Không sao cả… Anh muốn ngồi tâm sự cùng em thêm chút nữa… Mai em đi rồi….”. Ngọc Hoa cất giọng xa vắng: "Thôi! Chúng mình vô nhà đi anh. Em muốn gặp ba và thức với ba trọn đêm. Sáng mai mẹ em ở Sài Gòn về rước em đi rồi…”.
Chúng tôi dắt nhau về nhà. Lão Năm vẫn ôm đàn kìm ngồi câm lặng bên chai rượu. Đôi mắt lão ráo hoảnh nhìn đăm đăm vào bóng tối. Lão nốc cạn ly rượu. Chúng tôi khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh lão. Tôi có cảm giác như lão sắp nói ra một điều hệ trọng đã ấp ủ từ lâu. Hình như không cần nhìn lão cũng biết chúng tôi đang ngồi bên cạnh. Lão thì thào như đang đối thoại với chính mình. Giọng lão trầm đục lẫn giữa tiếng côn trùng tỉ tê. Lão chậm rãi kể về cuộc đời của mình. Lão mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, sống vất vưởng bằng đủ nghề như: bốc vác, bồi bàn, phu cạo mủ…. Căn bệnh cùi quái ác đã bộc phát giữa thời tuổi trẻ của lão. Lão bị chủ đồn điền giao cho bọn Pháp. Lão và các bệnh nhân cùi khác bị bọn Pháp chở qua cù lao để cách ly với xã hội. Tuổi xuân của lão trôi qua giữa bệnh tật và sự ghẻ lạnh của người đời. Đời lão chẳng hề có một mối tình vắt vai nào cả. Một đêm tối trời lão đã cứu sống một người con gái trẫm mình xuống sông để thoát nợ trần, gột rửa sự ô uế của cuộc tình giả dối. Cô gái đã sinh cho lão một bé gái xinh đẹp và bụ bẫm. Cô gái rất thích hoa sứ. Lão đã săn tìm khắp nơi và đem về cù lao một gốc sứ trồng cạnh bờ sông. Ngày nọ, trong khi lão đi chài cá cô gái đã bỏ lại đứa con và trốn đi mất biệt… Đứa bé ngày xưa chính là Ngọc Hoa, cái tên do lão tự đặt để nhắc nhớ hương hoa sứ thanh tao, ngà ngọc. Ngọc Hoa lớn lên và sống cùng với thế giới cô độc của lão. Ngọc Hoa chính là ước mơ và sự sống cuối cùng còn lại của đời lão. Thế mà bây giờ người đàn bà kia trở lại cướp đi của lão tất cả….
Một tháng sau, tin lão Năm chết lan nhanh, gây xôn xao cả cù lao. Cái chết bí ẩn khuấy động trí tò mò của mọi người và gây ra những lời đồn đại như màn sương huyễn hoặc bao phủ cuộc đời lão. Có người bảo rằng lão nhớ thương con gái nên đã ôm đàn kìm gảy đến rụng hết những đốt ngón tay còn lại và đâm đầu xuống sông tự vẫn. Lại có người nói lão cô độc đến mức đã uống rượu say mèm và ôm đàn lặn xuống sông để gảy cho con gái thủy thần nghe…
Tôi vội vã đến nhà tìm lão xem thật hư thế nào. Mảnh vườn và ngôi nhà vắng tanh không bóng người. Tôi thẫn thờ nhìn gốc sứ đã bị đốn cụt trơ trọi giữa buổi hoàng hôn tứa máu. Những cánh hoa trắng muốt tả tơi rải đầy mặt đất trông nhức mắt. Tôi ngồi xuống lặng lẽ nhặt những cánh hoa sắp thành tên Ngọc Hoa và xếp thành đống như gom góp từng mảnh vụn của kỷ niệm đã vuột mất khỏi tầm tay. Trước mắt tôi quá khứ chợt hiện về trắng muốt màu hoa sứ.