Xưa nay, người ta thường nói đàn bà hay lạt lòng mà lại hay thù vặt. Cái lý thuyết ấy nghĩ thật là đúng lắm. Ai có ý quan sát tánh của đàn bà thì cũng đều biết rằng đàn bà phần nhiều dầu gặp chồng ngang tàng thô tục, mở miệng ra thì mắng nhiếc, về đến nhà thì la rầy, coi thân phận vợ như rác như rơm, nhưng chị vợ dầu có phiền hà thì trách móc chút đỉnh thôi, chớ chẳng hề khi nào sanh lòng oán giận, nếu chồng dỗ ngọt vài tiếng thì cái lòng phiền hà sẽ tan hết rã hết, chẳng còn giận hờn chi nữa. Trong chốn gia đình dầu chồng có ở quấy với vợ đến chừng nào đi nữa, vợ cũng không câu chấp, song phải giữ một điều nầy cho toàn vẹn, là đừng có làm cho vợ sanh lòng ghen, bởi vì vợ mà ghen thì ân nghĩa bao nhiêu cũng phủi hết, rồi ái tình ngày trước nặng nề bao nhiêu thì ác cảm từ ấy càng dữ dội bấy nhiêu.
Xuân Hoa dầu chân chất thiệt thà cho mấy đi nữa, cũng là một người đàn bà, bởi vậy tánh cũng chẳng khác gì những đàn bà khác. Trót mấy trăng chồng sanh tâm phóng túng, đi chơi bỏ vợ nằm lưu vong ở nhà, tuy là phiền muộn nên có hơi giận chồng, song nếu Quảng Giao về nói một vài tiếng phôi pha, chắc cô cũng đổi lòng buồn mà làm vui lòng được. Ngặt Quảng Giao hễ về đến nhà thì buồn mà thôi, chớ không nói tiếng chi cho vui lòng vợ, mà hồi tối lại để cho vợ dòm thấy cái bạc tình của mình nữa, bởi vậy Xuân Hoa chẳng những là giận mà lại thêm thù thêm oán nữa.
Bác Ái lãnh thơ ra đi rồi, Xuân Hoa nằm ngồi không yên cứ ra ngóng vào trông, tính hễ chồng về thì tác sắc mà trách một lần cho chồng biết cái thói bạc tình của đàn ông là cái thói đàn bà ố hơn hết. Đêm khuya lần lần, ngoài đường thiên hạ cũng ít hay lai vãng. Cô ngồi trước cửa chờ hễ thấy dạng xe kéo ở xa xa thì nghi là chồng về, nên trong lòng hồi hộp, đứng dậy mà ngó, chừng xe chạy tới, thấy không phải chồng thì trở vô, mặt mày buồn xo.
Đồng hồ gõ 11 giờ. Xuân Hoa nghe xe kéo dừng ngoài cửa, ngước mặt ngó ra, thấy có một mình Bác Ái đi vô, thì cô biết chồng không chịu về, song cũng gượng mời Bác Ái ngồi rồi hỏi rằng: “Anh Tư có gặp thầy nó hay không?” Bác Ái gật đầu rồi lấy thuốc ra hút, không nói chi hết. Xuân Hoa ngồi bên ván đã buồn lại giận nên không muốn hỏi nữa. Bác Ái thủng thẳng thuật hết cử chỉ của Quảng Giao lại cho Xuân Hoa nghe, nói không sót một lời, thuật không quên một mảy.
Xuân Hoa nghe hết đầu đuôi rồi thở ra nói rằng:
- Anh Tư nghĩ đó mà coi, tôi đã nhịn nhục hết sức mà chồng tôi nó không biết nghĩ, ấy là tại nó chớ không phải tại tôi. Vậy xin anh Tư làm ơn đặt dùm tôi một lá đơn đặng tôi về Long Xuyên tôi xin để, chồng tôi nó không thương tôi nữa, tôi ở đây làm gì.
Bác Ái nghe Xuân Hoa để chồng thì biến sắc, trong lòng bối rối, nên ngồi lặng thinh, suy nghĩ một hồi rồi can rằng:
- Chị nóng giận chị tính như vậy sao phải. Đạo vợ chồng là đạo trọng, dầu ảnh có quấy thì cũng còn có cha mẹ hai bên phân xử chớ chị giận mà chị đi kiện xin để, không cho mợ Hương và bác ở bển hay, chắc hay là trách chị lắm. Mà người ngoài dòm vô họ cũng cười chị nữa. Đừng có làm như vậy không nên đâu.
Xuân Hoa đáp rằng:
- Không, nếu tôi xin để thì tôi cũng thưa trước cho hai má hay rồi tôi mới vào đơn chớ. Song tôi muốn cậy anh làm sẵn dùm cho tôi một lá đơn, đặng hễ tôi thưa rồi tôi vô đơn liền cho dễ.
Bác Ái từ chối hoài không chịu làm đơn dùm. Anh ta ngồi liếc xem thấy Xuân Hoa sắc mặt giận chớ không buồn như mấy tháng nay vậy. Anh ta biết cô đã quyết ý nên kiếm lời can hoài, mà anh ta chữa lỗi cho Quảng Giao chừng nào, Xuân Hoa lại càng giận chừng nấy. Đến 12 giờ khuya Bác Ái từ giã ra về, tuy chẳng hề trông cho Xuân Hoa kiện để Quảng Giao nhưng trong trí thầm nghĩ nếu Xuân Hoa mà dứt nghĩa cang thường rồi thì cũng chẳng thiếu chi kẻ sẵn lòng cầu chờ chấp tơ nối chỉ. Bác Ái về nhà thấy có một phong thơ để trên bàn, dòm coi con dấu thì ở Long Xuyên gởi lên, lật đật xé ra xem, mới hay ông thân đau, nên anh cả gởi thơ biểu xin phép về cho gấp. Anh ta được tin chẳng lành trong lòng bứt rứt hết sức, rạng ngày vô xin phép nghỉ một tuần lễ, rồi riết về Long Kiến thăm cha.
Còn Xuân Hoa thấy mình gởi thơ nói đã cạn lời mà chồng cũng không nghĩ, thì giận rồi lại phiền nên đêm ấy nằm trằn trọc hoài, ngủ không được, nằm suy tới nghĩ lui không biết có gì mà vợ chồng ở với nhau đã gần năm năm như bát nước đầy, không xao không dợn, mà ai khiến ai xuôi nông nỗi, dây tơ hồng muốn đứt nửa chừng, làm cho người trọng nghĩa hữu tình lại hóa ra người vô tình bạc nghĩa. Cô thầm nghĩ hay là tại mình ở quấy nên chồng mới phụ phàng, mà cô tìm hoài cũng không thấy mình quấy ở chỗ nào. Canh khuya vắng vẻ cô nhớ tới lời Bác Ái rằng: “Vợ chồng phải biết ý nhau trước, nếu chắc ý hiệp tâm đầu rồi sẽ cưới thì mới vui mà ở đời với nhau”, cô vừa muốn tiếc rằng mình không dọ trước rồi sẽ ưng Quảng Giao, song cô lại nghĩ đã gần năm năm nay mình chẳng có chút nào trách chồng, há chẳng phải là đồng tâm chí với nhau sao, ngày nay nghĩa muốn phai, tình đã lạt, ai có dè đâu mà ngờ trước được.
Xuân Hoa hễ nghĩ đến nghĩa nặng của chồng thì thương, mà hễ nhớ tới tình sơ của chồng thì giận. Bởi vậy cô buồn bực chịu không nổi, nên thức dậy đốt đèn rồi viết hai lá thơ, một bức thơ gởi cho mẹ chồng, còn một bức gởi cho mẹ ruột. Trong thơ không nói việc chi cho rõ, duy chỉ tỏ sơ rằng vợ chồng không được thuận với nhau và xin hai mẹ lên Sài Gòn chơi đặng tính dùm việc nhà cho hai trẻ.
Từ ngày Xuân Hoa cậy Bác Ái đem thơ trao cho Quảng Giao thì Quảng Giao không về nhà nữa, mà Xuân Hoa đã mỏi lòng rồi nên cũng không thèm kiếm tìm. Cách bốn ngày sau nhằm ngày thứ bảy, lối sáu giờ chiều, cơm đã dọn để trên bàn mà Xuân Hoa cứ nằm dã dượi trong mùng, không muốn đi ăn. Đứa ở nấu ăn đương lui cui sau bếp, còn cửa trước thì khép lại, duy chỉ có cửa sổ mở mà thôi. Trong nhà im lìm, Xuân Hoa đương nằm tưởng thầm có lẽ nay mai hai mẹ sẽ lên tới, bỗng nghe ở ngoài cửa có tiếng gõ cộp cộp. Xuân Hoa kêu đứa ở biểu ra ngoài coi ai, thằng Tự chạy ra ngoài mở cửa. Xuân Hoa nghe có tiếng nói chuyện nho nhỏ, rồi nghe đóng cửa lại, kế thằng Tự bước vô phòng đưa cho Xuân Hoa một bức thơ, có gắn bánh kiến đỏ bốn góc, mà nói: “Có một đứa học trò đem thơ lại, biểu phải giao tới tay cô. Tôi hỏi thơ của ai, nó nói cô xé ra coi thì biết”.
Tuy trời đã chạng vạng tối, song Xuân Hoa cầm phong thơ coi thấy rõ bao ngoài đề như vầy:
Bà PHẠM QUẢNG GIAO
Số 36, Đường Bangkok
Sài Gòn
Cô nhìn coi biết chữ chồng, ném phong thơ trên bàn thở dài, ý không muốn đọc. Thằng Tự thấy cô buồn thì chơn lui ra mà miệng nói rằng: “Cô ra ăn cơm cho rồi, kẻo đồ ăn nguội hết”. Xuân Hoa không trả lời, lại đứng dậy thò tay dặn đèn cháy lên, rồi lấy phong thơ đứng dựa đèn, xé ra xem.
Sài Gòn, ngày 14 tháng 12 năm 192…
Em ôi,
Tôi trung dõng ấy là báu nước, vợ hiền hòa vốn thiệt phước nhà. Từ ngày đôi ta kết duyên cầm sắc, qua thấy em cũng biết kính chồng biết trọng mẹ, qua thường có dạ mừng thầm, tưởng là chầy tháng lâu ngày chữ nghĩa nặng, chữ tình rồi cũng nặng.
Qua cũng biết vợ chồng ăn ở với nhau gần năm năm nay, chẳng có chút chi xích mích, nhưng mà mấy tháng nay anh Bác Ái ở gần, anh em luận sự hôn nhơn rồi qua xét cái tình của em với qua thì thiệt chữ nghĩa kết được, mà mối tình không kết được. Nói ra thì hổ thẹn với anh Bác Ái, chớ qua nghĩ lại mối tình của vợ chồng ta không thương trước mà đi cưới nhau bướng, làm cho mấy năm nay em chẳng thỏa tình đắc ý, qua ăn năn không biết chừng nào.
Em ôi, mấy tháng nay qua không nói ra, chớ qua vẫn biết hiện bây giờ đây có một người thương em hết sức mà em cũng mến hết lòng, nếu hai đàng hiệp được một nhà thì mới gọi gia đình hạnh phúc. Ngặt có qua đứng trơ trơ ở giữa, nên trai vì nghĩa không đành bước tới, còn gái vì trinh không dám lại gần, rồi kẻ ôm sầu quyết bỏ ngày xuân, người đêm thảm muốn vùi sắc nước. Qua thấy vậy nên chí dốc bắc cầu cho Ngưu - Nữ, giả ăn chơi mà xa lánh chốn gia đình để cho đôi đàng phỉ nguyện ước mơ, thà qua buồn thác cho hai đàng vui sống.
Em ôi, có lẽ em cũng biết tánh qua chẳng phải là tánh người say mê tửu sắc, bởi vì thương em, muốn cho em trọn chữ tình, nên qua phải hủy bỏ chút thân danh. Bức thơ nầy là bức thơ từ biệt nhau, vậy nên qua phải tỏ hết nỗi lòng cho em nghe, và chúc cho em chốn dương trần lai láng biển tình, nếu bữa nào em sực nhớ tới qua, thì em đừng có giận, ấy cũng đủ cho qua phỉ lòng nơi chín suối.
Nhỏ vài giọt lụy gởi vợ hiền, dầu xuống cửu tuyền anh cũng còn nhớ năm năm nghĩa nặng.
PHẠM QUẢNG GIAO
Xuân Hoa mới đọc thơ khúc ban đầu thấy mấy câu chồng nói có anh Bác Ái về ở gần, luận việc hôn nhơn rồi ăn năn, vì vợ chồng không thương trước mà cưới bướng nên có nghĩa mà chẳng có tình thì cô châu mày ủ mặt. Chừng đọc đến khúc giữa, là khúc chồng nói có người thương cô và cô cũng hữu tình với người ấy, chồng muốn cho hai đàng hiệp nhau nên mới giả kế chơi bời, thì cô biến sắc, nước mắt chảy dầm dề, màng tang mồ hôi lạnh ngắt. Đọc tới đoạn chót, thấy ý chồng quyết liều mình tự tử, cô kinh hãi la khóc om sòm. Thằng Tự ở sau bếp không hiểu việc chi, nghe khóc lật đật chạy ra hỏi: “Giống gì vậy cô?”. Xuân Hoa cứ ngồi khóc và nói rằng: “Té ra tại tôi nên chồng tôi khổ tâm mấy tháng nay! Bây giờ chồng tôi còn muốn hủy mình nữa, trời ôi, nếu chồng tôi chết thì tôi sống sao được”.
Xuân Hoa than khóc một hồi rồi mở bức thơ ra coi nữa. Coi thơ rồi lại khóc. Thằng Tự thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, nên theo hỏi hoài. Xuân Hoa cứ đọc rồi khóc không trả lời. Đọc thơ đến ba lần rồi xếp bỏ vào túi và hỏi rằng:
- Hồi nãy đứa nào đưa thơ cho mầy đó?
- Phải thơ của thầy không vậy cô?
- Phải, mà đứa nào đưa cho mầy đó?
- Có một đứa học trò đem tới.
- Mầy có biết nó hay không?
- Thưa, tôi không biết.
- Bây giờ biết đi đâu mà kiếm!
- Cô muốn kiếm thầy phải hôn cô?
Xuân Hoa không trả lời, lấy khăn trắng choàng đầu rồi ra kêu xe kéo mà đi. Thằng Tự chưng hửng, không biết có việc chi, nên ái ngại trong lòng, lấy lồng bàn đậy mâm cơm lại rồi ra cửa ngồi khoanh tay chờ.
Xuân Hoa ngồi xe lên đường Mayer, ghé nhà thầy giáo Đống, là người dạy một trường với Quảng Giao, hỏi thăm coi có biết chồng mình ở đâu hay không. Thầy Đống nói hồi chiều Quảng Giao có xin phép với quan Cai trường nghỉ cho tới thứ sáu tuần sau, nói rằng ở nhà có việc. Lúc tan học thấy thầy kêu xe kéo đi, song vô ý nên không biết thầy đi đâu. Thầy Đống tưởng Xuân Hoa ghen tuông, muốn nói cho xuôi, nên kiếm lời vỗ về, khuyên Xuân Hoa về nghỉ, không đêm nay thì sáng mai Quảng Giao sẽ về, không đi đâu mà sợ.
Xuân Hoa trong lòng nóng như lửa đốt, nghe thầy Đống nói như vậy nghĩ thầm chắc là thầy không biết chồng mình ở đâu, nên từ giã ra đi, không tỏ việc gì hết.
Cô lên xe rồi biểu kéo xuống chợ Bến Thành. Người kéo xe mạnh mẽ nên chạy thật mau, nhưng cô nóng nảy quá, nên cứ thúc chạy cho mau hoài … Lúc ấy lối bảy giờ tối, cô chắc Quảng Giao đi ăn cơm ở mấy nhà hàng, nên biểu xe kéo chạy lại Lương Hữu, Lê Văn Du, Yêng Yêng, Cửu Long Giang, Quảng Hạp, Đông Pháp lữ quán mà kiếm, té ra đến chỗ nào cũng không thấy chồng mình hết thảy. Cô muốn đi đến mấy khách sạn kiếm song chừng xe ngừng trước cửa khách sạn cô bợ ngợ không biết ai mà hỏi thăm, nên tính chạy về cậy Bác Ái kiếm dùm.
Xe về ngang nhà mà Xuân Hoa không ghé, biểu chạy thẳng lại nhà Bác Ái. Xe ngừng rồi, cô dòm thấy trong nhà Bác Ái đèn đốt sáng lòa, vừa muốn bước vô, lại nhớ mấy lời chồng nói trong thơ, tuy lời nói không rõ ràng, song xét ý tứ thì đủ hiểu chồng ghen cho mình có tình riêng với Bác Ái, bởi vậy cô ngần ngại lật đật ra, rồi leo lên xe biểu chạy trở xuống Bến Thành, nước mắt chảy dầm dề, ruột gan đau từ đoạn.
Xuân Hoa ngồi trên xe thủng thẳng chạy cùng các nẻo đường thấy ai mặc đồ tây đi xa xa cũng tưởng là chồng, nên trong lòng khắp khởi, tới chừng lại gần coi lại không phải, thì càng đau đớn không xiết kể. Chạy vòng cho tới 11 giờ, mấy tiệm đóng cửa ngủ hết mà ngoài đường cũng thưa thớt ít ai đi, cô cùng thế mới trở về nhà thì thằng Tự đã đóng cửa tắt đèn mà ngủ. Xuân Hoa kêu cửa bước vô nhà, thấy mâm cơm còn đầy để đó, biểu thằng Tự dọn xuống ăn rồi dẹp đi, vì cô không đói. Cô vô buồng ngồi khóc rấm rức, nghĩ thầm rằng mình đã có chồng hơn năm năm rồi, hễ đi đâu thì đi với chồng chớ chẳng khi nào đi một mình, mà chồng mình tuy quen biết nhiều người song ai cũng ít khi lân la lui tới, duy mấy tháng nay có mình Bác Ái hay tới chơi vậy thì chồng mình nghi đây là nghi cho Bác Ái chớ chẳng phải nghi cho người nào khác. Cô lại nhớ Bác Ái hồi trước có ghẹo chọc mình, song hồi đó mình chưa xuất giá, từ ngày mình kết tóc xe tơ với Quảng Giao thì Bác Ái đi học, không gặp nhau nữa, mà Bác Ái ra làm việc quan rồi cũng chẳng có ý muốn gần gũi mình. Việc xin đổi về Sài Gòn và mướn nhà ở gần đều tại chồng mình ép uổng chớ không phải anh ta muốn như vậy. Đã vậy mà mấy tháng nay anh ta ở gần, tuy lui tới thường thường, song chẳng hề tỏ ý chi lạ, cử chỉ như vậy sao chồng mình lại nghi.
Xuân Hoa ngồi ngẫm nghĩ hoài: nhớ lại mấy tháng nay Bác Ái đến chơi thì mình thường niềm nở lắm, hay là tại mình bải buôi quá nên chồng mình nó tưởng tư tình chăng? Cô nghĩ tới đó, rồi lại nhớ Bác Ái về ở chừng gần một vài tháng thì chồng mình phát đi chơi bời, vậy thì chồng mình nghi đây chắc là nghi cho anh Bác Ái lắm. Xuân Hoa nghĩ như vậy thì xốn xang đau đớn chịu không được, nên ngồi chống tay trên ghế khóc trót giờ đồng hồ.
Cô khóc đã thèm rồi mới thò tay vào túi lấy bức thơ của chồng đọc lại, đọc một câu thì nước mắt nhỏ một giọt, càng đọc càng nát ruột gan. Tư bề vắng vẻ, bỗng nghe tiếng đồng hồ gõ ba giờ, Xuân Hoa thảm vì làm phận đàn bà mà không có hạnh, để cho chồng nghi mình mất trinh mất tiết như vậy, thì cũng chẳng nên sống nữa làm chi, mà nhứt là mình thiếu hạnh đến nỗi làm cho chồng buồn rầu rồi quyết liều thân vong mạng, thì mình lại còn phải mang lỗi với chồng nhiều hơn nữa, dầu có chết xuống cửu tuyền cũng chẳng còn mặt mũi nào dám ngó mặt chồng.
Hết lo rồi tính, hết khóc rồi buồn, canh lụn đêm tàn mà Xuân Hoa cũng chưa nhắm mắt. Trời vừa sáng Xuân Hoa kêu thằng Tự thức dậy biểu lại nhà mời Bác Ái, tính tỏ thiệt việc nhà cho Bác Ái nghe, rồi cậy Bác Ái tính dùm phương cứu chồng, bởi vì ở chốn Sài Gòn tứ cố vô thân, lúc bối rối nầy không biết ai cậy mượn. Thằng Tự đi một hồi trở về nói Bác Ái xin phép nghỉ một tuần lễ, đã đi về Long Xuyên bốn bữa rày rồi. Xuân Hoa nghe nói chau mày thở ra, ngồi lặng thinh nghĩ thầm rằng: “Tuy rủi nhưng cũng may, chồng mình đã nghi mình có tình riêng với Bác Ái, sao mình còn dám cậy Bác Ái nữa?”
Xuân Hoa đội khăn rồi kêu xe kéo chạy lên nhà thầy Đống. Cô tỏ với thầy giáo Đống rằng cô có được bức thơ của chồng than phiền việc nhà và quyết tự vận, nên cậy thầy làm ơn đi kiếm dùm. Thầy giáo Đống nghe nói thất kinh lật đật thay áo đổi quần rồi biểu Xuân Hoa về ở nhà để cho thầy đi kiếm.
Thầy Đống đi từ sớm mai cho tới 11 giờ kiếm không gặp Quảng Giao, hỏi thăm người quen cũng không ai biết địa chỉ. Thầy trở về ghé nhà Xuân Hoa thấy cô đương ngồi trên ván khóc. Thầy chắc lưỡi lắc đầu, Xuân Hoa biết đã kiếm không được, nên càng khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Thầy Đống cầm lòng không được, không nỡ ra về mới biểu Xuân Hoa đi với thầy lên bót mà cớ, đặng xin Cò sai lính đi kiếm giúp.
Xuân Hoa tỏ cho Cò hay sự chồng muốn tự vận rồi nói hình dạng áo quần của chồng cho Cò biết để tìm cho dễ. Cò biên hết lời khai rồi biểu Xuân Hoa về, hứa rằng hễ có gặp Quảng Giao ở đâu thì sai lính đến cho cô hay.
Xuân Hoa về nhà nằm khóc hoài, ăn ngủ không được cứ than thân trách phận, cứ nói rằng mình giết chồng mình mà thôi. Cô chờ hoài không thấy lính kêu. Qua ngày thứ hai, lối 10 giờ, có một tên lính đến nhà nói rằng ông Cò đòi. Xuân Hoa lật đật lấy khăn đi theo lính, chơn đi mà miệng thì hỏi:
- Kiếm được chồng tôi rồi hay sao chú?
- Không biết nữa.
- Vậy chớ ông Cò đòi tôi làm chi?
- Tôi thấy bên bót Xóm Chiếu gởi cái áo gì lên đó, rồi ông Cò biểu tôi đi đòi cô nên tôi đi đây.
- Áo của chồng tôi hay là áo của ai?
- Tôi không biết.
- Thôi đi riết đi chú, cha chả! Không biết ông Cò đã hay tin chồng tôi ở đâu hay chưa.
Xuân Hoa vừa bước vô ông Cò liền biểu thầy thông ngôn nói cho cô hay rằng: “Hồi sớm mai tên lính gác bên Xóm Chiếu thấy có một cái áo bành tô trắng bỏ dựa mé sông, phân nửa ở trên bờ, còn phân nửa nằm dưới nước. Nó xách cái áo đem lên thấy trong túi có mỗi cái bóp phơi không có bạc tiền chi hết duy có ba miếng danh thiếp trắng đề tên như vầy:
PHẠM QUẢNG GIAO
Instituteur
36, Rue Bangkok Sài Gòn
Tên lính đem về bót quận thứ nhì thì ông Cò coi bót ấy, đã có tin bót trên nầy kiếm tên đó, nên gởi lên coi có phải hay không”. Thầy thông ngôn nói dứt rồi ông Cò mới đưa cái áo với cái bóp phơi cho cô Xuân Hoa nhìn. Cô cầm cái áo run lập cập, thấy bộ nút nghi là áo chồng rồi, chừng coi tới cái bóp phơi thì chẳng còn nghi chút nào hết, nên đã vùng khóc lớn lên rằng: “Trời ôi! Nếu vậy thì chồng tôi đã nhào xuống sông chết rồi, còn gì đâu?... Bẩm ông Cò tôi lạy ông làm ơn cứu dùm chồng tôi, kẻo tội nghiệp chồng tôi lắm... Mình ôi! Mình có nghi ngờ gì thì mình nói ra, chớ sao mình lại tự vận như vậy, mình ơi! Ông ôi! Làm sao vớt chồng tôi bây giờ, ông làm ơn dùm chút, ông ôi!”
Ông Cò tuy không rõ tâm sự của Xuân Hoa, song thấy cô bi thảm như vậy ông cũng động lòng, bởi vậy ông mới kiếm lời khuyên giải, rồi thông ngôn nói lại như vầy:
- Cô đừng buồn, dầu cái áo nầy phải là của thầy đi nữa, cũng chưa đủ bằng cớ rằng thầy đã tự vận rồi, sao cô lại sợ quá như vậy!
- Thầy ơi, tôi chắc chồng tôi đã chết rồi.
- Sao cô chắc dữ vậy?
- Bởi vì chồng tôi đã nói sẽ tự vận.
- Ý! Đàn ông họ nói hơi nào mà tin. Vợ chồng tôi hễ có rầy rà với nhau thì tôi đòi tự vận hoài, mà tôi đã chết lần nào đâu?
- Chuyện thầy khác, còn chuyện chồng tôi khác, chắc chồng tôi đã chết rồi thầy ôi. Xin thầy làm ơn nói dùm ông Cò sai lính lặn vớt dùm chồng tôi, tốn hao bao nhiêu tôi chịu hết.
- Lính mắc đi gác đường, có lính đâu dư đi lặn được. Nầy cô, tôi chắc thầy muốn gạt cô nên đem bỏ cái áo nơi đó đặng cho cô sợ chơi, chớ chưa chết đâu. Cô nghĩ lại coi, nếu thầy tự vận sao thầy lại cổi áo bỏ đó làm gì, vậy chớ bận áo nhảy xuống sông không được hay sao? À, mà nếu thầy muốn bỏ một hai vật lại trên bờ, thì trước hết thầy phải bỏ cái nón lại, chớ có lý nào đội nón mà nhảy, còn cái áo lại cổi bỏ đó. Cô xét thử coi phải không?
- Thầy ôi, tôi chắc chồng tôi chết rồi không còn đâu. Nếu lính lặn dùm cho tôi không được, xin thầy làm ơn chỉ cho tôi biết tôi cậy ai bây giờ.
- Có lẽ cô qua bên Xóm Chiếu cô mướn mấy người chài lưới họ lặn cho thì được. Mà như thầy đã tự vận rồi dầu có mò được, thầy cũng đã chết rồi, mò làm chi mà gấp dữ vậy? Để vài bữa thây nổi lên chớ gì.
- Thầy nói vậy sao phải, ví dầu chồng tôi tự vận chết rồi đi nữa, tôi cũng phải kiếm cho được thây chôn cất cho ấm cúng chớ.
- Tự ý cô, chớ chết chìm hễ hai mươi bốn giờ thì nổi, khỏi mò thất công. Mà bây giờ mò cũng khó lắm, bởi vì sông Bến Nghé nước chảy mạnh quá, có biết thây đã trôi lên hay là trôi xuống mà mò.
- Chú lính có nói chú kiếm được cái áo đó tại chỗ nào hay không vậy thầy?
Thầy Thông dở thơ của ông Cò quận nhì ra coi rồi nói rằng:
- Cái áo nằm dựa mé sông, tại vàm kinh mới bên Xóm Chiếu.
Xuân Hoa bèn từ giã ông Cò với thầy Thông rồi cầm cái áo bành tô bước ra leo lên xe kéo về nhà. Cô vừa vô nhà thì kêu thằng Tự vừa khóc vừa nói rằng: “Tự ôi! thầy mày đã nhào xuống sông chết rồi còn đâu!”. Thằng Tự nghe nói bủn rủn tay chân nên cũng khóc dầm với chủ.
Hai người đang khóc bỗng thấy có một cái xe kiếng ngừng ngay trước cửa, Xuân Hoa thấy mẹ ruột với mẹ chồng trên xe đương leo xuống, cô lật đật chạy ra níu áo hai mẹ mà khóc và nói: “Chồng con đã chết má ôi”. Bà Hương chủ với bà Hương sư nghe thất sắc hỏi: “Sao mà chết? Nó đau bịnh gì? Chết hồi nào? Trời ôi!...”. Kẻ than người khóc líu nhíu với nhau, người đi đường dòm thấy ai cũng cảm động. Ba người dắt nhau vô nhà, Xuân Hoa vừa khóc vừa kể đầu đuôi tâm sự cho hai mẹ nghe, cô cũng nói luôn sự chồng nghi ngờ mình tư tình với người ta, và nghi đó chắc là nghi cho Bác Ái, chớ không dấu diếm chi hết. Bà chủ Hiệp mới nghe thì có sắc giận, song bà thấy con dâu bi ai thảm thiết và bà nghĩ nếu có ý gì riêng thì không lẽ nó nói thiệt như vậy, bởi vậy bà mới tin bụng dâu, bà mới than khóc con mà thôi, chớ không có lời oán trách dâu hết.
Hai bà với Xuân Hoa khóc một hồi rồi tính dắt nhau qua Xóm Chiếu kiếm thây Quảng Giao. Xuân Hoa biểu thằng Tự dọn cơm ra ăn sơ ba hột rồi kêu xe đi. Hai bà khóc hoài không ăn được, Xuân Hoa tuy biểu dọn ra mà cũng không chịu ăn.
Dắt nhau qua tại vàm kinh mới, Xuân Hoa mướn hai người vãi chài kiếm. Lúc hai người đương chài hai bà ngồi dựa mé sông vừa khóc vừa vái. Xuân Hoa đội khăn ngồi gần đó, mặt ngó xuống sông dường như ai cắt ruột bầm gan. Cô muốn nhào luôn xuống sông chết cho rồi, bởi vì chồng nghi mình hai lòng nên tự vận, mình còn mặt mũi nào thấy thiên hạ trên dương trần nầy nữa. Cô tính như vậy rồi vùng đứng dậy, tính nhảy phức xuống sông, chẳng dè lúc ấy hai người chài hè hụi kéo cái chài lên và nói rằng: “Cha chả! Thế khi vô chài rồi hay sao mà nặng dữ kìa”. Hai người đứng dậy mà ngó, Xuân Hoa cũng đứng ngó trân trân, té ra kéo hết cái chài lên thì là một gốc cây lớn.
Xuân Hoa còn đứng ngẩn ngơ, bà chủ Hiệp liền kêu hỏi rằng:
- Nầy con, ông Cò ổng có chỉ chắc lính được cái áo chỗ nầy hay không con?
Xuân Hoa đáp rằng:
- Thưa, ổng nói tại vàm kinh, thì là chỗ nầy chớ có vàm kinh nào nữa đâu?
Bà chủ hỏi mấy lời làm cho Xuân Hoa lảng xao ý muốn tự tử hết một hồi, đến chừng Xuân Hoa day qua ngó hai mẹ, thấy tóc bạc hoa râm gió thổi phất phơ, mẹ chồng thì lắc đầu chắc lưỡi than lầm thầm, còn mẹ ruột lấy tay che mặt mà khóc dầm dề, cô lấy làm cảm động, nên ngồi bẹp xuống đất mà khóc nữa.
Xuân Hoa than khóc một hồi rồi nghĩ thầm trong trí rằng: “Tại mình nên chồng mới chết, nếu mình nhào xuống đây là chỗ chồng chết đặng chết theo chồng, thì mình trọn tình trọn nghĩa với chồng rồi. Nhưng hai mẹ già ngồi kia, mình bỏ lại cho ai? Hai mẹ đã buồn rầu mình còn làm cho buồn rầu thêm nữa thì tội nghiệp lắm. Mà xét cho cùng lý, dầu mình có chết đi nữa cũng chưa chắc xuống cửu tuyền gặp nhau mà chồng chịu tha lỗi cho mình, bởi vì trước khi chồng mình chết đây thì đã lao tâm khổ trí trót mấy tháng trời, vậy mình cũng phải kiếm thế đày đọa cái thân mình cho nhọc nhằn một ít năm rồi mình sẽ chết, chừng ấy gặp nhau mới khỏi hổ”. Xuân Hoa nghĩ như vậy nên không tính nhào xuống sông chết nữa, song cô nói thầm rằng: “Anh ôi! Anh không rõ lòng em nên anh mới nghi, mà cũng tại em không đủ ngôn hạnh, nên anh nghi cũng phải. Nhưng mà lòng em thì em biết, em xin đất trời thần thánh chứng minh giùm cho lòng em. Anh ôi! Em chẳng biết liệu thế nào đặng làm cho anh thấy cái lòng trinh bạch của em, vậy nên em nguyện thầm với anh rằng anh chết vì em, thì em chết vì anh, mà trước em khi em chết, em cũng sẽ đày đọa cái thân em đặng bồi thường sự khổ não của anh trong mấy tháng. Xin anh chờ em, em chẳng giây phút nào quên anh đâu. Đợi em xuống rồi em sẽ mổ ruột em ra cho anh soi lòng dạ em”.
Hai người vãi chài từ trong vàm kinh cho tới sông lớn, mỗi chỗ mỗi chài, chỗ nào sâu lắm chài không tới thì lặn xuống mò, tìm đến tối nước lớn gần đầy cũng không được thây của Quảng Giao. Xuân Hoa cùng thế mới trả tiền công cho hai người chài, rồi khóc dắt hai mẹ về.