Tiến Sĩ Ian Stevenson sanh ngày 31 Tháng 10 Năm 1918 tại Montreal, Gia Nã Ðại. Cha ông là phóng viên của Tạp Chí Time, Luân Ðôn. Ian Stevenson học về y khoa và tâm lý tại Ðại Học Y Khoa Mac Gill, Montreal, Gia Nã Ðại và đậu Y Khoa Bác Sĩ năm 1943. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã phục vụ tại Bệnh Viện Saint Joseph, Tiểu Bang Arizona, Hoa Kỳ, Viện Ðại Học Louisana, New Orleans từ Năm 1947 đến Năm 1957. Bắt đầu năm 1957 Tiến Sĩ điều khiển Ngành Tâm Trí và là Viện Trưởng Viện Tâm Trí tại Ðại Học Virginia, Charlotsville.
Tiến Sĩ là tác giả của nhiều bài khảo luận về Bệnh Tâm Trí đăng trên các Tập San Y Học. Ngoài việc trị bệnh cho các bệnh nhân Tiến Sĩ còn phụ trách giảng dạy tại các Trường Ðại Học Hoa Kỳ.
Tiến Sĩ là một nhà phân tích về tâm trí có biệt tài và đến năm 48 tuổi Tiến Sĩ đã đạt đến nấc thang danh vọng cuối cùng; thế mà Tiến Sỉ bỏ nghề y khoa chuyên môn để bước sang một lĩnh vực khác, đó là công cuộc điều tra và nghiên cứu về Luân Hồi.
Trong một cuộc phỏng vấn, Ký Giả Eugene Kinkaid của tờ New Yorker đã hỏi Tiến Sĩ lý do gÌ đã khiến Tiến Sĩ bỏ nghề y khoa chuyên môn để đi theo một nghề không chính thống. Tiến Sĩ đã trả lời:
"Tôi không đồng ý các phương pháp áp dụng để chữa trị các bệnh nhân tinh thần. Lý thuyết của ngành tâm trí hiện nay cho rằng cá tính của một con người là do ảnh hưởng của tính chất di truyền hoặc là ảnh hưởng thời gian của người cha hay người mẹ trước và sau khi sanh, Song rất nhiều trường hợp tôi đã khám phá ra chúng ta không thể đồng ý với lý thuyết trên cả về tính cách di truyền lẫn ảnh hưởng thời gian."
Tiến Sĩ Ian Stevenson đã giải thích trong việc nghiên cứu về luân hồi Ông đã phải dùng đến nhiều phương pháp chuyên môn của một nhà sử học, một nhà luật học, một nhà tâm trí học và tìm các dữ kiện qua những chứng nhân, tài liệu như nhật ký, giấy khai sanh, báo cáo giảo nghiệm, hồ sơ bệnh lý, tin tức của các báo chí vân vân...
Tập San về Bệnh Thần Kinh và Trí Não (The Journal of Nervous and Mental Desease) số 165 Tháng 9 Năm 1977 đã dành riêng nói về công cuộc nghiên cứu luân hồi, về có sự sống sau khi chết của Tiến Sĩ đã khiến cho các độc giả cùng các nhà khoa học gia rất chú ý đến những chứng minh của Tiến Sĩ. Cũng trong Tháng 5 Năm 1977 Tiến Sĩ đã đăng một bài khảo luận "The Explanatory Value of The Idea of Reincarnation" nêu vấn đề luân hồi trên tập san này.
Phản ứng của các độc giả ra sao? Tiến Sĩ Eugene Brody, nhà xuất bản tờ báo cũng là một nhà tâm trí học của Viện Ðại Học Y Khoa Maryland trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết như sau: "Tôi đã nhận được lối 300 đến 400 lá thư của các Khoa Học Gia yêu cầu cho in lại số báo trên. Quả là đã có nhiều người chú trọng đến vấn đề này."
Tiến Sĩ Ian Stevenson đặc biệt khảo cứu các trẻ em trên thế giới cả Ðông lẫn Tây có ký ức về tiền kiếp. Ông đã xuất bản 5 cuốn sách về luân hồi, trong đó có cuốn "Children Who Remember Previous Life" (Những Thiếu Nhi Còn Nhớ Tiền Kiếp) do nhà Xuất Bản University Press of Virginia, Charlotsville phát hành năm 1987 mà chúng tôi xin trích dịch vài truyện trong tác phẩm này.
-ooOoo-
-8-GOPAL GUPTA
Tác giả:
Tiến Sĩ Ian StevensonGopal Gupta sanh ngày 26 Tháng 8 Năm 1956 tại Dehli Ấn Ðộ. Cha mẹ của Gopal thuộc giai cấp trung lưu, học vấn không đáng kể. Từ lúc lọt lòng đến lúc 2 tuổi không có gì đặc biệt.
Khi Gopal bắt đầu biết nói từ khoảng 2 đến 2 tuổi rưỡi, có một người khách đến thăm gia đình Gopal. Cha của Gopal sai Gopal đem cất cái ly người khách vừa uống xong. Gopal đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Em nói rằng: "Con không thể làm việc đó vì con là một Sharma (thuộc Bà La Môn, một giai cấp thượng lưu của Ấn Ðộ). Trong cơn giận giữ, Gopal đã làm vỡ cái ly. Cha của Gopal bắt Gopal giải thích lý do. Gopal liền kể lại vài chi tiết về tiền kiếp của em. Em cho biết trước kia em ở thành phố Mathura, cách xa Dehli 160 dậm về phía nam. Em là chủ nhân một hãng thuốc Sukh Shancharak, có một căn nhà rất lớn, có nhiều đầy tớ, có hai người anh và một người vợ. Em đã cãi nhau với một trong hai người anh và đã bị bắn chết.
Gopal cho biết ở tiền kiếp em thuộc dòng dõi Bà La Môn nên từ chối không chịu cất ly vì người Bà La Môn thường không bao giờ cầm những vật dụng gì mà người giai cấp thấp hơn đã đụng tới. Gia đình của Gopal hiện tại thuộc dòng Bania, giai cấp thương mại.
Cha mẹ của Gopal không có liên hệ gì với Mathura, nên sự phát hiện của Gopal về tiền kiếp không gợi cho cha mẹ Gopal một ký ức nào cả. Mẹ của Gopal không thích và cũng chẳng bao giờ khuyến khích Gopal nói về tiền kiếp cả. Cha của Gopal thì lại càng lạnh nhạt với những câu chuyện về tiền kiếp khi Gopal kể. Tuy nhiên thỉnh thoảng cha của Gopal có kể lại cho vài người bạn nghe về chuyện tiền kiếp của Gopal. Một trong những người này cho biết hình như ông ta có nghe thấy một vụ giết người trùng hợp với câu chuyện trên ở Mathura, nhưng cha của Gopal chưa tin nên cũng chẳng mấy quan tâm để đi Mathura tìm hiểu sự việc có thật hay không.
Cho đến năm 1964, nhân cơ hội có một buổi đại hội về tôn giáo tổ chức tại Mathura, cha của Gopal trong lúc đi dự hội đã khám phá ra là tại Mathura có hãng thuốc Sukh Shancharak. Ông tìm đến Hãng thuốc và được gặp viên Quản Lý. Ông kể lại cho Viên Quản Lý nghe chuyện Gopal nói về tiền kiếp. Viên Quản Lý rất ngạc nhiên vì có một chủ nhân của hãng này đã bị người anh ruột bắn chết cách đây mấy năm. Người chủ này là Shaktipal Sharma chết ngày 27 Tháng 5 năm 1948, vài ngày sau khi bị bắn.
Viên Quản Lý báo cho gia đình Sharma biết việc viếng thăm của cha Gopal. Vài người trong gia đình Sharma đã tới Dehli thăm gia đình Gopal và đã mời Gopal tới Mathura. Trong những cuộc gặp gỡ tại Mathura cũng như Dehli, Gopal đã nhận ra một số người và một số nơi mà trước kia Shaktipal đã quen biết và thêm vài tin tức đặc biệt về đời tư của Shaktipal Sharma. Gia đình của Sharma rất ngạc nhiên vì Gopal đã cho biết trước đây Shaktipal Sharma dự định muốn mượn một số tiền của vợ và muốn lấy số tiền để cho anh mình vay hùn vốn vào công ty. Cuộc cãi vã đã xảy ra giữa hai anh em, Shaktipal muốn cho người anh nguôi giận đã tăng số tiền cho vay lên nhưng người vợ lại từ chối không cho. Do đó người anh đã cáu kỉnh và trong lúc nóng giận đã bắn Shaktipal Sharma. Chi tiết của tấn thảm kịch này đã được dấu kín không ai được biết ngoại trừ những người trong gia đình. Vụ người anh giết em này đã được đăng tải trên báo chí. Sự hiểu biết tường tận về nội vụ cùng với sự nhận dạng được một số người trước đây đã quen với Shaktipal khiến cho gia đình của Shaktipal Sharma phải công nhận Gopal chính là hiện thân của Shaktipal. Song song với những lời tuyên bố về tiền kiếp, Gopal đã tỏ ra phong thái của một người Bà La Môn giàu có cho nên cá tính của em đã làm trở ngại không ít đến gia đình hiện tại của em. Em đã không ngần ngại nói rằng em thuộc giòng dõi cao quý hơn những người hiện tại của gia đình em. Em đã từ khước những công việc nội trợ cho rằng những công việc này chỉ đáng để cho những người đầy tớ làm mà thôi. Em không bao giờ uống sửa nếu sửa nếu được rót vào một cái ly đã có người khác sử dụng.
Tiến Sĩ Jamua Prasad đã từng cộng tác với tôi (Ian Stevenson) nhiều năm trong nhiều trường hợp tại Ấn Ðộ, đã bắt tay điều tra vụ này năm 1965. Riêng tôi bắt đầu vào năm 1969 khi tôi đích thân phỏng vấn hai gia đình tại Dehli cũng như Mathura. Tôi vẫn còn liên lạc với họ cho đến năm 1974. Sau khi đi thăm Mathura vào năm 1965 thì Gopal không có ý định đến thăm nơi này nữa. Vài năm sau 1965 thỉnh thoảng Gopal có đến Dehli thăm hai người chị của Shaktipal. Nhưng sau đó thì sự liên lạc giữa hai gia đình đã không được duy trì nữa. Gopal càng lớn lên thì cái phong thái Bà La Môn của tiền kiếp thể nhập nơi anh ngày dần biến mất và anh từ từ hòa mình với đời sống khiêm tốn của gia đình hiện tại. Anh cũng ít nói đến đời sống của Shaktipal Sharma, nhưng đến cuối năm 1974 cha của Gopal vẫn nghĩ rằng con của ông còn nhớ đến những ký ức của chuyện này.
Ðối với tôi (Ian Stevenson) trường hợp luân hồi này rất đáng được kể đến vì sự trung thực, làm sao Gopal có thể biết rõ về lúc sống cũng như lúc chết của Shaktipal Sharma. Tuy Shaktipal Sharma thuộc một gia đình khá giả tại Mathura và việc anh bị thảm sát đã làm xôn xao dư luận nhưng hai gia đình Sharma và Gopal đã sống ở hai thành phố cách xa nhau và thuộc hai giai cấp khác hẳn nhau. Ðời sống xã hội của hai gia đình ở trong hai qóy đạo riêng biệt và chính tôi tin tưởng mãnh liệt là hai gia đình theo như lời họ thuật lại đã không bao giờ được biết nhau cho đến khi xảy ra sự việc trên.
-ooOoo-
-9-CORLISS CHOTKIN JR.
Tác Giả:
Ian StevensonTrường hợp này là lời nói trước của một người đánh cá lớn tuổi ở Tlingit, Alaska tên Victor Vincent. Ông cô cho người cháu gái Corliss Chotkin Sr biết là sau khi ông cô chết, ông cô sẽ đầu thai làm đứa con trai của cô ta. Ông cô chỉ cho cô ta thấy hai vết thẹo sau hai lần giảì phẫu, một trên sống mủi và một đằng sau lưng. Ông cô nói là đứa con cô ta (tức là ông cô tái sanh) sẽ mang 2 vết thẹo như trên.
Victor Vincent chết vào mùa xuân năm 1946. Khoảng mười tám tháng sau, ngày 15 tháng 12 năm 1947, cháu gái của ông cô sanh một đứa con trai và được đặt tên là Corliss Chotkin Jr. Ðứa nhỏ mang hai vết thẹo y như hai vết thẹo của Victor Vincent trước kia. Vào năm 1962, lần đầu tiên khi tôi (Ian Stevenson) xem xét hai vết thẹo tôi được Bà Chotkin cho biết hai vết thẹo có thay đổi theo thời gian nhưng hãy còn rất rõ ràng. Nhất là vết thẹo đằng sau lưng đã làm tôi kinh ngạc, nó rộng chừng 5 ly, dài chừng 3 phân, so với chỗ da khác thì vết thẹo này có mầu sậm hơn và hơi lồi, có nhiều chấm đen chung quanh tựa như vết thương được khâu nhiều mủi.
Khi Corliss vừa được 13 tháng Bà Chotkin thường tập cho Corliss gọi tên của nó, thì Corliss thường nóng nảy nói rằng: "Mẹ không biết con là ai à? Con là Kahkody mà". Kahkody là cái tên do Bà lúc đặt cho Victor Vincent khi còn sống. Bà Chotkin có kể lại cho một người cô thì bà này cho biết là sau khi Victor Vincent qua đời được ít lâu bà có nằm mơ thấy Victor Vincent trở về sống với gia đình Chotkin. Bà Chotkin chưa bao giờ cho bà cô ấy biết là chính Victor Vincent đã nói trước với bà là sẽ tái sanh làm con trai bà.
Khi được chừng 2, 3 tuổi Corliss đã nhận ra nhiều người mà trước đây Victor Vincent đã từng quen biết trong đó có người vợ của Victor Vincent. Corliss còn kể 2 biến cố xảy ra trong cuộc đời của Vincent mà chỉ có mình Vincent biết được mà thôi. Thêm nữa còn có nhiều nét đặc biệt giống như Victor Vincent, chẳng hạn như cách chải đầu. Corliss đã chải kiểu tóc giống như Vincent trước đây. Cả hai cùng nói lắp (cà lăm), cùng thích bơi lội và tầu bè, cùng thuận tay trái, cùng có chung khuynh hướng về tôn giáo. Cũng như Vincent, Corliss có khiếu về máy móc, có khả năng về sử dụng và sửa chữa. Mẹ của Corliss cho biết đã tự học một mình cách làm sao cho chiếc thuyền máy chạy được. Khác hẳn với cha là ông Chotkins, một người không mấy thích máy móc và càng không có năng khiếu về máy móc.
Khi lên 9 tuổi, Corliss ít nói đến tiền kiếp của mình, cho đến năm 1962 thì hầu như Corliss không còn nhớ gì nữa.
Tôi (Ian Stevenson) đã gặp Corliss và gia đình cả thảy 3 lần và đầu năm 1960 và 1 lần vào năm 1972. Lần gặp cuối cùng tôi thấy Corliss không còn nói lắp (cà lăm) như trước nữa, khuynh hướng về tôn giáo của anh cũng giảm đi song anh vẫn còn thích máy móc. Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Corliss đã được gửi sang chiến đấu trong đoàn Pháo Binh. Một trái đạn nổ gần bên đã làm Corliss bị điếc. Năm 1972 lần cuối cùng gặp lại Corliss, tôi thấy anh vẫn mạnh khoẻ và đang làm việc tại một nhà máy xay bột gần nhà của anh tại Sitka Alaska
-ooOoo-
-10-MA TIN AUNG MYO
Tác Giả:
Ian StevensonMa Tin Aung Myo sanh ngày 26 Tháng 12 năm 1953 tại làng Nathul miền thượng Miến Ðiện. Cha Cô là U Aye Maung và mẹ cô là Daw Aye Tin. Khi còn đang mang thai Ma Tin Aung Myo, 3 lần Bà mơ thấy một người lính Nhật cởi trần, mặc quần soọc đã theo bà và nói rằng ông ta sẽ đến ở với vợ chồng Bà.
Khoảng 3, 4 tuổi, Myo đã có những hiện tượng nhớ đến tiền kiếp của mình. Mỗi lần thấy máy bay bay ngang làng Nathul, Myo đều sợ hãi và khóc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm. Lúc lên 4 tuổi có lần Myo khóc sướt mướt; được hỏi lý do cô trả lời là cô khao khát được về nước Nhật. Rồi sau đó Myo kể là Myo là người lính Nhật đóng quân ở Nathul trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến khi Quân Ðội Nhật Bản chiếm giữ Miến Ðiện. Myo nói rằng cô là hỏa đầu quân và bị bắn chết trong một cuộc oanh tạc của máy bay Ðồng Minh. Myo cung cấp vài chi tiết khác về tiền kiếp mà cô còn nhớ. Trước kia Myo ở phía Bắc nước Nhật, đã lập gia đình và có một con. Trước khi nhập ngũ gia đình có một cửa hàng nhỏ.
Trong lúc Quân Ðội Nhật rút lui khỏi Miến Ðiện, Cô bị máy bay bắn chết. (Có thể sự việc xảy ra vào năm 1945). Cô đã mô tả lối ăn mặc của người lính Nhật và cách thức ẩn tránh khi bị máy bay oanh tạc. Riêng cô bị kẹt ngoài bờ đê nên đã bị bắn chết. Myo không nhớ tên cũng như quê quán của người lính Nhật. Tuy nhiên những gì Myo kể lại rất phù hợp với những biến chuyển trong thời gian Quân Ðội Nhật chiếm đóng Miền Thượng Miến Ðiện. Mẹ của Myo cho biết có quen thân với một người lính Nhật làm hỏa đầu quân khi quân đội Nhật Bản đóng tại nơi đây, nhưng không biết anh lính Nhật này chết tại đâu.
Lối xử sự của Myo rất khác thường, giống như phong cách của một người lính Nhật. Myo không thích khí hậu nóng bức tại miền thượng Miến Ðiện và cũng không thích các món ăn nấu theo kiểu địa phương, Myo thích ăn đồ ăn có đường, cá sống. Myo thường tỏ vẻ mong đợi ngày trở về Nhật Bản và có nhiều khi nằm úp mặt khóc vì nhớ nhà. Myo cũng thường tức giận mỗi khi có ai nhắc tới người Anh hoặc người Mỹ trước mặt Myo.
Ðiều đặc biệt nhất là Myo thích làm con trai. Cô hay mặc quần áo đàn ông và thích cắt tóc kiểu con trai. Vì vậy khi đi học Myo bị nhà trường bắt buộc phải ăn mặc theo kiểu phụ nữ. Myo đã từ chối và năm lên 11 tuổi Myo đã bỏ học. Vì học vấn kém nên Myo đã phải làm nghề tầm thường. Năm 1974 khi tôi (Ian Stevenson) gặp Myo lần đầu tiên thì cô đang bán rong đồ ăn ở ga xe lửa.
Thưở còn nhỏ, Myo thích chơi trò đóng vai người Lính. Myo đòi cha lần nào đi Mandalay cũng phải mua cho cô một cây súng giả. Ba người chị cũng như người em trai độc nhất của cô lại không thích trò này. Myo thích chơi đá banh và khúc côn cầu, hai môn thể thao chỉ dành cho con trai.
Cha mẹ Myo đã có 3 người con gái trước khi sanh Myo. Tuy cả hai ông bà đều muốn có một đứa con trai, nhưng điều đó không có nghĩa là hoan nghênh tinh thần thích làm con trai của cô. Người mẹ phản đối con kịch liệt còn người cha thì khoan dung hơn.
Càng lớn, Myo càng có vẻ đàn ông, Myo thích ăn mặc theo kiểu con trai và không nghĩ đến việc lấy chồng. Ngược lại Myo nói rằng thích một người vợ. Myo coi mình như một nam nhi và không thích được đối xử như một phụ nữ. Khi U Win Maung, người phụ tá của tôi (Ian Stevenson) tại Miến Ðiện gọi Myo bằng "Ma", tiếng lịch sự để chỉ người phụ nữ Miến, thì cô yêu cầu được gọi cô là Maung, tiếng thông dụng để chỉ thanh niên Miến hoặc không dùng danh từ nào cả. Trong một cuộc phỏng vấn, cô đã nói với tôi và U Win Maung rằng cô sẽ rất hài lòng nếu chúng tôi chọn bất cứ cách nào để giết cô miễn là bảo đảm cho cô khi được sanh trở lại cô sẽ là đàn ông. Gia đình Myo cho rằng sự luyến ái của Myo khác thường như vậy vì tiền kiếp Myo là đàn ông và cũng xác nhận cái tính khí y hệt thanh niên của cô là do tiền kiếp cô là người lính Nhật Bản.
Tuy rằng chi tiết để xác minh người lính Nhật không được đầy đủ nhưng tất cả những hành động cũng như tính tình của Myo đã phản ảnh rõ ràng Myo đúng là hiện thân của một người Lính Nhật Bản.
Tôi (Ian Stevenson) đã gặp lại Myo vào năm 1975 và sau đó thì không gặp nữa nhưng U Win Maung, người phụ tá của tôi tại Miến Ðiện đã gặp Myo vào năm 1970, sau này còn gặp lại cô 2 lần nữa vào năm 1977 và năm 1981.
-ooOoo-
-11-MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG
Tác Giả:
Ian StevensonÐây là một trường hợp Tiến Sĩ Ian Stevenson đăng trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease (Tì Báo nói về Bệnh Thần Kinh và Tâm Trí) và năm 1983.
Tại Rio Grand Do Sul, một Tiểu Bang cận nam của Ba Tây, một bé gái của một trại chủ giàu có tên là Senor C.J. De Oliveiro ra đời. Tên bé gái là Maria nhưng thường gọi là Sinha và thân mật hơn là Sinhazinha.
Khi lớn lên Sinha rất yêu mến đời sống thôn dã nơi quê cha và thỉnh thoảng nàng thường đến chơi làng Dom Feliciano cách 12 dậm. Nơi đây Sinha quen với Ida Lorenz, vợ một giáo viên.
Rồi thì 2 lần tình yêu đến nhưng lần nào nàng cũng đều bị người cha nghiêm khắc bảo thủ ngăn cản và một trong 2 thanh niên đã tự tử vì tuyệt vọng. Sinha ngày càng héo hon sầu não. Lo lắng người cha đã thu xếp cho nàng đi du ngoạn Pelotes, một thị trấn ven biển trong mùa hội nhưng tình trạng của nàng cũng không khả quan hơn.
Với mục đích hủy hoại thân mình nàng đã tự hành xác bằng cách dầm thân dưới trời giá lạnh cho đến khi kiệt sức. Nàng bị khan tiếng, nhiễm trùng cổ họng, sưng phổi rồi ho lao. Vài tháng sau nàng chết.
Trước khi chết nàng có tâm sự với người bạn thân Ida Lorenz rằng bệnh hoạn là tự nàng làm ra. Nàng còn căn dặn 2 điều:
"Một, tôi sẽ tái sanh làm con gái của Ida và hai, khi biết nói tôi sẽ kể lại mọi điều về đời sống hiện tại của tôi lúc đó chị sẽ nhận ra".
Ida có nói cho chồng biết và hai người cùng chờ xem sự việc xảy ra sao. Ngoài ra không một ai trong gia đình biết cả.
Vài tháng sau khi Sinha chết, Ida sanh được một bộ gái đặt tên là Marta. Marta có những nét đặc biệt tương tự như Sinha. Khi Marta chưa đầy 1 tuổi, người cha của Sinha đến thăm gia đình Ida Lorenz, một gia đình khác ông Valentin cũng đến chơi cùng lúc ấy. Ông Valentin có vẻ thương yêu chiều chuộng Marta, nhưng ngược lại Marta cứ đeo theo cha của Sinha mặc dầu ông này thường không thích trẻ nhỏ. Marta đã vuốt râu ông và nói: "Chào Ba". Lúc đó với ông lời chào ấy không có ý nghĩa gì nhưng rồi 11 năm sau ông mới công nhận là Sinha tái sanh thành Marta.
Sau đây là lời của ông Ida Lorenz, người cha hiện tại của Marta kể lại do Tiến Sĩ Ian Stevenson, người điều tra vụ này chuyển dịch Người chị tên Lola của Marta đã thấy một chuyện sau:
"Lúc Marta được 2 tuổi rưỡi, một hôm sau khi giặt xong quần áo ở một con suối gần nhà Marta và Lola trở về nhà. Marta nói với chị: "Lola cõng em đi" Lola (cũng như tất cả trẻ con hàng xóm của chúng tôi) không biết gì về lời hứa sẽ tái sanh của Sinha nên trả lời: "Em đi được đâu cần chị cõng". Marta nói: "Dạo trước lúc em lớn và chị nhỏ em thường cõng chị đó". Lola vừa cười vừa vặn lại: "Em lớn lúc nào?" Marta trả lời: "Lúc em không ở đây, mà ở xa chỗ này, nơi có nhiều bò đực, bò sửa, có nhiều cây cam, và có nhiều con vật như dê, nhưng không phải các con dở này (nó muốn nói các con cừu mà nó chưa bao giờ thấy ). Câu này mô tả cái nông trại của cha mẹ Sinha.
Rồi vừa đi vừa chuyện trò Marta và Lola về tới nhà. Lola kể cho chúng tôi những ý tưởng lạ lùng của Marta và tôi nói với Marta: "Này con gái nhỏ của Ba, Ba chưa bao giờ ở đấy sao con lại nói con ở đấy?" Marta trả lời: "Ðúng vậy, lúc đó con có cha mẹ khác".
Một người chị khác của Marta trêu em:
"Thế em cũng có một người đầy tớ da đen như bây giờ phải không?" (muốn nói đến đứa con gái da đen mồ côi mà chúng tôi đang nuôi). Marta trả lời ngay: "Không, lúc đó người đầy tớ da đen của chúng tôi đã lớn và biết cả nấu ăn, chúng tôi cũng có một em da đen nhỏ, và một hôm em nhỏ này quên không múc nước về nên bị cha tôi đánh".
Nghe vậy tôi liền nói: "Cha chưa bao giờ đánh một em nhỏ da đen nào cả con gái bộ nhỏ ạ" Marta nói: "Nhưng đó là người cha kia của con mà; bị đánh em nhỏ kêu khóc và cầu cứu con: Sinhazinha hãy cứu tôi! và con đã xin cha đừng đánh nó nữa và thằng nhỏ chạy ngay đi múc nước về".
Tôi hỏi: "Vậy ai là Sinha hay Sinhazinha? ". Marta trả lời: "Chính là con đấy, con còn có tên là Maria và một cái tên nữa mà con không nhớ".
Tên đầy đủ của Sinha la Maria Januaria De Oliveiro.
Ðể thử xem Marta nói có đúng không, Ida cũng hỏi một câu: "Mẹ thường đến nông trại thăm Sinha, vậy Sinha thường làm gì để đón tiếp mẹ?" Marta nói nó thường pha sẵn cà phê, vừa đứng chờ trước nhà vừa nghe máy hát để trên thềm đá.
Sau khi phỏng vấn người em gái của Sinha, Tiến Sĩ Ian Stevenson được biết quả đúng như vậy. Sinha thường làm thế để tiếp đón người bạn quý của mình tức người mẹ hiện tại.
Ida hỏi Marta là Sinha đã nói thế nào khi Ida đến thăm Sinha lần cuối cùng trước khi Sinha chết. Marta đã diễn tả: "Nàng thều thào bên tai Ida, chỉ vào cuống họng mình rằng nàng không thể nói được vì đau cuống họng". Cảnh này chỉ một mình Ida biết mà thôi.
Liên tiếp mấy năm sau, Marta kê khai 120 bản về đời sống của Sinha và về những người mà Sinha quen biết. Người cha hiện nay của nàng còn giữ tất cả những tài liệu này. Có nhiều điều ông ta, vợ ông ta và ngay cả đến những đứa trẻ khác trong gia đình hoàn toàn không biết nhưng sau khi phối kiểm thì thấy đều rất trung thực.
Bấy giờ Marta thường nhắc đến căn nhà của Sinha và mong ước được về thăm nhưng mãi đến năm 12 tuổi vào cái tuổi mà Marta ít nhắc đến tiền kiếp của mình thì Marta mới được mãn nguyện. Vừa đặt chân tới nhà có Marta đã nhận ra cái đồng hồ treo tường và nói là của mình. Nàng còn nói đằng sau cái đồng hồ có in tên nàng bằng chữ vàng. Người cha ở tiền kiếp nghe vậy bèn lấy cái đồng hồ xuống, quả nhiên đằng sau có in dòng chữ vàng: "Maria Januaria De Oliveiro". Cái đồng hồ do Sinha mua và tự mình lên dây. Ðó là đồ vật duy nhất mà Marta nhận được tại nông trại.
Sau chuyến viếng thăm của Marta, một người bà con của Sinha nghe nói Sinha tái sanh, đã không báo trước mà tìm đến nhà ông bà Lorenz và hỏi Marta như sau: "Nếu quả cô là Sinha, xin cho tôi biết quan hệ giữa chúng ta như thế nào?" Không chút ngặp ngừng Marta đã trả lời đúng: "Bà là chị họ và cũng là mẹ đỡ đầu". Người đàn bà này hoàn toàn chưa bao giờ biết làng Dom Feliciano, nơi mà gia đình và Marta đang sống.
Một chuyện khác xảy ra khi Marta 19 tuổi và được một nông trại mời đến kèm trẻ. Gia đình này theo đạo Cơ Ðốc Giáo gốc nên không bao giờ Marta đề cập đến luân hồi. Một phụ nữ già da đen cũng làm tại nơi đây thấy Marta đã nói với mọi người: "Cô gái này giống hệt như Sinha ". Hóa ra người đàn bà da đen chính là người đầy tớ trước đây của nông trại Oliveiro mà lúc lên 2 tuổi rưỡi Marta đã có lần nhắc tới.
Sinha tìm cái chết bằng cách tự hủy hoại thân thể mình với bệnh lao phổi và thanh quản - nay hai bệnh nghiệp chướng trên đã trở lại với nàng - Marta rất dễ bị cảm lạnh và sưng phổi trong khi những đứa con khác của gia đình Lorenz không một ai bị bệnh này cả. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã bình luận: "Bệnh đau về hệ thống hô hấp và yết hầu của Marta hiện nay đúng là bệnh tình trước đây của Sinha. Tôi tin rằng trong hiện tại Marta hay mắc chứng bệnh này là vì có sự liên quan đến tiền kiếp và cái chết của Sinha".
Hậu quả thứ hai là hoàn cảnh trái ngang có thể đưa nàng đến ý định tự hủy hoại thân mình. Marta có xác nhận với Tiến Sĩ Ian Stevenson, mặc dù chưa bao giờ có ý định tự tử cả, xong có thể làm việc ấy nếu có sẵn một khẩu súng.
Trên bình diện xác thực và khích lệ, nàng đã vượt đến sự tốt đẹp của bản thân tiền kiếp. Nàng đã được nhiều người đặc biệt nhớ đến nàng vì tình thương yêu và lòng nhân ái đã được thể hiện trong cuộc sống hiện tại của nàng. Với kinh nghiệm tái sanh nàng đã tìm được cách hữu hiệu để làm giảm bớt sự đau khổ và ưu sầu của những người chung quanh.
Tiến Sĩ Ian Stevenson đã viết trong báo cáo:
"Một ngày nọ một thiếu phụ đến thăm gia đình Lorenz và ta thán về cái chết của người cha. Thiếu phụ này nói: "Ồ các bạn thân mến, người chết rồi không bao giờ trở lại được". Nghe vậy Marta đã lên tiếng: "Xin bà đừng nói thế, tôi cũng đã chết và bà có thấy không tôi đang sống lại đấy".
Một bửa khác trong cơn mưa bão, một người chị của Marta đã lo lắng cho người em Emilia mới chết có thể bị ướt dưới mộ sâu. Marta đã nói: "Chị đừng nói vậy, Emilia đâu còn ở nghĩa địa, Emilia đã ở một nơi an toàn tốt đẹp hơn nơi của chúng ta hiện nay, linh hồn không bao giờ bị ướt cả".
-ooOoo-
-12-SHAMLINIE PREMA
Tác Giả:
Ian StevensonShamlinie Prema sanh ngày 16 Tháng 10 năm 1962 tại Sri Lanka Colombo. Cha mẹ của Shamlinie sống ở Gonagela, cách Colombo 60 cây số về phía nam và lớn lên tại đó.
Cha mẹ của Shamlinie nhận thấy ngay từ khi biết nói, Shamlinie đã rất sợ nước, thường dẫy dụa khóc thét lên mỗi khi có ai muốn đem em nhúng xuống nước. Em cũng sợ cả xe buýt và thường khóc lóc mỗi khi cha mẹ đem lên xe buýt hay nhìn thấy xe buýt từ đằng xa. Sự việc này làm cho cha mẹ em bối rối, ông bà cho rằng những biến cố ở kiếp trước đã ảnh hưởng tới đời sống hiện tại của em.
Ðến khi biết nói em đã liên tiếp kể chuyện tiền kiếp của em cho cha mẹ cũng như những người thân thuộc. Em cho biết ở tiền kiếp em sống tại làng Galtudawa cách xa Gonagela 2 cây số. Em nói rằng cha mẹ tiền kiếp của em còn đang sống tại Galtudawa và em thường nhắc đến bà mẹ Galtudawa. Em cũng nói tới mấy người chị và hai người bạn học cùng trường. Em tả căn nhà ở tiền kiếp mà em đã sống, địa thế cũng như đặc điểm khác hẳn cái nhà mà em đang sống. Em kể nguyên do cái chết của em xảy ra như thế nào. Một buổi sáng để điểm tâm trước giờ đi học em đi mua bánh mì trên con đường bị ngặp nước. Một chiếc xe buýt chạy ngang làm bắn tung nước và em bị hất xuống ruộng. Em chỉ còn biết dở tay vẫy gọi "Mẹ" và sau đó em cảm thấy như ngủ thiếp đi.
Ở Galtudawa có một cô gái tên là Hemaseelie Guneratne bị chết đuối ngày 8 tháng 5 năm 1961 trong hoàn cảnh tương tự. Hemaseelie đã lùi một bước để tránh xe buýt và cô bị rơi xuống ruộng lúa ngặp nước. Hemaseeli là một học sinh 11 tuổi. Cha mẹ Shamlinie không hề quen biết gia đình Hemaseelie và cũng chưa gặp Hemaseelie lần nào cả. Tuy nhiên cha mẹ Shamlinie có được nghe chuyện cô học sinh chết đuối, cũng cảm thấy buồn nhưng sau đó rồi ông bà cũng quên bẵng đi.
Lần đầu tiên nghe em kể câu chuyện bị chết đuối cha mẹ em không nghĩ rằng em có liên quan đến cô bộ Hemaseelie bị chết đuối cả. Khi Shamlinie lên 3 tuổi em nhận ra một người anh em họ của Hemaseelie khi người này đang đi trên đường phố ở Gonagela. Hơn một năm sau, Shamlinie lại nhận ra người chị của Hemaseelie cũng tại Gonagela. Ðồng thời Shamlinie đòi đi Galtudawa để thăm "Mẹ Galtudawa" và em cho rằng người mẹ hiện tại không sánh bằng "Mẹ Galtudawa" ở tiền kiếp.
Cuối cùng cha mẹ của em đã đưa em đến nhà Hemaseelie Gueratne ở Galtudawa. Nhiều người tụ tập nơi đây vì họ nghe nói có một cô gái tái sanh trở về thăm làng có. Sự hiện diện của những người lạ mặt khiến Shamlinie thấy thiếu thoải mái. Tuy nhiên Shamlinie cũng nhận ra "bà mẹ của Hemaseelie tên là W.L. Podi Nona" trong khi đó gia đình Guneratnes vẫn còn hoài nghi. Cuộc viếng thăm rất ích lợi vì đã xác minh được những việc mà Shamlinie đã từng tuyên bố. Hầu hết những chuyện Shamlinie kể về tiền kiếp đều trùng hợp với đời sống của Hemaseelie tại Galtudawa. Thêm vào đó, hai gia đình trong khi trao đổi tin tức đều nhận thấy Hemaseelie và Shamlinie đều có nhiều điểm giống nhau về cách thức ăn mặc cũng như sở thích ăn uống.
Tôi (Ian Stevenson) bắt đầu điều tra vụ này và năm 1966, vài tuần lễ sau khi Shamlinie viếng thăm Galtudawa lần đầu tiên. Tôi đã phỏng vấn một số người còn nhớ rõ những điều Shamlinie đã kể và đã làm, về cả cuộc đời tiền kiếp của Hemaseelie. Mấy năm sau tôi có đến thăm cả hai gia đình để có thể kiểm chứng và cũng để xem sự tiến triển của Shamlinie ra sao. Ngoại trừ một vài điều cách biệt nho nhỏ, còn tất cả những tin tức mà tôi thâu lượm được đều rất xác thực và các nguồn tin mới này vẫn rất phù hợp với những điều mà họ nói trước kia.
Sau lần viếng thăm đầu tiên Galtudawa, Shamlinie trở lại thêm vài lần nữa thăm gia đình Guneratnes và sau đó các chuyến viếng thăm thưa dần ngày càng ít đi và Shamlinie càng lớn lên thì những ký ức về tiền kiếp của em mờ dần đi. Ðến năm 7 tuổi thì Shamlinie không còn kể về tiền kiếp của em nữa. Khi lên 11 tuổi vào năm 1973, Shamlinie đã hoàn toàn quên hẳn ký ức về tiền kiếp ngay cả đến những việc trước đây em thường nhắc đến. Em cũng không còn sợ nước như hồi 4 tuổi nữa và khi em lên 8 tuổi thì em cũng không còn sợ hãi khi trông thấy xe buýt tuy nhiên vẫn còn một chút sợ sệt.
Năm 1973 tôi có trở lại thăm Shamlinie và thấy em đã trở thành một cô gái Sinhalese bình thường.
Trường hợp luân hồi của Shamlinie rất trung thực. Hai gia đình ở cách xa nhau 2 cây số và cũng không là thân thuộc mà Shamlinie lại hiểu biết đời sống của Hemaseelie với nhiều chi tiết rõ ràng.
Theo sự xét đoán của tôi (Ian Stevenson) sự liên hệ của hai gia đình không có, nên không thể nào giải thích nổi tại sao Shamlinie lại có thể hiểu biết tường tận đời sống cũng như cá tính khác thường của Hemaseelie. Phải chăng Hemaseelie đã tái sanh thành Shamlinie?
-ooOoo-
-13-SULEYMAN ANDARY
Tác Giả:
Ian StevensonSuleyman sanh ngày 4 Tháng 3 Năm 1954 tại Falougha, Lebanon. Gia đình Suleyman thuộc dòng Druses, một tôn giáo bắt nguồn từ Islam (Hồi Giáo). Tuy nhiên tôn giáo này đã tách ra khỏi khối Hồi Giáo chính thống và những người theo đạo Druses cũng coi như không còn lệ thuộc vào khối Hồi Giáo. Luân Hồi là một giáo lý căn bản của Ðạo Druses.
Khi còn thơ ấu Suleyman nhớ vài chi tiết về tiền kiếp của anh. Ðôi khi qua các giấc mộng, anh kể là anh đã có con ở tiền kiếp và còn nhớ cả tên của chúng nữa. Anh nhớ anh sống tại Gharife và là chủ của một hãng ép dầu.
Không giống đa số các trường hợp luân hồi khi còn nhỏ tuổi nhớ kiếp trước nhiều hơn, càng lớn tuổi anh càng nhớ lại nhiều về tiền kiếp. Trong lúc ở với bà nội khi anh 11 tuổi, anh cảm thấy anh có nhiều ký ức về tiền kiếp. Một hôm bà ngoại anh đến nhà mượn một cuốn kinh về đạo Druses. Suleyman đã từ chối không cho mượn còn lỗ mãng bắt lỗi bà ngoại không có cuốn kinh trong nhà. Bà nội anh bất mãn về thái độ cư xử của anh và yêu cầu anh giải thích. Bất ngờ anh nhớ lại ở tiền kiếp anh có rất nhiều kinh sách về Ðạo Druses và không bao giờ anh cho ai đem những cuốn kinh này ra khỏi nhà. Người Druses rất quý trọng các cuốn kinh và thường giữ gìn cẩn thận. Hành động của Suleyman nếu là một thiếu niên thì quả là vô lễ, nhưng với một người đã trưởng thành như Suleyman thì lại là một việc bình thường.
Sau câu chuyện trên, Suleyman đã kể nhiều các chi tiết về đời sống tiền kiếp của anh. Anh nhớ anh là một tù trưởng ở Gharife và có tên là Abdallah Abu Hamdan. Anh còn kể thêm nhiều chi tiết cuộc đời của Hamdan. Lúc bấy giờ Suleyman rất sợ bị chế nhạo khi nhận là tù trưởng ở tiền kiếp. Anh nghĩ là gia đình và bạn bè sẽ cho anh là ngạo mạn và sẽ châm biếm anh. Cho nên anh đã dấu kín trong lòng. Hai năm sau anh mới kể lại cho một số bạn bè trước cho một số người ít tuổi và về sau cho một số người lớn.
Vài người thân đứng tuổi của gia đình Suleyman đề nghị đem Suleyman đi Gharife để phối kiểm các tin tức nói về tiền kiếp của Syleyman. Gharife cách xa Falougha chừng 30 cây số, thuộc một vùng khác phạm vi Lebanon. Muốn đi Falougha đến Gharife phải có lý do xác đáng. Gia đình của Suleyman không quen ai ở Gharife cả và cũng không có một liên hệ nào với Gharife cả. Có một người trong gia đình Suleyman làm việc tại Gharife trong một thời gian ngắn nhưng cũng không biết những lời kể của Suleyman đúng hay sai. Sau đó chính người này đến Gharife điều tra đã xác nhận những điều Suleyman kể lại đều rất đúng. Cùng lúc ấy có vài người khác công nhận tính cách trung thực của các sự việc trên.
Giống như trường hợp của Á Ðông, câu chuyện của Suleyman được nhiều người biết đến. Một người anh em họ của Suleyman đã gặp vài người Gharife ở Saudi Arabia và được biết những lời kể của Suleyman rất xác thực. Người tên là Abdallah Abu Hamdan mà Suleyman nhận là tiền kiếp của mình là chủ nhân một hãng dầu ép và làm tù trưởng nhiều năm trước khi chết vì bệnh tim năm 1942 lúc 65 tuổi. Những người Gharife đã mời Suleyman đến thăm Gharife. Lúc đầu anh từ chối nhưng đến năm 1967 anh đã đi Gharife 2 lần, vào mùa hạ và mùa thu. Khi tới Gharife anh cảm thấy thẹn thùng và bỡ ngỡ. Người vợ góa của Abdallah Abu Hamdan và 2 người con còn sống tại Gharife nhưng anh không nhận ra họ và cũng không nhận được những người thân quyến. Anh nhận được 3 người khác và vài nơi tại Gharife. Có lẽ điều quan trọng nhất là anh đã chỉ một con đường có từ năm 1967 không còn sử dụng, con đường trước kia dẫn đến nhà Abdallah Abu Hamdan. Tuy nhiên tầm quan trọng của trường hợp Suleyman không nằm trong sự xác nhận của anh mà là những cá tính riêng biệt của anh phát sanh từ tiền kiếp. Trước khi Gharife, cũng như trong cuộc viếng thăm lần đầu, Suleyman đã 17 lần nói về tiền kiếp của anh. Những lời anh kể gồm có tên các con anh và các chi tiết khác về đời sống của anh. Những lời phát biểu của anh đều đúng ngoại trừ hai trường hợp: 1) Salim là em chứ không phải con anh, 2) Salim không bị mù mà Naseeb con anh mới bị mù.
Tôi (Ian Stevenson) bắt đầu điều tra vụ này vào tháng 3 năm 1968 và tiếp tục cho đến năm 1972. Tôi đã phỏng vấn nhiều người tại Falougha và Gharife. Sau này Suleyman di cư sang Saudi Arabia và từ năm 1972 tôi không còn gặp Suleyman nữa. Khi Suleyman còn nhỏ tuổi anh đã tỏ ra phong thái một người lớn. Anh thích giao du với người lớn hơn là người đồng lứa tuổi và ngay cả giữa đám người lớn anh cũng chọn chỗ ngồi dành riêng cho những vị có đặc quyền. Anh không thích bị ai la rầy và khi ấy anh thường nói: "Ðừng mắng tôi, tôi là người lớn mà". Suleyman thường sợ bị người khác chế nhạo nếu họ biết anh nhận là ông tù trưởng ở tiền kiếp. Gia đình và bạn bè thường chế anh là "Ông Tù Trưởng". Ðiều này cũng không làm anh buồn mấy vì một số người trong gia đình đã tin anh và thân yêu gọi anh bằng cái tên này. Dĩ nhiên họ chỉ tin anh sau khi anh đã xác thực được những điều anh kể về tiền kiếp của Abdallah Abu Hamdan. Trong gia đình Suleyman cũng tỏ ra là người mộ đạo hơn những người khác giống hệt như Abdallah Abu Hamdan. Trước khi chết, Hamdan đã trở thành tộc trưởng, một chức vị cao cấp mà nhiều người mơ ước.
Tôi thấy Suleyman không muốn đến thăm Gharife nên anh đã từ chối lần đầu. Gia đình của Suleyman hiểu rõ hơn cho rằng anh không thích đi Gharife vì anh không muốn nhìn lại những thảm kịch trong đời sống của Hamdan. Các con của Hamdan không mấy nên người, có nhiều thói hư tật xấu, một người thì di dân sang Hoa Kỳ, một người thì ăn ở với Hamdan không hiếu thuận. Trong những ngày cuối cùng Hamdan gặp khó khăn. Vì muốn giúp đỡ một người bạn Hamdan đã ngụy tạo một tài liệu khiến chính phủ khám phá ra được và Hamdan bị cất chức. Cuối cùng Hamdan đã đầu tư vào việc ép dầu nhưng tình trạng tài chánh eo hẹp nên việc buôn bán không kết quả. Việc đầu tư thất bại làm Hamdan buồn phiền, nhuốm bệnh rồi qua đời. Hamdan chết năm 1942, 12 năm trước khi Suleyman sanh ra đời. Ðược hỏi về thời gian 12 năm chưa luân hồi thì Suleyman ở đâu, Suleyman trả lời không nhớ gì cả.
Với ký ức của Suleyman về tiền kiếp là Abdallah Abu Hamdan, tôi (Ian Stevenson) không nghĩ rằng những tin tức do Suleyman thâu lượm được bằng cách thông thường vì hai làng cách xa nhau đến 30 cây số và hai gia đình cũng không có liên lạc gì với nhau cả.
-ooOoo-
-14-TIỀN THÂN BONGKUCH PROMSIN
Tác giả:
Ian StevensonBongkuch Promsin sanh ngày 12 Tháng 2 Năm 1962 tại làng Don Kha, Tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan. Ông Pamorn Promsin, cha Bongkuch là Hiệu Trưởng một trường Trung Học gần Don Kha. Tuy ông có kiến thức khá nhưng lương hàng tháng lại ít ỏi nên cuộc sống của gia đình rất đạm bạc.
Ngay khi biết nói rành rẽ, Bongkuch đã hay kể chuyện về tiền kiếp của mình. Bongkuch tả cho gia đình nghe nhiều chi tiết về đời sống trước như em ở làng Hua Tanon cách Don Kha chừng 9 cây số, em có tên là Chamrat và còn nhớ tên cha mẹ của Chamrat. Em cũng kể ra các vật dụng mà em có như là con dao, chiếc xe đạp, và gia đình ở tiền kiếp có nuôi 2 con bà.(Gia đình hiện tại của em không nuôi bà). Em cho biết một chi tiết đặc biệt là đã bị hai tên sát nhân giết chết ở Hua Tanon. Họ đã đâm em nhiều nhát để lấy chiếc đồng hồ đeo tay và sợi giây chuyền của em. Sau đó họ đã vất thây em xuống ruộng. (Khi kể chuyện này Bongkuch chừng 2 tuổi). Bongkuch cho biết sau khi chết em ở trên một ngọn cây gần nơi bị giết một thời gian là bảy năm. Một hôm trời mưa em trông thấy người cha hiện tại (Pamorn Promsin) đi ngang, em đã theo ông về nhà bằng xe buýt. Cha của Bongkuch xác nhận là trước khi vợ ông mang thai Bongkuch, ông có đi Hua Tanon để dự một phiên họp và hôm đó trời mưa.
Mẹ của Bongkuch cho biết có lần Bà đi tìm măng ở khu vực xảy ra án mạng trước khi mang thai Bongkuch nhưng không nhớ rõ thời gian nào. Bà nói rằng Bà không đến nơi gia đình Chamrat cư ngụ. Ông Pamorn Promsin vì nghề nghiệp có quen biết vài thầy giáo ở Hua Tanon nhưng không có bà con hoặc bạn bè ở đấy. Cả hai vợ chồng đều xác nhận với tôi (Ian Stevenson) là không biết gì về vụ Chamrat, một thiếu niên bị giết cả. Những tin tức giết người của một làng như Hua Tanon có được loan truyền đến các vùng lân cận như Don Kha nhưng những vụ án mạng thời ấy thường hay xảy ra nên người ta không mấy quan tâm đến và hầu như đã quên vụ án xảy ra. Hơn nữa vụ án xảy ra nay đã trên 10 năm thì tôi cho rằng dù cha mẹ Bongkuch có nghe kể vụ Chamrat bị giết cũng ít chú ý và gần như là quên ngay.
Chuyện Bongkuch kể về tiền kiếp của mình đã đến tai gia đình Chanrat và một vài người đã tới Don Kha thăm Bongkuch.(Lúc này Bongkuch chừng 2 tuổi rưỡi). Sau đó Bongkuch có theo gia đình đến Hua Tanon. Những chuyến viếng thăm này chỉ có mục đích là để kiểm chứng những điều Bongkuch nói về tiền kiếp. Chuyện về tiền kiếp của Bongkuch là có thực. Hai người dính líu trong vô giết Chamrat, một người đã tẩu thoát được, còn một người tuy bị bắt nhưng được tha vì thiếu chứng cớ. Tôi (Ian Stevenson) có thẩm vấn vài người cảnh sát hiện còn nhớ rõ vụ án, họ đã xác nhận những lời Bongkuch cho biết về vụ giết người rất là trung thực kể cả tên những người bị tình nghi.
Các báo cáo về trường hợp này đã được đăng trên báo chí Thái Lan vào tháng 3 năm 1965 và một thông tin viên đã gọi cho tôi. Bác Sĩ Sophon Nakphairaj (Giám Ðốc Bệnh Viện của Chánh Phò Tỉnh Nakhon Sawan) đã điều tra vụ này năm 1965. Còn tôi điều tra vụ này năm 1966. Tôi đã phỏng vấn cả hai gia đình tại Don Kha và Hua Tanon. Tôi vẫn tiếp tục điều tra vào những năm sau đó, và lần chót tôi gặp cha mẹ Bongkuch vào năm 1980. Tính tình khác thường của Bongkuch đã khiến cho gia đình em và sau ngay cả tôi cũng đều phải quan tâm đến em. Trong thời gian nói nhiều đến tiền kiếp gia đình thường thấy em có nhiều tật xấu, chẳng hạn như cách thức rửa tay và đôi khi em nói những tiếng mà gia đình không hiểu. Sở thích về ăn uống của Bongkuch không giống như những người trong gia đình vì gia đình Chamrat là một gia đình Lào. (Người Thái cho rằng những món ăn của người Lào không tinh khiết bằng những món ăn của Thái và tiếng nói lạ lùng chính là tiếng Lào). Gia đình Bongkuch không có ai biết nói tiếng Lào ngay cả những người dân làng Don Kha. Bongkuch thích các món ăn Lào, chẳng hạn như món ăn cơm nếp mà người Lào ưa chuộng. Bongkuch thù ghét các người giết Chamrat và em hăm dọa là sẽ trả thù khi có dịp. Thỉnh thoảng em lấy một cây gậy nhỏ và đánh vào một cái trụ mà em tưởng tượng là kẻ thù đã giết Chamrat; em vừa đánh vừa gọi tên những kẻ sát nhân. Có lúc em nghĩ rằng em là một người lớn bị tù túng trong một thân hình đứa nhỏ cho nên em có cử chỉ của một người lớn. Em đánh răng (Trẻ con Thái Lan thường không đánh răng). Ðặc biệt có lần em đã tới tiệm hớt tóc để xin cạo râu. Em không để ý đến những bộ gái cùng lứa tuổi mà chú ý đến các thiếu nữ. Một hôm có một thiếu nữ đến thăm gia đình em và dự định ở chơi ít bửa, nhưng vì thái độ mơn trớn ve vãn của em khiến thiếu nữ bực mình phải ra về sớm. Ngoài tính hơi phóng đãng, đôi khi anh lại muốn xuất gia đầu Phật. Hai bản chất trái ngược này của Bongkuch rất phù hợp với tính tình của Chamrat. Trước khi chết, Chamrat có gắn bó với một người bạn gái, Chamrat cũng đặc biệt lưu ý đến tôn giáo và anh muốn trở thành một thầy tu. (Ðiều này không có gì là bất thường vì ở Thái Lan, rất nhiều thanh niên vào Chùa tu một thời gian và sau đó trở về đời sống cư sĩ và lập gia đình).
Khi Bongkuch càng lớn lên thì trí nhớ về tiền kiếp càng mờ dần. Trong làng, các trẻ khác vẫn thường chế nhạo em là "đứa trẻ có hai đời sống", điều này làm em muốn quên ký ức. Ðến năm 10 tuổi thì em không còn kể chuyện với ai về tiền kiếp của mình nữa Ký ức mờ nhạt dần với thời gian, em đã trở lại hoàn toàn bình thường.
Năm 1980, vào lần cuối cùng tôi (Ian Stevenson) gặp lại em, lúc này em đã 18 tuổi đang theo theo học ở một trường Tỉnh Nakhon Sawan. Một điều mà em không bỏ được là tính thích ăn cơm nếp như những người Lào.
-ooOoo-
-15-TIỀN THÂN CỦA GILLIAN VÀ JENNIFER POLLOCK
Tác Giả:
Ian StevensonGillian và Jennifer Pollock, hai chị em sanh đôi, sanh ngày 4 tháng 10 năm 1958 tại Hexam Northumberland, Anh Quốc. Trong khoảng thời gian từ hai tuổi đến bốn tuổi, 2 em thường nhắc đến cuộc đời của 2 người chị có tên là Joanna và Jacqueline. Ngày 5 Tháng 5 Năm 1957, một người điên lái xe hơi đã đâm lên vỉa hỗ tông vào Joanna và Jacqueline đang đi bộ làm hai em chết ngay tại chổ. Lúc xảy ra tai nạn, Joanna được 11 tuổi và Jacqueline 6 tuổi.
Thảm kịch làm cho ông bà Pollock đau đớn. Tuy nhiên Ông John Pollock vùng tin ở luân hồi nhưng vợ ông thì không. Vào đầu năm 1958 khi bà mang thai ông quả quyết rằng Joanna và Jacqueline đã đầu thai song sanh để trở lại với gia đình. Bất chấp hồ sơ y khoa đã ghi nhận Bà Florence Pollock chỉ sanh một người con, ông John Polloch vẫn tin là vợ ông sẽ sanh đôi.
Ðúng như sự dự đoán của ông, vợ ông đã sanh đôi. Ông bà Pollock nhận thấy em Jennifer có hai bớt cùng một cỡ và cùng một vị trí như 2 vết bớt trên người Jacqueline, một vết trên trán gần sống mủi Jacqueline. Jacqueline có vết thẹo này là vì bị té, còn vết kia là một mụn ruồi mầu nâu ở phía trái thắt lưng của Jennifer giống y như Jacqueline.
Trong thời gian từ 2 đến 4 tuổi, hai chị em song sanh thường nói đến đời sống của 2 người chị đã chết. Hai em nhận ra vài món đồ chơi mà chị của chúng đã chơi trước kia và tỏ ra rất quen thuộc như đã từng có. Ông Bà Pollock xác nhận là ông bà cũng không bao giờ đề cập đến 2 đứa con đã chết với đôi trẻ song sanh và chúng cũng chưa bao giờ nhìn thấy các đồ chơi trước khi chúng nhắc đến hai người chị.
Jennifer thường ỷ lại vào chị là Gillian cũng như trước đây Jacqueline thường nương tựa vào Joanna. Khi hai em bắt đầu học viết thì Gillian, ngay từ buổi ban đầu đã biết cầm bút một cách rành rẽ giữa các ngón tay, còn ngược lại Jennifer thì cầm cây viết bằng cả nắm tay. Joanna lúc chết đã 11 tuổi nên đã biết viết còn Jacqueline chỉ mới 6 tuổi còn đang tập viết nên cầm cây viết bằng cả nắm tay.
Tôi (Ian Stevenson) bắt đầu điều tra vụ này năm 1964 và thường xuyên liên lạc với gia đình Pollock cho đến năm 1985. Lòng nhiệt thành tin vào luân hồi của ông Pollock có thể làm cho trường hợp bị suy giảm và một số người không tin rằng hai ông bà hay những người khác trong gia đình đã không nói trước mặt 2 em về cái chết của 2 người chị. Ðể trả lời việc nói rằng quan niệm quá tin tưởng về luân hồi của ông có thể làm thiệt hại cũng như sai lạc hẳn ý nghĩa của trường hợp, ông đã khôn khéo trả lời việc đó cũng có nhưng chỉ một phần nào thôi. Việc không dấu diếm về luân hồi khiến ông ghi nhớ các nhận xét và các tính tình của 2 đứa con song sanh giống như 2 đúa chị đã chết nhưng hầu hết các bậc cha mẹ người Âu Châu thường không tin mà còn nhạo báng.
Năm 1978 tôi (Ian Stevenson) đã thử máu 2 chị em song sanh để xem chúng sanh ra từ một trứng hay hai trứng. Cuộc thử máu này cho thấy hai chị em do một trứng sanh ra, có nghĩa là cùng một chủng tử. Có những người cho rằng những vết bớt trên người Jennifer là do di truyền nhưng nếu như vậy thì Gillian cũng phải có các vết bớt đó; đằng này Gillian không có vết nào cả. Những vết bớt trên Jennifer lại trùng hợp với những vết bớt trên người Jacqueline cả về kích thước lẫn vị trí. (Phải chăng Jennifer chính là hiện thân của Jacqueline nên đã có những vết này).
Gillian và Jennifer đã lớn lên bình thường như mọi người và hầu như đã quên hẳn những chuyện khi còn thơ ấu thường hay kể ký ức về tiền kiếp. Lần tôi gặp hai cô vào năm 1985, hai cô không còn nhắc gì đến tiền kiếp của mình nữa tuy nhiên hai cô cũng không từ chối các bằng chứng trước đây mà ông bà Pollock đã nhận thấy khi hai cô còn thơ ấu.
-ooOoo-
-16-SAMUEL HELANDER
Tác Giả:
Ian StevensonSamuel Helander sanh ngày 15 tháng 4 năm 1976 tại Helsinki, Phần Lan, Âu Châu. Từ một đến hai tuổi em thường nói đến đời sống của người cậu (em trai mẹ) có tên là Pertti Haikio. Về sau càng lớn Samuel càng giống tính tình của cậu Pertti.
Tôi điều tra vụ này vào năm 1978 và năm 1981. Những người cung cấp tin tức cho tôi gồm có mẹ Samuel, bà ngoại Samuel, người này cũng là mẹ của Pertti.
Pertti Haikio sanh ngày 8 tháng 6 năm 1957 tại Helsinki, Phần Lan, chết vì bệnh tiểu đường ngày 10 tháng 6 năm 1975 khi vừa 18 tuổi. Vài tháng trước khi chết, Pertti mắc bệnh tiểu đường trầm trọng - đã uống thật nhiều nước mà gia đình không ai để ý đến việc này - Pertti đã bị bất tỉnh và chết.
Mẹ Pertti, Bà Anneli Lagerqvist (đã tái giá sau khi ly dị với cha Pertti) và người con gái là Marja Helander mẹ của Samuel) rất buồn thảm sau cái chết của Pertti. Lúc có mang Samuel được 10 tuần, Marja có ý định muốn phá thai. Trong một giấc mộng, Marja nằm mơ thấy Pertti căn dặn "đừng phá thai, hãy giữ đứa nhỏ".
Khi Samuel được 1 tuổi rưỡi, được hỏi đến tên thì Samuel trả lời "Pelti". (Ở thời điểm này và sau một thời gian nữa Samuel không nói rõ được vần r trong chữ Pertti). Gia đình rất lấy làm lạ vì đã nhiều lần căn dặn tên là Samuel nhưng em cứ nhất định là Pelti (sau này thì Pertti). Năm lên 6 tuổi Samuel vẫn cho mình là Pelti. Tuy nhiên em không từ chối lại gần mẹ mỗi lần bà gọi em là Samuel. Samuel đã nhớ một vài điều liên quan đến tiền kiếp chẳng hạn nhận ra vài người trong ảnh hay vài món đồ quen thuộc của Pertti. Những tấm hình chụp Pertti khi chưa tới 10 tuổi thường làm Samuel chú ý. Nhìn vào một bức hình Pertti lên ba, Samuel nói rằng lúc chụp tấm hình này Pertti bị chó cắn vào bắp chân trong khi Samuel chưa bao giờ bị chó cắn và nghe ai nói đến việc Pertti bị chó cắn. Bức hình cũng không có dấu vết gì cho biết Pertti bị chó cắn. Nhìn một bức hình Pertti mang nạng, Samuel nói đó là hình Samuel, em đã phải nằm nhà thương để băng bột đôi chân. Khi tôi (Ian Stevenson) đến Helsinki để tìm hiểu, tôi có được xem tấm hình này. Tấm hình chụp Pertti mang nạng và người ta có thể đoán là Pertti bị thương đôi chân nhưng bực hình không có dấu vết gì cho biết đôi chân Pertti đã bị băng bột trước khi chụp hình. Vào khoảng 4 tuổi Pertti đã bị tai nạn gẫy 2 chân. Và lúc nói ra điều này thì Samuel cũng khoảng gần 4 tuổi. Mỗi dịp thấy hình của Pertti, Samuel đều nhận là hình của em. Nhìn tấm hình cha Pertti, Samuel nói "Ðây là hình cha tôi". Bà Marja vẫn dấu tấm hình này vì sợ người chồng sau ghen tuông nên quả quyết là Samuel chưa bao giờ nhìn thấy tấm hình đó cả. Samuel cũng nhận được nhiều món đồ của Pertti: một cây đàn lục huyền cầm, một cái áo lạnh bằng nhung sọc và một chiếc đồng hồ có vứt trong một ngăn tủ, toàn đồ linh tinh bỏ đi. Khi thấy chiếc đồng hồ, Samuel vội chụp ngay, nói là của em và xin được giữ lại mặc dầu chiếc đồng hồ đã mất cả quai. Khi ngủ có lúc em để dưới gối, có lúc cất trong ngăn kéo giường.
Hỏi về cái chết của Pertti thì Samuel nói rằng Pertti đã được quàn tại một nơi có nhiều quan tài, có vài chiếc được mở nắp. (Samuel chưa bao giờ được dẫn tới một nhà quàn nào cả). Xác của Pertti sau khi chết được mang tới một nhà quàn. Samuel còn cho biết mẹ Pertti (Bà Ngoại Samuel) đã khóc thảm thiết như thế nào. Khi được đưa tới nghĩa trang, Samuel đã chỉ vào ngôi mộ Pertti mà nói rằng "Ðây là mộ tôi".
Bà ngoại cũng như mẹ Samuel đều nhận thấy Samuel có cá tính giống Pertti. Khi Pertti còn nhỏ có lần bị uống nước trong bồn tắm nên đã sợ nước, sau đó khoảng 15, 16 tuổi Pertti lại bị ngã từ một cầu tầu xuống biển, suýt chết dưới nước sau tai nạn này, Pertti càng bị nước ám ảnh. Vì vậy Pertti không bao giờ bơi lội cả. Samuel cũng vậy, em rất sợ nước, tắm với Samuel là "một cực hình" - nên em luôn luôn phản đối mỗi lần phải tắm. Khi bắt đầu biết nói, Samuel gọi Bà Anneli Lingerqvist là "Mẹ" (Bà ngoại Samuel và là mẹ Pertti) còn mẹ ruột của em là Marja Helander thì em lại gọi bằng tên và nói "Bà không phải mẹ tôi đâu". Samuel thường tỏ ra âu yếm và quyến luyến Anneli (Bà Ngoại) và thường đòi bú sửa của Bà. Mãi đến khi lên 5, Samuel mới thôi không gọi Bà Anneli là "Mẹ" nữa.
Khi Pertti còn sống, cứ vào chiều ngày lễ Giáng Sinh, khi mọi người thân đã quây quần đầy đủ, Pertti có thói quen đi hôn từng người một. Trong gia đình chỉ có mình Pertti làm vậy. Vào Giáng Sinh năm 1978 khi được 2 tuổi rưỡi Samuel đi vòng quanh phòng và hôn từng người một y như Pertti đã làm ngày trước. Samuel cũng có hai bộ điệu giống như Pertti, khi đứng thì chân trước chân sau và tay thì chống nạnh, khi đi thì hai tay chắp đằng sau lưng. Trong gia đình không một ai có cử chỉ như trên cả.
Qua sự thực và những bằng chứng hiển nhiên đã được phối kiểm về trường hợp luân hồi này, Pertti chết năm 18 tuổi vào ngày 10 tháng 6 năm 1975 đã tái sanh ngày 15 tháng 4 năm 1976 làm con của chị ruột là Marja Helander và mang tên hiện nay la Samuel Helander.
-ooOoo-
-17-ROBERTA MORGAN
Tác Giả:
Ian StevensonTôi được biết trường hợp luân hồi này vào tháng 2 năm 1971 khi Bà Shirley Morgan, mẹ của Roberta ở Minnesota điện thoại đến Ðại Học Ðường Virginia nói là từ mấy năm nay Roberta, con Bà cứ quả quyết là có "cha mẹ" khác. Em muốn đến thăm nhưng gần như tuyệt vọng. Em nói em đã hứa về thăm cha mẹ khác này và em muốn giữ đúng lời hứa.
Roberta sanh ngày 28 tháng 8 năm 1961 và đến tháng 2 năm 1971 em được 9 tuổi rưỡi. Em bắt đầu nói về tiền kiếp từ khi em khoảng 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi (1). Bà Morgan cho biết trong khoảng thời gian này em nói nhiều đến tiền kiếp nhưng lúc này Bà chưa hiểu về luân hồi nên cho rằng Roberta nói vớ vẩn mà thôi. Về sau nhờ đọc sách và suy luận Bà mới thấy là Roberta quả đã nhớ được tiền kiếp của mình và sự việc Bà cấm đoán không cho Roberta nói về tiền kiếp là sai.
(1) Nhưng đến năm 1971, em đã thôi nhắc tới, tôi sẽ nói rõ lý do sau.
Ðến năm 1971, sau khi có ít khỏi niệm về luân hồi, Bà cảm thấy có trách nhiệm là phải tìm ra gia đình tiền kiếp của Roberta. Sau khi được điện thoại của Bà, tôi có liên lạc với Bà và yêu cầu Bà viết ra tất cả những gì mà Roberta nhớ được về tiền kiếp của em. Bà Morgan đã làm theo những lời tôi dặn và đã trả lời những câu hỏi của tôi trong những thư kế tiếp.
Tháng 7 năm 1972 tôi đến Minnesota thăm Roberta và Bà Shirley Morgan - (tôi không gặp cha Roberta) - Roberta đã tỏ ra thân thiện với tôi nhưng vào lúc này em đã quên hẳn tiền kiếp của mình. Qua các cuộc đàm thoại và các tin tức Bà Morgan cung cấp cho tôi được biết câu chuyện như sau.
Trong thời kỳ em hay nhắc đến tiền kiếp thì em cư xử giống như một người con nuôi. Em nhớ rõ căn nhà của gia đình em. Nhà em trên một ngọn đồi không có nhà nào kế bên và phải đi qua một con đường đất dài mới tới. Gia đình em có một trang trại nuôi ngựa và chó. Có lần lúc 4 tuổi em được đưa tới chuồng ngựa, em đã đi thẳng lại những con ngựa và cho chúng ăn. Có người hỏi em: "Em có sợ ngựa không?" Em đã trả là i: "Không em đã cưỡi ngựa nhiều lần ". Roberta cũng nói đến chiếc xe hơi của người cha. Em không nhớ rõ là xe chở khách hay xe chở hàng nhưng xe này thỉnh thoảng người cha của em vẫn chạy. Roberta nói rằng: "Cha và mẹ khác cũng sống ở thành phố này " (Thành phố này khác thành phố mà tôi đến thăm họ). Có một lần cùng ngồi xe với mẹ, Roberta đã chỉ một con đường nói là em ở đó. Em cho biết con đường đất cũng dẫn đến xa lộ. Em muốn xuống xe đến thăm ngôi nhà xưa nhưng Bà Morgan ngăn cản vì lúc đó Bà chưa hiểu gì về luân hồi nên đâu có để ý đến lời nói của một đứa trẻ. Roberta đã cằn nhằn mẹ nhiều ngày vì Bà không dẫn em đến thăm cha mẹ ở tiền kiếp nhân dịp tốt này.
Roberta đòi mẹ mua những đồ chơi giống như đồ chơi mà em thường có, khi nghe mẹ nói không biết đó là những đồ chơi nào thì Roberta bảo rằng là Bà kém thông minh. Và một lần khác em đã gắt gỏng vì Bà không nhớ đến tiền kiếp của em, theo em Bà Morgan phải biết đến tiền kiếp của em.
Quả là Roberta đã nhớ rất rõ tiền kiếp. Về người mẹ ở tiền kiếp Roberta nói với Bà Morgan: "Mẹ (hiện tại) cư xử giống hệt như người mẹ trước của con nhưng Bà ấy nhìn không giống mẹ". Roberta khen người mẹ trước nội trợ giỏi nhất là về nấu ăn. Khi Bà Shirley Morgan nấu vài món ăn mới cho bửa cơm chiều thì đôi khi Roberta lại nói là em đã ăn nhiều lần món ăn này. Một hôm Bà Morgan nấu món bắp nhồi sẽ để dành cho gia đình một ngạc nhiên. Khi Bà đặt món ăn lên bàn Roberta đã không ngạc nhiên chút nào còn nói: "Con đã ăn nhiều lần món này, mẹ không nhớ là mẹ trước của con thường nấu món này sao". Em đã dùng một tên khác để gọi món ăn này nhưng Bà Morgan không còn nhớ. Bà Morgan hỏi Roberta cách nấu món ăn này của người mẹ trước, Roberta đã kiên nhẫn tả lại. Roberta cũng cho rằng mẹ hiện tại ngu xuẩn không biết chùi các cửa kiếng như người mẹ trước. Ngoài ra Roberta thường xen vào câu chuyện của cha mẹ và phát biểu nhiều ý kiến mà theo mẹ em em không thể nào biết như vậy. Roberta cho vài manh mối về thời đại em sống ở kiếp trước chẳng hạn như em không thích mặc quần áo kiểu cọ, gia đình có xe hơi, đa số các chủ trại đều có xe hơi. Roberta còn nhấn mạnh cha mẹ trước của em còn sống và cố gắng tìm thế nào cũng thấy.
Roberta có khuynh hướng mặc quần áo con trai. Em không muốn làm con gái. Em thích các đồ chơi dành cho con trai. Khi Bà Morgan hỏi thẳng rằng em chết như thế nào thì em trả lời "Con không chết, con chỉ xa cha mẹ một thời gian, con đã nói với họ là con sẽ trở về". Không bao giờ em nói là em yêu mến cha mẹ trước của em hơn nên Bà Morgan nghĩ rằng Bà là người được Roberta thương mến nhiều hơn. Vì em không nhớ tên cha mẹ nên Bà Morgan không thể nào kiếm ra được gia đình tiền kiếp của em.
Bà Shirley Morgan cùng chồng là người Cơ Ðốc Giáo - Bà là thành viên của Hội Cơ Ðốc nên không bao giờ được nghe về luân hồi cả. Vì không hiểu luân hồi nên thời gian Roberta nói về tiền kiếp Bà chẳng những đã không khuyến khích mà còn bực mình nữa. Lại nữa Roberta đã so sánh Bà với người mẹ ở tiền kiếp nên Bà không thích Roberta nói về tiền kiếp. Vì vậy cho nên mỗi lần nói đến tiền kiếp là Bà tức giận và đánh Roberta. Sợ bị trừng phạt nên Roberta đã phải ngừng không dám nói về tiền kiếp nữa. Dù vậy, đến năm 4 tuổi hỏi em, em cũng vẫn nói là em đã có nhiều lần cưỡi ngựa.
Sau này Bà Shirley Morgan cảm thấy hối hận và bị ám ảnh bởi những lời ghi nhận của Roberta và Bà đã đổi ý muốn đi tìm lại cha mẹ ở tiền kiếp cho Roberta. Bà đã rất ân hận vì đã đánh đập Roberta, cấm đoán em nói về tiền kiếp khiến em không dám nói về tiền kiếp nữa và cũng vì vậy việc tìm kiếm không thể thực hiện được. Nếu trong thời gian Roberta nói về tiền kiếp, Bà không đánh đập em, khuyến khích em, rất có thể em nhớ lại tên cha mẹ em ở tiền kiếp. Rất tiếc là khi Bà Shirley Morgan thay đổi thái độ thì Roberta đã 9 tuổi ruỡi rồi nên không còn nhớ gì về tiền kiếp cả.
Sau khi thăm gia đình Roberta vào mùa hè năm 1972, tôi không còn liên lạc với gia đình này nên không còn biết gì hơn về trường hợp này nữa.
-ooOoo-
-18-TIỀN THÂN CỦA SUSAN EASLAND
Tác Giả:
Ian StevensonLần đầu tiên tôi biết trường hợp này vào năm 1968 khi tôi nhận được thư của Bà Charlotte Eastland. Sau khi đọc các bài tham cứu của tôi trên các tạp chí, Bà đã viết thư cho tôi những gì mà con gái Bà là Susan nói về tiền kiếp. Susan có nhiều ký ức về người chị gái tên là Winnie đã chết.
Tôi đã thư từ liên lạc với Bà Eastland trong năm 1968 và đầu năm 1969. Tới mùa thu năm 1969 tôi đến thăm Bà ở Idaho. Tại nhà Bà, tôi đã gặp Susan, nhân vật chính của câu chuyện và người con gái lớn của Bà là Sharon. Tôi rất tiếc không được gặp Ông Robert Eastland, người chồng sau này của Bà vì Ông Robert đã nhiều lần mục kích Susan nói về tiền kiếp.
Winnie là con của Bà Charlotte Eastland lên 6 tuổi rất dễ thương đã bị xe đụng chết vào năm 1961. Cái chết đột ngột của Winnie làm gia đình Bà Eastland rất đau buồn. Bà cầu mong Winnie được tái sanh trở lại với gia đình. Lúc này Bà chỉ có ý niệm mơ hồ về luân hồi. Bà kể cho tôi nghe là ở Ấn Ðộ người ta nói rằng con người có thể tái sanh làm con vật (theo Bà cũng không thể) chứ không nghe nói một người chết có thể tái sanh thành người khác được.
Sau khi Winnie chết được 6 tháng, người con gái lớn nhất trong gia đình là Sharon nằm mơ thấy Winnie trở về với gia đình. Rồi hai năm sau Bà Eastland mang thai Susan thì Sharon cũng lại nằm mơ thấy Winnie trở về. Năm 1964 Bà Eastland còn đang ở trong nhà Bảo Sanh chờ sanh Susan thì người chồng trước của Bà (cha của mấy đứa con Bà) có nghe thấy Winnie nói: "Thưa Ba con đang trở về". Hai năm trước gia đình đã mất đứa con gái là Winnie thì nay Susan ra đời, ai nấy đều thầm mong Susan chính là Winnie tái sanh.
Khi được hai tuổi, Susan bắt đầu nói ít nhiều đến đời sống của Winnie. Nếu có ai hỏi Susan năm nay bao nhiêu tuổi thì Susan trả lời là sáu tuổi (tuổi lúc Winnie bị chết). Khi lên năm tuổi, Susan có vẻ già dặn hơn tuổi, Susan cả quyết là lớn hơn người anh tên Richard đang 11 tuổi. Winnie lớn hơn Richard 3 tuổi, cho nên nếu là Winnie thì điều này rất đúng, còn là Susan thì sai hoàn toàn!
Ðược xem hai tấm ảnh của Winnie, Susan nhất định "Ðó là hình tôi mà". Không những thế Susan còn đòi gĩù những tấm ảnh nữa. Một cái Susan treo chỗ giường ngủ, còn một cái thì mang theo người trong một thời gian.
Susan chưa bao giờ được gọi bằng tên Winnie, nhưng có một lần, Susan cầm lấy cây bút chờ viết nguệch ngoạc vào cánh cửa nhà bếp chữ "Winni". Em bỏ sót chữ e và viết chữ I nghiêng thay vì thẳng. Trong thời gian này, Susan thường nói câu: "Khi nào tôi đi học tôi sẽ chơi đu ở trong trường". Susan chưa đi học, em vẫn ngồi đu ở sân nhà. Winnie khi xưa lúc bắt đầu đi học trước khi bị chết thảm vẫn hay chơi đu ở trong trường.
Khi Winnie còn sống, Bà Eastland có một lọ bánh có hình con mèo. Mỗi khi đứa nào muốn ăn, Bà thường hỏi con mèo có thể cho con Bà mấy chiếc và Bà giả bộ nói giọng con mèo trả lời: "Meo, con có thể lấy một chiếc" (Số bánh thay đổi tùy theo đứa trẻ đòi nhiều hay ít). Khi Winnie chết Bà cất cái lọ đi và quên hẳn đã mấy năm. Lúc Susan lên 4, Bà Eastland lại mang cái lọ ra và bỏ vào đầy bánh. Susan đòi một chiếc, Bà vô tình hỏi Susan "Con mèo nói sao?", không suy nghĩ Susan trả lời: "Meo, con có thể lấy một chiếc". Bà Eastland không thể ngờ Susan có thể trả lời đúng ngay câu hỏi mà xưa kia Bà thường dùng khi kể tới chi tiết này. Bà có nhận xét tinh tế là một đứa trẻ thông minh như Susan có thể trả lời được câu hỏi và tôi muốn thêm là có thể trả lời đúng bởi thần giao cách cảm, nhưng đúng từng chữ, từng câu là việc khó. Chỉ có thể nói rằng Susan chính là Winnie xưa kia mới lập lại được mà thôi.
Susan sau đó kể thêm vài chuyện nữa khi Winnie còn sống. Susan đã kể lại một cuộc đi chơi bờ biển cùng gia đình em có bắt được một con cua và còn nói được tên những người tham dự cuộc đi chơi hôm đó. Bà Eastland nhớ là một năm trước khi Winnie chết gia đình Bà có đi chơi bờ bể của Tiểu Bang Washington. Họ nhảy sóng, nghịch cát, nhặt vỏ sò và bắt hến. Tuy nhiên Bà không nhớ họ có bắt được con cua hay không. Susan kể chính xác tên 3 trong số 4 người tham dự, em đã quên người cha kế sau này. Em còn đính chính lại là có cả cha em (cha của Winnie) và cũng cho biết đã cùng với Sharon đi chơi đồng cá, Susan không biết sợ ngựa và đã có lần đi dạo dưới chân ngựa. Sự việc đúng như vậy, Winnie trước đây đã từng chơi với Sharon trên bãi cá, không sợ ngựa và cũng có lần đi dạo dưới chân ngựa.
Bà Eastland hỏi Susan có nhớ Cậu Bé Gregory ở trước nhà không thì Susan cho biết còn nhớ và còn cho biết là thường chơi với Greg (tên tắt của Gregory). Bà Eastland chưa bao giờ nói với Susan về Gregory cả, thế mà Susan vẫn biết được.
Hỏi Susan còn nhớ Chú George ở phố trên không? Susan nói không còn nhớ căn nhà của Chú thế nào nhưng có nhớ Chú và còn thêm rằng: "Con có thói quen ngừng lại thăm Chú và chơi ở nhà Chú một lát trước khi tới trường". Ngày Winnie bị xe đụng chính là ngày em ngừng lại để chơi với Chú George. Cậu Bé Gregory và Chú George cùng ở chung một thành phố với Winnie trước khi em chết, còn Susan thì được sanh và sống tại một thành phố khác nhỏ hơn ở Idaho.
Quý Vị Ðộc Giả thấy ở đây mẹ của Susan thỉnh thoảng đã gợi lại trí nhớ tiền kiếp của Susan bằng cách hỏi em các sự việc trong đời Winnie tuy có thể biết được tiền thân của em nhưng mặt khác lại có thể đưa đến sự lầm lẫn, nhất là đối với một người thông minh và thận trọng như Bà Eastland. Một lần khác Bà Eastland kể cho Susan rằng Winnie dã làm mất đôi giầy mới ngoài cánh đồng. Lần ấy Susan cười và nói rằng em không quan tâm đến việc mất đôi giầy. Em còn thêm: "Mẹ phải lên phố mua cho con đôi giầy mới nữa". Sự việc xảy ra đứng như vậy, Winnie chỉ mất một đôi giầy trên cánh đồng.
Ðến cuối năm 1969, tôi vẫn theo dõi trường hợp luân hồi này. Cho đến năm 1977 khi tôi liên lạc với Bà Eastland để phối kiểm lại một số chi tiết thì có một sự việc khác Susan vừa nhớ được như sau:
Susan cho biết có lần em theo Bà Eastland đến một bãi chơi ném bóng, trong lúc mẹ em ném bóng, em (Winnie) đi mua kẹo ở một khu vực gần đấy. Một em trai ở đấy đang chạy quanh đến ôm và hôn em (Winnie). Bà Eastland nhớ rõ chuyện này khi Bà kể chuyện cho chồng Bà nghe, Ông rất giận dữ.
Susan nhắc lại những ký ức về Winnie với vẻ tha thiết như nhắc lại những sự việc của chính mình đã xảy ra "từ lâu".
Trong một lá thư gửi cho tôi, Bà Eastland viết: "Susan học rất tấn tới, hình như nó biết và chỉ cần nhớ lại mà thôi. Bà nhận thấy tính nết cũng như hành động của Susan giống hệt như Winnie ngày trước. Cả hai đều tháo vát, lanh lợi và ngăn nắp khác hẳn người chị Sharon tính nết rụt rè nhút nhát. Tuy nhiên về hình dáng thì Susan không giống Winnie. Winnie có tóc đỏ và mắt nâu sậm còn Susan thì tóc vàng, mắt xanh. Nhưng cả hai cùng có lông mọc đằng sau lưng. Cha các em cũng vậy, mà mấy đứa khác lại không. Susan cũng có một vết thẹo nhỏ bên hông trái đúng chỗ Winnie bị xe đụng gây ra vết thương trầm trọng khiến bị tử nạn. (Tôi có bản sao hồ sơ y khoa của bệnh viện nơi Winnie được mang tới sau tai nạn và chết ở đó).
Qua những ký ức về tiền kiếp mà Susan nhớ lại, Winnie đứa con gái của Bà Eastland đã chết năm 1961, và tái sanh năm 1963 cũng tại gia đình Bà và mang tên mới là Susan. Trường hợp này xảy ra ở Hoa Kỳ, trong một gia đình theo đạo Cơ Ðốc không chấp nhận thuyết luân hồi. Khi tôi đến thăm, Bà Eastland cho biết người ta có thể trục xuất Bà ra khỏi cộng đồng Cơ Ðốc nếu biết được Bà có niềm tin vào thuyết luân hồi. Bà đã khám phá ra tính cách hấp dẫn và lôi cuốn của thuyết này, dù rằng Bà vẫn luôn theo đúng tôn chỉ các Nhà Thờ Cơ Ðốc Giáo đề xướng ra. Bà quả quyết với tôi là cho tới khi tôi đến thăm Bà vào mùa hè năm 1969 Bà chưa hề kể cho các con Bà niềm tin tưởng của Bà là Susan chính là Winnie tái sanh. Tuy nhiên, sau lần ấy, Bà đã kể cho chúng để giải tỏa các thắc mắc của chúng về lý do thăm viếng của tôi.
-ooOoo-
-19-TIỀN THÂN CỦA MICHAEL WRIGHT
Tác Giả:
Ian StevensonTôi bắt đầu điều tra vụ luân hồi này từ khi người mẹ của Michael là Bà Catherine Wright gọi điện thoại cho tôi. Người đồng sự của tôi nói chuyện với Bà Wright trước nhận thấy vẻ hốt hoảng khi Bà báo tin cho hay con trai Bà, Michael, nói đến tiền kiếp và nhận là người yêu có của Bà trước khi Bà lấy người chồng hiện tại. Người bạn này tên là Walter Miller đã bị chết trong một tai nạn khi xe của Walter đâm xuống ruộng.
Tuy không tin có luân hồi, nhưng Bà Wright lại rất tin tưởng vào những hiện tượng lạ kỳ. Vào tháng 9 năm 1978, Bà gọi điện thoại đến Ðại Học Ðường Virginia. Một tháng sau tôi mới đến Texas để phỏng vấn Bà. (Hầu hết các tin tức thâu lượm được trong nội vụ đều do cuộc phỏng vấn này và một cuộc phỏng vấn khác cách đó một năm do Emily William Cook, cộng sự viên của tôi phụ trách). Qua cuộc phỏng vấn, tôi nhận thấy Bà và Bà mẹ của Bà tin tưởng có luân hồi, ngược lại người chồng thì không. Nghĩ cho cùng thì chồng của Bà không đồng quan điểm cũng phải vì vui vẻ sao được khi người bạn trai của vợ mình đã chết lại tái sanh làm đứa con của gia đình. Sở dĩ Bà Wright lấy người chồng hiện tại vì người bạn trai Walter Miller đã chết; phải chăng Walter Miller chưa chết hẳn mà lại tái sanh để xâm nhập vào gia đình của ông?
Trong khoảng thời gian từ lúc gọi điện thoại cho tôi vào tháng 9 năm 1978 đến lần viếng thăm Bà vào cuối tháng 10, Bà Wright đã không quan tâm đến sự hờn giận của người chồng và kể hết những điều mà con Bà, Michael, đã nói về tiền kiếp. Bà cho biết chồng Bà cũng phỏng đoán Michael là hiện thân của Walter Miller, người bạn trai có của Bà.
Trở lại người bạn trai của Bà, Walter Miller, chết vào mùa hè năm 1967 lúc chưa đầy 18 tuổi. Là một học sinh trung học phổ thông, có triển vọng về hội họa, Walter Miller dự tính vào đại học năm thứ nhất vào mùa thu năm đó. Walter và Catherine đã biết nhau 3 năm, đã hẹn hà nhiều lần và đã cùng nhau đính ước.
Một đêm Walter Miller cùng người bạn là Henry Sullivan đi dự khiêu vũ về, vì quá chén nên lúc về Walter ngủ gục trên tay lái khiến chiếc xe đâm xuống ruộng và Walter chết liền tại chỗ, còn người bạn thì không sao cả.
Walter chết, Catherine đau xót, nhưng nàng cố đè nén cơn xúc động, Một năm sau, năm 1968, Catherine lấy Frederick Wright, người bạn trai khác. Họ có con gái đầu lòng rồi Michael ra đời. Trước khi chuyện này xảy ra, vào khoảng một năm sau cái chết của Walter, Catherine đã mơ thấy Walter tái sanh. Walter nói rằng anh không chết, anh sẽ trở lại và tiếp tục vẽ chân dung cho Catherine. Catherine nghĩ rằng có thể Walter luân hồi, sẽ tái sanh vào một gia đình nào đó, có thể vào gia đình người chị của Walter là Carole Davis vì Carole có mang vào thời điểm này và không bao giờ có ý nghĩ là Walter sẽ đầu thai vào làm con mình.
Michael sanh ra bình thường, thời thơ ấu có đôi khi khó thở. Năm lên ba, Michael bắt đầu nói về tiền kiếp, kể những sự việc xảy ra mà một đứa trẻ lên ba không thể nào có thể biết được.
Có một ngày Michael đã làm cho Bà Wright sợ hãi vì em buột miệng gọi "Carole Miller". Sau khi Walter chết, Bà vẫn giữ liên lạc với Carole Miller nhưng Carole đã lập gia đình 10 năm về trước và Michael chỉ gặp có hai lần biết tên hiện tại là Carole Davis chứ không hề biết tên thật là Carole Miller.
Michael cũng kể với mẹ như sau: "Bạn tôi và tôi đi trên một chiếc xe, xe đâm xuống ruộng, lén đi lén lại nhiều vàng, cửa xe bị bật ra. Tôi bị văng ra ngoài và chết ngay tại chỗ". Michael sau đó còn cho biết thêm chi tiết như là kính xe bị vỡ, và sau tai nạn, anh được chở qua một cái cầu. Anh cũng nói anh và người bạn đã ngừng bên xa lộ để đi tiểu trước khi gặp tai nạn. Michael nói trúng cả tên thành phố có cuộc khiêu vũ và tên người bạn cùng đi xe chung.
Bà Catherine Wright xác nhận các chi tiết về tai nạn của Walter Miller đã được đăng trên các báo chí (có cả ảnh chiếc xe) rõ ràng và đúng như lời Michael thuật lại. Walter bị văng ra khỏi xe, gẫy cổ và chết ngay tại chỗ; xác anh được xe cứu thương chở qua một cái cầu gần chỗ xảy ra tai nạn. Michael cũng cho biết một vài chi tiết khác nhưng những chi tiết này chỉ mình Walter Miller biết được mà thôi, chẳng hạn như chi tiết về căn nhà của Walter, tên họ của Henry Sullivan (và chỉ nhầm chút xíu về biệt danh của Henry Sullivan).
Trong cuộc phỏng vấn Bà Catherine Wright với mẹ của Bà là Margaret Carpenter, cả hai đều xác nhận Michael đã nói về tai nạn xe cộ trước mặt họ và Michael đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Chúng tôi nhận thấy những chuyện Michael thổ lộ với mẹ là Catherine rất có thể làm cho Catherine lo lắng, bối rối nên chắc chắn Bà không khuyến khích Michael, con Bà nói chuyện về tiền kiếp.
Việc Bà Catherine Wright gọi điện thoại cho tôi và cho tôi biết tự sự về việc này chứng tỏ Michael có thể là hiện thân của Walter Miller đã chết trong một tai nạn xe cộ vào mùa hè năm 1967.