Ấm nắng giêng non
Huỳnh Duy Lộc
Theo bà ngoại của Tân nói lại, lúc anh còn nằm trong bụng mẹ thì tình cảm giữa cha mẹ Tân đã có sự rạn nứt. Khi sinh xong mẹ Tân đã giao anh cho bà ngoại, rời bỏ quê nhà, một huyện lỵ nhỏ bé để lên Sài Gòn. Tuổi thơ Tân èo ọt, thiếu vắng đôi bầu sữa mẹ. Ngoại Tân nuôi anh bằng nước cơm chắt pha đường. Khi Tân khóc bà cho chiếc núm vú bằng cao su vào miệng.
Tình cảm đầu đời của anh được hình thành từ lòng yêu mến cái bình, gương mặt hiền hậu của ngoại, hơi ấm bàn tay và giọng ru à... ơi trăn trở theo nhịp võng đưa: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Hình ảnh tình yêu thương của cha mẹ luôn là nỗi khát khao theo Tân suốt những ngày tháng lớn dần lên và luôn là một ẩn số mà suốt đời anh luôn tìm hiểu vẫn chưa đi đến được tận cùng.
Nhà đơn chiếc một bà một cháu nên Tân thường chạy sang nhà dì Năm cùng với Liên, con gái dì đùa giỡn, chơi nhà chòi, bắt ốc... Tình cảm thân thiện ngày càng lớn dần lên theo tuổi tác hai đứa. Tân và Liên vui đùa quấn quýt bên nhau cùng cắp sách đến trường. Ở lớp Tân luôn bênh vực Liên mỗi khi bị mấy đứa con trai nghịch ngợm, hay giúp Liên làm thủ công, bắt bướm, chích phoóc- môn, hái cây dương xỉ ép... Hai đứa rất mê những mẫu chuyện cổ tích mà bà ngoại Tân thường kể, những đêm trăng rằm, ngồi nhai bánh tráng giòn rụm mê say theo giọng bà trầm ấm, lúc vút cao lên theo từng chi tiết của câu chuyện.
***
Từ khi bỏ quê nhà ra đi, mẹ Tân không trở về. Thỉnh thoảng bà gởi cho ngoại chút tiền. Bà nói với Tân mẹ anh đã lập gia đình và đi làm ăn ở tận miền Trung. Ngày Tân thi đậu đại học, dì Ba sang rước ngoại về bên nhà dì để chăm sóc. Nhà dì cũng gần đó cách nhau mấy bờ đất. Những năm tháng lên Sài Gòn ăn học, lòng anh lúc nào cũng đao đáo nhớ về quê nhà có bến nước, chiếc cầu tre, có ánh mắt trông đợi của Liên và những đêm trăng sáng ngồi nghe bà kể chuyện. Mới thoáng mà đã hơn mười năm. Dù đã trưởng thành nhưng anh cứ ngỡ mình còn nhỏ bé, anh vẫn khao khát được ngồi bên bà nghe kể chuyện và vui đùa bên Liên. Lần này về thăm, tuổi ngoại đã gần bước vào lục tuần, nhưng mắt bà vẫn còn sáng đầy nghị lực. Bà vẫn luôn tỏ ra cho con cháu thấy bà vẫn còn một niềm tin mạnh mẽ, lạc quan vào thế hệ mai sau. Nhưng đôi lúc Tân cũng bắt gặp nỗi lo trong ánh mắt bà, mỗi trưa khi mấy đứa nhỏ chào dì Ba đi học. Tân ngồi cạnh bà, ánh mắt gần như tạ lỗi:
- Con lên Sài Gòn ăn học, đi làm, ít có dịp về thăm bà. Giờ về lại đòi bà kể chuyện, nướng bánh.
Bà anh nhìn nhân hậu, cười nói:
- Con biết suy nghĩ như vậy cũng an ủi lòng bà. Bà chỉ mong con làm việc gì cũng vậy, phải sống thật lòng, luôn quan tâm đến mọi người.
Ngoại Tân ngưng giọng, với tay cầm tách trà đưa lên môi. Anh nhìn hai ánh mắt bà hoe đỏ, lòng anh đầy những lo lắng. Đang lúc bối rối chưa biết hỏi ngoại điều gì thì bà kéo vạt áo bà ba lên lau vệt trầu trên môi:
- Ngoại nuôi con từ nhỏ cũng như nuôi mẹ con vậy. Mưa trên trời mưa xuống, có bao giờ từ dưới mưa lên đâu con. Nếu bà đốt phá rừng thì mẹ con không có gỗ. Còn mẹ con đốt rừng, hủy hoại thiên nhiên thì con phải vất vả thiên tai.
Như chợt nhớ ra điều gì, bà ngưng giọng ngập ngừng.
- Nhưng mà mẹ con ...
- Mẹ con sao hả ngoại? - Tân hỏi.
Trầm giọng, ngoại anh nói tiếp:
- Nhưng mà thôi, sau này con lập gia đình, sẽ thấu hiểu điều đó.
Bà lấy lá trầu, phết chút vôi, cho vào miếng cau, những ngón tay gầy guộc của bà cuốn miếng trầu lại cho vào ống. Tay bà ngoáy liên tục, khi chất trầu, cau, vôi đã mềm hòa quyện vào nhau, bà cho vào miệng nhai ngon lành như thể thời bà còn son trẻ nhai miếng thịt vịt xào gừng. Mắt bà hướng về phía xa xa, nghĩ ngợi ... Một lát sau bà với tay lấy chiếc ống nhổ lên, nhả bã trầu. Tân nhanh tay xé cho bà miếng thuốc, bà cầm lên nhìn Tân trìu mến. Lòng Tân rượi buồn khi biết bà anh đang khóc. Bà cầm lấy tay Tân, kéo anh xích lại gần, nói trong giọng nghẹn ngào:
- Sao đến tuổi này rồi mà con chưa... lập gia đình?
Tân bối rối, ấp úng trả lời ngoại:
- Dạ con... con cũng tính... nhưng khi tốt nghiệp xong phải đi làm, lo cho tương lai trước đã rồi mới tìm người bạn trăm năm.
Tân xoa bóp hai bờ vai ngoại, nói nịnh:
- Đàn ông mà ngoại, bốn mươi chưa có sự nghiệp thì coi như cuộc đời hư... Có công danh rồi cưới vợ muộn gì ngoại.
Bà giả như giọng hờn trách:
- Bây nói vậy! Cha già con muộn, lúc đó ngồi than.
Bà cười méo xệch bờ môi, xoa đầu Tân như thể anh còn thơ dại:
- Thôi đi, đừng có giấu bà, chắc bây chưa quên được con Liên phải không? Mấy lần gởi thơ về bây luôn nhắc, hỏi thăm nó. Để bà kể chuyện này cho con nghe. Tội nghiệp con nhỏ sống không có hạnh phúc, vợ chồng cự cãi cắng đắng nhau suốt. Chồng nó là thằng rượu chè be bét, đá gà suốt ngày không phụ tiếp vợ con gì cả. Đất vườn cha mẹ để lại cứ bán hết miếng này sang miếng khác. Nó chết vì chứng bệnh xơ gan cổ trướng. Giờ con Liên sống với nhỏ Hoài con gái nó. Cũng lâu rồi có nhiều người thấy nó hiền, siêng năng, giỏi nên thương, gạ mai mối nhưng lòng nó nào ưng chịu. Thôi chút bây qua thăm, nó cũng sang đây chăm sóc bà và nhắc bây hoài.
Tân rót tách trà, cầm hai tay đưa cho bà, nhỏ nhẻ:
- Thôi ngoại nằm nghỉ, con ra sau vườn.
Đỡ ngoại nằm xuống, Tân bước vội ra sau, đi vòng qua mấy bờ đất rồi anh đi thẳng ra trước sân nhà bên. Anh đứng lặng nơi bờ sông, chiếc cầu dừa nằm chuồi vào lòng nước ngày xưa, thuở anh và Liên thường bơi nghịch nước khi có ngoại ngồi giặt quần áo, giờ đã trở thành chiếc cầu bằng xi măng. Gió se sẻ chút hơi lạnh, sóng nhẹ va bờ, nước ập vào mấy lỗ hang cua tạo ra những âm thanh bùm bụp quen thuộc. Mắt Tân rượi buồn nhìn những mảng đất ven bờ bị trôi đi do tác động của sóng từ những chiếc đò máy xuôi ngược không ngừng. Bờ mỗi ngày một lở thêm. Thế mà Tân có cảm giác sông giờ sao nhỏ bé không rộng lớn mênh mang như thời thơ ấu mình từng thấy. Sông vẫn chung thủy một màu phù sa, thỉnh thoảng một vài giề lục bình hay thân chuối bập bềnh trôi qua. Mắt Tân rực sáng một niềm vui khi anh tìm lại được màu tím của những cánh hoa lục bình mà ngày xưa anh và Liên thường chơi trò chơi đám cưới. Tân hít thật sâu, căng lồng ngực, nuốt từng ngụm không khí ngây ngất mùi hương mà bấy lâu anh không còn được cảm giác lâng say ấy. Hương sông rất lạ khó mà diễn tả cho được. Hương của sông hòa chút mùi cỏ, rạ, lục bình, trái bần chín, chút phù sa lẫn mùi tanh tanh của cá, gió và nắng. Ai đã từng ngụp lặn, đắm mình trong sông rồi cắt lòng rời xa thì mới thấu được sự giày vò thèm khát nhớ mong nó đến chừng nào. Tân say sưa trôi vào giấc mơ thơ ấu với những âm thanh “chốc” “chốc” của bầy cá lòng tong đua nhau đớp mồi. Anh mường tượng hình ảnh người phụ nữ nào đó đang ngồi rửa chén trên chiếc cầu nơi bến sông phía trên dòng nước, Tân muốn chạy vụt vào nhà gọi “Liên ơi ... Liên ơi...” rồi hai đứa dắt tay nhau hồn nhiên, cầm cần câu xuống bến. Anh sẽ giựt thật nhiều cá cho Liên tha hồ ngồi gỡ câu và móc mồi. Tân làm sao quên được ngày Liên áp má vào vai anh mặc cho những giọt nước mắt lăn chảy. Anh nhớ ngày Liên tức tưởi chạy sang nhà báo tin mẹ buộc cô phải lập gia đình với một người mà cô chưa hề để lòng thương nhớ. Chỉ vì lời hứa cho nên khi lâm bệnh nặng biết không qua khỏi, bà muốn được yên lòng khi Liên đã có nơi có chốn. Liên bảo anh toàn quyền quyết định tương lai hạnh phúc hai đứa. Anh phải làm thế nào? Bao câu hỏi dồn dập rối bời. Nếu kêu ngoại sang hỏi cưới Liên cho mình, chưa chắc má cô ưng gả. Dắt đi thật xa! Má Liên thì sao? Bà đang bệnh, Liên là chị gái lớn trong gia đình. Ngày cưới Liên cũng là lúc Tân thi đậu đại học.
***
Mặt trời bên kia sông dần lên cao, khứu giác Tân cảm nhận một mùi hương hoa ngâu. Anh nghe tiếng bước chân nhẹ nhẹ phía sau lưng. Tân quay người thật nhanh cũng vừa lúc Liên đứng tựa vai vào thân cây dừa. Dù trải qua bao giông bão, Liên vẫn luôn giữ mái tóc đen dài, có điều trên vầng trán cô loáng thoáng những nếp thời gian và đôi mắt như đọng chứa những lo âu, khắc khoải xa vời. Tân bước tới cầm bàn tay trái Liên, bàn tay đã từng ấp ủ nương che, những ngón tay mà có lần anh run run bối rối lần tìm ngón áp út để đeo vào đó chiếc nhẫn được làm bằng hột nhãn. Giờ những ngón tay ấy không còn mềm mại nhưng hơi ấm từ những ngón tay ấy lan tỏa thắm dần, thắm dần vào bàn tay anh như của những ngày nào. Mắt Liên nhìn ra phía bờ sông nghĩ ngợi, bàn tay cô bất động trong bàn tay Tân. Bỗng cô giật thót người thu bàn tay về giấu sau lưng. Tân bối rối nói như hơi thở:
- Em vẫn còn giận anh sao?
Không nhìn Tân, những sợi tóc dài khẽ lay động, Liên nói như lời thì thầm hối tiếc pha lẫn hờn trách:
- Bây giờ anh về nhưng ... Liên vội quay người dợm bước, Tân vịn chặt hai bờ vai Liên:
- Anh đã hiểu tất cả. Hãy cho anh cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình. Bé Hoài con gái em,... cần có sự chăm sóc yêu thương dạy dỗ.
Liên oằn người thoát khỏi đôi bàn tay Tân, cùng lúc đó bé Hoài và nhóc Tuấn con của anh Tư người hàng xóm cũng vừa ì ạch kéo lê hai thân chuối xuống cầu. Bé Hoài đặt cây chuối xuống chạy vội đến bên Liên, níu đùi mẹ:
- Mẹ ơi, tụi con tập bơi nghe mẹ.
Liên vuốt tóc con, mỉm nụ cười, rồi dặn dò:
- Đừng ra xa nghe con, bơi cặp theo bờ thôi.
Hai đứa đẩy hai thân chuối xuống nước rồi phóng ùm, mỗi đứa một thân, hai chân đập chùm chũm.
Nhìn theo hai đứa nhỏ bơi, lòng Liên dâng lên một niềm, quay sang Tân:
- Bé Hoài nhỏ giống hệt em, thích bơi và chơi nhà chòi, nhìn hai đứa nó khắng khít, quấn quýt nhau cũng như...
Không đợi Liên nói hết câu, Tân cười hòa theo và nói tiếp lời đồng cảm:
- Giống như em và anh ngày xưa.
***
Những ngày nghỉ phép năm không như Tân đã nghĩ, nó sẽ kéo dài và dằn vặt anh với những nỗi nhớ mong công việc. Giờ anh cảm thấy nó trôi qua vùn vụt không đủ cho anh cùng bé Hoài rong ruổi bước chân ngoài đồng tìm bắt ốc, hái bông so đũa, hái lá dừa dạy thắt chong chóng hay cắt giấy xếp xuồng hoặc những chiếc thúng, thắp đèn cầy thả trôi theo dòng nước. Mải suy nghĩ đến khi nghe Liên gọi vào ăn cơm Tân mới hay sắp hết một ngày. Ngồi bên Liên và bé Hoài với bữa cơm đạm bạc, nhưng lòng Tân nghe ấm áp hạnh phúc lạ thường. Tân thoáng ngậm ngùi hối tiếc khi gắp những đóa hoa so đũa.
Chỉ còn đêm nay nữa là đã hết năm. Anh phải quay về Sài Gòn với những công việc bộn bề.
Hoài mang bánh mứt đặt lên bàn thờ. Tân cũng vừa đun sôi ấm nước, anh cho trà vào bình, không quên cho vào đó những đóa hoa ngâu còn đọng sương, anh rót ra tách mang lên. Liên thắp mấy nén nhang, kim đồng hồ cũng vừa chỉ không giờ. Bé Hoài đã thay xong bộ quần áo mới mà Tân đã mua cho. Cô bé hồn nhiên lễ phép chạy ra khoanh tay trước mặt Tân, anh xoa đầu bé Hoài và móc trong túi ra bao giấy đỏ, bé ngoan ngoãn chúc Tết mừng tuổi Tân:
- Năm mới đã đến, cháu xin chúc chú dồi dào sức khỏe, công việc thành công, gia đình hạnh phúc.
Tân cúi xuống ôm bé Hoài vào lòng, anh đặt lên trán cô bé một nụ hôn:
- Chú cám ơn, chúc con mau lớn, học giỏi, nghe lời và thương yêu mẹ Hoài.
Hai mắt Liên đỏ hoe, những giọt nước mắt hạnh phúc đang nồng cay mi mắt. Cô bước đến bên Tân, ngồi xuống ôm bé Hoài vào lòng:
- Bé Hoài của mẹ ngoan, khuya rồi đi ngủ.
Bé Hoài câu cổ Liên, hôn lên trán cô rồi ngoan ngoãn vào buồng. Liên đứng dậy, vai cô khẽ chạm vai Tân, cô nói như thì thầm:
- Hoa ngâu nở thơm quá kìa anh, mình ra vườn đi.
Tân cầm lấy bàn tay Liên, hai người sánh bước bên nhau. Sương đêm lành lạnh, Liên nép vào người Tân:
- Thoáng đó mà mau quá phải không anh? Bé Hoài đã tròn mười tuổi.
Tân im lặng choàng tay qua vai Liên. Trời không có trăng nhưng vì sao lấp lánh, những búp ngâu nở rộ trắng xóa, hương tỏa thơm dịu dàng. Liên áp má vào ngực Tân, hai mi mắt cô khẽ khép, Tân luồn những ngón tay gầy guộc mân mê từng sợi tóc cô, giọng anh trầm ấm:
- Anh tin chắc ngày mai trời sẽ nắng ấm. Anh sẽ trở về, hứng lấy những giọt nắng đong đầy hay bàn tay này để sưởi ấm tay em. Bé Hoài sẽ như bao đứa trẻ khác cùng lớp được cha đưa rước mỗi ngày.
HUỲNH DUY LỘC