Quân thủy của Nam Tấn Vương xuôi thuyền từ Loa Thành, ra sông Cái rồi tiến về thôn Đường và thôn Nguyễn.
Thủ lĩnh thôn Đường đem vài chục chiến thuyền ra nghênh chiến. Ngô Xương Văn nổi trống tung quân vào đánh..., đuổi gấp vào đến tận đầu thôn... Quân của thôn Nguyễn bỏ thuyền rút chạy vào trong làng. Ngô Xương Văn thúc quân đuổi theo. Thôn Đường nhử cho Nam Tấn Vương đưa quân vào làng, đồng thời đốt lửa báo hiệu cho thôn Nguyễn đến ứng cứu.
Quân của Nam Tấn Vương truy đuổi bọn lục lâm thôn Đường, đến ngõ nào cũng thấy chúng hò hét rồi chạy tụt xuống hút bờ ao mất..., Xô đến nơi thì bọn cướp lẩn đâu cả. Lính quay trở ra, đã thấy bọn chúng đứng trên các nóc nhà, đem tên tẩm độc bắn gục ngay trong ngõ. Ngô Xương Văn thấy lính của mình chết ngập trong ngõ ngách làng Nguyễn, thất kinh, định rút quân ra. Nhưng không kịp nữa, tiếng phèng la tiếng trống thúc từ các ngõ vang lên. Người thôn Nguyễn lại từ lối chính kéo vào, người thôn Đường từ cuối ngõ ập đến. Đám quân của Nam Tấn Vương hết sức phò chủ tướng, nhưng cứ dần dần gục xuống trước dáo, mác của đám hảo hán, lục lâm.
Cuối cùng thì Nam Tấn Vương, dù đâm chết được thủ lĩnh thôn Đường, nhưng cũng bị thủ lĩnh thôn Nguyễn và đám bạn binh giết chết...
Tin Nam Tấn Vương chết trận loan truyền về kinh đô, làm hoang mang khắp cả dân chúng. Nhiều người bỏ Loa Thành chạy về quê. Trong lúc xáo trộn. Đinh Liễn liền cải trang làm người thường, cho đám quân canh giữ con tin ít vàng bạc rồi bỏ về Hoa Lư...
Vương nghiệp của họ Ngô thật sự đã tan,khó bề hàn gắn. Người hai thôn Đường, thôn Nguyễn nhân thế giết được Nam Tấn Vương, kéo vào Loa Thành, giết người, cướp của rất tàn bạo. Dương Cát Lợi lúc ấy đã già, cũng lui binh về giữ đất quê mình. Đỗ Cảnh Thạc lui quân về Đỗ Động, xưng là Đỗ Cảnh Công Lòng người lại phân tán. Loa Thành hoang vắng không khác gì một cảnh chợ chiều.
Trần Minh Công ở Giao Thủy đã khỏi ốm, nhưng tuổi đã cao. Đinh Bộ Lĩnh từ khi quân triều đình rút đi, hùng mạnh hẳn lên, nhanh chóng lấy thêm tráng đinh ở Hoa Lư vào quân ngũ, cho ngả cây lớn, đóng thêm hàng trăm chiến thuyền.
Đinh Bộ Lĩnh cứ chia quân ra năm người làm một ngũ, có ngũ trưởng chỉ huy, năm ngũ làm một ban, có ban trưởng đứng đầu! Mười ban họp lại làm một đội, có đội trưởng chỉ huy
Trong quân chia làm quân chiến và quân thợ. Quân thợ chỉ lo đóng thuyền, rèn vũ khí... Quân chiến thì gồm quân thủy và quân bộ. Mỗi một đội quân bộ lại có một tốp quân kỵ khoảng năm mươi chiến binh, khi xung trận, thường lao lên trước, giao chiến, mở đường. Khi đánh đường núi thì họp các tốp kỵ binh thành một đội, giao cho một đội trưởng làm thủ lĩnh. Trần Minh Công vào Hoa Lư xem Đinh Bộ Lĩnh luyện quân, phục và khen mãi, rồi giục Bộ Lĩnh nhanh chóng sang Giao Thủy để lập lại các cơ ngũ theo cách của Hoa Lư...
Vừa lúc đó, Đinh Liễn bị đưa đi làm con tin, vừa từ Loa Thành thoát được. Cha con, ông cháu gặp nhau, ràn rụa nước mắt. Đinh Bộ Lĩnh rất vui, truyền lệnh:
-Hãy nổi trống đồng và khánh đá lên!
Rồi cho giết trâu, mổ dê, mở tiệc khao quân, mừng đón sự chấn hưng của Hoa Lư và đón Đinh Liễn trở về.
Đinh Bộ Lĩnh hỏi chuyện con về việc ở Loa Thành. Đinh Liễn bảo cha:
-Kinh đô bây giờ không còn là nơi tụ hội nhân tài nữa! Cha liệu định thế nào?
Đinh Bộ Lĩnh nói:
-Thời vùng vẫy của ta đã đến. Con về đúng lúc. Ta sẽ giao cho con đặc trách việc sắm thêm thuyền bè và ngựa quý. Rồi con xem, các tướng sẽ nổi lên mỗi người hùng cứ một phương. Sứ mệnh của họ Ngô đã trao sang cho người khác rồi. Họ Đinh ta phải nhân cơ hội này thâu tóm lấy thiên hạ. Lúc này là lúc hổ giơ nanh, múa vuốt đây! Con về thật đúng lúc.
Quả như lời Đinh Bộ Lĩnh dự doán chỉ trong một tháng, các sứ quân ở khắp nơi mỗi người xưng hùng xưng bá một phương.
Con hoang của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí ở Nam Sách Giang về chiếm cứ Bình Kiều (tức Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày nay...) Kiều Công Hãn xưng là Kiều Tam Chế chiếm cứ Phùng Châu (nay thuộc Bạch Hạc, Vĩnh Phúc).
Nguyễn Khoa xưng là Nguyễn Thái Bình, chiếm cứ Tam Đái (thuộc Sơn Tây và Vĩnh Phúc).
Ngô Nhật Khánh là dòng xa Ngô Quyền, tiểu chúa, xưng là An Vương, chiếm cứ Đường Lâm (nay là Sơn Tây).
Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công chiếm giữ vùng Đỗ Động (nay là vùng Thanh Oai, Hà Đông)
-Lý Khuê tự xưng là Lý Công, chiếm giữ Siêu Loại (nay là Bắc Ninh).
Lữ Đường xưng là Lữ Bá Công chiếm cứ vùng Tế Giang (nay là huyện Văn Giang thuộc Hưng Yên).
Nguyễn Siêu, xưng là Nguyễn Hữu Công chiếm giữ Tây Phù Liệt (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội).
Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Lý Lãng Công chiếm cứ Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh).
Kiều Thuận xưng là Kiều Lệnh Công chiếm cứ Hổ Khê (nay là Cẩm Khê, Phú Thọ).
Phạm Bạch Hổ tức Phạm Hồng át chiếm giữ Đằng Châu (nay thuộc Kim Động, Hưng Yên...).
Khi Đinh Bộ Lĩnh dẫn quân đến Giao Thủy thì Trần Lãm đón vào trướng nói:
-Con đã đến. Ta có việc lớn muốn bàn ngay với con đây. Việc biên chế quân ngũ, bàn sau cũng được!
Đinh Bộ Lĩnh thưa:
-Việc gì vậy, thưa cha!
Trần Lãm nói:
-Ta già rồi, các nơi đều xưng hùng, xưng bá một phương. Con cần xuất đầu lộ diện để thiên hạ biết.
Đinh Bộ Lĩnh dập đầu đến chảy máu, nói:
-Thưa cha, chừng nào cha còn trên thế gian này. Bộ Lĩnh chỉ là tướng của cha sai khiến thôi.
Trần Lãm cảm động lắm, thấy Đinh Bộ Lĩnh quả thực lòng, liền xưng là Trần Minh Công, nhưng toàn bộ binh quyền ở Giao Thủy đều giao cho Đinh Bộ Lĩnh.
Hainăm sau, Trần Minh Công mất, Đinh Điền, Nguyễn Bặc vào muốn Đinh Bộ Lĩnh phải xưng tên hiệu.
Đinh Bộ Lĩnh cười hỏi:
-Hai người định bảo ta xưng hiệu là gì?
Nguyễn Bặc nói:
-Các sứ quân muốn học thời Đông Chu Liệt quốc đều xưng là Công, tức là khiêm nhường chỉ nhận mình làm bá chủ một phương thôi!
Bộ Lĩnh hỏi Đinh Điền:
-Ông nghĩ thế nào?
Đinh Điền nói:
-Tên hiệu là phụ. Tiềm lực và tài đức để thiên hạ phục, mới là thứ cần thiết!
Đinh Bộ Lĩnh gật đầu, cho đó là một ý nghĩ sâu sắc.
Nhưng, từ bên ngoài, Ngô Chân Lưu đã bước vào nói:
-Bần tăng đã nghe các ông bàn về tên hiệu. Nhưng các ông đã hiểu các bậc đế vương trọng tên hiệu như thế nào chưa?
Đinh Bộ Lĩnh vội mời thầy ngồi và xin được giảng giải.
Ngô Chân Lưu nói:
-Tên hiệu phải xứng với tài đức. Điểm khởi đầu xưng tên hiệu, thiên hạ đều trông vào. Vậy tên hiệu còn là tiêu chí, mục đích của người xưng tên hiệu, đại diện cho dân chúng nữa. Khi xưa, nhà Tần mất, Hạng Vũ và Lưu Bang cùng nổi dậy. Hạng Vũ hỏi Phạm Tăng nên xưng tên hiệu là gì? ý của Hạng Vũ muốn xưng hoàng đế, song lúc đó chưa tiện, chỉ xưng là Bá Vương. Còn Lưu Bang khiêm nhường xưng là Hán Vương. Nhưng sau thì ngôi hoàng đế lại thuộc về Lưu Bang mà không thuộc về Hạng Vũ.
Đinh Bộ Lĩnh nói:
-Ta nghĩ rồi, cũng chỉ nên xưng vương thôi. Ngô Tiên chúa thu phục đất nước về một mối, dựng nên tự chủ. Tài đức khiến mọi người đều phục, mà cũng chỉ xưng vương rồi mất. Ta không muốn làm sứ quân mà muốn non sông liền một dải. Ta sẽ bắt các sứ quân phải quy phục. Bây giờ hãy xưng vương, khi đã dẹp xong các sứ quân rồi thì xưng hoàng đế cũng không muộn. Lưu Bang ngày xưa chẳng cũng từng làm như thế sao?
Mọi người đều thấy Đinh Bộ Lĩnh nói thế là phải. Đinh Điền nói:
-Thế thì xưng là Đinh Vương ư?
Nguyễn Bặc nói:
-Sư thầy Ngô Chân Lưu vừa nói, tên hiệu còn là mục đích là hướng đi tới. Tôi biết tài, đức của chủ tướng sẽ vượt lên trên mười hai sứ quân. Đánh đâu thắng đấy. Chủ tướng nên xưng là Vạn Thắng Vương!
Đinh Bộ Lĩnh lặng ngồi, ngẫm nghĩ thêm. Ngô Chân Lưu nói:
-Tôi thấy tước hiệu ấy hợp với chủ tướng đấy. Bởi Vạn Thắng còn là một tước hiệu của một vị Phật có công đức đã được Phật Tổ Như Lai tuyên phong.
Mọi người đều reo lên:
-Thế thì còn phải bàn bạc gì nữa. Rồi rước Bộ Lĩnh đến giữa trướng phủ, đặt lên ngai vàng, cùng các tướng vào lạy mừng tung hô vang lên:
-Vạn Thắng Vương vạn tuế!
Lễ lên ngôi Vạn Thắng Vương khiến cả vùng Hoa Lư - Giao Thủy nao nức. Vua lên ngôi, phong cho Ngô Chân Lưu làm quân sư, Nguyễn Bặc, Đinh Điền làm đại tướng quân, các viên chỉ huy các đạo đều được phong làm tướng quân. Vạn Thắng Vương ban kiểu áo mũ văn võ để phân biệt tước hiệu. Đại tướng quân Đinh Điền chỉ huy quân thủy. Đại tướng quân Nguyễn Bặc chỉ huy quân kỵ và quân bộ. Vua làm lễ tế trời đất, tôn danh hiệu cho cha mẹ sinh và cha mẹ nuôi, dựng đền thờ ở Hoa Lư...
Quân sĩ đều nức lòng.
Đinh Bộ Lĩnh muốn ra quân một trận thật lừng lẫy.
Điểm mặt các sứ quân để cất quân chinh phục thì ở hai bên nách có hai người đáng gờm nhất là Phạm Phòng Át và Ngô Nhật Khánh. Phòng Át vốn làm tướng thời Ngô Vương, lại là người có uy đức. Đất rộng, dân đông, không thể coi thường. Ngô Nhật Khánh thì chọn Đường Lâm, đất dấy nghiệp của Ngô Tiên Chúa. Quân sĩ vốn là những gia nô lâu đời, đều hết lòng sống chết với họ Ngô.
Đánh Phạm Phòng Át nếu thắng thì uy phong sẽ rất lớn. Nhưng đánh không phải dễ, vì quân sĩ của họ Phạm được huấn luyện kỹ càng, ăn no mặc đủ, quân thủy bộ xem ra cũng không thua kém Vạn Thắng Vương. Nếu đánh mà không xong, dây dưa, thì trận đầu không thắng. Quân sĩ từ đó sẽ bớt nhuệ khí mà các sứ quân cũng xem thường!
Vạn Thắng Vương hỏi ý Đinh Điền, Nguyễn Bặc và quân sư Ngô Chân Lưu.
Đinh Điền, Nguyễn Bặc nói:
-Nếu đánh để cho các sứ quân khiếp hãi sau này, thì cứ nên cất quân đánh Đằng Châu. Phạm Phòng Át dẫu mạnh, nhưng quân ta đang lúc đầy dũng khí, muốn lập công lớn. Dấn lên một chút là thắng. Nếu thắng được Phạm Phòng Át thì coi như sự nghiệp lớn đã được non một nửa.
Ngô Chân Lưu sợ Vạn Thắng Vương cũng nóng ruột muốn tự cường, theo kế của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, liền xua tay nói lớn:
-Không được, không được. Kế đó chỉ là"được ăn cả, ngã về không!" Đánh ai, hòa ai, liên kết với ai trong việc quân, phải tính toán thật kỹ không hỏng việc lớn đấy.
Đinh Bộ Lĩnh nóng ruột, giục:
-Xin quân sư nên nói ngay vào việc!
-Hành quân gần và nhanh thì mới bất ngờ và thần tốc được. Bây giờ là loạn 12 sứ quân. Họ thường dùng kế "Tọa sơn quan hổ đấu", tức là ngồi trên núi xem hổ đánh nhau. Hai con hổ tranh hùng tất một con chết, một con cũng thương tích đầy mình. Nếu không chết thì cả hai cũng toạc trán, rách vai, đâu còn được như trước. Lúc đó họ mới thôn tính kẻ dại dột... Lại có kẻ chủ trương: "Mi không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến mi". Ta không theo cái cách của họ thì kế sách phải thật chuẩn mực mới được. Tính sai một ly là đi một dặm đấy!
Nguyễn Bặc chớm hiểu được ý của Ngô Chân Lưu, liền nói:
-Quân sư muốn nói, ta phải dùng kế vừa chiến vừa hòa?
Đinh Điền vẫn chủ trương dùng kế "mạnh lấn yếu", cau mày, bảo:
-Nhưng đánh ai mà hòa ai đây?
-Đánh ai ư? - Ngô Chân Lưu nói! - Mười hai sứ quân, kẻ ở xa, kẻ ở gần. Không phải một lúc mà đánh tất cả hơn mười vùng đất được. Đánh gần thì quân sĩ, lương thực đều dễ vận chuyển, dễ thành công. Gần ta nhất chỉ có Phạm Phòng Át và Ngô Nhật Khánh! Tôi cho rằng phải một đánh, một hòa với hai người này!
Đinh Điền vẫn hậm hực, cãi:
-Nếu ta đủ mạnh, chia hai hướng đánh cả Phạm Phòng Át và Ngô Nhật Khánh không được ư?
Nguyễn Bặc thì lẩm bẩm như tự hỏi mình: - Đánh Phạm Phòng Át hay đánh Ngô Nhật Khánh? Hòa Ngô hay hòa Phạm?
Ngô Chân Lưu bàn:
-Theo tôi thì nên hòa Phạm Phòng Át mà đánh Ngô Nhật Khánh!
Đinh Điền ngồi thừ ra không nói gì cả. Nguyễn Bặc cắt ngang lời quân sư, nói ngược lại:
-Thế đánh Phạm Phòng Át mà hòa Ngô Nhật Khánh không được ư? Thế lực của Phạm Phòng Át khá lớn, nếu ta đánh được thì thanh thế của Vạn Thắng Vương sẽ thâu tóm được cả dải đồng bằng, mấy lũ sứ quân, công nọ, vương kia, chẳng mấy chốc mà dẹp được. Hòa với Ngô Nhật Khánh, ta lại được thiên hạ cho là biết thể tình với họ hàng của Ngô Tiên Chúa!
Ngô Chân Lưu nói:
Đại tướng quân nghĩ thế cũng có lý, song binh pháp, nếu kẻ nào yếu thì hãy đánh trước. Mạnh lấn yếu, xưa nay vẫn thế mà. Ngô Nhật Khánh còn trẻ, tuy gọi là sứ quân, nhưng binh sĩ chẳng qua là gia nhân đầy tớ, nha tướng chẳng qua là lũ quản gia, tổng quản cất nhắc lên. Quân ô hợp vừa mộ đến, chưa được huấn luyện kỹ càng, đánh là thắng thôi. Còn Phạm Phòng Át ư? Phòng Át có đất Hồng Châu, sông đầm dày đặc. Trước đây là căn cứ địa của Triệu Việt Vương, quân của nhà Hậu Lương bên Tần có Trần Bá Tiên rất giỏi, mà, nhờ vào địa thế, Triệu Quang Phục còn đánh trả được, khiến Bá Tiên không làm gì nổi! Vậy hãy hòa Phạm Phòng Át là hơn!
Đinh Điền vặn hỏi:
Nếu ta hòa mà Phạm Phòng Át giả hòa, nhân khi ta đi đánh Ngô Nhật Khánh, Phạm Phòng Át cất đại quân đi đánh Giao Thủy rồi tiến vào Hoa Lư thì sao?
Ngô Chân Lưu trả lời ngay:
-Đinh đại tướng quân lo xa thế, chí phải.
Nhưng Phạm Phòng Át bên nách có Đỗ Cảnh Thạc ở Tế Giang, Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt; xa hơn chút thì có Lý Lãng Công Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du, chắc ông ta không dám cất quân đánh chúng ta đâu! Hòa Phạm Phòng Át đánh Ngô Nhật Khánh là hợp hơn cả.
Đinh Bộ Lĩnh vỗ vai Ngô Chân Lưu nói:
-Kế của quân sư là rất phải. Chúng ta nên theo kế ấy. Tuy là kéo quân đi đánh Ngô Nhật Khánh, nhưng cũng phải để một số quân tinh nhuệ ở lại phòng thủ Giao Thủy và Hoa Lư mới được! Nhưng ai là người đi sang thuyết khách Phạm Phòng Át đây?
Ngô Chân Lưu nói:
-Tôi thấy đại vương đã nhằm tôi rồi đấy.
Còn ngại tôi có đi hay không? Vì nghĩa lớn của đất nước, thì kẻ tu hành này nào có xá gì?
Vạn Thắng Vương mừng lắm, bảo:
-Thật là trời cho ta vị sư thầy giỏi nhất nước này đây.
Nói đoạn, chuẩn bị lễ vật cho Ngô Chân Lưu sang hòa nghị với Phạm Phòng Át. Sai Nguyễn Bặc ở lại trấn giữ Giao Thủy và Hoa Lư. Vạn Thắng Vương đem năm ngàn quân tinh nhuệ đi đánh Ngô Nhật Khánh... Cùng đi có Đinh Điền và Đinh Liễn. Ngô Chân Lưu cũng đi sang châuĐằng đểdùng ba tấc lưỡi thuyết phục Phạm Phòng Át. Vạn Thắng Vương tiễn Ngô Chân Lưu xuống thuyền. Trước khi thuyền nhổ neo, Vạn Thắng Vương hỏi:
-Xin quân sư cho biết chuyến chinh phục đầu tiên này của Đinh Bộ Lĩnh thế nào?
Sư cười, đọc bài kệ như sau:
-Ngựa giỏi lên phương Bắc, Tiếng hí vang núi rừng...
Trai tài gặp gái sắc, Hây hẩy gió nồm nam... Thiện tai Thiện tai...1Rồi quảy níp xuống thuyền.
Ngô Chân Lưu đẩy thuyền vào bãi. Bốn bề lau lách âm u. Tiếng chim bìm bịp như tiếng ma hù dọa. Cá quẫy rùng sóng nước. Những đám sậy, mỗi khi gió mạnh thổi lại vi vút như một thế trận bát quái, lối nào cũng là vào, mà cũng là ra, vừa kín, vừa hở.
Các trạm gác của sứ quân Phạm Phòng Át rất quy củ. Ngô Chân Lưu đang ruổi thuyền đi, chợt nghe phía trước, có tiếng mái chèo vỗ, ngẩng mặt nhìn lên. Trời đã hé ra những mảng lam tím cao vời vợi. Những tảng mây trắng cứ mỏng dần. Trên đầu một đàn giang đang giăng hàng chữ nhất, cất tiếng kêu thích thú, bay về phía những cồn xanh bên cửa biển.
Chợt nghe tiếng dây cung bật đánh tách một tiếng, rồi, một con giang lớn đang bay, lảo đảo, rồi rơi thẳng xuống, ngay trước đầu thuyền của sư thầy Ngô Chân Lưu chưa kịp ngẩng lên thì đã có tiếng chào ấm mà vang. Một chiếc thuyền chiến, ở đầu mũi, một viên tướng trẻ rất hào phóng, cất tiếng chào:
- Xứ Đằng Châu chúng tôi vinh hạnh được đón vị cao tăng giáng lâm!
Ngô Chân Lưu đoán đó là Phạm Công Tử, con Phạm Phòng Át. Quả nhiên, Công Tử chắp tay nói:
- Sát sinh trước mặt vị chân tu, quả là thất lễ. Xin tha thứ! Song cha tôi rất thích ăn thịt chim trời nướng. Thấy chúng bay qua, tôi bắn con đầu đàn về để đãi khách! Không biết cao tăng có định dùng cơm mặn với thịt chim trời chăng?
Ngô Chân Lưu nói:
-Đa tạ, đa tạ. Chỉ xin một đĩa xôi thơm, mấy hạt muối trắng là được rồi. Tôi muốn được công tử cho ra mắt Phạm Lệnh Công!
Phạm Công Tử nói:
-Thì cha tôi, sai tôi đi đón cao tăng đây mà!
Ngô Chân Lưu đi mất một canh giờ, qua mấy trại đóng quân, thấy cờ xí trang nghiêm, quân sĩ thuyền bè chỉnh tề, khí giới sắc và sáng loáng... Lại có cả những máy bắn nỏ liên châu của loại thuyền chiến đặc biệt. Ngô Chân Lưu thầm phục uy vũ của người cầm quân ở châu Đằng.
Phạm Phòng Át tuy tuổi đã cao nhưng dáng vẻ quắc thước, đường hoàng. Mắt xếch mà sáng, mũi thẳng, tay dài, đầy khí tượng kẻ anh hùng. Phạm Sứ quân đón Ngô Chân Lưu vào trong trướng nói:
-Thiện tai, thiện tai. Phòng Át này, tu từ kiếp nào mà được tiếp kiến vị cao tăng này đây! Phòng Át, lâu nay chỉ mong đón ngài về làm thầy, không dè Đinh Bộ Lĩnh lại nhanh tay đón trước mất. Nhưng biết đâu, nhỡ khi, trò chuyện hợp ý tâm đầu, Ngô cao tăng lại ở lại châu Đằng với họ Phạm này!
Rồi rót trà ngon, hai tay ân cần mời Ngô Chân Lưu.
Ngô Chân Lưu kính cẩn đưa thư của Đinh Bộ Lĩnh cho Phạm Phòng Át. Thư viết:"Đinh Bộ Lĩnh cúi đầu dâng lời tâm huyết lên Phạm Lệnh Công xem xét: Lĩnh này là con nha tướng của Ngô vương, lẽ nào không muốn giang sơn về một mối. Cho nên trong thời Ngô Tiên Chúa, tuy không về triều thụ chức, nhưng cũng yên phận ở Hoa Lư. Song, lẽ đời biến thiên, Dương Tam Kha gây loạn, Ngô Xương Văn tuy lấy lại ngôi vua nhưng nhu nhược, Ngô Xương Ngập thì bất tài lại hám quyền, do đó thế nước bị vỡ, chia làm mười hai sứ quân. Đất không chịu trời, trời không chịu đất! Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Lệnh Công nổi danh tài trí, khảng khái hơn đời. Sống quân tử như mạnh Thường Quân, ham kết nghĩa như Kê Khang, Nguyễn Tịch. Đang khi các sứ quân xưng hùng, xưng bá, nếu ta kết liên hòa hiếu, thì, những kẻ hung hãn không dám đụng đến, mà quân sĩ cũng được nhàn. Hơn nữa, nếu kẻ nào đụng đến Đằng Châu, Phạm Lệnh Công đánh tiếng, Đinh Bộ Lĩnh này đâu để chúng yên! Hoặc có đứa càn rỡ xâm phạm Hoa Lư, Phạm Lệnh Công hẳn sẵn lòng giúp dập... Kẻ bất tài cầm cờ lau này, nhờ cao tăng Ngô Chân Lưu, đem chút lễ nhỏ, dâng lên Lệnh Công, xin được cùng nhau hòa hiếu, không xâm lấn nhau, không gây phiền hà cho nhau. Ai giàu nấy hưởng, ai mạnh nấy tự cường, tình hữu hảo láng giềng, trước sau như một. Được như thế Bộ Lĩnh này thật vô cùng hân hạnh. Nếu Lệnh Công ưng thuận, xin đến tận trướng ra mắt".
Phạm Phòng Át xem thư xong bảo Ngô Chân Lưu:
-Tôi nghe cao tăng Phật học uyên thâm, sành binh pháp lại giỏi cả thi, văn lẫn nhâm, cầm, độn, toán... Lòng người đã đành, nhưng còn ý trời, xin Ngài bói cho tôi một quẻ về chuyện này.
Ngô Chân Lưu lấy cỏ thi trong bọc, trai giới, ngay đêm ấy làm phép bói dịch. Quẻ bói như sau:
Lục tam: Thực cựu đức, trinh lệ, chung cát, hoặc tòng vương sự, vô thành!
Hòa thượng trao quẻ bói cho Phạm Phòng Át. Phòng Át xem qua rồi trân trọng thưa:
-Xin sư thầy giảng cho!
-Đây là quẻ "Hào 3 âm, lời kinh dạy rằng: Cứ yên ổn hưởng cái đức cũ củamình, ăn ở cho chính đáng mà để lòng lắng sợ thì rút cục sẽ tốt đẹp, nếuphải theo việc của ngôi trên, thì cũng đừng mong thành công".
-Xin cao tăng giảng cho kỹ thêm!
Ngô Chân Lưu giảng tiếp:
-Hào 3 này đã âm nhu, lại không vào ngôi thẳng, ở chông chênh trên cùng quẻ khảm, chung quanh đều là kẻ thích gây sự, rùm beng, do đó, hào 3 thường phải luôn lắng sợ, hiểu biết, giữ gìn, thì sẽ yên ổn. Hào 3 có hào 6 ở trên ứng và thiện chí. Hào sáu là dương, mạnh, lại là ngôi cao, nên có xu hướng lôi hào 3 theo. Do đó phận hào 3 nên an phận thủ thường, đừng ham danh lớn, ham lập công như vậy mới là điều tốt lành!
Phạm Phòng Át nghe ra nói:
- Ý trời đã thế thì Phạm Phòng Át này trái sao được.
Liền lập hòa ước với Vạn Thắng Vương.
ĐinhBộ Lĩnh, Đinh Liễn, Đinh Điền tiến quân vào đất Dương Lâm. Quân của Ngô Nhật Khánh thường là quân kỵ và quân bộ. Khánh cho đắp thành đất, nhưng chưa xong, còn nham nhở.
Khánh vốn sinh ra trong dòng dõi hùng trưởng, tuy thông minh, nhưng ít trải nghiệm trong đời. Khánh thích dùng quân trẻ, tướng trẻ. Từ đám gia thần, nha tướng được sắp xếp cho lo các việc chu cấp vũ khí, lương thực, lo chuyện đắp thành, dựng trướng phủ, còn quân sĩ của Ngô Nhật Khánh đều trẻ măng như chủ tướng.
Khánh lại thích cho quân mặc đẹp, do đó, quân sĩ đều lấy gấm đỏ làm quần áo, lấy nỉ đen làm mảnh hộ tâm và che vai. Riêng những quân kỵ thì Ngô Nhật Khánh đích thân chọn lấy từng con ngựa. Bầy ngựa của Ngô Nhật Khánh chia ra làm hai đạo quân. Một đạo do một nha tướng trắng trẻo, vận áo đen, quần chẽn đen, đội khăn đen, cầm dáo dài, lưng giắt những mũi chủy ngắn và ống tên, vai đeo cung, cưỡi ngựa xám, bờm đen. Một đạo do một nha tướng rắn rỏi, cao to, mắt xếch, cằm vuông, râu đen nhánh đầy cằm, tay cầm một thanh long đao, mặt đỏ, biệt hiệu là Tiểu Vân Trường, cưỡi ngựa đỏ bờm đỏ... Quân sĩ của hai đạo quân đều cưỡi ngựa mầu lông và bờm đều giống in ngựa của chủ tướng.
Nghe tin Vạn Thắng Vương đến, Ngô Nhật Khánh, không cần bàn bạc với chủ tướng, liền dàn trận ra đánh.
Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên xe gỗ, một ngựa kéo, hai bên là Đinh Điền và Đinh Liễn cưỡi ngựa. Quân sĩ dàn phía trước mặt. Thấy phía quân Ngô Nhật Khánh, vào trận mà ăn mặc như quân trẩy hội, Đinh Liễn thừ mặt không nói gì. Đinh Điền cười khẩy mà đáp.
-Mấy thứ người ngựa của đám nhà giầu kia, chỉ đáng cưỡi rong chơi ngắm hoa trong kinh thành, chứ trận mạc gì!
Đinh Điền nói chưa dứt câu thì quân Ngô Nhật Khánh đã phi ngựa ào xông lên trước, Đinh Liễn, Đinh Điền thúc ngựa ra nghinh chiến. Quân Hoa Lư rẽ lối cụm lại thành những vuông người, lấy cung từ xa bắn thẳng vào chân ngựa, mắt ngựa. Nhưng đám ngựa của Ngô Nhật Khánh, phi rất nhanh lao thẳng đến. Kỵ sĩ đâm chết được vài trăm quân của Vạn Thắng Vương.
Đinh Bộ Lĩnh, phất cờ vàng sang ngả trái lại phất sang ngả phải. Đinh Điền và Đinh Liễn, quay ngoắt sang hai phía sườn đồi, nhử hai đạo kỵ binh của Ngô Nhật Khánh đang hò hét đuổi theo. Tuyến giữa chỉ còn Ngô Nhật Khánh và đám quân bộ. Nhật Khánh thấy Bộ Lĩnh còn lại một mình trên xe, không có ai phù trợ, liền xông lại đánh, nghĩ bụng bắt sống được Vạn Thắng Vương, mọi sự đều xong xuôi.
Vạn Thắng Vương quay xe chạy khuất vào một khúc quanh. Ngô Nhật Khánh thúc ngựa đuổi. Khi ngựa xáp đến nơi thì chỉ thấy xe, không thấy Bộ Lĩnh đâu cả. Đang ngơ ngác kiếm tìm thì phía sau lưng đã nghe thấy tiếng quát vang mà lớn:
-Vạn Thắng Vương đây cơ mà!
Ngô Nhật Khánh quay lại thì ngựa của Đinh Bộ Lĩnh đã xô tới, và với một sức khỏe phi thường, chỉ hai hiệp, Ngô Nhật Khánh đã bị đâm ngã ngựa. Quân sĩ xô lại trói Nhật Khánh xông vào chiếm Đường Lâm.
Vạn Thắng Vương cho một trăm quân cầm loa leo lên các cây cao chõ về hướng các cánh quân của nha tướng Ngô Nhật Khánh, thét vang:
-Nhật Khánh đã bị bắt. Quân Đường Lâm hãy đầu hàng, Vạn Thắng Vương sẽ tha mạng.
Tiếng loa dội vào núi sâu. Đinh Điền, Đinh Liễn thúc quân kỵ vây đám quân của Tiểu Vân Trường và tướng thư sinh. Tiểu Vân Trường bị Ðinh Liễn đâm chết. Tướng mặt trắng thì bịÐinh Điền tóm gáy, bắt sống.
Vạn Thắng Vương hội quân ở Đường Lâm. Xuống lệnh, trừ vũ khí quân dụng, kho lương của Nhật Khánh, quân sĩ không được tơ hào mảy may cái tơ, cái tóc của dân chúng. Những chiến lợi phẩm thu được trong trận mạc đều nộp lại cho chủ tướng. Quân Hoa Lư răm rắp tuân theo.
Vạn Thắng Vương cho giải Ngô Nhật Khánh đến trước mặt mà bảo:
-Ngô Nhật Khánh, bây giờ ngươi nghĩ thế nào?
Nhật Khánh cứng cỏi đáp:
-Họ Ngô đã dựng nghiệp, lên ngôi, đứng đầu thiên hạ. Nay chẳng may gặp kẻ loạn thần Dương Tam Kha gây rối mà mất nước. Ta lăm khôi phục cơ nghiệp của tiên chúa. Việc không xong, chém thì chém, hỏi làm gì?
Đinh Bộ Lĩnh thét võ sĩ lôi ra chém! Vừa lúc ấy từ phía ngoài có một thiếu phụ dáng mảnh mai, yểu điệu, chạy tới ôm lấy chân Vạn Thắng Vương, khóc mà rằng:
-Tiên chúa, hậu chúa đã mất rồi. Thiên Sách Vương cũng chẳng còn cậy nhờ gì nữa. Mẹ con thiếp lui về giữ thực ấp họ Ngô ở Đường Lâm, thiếp chỉ còn mỗi một mụn con là Nhật Khánh, xin đại vương nghĩ tình xưa của tiên chúa đối với họ Đinh mà tha chết cho nó.
Đinh Bộ Lĩnh nâng thiếu phụ dậy. Ông sững sờ về vẻ đẹp của bà. Tuy tóc rối, mặt nhòa lệ, nhưng gương mặt trái xoan, làn môi, gương mặt đầy vẻ thanh tú, xinh tươi. Bộ Lĩnh nhớ đến lời kệ của Ngô Chân Lưu đọc khi chia tay dưới bến sông Hoàng Long, cảm thấy sư thầy đã tiên tri mình được gặp giai nhân, liền ân cần nói:
-Phu nhân đã van xin cho giọt máu cuối của họ Ngô, ta nào nỡ giết. Có điều, phu nhân phải theo ta về Hoa Lư, ta sẽ phong phu nhân làm hoàng hậu, coi Nhật Khánh như con của ta, ta sẽ gây dựng cho Khánh nên người hữu ích...
Phu nhân còn đang lưỡng lự,Vạn ThắngVương nghiêm mặt mà nói:
-Một là mẹ con mãi mãi được bên nhau, hưởng phú quý dài lâu, hai là xẩy đàn tan nghé, phu nhân chọn đằng nào thì chọn!
Phu nhân nước mắt chan hòa, quỳ lạy một lần nữa mà nói:
-Cái thân thiếp cũng là thứ bỏ đi rồi, đại vương còn dùng làm gì nữa! Nhưng, đại vương phải hứa với thiếp, đừng bao giờ mưu hại Nhật Khánh!
Vạn Thắng Vương nói:
-Ta hứa với nàng...
Các người hầu, con ở, họ hàng ở lại Đường Lâm. Đinh Bộ Lĩnh chọn lấy những người đẹp đem về Hoa Lư. Vạn Thắng Vương đểĐinhĐiền ở lại giữ Đường Lâm, biên chế quân của Ngô Nhật Khánh ghép vào các đội thủy, bộ, kỵ của mình. Đinh Liễn thấy em gái của Ngô Nhật Khánh xinh đẹp, cũng xiêu lòng, xin cha lấy cho mình. Đinh Bộ Lĩnh nói với phu nhân. Thân cô, thế yếu, phu nhân cũng đành chịu lời.
Để cho phu nhân yên lòng, tin vào lời hứa của mình. Vạn Thắng Vương gả con gái cho Nhật Khánh rồi kéo quân về Hoa Lư.
Vạn Thắng Vương mừng thắng trận, khao quân rồi sai Nguyễn Bặc lo lễ thành hôn cho mình, Đinh Liễn và Ngô Nhật Khánh...
Hôm ấy, quân sĩ Hoa Lư vui say nghiêng ngả. Vua dự hết các cuộc thi đá cầu, đánh phết, bắn cung, rồi dẫn hoàng hậu về cung.
Đinh Liễn cũng dẫn vợ về dinh, cho quân sĩ ăn uống thả cửa.
Chỉ riêng Nhật Khánh dẫn vợ đến chào bố vợ, chào mẹ, rồi sóng vai chồng vợ về dinh phủ mới của mình. Lòng Nhật Khánh buồn rười rượi, song vẫn cố làm ra vẻ vui vẻ..., chiều chuộng vợ. Thấy Nhật Khánh đẹp trai, ăn nói dịu dàng nên công chúa họ Đinh rất mãn nguyện. Nàng e lệ để chồng dắt tay vào phòng riêng, nơi treo đèn, kết hoa lộng lẫy nhất trong ba đám cưới!
Ngô Chân Lưu ở phía chùa, xuống mừng cha con Bộ Lĩnh. Vạn Thắng Vương rất vui, ra đón Ngô Chân Lưu tận ngoài trướng, vái lạy mà thưa rằng:
-Lời sư thầy quả đã đoán hết được việc quá khứ, tương lai.
Ngô Chân Lưu chỉ cười, mắt nheo nheo với Nguyễn Bặc rồi theo Bộ Lĩnh vào trong trướng.
Khi Bộ Lĩnh say, dắt vợ mới vào trong nhà, Ngô Chân Lưu thừ mặt buồn, không nói gì cả.
Nguyễn Bặc hỏi:
-Sư thầy có điều gì bận tâm vậy?
Ngô Chân Lưu chỉ khẽ ngâm bài kệ:
Thông rừng, gió núi chiếu bên hiên Lọ cảnh binh đao, lọ cảnh thiền? Người động, người thì ưa cảnh tĩnh Ngày tàn trời đất ghé sang đêm...
Nguyễn Bặc cố nghiền ngẫm ý tứ thâm thúy, nâng cốc rượu không uống, buột thở dài...
Ở Hoa Lư chừng ba tuần, Ngô Nhật Khánh dẫn vợ vào ra mắt Vạn Thắng Vương nói:
-Tâu phụ vương, con nghe Hoa Lư có nhiều thắng cảnh, con xin được ngao du, đi thăm thú để thưởng lãm.
Đinh Bộ Lĩnh rất vui, bảo:
-Con đem con gái ta theo. Nó rất thuộc những hang động ở đây... Nó sẽ cho con thấy Hoa Lư không chỉ có ngàn lau, rừng lim mà còn có cả những hang động, suối núi đẹp như cảnh tiên vậy.
Liền cho một đạo quân thủy gồm mười thuyền nhỏ, đem lương thực, vũ khí theo đề phòng thú dữ, dẫn phò mã đi chơi sông, nước.
Ngô Nhật Khánh đi qua những dãy núi rất đẹp, luồn qua những hang ngầm trên nước ở Bích Động rồi lại leo lên núi Dục Thúy ở nách sông Hoàng Giang...
Bỗng một đêm, Ngô Nhật Khánh cầm đao, gí vào cổ viên đội trưởng theo hầu, bảo chở thuyền thật nhanh ra cửa biển, rồi giương buồm cứ thế nương gió đi mãi, đi mãi vào đàng trong. Đi ba ngày ba đêm, theo đường biển đã đến đất châu ạ, châu Lý của Chiêm Thành, Ngô Nhật Khánh gọi vợ đến trước mặt, mắng rằng:
-Cha mày cậy mạnh, ức hiếp mẹ con ta, đâu phải chỗ ta nương tựa. Ta làm sao quên được nỗi uất ức này! Nàng hãy trở về Hoa Lư đi! Ta đi tìm nơi khác để nương tựa vậy...
Nhật Khánh lấy gươm xẻo má vợ, rồi gọi viên đội trưởng đến, bắt chở nàng về Hoa Lư...
Công chúa họ Đinh về đến nhà ra mắt cha, khóc ầm lên, đòi cha giết mẹ Nhật Khánh để trả thù. Đinh Bộ Lĩnh nhìn mặt con, tức bầm ruột, nhưng làm sao bỏ nổi người đẹp, liền an ủi con gái rồi sai đưa về phủ riêng của công chúa!
NguyễnBặc có lệnh được đòi vào trướng phủ. Bặc đi ngay. Cứ tưởng Vạn Thắng Vương thế nào cũng say sưa bên người vợ mới, chí ít là hàng tuần trăng. Không dè Đinh Bộ Lĩnh kéo Nguyễn Bặc ngồi ngang hàng như thuở còn kết bạn bè, hỏi ngay:
- Thắng Ngô Nhật Khánh rồi, bây giờ đánh đâu, dừng đâu đây?
Nguyễn Bặc nói:
-Mười hai sứ quân, hòa một diệt một, chỉ còn non mười. Ta nay vào hàng mạnh nhất, có thể đè lấn các hùng trưởng khác. Bây giờ là lúc đánh vào kẻ mạnh, chứ không phải đánh kẻ yếu như trước!
Nguyễn Bặc nói tiếp:
-Mười sứ quân còn lại, tôi thấy mạnh nhất, có lẽ là Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động, kế đến là Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt nên đánh hai người này. Nếu đại thắng, thì chắc chắn các nơi khác đều có thể chinh phục được.
Đinh Bộ Lĩnh cau trán hỏi:
-Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (nay là Triệu Sơn, Thanh Hóa) thế nào?
Nguyễn Bặc nói:
- Con thỏ non chạy tít tận miền rừng núi âm u ấy, đáng kể gì!
Vạn Thắng Vương gật đầu:
-Ông nói đúng. Đánh Tây Phù Liệt vàĐỗĐộng là theo lối tằm ăn dâu. Từ nơi đứng chân, ta ngoạm sang trái, ngoạm sang phải. Đường Lâm lấy rồi, thì chẳng có cách nào là đánh Đỗ Cảnh Thạc và Nguyễn Siêu thôi! Nhưng đánh thế nào để chắc thắng! Đỗ Cảnh Thạc là một viên tướng lão luyện, không phải đùa đâu!
Rồi ghé vào tai Nguyễn Bặc nói nhỏ mấy câu, cười ầm lên nói rằng: cứ như thế như thế...
Ngay hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh giao cho quốc sư Ngô Chân Lưu giữ Hoa Lư, Trần Thăng (em ruột Trần Minh Công) giữ Giao Thủy còn mình cùng Đinh Liễn, Nguyễn Bặc kéo quân thủy bộ, tiến đánh Đỗ Cảnh Thạc và Nguyễn Siêu.
Nguyễn Bặc đem quân vây thành sứ quân của họ Nguyễn, hò reo dữ dội, quyết chí đánh bằng được. Nguyễn Siêu đốc quân ra bốn mặt Tây Phù Liệt để chống đỡ.
Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Điền dốc quân vây Đỗ Động. Đỗ Cảnh Thạc đem quân ra nghênh chiến...
Hai bên đánh nhau dữ dội đến vài ba ngày liền. Vạn Thắng Vương cho thuyền đậu kín bãi Bắc sông Nhuệ, sai quân bộ quân kỵ ép ở hai phía đông và nam...
Đinh Bộ Lĩnh cưỡi voi đánh thẳng vào mặt giữa thành...
Đỗ Cảnh Thạc thấy quân Hoa Lư muốn đánh nhanh, thắng nhanh, nên cho quân đóng chặt cửa thành chính, rồi dàn quân ở bốn mặt thành cố thủ...
Đinh Bộ Lĩnh thúc quân đem thang móc câu, đánh đến ngày thứ bảy, cứ rập rình mãi không nổi!
Phía Tây Phù Liệt, thấy Nguyễn Bặc đang vây đánh quyết liệt, bỗng để lại một nửa số quân, không thúc ép dữ dằn như trước. Nguyễn Siêu cho là Bặc, phải đem quân về cứu ứng cho Đinh Bộ Lĩnh đánh Đỗ Cảnh Thạc, liền nửa đêm cho quân đánh thẳng vào dinh quân của Nguyễn Bặc.
Nào ngờ, khi kéo quân đến, lấy giáo đâm vào người thì mới biết đó chỉ là hình nhân. Đuốc đèn đặt vào tay hình nhân đều là đuốc dầu lạc, nhựa thông Hoa Lư, cháy rất đượm.
Biết là mắc mưu, Nguyễn Siêu vội rút quân ra, thì bốn phía đồng, quân của Nguyễn Bặc reo hò dậy đất, xông vào giết, chém... Nguyễn Siêu bị Nguyễn Bặc chém chết, rồi dẫn quân xông thẳng vào chiếm lấy Tây Phù Liệt...
Đến mờ sáng thì quân của Nguyễn Siêu chết rất nhiều. Số còn lại đầu hàng hoặc từng tốp, từng tốp lẩn tránh sang đất khác...
Quân của Tây Phù Liệt thua chạy về Đỗ Động, Vạn Thắng Vương không bắt, cứ mặc kệ cho chúng ùa đến chân thành, xin được nhờ cậy Đỗ Cảnh Thạc. Chỉ những đám nào chống cự với quân Hoa Lư, thì họ mới vây đánh và bắt giữ... Bọn tàn quân này, kêu khóc ầm ĩ, đòi Đỗ mở cửa thành... Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh án binh bất động... Đỗ Cảnh Thạc cũng đang cần thêm quân, nên thả dây xuống kéo từng tên quân lên, khám xét kỹ lưỡng, thu vũ khí rồi, sai các tướng tra hỏi kỹ càng, nếu đúng là quân Nguyễn Siêu thì ghép vào hàng ngũ đưa lên mặt thành để chống trả với quân sĩ từ Hoa Lư đến.
Nguyễn Bặc đã đem quân đến trợ chiến... Quân vây Đỗ Động kín vòng trong, vòng ngoài Vạn Thắng Vương khoác áo vàng thúc roi đánh vào mặt chính giữa, thế rất nguy cấp...
Đỗ Cảnh Thạc cho bắn tên độc, dùng gậy ngắn vót nhọn cũng tẩm độc, chọn những tên lính khỏe mạnh, thay nhau lên mặt thành, bắn và ném vào lũ người đang leo bám ở chân thành Vạn Thắng Vương vây thêm ba ngày nữa vẫn không đánh được. Đỗ Cảnh Thạc lên lầu vọng địch, sắc mặt vẫn bình tĩnh ung dung. Đinh Bộ Lĩnh cho tướng đến khiêu khích, thét gọi: - Đỗ Cảnh Thạc, tưởng ngươi là một tướng kiêu hùng của Ngô Tiên Chúa, hóa ra, chỉ là một con dế thò thụt ở trong hang...
Lại cho người mặc quần áo đàn bà, đóng giả làm Đỗ Cảnh Thạc, nhút nhát, hãi sợ trước đám lính của Hoa Lư. Mặc cho Đinh Bộ Lĩnh làm nhục, Đỗ Cảnh Thạc vẫn cố thủ không đem quân ra đánh.Đinh Bộ Lĩnh càng thúc quân đánh giữ ở mặt chính...
Bỗng Đỗ Cảnh Thạc thấy quân phía sau rối loạn, rồi tiếng reo ầm ở ngay trong lòng thành Đỗ Động, đàn bà con trẻ nhốn nháo, quân sĩ bị dồn đến mặt thành chính. Cảnh Thạc cứ tưởng tướng của mình theo giặc làm loạn, hóa ra, cái đám quân của Nguyễn Siêu xin trú chân bữa nọ, quá nửa là do các đội tiềm nhập của Đinh Bộ Lĩnh trà trộn vào. Nhân lúc Cảnh Thạc lo giữ mặt chính, họ đã chém tướng mở cửa phía nam thành cho quân Nguyễn Bặc kéo vào!
Biết là Nguyễn Bặc đã thành công, Đinh Liễn cũng đã vào được ở mặt đông thành, Đinh Bộ Lĩnh thúc voi cùng quân sĩ ào lên, đánh ập lại. Đỗ Cảnh Thạc còn đang nhảy ra mặt thành để đốc chiến, không cho lính bỏ chạy, thì đã bị Đinh Bộ Lĩnh phóng một mũi lao, trúng cổ, nhào xuống chết, máu phun xối xả...
Quân Hoa Lư vào Đỗ Động, kính già trọng trẻ, đem gạo, muối phát cho những người thiếu, đói... Dân chúng vô cùng cảm kích...