Đuốc vương-gỉa chí công là thế Chẳng soi cho đến khoé âm-nhai! Muôn hồng nghìn tía đua tươi, Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần. 201- Vốn đã biết cái thân câu trõ Cá no mồi cũng khó nhử lên, Ngán thay cái én ba nghìn, Một cây Cù-mộc biết chen cành nào ? 205- Song đã cậy má đào chon-chót, Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người Nào hay con tạo trêu ngươi, Hang sâu chút hé mặt trời lại giâm ! 209- Trong cung quế âm-thầm chiếc bóng Đêm năm canh trông-ngóng lần lần, Khoảnh làm chi, bấy chúa xuân ! Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi ! 213- Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ-vũ Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong, Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng Gương loan bẻ nửa, giải đồng xẻ đôi, 217- Chiều ủ-dột giấc mai trưa sớm Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn-vơ Thâm-khuê vắng ngắt như tờ, Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo. 221- Ngấn phượng-liễn chòm rêu lỗ-chỗ, Dấu dương-xa đám cỏ quanh-co Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu, Gối loan tuyết đóng, chăn cù gía đông. 225- Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng, Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền Lạnh lùng thay giấc cô-miên Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. 229- Tranh biếng ngắm trong đồ Tố-nữ, Mặt buồn trông trên cửa Nghiêm-lâu. Một mình đứng tủi, ngồi sầu, Đã than với nguyệt, lại rầu với hoa ! 233- Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải, Ngán trăm chiều bước lại ngẩn-ngơ Hoa này bướm nỡ thờ-ơ ! Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng. 237- Đêm năm canh lần nương vách quế, Cái buồn này ai dễ giết nhau Giết nhau bằng cái Lưu-cầu, Giết nhau bằng cái ưu-sầu, độc chưa ? 241- Tay Nguyệt-lão chẳng xe thì chớ, Xe thế này có dở-dang không ? Đang tay muốn dứt tơ-hồng, Bực mình muốn đạp tiêu-phòng mà ra.
Chú thích:
Nguyệt-lão:Ông già dưới trăng. cung-phi:là một chức thứ hai, dưới chức Hoàng-hậu , Phi, Tần, Tiếp-dư, tài-nhân, Mỹ-nhân "cung-nữ" v.v... Bóng Dương:là bóng mặt trời, nghĩa bóng là vua. Đồ-my: là một thứ hoa leo giàn, có hoa như hoa lài kép, lá có nhiều chỉa và gai, như lá hoa Tường-vi. Hoa sắc trắng pha vàng nhạt như sắc rượu Đồ-my nên cũng viết Đồ-my là tên rượu Đồ-my; đây dùng ví với dung-mạo cung-phi. thược-dược: giống mẫu-đơn mà ít cạnh. Có tên riêng là hoa tướng : Tể-tướng của loài hoa. Câu 137 chữ "Liều" nguyên chữ nôm chép sai.Hai chữ Khoa và Liệu giống nhau, đã chép là Liệu rồi lại đọc sai là "Liều", vậy nên đính-chính, đọc là khoa nghĩa là một cành. Ví dụ : Thảo-mộc nhất khoa là một cành cây cành cỏ. thụy-vũ:là cơn mưa ứng với điềm lành được mùa. Đây dùng Thụy-vũ là ân vua như mưa móc ứng điềm lành. hải-đường: cây này có nhiều tên : Tây Phủ, Thùy Ty, Niêm Ngạnh, có hoa màu cung phấn đỏ nhạt, hoa đẹp, đẹp như hoa Hồng-hạnh. Sơn-trà, thường ví con gái đẹp. Ta có hoa Hải-đường nhưng không phải thứ kể trên. "Đoá Hải-đường thức ngủ xuân-tiêu", câu này dùng điển Dương quí-phi say nằm ngủ, vua Minh Hoàng gọi mấy lần không dạy, bèn nói : Hải-đường thuỵ vị túc gia ? hoa Hải-đường ngủ chưa đủ sao ? ý yêu lắm và ví đẹp như hoa Hải-đường. xuân tiêu:đêm xuân, Đường Thi : Xuân-tiêu nhất khắc trị thiên kim: một khắc đêm xuân xứng nghìn vàng. Xiêm nghê:bởi chữ Nghê-thường áo xiêm dệt bằng lông ngũ-sắc để múa Áo vũ:vũ-y, áo bằng lông chim điện Tô:nơi vua Phù sai nước Ngô làm cho Tây Thi ở. Đệm hồng-thúy:là nệm thêu bằng lông chim Phỉ-túy sắc xanh, đỏ. mùi xạ: xạ thứ hương lấy ở dái con xạ. Xạ như con hươu có hai cánh nanh dài, người săn nó nghe mùi thơm ngoài mười ngàn dặm. Xưa dùng hương ấy ướp áo, nệm ,mền và làm thuốc. bội-hoàn: là các thứ ngọc chạm hình vẽ lắm thức của đàn bà sang quí đeo hai bên hạ-thể, khi bước nghe kêu leng-keng thêm vẻ đẹp. Mây-mưa:bởi chữ vân-võ. Đình Trầm-hương:nhà lục giác bằng gỗ thơm trầm-hương của vua Minh-hoàng cùng ngồi thưởng hoa Mẫu-đơn cùng Dương quí-phi tại vườn Thượng-uyển trong đêm xuân. Mẫu đơn là một thứ hoa đẹp hơn các loài hoa, gọi là hoa-vương, vua các hoa. Ngày xưa gọi mộc thược dược: Hoa có nhiều cạnh giống hoa Tường-vi, có nhiều màu vàng, tím, trắng, đỏ, chính-sắc và gián-sắc, lá có nắm chia, cây cao năm sáu thước, Xuân nở hoa đến đầu hạ. Có tên riêng là Phú-quí-hoa vì có vẻ sặc-sỡ sang giàu, lại có tên Diêu-hoàng, ngụy-tử : vàng họ Diêu, tím họ Ngụy. Vì hai họ ấy đã tìm được hoa ấy màu vàng, tím đẹp hơn cả. thuý-dịch:là nơi cung thự ở hai bên cửa vào Đại-nội. Cung thự ấy sơn màu túy (xanh biếc) hoặc gọi cấm-dịch. đan-trì: nơi thềm sơn màu đỏ, là nơi điện-đài, chốn cung-cấm thường sơn đỏ,- Chữ thúy-dịch đối với đơn-trì. Mày ngài:bởi chữ Nga-my. Nga là con bướm-ngài do con tằm hóa ra, có đôi mày cong và đẹp, nên mày con gái đẹp thường vẽ như mày con ngài, gọi mày ngài. mặt rồng:bởi chữ Long-nhan, chữ ví diện-mạo vua , vì vua thường ví với con rồng là một vật rất linh, đứng đầu tứ linh long, lân, qui, phụng. Vua Hán Cao-tổ có lời ví diện mạo: Long-chuẩn, long nhan, mũi rồng, mặt rồng mặt trời gang tấc:bởi chữ Chỉ-nhan, Tả Truyện: "Thiên oai bất vi nhan chỉ xích": oai trời không xa trái nơi gang tấc. Ấy nói oai vua chỉ ở gần kẻ bày tôi. Đây dùng ý nói dối vua rất gần. Chữ xuân riêng: Kinh Thi, thiên Thiện-nam: "Hữu nữ hoài xuân, cát sĩ dụ chi": Co gái nhớ tình xuân, kẻ trai tài dỗ-dành đó. Về sau trai gái có tình yêu mến nhau gọi là "xuân riêng". Phàm con gái đến 17,18 tuổi biết tình yêu con trai gọi là "xuân-ý", "xuân-tình", "hoài-xuân", "tư-xuân". hương-lửa: bởi chữ hương-hoả. Ngày xưa mỗi khi trai gái thề nguyền sự nhân duyên phối ngẫu, thường dùng hương lửa cúng vái quỉ-thần mà thề nguyền, nên nhân duyên cũng gọi là hương lửa. Xe dê:bởi chữ Dương xa. Tấn-thư chép : vua Võ-đế có lắm cung nhân, mỗi khi muốn đến với cung nhân nào vua ngồi trên xe nhỏ khảm châu-ngọc có con dê kéo, để tuỳ ý dê muốn vào cung-điện nào ; cho nên những cung-nhân thường lấy nước muối, rắt ở cửa viện, con dê ưa ăn vị ấy nó vào. Đây dùng lá dâu, có lẽ vì vận trên phải ép mà để chữ "dâu", chính lá "tre" mới đúng. ấp mận ôm đào:cây đào, cây mận thường ở chung một bồn, ý nói vợ chồng yêu-mến - Gác nguyệt là nơi lầu các đêm trăng. cười sương cợt tuyết:nghĩa bóng, chơi đùa với nhau khi đêm đông lạnh lẽo, nơi nệm thúy chăn loan - Phong là một thứ cây giống cây bàng, mùa thu lá đỏ rất đẹp, thường trồng nơi cung-điện, gọi là "đền phong", "sân phong", "bệ phong", nghĩa giống nhau. Đóa lê:là hoa lê, sắc trắng như hoa mai, có vẻ đẹp như người gái thơ: Lê hoa nhất chi xuân đái vũ :một cành lê đám mưa xuân; tả vẻ đẹp Dương quí-phi. Thơ Bạch cư Dị ở bài Trường-hận ca. cửu-trùng:chin tầng, là nơi vua ở. Sở-Từ:" Quân hề cửu trùng": cửa vua ở chín tầng . Lại có gọi là Tôn động thiên nơi trời tôn kính sự đụng-chạm, là nơi tầng trời yên-lặng thứ chín, Trời ở. Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu:bởi câu Thơ Trương Hựu vịnh bà Quốc-quốc phu-nhân là em thứ ba của Dương quí-phi, có nhan-sắc thiên nhiên, không dùng son phấn, khi vào chầu vua chỉ vẽ một nét mực nhạt ở đôi mày mà được vua yêu-chuông. "khước hiềm chi phấn ô nha sắc, đạm tảo nga my triều chí tôn" : vì sợ phấn son làm nhơ nhan-sắc, chỉ vẽ sơ đôi mày vào chầu đấng Chí-tôn. vưu vật:nghĩa là vật hiếm có và lạ (Tả Truyện) "Phù hữu vưu vật, tức dĩ di nhân" : Ôi có vật hiếm lạ đủ làm cho người phải đổi lòng: ý nói gái đẹp. Đây dùng vưu vật là gái đẹp trên tay:bởi chữ Chưởng-thượng-trân : vật báu nâng-niu trên tay. "Chẳng chút trên tay", là không chút chi nâng-niu. Nước kia muốn đổ, thành này muốn long:ý nói vì sắc đẹp làm nên thành long nước đổ. khúc trùng Thanh-dạ:Trùng lần thứ hai. Thanh-dạ du là chơi trong vườn Tây-uyển, nay đem hát lại. ( Trùng là hai lần) Đình hoa:tên một bài hát : Hậu đình-hoa hay là Ngọc thu hậu đình hoa của vua Trần Hậu-chúa đặt cho các cung nữ có văn-học hát chơi ở gác Lâm-xuân làm bằng gỗ trầm-hương - "Điệu ngã đình hoa" là say-đắm khúc ca. Thừa ân:là sự được vua ban ân-huệ. Giấc thừa ân là giấc chiêm-bao được yên. Tờ mờ nét ngọc, lập-lòa vẻ son: vẻ ngọc nét son là sự chăn chung gối chạ của nhà vua. Chí-tôn:là đấng tôn-quí- chỉ nhà cua. một tràng mộng xuân:bởi chữ nhất tràng mộng xuân bởi điển Tô Thức (Tô đông Pha) khi về hưu dạo chơi nơi đồng ruộng, gặp mụ già đi bới rơm, hỏi rằng : " Ngài có phải đã từng làm chức Nội Hàn được vinh-quí, nay còn có chút nào ở cõi mộng xuân ấy không ? Ý nói sự vinh-quí chóng hết như một giấc mộng ngắn ngủi đêm xuân vậy. Ví sự vinh hoa hư-huyễn của người đời. Từ đó chữ xuân-mộng-bà là bà mộng xuân. mày liễu:nét vẽ mày dài và nhọn vót như hình lá liễu. Chữ gọi là Liễu-my. gót sen:gót giày đàn-bà sang-quí, bởi điển Đông hôn Hầu có vợ là Phan Phi, có dáng đi rất dịu-dàng, ông bèn làm hoa sen vàng khảm vào nền điện cho bà đi. Ông ngắm-nghía mà khen rằng :"bước bước nảy hoa sen". (bộ bộ sinh liên hoa). Dùng chữ : Bước sen- gót sen- hài sen- vẻ sen là tiếng ta và Liên-bộ, liên câu thảy là một nghĩa chân đàn bà đẹp bước. Lan:Có lắm tên : Bạch ngọc- Nhất điểm hồng- Tử cán- Tứ thời- Tuý-ông. Phong lan là một loài cây có lá dài hoa thơm ở núi thâm sơn, hoặc bám vào gốc cây và lèn đá mà tươi tốt. Có hoa đẹp hương thơm, người văn-nhân liệt lan vào hạng cây sang-quí, ví với quân-vương, hoặc bạn-bè văn-chương hiền nhân quân-tử. mùi hương vương-giả:Tức hương lan. Bởi điển ở sách Khổng tử gia ngữ. Đức Khổng Tử từ nước vệ về nước Lỗ thấy nơi núi sâu hang rậm có nhiều hoa lan, bèn than rằng : Lan vi vương giả hương, kim nải dữ chúng thảo ngũ ? : Lan có mùi thơm kẻ quân vương ( hơn cả các hương khác) nay lại khiến lẫn với các loài cỏ ? Ý ngài tự ví mình phải rủi-ro không gặp vận tốt; bèn đặt ra khúc hát Y-lan vừa đàn vừa hát theo. Đây dùng ý cung-phi tự thương hại mình không có thời vận. cân-trất:Là cái khăn lược, công việc đàn-bà săn sóc chồng. (Tả truyện) Lời bà Định Khương nói : Dư dĩ cân trất sự tiên quân : Ta từng cầm cái khăn cái lược mà hầu-hạ đấng tiên-quân (vua trước) ý nói hầu-hạ chồng. (cân là cái khăn lau mặt, hoặc cái mão đội trên đầu) đặt cái khăn:bởi chữ "thiết-tuế". Kinh Lễ chép : Khi sinh con gái, thì đặt cái khăn bên hữu cửa phòng đẻ để tỏ ra việc khăn lược là việc con gái. tắc-ơ:là tiếng chắc-lưỡi lắc đầu có ý chán nản. tỹ-dực: là chắp cánh. sách Nhĩ Nhã chép : ở phương nam có chim chắp cánh mỗi con chỉ có một cánh, khi bay phải chắp nhau, hai con mới bay được. Sự ấy người sau đem ví vợ chồng. (Trường-hân ca): Thơ Bạch cư Dị thuật lời thề của Đường Minh-hoàng cùng Dương Quí-phi, trong đêm thất-tịch, mồng bảy tháng bảy tại điện Trường-sinh rằng : "Tại thiên nguyện tắc tỷ-dực điểu tại địa nguyện vi liên lý chi : Nếu sinh ở trên đời đôi ta sẽ nguyện làm chim chắp cánh, ở đất nguyền làm cây liền cành. Ý nguyền không hề rời nhau ra. Đồ liên-chi: tức chữ liên lý chi là cây liền cành nói ở trên. Chữ đồng: bởi chữ Đồng-tâm cùng nhau một lòng ( vợ chồng ). thất-tịch: đêm mồng bảy tháng bảy. Sách Tục Tề Hài Chi chép ở phía đông sông Thiên-hà có cháu gái trời là Chức nữ chăm lo việc nữ-công lắm; trời yêu sự siêng năng bèn gả cho Khiên ngưu Lang; sau khi có chồng lại làm biếng-nhác thêu dệt, bị trời phạt bắt phải chia-lià nhau, mỗi năm chỉ được họp mặt một lần ở bến sông Thiên-hà đêm mồng bảy tháng bảy; ấy là sự hoang-đường, vì hai sao Khiên-Ngưu Chức-Nữ đêm ấy vừa độ đi gặp nhau ở giới hạn sông Thiên-hà ( Ngân-hà). Điển ấy về sau dùng làm sự phân-ly của vợ chồng. Hạt mưa đã lọt miền đài-các: bởi câu ca-dao ta ví thân-phận người đời " Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài-các hạt ra ao bèo ". cá nước: bởi chữ ngư-thuỷ có nhiều nghĩa : Vua tôi tin-cậy, vợ chồng hòa-mục. Đời Tam Quốc Lưu Bị cùng Khổng Ming Gia Cát Lượng rất thân mật. Các Ông Quan Công, Trương Phi không bằng lòng. Lưu Bị nói : Ta có Khổng Minh như cá gặp nước, các ngươi chớ nên giận phiền. Kinh Thi:" Hạo giả thuỷ, dục-dục giả ngư" : Mênh-mông kia là nước, nhởn nhơ kia là cá. Ý ví vợ chồng hoà mục. nhúng tay thùng chàm: là lời ngạn-ngữ ta ví chuyện gì đã trót lỡ làm nên như đã nhúng tay vào thùng chàm xanh, thì không thán-oán nữa. vị vong: là chưa chết, lời tự xưng của người đàn-bà là vị-vong nhân người chưa chết, ý nói phận đàn bà buộc phải theo chồng. Chồng chết phải chết theo, nếu còn sống là người dáng chết mà chưa chết vậy. Cung-phi tự xưng như thế là ví mình tuy có chồng mà cũng như chồng chết vậy. âm-nhai: âm là im, nhai là nơi gành sâu bờ thẳm. (nghĩa bóng, thân-phận cung-nhân bị cảnh lẻ-loi). Tạp-truyện Kinh Thư có câu :" Thái-dương tuy vô tư, kỳ chiếu âm-nhai hàn-cốc gỉa độc hậu " : Bóng mặt trời tuy không thiên-vị, mà soi đến nơi gành sâu hang thẳm về sau cuối-cùng. Muôn hồng nghìn tía hoa có lắm màu sắc. Đường Thi :"Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân " : Muôn hồng nghìn tía thảy là xuân vậy.: Chúa xuân: bởi chữ Đông-quân, tên một vị thần mặt trời ra từ phương Đông, và riêng thống-trị mùa xuân ( Chữ ở bài Cửu-ca). Đông-quân, đông hoàng, chúa xuân đều một nghĩa. câu trõ: là câu cá ở nơi có nhiều ngươì câu, mình câu ké. ái én: tức con chim yến, nghĩa bóng là cung nữ. Ở bài "Tần cung-nữ oán Bái-công văn" của Đặng trần Thường có câu : "Cái én tam thiên ngơ-ngẩn đó : ví với ba nghìn cung-nữ ở cung Tần ". Cù-mộc: là cây cao mà cong, chữ ấy ở thiên Cù-mộc trong Kinh Thi: "Nam hữu cù-mộc, cát-lũy lụy chi " : Phương nam có cây cong, dây sắn dây bìm leo đó. Ví các tì-thiếp, hầu mọn cám đức bà Hậu-phi, vợ vua Văn-vương, không ghen-tuông, bọn ấy được yên phận, nên ví cây sắn cây bìm nương-tựa cù-mộc. Đây dùng nghĩa bóng, lối thoát thai, ví vua là cây cù-mộc, cung nữ là cái én. giâm: là đám mây đen che im bóng mặt trời. Ví nghĩa bóng như cung nữ được yêu đương một hồi lại thôi. ( hang sâu chút hé mặt trời lại giâm). cung quế: nơi cung-phi ở rữa: là rã rời. "chơi hoa cho rữa nhụy hoa " là cho rã rời nhụy. Phòng tiêu: bởi chữ tiêu-phòng. Gương loan: có lắm nghĩa: 1- cái gương soi mặt, chạm hình chim loan ở phía sau lưng, hoặc cái gía gương chạm hình chim loan. 2- Diệm tần Dương nuôi chim loan đã ba năm, nó không kêu. Phu-nhân (vợ) nghe nói cho nó soi gương nó sẽ kêu. Quả-nhiên loan soi gương thấy bóng nhớ loài, kêu suốt đêm thì chết.- Phú ông Vương Bột có câu rằng : "Nguyệt khai loan kinh, hoài tinh giám dĩ phân hình : gương mở kính loan, soi bónh tinh-tường mà lẻ phân hình-dạng. Đây dùng gương loan bẻ nửa, là ý lẻ-loi, không có đôi-bạn, chồng, tức vua, nên tưởng-tượng như mảnh gương loan bẻ một phần nửa. giải đồng: bởi chữ Đồng tâm đái hoặc Đông-tâm kết là một giải thắt lưng có hai mối thắt lại giữa rốn, bằng gấm thêu, vật ấy xưa vua Tùy Dương-đế đã tự niêm phong gởi cho bà phu-nhân được Đế yêu. Đồng-tâm kết, nghĩa là mối buộc đồng lòng. giấc mai: Giấc ngủ cung-phi, ví cốt cách đẹp như cây mai, thì gọi giấc ngủ là giấc mai. Cũng có điển Triệu sư Hùng đến quán rượu bên chân núi La-phù, uống rượu say nằm ngủ dưới gốc mai. Chiêm bao thấy có người gái đẹp đến trò-chuyện, khi tỉnh mới biết là giấc mộng, cũng gọi giấc mai. hồn bướm: tức hồn trong giấc mộng, bởi điển ông Trang Chu nói khi thức là mình ông, khi ngủ ông hóa ra con bướm, nên gọi giấc bướm- hoặc giấc Trang- Giấc Điệp - Bướm Trang- Giấc hồ đồng một nghĩa. phượng-liễn: là cái kiệu, cái xe chạm hình chim phượng của vua ngự. dương-xa: là xe con dê kéo. Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu: là những nơi phong lưu diệm-dã, nay có chiều phai-nhạt như vẻ tiêu-điều mùa thu. Lầu Tần quán Sở, là chữ thành ngữ của cảnh phong-lưu sung sướng. Thơ người đời Tống chơi xứ Bạch-hạ về, có câu : Lai-vãng không lao Bạch-hạ thuyền, Tần lâu Sở quán tổng mang nhiên. Duy dư nhất quyển tân thi thảo, Thính vũ giang hồ thập nhị niên. Nghĩa : Đi đi lại lại luống nhọc con thuyền ở xứ Bạch-hạ và những cảnh lầu Tần quán Sở phong-lưu diệm-dã thảy quên man-mác cả; chỉ còn lại một tập thơ mới làm và một kỷ-niệm bên tai là mười-hai năm nghe mưa ở nơi giang-hồ. Ý nói sự hào-dật phong-lưu đều quên cả, chỉ còn tâm-huyết là tập thơ mới làm và tinh-thần là khi yên-tịnh nghe mưa ban đêm đã mười-hai năm qua đó thôi. Gối loan: là gối thêu hình chim loan, ý dùng nói nhớ lứa đôi. chăn cù: là cái chăn bằng lông cù, lông ấm (chiên). nhạn: là con chim ngỗng trời, con mái là nhạn, con trống là hồng, nhưng dùng nhạn là tiếng chung. "Mong nhạn vắng" là mong tin-tức vắng không thấy. Điển Tô Võ đi sứ rợ Hung-nô hòa với Hán, Hán hỏi Tô Võ, thì rợ ấy nói chết rồi. Mưu-thần là Thường Huệ dặn xứ qua nói với Hung nô rằng Tô Võ đi chăn dê có bắt được con chim nhạn, xé áo lụa, viết thư buộc vào chân thả nhạn bay về, vua Hán đi bắn được nhạn, biết ông hãy còn sống. Hung nô tưởng chuyện bắn nhạn ó thật, sợ, bèn cho Tô Võ về Hán. Về sau dùng điển ấy ví tin-tức. Tố-nữ: nghĩa : đây dùng đồ Tố-nữ là bức tranh vẽ hình Tố nữ. Tố-nữ đây là chuyện nghệ-thuật riêng nơi khuê phòng, làm cho chồng yêu khi chung-chạ gối-chăn. ( Sách Tùy-thư kinh Tịch-chí chép). Đây dùng ý nói vua không yêu, không gối-chăn chung-chạ, nên biếng-nhác không muốn ngắm tranh Tố-nữ. Nghiêm-lâu: là nơi lầu tôn-nghiêm của vua ở. có vẻ rất tôn nghiêm. vách quế: nơi cung-phi ở. Lưu-cầu: nước ở gần nước Nhật-bản, xứ ấy có thép tốt làm đao, gươm rất bén. Gươm đao bén gọi là Lưu-cầu. tiêu-phòng: nơi cung-phi ở.