Bóng hình của Mẹ trong thơ Xuân Quỳnh
Hải Triều
Ở cõi đời này, lòng tin, sự biết ơn và trân trọng vẫn là một điều luôn luôn bất diệt. Chính trong sự bất diệt ấy, nhiều lúc đã nẩy ra nhiều cung bậc và hình thái khác nhau, nhiều khi, sự khác lạ lại làm cho chúng ta trăn trở, nồng nàn và đượm nỗi thảng thốt. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã làm nên
điều khác lạ đó qua bài thơ "Mẹ của anh".
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Những dòng thơ mở đầu là không còn là gợi, là tả nữa, ở đây là một sự khẳng định chắc chắn, dường như là sở hữu. Cái lạ chính là điểm này, chẳng biết rằng sau khi nghe được những lời như vậy, người chồng sẽ phản ứng ra sao. Nhưng có lẽ, anh ấy sẽ không ngạc nhiên như chúng ta, bởi để nói lên được điều này, hẳn người vợ phải là một người hết mực hiểu chồng. "Mẹ tuy không đẻ không nuôi; Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Không phải ơn sinh thành, cũng đâu phải ơn dưỡng dục, vậy mà sao phải "ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Phải chăng đó chính là những phút giây hạnh phúc nhất của người phụ nữ khi trong mình đang giữ trọn niềm tin.
Ngày xưa má mẹ cùng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao.
Em đang độc thoại nhưng cũng là em đang nói cùng anh, giãi bày cùng anh, một thế giới nội tâm không hề phẳng lặng, nỗi đan xen, niềm giằng xé cứ trào dâng như sóng xô bờ. Một thế giới câu chữ huyền diệu của những sự đối nghịch giữa quá khứ và hiện tại đã đưa anh, đưa em vào khoảnh khắc diệu kỳ của sự sống. Đây không phải là một sự đánh đổi mà là một điều tất yếu phải có trên cõi đời này. Nó cho chúng ta một linh cảm về sự khắc nghiệt của thời gian.
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa.
Tấm lòng thơm thảo và đằm thắm của Xuân Quỳnh hiển hiện thật dung dị, chất chứa biết bao hoài niệm, những vần thơ khi đọc lên mới thấy thật tha thiết, lồng lộng tính nhân văn, giàu tình hữu ái của con người với con người. Tình yêu được nâng cánh, thăng hoa, hoà điệu trong từng cung bậc khát khao của những sẻ chia và nhân ái.
Anh thật hạnh phúc, tôi và mọi người phải ghen tỵ với anh bởi những lời mượt mà, ý nhị và tình cảm cuốn hút lay động lòng người. Nỗi niềm cứ rưng rưng tự đáy lòng suy tưởng đến ý tứ của lời thơ.
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng .
Thật sự hài lòng, đồng cảm với kiểu cách Xuân Quỳnh trong ý tứ ứng xử, đặc biệt là trong quan niệm về mẹ chồng – nàng dâu làm chúng ta nhận ra đúng nghĩa cuộc sống và hạnh phúc. Đúng là thế đấy! Phải có mẹ chồng rồi mới có chồng mình chứ! Thiết nghĩ, người vợ nào cũng biết hành xử như lời thơ của Xuân Quỳnh thì những bậc "nam tử" thật khó mà trả được hết nghĩa nặng tình sâu của những người vợ – người phụ nữ Việt Nam. Nếu trên đời này, thế giới đàn ông – thế giới người chồng đều có được những người vợ biết yêu thương chồng con và mẹ chồng hết mực như thế thì còn gì sung sướng hơn.
Tình cảm ấy sao mà sâu đậm, cái nghĩa tao khang sao mà hạnh phúc. Nếu suy tưởng bằng ngôn ngữ điện ảnh qua lời thơ, chúng ta có thể hình dung ra từ nãy giờ Xuân Quỳnh như đang bên chồng vỗ về, thủ thỉ. Xuân Quỳnh có được tình yêu thương đằm thắm, thiết tha như vậy với chồng, với cả mẹ chồng mà không có một sự cách ngăn nào ắt hẳn Xuân Quỳnh - người vợ hiền, tôn thờ chồng với một đức tin về tình yêu nồng thắm và mãnh liệt, nếu không muốn nói là cực độ. Trong trái tim tha thiết và nhạy cảm ấy, tình yêu chưa bao giờ là đầy đủ. Cái khát tuyệt đối là cái khát về một tình yêu tuyệt đối, yêu bằng tất cả linh hồn. Và Xuân Quỳnh vẫn cứ đi tìm, cứ da diết về một tình yêu vĩnh cửu.
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Mọi nhãn quan thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động thành các đối cực. Và thế giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối cực ấy. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Và rồi, người phụ nữ ấy coi hạnh phúc là yên lành suốt đời kiếm tìm, vun trồng và gìn giữ. "Giữa ngàn hoa cỏ núi sông", chị trở thành thi sĩ của tình yêu, đặt kỳ vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi nếu không thì: "Biển chỉ còn sóng gió;… Em chỉ còn bão tố" mà thôi. (Thuyền và biển).
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Tính tương sinh, tương khắc trong thơ Xuân Quỳnh, thiêng liêng hơn cả là tình yêu, là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này đã hoà quyện để có được Xuân Quỳnh, một trái tim yêu da diết trong những đối cực khắc nghiệt ấy. Dĩ nhiên, yêu mẹ, biết ơn mẹ vì nhiều lẽ, nhưng chắc rằng chỉ có Xuân Quỳnh mới có được một suy tưởng độc đáo để thể hiện tình yêu: "Mẹ sinh anh để bây giờ cho em". Đó thuộc về linh hồn của Xuân Quỳnh. Bởi vì, ai chẳng có tổ ấm, nhưng đã mấy ai phát hiện ra nguồn thơ từ tổ ấm như vậy.