Nghiệt ngã những mảnh đời
Thiếu Hoa
Khi đang yêu, Sĩ và Hà được hai bên gia đình cưng chiều nhất mực. Ngày cưới sắp đến, Hà cảm thấy hạnh phúc ngập lòng. Nhưng rồi thực tại không chiều lòng cô nữa. Tiếng eo xèo của đám thành niên. Không chỉ riêng thanh niên mà đủ các tầng lớp, cả trẻ, cả già xi xao xì xào. "Đẹp mà tay không, tay rỗng thì cũng chán chết".
Mãi sau này Hà mới biết cái tục lệ gọi là lệ làng. ở đây, con gái đi lấy chồng bố mẹ đẻ ai cũng phải cho không nhiều thì ít. Trung bình thì ba bốn chỉ hoặc nhiều hơn nữa. Có nghèo khó thì cũng cố vay lấy một hai chỉ để cho con làm lưng vốn. Nếu biết trước chuyện này thì Hà đâu đến nỗi. Phải chăng đây là nút khởi điểm tạo nỗi bất hạnh cho Hà.
Tuần trăng mật qua đi. Cái bề bộn sau một đám cưới vẫn đọng lại. Tiền nợ. Thóc hết. Khó khăn chồng chất khó khăn. úi giời người đẹp ngã bẹp thúng xôi! Nếu đẹp mà mài ra ăn thay cơm nhỉ.... Đẹp mà dẹp khó khăn? Thì ai cũng cố mà chọn lấy một cô thật đẹp về làm vợ. Ôi mà thực tế thì.... Cần quái gì đẹp.... Sự dèm pha của gia đình họ mạc, bà con lối xóm nhiều kiểu nhiều dạng phong phú dần dần lọt vào tai Sĩ. Sĩ cảm thấy vật chất thật ghê gớm. Tiền.... Tiền. Nó là sức mạnh. Là danh dự. Nó quán xuyến được nhiều thứ, kể cả hạnh phúc gia đình. Bản lĩnh Sĩ bắt đầu chao đảo. Anh tỏ ra ngán ngẩm, tính cách cũng bắt đầu đổi khác. Khó tính hơn. Thô thiển hơn, ích kỷ hơn. Thế là hết phận gái kiêu sa. Hà ngậm ngùi buồn tủi. Trách ai? Trách ai bây giờ. Trách mình? Trách Sĩ?
Ngày còn ở nhà Hà là hoa khôi của xã. Cô đã làm bao chàng trai si mê khốn khổ. Và khi cô nhận lời yêu Sĩ, bà con láng giềng ai cũng khe thật xứng đôi. Cưới được ba tháng, Sĩ sinh chuyện đòi vào Nam làm kinh tế. Sĩ ra đi vì chán vợ hay vì cuộc sống? Thực lòng có lúc Sĩ cũng không hiểu nổi. Nhưng hiện tại tiền đi chưa có đồng nào, Sĩ lại bắt vợ đi vay. Ôi, chua chát. Sao lại chua chát thế? Mong rằng các bạn trẻ đừng nghe thấy những lời cay đắng ấy!
- Nghèo túng thì phải tìm đường làm ăn chứ ở nhà nhìn nhau để chết đói à. Mà nhìn mãi cũng chán rồi.
- Nhưng.... Em, đã đi vay mấy nơi đều không được. Hay là anh làm ở ngoài này một thời gian. Khi có ít vốn nào đó cũng không muộn. Anh không nghĩ đến con anh sao?
- Khong lôi thôi lắm lời. Cô không vay hả? Tôi không cần cô nữa....
Bố Sĩ thấy vậy ngay tức khắc ông bật đèn xanh: "Tưởng vợ lo được cho chồng. Thôi để tao". Ông không muốn Sĩ ở nhà với Hà.
Hà. Hà không xứng đáng... Mặc dù Hà không làm nên tội nhưng ông vẫn thấy ghen ghét. Một cái ghét vô hình.
Hà đến kỳ sinh nở. Sĩ vẫn bặt tăm. Người nhà nhiều đấy nào biết cậy ai lúc này? Hà nuôi con một mình trong cảnh thờ ơ lạnh nhạt của gia đình nhà chồng. Nhiều lúc cô thấy mệt mỏi bất cần. Nhưng rồi cô đã vượt lên và cứng cỏi hơn lên.
Tới khi bé Lưu Ly tròn một tuổi thì Hà nhận được thư chồng.
Thanh Hà thương yêu và nhớ nhiều!
....Anh đã tìm được điểm dừng chân. ở đây dễ sống hơn quê mình ngoài đó. Ruộng đất không có đất mà làm. Mà làm không vất vả nhưng năng suất vẫn cao. Một sào trong này hàng nghìn mét vuông. Cấy được ba vụ lúa một năm. Ngoài cấy lúa ta có thể trồng ngô, khoai, sắn, đậu. Hiện tại anh đang mở một xưởng mộc. Anh đã quyết định ở hẳn trong này. Nhận được thư, em tranh thủ làm giấy tờ cắt khẩu rồi cho con vào ngay nhé.
Đọc thư chồng, Hà rất băn khoăn: "Không nên vội vàng cắt khẩu ngay. Phải đi thăm dò thực tế ở đó đã. Nhược bằng khó khăn thì động viên Sĩ về làm ăn ở quê. Có thể anh nói đúng. Nhưng cũng vì không có tiền mà không dám về với gia đình, vợ con đành nói dối". Hà nghĩ vậy và đem con gửi bên ngoại để đi.
Như trong thư đã hẹn. Hà tới nhà chị Vân đã một tuần mà không thấy chồng đến. Hay là Sĩ ốm? Hay là có chuyện gì? Như thế là như thế nào? Tại sao? Tại sao?....Hàng trăm câu hỏi đặt ra làm rối loạn tâm trí Hà mà không có lời giải đáp. Cô sốt ruột khăn gói nhờ chị Vân đưa đi tìm. Một nơi là chồng. Một nơi là con hỏi ai không sốt ruột?
Đường rừng khúc khuỷu lại gập ghềnh. Hà đi không quen vấp chảy máu cả chân. Hai chị em đi bộ một ngày đường vẫn còn chưa tới nơi. Cái lo lắng cứ đau đáu bám riết theo Hà:
- Trời sắp tối, tính sao hả chị.
- Yên tâm. Chúng ta sẽ đi về hướng có nhà đằng kia để kia ngủ nhờ. Dì thấy mỏi chân chưa.
- Không những mỏi mà còn mệt nữa. Nhưng em còn đi được.
Nhà dân đây rồi. May quá.
Đêm đã về khuya. Không gian im ắng. Chị Vân cũng đã ngủ. Hà rất mệt nhưng không thể nào chợp mắt được "Sĩ râu" "Sĩ râu" là ai? Không phải là anh. Không thể là anh. Lá thư của anh gửi vè là minh chứng. Bà cụ già kể một người nào đó trùng tên với anh chứ không thể là anh được.
Tận chiều ngày hôm sau hai chị em mới đến bản Napáo. Tới quán nhỏ ven đường Hà đang định vào hỏi thăm. Bỗng dưng có một người ở trong chạy ào ra:
- Kìa Hà, chị Vân... Hai người có phải hỏi thăm lâu không?
- Nhiều chú ạ. Cứ đi một đoạn chị em tôi lại hỏi.
"Đây có phải là Sĩ râu?". Cách ăn mặc và râu tóc của chồng. Hà ngỡ ngàng. Cổ họng nghẹn tắc.
Nhận được thư Hà, Sĩ bắt đầu sinh sự, đe doạ Thương. Tôi đã nói với cô từ lâu. Tôi đã có vợ con ngoài Bắc rồi. Chỉ mấy hôm nữa là cô ấy vào trong này. Cô xử sự thế nào tuỳ cô. Các người nổi máu đánh ghen tôi mặc kệ".
Anh vẫn còn yêu Hà? Không ai có thể hiểu nổi anh, mà chỉ thấy cái hành động điên cuồng của anh đã làm khổ hai người phụ nữ.
Lúc đó Thương mới sinh con chưa đầy tháng. Cô lo sợ. Ai là người che chở Thương. Không có. Mà duy nhất chỉ có bà dì họ xa. Làm sao đủ sức.... Thương thấy tủi thân cho số phận của mình. Cô nhớ lại ngày đầu gặp Sĩ. Một người đàn ông đẹp trai hoang dã. Anh nói chưa hề có gia đình. Hai người đã đến với nhau bằng sự khao khát cuồng nhiệt. Khi Thương báo tin có thai thì nụ cười trên môi anh vụt tắt. Anh không tỏ thái độ gì. Thương ngờ ngợ có điều gì uẩn khúc? Nên buồn hay nên vui. Cũng là một kiếp người lẽ nào lại như vậy? Mấy tháng sau cái thai trong bụng Thương lớn dần. Anh đã thú nhận là có vợ con ngoài Bắc. Thương bàng hoàng đau đớn chấp nhận một sự thật nghiệt ngã... Phải chăng số phận sắp đặt. Hỏi rằng có bao giờ thay đổi được số kiếp? Thương tự thấy mình là kẻ có lỗi. Mình là kẻ đánh cắp hạnh phúc ư? Không. Mình sẽ trả lại chồng cho chị ấy. Nhưng đứa trẻ vô tội này sẽ ra sao? Nó sẽ ở lại với bố nó và chị ấy. Đúng! Phải làm như thế. Thương nhìn con nước mắt tuôn trào. Đứa trẻ nhoẻn miệng cười trong cơn mộng mị. Cô ghé hôn con, nụ hôn nghẹn ngào. "Con ơi! Mẹ cho con ăn lần nữa rồi con ở nhà với bố với người mẹ khác. Tha lỗi cho mẹ nghe con".
"... Đúng rồi. Đó là cách duy nhất để đổi kiếp. Có bao giờ khổ cả mấy kiếp không nhỉ? Không. Chắc rằng không có điều ấy." Thương nghĩ vậy và trốn ra sông tự vẫn. Nhưng cô không chết vì được dân chài cứu vớt. Thương nằm liệt giường hai ngày thì Hà vào.
ớt nào là ớt không cay. Gái nào là gái không hay ghen chồng. Hà thất vọng rã rời. Hà uất ức đến sôi máu. Nhưng rồi đối mặt mà lời chẳng đối lời. Cái hờn ghen chua chát đã nhường chỗ cho sự thương cảm, Hà giục chồng phải cho Thương đi viện. Nhanh lên, kẻo hối không kịp.
Trong hoàn cảnh trớ trêu của hai người phụ nữ ai là kẻ đáng thương. Ai là người đáng giận. Thương thương. Giận giận nó lẫn lộn. Chẳng ai bàn đến nữa mà chỉ tập trung cứu lấy tính mạng con người. Trước khi đến viện bà con xúm lại dặn dò.
- Chị Hà nói đúng nhưng tới viện phải nhận là chị gái của Thương hoặc Sĩ. Nếu không thì cả hai cùng bị phạt vì tội "cướp chồng" và tội "ngu".
- Dạ, cháu xin cảm ơn tấm lòng của bà con - Hà nói.
Do sức khoẻ của Thương quá kém bệnh viện yêu cầu phải bế cháu về nuôi hộ. Ngày dài kế tiếp đêm thâu. Sự quấy quả của trẻ nhỏ khiến Hà nhớ con da diết. Lưu Ly bây giờ ra sao? Nó có nhớ mẹ không? Nó có chịu ăn chịu ngủ không... Dù sao thì mình phải có trách nhiệm với đứa bé tới khi Thương bình phục. Hà luôn nghĩ vậy - Chị Vân về Nha Trang một mình Hà khi cô không còn sữa. Mọi thứ để sinh hoạt trong gia đình đều thiếu thốn. Tìm muối. Muối hết! Tìm mắm. Mắm không còn! Tìm gạo. Gạo ở đâu? Tìm... Tìm... Tìm. Cái gì cũng phải tìm. Tìm mãi cũng không thấy. Nhà dân thưa thớt. Khoảng cách nhà nọ nhà kia đường rừng hun hút. Chưa bao giờ Hà cảm thấy vất vả như vậy.
Sức khoẻ Thương khá dần. Lấy lý do con ốm Sĩ trốn viện về nhà. Bao nỗi uất ức trong Hà được khơi dậy rồi trào dâng. Nhưng tất cả, tất cả chỉ là sự im lặng. Im lặng tính từng phút từng giây. Khi Sĩ đòi hỏi ái tình Hà từ chối. Từ chối quyết liệt. Sĩ giận dữ nói;
- Cô có phải là vợ tôi nữa hay không? Cô vào đây để làm gì?
- Khoan anh ạ, chúng ta nói chuyện với nhau một lát đã. Em xin nói trước. Thành quả em muốn nói là đứa con của anh và em nuôi dưỡng một tuổi rồi. Dạo này nó hay ốm nên không được bụ bẫm bằng con người. Kinh tế thì em đủ ăn chứ không có dư dật. Về phần anh, ngoài chiếc lán này còn những gì anh kể đi.
- Tôi chẳng có gì, cũng chẳng cần cái gì...
- Em đến đây không phải là em không cần thiết. Cần lắm chứ. Con người bằng xương bằng thịt ai mà chẳng muốn sự nâng niu ân ái. Xa một đêm cũng nhớ. Thế mà vợ chồng mình xa nhau hai năm rồi. Phải nói rằng em nhớ lắm chứ. Cần lắm chứ. Thèm khát lắm chứ. Nhưng em nghĩ thấy sợ. Rất sợ. Đằng sau những giây phút khoái lạc ấy là cái gì. Hạnh phúc hay bất hạnh.
Sĩ cười nhạt:
- Vào đây nhìn túp lều tranh cô thất vọng hả?
- Anh ạ. Không phải em nghĩ đến của cài mà thế nọ thế kia. Với em của cải rất quí nhưng vẫn có nhiều cái còn quí hơn. Vào nhìn tháy cơ sự điêu tàn này em xót xa lắm. Nhưng đừng nhầm tưởng. Anh đừng nhầm tưởng. Em không thất vọng bởi cái túp lều rỗng tuếch mà điều làm em thất vọng và xót xa là chồng mình. Tại sao có nhà cửa vợ con đầm ấm không sống mà anh lại đi đày thể xác ở chốn rừng rú một cách vô ích. Nếu ngày xưa anh nghe em ở nhà. Tuy không giàu có nhưng cũng không đến nỗi này.
Ngừng một lát Hà nói tiếp:
- Bây giờ thì anh hiểu được sự vất vả con thơ rồi chứ. Cô Thương làm sao vất vả bằng em. Hơn nữa lại có anh bên cạnh. Em thì đằng đẵng nuôi con một mình....
Hà không thể nói thêm nữa. Cổ họng nghẹn tắc. Nước mắt tuôn trào. Sĩ như thấy ân hận.
- Hà à, anh hối hận rồi. Thương em nên anh muốn em vào đây. Vợ chồng sống bên nhau. Em không phải lam lũ một mình.
- Anh Sĩ ạ, không có nơi nào bằng quê hương. ở cái chống rừng xanh này em sợ lắm. Đất đai nhiều thật đấy nhưng cũng khó sống lắm. Hơn nữa sống trong này vợ chồng mình chỉ làm khổ thêm cho Thương thôi. Anh ạ, nếu Thương đồng ý em sẽ mang con nhỏ về nuôi để cô ấy đi lấy chồng.
Sĩ thở dài:
- Trước sau thì em vẫn là vợ anh. Anh trót có con với Thương thì anh phải có trách nhiệm với mẹ con cô ấy. Còn chuyện ở hay không anh quyết định em phải theo. Em đã vào đây thì phải ở đây. Anh sẽ về đón con.
Phải kéo Sĩ về quê. Hà luôn tâm niệm như vậy. Cô đã dùng mọi thủ thuật khi giận hờn trách móc. Khi ngọt ngào, êm ái. Nhưng đành chịu. Vô nghĩa. Vô nghĩa hết. Một tuần lễ qua thật nặng nề. Hà cảm thấy bất lực và buồn chán. Những âm thanh hỗn độn của rừng rú. Tiếng thú kêu. Tiếng chim hót lanh lảnh khi xa khi gần giữa chốn rừng già heo hút. Cũng nữa là sự thiếu thốn đời thường trong không gian mông quạnh. Ngoảnh trước ngoảnh sau chỉ có rừng. Nhờ ai? Cậy ai? Chia xử cùng ai? Tất cả như cứ đe doạ: "Bắt cô trói cột". Không thể sống ở đây nữa.... Hà tìm cách trốn về bắc. Về tới nhà Hà ngỡ ngàng khi nhìn thấy Sĩ. Những ngày sau đó hai vợ chồng sống trong cảnh chiến tranh lạnh. Không khí gia đình ngày càng thêm ảm đạm. Hà bàng hoàng khi phát hiện mình có thai. Cô cảm thấy hoang mang sợ sợ như tội lỗi và nhớ lại lần sinh nở vừa qua. Cuộc đời đắng cay quá! Không. Dù sao thì Sĩ đã về. Chắc hẳn anh đã nghĩ tới vợ con? Nhưng... Trong hoàn cảnh này cô chịu xuống thang làm lành trước.
- Anh Sĩ. Em xin anh đừng làm khổ nhau nữa. Đã về đây rồi thì vợ chồng vui vẻ bảo nhau làm ăn. Bé Lưu Ly lại có thêm em.....
Sĩ nổi khùng:
- Thế à. Mày có mang ở dọc đường chứ gì? Giỏi lắm. Mày giỏi lắm.....
Anh không được ăn nói hồ đồ như vậy. Nói phải nghĩ chứ.
- Mày bảo ai ăn nói hồ đồ? Hồ đồ này... Nghĩ này. Hự... Hự... Hự...
Sĩ xấn xổ đá tới tấp vào ngực, vào bụng. Hà ôm bụng lại ôm mặt. Lại ôm bụng. Hà ngã khuỵu xuống Sĩ vẫn còn đá. Cô không thể kêu khóc được thành tiếng. Mẹ chồng nhìn thấy thủng thẳng nó: "Tính trăng hoa thì thế mới phải. Thằng này thế mà cũng biết dạy vợ?.
Sự đối xử của gia đình và những trận đòn dã man của Sĩ, hà không còn do dự. Không nuối tiếc. Cô làm đơn ly dị và bế con về nhà mẹ đẻ.
"Tiếc làm chi. Khôn hồn thì phá cái giống ác ấy đi, để chỉ thêm khổ vào thân thôi. Giỏ nhà ai quai nhà ấy. Đừng có hy vọng cho sầu héo thêm!" Gia đình, họ mạc ai cũng khuyên Hà như vậy. Hà phân vân và nhớ lại quá khứ của mình. Những ngày tháng một mình nuôi con và chờ đợi. Chờ đợi để nhận một cái bất hạnh hơn. Thật không ngờ. Không ngờ rằng cuộc đời lại đắng cay đến như vậy. Cô rùng mình ghê rợn. Hà đặt tay lên bụng, thấy thai nhi đang giãy giụa như cầu xin được sống làm người. "Không. Tôi không thể làm điều ác. Con ơi... Con vẫn là con của mẹ. Mẹ không thể.... Con tôi không phải chết. Con không phải chết. Ngang trái. Trái ngang là chuyện của cuộc đời". Hà thổn thức trong đau khổ. Cô chấp nhận tất cả để giữ lấy một sự sống.
Hà sinh con thấm thoắt đã được năm tháng. Sự đầm ấm của gia đình làm cô trẻ lại béo đẹp hơn xưa. Bé Hoài Lệ bụ bẫm kháu khỉnh như tranh vẽ. Phải làm gì đây để nuôi các con khôn lớn? Chỉ bám vào đồng ruộng liệu có trụ được không? Đồng ruộng cũng không có nhiều để làm. Nghề thủ công cũng chẳng ăn thua gì. Hà băn khoăn suy tính và cô quyết định gửi hai con ra nhà trẻ ngày ngày nhờ ngoại đưa đón để đi buôn. Buôn cái gì? Gặp gì buôn nấy. Khi thì hoa quả khi thì con cá mớ rau. Buổi đầu mới mẻ chẳng lời lãi là bao. Có hôm còn bị thâm vào vốn. Nhưng Hà không nản. "Người ta sống được mình cũng sống được. Buôn bán thì phải có lúc nọ lúc kia chứ". Hà nghĩ vậy. Quả thực cô cũng đã kiếm được đồng ra đồng vào, đời sống của bố mẹ và các con được cải thiện. Công việc buôn bán thực sự đã cuốn hút Hà. Hà lấy công việc làm vui. Cứ mãi như thế này, xem chừng cũng tạm ổn. "Cô ấy thế mà giỏi. Thật là bách nghệ. Làm ruộng cũng được. Làm thủ công cũng được. Đi buôn cũng được". Bà con hàng xóm cứ tấm tắc khen Hà.
Một hôm có người bạn cũ tìm gặp cô nói: "Chị mới biết hoàn cảnh của em. Chị rất thương em muốn giới thiệu cho em việc làm để có thêm thu nhập nuôi các cháu. Chị nghĩ buôn bán cò con thế này ăn thua gì".
Nhưng mà cháu còn nhỏ quá..... Công việc ở đó thế nào hả chị?
- Công việc hơi vất vả nhưng xứng đáng với sức mình bỏ ra. Ngày ngày đun nấu và rửa bát từ sáng đến tối. Mỗi tháng trả ba trăm nghìn đồng không tính ăn uống. Tiền nong sòng phẳng vào cuối tháng. Em tính cho kỹ. Nếu bằng lòng thì ngày mai đi luôn. Để ít nữa họ sẽ lấy người khác. Bây giờ lao động dôi thừa nhiều lắm....
Vất vả thì không sợ chỉ sợ thói đời xấu xa. Hà nghĩ vậy. Đúng thật! Những ngày đầu Hà thực sự thấy vất vả. Vất vả hơn cả làm ruộng. Mệt mỏi hơn cả đi buôn. Nhiều hôm mệt mỏi không ăn được mà vẫn phải làm. Không được dừng lại. "Không được chùn bước. Phải cố gắng. Phải gắng sức để kiếm tiền về nuôi các con. ít nữa chúng còn học hành nữa chứ" - Hà luôn nghĩ vậy. Đúng là con người ta sống môi trường nào thì phải theo môi trường ấy. Sướng khổ, vất vả hay nhàn hạ tất cả rồi cũng quen. Sau một thời gian Hà trở nên hoạt bát nhanh nhẹn hơn. Cái mệt nhọc tan biến từ lúc nào cô không hay biết. Sự tươi tắn và tháo vát của Hà làm tiệm ăn ngày càng thêm đông khách. Vợ chồng ông chủ rất quý cô, và thường xuyên thưởng tiền động viên khen thưởng. Trớ trêu thay! Cái hương sắc ấy lại hút luôn cả hồn ông chủ. Sắc đẹp sao mà vừa yêu vừa ghét? Cách ăn nói, thái độ của ông chủ bắt đầu khang khác. Linh cảm phụ nữ Hà nhận rõ điều đó. Cô hoảng sợ. Bà chủ mà biết chuyện này sẽ đuổi việc mình mất. Làm sao bây giờ. Thật là tai hoạ. Hà luôn luôn giật mình. Luôn luôn đề phòng. Cô cầu trời đừng xảy ra điều gì ngoài ý muốn. Hỏi ai là người không lo trước tình thế này? Nhưng lo cũng không được. Đề phòng cũng không nổi. Cái gì đến là nó đến. Không muốn nó cũng cứ đến. Cuối cùng thì phải chịu. Đúng là số phận. Nó đưa đẩy người ta đến đâu thì phải chịu ở đấy. Trách làm sao được.
Một hôm. Lúc nửa đêm ông chủ mò đến chỗ Hà. Cô luống cuóng sợ hãi.
- Bác tìm cháu có việc gì?
- Kìa Hà.... Đừng gọi tôi là bác. Tôi đến thăm Hà thôi.
- Dạ... Nhưng... bác đến đây sẽ không tốt cho cả cháu cả bác.
- Kìa hà. Đừng đuổi tôi.
- Dạ thưa bác, hoàn cảnh của cháu khó khăn, cháu đi làm lấy tiền nuôi con. Bác đến thiên hạ dị nghị đến tai bác gái thì khổ cho các con của cháu.
- Kìa Hà. Đừng sợ điều gì. Tôi thấy cô nhân hậu gặp nhiều éo le trắc trở. Tôi muốn giúp cô. Thực lòng tôi thương quý cô. Muốn chia xẻ với cô. Đây là sự đồng cảm chứ không phải lòng thương hại cô hiểu chứ.
- Không. Cháu không cần. Chấu vất vả quen rồi. Cháu tuổi con út của bác thôi.
- Kìa Hà. Đừng kể tuổi tác ở đây. Thực lòng tôi muốn san sẻ cho em phần nào hạnh phúc của mình. Người như em không thể khổ hạnh mãi được.
- Không. Cháu không cần.
- Tôi thương em.... Tôi sẽ san sẻ hạnh phúc cho mẹ con em.... Đừng lo.... Đừng sợ điều gì.... Hà ơi....
Ông chủ đã ôm gọn Hà ngã xuống giường. Cô không thể giãy giụa được trước tấm thân của người đàn ông ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn cường tráng lắm. Chuyện của ông chủ và Hà bị dư luận xôn xao bàn tán. Bà chủ trực tiếp hỏi cô:
- Cháu ạ, bác nghe dư luận nói về cháu và chồng bác. Đấy là thiên hạ. Bác muốn nghe cháu nói sự thật. Ta đều là phụ nữ mà....
Bà chủ nói chưa dứt câu thì người con gái út xấn xổ vào định túm đánh Hà:
- Mẹ việc gì phải hỏi nói. Để con xử lý cho.
Bà chủ vội can ngăn:
- Bình tĩnh con ạ. Để mẹ hỏi đầu đuôi thế nào đã.
- Mẹ việc gì phải tử tế với lại gái đĩ. Đúng là nuôi cáo trong nhà.
Bà chủ vẫn nhỏ nhẹ:
- Bác không muốn đao to búa lớn. Vợ chồng bác cũng già rồi. Cháu hãy nói lên sự thật để dễ bề giải quyết.
- Dạ... Thưa bác. Cháu biết có nói sự thật bây giờ bác cũng không tin. Cháu không có ý nghĩ nào khác ngoài bổn phận của người làm thuê cho hai bác.
Trời ơi! Có phải hà đã dối lòng bà chủ. Không. Không phải mà. Hà đã nói đúng. Thực sự nói đúng. Nhưng chưa hết, đó mới chỉ là một nửa của sự thật. Chỉ tại vì có những sự thật nhiều khi không dễ nói ra.
Sau lần gặp gỡ bà chủ, Hà thấy tủi cực. Tủi cực cùng độ. Tại đâu.... Phải chăng tất cả cũng chỉ vì cái mưu sinh của mỗi cuộc đời. Rồi cuộc đời lại xô đẩy con người ta đến cái vòng luẩn quẩn tự gieo rắc nỗi khổ cho nhau. Mặc dù trong tiềm thức con người ta không muốn thé nhưng lại làm đúng như thế.
Hà dẫn ông chủ về làng là một sự kiện hiếm. Tin đồn lan đi rất nhanh. Thế cũng là nổi tiếng? Nổi tiếng đến nhục nhã. Hàng trăm hàng nghìn con mắt đổ xô ra nhìn. Nhìn tò mò. Nhìn soi mói. Nhìn khinh miệt. Nhìn mỉa mai giễu cợt.... "úi giời tưởng gì cũng chỉ là đồ đĩ thoã. mà đĩ thoã thì kể gì trai tơ hay ông già. Miễn là tiền. Nhiều tiền. Làm đĩ ấy vậy nhưng nhàn hạ không mất sức lao động....". Khắp các ngõ ngách đường làng, chỗ nào cũng xì xào, to to, nhỏ nhỏ. Lời ra tiếng vào. Không ai sợ uổng sức.... Quần chúng quảng đại quá!
Có ai hiểu được lòng Hà lúc này? Cô muốn điếc! Điếc trước dư luận mà không thể. Cô vẫn nghe thấy. Vẫn cảm nhận được. Thôi đành ngậm đắng nuốt cay!
"Bác đây là người tốt đã mua nhà cho các conở, mua sách cho các con học, mua quần áo đẹp cho các con. Các con phải quí trọng và gọi bằng ba". Hà thường dạy các con như vậy. Hai đứa trẻ quen dần và cũng rất quí ông chủ.
Người ta cười ba tháng chứ có ai cười ba năm. Chuyện đi lại của ông chủ về thăm mẹ con Hà không còn lạ nữa....
Mười lăm năm sau các con của Hà đã khôn lớn. Lưu Ly, Hoài lệ đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Chúng đã san lấp dần những đắng cay cho cuộc đời của mẹ, sự ăn ở của Hà được thời gian minh chứng. Hai khuôn trăng sản phẩm của Hà và Sĩ ngày càng ngời ngời hy vọng. Gia đình họ mạc và Sĩ ai cũng thấy tiếc tiếc, muốn Hà về đoàn tụ với gia đình. Nhưng không. Hà cương quyết không tha thứ. Mặc dù cô vẫn đi lại với gia đình họ mạc của Sĩ và cho hai con nhận bố đẻ của chúng.
Còn Sĩ sau khi li dị với Hà, Sĩ không vào nam nữa. Anh lấy một người vợ hơn anh bốn tuổi, nhưng vốn liếng kha khá. Cứ hai năm anh cho ra một sản phẩm. Lần lượt như thế anh đã sản xuất cả thảy được bốn thiếu nữ tí hon. Vợ vốn đã gầy yếu nay lại càng thêm gầy yếu. Bệnh tật được dịp đua nhau phát tán. Hết mẹ ốm, lại đến con ốm. Chúng nó thay nhau mà ốm. Lũ vịt giời nheo nhóc bẩn thỉu, học hành đúp lên đúp xuống. Chẳng biết mấy năm mới lên một lớp. Nghĩ về gia đình Sĩ thấy ân hận. Bố đã chết vì không có tiền chữa bệnh. Nghĩ đến mẹ con Hà, Sĩ nuối tiếc. Cả đứa con trai nữa. Bây giờ nó ở đâu? Sĩ sẽ tìm. Phải tìm bằng được Thương để gặp nó.... Sĩ ước gì được quay lại sống với quá khứ. Nhưng thực tại vẫn là thực tại. Nó đang hoành hành tra tấn Sĩ. Bi kịch đang giội xuống đầu anh.
Thiếu Hoa