Ngọn Roi
Nguyễn Khánh Linh
Ngọn roi là truyện ngắn lần đầu tiên Khánh Linh gửi cho TTCN. Trước đó, cô đã có truyện in trên báo Người Lao Động số cuối tuần.
Nguyễn Khánh Linh sinh năm 1978, tại Thái Bình, học chuyên văn ba năm cấp III, từng được chọn vào đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi môn văn toàn quốc năm học 1996- 1997. Trúng tuyển khoa xã hội học Đại học KHXH&NV Hà Nội nhưng cô bỏ dở việc học, sau khi làm rất nhiều các công việc để mưu sinh tại Hà Nội, Khánh Linh về quê nhà làm nghề đan làn mây xuất khẩu, đoạt giải Bàn Tay Vàng của tỉnh, rồi làm ở bộ phận kỹ thuật Công ty cổ phần mây tre đan xuất khẩu Minh Khoa. Hiện kiêm nhiệm công việc phòng PR của công ty.
Khánh Linh cho biết đọc Tuổi Trẻ khá thường xuyên, nhưng chủ yếu qua mạng vì ở Thái Bình mua được một tờ Tuổi Trẻ ngày đã khó, còn TTCN thì chưa bao giờ thấy bán tại đây!
-Tôi nhớ mãi những trận đòn của cha. Mỗi khi tôi chơi bời lêu lổng hoặc bị điểm kém, cô chủ nhiệm gửi giấy báo về nhà. Ông bắt tôi tự tay cầm dao đi chặt roi tre mang về. “Nằm sấp xuống!”- ông quát, tay lăm lăm cái roi tre, bao giờ cũng bắt đầu như vậy.
Tôi nem nép nằm xuống chiếu, không quên liếc trộm cha và đoán xem ông đang nghĩ gì. Những khi sắp sửa bị ăn đòn như thế, tôi luôn thầm ước giá như bây giờ có ai đó đến nhà tôi chơi, đồng đội cũ của cha tôi chẳng hạn; hay bác Ầm hàng xóm tự dưng lại lên cơn thèm thuốc lào sang “bắn” nhờ một điếu. Bác Ầm sẽ can cha. Nhưng điều đó rất ít khi xảy ra cho nên việc tôi bị ăn đòn là không tránh khỏi.
- Khánh, biết tội gì chưa?
Cha hỏi tôi. Chiếc roi tre trên tay ông dứ dứ.
Tôi lí nhí:
- Dạ, con biết rồi!
- Tội gì, nói tao nghe?
- Tội... trốn học đi tắm cầu Đen...
Tôi đáp, giọng bắt đầu run. Cha vẫn lăm lăm cái roi tre trên tay, mặt ông lạnh tanh.
- Đi với những đứa nào?- cha hỏi.
- Dạ... con đi... đi với thằng Hảo, thằng Trường...
- Tao đã dạy mày như thế nào, nhớ không?
Tôi lúng búng:
- Dạ... không được trốn học đi tắm sông...
- Vậy tại sao mày không nghe lời? Sao vẫn trốn?
- Tại chúng nó cứ rủ con...
- Biết là sai nhưng chúng nó bảo làm gì mày cũng nghe sao? Tội này đáng đánh bao nhiêu roi?- cha quát.
- Một roi!- tôi lí nhí đáp.
- Không được!
- Ba... ba roi!- tôi ấp úng.
- Không được! Đáng bao nhiêu roi?
Chiếc roi trên tay cha vung lên như chỉ chực giáng xuống. Tôi hoảng hốt đáp bừa:
- Một trăm roi!
Cha tôi lặng im không nói gì. Ông nhìn đi nơi khác trong giây lát. Những lúc như thế tôi nằm im thin thít cầu mong mẹ sẽ xin cha tha tội cho tôi nhưng mẹ tôi vẫn thản nhiên như không hề có chuyện gì. Nước mắt tôi bắt đầu dân dấn tuôn rơi.
- Một roi vì tội trốn học!- cha quát. Chiếc roi tre trên tay ông rung lên.
Vu... vút...
Tôi oằn mình, hai hàm răng cắn chặt. Cảm giác đau rát nơi mông.
- Một roi vì tội tắm sông! Tội này đã tái phạm bao nhiêu lần vẫn không chừa. Chẳng may chuột rút, chết đuối ra đấy thì sao?
Chiếc roi tre trên tay cha lại rung lên.
Vu... vút...
Nước mắt tôi ứa ra. Tôi bật lên tiếng nấc.
- Không được khóc!- cha tôi quát.
Tôi nhắm tịt mắt, cố ngăn không cho tiếng nấc thoát ra khỏi cổ họng. Hai tai tôi ù đi, cảm giác như người bị say nắng.
- Một roi vì tội không nghe lời cha dạy! Lần sau mà tái phạm, tao đánh cho tuốt xác nghe chưa!
Vu... vút...
Tôi nằm im, không còn cảm giác đau đớn mà thấy tê tê. Nỗi tủi thân trào dâng lên trong lòng.
- Cho bò dậy!
Cha không thương tôi, trong đầu tôi luôn có một ý nghĩ như vậy. Khi tôi mắc lỗi, dù lớn hay nhỏ ông cũng lôi tôi ra đánh đòn. Mẹ tôi thương tôi nhưng chẳng bao giờ bà dám can ngăn, mà có can cũng không được. Sau mỗi trận đòn, tôi hay chạy xuống bếp gục đầu vào lòng mẹ khóc tấm tức. Mẹ vỗ về, an ủi rồi đi lấy cao xoa vào mông cho tôi. Nơi những lằn roi nổi lên thành những con “lươn”. Điều đó khiến tôi cảm thấy được an ủi phần nào vì dù sao vẫn còn có tình thương của mẹ...
- Cho bò dậy!- cha tôi quát.
Tôi lồm cồm bò dậy. Không biết vì đau quá hay vì một lý do nào đó mà tôi không nghe thấy lời cha.
- Lần này là ba roi, còn lại tao cho nợ. Nghe chưa! Nếu còn tái phạm một lần nữa tao sẽ đánh đủ một trăm roi. Liệu thần hồn đấy...
Cha nói rồi đứng dậy, gác cái roi tre lên mái nhà. Tôi lò dò đi xuống bếp. Đôi môi tôi mím chặt để ngăn cơn khóc đang chực trào ra nơi khóe mắt. Mắt tôi ráo hoảnh. Những lúc như thế tôi cảm thấy ghét cha vô cùng. Ông không hề thương tôi! Nếu thương cha đã không suốt ngày lôi tôi ra đánh đòn như vậy...
***
Những trận đòn của cha dành cho tôi ít dần đi và chấm dứt hẳn vào năm tôi vừa tròn hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi, tôi học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Hai mươi tuổi mới học lớp 12, không phải vì tôi dốt. Ngay từ lúc mới sinh ra tôi vốn đã còi cọc. Bảy tuổi, trong khi lũ bạn cùng trang lứa được cha mẹ sắm cho giấy vở bút mực thì tôi vẫn èo uột như một đứa trẻ lên năm. Bữa cơm mẹ vẫn phải bế tôi đi rong khắp xóm dỗ dành, đút cho tôi ăn cả tiếng đồng hồ mới hết nổi lưng bát. Vì thế, thay vì đến trường cấp I, mẹ vẫn gửi tôi ở lớp mẫu giáo. “Bé như cái kẹo lại suy dinh dưỡng thì học làm sao được! Đi mẫu giáo còn bị chúng nó cấu cho suốt ngày...”- sau này lớn lên, mẹ kể lại cho tôi nghe như thế.
Hai mươi tuổi, tôi bắt đầu mơ ước viển vông. Cha không còn đánh đòn mỗi khi tôi mắc lỗi mà cha chỉ bảo ban tôi nhẹ nhàng. Tôi hai mươi tuổi còn cha đã gần sáu mươi. Cha gầy và tóc trên đầu, không hiểu sao, đã bạc trắng.
Cũng phải nói thêm rằng nhà tôi ở gần dòng sông Kiến Giang. Những buổi chiều tôi hay ra bờ sông ngồi một mình nhìn đám lục bình trôi dập dềnh trên mặt nước. Con sông mang trong mình ăm ắp phù sa, cuồn cuộn chảy. Nước sông không thấy cạn bao giờ...
Tôi học chuyên văn nên bắt đầu tập tọng làm thơ. Không giống như những đứa bạn tôi, làm thơ rồi cất kỹ đi chỉ đọc một mình. Viết được bài thơ nào tôi chép sạch sẽ trên những trang giấy học trò và gửi đi khắp các tòa soạn báo. Cũng có bài được đăng nhưng phần lớn là rơi vào im lặng. Không nản, tôi vẫn cứ âm thầm viết. Hơn bao giờ hết, trong tôi vẫn trỗi lên niềm khao khát mãnh liệt là một sớm mai nào đó thức dậy bỗng dưng tôi được mọi người biết đến. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã ý thức muốn được khẳng định mình. Tôi bắt đầu mơ những chuyến đi xa...
Một hôm, cha hỏi tôi:
- Con làm thơ đấy à?
Tôi nhìn cha, im lặng. Không gật đầu nhưng cũng không phủ nhận. Tôi không hiểu cha hỏi tôi như thế có hàm ý gì? Từ nhỏ, tôi đã không gần gũi với cha. Chưa bao giờ tôi thổ lộ lòng mình cho cha biết, kể cả những khi vui, khi buồn. Ấn tượng của tôi về cha là những trận đòn. Những trận đòn của cha dành cho tôi suốt những năm tháng tuổi thơ trở thành nỗi ám ảnh đeo đẳng tôi trong cả những giấc mơ, cứ triền miên không dứt. Tôi và cha ít khi nói chuyện. Khi có việc gì đó, tôi chỉ nói với cha một cách ngắn gọn, mang tính chất thông báo. Cha cũng không hỏi. Tôi có cảm giác cha là người lạnh lùng. Sự lạnh lùng đó, tự bao giờ, đã tạo thành hố sâu ngăn cách trong mối quan hệ giữa cha con tôi, không cách gì xóa bỏ...
- Cha rất mừng vì con có chút năng khiếu văn chương - cha bắt đầu một cách khó khăn - Nhưng con cần xác định rõ hướng đi cho mình. Có nhiều con đường để con chọn lựa, nhưng không phải tất cả...
Tôi lặng im ngồi nghe cha nói. Nhưng thật ra tôi đang đuổi theo ý nghĩ của riêng mình. Ngừng một lát, cha nói tiếp:
- Con không thích cha, thậm chí ghét cha... điều đó cha biết! Những điều cha nói rồi sau này lớn lên con sẽ hiểu. Nhưng có một điều con hãy nhớ, khi đánh đòn con cha cũng chẳng vui gì. Không vui nhưng cha vẫn phải đánh đòn con, để cho con không mắc phải những lỗi lầm mà tuổi trẻ các con hay mắc phải. Nay cha mừng vì con đã trưởng thành...
Ngừng lại một lát để hút điếu thuốc lào, cha thong thả nói tiếp:
- Nhưng điều đó cũng khiến cha lo! Lo vì mai này con sẽ bước ra trường đời mà không có gia đình hay người thân bên cạnh. Điều đó có nghĩa con sẽ phải tự bơi một mình, mà cuộc đời lại giống như dòng sông, lúc đục lúc trong, khi đầy khi cạn, lắm chỗ thác ghềnh. Con sẽ phải tự vượt qua tất cả! Điều đó khiến cha không khỏi lo nghĩ...
Tôi định bảo: “Cha cứ yên tâm. Tự con, con biết phải làm gì...” nhưng cuối cùng tôi lại chọn cách im lặng. Lần đầu tiên tôi thấy trong lòng mình gợn lên chút những suy nghĩ khác hẳn về cha. Nhưng chỉ một chút thôi. Giữa tôi và cha dường như vẫn còn một khoảng cách xa vời lắm.
Tôi đi dọc theo dòng Kiến Giang. Đến ngã ba Trung Lương thì dòng sông xé mình thành ba ngả. Một hướng chảy ra biển cả. Một hướng nhập với dòng sông Mẹ - sông Cái, còn một hướng quành trở lại, chảy qua làng tôi. Tôi ngồi ở ngã ba sông cho đến chiều muộn mới trở về nhà. Tôi đã hai mươi tuổi, tôi phải chọn lấy cho mình một con đường. Đường nào, chính tôi cũng băn khoăn và không thể hình dung. Tôi sẽ ra tới đại dương mênh mông hay luẩn quẩn kiếp ao tù nước đọng? Tôi hét thật to lên một tiếng như muốn vỡ toang lồng ngực. Tôi đã hai mươi tuổi rồi...
***
Có gì khác nhau giữa năm mười lăm, hai mươi và hai mươi lăm tuổi? Không đơn giản giống như bạn nghĩ về tuổi ấu thơ và khi đã thật sự trưởng thành. Hai lăm tuổi, tôi tốt nghiệp đại học, xin được việc làm ở thành phố và kiếm được nhiều tiền. Tôi tự hào về khoe với cha, trong lòng dâng lên niềm kiêu hãnh. Khác với những hình dung của tôi, cha tỏ ra bình thản:
- Cha thấy mừng cho con nhưng đừng sớm vội vàng kiêu hãnh. Cuộc đời không ai biết trước được ngày mai sẽ như thế nào?
- Cha...
Tôi bật kêu lên nhưng có cảm giác như đang có gì chen ngang cổ họng. Cha tôi vẫn thế! Ông không hề tỏ ra vui mừng và có vẻ gì là muốn chia sẻ với những thành công của tôi. Tôi thấy uất nghẹn trong lòng. Tôi đã hai lăm tuổi, đã là một người trưởng thành. Tôi tốt nghiệp đại học, biết kiếm tiền và cũng đã có bạn gái. Cô ấy yêu tôi, hoàn toàn tin tưởng và rất tự hào về tôi. Những việc tôi làm, bất cứ lời nào tôi nói ra... cô ấy đều cho rằng tôi luôn luôn đúng. Chúng tôi dọn về sống chung với nhau từ năm cuối đại học và dự định một thời gian nữa sẽ làm đám cưới. Vậy mà cha vẫn coi như một đứa trẻ. Dường như trong mắt cha, tôi chẳng là... “cái đinh gì”! Những việc tôi làm chẳng thấm vào đâu so với thiên hạ. Điều đó khiến tôi vô cùng tức tối. Cũng chính điều đó càng làm cho cái hố sâu ngăn cách tình cảm giữa hai cha con tôi ngày một bị đẩy xa thêm.
Tôi nhớ lại những trận đòn tuổi thơ. Những trận đòn đã trở thành nỗi ám ảnh, tôi không bao giờ quên, không thể nào quên được. Càng nhớ, càng nghĩ khiến tôi càng khẳng định điều mình nghĩ lâu nay là đúng: cha không hề thương tôi! Điều đó khiến cho tôi, một thằng con trai hai mươi lăm tuổi, đang đêm choàng dậy bật khóc.
Tôi quay trở lại thành phố, nung nấu trong đầu cái ý nghĩ bằng mọi cách khiến cha tôi phải thừa nhận tài năng của mình. Người yêu tôi sau khi nghe tôi kể chuyện cũng đã khẳng định những ý nghĩ của cha tôi là sai lầm. Cô ấy cho rằng cha tôi là một người cực đoan, phong kiến và vô cùng bảo thủ. “Nhưng dù sao em vẫn sẽ là vợ anh!- cô ấy khẳng định với tôi như thế. Với em, anh luôn là số 1!”. Điều ấy, ngay lúc đó, khiến tôi như được vuốt ve, an ủi phần nào...
Nhưng tôi đã sai, chính tôi đã sai. Cha mới là người đúng. Tôi lao vào kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Có tiền, tôi bắt đầu tạo dựng những mối quan hệ xã hội cho mình. Có tiền là có danh, lúc ấy tôi đã nghĩ như thế! Không ngờ đó lại là suy nghĩ sai lầm nhất của tôi trong cuộc đời. Chẳng cần phải nói ra, bạn đọc cũng chẳng cần biết tôi đã làm những gì... chỉ biết rằng cái giá tôi phải trả cho sự ngông cuồng của mình rất đắt. Tôi bị mất việc. Tiền hết. Người yêu tôi chạy theo kẻ khác, một đối tác làm ăn với tôi. Những tháng ngày đó tôi như muốn hóa điên. Tôi lúc thì lồng lên như con thú bị trúng thương, khi lại ngẩn ngơ như một kẻ tâm thần. Tay trắng, tôi mới chịu nhận ra mình chỉ là một con ngựa non háu đá. Hai lăm tuổi, tôi thừa tính hiếu thắng và niềm kiêu hãnh nhưng lại thiếu sự suy nghĩ chín chắn để làm một con người trưởng thành.
Giữa lúc đó thì cha tôi cho người ra thành phố đón tôi về. Vẫn như mọi khi, cha tôi không nói gì nhưng bây giờ tôi lại đọc được trong ánh mắt của ông tất cả: niềm yêu thương lẫn sự cảm thông, chia sẻ. Hai mươi lăm tuổi, lần đầu tiên tôi gục đầu vào lòng cha tôi òa khóc. Lúc ấy, tự dưng tôi thèm được cha bắt nằm sấp xuống chiếu rồi đánh đòn tôi như ngày tôi tuổi mười lăm...