Giả Sử
Trần Viết Minh Thanh
Người ta nhìn lui về lịch sử để học hỏi, để nghiên cứu nhưng không ai có thể quay ngược thời gian được. Trong ngậm ngùi, tiếc nuối, hoặc phẫn nộ, thắc mắc người ta chỉ có thể đặt những câu giả sử. Giả sử như thế này, thế nọ, thì lịch sử đã khác như thế nào? Chắc không có câu trả lời rõ ràng. Thế nhưng trong trường hợp chiến tranh Việt Nam có một câu giả sử ta có thể nhìn thấy viễn tượng của nó.
Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết giữa Việt Nam và Pháp, trong đó có điều khoảng định rằng năm 1956 sẽ có một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Miền Bắc đã vin vào cớ đó để tiến quân vào miền Nam, vì chánh phủ miền Nam đã không theo hiệp định Geneva. Nếu có một cuộc tổng tuyển cử thì chắc ai cũng đồng ý rằng miền Bắc sẽ thắng và Việt Nam đã được thống nhất từ năm 1956. Như thế nhiều sinh mạng của dân hai miền Nam, Bắc đã không bị mất trong một cuộc nội chiến tương tàn, người dân bỏ tâm trí, và thời giờ vào trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá.
Có thế chăng?
Hãy lấy mốc điểm thời gian ba mươi năm, từ 1956 đến 1986. (Cuối thập niên 80 là lúc Việt Nam theo chân các nước Cộng Sản bắt đầu mở cửa ra thế giới bên ngoàị) Trong ba mươi năm đó, có thể luận rằng kinh tế Việt Nam cũng từa tựa như các nước cộng sản cùng thời: Liên Bang Sô Viết, Trung Quốc, các nước Ðông Âu, Bắc Hàn, Cuba vvv. Với vựa lúa miền Nam phì nhiêu, may ra Việt Nam đủ nuôi dân trong nước, người dân không phải chờ chực thực phẩm hàng dài như các nước Cộng Sản khác, nhưng với những hàng hóa, dịch vụ khác có lẽ Việt Nam cũng không đi ra ngoại lệ, nghĩa là người dân phải xếp hàng chờ chực mua nhu yếu phẩm.
Với chính sách kinh tế tập trung và công hữu hóa tư liệu sản xuất, người dân chỉ sản xuất vừa đủ sống, không có hứng chí kinh doanh, tạo của cải riêng cho mình. Thế nên trong thời gian "giả sử đó," Việt Nam không thể nào đi ra ngoại lệ, mà phát triển kinh tế giàu mạnh như nước láng giềng Thái Lan chẳng hạn. Có lẽ phải đợi đến thập niên sau, lúc mà các nước Cộng Sản cùng nhau mở cửa đi vào kinh tế thị trường. Lý luận sâu hơn, Việt Nam cũng chẳng có các nhà kinh doanh miền Nam còn sót lại, không có các Việt Kiều ở ngoại quốc về, các nhà kinh doanh của thế hệ mới rất lúng túng vì không có những khuôn cách làm ăn, cũng như không hề có khái niệm luật lệ thương mại quốc tế.
Trên mặt văn hóa, thì có văn hóa hai miền để có sự so sánh rõ ràng. Trong hai mươi năm chiến tranh, văn hóa miền Bắc, từ văn chương, báo chí đến thơ, âm nhạc chỉ là công cụ phục vụ chế độ. Mọi nỗ lực của các nhà văn, nhà báo để phát huy văn hóa một cách tự do đã bị nhận chìm, như trường hợp Nhân Văn, Giai Phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ đã bị kiểm tra, thậm chí nằm khám, những người khác đã chọn sống trong nhẫn nhục. Trong các nhạc sĩ sống dưới chế độ miền Bắc, đứng trên hết là nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ không thể nào chỉ có chừng đó sáng tác được. Nếu sống ở miền Nam, ông đã có nhiều bài hát khác để lại cho thế hệ sau. Thật đáng tiếc!
Cùng thời, văn hóa miền Nam đã phát huy mạnh mẽ. Thế hệ đầu tiên, văn học phản ảnh tinh thần cúa miền Nam, có những phấn khởi, tin tưởng của một miền Nam đang xây dựng, với Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Hoan, Duyên Anh, Ngô Thế Vinh, Lê Tất Ðiều, v. v. ... Rồi sau đó là những triết lý ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, áp dụng cho tầng lớp Việt Nam đang mở rộng, song song với những triết lý xuất phát vì thời cuộc. Thời đó còn có vô số tiểu thuyết phản ảnh xã hội qua nhiều cây viết nữ Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn thị Thuỵ Vũ, những chuyện tình lãng mạn, thân phận đàn bà trong một xã hội chuyển mình với Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng v. v. ... Tất nhiên nếu sống dưới chế độ Cộng Sản thì không ai dám viết và phát biểu tư tưởng như vậy. Bằng cớ là sau năm 1975, vô số sách báo Việt Nam bị chế độ CS liệt vào văn chương đồi trụy, chưa kể những sách báo bị lên án là phản cách mạng! Cảm hứng của nhà văn, nhà báo, của thi sĩ, nhạc sĩ mà bị chận đứng ngang chừng sẽ tắt tịt luôn. Không có nguồn cảm hứng có thể được viết lại đầy đủ, ba mươi năm sau. Mỗi khi những cảm hứng đó không được phát biểu ra trang giấy thì coi như không có, bị cuốn đi theo giòng thời gian.
Chúng ta sẽ chẳng có Ðinh Hùng với “Rồi buổi ưu sầu em với tôi, Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời”, hay Thanh Tâm Tuyền tâm sự: “Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới ..”, Du Tử Lê triết lý: "Con dế buồn tự tử giữa đêm khuya", và Nguyên Sa ngồi nơi quán cà phê ngắm chiếc áo dài tha thướt đi qua: Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông ...”
Bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu giòng nhạc vàng không được phát triển, nếu Cộng Sản cai trị cả nước. Tất cả sẽ lui bước cho giòng nhạc đỏ gây cấn, khô khan. Mà chiếc áo dài có lẽ chỉ thấy trên màn ảnh xa xa qua các phụ nữ được may mắn làm trong bộ ngoại giao những lúc tiếp xúc các phái đoàn ngoại quốc. Ngày thường các phụ nữ Việt Nam chắc chỉ có bộ áo bà ba đen, hoặc áo bốn túi giống ông bạn hàng xóm khổng lồ. Ðến thập niên 90, khi nhà nước khuyến khích người dân phát triển nghệ thuật, những chiếc áo dài tất nhiên cũng sẽ phát triển chậm hơn. Chẳng biết hình ảnh cô nữ sinh áo dài trắng có chỗ đứng trong xã hội hay chăng?
Thời tôi lớn lên, là thời của Ngô Thuỵ Miên, tình ca Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, những ca khúc sinh viên, học sinh ưa chuộng. Tôi không rành các bản nhạc đại chúng, nói trắng ra là nhạc sến . Thế nhưng, cách đây vài năm, tình cờ nghe trên đài phát thanh Việt Ngữ những lời như thế này:
Có người con gái buông tóc thề
Thu về e ấp chuyện vu quy
Khoác lên tà áo màu hoa cưới,
gác trọ buồn đơn côi
Phố nhỏ vắng thêm một người ... (*)
Bất giác tôi hát theo được một đoạn, và cảm thấy lòng xúc động vô vàng. Tôi thấy mình trở về con xóm Sài Gòn, trưa hè, qua tiếng radio vặng to nhà hàng xóm, giọng hát cúa một người ca sĩ vang lên, hình như cô được mệnh danh là con nhạn Gò Công, chốc chốc lại có tiếng hát nữ bên kia hàng rào phụ họa theo ... Các câu của bài hát này có phù hợp với định nghĩa sến, hoặc uỷ mị của nhạc vàng? Không, các bài hát này là phản ảnh cả một tâm tình của một thế hệ, thế hệ mà người đàn bà của giao thời, tuy có đóng góp với người Nam, nhưng vẫn còn e ấp, ngại ngùng ... Nàng đã yêu nhưng còn giữ lòng. Cuối thế kỷ 20, bước sang thế kỷ 21 này không còn các hình ảnh như thế nữa ... Ðàn bà thế kỷ mới mạnh dạn hơn nhiều. Thời gian đi qua không quay trở lại được, cũng như các cảm hứng, ý nghĩ không thể để dành sang một bên, đợi cho thời thế thay đổi mới viết ra thành bài thơ, giòng văn, lời nhạc ....
Nếu như năm 1956 đất nước thống nhất thì Việt Nam cũng mất đi một nền văn hoá phong phú và đặc sắc. Ðó là một viễn tượng đáng sợ, tôi không dám nghĩ xa hơn. Trong tháng kỷ niệm ba mươi năm này, tôi chỉ có lòng thành xin cầu nguyện cho tất cả những người đã mất vì cuộc chiến, và vì tổ quốc. Tôi cảm ơn các bà mẹ, bà vợ Việt Nam đã hy sinh cho con, cho chồng mình, các chiến sĩ đã bỏ mình vì hai chữ Tự Do. Hai chữ có thật, đầy đủ ý nghĩa. Hãy nhìn lại kho tàng văn hoá miền Nam thì rõ.
(*)Nỗi Buồn Gác Trọ
Mạnh Phát - Hoài Linh