Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Những Đêm Mưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11544 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những Đêm Mưa
Linh Bảo

Chương 7

Trời mưa dầm đã mấy hôm, Trang không thể đi đâu và cũng ngán không muốn làm gì cả. Suốt ngày nàng phải giữ cho hai con bé khỏi chạy ra ngoài sân nghịch nước là một việc khó nhọc vô cùng. Mỹ và Thu bị quẩn chân phá phách đủ mọi thứ làm Trang càng mệt thêm. Mẹ Trang hết tụng kinh lại vào phòng nằm lim dim như ngủ. Thực ra Trang biết mẹ không ngủ, bà chỉ muốn nhắm mắt để tránh khỏi phải nhìn, phải nói chuyện với người khác. Có những lúc người ta muốn thu nhỏ mình lại, muốn biến vào hư vô muốn lẫn vào khoảng không, muốn tránh mặt từ người thân, kẻ lạ cho đến ngay cả mặt mình cũng không muốn nhìn, không muốn biết có sự hiện diện của mình nữa. Mẹ Trang đang ở trong tình trạng khủng hoảng tinh thần đến cùng cực ấy.
Từ ngày cô Tư về, Ông dọn đến sở ở hẳn, và bắt đầu từ đấy các bà bạn của Bà ngày ngày cứ đến nói rằng thăm, kỳ thực cốt để mách những chuyện « tai nghe mắt thấy », làm cho bà muốn để lòng thanh tịnh tu hành cũng không được. Niềm tủi hờn từ thuở xưa lại lảng vảng đến dằn vặt làm hoen ố những ngày tháng tinh khiết.
Cô Ngọc mách nào là hai người ngồi chung một xe xích lô dạo phố, nào là ông mở sâm banh thết tất cả sở lúc họ kéo đến chúc mừng « vườn mới thêm hoa ». Cố nhiên là những chuyện ấy ông dặn người nhà không được kể lại cho bà biết, nhưng dấu làm sao được mọi người những tin hàng đầu giựt gân đặc biệt như thế!
Còn các bà bạn tự nguyện làm trinh thám tư không phải họ tốt gì với bà, nhưng chỉ vì do cái tính ngồi lê đôi mách quen rồi, biết thì không thể không nói được, nhất là họ rất muốn xem bà đau khổ như thế nào, phản ứng như thế nào, đánh ghen như thế nào v. v. Tất cả đều là những tin động trời cho cái xứ buồn bã trầm lặng, quanh năm không xảy ra một chuyện gì lạ ngoài những chuyện thăng quan tiến chức, và bắt ghen đánh ghen này!
Mẹ Trang không vui nhưng bà lặng thinh cố chịu một mình. Trang cũng cảm thông nỗi buồn khổ của mẹ mà không dám gợi ra, chỉ tìm cách giúp mẹ khuây lãng. Nàng biết mẹ không bao giờ nhỏ mọn, từ ngày xửa ngày xưa bà đã không hề bắt chồng phải tuyệt đối trung thành với mình, nhưng theo ý bà dù sao cũng phải tế nhị một phần nào, đừng làm tổn thương lòng tự ái của người vợ tao khang quá đáng.
Cả tòa nhà ngang dẫy dọc bây giờ đâm ra lặng lẽ âm thầm. Suốt ngày thỉnh thoảng mới có tiếng động: tiếng tụng kinh của mẹ Trang sớm và chiều. Nếu không có hai bé con chạy ra chạy vào thì người ta tưởng đấy là một căn nhà bỏ hoang. Ngoài ra còn có tiếng cãi nhau của hai vợ chồng láng giềng. Nhưng vài ba hôm họ mới cãi nhau một trận nên mọi người không phiền lắm.
Trong cảnh mưa dầm hôm nay, mỗi người ở một nơi, và mỗi người mang nặng trong lòng một niềm tâm sự. Ba Trang ở sở đang hưởng tuần trăng mật, ông và cô Tư chắc bận xây những giấc mộng tuyệt vời. Mẹ nằm vờ ngủ trong phòng riêng, tránh không cho mọi người trông thấy vẻ tiều tụy của mình. Chắc bà không nghĩ đến tương lai, cái tương lai gần trong hiện tại nó đen tối u uất làm sao! Ttương lai của bà ở thế giới Niết Bàn mà bà đã ra công bồi dưỡng mấy chục năm nay mới thực là đẹp, nhưng cái tương lai ấy sau khi chết mới được hưởng, và bà cũng như mọi người chưa muốn nghĩ đến cái chết của mình.
Trong lúc này chỉ có thể vui mơ về quá khứ. Quá khứ lúc nào cũng đẹp! Thực ra không hẳn thế, có khi phần xấu còn nhiều gấp bội nhưng khi đã thành quá khứ ai cũng sẵn lòng quên, huống chi trong hiện tại đen tối thì quá khứ là những ngày giờ vàng ngọc, là những năm tháng thần tiên đáng cho người ta hồi tưởng nhớ nhung lắm.
Tâm hồn bà hiện giờ đang mang nặng một vết thương mà những câu kinh nhiệm mầu . « sắc thị không, không thị sắc, sắc sắc không không . . » cũng không thể nào trị nổi . Bà đã hy sinh mấy chục năm trời cho chồng con, cho gia đình để đến lúc về già . . giờ đây, nằm còng queo gối tay trên chiếc phản gỗ không nệm, mỗi lúc trở mình là rêm tất cả các khớp xương. Nguồn an ủi của bà chỉ còn là cảnh Bồng Lai ở bên kia thế giới, vì những câu kinh tối nghĩa không giúp ích gì cho hiện tại. Hơn nữa ngoài sự đau xót cho mình còn phải đau xót cho những đứa cháu bé không cha, đau cuộc đời mình chưa đủ còn đau cho cuộc đời của đàn còn, mỗi đứa giữ một mớ « kỷ niệm » của tình duyên ngang trái.
Hàng ngày, ngoài giờ tụng kinh bà nằm lịm trong phòng riêng như thế để mơ đến quá khứ. Trời! Quá khứ mới đẹp làm sao! Những ngày hoạn nạn, nghèo túng, những giờ phút rau cháo có nhau, những lúc gia đình nguy biến, ông bà đã siết chặt tay nhau chèo chống. Những lúc ấy không bao giờ có một người đàn bà khác chen vào, chỉ khi nào tai qua nạn khỏi, cuộc sống dồi dào con người mới sinh ra đa sự!
Gần đến giờ lên đèn, tiếng vợ chồng ông Túy cãi nhau lại nổi dậy. Dù Trang không muốn nghe vẫn cứ lọt vào tai vì họ hét to quá. Cặp vợ chồng này lúc cãi nhau là trình bày tất cả những chữ tốt đẹp nhất trên đời mà không hề ngượng miệng. Trời mưa dầm như thế này không đi đâu được, ở nhà không có việc gì làm, không có chuyện gì nói, cũng không phải loại tìm vui trong sách báo , và cặp vợ chồng này cũng không có thói quen « tương kính như tân », thì ngoài cãi nhau ra còn biết làm gì?
Trang mỉm cười vì đang nghe đến đoạn kịch liệt và « văn chương » cổ điển nhất, thì bỗng thấy anh Bê ở ngoài đi vào, cả người anh ướt sũng. Anh run rẩy nói:
- Chị cho tôi xin một ly rượu, rượu gì cũng được, lạnh chết mất!
Trang vội vàng tìm chai rượu thuốc rót một ly đưa cho anh ngạc nhiên hỏi:
- Áo mưa anh đâu ? Ðội nón lá thế kia thì ăn thua gì!
Anh Bê uống cạn cốc rượu, mặt dần dần bớt tái, mắt tinh thần hơn. anh cổi áo vắt nước và lấy khăn lau mặt nói:
- Áo mưa tôi bị chuột cắn đưa nhờ người ta vá chưa xong. Chà, không ngờ hôm nay mưa to quá!
- Bộ 12 Bà Mụ gọi đi cho kịp giờ đầu thai hay sao mà vội vàng thế? Ði đâu đợi tạnh bớt không được sao?
- Tôi cũng mong được đi đầu thai nơi nào khác cho khỏe một chút! Kiếp này khổ đủ rồi! Cho tôi xin ly nữa chị. Nghĩ cái đời tàn của mình không say thì cũng cố kiếm dịp mà say. Say lăn lóc, say cho khỏi mắt thấy tai nghe, bởi vì chỉ thấy, nghe toàn những chuyện chướng tai gai mắt!
- Anh bi quan quá!
- Không bi quan thì muốn lạc quan cũng không nổi ! Mưa như cầm chĩnh đổ thế này mà cô ấy ăn rở thì tôi chỉ có nước chết!
Trang trêu:
- Ơ kìa, người ta ăn rở mặc người ta, quan hệ gì đến cái sự sống với chết của anh! Ðời người đàn bà còn gì thú hơn ăn rở nữa! Phát tài là một, thêm đinh là hai, toàn chuyện thế nhân ao ước cả! Ai ăn rở được thì cứ việc phình bụng ra mà ăn!
Anh hậm hực:
- Ăn rở là việc riêng của cô ấy đã đành! Nhưng tôi thân tàn ma dại như thế này, trời lại mưa to gió lớn như thế kia, cái gì có sẵn trong nhà cô không thèm rở, lại rở cái món nước đá có chết tôi không? Từ Nội thành xách bình thủy ra tận phố để mua mấy cục nước đá về cho cô xơi. Còn vài bận như thế này nữa chắc tôi phải đặt sẵn quan tài trước cho vừa ý.
Anh ngừng một lúc thở dài nói tiếp:
- Nghĩ cái thân làm hầu non ông già cũng sướng thực. Cái thứ đàn bà ốm nghén ai mà không nôn ọe. Ốm nghén thì đời nào chết ai mà đêm hôm cũng bắt đi mời thầy thuốc. Thuốc tây, thuốc ta, thuốc nam, thuốc bắc đủ cả, một ngày cô xơi tám mươi lăm thứ thuốc, không hiểu tại sao còn chưa trúng thuốc lăn đùng ra đấy cho rồi. Lại còn cả ngày bà con tới thăm nầm nập, tôi chỉ một việc pha trà hầu nước cũng đủ thở ra hơi tai rồi.
Biết anh giận, Trang cố ý trêu:
- Thì « Lão bạng sanh châu », anh không lo nhưng « đương sự » người ta lo. Tâm sự ai nấy biết, con ai nấy thương! Chuyện anh cho là không quan trọng nhưng đối với người khác lại rất quan trọng thì sao?
- Thôi đi, chị bênh cô ta phải không? Cái thứ ốm nghén lúc bắt đầu ai chẳng ựa hơi lên. Chỉ có cô mới ựa hai cái đã bắt đi mời bác sĩ. Nghĩ cũng tội nghiệp cho cái thân ông bác sĩ, nửa đêm trời mưa trời gió đang ngủ trong chăn ấm cũng bị dựng đầu dậy để đi xem bệnh cho cô. Tưởng cô trúng phong trúng gió hay thập tử nhất sanh thế nào, hóa ra cô chỉ . . . ựa!
Anh lảo đảo đứng dậy tựa vào tường có vẻ muốn ngả:
- Ăn vô thì dễ móc ra thì khó, tẩm bổ vừa chứ tẩm bổ cho lắm rồi thì đẻ không ra mà khốn.
Trang nhìn anh ái ngại. Toàn thân anh như một bộ xương bọc da, nhất là đôi mắt không còn tinh thần. Ðã nhiều lần Trang khuyên anh bớt uống rượu và lo giữ gìn sức khỏe, nhưng mỗi lần nói là một lần cãi nhau không bao giờ đi đến đâu cả. Bệnh nghiện rượu của anh đã trầm trọng quá chỉ một phần, còn một phần anh tự đắm mình vào những cơn say túy lúy để quên cái đau của tâm hồn.
Mồ côi từ bé, anh đến với gia đình Trang từ lúc mới lên bẩy. Anh sống nhỏ làm con nuôi, lớn lên vẫn theo gia đình Trang đi khắp nơi, làm một người quản gia trung thành. Anh đã từng có nhiều cơ hội để tìm việc làm hay rời khỏi gia đình Trang, nhưng anh từ chối tất cả. Anh thích sống nơi anh đã coi như gia đình của anh, cùng chia hưởng tất cả những vui buồn, hoạn nạn. Ba Trang cưới vợ cho anh nhưng anh đi theo gia đình Trang mà không cho vợ đi. Chị Bê cũng thích ở nhà tiếp tục công việc buôn bán của chị. Hai vợ chồng như Ngưu Lang, Chức Nữ hàng năm mới có dịp gặp nhau một lần.
Có lẽ tại chỉ Bê đảm đang quá nên nghĩ đến cảnh nhàn nhã trong một đại gia đình chị không quen và không thích sống tù túng. Chị thích buôn bán tảo tần, không cần anh cung cấp, có khi chị còn cung cấp trở lại cho anh Bê nữa là khác. Hai người chỉ sinh được một trai và đặt hết hy vọng vào đứa con rất thông minh ấy. Chẳng may hồi loạn lạc con chị bị bắt trong một cuộc bố ráp trả thù của Pháp, và bị sắp hàng bắn cùng hai chục thanh niên khác, cậu bé mới mười chín tuổi!
Từ ngày mất con anh Bê đâm ra tuyệt vọng chán đời đến cực điểm. Tự biết mình không khỏe lắm, và đến cái tuổi không thể sanh nữa, cha già con muộn, sanh ra rồi chẳng may mình chết đi lúc con còn bé, vứt một đứa bé mồ côi ra ngoài đời để nó lại tiếp tục một cuộc sống, cũng có thể là giống như mình vậy, anh Bê không muốn. Anh không còn mục đích, không hy vọng, chai rượu không rời khỏi tay anh nữa!
Không ai khuyên được anh, kể cả chị Bê. Mặc dầu chị Bê còn đau khổ hơn cả chồng. Suốt đời chị tuy có chồng nhưng không bao giờ sống chung dưới một mái nhà, chị chỉ có một đứa con để an ủi, đứa con chị đã săn sóc nuôi nấng từ bé cho đến khi khôn lớn, bỗng bị cướp đi một cách oan ức.
Từ thuở còn con gái chị đã phải mỗi sáng gánh một gánh chè tươi ra chợ bán, đến lúc lấy chồng cũng vẫn sống như thế, và suốt mấy chục năm chị vẫn nhờ gánh chè để nuôi con khôn lớn. Cho đến bây giờ, đã thành một con người già trước tuổi, chị vẫn còn phải gánh chè tươi ra chợ bán không thay đổi chút nào.
Cuộc sống con gái hay có chồng của chị chỉ khác ở tiếng gọi « chị Cửu » theo cái hàm Cửu phẩm Văn giai, một chức tước hạng bét, hữu danh vô thực, Triều đình đặt ra cho vui, của anh Bê, ngoài ra không có một kỷ niệm gì khác hơn. Và bây giờ đời chị tàn dần trong gánh chè tươi, đời anh Bê tàn dần trong cốc rượu
Anh Bê bế con Thu lên hôn và nói tiếp:
- Tôi ở trong nhà này từ bé, mẹ coi tôi như con, mẹ có bao giờ sai tôi những việc như ngày nay người khác sai tôi đâu! Hà, đời mẹ, tôi chưa bao giờ thấy được hoàn toàn sung sướng cả. Tu nhân tích đức cho lắm vào để rồi kết quả như thế đấy! Bao nhiêu công lao đổ cả xuống sông xuống biển, xây dựng khó nhọc để rồi cho chúng hưởng!
Giọng anh trở nên mơ mộng:
- À, cũng có. Hồi ấy ba rất trẻ và rất đẹp trai, me cũng đẹp lắm, đẹp mê hồn nữa là khác. Ba làm thêm rất nhiều việc, hoạt động rất nhiều ngành, mẹ cũng giúp đỡ phần lớn. Tôi còn nhớ có khi các hãng bên Pháp đặt hình phong cảnh hàng nghìn tấm, cả nhà phải làm đêm. Hình thì chụp kính chứ không phải như phim bây giờ, phải cầm từng miếng kính chao đi chao lại trong nước lã cho sạch chất thuốc, nước lạnh buốt cóng cả tay nhưng cả nhà cùng làm việc vui ghê!
- Rồi cái hôm ba được thăng chức . . .
- Tôi biết, hình như chỉ ăn mừng trong nhà, mỗi đứa trẻ con được một khúc bánh mì với chả.
- Chị còn nhớ hồi ba đi Saigon về lúc nửa đêm với chiếc xe hơi đầu tiên, mua cho các chị quà gì không?
- Sao lại không? Phần tôi được một con cóc sành làm bùng binh.
- Món đồ chơi chị nói chuyện với nó không bao giờ chán.
- Ờ mà hồi đó ba hay đi Saigon luôn.
- Cố nhiên. Ba làm thêm với hãng Pathé chuyên thu đĩa hát Cải lương. Các nghệ sĩ, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Chơi, hồi ấy đều là bạn thân. Ba chuyên đặt lời ca những bài bản lớn như Văn Thiên Tường, Trường Tương Tư v.v… để vô đĩa. Hãng trả tiền mua nổi xe hơi là phải biết!
- Ờ, Ờ, Hồi đó nghe mãi nên tôi còn thuộc lời ca vài bài. Không ngờ ba tôi lãng mạn, làm lời ca tình tứ du dương đến thế.
- Rồi lúc các chị lớn, Hoài làm thơ, Huệ đánh đàn, Dung kể chuyện dù láo thiên láo địa đến đâu nghe cũng y như thực, Trang mơ mộng một mình và viết nhật ký rồi xé đi . . . Những ngày ấy vui quá chị nhỉ! Bây giờ mỗi người một nơi . . . .
- Mẹ mong các chị được hưởng thái bình thế mà rốt cuộc bây giờ lăn ra ngoài đời, ai cũng . . . Chuyện đời nghĩ thực là . . Hừ . . .. Biết thế ngày xưa . . .
Trang ngắt lời:
- Thôi, anh đừng nhắc lại nữa! Anh biết nhiều lắm. Anh cứ giữ lấy những sự hiểu biết của anh làm của gia bảo để dành chết đem theo, đừng nói với tôi nữa!
Anh trở giọng lè nhè cười:
- Chị cho tôi hai mươi đồng đi nhắm rượu, tôi giữ hai em cho chị suốt chiều nay.
Trang đưa hai mươi đồng, anh cầm lấy có vẻ bằng lòng lắm, dắt con Thu và Mỹ ra khỏi phòng nói:
- Thu, Mỹ. Bà cho cậu tiền uống rượu, Me cho cậu tiền uống rượu. Khi nào cháu lớn lên có tiền mà cậu còn sống thì cũng nhớ cho cậu tiền uống rượu nghe không?
Hai con bé không hiểu gì nhưng thấy được dắt đi chơi vỗ tay reo ầm lên:
- Nghe , nghe!
Còn lại một mình trong phòng Trang tê tái nghĩ đến sự đổ vỡ ghêgớm. Ðại gia đình, tiểu gia đình, tất cả đều rất kiên cố mà cũng rất mỏng manh! Trong nhà Trang, từ cha mẹ cho đến các anh chị em, không ai có tài năng gì xuất chúng cả, nhưng không hiểu sao mà lắm tai nạn rủi ro đến thế được. Nếu có tài còn đổ thừa cho « chữ tai một vần » đằng này toàn là những kẻ ngây thơ vô tội cả!
Dung ở Saigon thức khuya dậy sớm tảo tần nuôi hai con dại, Huệ đang sống dở chết dở ở hậu phương với một đàn con và đức lang quân thi sĩ nghe nói có một khối ghen kinh khủng. Hoài gởi bé Thu cho mẹ, đang lang thang ở Pháp gắng học tìm quên, Trang về nương náu với gia đình mà bây giờ đi cũng dở, ở cũng dở.
Mẹ già hiu quạnh nằm ôn lại dĩ vãng . . Mỗi người đều mang một vết thương nặng không một danh y nào chữa nổi vì đó là những vết thương vô hình. Còn ba Trang, tuy đã già vẫn còn đầy « nghệ sĩ tính », chắc cũng không hẳn hoàn toàn sung sướng, mặc dầu hiện tại ông có vẻ dễ chịu hơn tất cả .
Sự thực ba Trang cũng rất khó xử. Ðối với người vợ tao khang, người vợ ngày xưa đã có một thời được gọi là « tuyệt sắc giai nhân », người vợ ông đã phải tranh đấu với tất cả trăm nghìn trở lực gia đình mới cưới được, người vợ hàng bốn mươi năm trời chia ngọt sẻ bùi, cùng chung hoạn nạn. Dù không kể lương tâm thì cũng cần thể diện không thể nào dứt hẳn được. Ông không dám bỏ vì sợ thiên hạ chê cười có ảnh hưởng đến sự nghiệp và danh tiếng, chứ thực ra Ông đã chán lắm rồi. Chán mà vẫn phải tử tế, thực khổ tâm làm sao!
Sau khi đã chia đôi lãnh thổ, đem cô Tư sang lập tiểu gia đình tại sở, thỉnh thoảng ông lại tự cười thầm mình. Trong số Tử Vi của ông, ngày xưa có một ông thầy chấm cho ông và diễn tả bằng thơ trong có câu « . . Ðông thệ Tây minh tâm tự Thạch » , thạch là đá mà Thạch cũng là Thạch Xuyên, biệt hiệu làm thơ của ông. Nhiều cách giải nghĩa làm ông cứ tưởng mình tài giỏi, chắc sau này sẽ có cơ hội đi Sứ các cường quốc, dùng ba tấc lưỡi nói dóc đem thịnh vượng lại cho quốc gia, không ngờ ngày nay ứng nghiệm rõ ràng, chỉ sai ở chỗ ông không đại diện cho quốc gia mà chỉ đại diện cho chính bản thân mình. Và hai giang san thu hẹp lại là hai gia đình, cũng là « tiểu giang san » chứ sao! Từ nhà đến sở và từ sở về nhà, cứ phải « Ðông thệ Tây minh » mãi cũng oải cái thân già lắm chứ !
Ðôi khi thử so sánh, một bên là bà vợ chánh thức, cùng chia ngọt sẻ bùi từ thuở hàn vi, công lao đối với gia đình rất nặng. Một bên là cô Tư trẻ đẹp, biết nũng nịu, biết chiều chuộng sự cần dùng của ông .. . bên nào nặng, bên nào nhẹ?
Chao ơi! Cái sứ mệnh Ðông thệ Tây minh, đem thịnh vượng lại cho cả hai tiểu giang san mới nặng làm sao! Ông cho là còn khổ hơn, khó hơn đi Sứ đại diện cho quốc gia cả trăm lần, thảo nào mà chính Khổng Tử cũng nhận là phải tề gia rồi mới trị quốc được!
Ông đã có ý định đối xử rất công bình, mà lúc nào cũng thấy đầu cân bên cô Tư nặng hơn! Chứng cớ là hàng tuần ông chẳng về qua nhà thăm bà một lần, và nếu có dịp tình cờ ghé lại một lúc, ông cảm thấy xa lạ như khách, chỉ ngồi nói vài ba câu chuyện nắng mưa trước tách nước trà rồi ra về, về nơi cô Tư đang chờ đợi.
Lắm khi thấy bà sống quạnh hiu, thấy bà mừng rỡ cảm động ra mặt khi gặp ông, dù chỉ năm mười phút, thấy bà buồn rầu khi ông dứng dậy, lương tâm ông hơi cắn rứt, mà như thế thì phiền lắm, giờ phút này cái món lương tâm ông chỉ muốn gói kỹ lại cất vào đáy rương, ném chìa khóa xuống sông Hương cho nó mất tích đi. Ðến nước này chỉ còn cách không thăm viếng là khỏi phải bận lòng !
Lắm lúc vì nể không thể từ chối lời mời khẩn khoản của bà, ông hứa sẽ trở lại ăn cơm chiều thì lần nào cũng đều sai hẹn. Một phần vừa hứa xong ra khỏi nhà ông quên ngay lập tức, một phần cô Tư không cho ông đi. Cô ngăn cản ông bằng đủ mọi cách, có khi nũng nịu nói hẳn ra mặt cô không muốn ông gặp bà, có khi cùng ra khỏi cửa cô đổi hướng đi về lối khác, cô đòi dạo mát hồ Tịnh Tâm, bến Thương Bạc, hay đến thăm bà con của mình. Còn ông cũng như những người hùng dại gái khác, một khi đã thành « tù binh » của phái yếu rồi, chỉ còn cách nhắm mắt phục tùng mệnh lệnh mà thôi!
Những tiếng chuông ngân nga bỗng nổi lên trong cảnh tĩnh mịch sau một cơn mưa gió, Mẹ Trang đã bắt đầu tụng kinh chiều. Giọng bà lúc trầm trầm lúc lên cao, như thổn thức, như kể lể những đau thương của mình với thần linh. Trang nghĩ thầm may mà mẹ còn có thể tìm thấy một chút an ủi, dù không thực tế, nhưng cũng giúp bà qua được những giờ phút tối tăm nhất của cuộc đời!

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 167

Return to top