Ilyax đứng dậy đi ra hành lang.
- Tôi ra ngoài thở một lúc cho thoáng - anh ta đứng ở cửa nói.
Tôi ngồi lại trong buồng toa. Bầu trời sắp rạng đông đung đưa ngoài cửa sổ thành một dải trăng trắng. Những cột dây thép mờ mờ vút qua. Đã có thể tắt đèn được rồi. Tôi nằm trên giá ngủ và nghĩ xem có nên kể cho Ilyax nghe những chuyện tôi đã rõ mà anh ta còn chưa biết không? Nhưng mãi anh ta vẫn không quay vào. Thế là tôi cũng không kể lại được gì cho anh ta biết hết.
*
Tôi đã có dịp làm quen với anh trạm trưởng cầu đường Baitemir vào lúc Ilyax đã biết rằng Axen cùng đứa con trai sống ở trên đèo.
Người ta đang sửa soạn đón đoàn đại biểu cán bộ cầu đường xứ Kirghizia sắp lên Pamir. Nhân dịp đó có một tờ báo của nước Cộng Hoà Tatgikixtan giao cho tôi viết một bài về các cán bộ cầu đường.
Trong số những đoàn viên có Baitemir Kulôv, một trong những cán bộ cầu đường xuất sắc nhất.
Tôi đi lên Độ Long để tìm gặp Baitemir.
Chúng tôi gặp nhau một cách bất ngờ và lúc đầu rất thuận lợi cho tôi. Đến một nơi trên đoạn đường đèo, chiếc ôtô buýt của chúng tôi bị một công nhân cầm cờ đỏ ngăn lại. Thì ra vừa có chỗ núi lở và bây giờ họ đang dọn đường. Tôi bước xuống xe đi lại chỗ núi lở. Quãng này đã được nẹp rất chắc. Chiếc máy ủi đang đùn đất xuống bờ dốc. Ở những chỗ máy không quay đầu được công nhân đang dùng xẻng và đầm san đất. Một người mặc áo tơi vải bạt đi ủng caosu bước cạnh chiếc xe ủi và ra hiệu cho người lái:
- Sang trái tí nữa! Lại vào lần nữa! Chạy qua chỗ nẹp kia! Thế! Thôi! Lùi lại...
Đường sửa đã gần xong, chỗ qua lại đã dọn sạch. Các tay lái xe từ hai phía bóp còi tới tấp, chửi ầm lên đòi mở đường, nhưng người khoác áo tơi vẫn không để ý đến, vẫn bình tĩnh chỉ huy. Anh ta cứ bắt chiếc máy ủi chạy đi chạy lại mãi qua chỗ đường ấy, nén chặt chỗ đất đóng nẹp xuống. “Đây đích thị là Baitemir rồi. Thật là người biết làm chủ công việc!” - tôi quyết đoán như vậy. Và tôi đã không nhầm, đúng là Baitemir Kulôv. Cuối cùng đường đã mở, xe từ hai ngả chạy qua.
- Sao anh lại đứng đây, ô tô buýt chạy mất rồi còn gì? - Baitemir bảo tôi.
- Tôi đến gặp đồng chí đây!
Baitemir không tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh ta bắt tay tôi, vẻ giản dị và chững chạc:
- Có khách đến thăm tôi rất mừng.
- Tôi có việc cần hỏi đồng chí, Bakê ạ - tôi nói, xưng hô với anh ta bằng tên gọi thân mật - Đồng chí có biết là các cán bộ cầu đường Kirghizia ta sắp đi thăm Tatgikixtan không?
- Tôi có nghe nói.
- Ấy thế cho nên tôi muốn được nói chuyện với đồng chí ít nhiều trước khi đồng chí lên đường đi Pamir.
Trong khi tôi nói rõ mục đích cuộc tới thăm, Baitemir mỗi lúc một sa sầm mặt xuống, tư lự mân mê hàng ria mép cứng màu nâu sẫm.
- Đồng chí đến đây là rất hay - anh ta nói - nhưng tôi sẽ không lên Pamir, và cũng chẳng cần phải viết về tôi.
- Vì sao vậy? Đồng chí bận việc, hay ở nhà làm sao?
- Công việc là con đường này, đồng chí cũng thấy đấy. Còn ở nhà? - anh ta nín bặt, lấy thuốc lá ra - ở nhà thì... tất nhiên cũng có công chuyện như mọi người, tôi có gia đình... Song tôi sẽ không lên Pamir.
Tôi bèn bắt đầu thuyết phục Baitemir, giảng giải cho anh thấy rõ cần có một cán bộ cầu đường như anh trong thành phần đoàn đại biểu như thế nào. Baitemir đứng nghe hầu như chỉ vì giữ xã giao và rốt cục tôi đã không thuyết phục được anh ta. Tôi rất bực, và trước hết là bực với mình. Cái linh tính nghề nghiệp đã phản bội tôi, tôi đã tìm đến con người này không đúng cách. Tôi chỉ còn có việc ra về tay không, không hoàn thành được nhiệm vụ của toà soạn giao cho.
- Làm thế nào được, thôi xin lỗi Bakê, tôi đi về. Chắc sắp có chiếc xe nào qua đường bây giờ...
Baitemir chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt điềm đạm thông minh, mỉm cười sau hàng ria:
- Người Kirghizia ra ở thành phố quên mất phong tục rồi. Tôi còn có nhà, có gia đình, có mâm cơm thết khách và chốn ngủ. Anh đã đến đây với tôi thì mai anh mới có thể ở nhà tôi ra đi, chứ không thể bỏ đi giữa đường được. Thôi ta đi, tôi đưa anh về chỗ nhà tôi và cháu. Anh đừng giận, tôi còn phải đi xem xét một lượt trước khi trời tối. Tôi sẽ quay về ngay. Công việc như thế đấy...
- Khoan đã, Bakê ạ - tôi đề nghị - Tôi cũng cùng đi xem đường với đồng chí.
Baitemir hóm hỉnh nheo đôi mắt, ngắm nghía bộ y phục tỉnh thành của tôi.
- Chỉ sợ anh không tiện cùng đi với tôi. Hai đầu đường cũng xa, lại lắm dốc.
- Không sao!
Và hai người cùng đi. Chúng tôi dừng lại bên mỗi chiếc cầu, mỗi chỗ ngoặt, cạnh mỗi vực sâu và những ghềnh đá cheo leo. Dĩ nhiên là chúng tôi cùng trò chuyện. Cho đến nay tôi vẫn không sao đoán ra tôi đã tranh thủ được lòng tin và cảm tình của Baitemir từ lúc nào, bắt đầu từ câu nói nào. Anh đã kể cho tôi nghe hết chuyện đời anh và chuyện gia đình anh.
Câu chuyện của người cán bộ cầu đường
Anh có hỏi tại sao tôi không muốn lên Pamir. Bản thân tôi chính người Kirghizia vùng Pamir mà rốt cục lại ở trên dãy Thiên Sơn này. Hồi lên làm ở công trường xây dựng đường cái qua Pamir, tôi hầu như chỉ là một thằng bé con. Tôi đi theo lời kêu gọi của Đoàn thanh niên Cộng sản. Chúng tôi làm việc hăng hái, đầy nhiệt tình, nhất là bọn thanh niên. Còn phải nói, làm đường lên vùng Pamir khét tiếng là hiểm trở chứ có phải chuyện thường đâu! Tôi đã trở thành lao động tiên tiến, thường được thưởng tiền và các phần thưởng khác.
Nhưng đó là tiện thể nói thế thôi.
Lên đấy tôi gặp một thiếu nữ ở công trường. Tôi đã yêu cô, yêu tha thiết. Cô đẹp và thông minh. Cô đã bỏ làng lên công trường. Hồi bấy giờ việc đó đối với một cô gái Kirghizia không phải là chuyện dễ làm. Ngay đến bây giờ đường đời của một người con gái cũng chưa phải đã thong dong - anh cũng biết đấy, vẫn bị các phong tục cũ ràng buộc. Gần một năm trôi qua. Công trình làm đường đã sắp xong. Lúc bấy giờ cần có cán bộ để trông nom con đường. Xây dựng chỉ là một nửa việc, có thể chung sức khắc phục được, nhưng sau đó lại phải biết cách theo dõi trông nom đường sá nữa. Khi ấy chỗ chúng tôi có một kỹ sư trẻ tên là Huxainôv - bây giờ anh ấy vẫn làm công tác cầu đường, thành một cán bộ cỡ lớn rồi. Khi ấy tôi kết thân với anh ta. Chính Huxainôv đã mách cho tôi nên đi học các lớp huấn luyện. Tôi tưởng Gulbara sẽ không chờ đợi tôi được, bị đưa về làng mất, nhưng không, cô đã chờ tôi. Chúng tôi sống yên vui, hoà thuận. Phải nói rằng đối với các cán bộ cầu đường sống trên núi đèo, chỉ có một gia đình vững chãi, một người vợ, là một điều đặc biệt quan trọng. Về sau tôi đã có dịp được thể nghiệm điều đó. Và nếu tôi đã yêu thích được công việc của mình đến trọn đời, thì trong đó công lao của vợ tôi không phải là nhỏ. Chúng tôi sinh được một đứa con gái rồi sau lại thêm đứa nữa, và đúng ngay khi ấy chiến tranh đã bùng nổ.
Con đường cái Pamir như dòng sông giữa trận mưa rào. Người đi nhập ngũ tuôn xuống núi nườm nượp.
Tôi cũng đã đến lượt. Sáng hôm ấy cả nhà tôi ra đường cái. Tôi bế đứa con gái trên tay, chị nó đi bên cạnh, bám lấy tôi. Gulbara của tôi, Gulbara tội nghiệp! Vợ tôi lấy hết nghị lực, cố bình tĩnh, mang chiếc balô cho tôi, nhưng tôi thì tôi hiểu rõ tình cảnh vợ tôi phải ở lại khi con đường trên núi vắng vẻ với hai đứa con thơ. Tôi vẫn định gửi vợ con về làng với họ hàng, nhưng Gulbara không muốn thế. Em và các con sẽ chịu đựng được, vợ tôi nói thế, sẽ chờ anh, vả lại con đường cũng chẳng có thể bỏ mặc không người trông coi... Lần cuối cùng chúng tôi đứng bên vệ đường tôi nhìn vợ, nhìn con từ giã. Khi ấy tôi và Gulbara còn trẻ lắm, chỉ mới bắt đầu cuộc sống...
Tôi về một tiểu đoàn công binh. Trên miền đất chiến tranh chúng tôi đã xây dựng nên biết bao nhiêu con đường, bến sông, bao nhiêu nhịp cầu. Không đếm xuể nữa! Chúng tôi đã tiến qua sông Đông, sông Vixla và sông Đunai. Nhiều khi cóng người giữa dòng sông băng giá, da thịt cháy bỏng trong lửa khói, đạn đại bác nổ chung quanh, cầu phao vỡ tung toé, bao nhiêu người hi sinh, không còn sức đâu chịu đựng được nữa, chỉ mong có chết thì chết quách cho xong! Nhưng cứ nhớ đến vợ con đang chờ mình trên núi là không biết lại lấy đâu ra bao nhiêu sức lực. Không, tôi nghĩ bụng, mình từ Pamir xuống đâu phải để chết dưới gậm cầu này. Cứ lấy răng vặn dây thép trên các khúc xà ghép, không chịu chùn bước. Và tôi đã không chết, tôi đã tiến sát tới gần Berlin. Vợ tôi viết thư luôn, vì tuyến bưu vụ cũng đi qua đường ấy. Gulbara viết cặn kẽ mọi chuyện, nói cả đến con đường nữa. Vợ tôi đã ở lại làm cán bộ cầu đường thay tôi. Tôi biết Gulbara vất vả: đường trên Pamir chứ có phải ở chỗ nào khác đâu. Nhưng đến mùa xuân năm 1945 tôi bỗng bặt tin nhà. Ôi, xưa nay ở ngoài mặt trận thiếu gì chuyện xảy ra, tôi tự an ủi như vậy. Thế rồi một hôm tôi được gọi lên ban chỉ huy trung đoàn. Chuẩn uý ạ, cấp trên nói, thế là đồng chí đã tham gia chiến đấu, đồng chí được cám ơn, khen thưởng. Bây giờ thì hãy về nhà, bây giờ ở nhà cần đến đồng chí hơn. Tất nhiên là tôi mừng lắm, còn đánh điện về trước nữa. Đang lúc vui sướng, tôi cũng không hề nghĩ xem vì sao lại được xuất ngũ trước thời hạn...
Tôi về đến chốn cũ, cũng chẳng rẽ vào Uỷ ban quân chính nữa, còn kịp chán, tôi chẳng đi đâu được nữa mà sợ. Về! Về nhà cho mau! Dọc đường tôi gặp được chiếc xe tấn rưỡi và bò lên theo con đường núi Pamir!
Lúc ấy tôi chỉ mong được chắp cánh, tôi quen đi các xe hơi ngoài mặt trận rồi nên cứ quát vào buồng lái bảo anh lái xe:
- Dận khoẻ vào, người anh em, đừng tiếc con mọt gỗ nhà cậu nữa! Mình đang mã hồi đây!
Và thế là gần đến nơi rồi. Sau chỗ rẽ kia là bắt đầu khu vực tôi trông coi. Sốt ruột không chịu được. Xe chưa kịp dừng tôi đã nhảy xuống, chiếc túi dết vắt sau vai, và cắm đầu chạy. Tôi cứ chạy, chạy mãi, qua chỗ rẽ và ... không nhận ra được gì nữa cả. Cảnh vật dường như vẫn y nguyên: vẫn những dãy núi đứng kia, vẫn con đường này đây, nhưng chẳng thấy nhà cửa đâu hết. Chung quanh không một bóng người. Chỉ có những hòn đá nằm lăn lóc. Nhà tôi trước xây hơi cách biệt, ngay dưới ngọn núi. Đất ở đây cũng chật. Tôi nhìn lên núi và choáng người đi. Khối tuyết lớn từ mỏm núi cheo leo đã đổ xuống. Trên đường rơi nó đã quét sạch tất, không để lại một vật gì, tưởng chừng như một bàn tay đầy móng sắt đã cào đất khỏi sườn núi và đào lên một vực sâu hoắm tít dưới thung lũng. Trong lá thư cuối cùng vợ tôi có việc rằng tuyết đã rơi xuống nhiều và trời bỗng mưa liên miên. Đáng lẽ phải giật mìn phá khối tuyết cứng đi từ trước cho nó đổ xuống, nhưng đâu có phải việc đàn bà làm được...
Tôi đã gặp lại gia đình như thế đấy! Một ngàn lần tận mắt trông thấy cái chết, sống sót từ hỏa ngục trở về, thế mà vợ con ở nhà lại không còn nữa... Tôi cứ đứng đấy không sao bước đi nổi. Muốn thét lên, gào vang cho rung chuyển cả núi đồi mà không được. Cả người tôi như đã hoá đá, dường như tôi không còn là người sống nữa. Tôi chỉ nghe thấy chiếc túi dết tuột khỏi vai rơi xuống chân. Tôi vứt luôn nó lại đấy, tôi những tính mang quà cáp về cho vợ và hai con, dọc đường tôi đã đổi ít đồ cũ lấy kẹo... Tôi cứ đứng mãi hồi lâu như chờ đợi một phép nhiệm màu nào. Sau đó tôi quay lại và đi trở lui. Tôi dừng chân, nhìn lần nữa: dãy núi đung đưa qua lại, nhích đến gần và đang đổ xuống người tôi. Tôi rú lên một tiếng và cắm đầu chạy. Đi! Đi khỏi cái chốn đáng nguyền rủa này! Lúc bấy giờ tôi đã khóc... Tôi không nhớ mình đã bước tới những đâu, và đi đứng ra sao. Đến ngày thứ ba thì tôi thấy mình đang ở nhà ga. Tôi lang thang giữa đám đông như một kẻ lạc đường. Một sĩ quan gọi tên tôi. Tôi nhìn lại, thì ra Huxainôv đã xuất ngũ đang đi về nhà. Tôi kể cho anh ta nghe điều bất hạnh của tôi. Anh nói: “Thế bây giờ cậu định đi đâu?” Cái đó thì chính tôi cũng chưa biết! “Không, anh nói, như thế không được, phải cố chịu đựng. Tôi quyết không để cậu đi vật vờ một mình như thế. Ta đi lên Thiên Sơn làm đường, rồi sau đó sẽ hay...”
Thế là tôi lên đây. Mấy năm đầu tôi đi xây cầu trên đường vận tải. Thời gian trôi qua, đã đến lúc tôi phải có một chốn ở nhất định. Lúc bấy giờ Huxainôv đã làm việc ở Bộ. Anh thường về trạm, khuyên nên làm lại công tác cũ, nhận phụ trách một trạm coi đường. Tôi vẫn phân vân. Cứ thấy sợ. Ở công trường tôi sống không phải chỉ một mình, có anh có em cũng khuây khoả đi. Còn ở trạm coi đường thì khéo tôi đến chết buồn mất. Tôi vẫn chưa bình tâm lại được, tôi chưa quên được dĩ vãng, tưởng chừng như cuộc đời đã chấm dứt ở đây, và sau này chẳng còn gì nữa. Về chuyện lấy vợ khác thì tôi tuyệt nhiên không hề nghĩ đến. Tôi yêu Gulbara và lũ con quá đỗi. Tưởng như không bao giờ và không ai có thể thay thế vợ con tôi được. Còn nếu cứ cưới vợ cho xong chuyện, chỉ cốt có một gia đình mà sống thì chẳng ra gì. Thà ở vậy một mình còn hơn.
Nhưng rồi tôi cũng quyết định nhận công tác coi đường: cứ thử xem, nếu không ổn thì lại đi chỗ khác. Họ cho tôi coi trạm này, ngay trên đèo. Rồi cũng xong, tôi sống được ít lâu cũng đã quen. Có lẽ tại khu này khá vất vả; đường đèo mà lại. Tôi thấy thế lại càng hay. Dần dần nỗi đau đớn trong lòng cũng nguôi bớt, lắng đi. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới lại nằm mơ thấy mình đang đứng sững sờ ở chỗ trước kia là cái sân nhà và cảm thấy chiếc túi dết đang tuột khỏi vai... Vào những ngày như thế tôi thường ra đường từ sáng sớm và đến tận tối mịt mới về nhà. Thế là tôi cứ ở một mình. Quả tình cũng có lúc một ý nghĩ buồn buồn trỗi dậy trong óc: “Mình còn có thể có hạnh phúc được nữa chăng?” Thế rồi hạnh phúc đã đến, một niềm hạnh phúc khó khăn, đau khổ, giữa lúc tôi ít có thể ngờ nó đến hơn cả.
Một lần cách đây khoảng bốn năm, bà mẹ anh hàng xóm bị ốm. Bản thân anh ta thì khó lòng mà dứt ra khỏi nhà được: công việc, gia đình, con cái, mà bệnh tình bà cụ thì mỗi ngày một nặng thêm. Tôi bèn quyết định đưa bà cụ đi cho bác sĩ khám. Vừa lúc ấy có một chiếc xe hơi của Công ty Giao thông chở mấy thứ đến trạm coi đường. Thế là chúng tôi đáp xe ấy về thành phố. Các bác sĩ muốn thu xếp cho bà cụ nằm bệnh viện, nhưng không xong. Tôi về chết ở nhà, bà cụ bảo thế, không muốn nằm lại đây. Chở tôi về, không thì tôi sẽ rủa cho. Thế là đành phải chở về. Lúc bấy giờ trời đã tối từ lâu. Chúng tôi chạy qua trạm chuyển tải. Bỗng người lái xe hãm lại. Tôi nghe thấy anh ta hỏi:
- Chị về đâu?
Có tiếng phụ nữ trả lời một câu gì không rõ, rồi tiếng chân bước.
- Chị lên đi! Sao lại thế? - người lái xe nói và đánh xe chạy lại gần.
Một thiếu phụ tay bế con, vai đeo chiếc khăn gói nhỏ bước đến bên thành xe. Tôi giúp cô leo lên thùng xe, nhường cô chỗ ngồi sát buồng lái cho gió đỡ thốc vào, còn mình thì ngồi vào một góc.
Xe lại chuyển bánh. Rét đến ghê người. Gió tạt vào, ẩm ướt lạnh thấu xương. Đứa bé khóc oà lên. Người mẹ ru nó trên tay, nhưng nó vẫn không nín cho. Thật đến khổ! Kể ra thì phải để hai mẹ con ngồi vào buồng lái, nhưng trong ấy đã có bà cụ sắp chết. Tôi khẽ đập vào vai cô:
- Nào chị đưa cháu cho tôi, may ra nó nín đấy, còn chị thì cúi đầu thấp xuống cho đỡ gió.
Tôi ủ đứa bé trong áo bông, ghì chặt vào người. Nó nín khóc, mũi thở phì phì. Đứa bé được độ mười tháng, trông kháu khỉnh lắm. Tôi ẵm nó dưới nách bên trái. Và bỗng nhiên không hiểu sao tim tôi cứ xao xuyến lên, đập loạn xạ như một con chim phải đạn. Lòng tôi vừa vui vừa chua xót “Chà, chả nhẽ không bao giờ mình còn được làm cha nữa?” - tôi nghĩ. Đứa bé thì rúc vào ngủ, không phải dỗ dành gì nữa - Cháu giai à? - tôi hỏi. Cô gật đầu. Tôi thấy người phụ nữ tội nghiệp ấy đã lạnh cóng, chiếc măngtô mặc trên người rất mỏng manh. Còn tôi thì mùa đông vẫn mặc cả áo tơi ra ngoài áo lông, đi làm việc không có nó không xong.
Tôi ôm chặt đứa bé, chìa tay áo để không về phía cô:
- Chị kéo lấy chiếc áo tơi của tôi mà khoác. Cứ ngồi thế thì chết cóng mất.
- Không, ai lại thế, anh đừng lo - cô từ chối.
- Chị kéo đi, kéo đi - tôi nằn nì - Che vào cho kín gió.
Cô trùm áo tơi lên kín người, tôi kéo vạt áo xuống cho cô kín mé chân.
- Chị đã ấm được tí nào chưa?
- Ấm rồi.
- Sao chị đi muộn thế?
- Sự thể phải như vậy - cô khẽ đáp.
Giữa lúc đó, xe chạy vào hẽm núi. Chỗ này là xóm mỏ. Mọi người đều đã ngủ, các cửa sổ tối om. Mấy con chó vừa chạy vừa sủa theo xe. Và tôi bỗng sực nghĩ không biết cô ta đi đâu thế này? Không hiểu tại sao tôi nghĩ chắc cô về mỏ, vì chẳng còn đi đâu được nữa: đã tới đèo, và đến đó là trạm chúng tôi rồi.
- Chắc chị đến nơi rồi? - tôi bảo cô và đập vào buồng lái - Đã sắp tới chân đèo, xe chỉ chạy đến đấy thôi.
- Thế đây là chỗ nào? - cô hỏi.
- Mỏ. Không phải chị về đây à?
- Tôi... tôi về đây - cô nói ngập ngừng, rồi hấp tấp đứng lên, đưa giả tôi chiếc áo tơi, đón lấy thằng bé. Nó lại bắt đầu khóc. Hẳn có cái gì không ổn đây, chắc cô gặp phải một chuyện không may. Chả nhẽ để cô lại một mình giữa đêm khuya hay sao?
- Chị chẳng có chỗ nào mà đi cả! - tôi nói thẳng ra - Chị đừng có nghĩ gì xấu nhé. Đưa thằng bé đây cho tôi! - Tôi gần như giằng lấy đứa bé - Chị đừng từ chối. Đêm nay chị nghỉ lại trạm chúng tôi đã, rồi sau đó tùy chị. Thôi xong rồi! Đi! - tôi gọi to bảo anh lái xe.
Chiếc xe chuyển bánh. Cô ngồi lặng lẽ, mặt úp vào lòng bàn tay. Tôi cũng không rõ thế nào, có lẽ cô khóc.
- Chị đừng sợ! - tôi khuyên giải - Tôi sẽ không làm điều gì xấu cho chị đâu... Tôi là Baitemir Kulôv, cán bộ cầu đường. Chị có thể tin tôi được. Tôi thu xếp cho hai mẹ con nghỉ lại nhà tôi. Trong sân có một căn nhà xép bỏ không, tôi ra đấy ngủ trên tấm ghế dài. Mãi vẫn không chợp mắt được. Tôi cứ suy nghĩ mông lung, lòng không ổn định. Hỏi ra thì bất tiện, chính tôi cũng không ưa cái thói ấy, nhưng đằng nào thì cũng phải hỏi: nhỡ người ta đang cần giúp đỡ thì sao? Cô trả lời khó khăn, miễn cưỡng. Song tôi cố đoán ra những điều cô không nói hết. Khi con người đang đau khổ thì phía sau mỗi một lời của họ ẩn hàng chục những lời không nói ra. Cô đã rời nhà, bỏ chồng ra đi. Hẳn phải là một người có lòng tự trọng. Cứ trông vẻ mặt thì rõ ràng là cô đang đau buồn nhưng cố chịu đựng. Có phải thấy rõ hơn người ngoài. Nhưng dẫu sao tôi cũng ái ngại cho cô, một người đàn bà còn quá trẻ, thân hình thon thon nom như một thiếu nữ. Cô ăn nói dịu dàng, chắc là người trung hậu. Sao người ta lại có thể để cho cô phải phủi áo ra đi? Nhưng đấy là việc của họ. Sáng mai tôi sẽ để cho cô đáp một chiếc xe nào qua đường và từ biệt cô. Hôm ấy tôi mệt lắm. Tôi ngủ thiếp đi, và vẫn tưởng chừng như đang đi trên xe hơi, dưới làn áo lông có đứa bé con. Nó nằm ấm chỗ, rúc vào lòng tôi. Tôi dậy lúc tờ mờ sáng, đi kiểm tra đường, nhưng rồi không hiểu sao lại về ngay. Tôi nghĩ mà băn khoăn không biết hai mẹ con người khách ở nhà ra sao. Tôi nhóm lò, đặt ấm xamôvar, cố làm thật khẽ để khỏi phá mất giấc ngủ của họ. Nhưng hoá ra cô đã dậy và đang sửa soạn đi. Cô cám ơn tôi. Chưa uống nước thì chưa thể để cho cô đi được, tôi bắt cô ngồi đợi một lúc. Người bạn đồng hành tí hon của tôi đêm qua xem ra rất ngộ nghĩnh.
Được chơi với nó thật là một niềm vui lớn... Lúc ngồi uống trà tôi hỏi:
- Chị đi đâu bây giờ?
Cô nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Về Rưbatsiê.
- Có người nhà ở đấy à?
- Không. Cha mẹ tôi ở trong làng, mé sau Tôxor.
- Ồ, thế thì giữa đường lại phải chuyển sang xe khác. Thật bất tiện.
- Nhưng tôi cũng không về đấy. Mẹ con mình không thể về làng được - cô nói với con, vẻ tư lự - Chính chúng mình có lỗi.
Tôi đoán hẳn là cô đi lấy chồng trái ý bố mẹ. Và sau mới biết là đúng thế thật. Cô định đi ra đường, nhưng tôi đã khuyên được cô tạm ngồi chờ ở nhà để khỏi phải bế thằng bé ra trước gió. Đón xe thì tôi cũng có thể đón hộ được. Tôi bước ra đường cái mà lòng nặng trĩu. Không biết vì đâu tôi bỗng cảm thấy buồn khi nghĩ rằng hai mẹ con cô sắp ra đi, và tôi sẽ lại thui thủi một mình. Thoạt tiên không có xe qua đường. Sau đó tôi bỏ lỡ một chiếc, không giơ tay lên gọi. Và chính tôi cũng đâm hoảng. Sao tôi lại làm như vậy? Thế là tôi bắt đầu khổ sở day dứt. Bao nhiêu xe đã chạy qua, mà tôi thì cứ lần lữa mãi. Lần này, tôi nghĩ bụng, sẽ giơ tay lên chặn chiếc xe sắp tới, nhưng rồi cánh tay lại chẳng chịu giơ lên. Tôi nóng ran cả người. Cô ta thì đang đợi trong kia, đang mong ngóng. Tôi thấy tự căm ghét mình quá mà chẳng làm thế nào được. Tôi đi đi lại lại trên đường, tìm ra những lý do và những lời biện bạch này nọ. Nào là buồng lái bị lạnh và kính vỡ, nào là chiếc xe không thích hợp, nào là anh lái xe trông mất cảm tình, có vẻ ngông nghênh và chắc đã nốc ít nhiều rồi. Những khi thấy xe đi qua, mà thấy trong buồng lái đã chật chỗ thì tôi lại mừng rơn như đứa trẻ. Miễn là đừng cho đi ngay, cố thêm chút nữa, để hai mẹ con ngồi lại nhà tôi độ dăm phút nữa thôi. “Nhưng cô ấy biết đi đâu bây giờ? - tôi nghĩ - Về làng thì không được, chính cô đã nói thế. Về Rưbatsiê? Cô ta nách mang con mọn, về nhà ai ở đây? Thắng bé đến chết mất thôi, đang giữa mùa đông thế này. Tốt hơn hết là cô ấy cứ ở lại đây ít lâu, suy nghĩ cho chín chắn đã. Có thể là cô sẽ quay về với chồng, hoặc anh chồng sẽ tìm đến cô ta...” Ôi, thật là một hình phạt, giá tôi cứ đưa cô ra đường cho lên xe đi ngay còn hơn! Tôi đi lại loanh quanh trên đường mãi ba tiếng đồng hồ. Tôi căm ghét mình hết sức. Không, tôi nghĩ, cứ đưa cô ấy ra đây và gọi xe ngay trước mặt cô. Nếu không thì chẳng còn ra làm sao nữa. Tôi quay về nhà. Cô đã bước ra ngoài, đang sốt ruột chờ đợi. Tôi thấy hổ thẹn, len lén nhìn cô ta như một đứa bé có lỗi.
- Chị chờ lâu lắm phải không? - tôi nói lúng búng - Không có xe qua đường... không hẳn là không có, nhưng không tiện đi. Chị tha lỗi cho... chị đừng nghĩ gì... Thôi xin chị ghé vào nhà lát nữa. Hết lòng xin chị đấy!
Cô ngạc nhiên và buồn rầu nhìn tôi, lặng lẽ quay vào nhà.
- Anh thương hại tôi à? - cô hỏi.
- Không, không phải thế. Chị có hiểu không... Tôi lo thay cho chị. Sẽ khó khăn đấy. Chị sẽ sống ra sao?
- Tôi sẽ làm việc. Tôi đã quen lắm rồi.
- Làm ở đâu?
- Tôi sẽ thu xếp kiếm việc làm ở một nơi nào đó. Nhưng tôi sẽ không quay lại và cũng không về làng. Tôi sẽ làm việc mà sống.
Tôi nín lặng. Tôi còn biết nói gì để bác lại? Lúc này cô không suy nghĩ gì hết. Người cô đang bừng bừng cơn tức giận và lòng tự trọng. Những cảm xúc ấy đang xua đuổi cô đi không biết đến tận đâu. Nhưng cứ nói “tôi sẽ làm việc mà sống” thì cũng dễ thôi. Có phải muốn thế mà được ngay đâu. Nhưng không thể ép uổng người khác được. Đứa bé đòi tôi bế. Tôi bế nó lên. Tôi hôn nó và nghĩ bụng “Chao ôi, chú bé kháu khỉnh của ta, chúng mình đành phải chia tay thôi. Ta đã bắt đầu yêu quí chú mày như con đẻ...”
- Thôi, ta đi vậy - tôi nói khẽ.
Chúng tôi đứng lên. Tôi bế thằng bé đi, nhưng ra đến cửa lại đứng lại.
- Công việc thì ở chỗ chúng tôi cũng có - tôi thốt ra - chị có thể sống và làm việc ở đây. Nhà cửa thì cũng có tuy chẳng rộng rãi lắm. Thật thế, chị ở lại đi. Đừng hấp tấp quá. Chị muốn đi thì lúc nào đi cũng kịp. Chị thử nghĩ xem...
Thoạt tiên cô không bằng lòng, nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được.
Thế là Axen cùng với thằng bé Xamát ở lại trạm coi đường của chúng tôi. Ở căn buồng xép ngoài sân thì lạnh, nên tôi cố nài Axen cùng với con trai ở trong nhà tôi, còn tôi ra buồng xép. Đối với tôi như thế đã là đủ.
Từ đây cuộc đời tôi khác hẳn. Bề ngoài dường như không có gì thay đổi, tôi vẫn sống độc thân như trước, nhưng con người trong tôi đã sống lại, tâm hồn tôi lại được sưởi ấm sau những ngày đằng đẵng cô đơn. Tất nhiên trước kia tôi cũng vẫn sống giữa mọi người, nhưng có thể cùng ở chung, kết bạn với nhau, cùng làm việc với nhau, giúp đỡ người và được người giúp đỡ lại, thế nhưng vẫn có một khía cạnh của cuộc sống không lấy gì thay thế được. Tôi quấn quít lấy đứa bé. Khi đi kiểm tra đường tôi ủ nó thật ấm và bế đi theo khắp các quãng đường. Hễ có thì giờ rỗi là tôi ngồi chơi với nó. Tôi không sao hình dung nổi trước kia mình đã làm thế nào mà sống được. Hàng xóm nhà tôi là mấy người rất tốt, cư xử tử tế với cả Axen và Xamát. Ai mà chẳng mến trẻ con? Còn Axen là người thành thực, cởi mở, sống ở trạm ít lâu đã quen ngay. Tôi vồ vập đứa bé cũng còn là vì cô, vì Axen nữa. Giấu mà làm gì, đến giấu mình cũng chẳng được, mặc dù tôi đã cố sức. Tôi đã yêu Axen. Yêu ngay cho đến trọn đời với tất cả tâm hồn. Bao nhiêu năm tháng sống cô đơn, bao nhiêu buồn tủi đau thương, tất cả những gì đã mất mát đều dồn vào mối tình ấy. Nhưng tôi không có quyền nói ra. Cô đang chờ đợi người ấy. Cô chờ đợi mãi, mặc dầu không hề để lộ ra. Tôi thường để ý thấy những lúc ra làm ngoài đường cô cứ đón nhìn và trông theo mỗi chiếc xe đi qua bằng đôi mắt đợi chờ. Có nhiều lúc cô bồng con ra đường ngồi hàng giờ. Nhưng người ấy không hề xuất hiện. Không hiểu anh ta là ai và là người thế nào, tôi chưa hề hỏi, và Axen cũng không bao giờ nói tới. Thời gian lần lữa trôi qua. Xamát lớn lên dần. Chà, cái thằng cu thật là kháu khỉnh, tinh nhanh! Không biết có ai dạy hay tự nhiên nó thế, nhưng thằng bé đã bắt đầu gọi tôi là bố. Cứ trông thấy tôi là nó ôm choàng lấy cổ: “Ata! Ata!” Axen mỉm cười tư lự nhìn nó. Còn tôi thì vừa mừng vừa tủi. Giá được làm bố nó tôi rất thoả lòng, nhưng biết làm thế nào... Mùa hè năm ấy có lần chúng tôi ra chữa đường. Những chiếc xe hơi chốc chốc lại chạy lại. Axen bỗng gọi một người lái xe:
- Này Giantai, đỗ lại!
Chiếc xe đang dở đà chồm lên và phanh lại. Axen chạy lại gặp người lái xe. Hai người nói gì ở đấy tôi cũng không rõ, nhưng bỗng nghe thấy cô kêu lên:
- Nói láo! Tôi không tin! Đi đi! Đi ngay đi!
Chiếc xe chạy đi, và Axen nhào qua mặt đường chạy về nhà. Hình như cô khóc. Công việc cứ như tuột khỏi tay. Người ấy là ai? Hắn đã nói gì với cô? Những mối nghi ngờ, những điều dự đoán cứ ám ảnh tâm trí tôi. Tôi sốt ruột quá đi về nhà, nhưng không thấy Axen ra ngoài. Đến chiều tôi đành bước vào buồng cô.
- Xamát đâu? Nhớ nó quá!
- Đây, nó đây - Axen uể oải đáp.
- Ata! - Xamát nhoài người ra theo tôi. Tôi bế Xamát lên tay đùa với nó, còn Axen cứ ngồi buồn thiu và nín lặng.
- Có việc gì thế, Axen? - tôi hỏi.
Axen buông một tiếng thở dài nặng trĩu.
- Tôi đi thôi, Bakê ạ. Không phải vì tôi sống ở đây khổ cực gì. Tôi rất mang ơn anh, mang ơn anh lắm lắm.
- Nhưng như vậy thì cả tôi cũng không sống ở đây được nữa. Lại phải đi thôi. Đã một lần rồi tôi phải lìa bỏ chỗ đất chỉ còn trống không. Chẳng cần phải nói dài dòng, chính Axen cũng biết đấy. Nếu Axen bỏ đi thì điều đó đối với tôi cũng sẽ lại như việc trước kia xảy ra trên Pamir. Thử nghĩ xem, Axen ạ. Nếu người ấy trở về và lòng Axen lại gọi về chốn cũ thì tôi sẽ không hề ngăn cản, lúc nào Axen cũng vẫn tự do làm theo ý mình. Nói xong, tôi bế Xamát lên và ẵm nó đi trên đường. Tôi ôm nó đi mãi hồi lâu. Chú bé của tôi chẳng hay biết gì cả.
Axen tạm thời chưa đi khỏi chỗ chúng tôi. Nhưng cô nghĩ gì, đã quyết định ra sao? Tôi héo hon đi trong những ngày ấy, mặt xạm lại.
Một hôm vào buổi trưa tôi đang đi vào sân bỗng trông thấy Xamát đang cố tập đi hẳn hoi.
Axen đỡ theo, sợ nó ngã. Tôi dừng lại.
- Bakê, con anh đã biết đi đấy, xem này! - cô mỉm cười sung sướng.
Axen vừa nói thế nào? Con anh! Tôi ném chiếc xẻng, ngồi xổm xuống và vẫy thằng bé lại:
- Chậc chậc chậc, chú lạc đà con của bố đâu, lại đây nào! Dẫm chân xuống đất đi, dẫm mạnh lên! Xamát giang hai tay ra.
- Ata! - nó chập chững chạy đi. Tôi túm lấy nó ở giữa đường, nhấc bổng lên quá đầu rồi ôm ghì vào ngực.
- Axen! - tôi bảo cô - Sáng mai ta gọi bọn trẻ sang làm lễ “cắt dây” đi. Cô bện một sợi dây bằng len đen pha trắng nhé.
- Được rồi, Bakê ạ! - cô cất tiếng cười.
- Đúng, đúng, nhất định là phải bằng len đen pha trắng đấy.
Tôi nhảy lên ngựa, phi đến chỗ những người bạn làm nghề chăn nuôi, mang kumưx, thịt tươi về và hôm sau chúng tôi mời bà con hàng xóm sang dự lễ “cắt dây” trong nhà. Tôi đặt Xamát xuống đất, quấn sợi dây đen trắng lẫn lộn vào chân như trói lại, để cái kéo bên cạnh và ra lệnh cho lũ trẻ đứng ở đầu sân đằng kia:
- Em nào chạy đến cắt được dây trước tiên thì được giải nhất, những em khác thì cứ lần lượt mà lĩnh giải. Nào, chạy đi! - tôi khoát tay. Bọn trẻ reo lên thi nhau chạy.
Khi dây đã cắt xong, tôi bảo Xamát:
- Nào, bây giờ con tôi chạy đi! Các em dắt nó chạy đi!
Lũ trẻ cầm lấy tay Xamát, còn tôi đứng nhìn theo thốt ra, không nói với riêng ai:
- Thưa bà con, chú ngựa non nhà tôi đang chạy kia! Chúc chú lớn lên thành con tuấn mã.
Xamát chạy theo bọn trẻ rồi quay lại gọi: “Ata!” và bị ngã xuống. Tôi với Axen cùng vội chạy lại đỡ nó. Khi tôi nhấc thằng bé lên khỏi mặt đất, lần đầu tiên Axen nói với tôi:
- Anh của em!
... Chúng tôi đã nên vợ nên chồng như thế đấy.
Đến mùa đông vợ chồng tôi cùng đứa con về làng thăm ông bà nó. Hai cụ giận mãi. Tôi và Axen đã phải chịu lấy mọi tội. Tôi kể cho hai cụ nghe hết sự thật, tất cả những gì đã xảy ra. Và hai cụ đã tha thứ cho Axen, vì đứa cháu, vì tương lai của chúng tôi mà tha thứ. Thời gian trôi qua lúc nào không biết, Xamát đã lên năm. Tôi và Axen sống rất hoà thuận, việc gì cũng hiểu nhau, chỉ có mỗi một điều không bao giờ chúng tôi đả động tới, mỗi điều không bao giờ chúng tôi nhắc đến. Chúng tôi tựa thể đã mặc ước với nhau như vậy: con người ấy không có đối với chúng tôi.
Nhưng trong cuộc sống không phải khi nào cũng được như ý muốn. Mới gần đây thôi, người ấy đã xuất hiện...
Có một tai nạn xảy ra trên đường cái. Vào lúc ban đêm. Tôi cùng anh hàng xóm là người phụ việc của tôi chạy ra xem có chuyện gì. Chúng tôi đến nơi thì thấy một chiếc xe tải đâm phải cọc rào ven đường. Người lái xe bị chấn thương, gần ngất hẳn đi, và say bí tỉ. Tôi đã nhận ra anh ta, chỉ không nhớ được tên. Đã có lần anh ta giúp chúng tôi thoát khỏi khó khăn, kéo hộ chiếc xe lên đèo. Trên đỉnh Độ Long chứ có phải chuyện chơi đâu. Trước đó ở đây chưa có ai làm được như thế cả. Anh ta xem ra là tay gan dạ, dám nghĩ dám làm, liều lĩnh nữa, anh ta đã kéo được chúng tôi đến khu trạm. Lúc bấy giờ tôi rất thích anh ta, rất có cảm tình. Sau đó ít lâu có một người kéo được rơ-moóc lên đến đèo. Đã sắp thành công, chẳng còn mấy tí, chắc là có gì trở ngại. Nhưng rồi người lái xe ấy đánh đổ rơmoóc xuống hố và bỏ đấy mà đi. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ không biết có phải là anh chàng táo bạo kia không. Tôi thấy tiếc cho con người gan dạ đã không đạt được ý nguyện. Nhưng sau đó các xe hơi bắt đầu kéo rơ-moóc thường xuyên qua đèo. Anh em đã quen đã làm rất đúng cách.
Thật tình mà nói, lúc đầu tôi không biết đó là người ấy, người mà Axen đã rời bỏ. Nhưng dù có biết tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi lôi anh ta về nhà và mọi sự rõ ràng ngay lập tức. Lúc ấy Axen đang khuân củi vào. Cô vừa trông thấy anh ta là bao nhiêu củi rơi xuống đất hết. Nhưng trong cả ba chúng tôi không ai để lộ ra ý gì. Làm như đều mới gặp nhau lần đầu. Hơn nữa tôi lại phải hết sức tự chủ để khỏi vì một lời nói vô ý hay một câu bóng gió mà làm cho họ đau lòng hay ngăn trở họ hiểu lại nhau. Ở đây tôi không quyết định gì cả. Họ quyết định lấy: giữa họ có một quá khứ chung, giữa họ còn có đứa con trai đang nằm với tôi trên giường, đứa bé mà tôi đang ôm vào lòng vuốt ve âu yếm. Đêm hôm ấy trong ba chúng tôi không có ai chợp mắt, mỗi người một tâm tư. Tôi cũng theo đuổi những ý nghĩ riêng.
Axen có thể cùng đứa con ra đi. Đó là quyền của họ. Cứ để họ làm theo trái tim và lý trí của họ. Còn tôi... thì nói làm gì, vấn đề chẳng phải ở tôi, chẳng lệ thuộc vào tôi, tôi không được ngăn cản...
Bây giờ anh ta vẫn ở đây, vẫn chạy trên con đường chúng tôi phụ trách. Anh ta ở đâu suốt bấy nhiêu năm anh ta đã làm gì? Nhưng điều ấy không quan trọng... Đó là việc của họ...
*
Tôi cùng Baitemir đi xem đường trở về. Trời đã xế chiều. Ánh hoàng hôn mùa xuân như màu khói xám toả xuống chân trời trên những đỉnh Thiên Sơn băng giá. Những chiếc xe hơi rú lên lao vun vút trên đường.
- Sự tình như thế đấy - Baitemir tư lự thốt ra sau một lát im lặng - Tôi không thể đi khỏi nhà vào lúc này. Nếu Axen quyết định ra đi thì cốt sao cho lương tâm cô được trong sạch, tôi mong cô cứ nói ra với tôi và nhận lấy lời tôi chúc đưa con lên đường lần chót. Vì đối với tôi nó còn quý hơn cả con đẻ. Nhưng tôi không thể lấy mất đứa con của họ... Vì thế nên tôi không đi đâu hết. Nhất là đi Pamir. Tất nhiên tôi kể ra đây không phải để đăng báo. Chỉ như một con người kể cho một con người...