Hamlet thiu thiu ngủ
Châu Diên
Truyện ngắn mới nhất của tác giả có một trong số ít tiểu thuyết được chú ý nhất năm nay - "Người sông Mê". Nhà văn Châu Diên sinh năm Nhâm Thân, giải thưởng Tạp chí Văn học (truyện ngắn "Cái lô cốt" - 1959), giải thưởng Báo Văn Nghệ (truyện ngắn "Gia đình ông chủ nhiệm" - 1962). Ông còn là dịch giả của gần chục cuốn sách: "Chín mươi ba" (V.Huygo), "Nhà tiên tri" (Kalil Gibran), "Bay đêm" (A.de st-Exupery), "Ruồi" (Jean Paul Sartre)... Sự trải đời ẩn trong một lối viết rất trẻ trung, "Hamlet thiu thiu ngủ" của Châu Diên làm người đọc giật mình về một bầu không gian sống vô vị, tù đọng...
Nhung vừa lau mặt cho Quỳnh vừa dỗ dành, chả ra vui chả ra buồn, chả ra mẹ con chả ra vợ chồng: "Ngoan nhé, lau mặt này, ăn sáng này, xong cho em làm việc, hôm nay đến hẹn nộp bài, anh nghe rõ không hả anh Quỳnh Rồ?". Quỳnh gật gật đầu, hai mắt thao láo, cái cổ ngẳng cao, đôi môi đỏ chót... Người ấy không ốm đau kinh niên thì đẹp giai chán.
Phải thừa nhận rằng cái biệt danh Quỳnh Rồ do một ông nhà văn biệt danh Khánh Toét đặt có gì đó như là lời tiên đoán của kẻ thấu thị. Hai mươi năm trước, khi Quỳnh học xong đại học rồi ra trường nhận việc ngon lành như vào mâm cỗ bày sẵn, thì ông Toét đã gọi anh ta là Quỳnh Rồ. Bà con hỏi tại sao đặt cho Quỳnh cái tên đó, ông Khánh Toét chỉ tít mắt cười trừ, không giải thích. Gạn hỏi mãi thì ông nói "đùa đấy mà, trông cái mặt nó ngồ ngộ ngây ngây dại dại..." - Nhà văn toét lại cười trừ, "Nhỡ mồm một tý ấy mà!"
Nhỡ mồm mà thành thật. Và nếu như ông nhà văn tinh đời toét mắt chỉ đặt tên rồi bỏ đó, thì bao nhiêu năm ròng, người chịu đựng cái con người ngây ngây dại dại và ngồ ngộ kia lại chỉ còn một mình cô gái từng một thời..., nhưng mà thôi, con gái nào mà chẳng "từng một thời". Cái "từng một thời" ấy càng to càng tỉ lệ thuận với nỗi hẩm hiu lớn trong cái thực tại ngày hôm nay đặt sừng sững trước mặt từng con người trong truyện.
Người con gái từng có một thời ấy tên là Nhung. Tên là Nhung mà lại làm nghề nghiên cứu lịch sử thì chẳng gây được ấn tượng gì. Nói theo giọng giáo sư người đỡ đầu cho Nhung, tên của cô không acađêmic, ông thích nói tiếng Tây như vậy, vừa cho mọi người thấy là ông giỏi tiếng Tây lại vừa bất cần giải thích cái ấy nó ra sao, "rứa biết rứa" ông nhại giọng Huế để lấy cái xa lạ thêm giá trị cho cái không xa lạ. Nhung là phiên dịch cho cả viện nghiên cứu này, xuất thân từ cô đánh máy. Con một giáo sư già, tốt nghiệp khoa Văn, nhưng Nhung nói mình không làm nghề văn chương được. Cô đánh máy, con một vị giáo sư cao tuổi, thường vẫn chữa văn chương cho nhiều báo cáo khoa học của lớp học trò vẫn gọi cha cô là thầy. ít ai biết, trải qua cả chục năm đánh máy chữ, Nhung đã học mót được biết bao nhiêu kiến thức bổ sung cho cái "đại học chay" của cô. Quỳnh lấy Nhung nên cũng nấp bóng "thầy" để được sống an thân. Sau này Nhung còn hiểu rằng, chẳng qua anh cu Rồ thì còn có gì để tranh giành đấu đá nữa, nên an thân cũng là phải nhẽ. Rồi cô thư ký đánh máy được đi học ngoại ngữ. Đi học cũng là dịp xa chồng, xa các đồng chí cơ quan, được xả hơi. Có lẽ Nhung tốt nghiệp loại xuất sắc là nhờ vậy chứ chẳng vì cái vốn tiếng Tây thầy dạy từ nhỏ. Ra trường, cô lại được điều về viện cũ, nay đã có chức danh cô phiên dịch. Ngày xưa đánh máy chữ thì chỉ chữa văn tiếng ta cho các nhà nghiên cứu, nay lại kiêm nghề viết tiếng Tây cho các thầy kiêm đồng nghiệp. Tính nết nhẹ nhõm, nên khi nghe thầy nói tiếng Tây bình phẩm tên mình, Nhung cũng chẳng thấy cần hỏi lại vậy thế nào là một cái tên acađêmic cho một người ở một cơ quan nghiên cứu lịch sử như của ta? Nhưng giáo sư thì lại lấy luôn chính mình ra làm dẫn chứng:
- Một cái tên nghe ra đã thấy là acađêmic như tên của tôi ấy. Bạn bè đặt thêm cho mình một cái biệt danh nữa sao cho dân dã thời buổi công nghệ thông tin - "Bộ nhớ dân tộc". Cứ rứa mà mần!
Hai vợ chồng Nhung và Quỳnh Rồ cùng làm việc ở một viện với "Bộ nhớ dân tộc". Nhung là một người kiên trì. Trong phạm vi câu chuyện đem kể ở đây, thì Nhung kiên trì với hai người, như kiên trì với hai gánh nặng giời đầy. Cái nọ mắc kẹt cái kia, để cả hai cái thì buồn nhưng chúng nương tựa nhau, mà nói dại, nếu cắt đi một cái thì lại đau, thì lại thành ra cắt tuốt tuột. Người ta thừa nhận cho Quỳnh Rồ là không rồ. Anh chẳng điên dại đập phá, vẫn còn trí nhớ chẳng kém ai, được người ta cho ăn lương rồi nhận vài việc chữ nghĩa, vợ làm thay cho dưới danh nghĩa "biên tập lại" rồi có đồng lương tháng... Trong biên chế quan trọng là vậy đó.
***
Chuông điện thoại. Đầu dây đằng kia chính là giáo sư "Bộ nhớ dân tộc" giục Nhung dịch cho xong bài để ông còn đem đi Paris họp. Nhung quăng cái khăn vừa lau mặt xong cho Quỳnh Rồ vào chậu, rồi bỏ chồng ngồi đó, chạy vội vào bàn lấy ra tập bản thảo nói theo chức phận là đang dịch dở dang mà nói bằng thực chất là vừa viết vừa dịch dở dang.
Quỳnh Rồ hễ trông thấy giấy má thì bỗng như sống lại một thời khi anh còn chưa được thừa nhận là đến giai đoạn rồ. Quỳnh níu tay Nhung lại để nói về một ký ức bất chợt:
- Em à... hôm qua em mua phở cho anh ở phố nào nhỉ?
Nhung nói cho qua chuyện:
- Phố Mai Hắc Đế, anh quên rồi à?
- Quên à? Đời nào! Nhưng em nhớ nhầm, chắc không phải Mai Hắc Đế... cha này không đen đen thế... mà xinh xinh tươi tươi kia... Đúng rồi, Triệu Việt Vương, anh đã nói là cha này không đen mà! Em thấy trí tuệ lịch sử của anh còn vững đấy chứ?... Có phải ở phố Triệu Việt Vương có nhà giáo sư gì nhỉ ở cạnh hàng phở nhỉ...?
- Thôi để em làm nốt mấy việc rồi em cho anh đi chơi phố nhé...
Quỳnh Rồ đã vội quên chuyện lịch sử, cầm lấy cuốn tiểu thuyết định đọc, rồi lại để đó, loay hoay thu thu đôi chân đã bị teo cơ cho rúc vào dưới tấm chăn, rồi ngả người an nhàn vào cái ghế xích đu mắt nhìn trần nhà theo dõi hai con thạch sùng đuổi nhau. Nhung mở tập bài đã in ra, đã đóng quyển tạm, định đối chiếu mấy đoạn dịch cô còn chút nghi ngại. Cô khẽ lật đoạn được đánh dấu bằng mẩu giấy của giáo sư "Bộ nhớ dân tộc" giúi cho tối qua nhưng chưa kịp đọc. Thư không ký tên tác giả, viết bằng tiếng Anh trộn tiếng Pháp, mở đầu bằng tiếng Italia O sole mio lại cẩn thận sợ Nhung đọc không ra nên chú thích thêm tiếng Việt là "Mặt trời của tôi ơi". Do chỗ nhiều bạn đọc có thể không đọc nổi lá thư hai ngữ Anh-Pháp vả chăng cũng không tiện dùng tiếng nước ngoài trên sách báo ta, người kể chuyện xin dịch lại trăm phần trăm nguyên văn như sau:
"Kính yêu em của tôi! Em cần phải nỗ lực phấn đấu để kỳ này anh và em cùng đi Hội nghị về "Chấm dứt chiến tranh trong thế giới đương đại" ở thủ đô hoa lệ của loài người. Ôi em không sao hiểu nổi thế nào là tự do đâu chừng nào em còn khư khư níu giữ cái chàng Rồ không chính danh Hamlet nhà em. Hãy thử chút hạnh phúc thoáng qua với một chàng Hamlet thực thụ, khả kính và khả ái, người viết lá thư đầy tình cảm chân thành này. Kính thư".
Nhung ném cái nhìn xéo rất nhanh về phía Quỳnh Rồ. Nhung chợt thấy sợ, cái nỗi sợ chính mình, chẳng hiểu sao Nhung thấy mình bắt đầu có tật nhìn trộm chồng. Quỳnh đã ngừng quan sát thạch sùng, đã mở sách ra và đang đọc Bulgakov. Khi Nhung vừa nhìn xéo qua Quỳnh, thì cũng vừa lúc anh úp sách vào ngực để nhìn sang Nhung. Như có luồng điện giữa hai người vậy. Nhung nhớ thoáng thật nhanh cái dáng thư sinh đặt cuốn sách trên ngực hệt như vậy cái bữa Quỳnh nằm bệnh viện trước khi hai người cưới nhau. Bữa đó Quỳnh và Nhung vào bệnh viện thăm giáo sư thân sinh Nhung đang chờ mổ khối u. Đứng giữa cổng bệnh viện, Quỳnh bỗng dưng nhảy tót lên mui một chiếc xe ô tô đen đang từ từ vào viện. Quỳnh đứng lên đó vẫy tay và la hét, mấy chục năm về trước và ở một xứ sở nào đó hẳn phải là một cảnh sinh viên tiên phong đang diễn thuyết dắt dẫn quần chúng tối tăm. Người ta xúm lại lôi Quỳnh xuống, cho anh vài quả thụi, rồi sau đó Quỳnh bị đưa vào nằm luôn ở chính bệnh viện đó, bệnh án không ghi mấy quả thụi mà ghi một triệu chứng tâm lý gì đó, một hội chứng rồ thích làm to hơn, thích đứng cao hơn cái mui xe của chiếc xe con đang lăn vào viện. Nhung đều đặn vào thăm Quỳnh. Tình yêu là thế đấy. Có những xì xầm này nọ, nhưng Nhung vẫn cưới anh chàng Quỳnh đẹp giai của mình. Cưới rồi thì cả yêu cả thương cả bó buộc không rời ra nổi nữa. Cũng may là Nhung cũng có khi biết tự nhạo mình "đã vào biên chế rồi thì không xin ra được nữa". Và cũng có lần nghĩ thầm về "chàng Hamlet thực thụ" khi trao cho chàng bản dịch mà thực chất là một công trình của chính Nhung: "Đành thôi, đã giáo sư rồi thì trọn đời cứ phải giáo sư, em sẽ giúp chàng đến trọn kiếp".
Đang đọc, bỗng Quỳnh dừng lại, nhìn sang Nhung:
- Anh sợ quá, Nhung à...
- Anh sợ gì?
- Trong sách này này... lổn nhổn những người những ma... anh thấy sợ quá... nhất là cái con mèo đen...
- Em có kinh nghiệm đọc Bulgakov, đang đọc em cũng có lúc thấy sợ như anh, nhưng khi đó cứ mở bìa sau ra nhìn ảnh ông ta là hết sợ... đấy thấy chưa... anh thấy ông ta hiền không? Hiền và đẹp giai, hệt như anh ấy...
Quỳnh Rồ lấy cuốn sách che miệng che quá mũi, chỉ còn ló ra đôi mắt trố, cười hích hích bên dưới tấm chân dung Bulgakov:
- Anh đẹp giai à?
Nhung nhìn vào gương mặt Bulgakov đang thế chỗ cho bộ mặt chồng mình. Nhung nói với chồng mà như thể trò chuyện với ông nhà văn đã viết nên những điều nhố nhăng điên dại của người Nga trong bộ sách kỳ diệu đã được Đoàn Tử Huyến dịch sang tiếng Việt:
- Anh không đẹp giai kiểu như mọi người, anh đẹp kiểu Hamlet... Anh đừng sợ... Em thương anh. Bao giờ em cũng thương anh...
Nhung cũng chẳng hiểu vì sao bỗng dưng mình lại phải thề thốt chừng nấy. Ngày trước, khi mới yêu nhau, có khi nào cần thề thốt vậy đâu? Có chuyện gì thế nhỉ? Nhung mở ra, đọc lần nữa lá thư xinh xinh của giáo sư "Hamlet chính hiệu" biệt danh "Bộ nhớ dân tộc". Đồng ý hay không đồng ý, toàn bộ vấn đề nằm ở đấy. Hệt như xưa, Hamlet Rồ nêu câu tự vấn "Ta có là ta hay không còn là ta đây, toàn bộ vấn đề là ở đó".
Nhung thấy căn nhà bỗng yên ắng quá. Rời mắt khỏi lá thư, quay sang đã thấy Quỳnh Rồ thiu thiu ngủ. Quỳnh thích ngủ vào quãng chín mười giờ sáng thế này. Hôm nay chủ nhật, ngủ thoải mái...
Nhung khẽ kéo chiếc chăn mỏng đắp cho đôi chân trắng xanh, bé như hai cây mía non của chồng. Hamlet, ngủ đi, ngủ yên nhé.