Bát cơm mùa gặt
Song Hà
Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ thương, hoài niệm. Với tôi đó là những tháng năm đẹp như một giấc mơ, là những bát cơm đặc biệt không phải ai cũng được ăn. Tôi lớn lên ở ngoại ô Hà Nội. Khu tập thể ngày ấy nhỏ bé nằm lọt thỏm trong một xã chuyên trồng lúa và rau thuộc huyện Từ Liêm.
Cứ đến mùa gặt của người nông dân trong xã, sau buổi học những đứa trẻ trong khu tập thể sàn sàn tuổi lên bảy, lên mười lại rủ nhau ra cánh đồng mót lúa. Đó là lúc lúa đã bắt đầu được gặt vãn. Như đàn chim sẻ nhỏ, chúng tôi sà từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Đứa nào cũng đeo bên vai một chiếc túi vải nhỏ. Chiếc túi của tôi được mẹ khâu lại từ những mảnh vải lành lặn cắt ra từ chiếc quần áo rách. Chiếc túi vải nhiều màu có quai đeo rất xinh xắn.
Tôi nhớ ngày ấy người ta thường cắt sát gốc lúa, sắp thành từng dãy thẳng hàng cho hết mảnh ruộng rồi bắt đầu quay lại dùng liềm xén ngang thân cây, gánh phần ngọn về trước. Phần thân dưới cây lúa gọi là rạ, để lại ruộng cho khô rồi mới gánh cho nhẹ bớt. Chúng tôi đi từng dãy rạ, lật ra để nhặt những bông lúa còn sót lại cho vào túi. Bốn năm đứa trẻ đi với nhau, chia mỗi đứa một khoảnh ruộng rồi chăm chú nhặt lúa sót. Rõ ràng đã lật hết đám rạ rồi nhưng đến khi quay vòng lại, lật dảnh rạ lên vẫn cứ nhặt được những bông lúa vàng hươm nằm ẩn mình sau thân rạ khô giòn. Đó đây bật lên tiếng reo nho nhỏ thích thú.
Có những ruộng lúa được cắt ngang giữa chừng thân lúa, chỉ lấy phần bông phía trên, phần rạ phía dưới dựng tua tủa như những ngọn giáo. Khi đến mảnh ruộng như vậy, những đứa có kinh nghiệm thường đi vòng quanh bờ. Nơi đó có những bông lúa nặng trĩu ẩn mình trong đám cỏ cao lút mặt mà những người gặt vô tình bỏ sót lại. Dùng chiếc kéo bé tí xíu vẫn thường được dùng cắt thủ công trên lớp học, cắt bông lúa, chợt thấy túi mình nặng hơn một chút.
Trên thửa ruộng gặt sớm, những bông lúa trổ muộn tiếp tục ra bông và chín. Dường như chúng cố không phụ công những tháng ngày chăm sóc, bón phân, nhổ cỏ của những người trồng lúa. Chúng tôi hái những bông lúa thường chỉ có dăm bảy hạt thóc ấy mà lòng vẫn cứ hân hoan, vui sướng. Năng nhặt chặt bị, nếu kiên nhẫn thì vẫn có thể hái được cả túi thóc đầy.
Sau những trận mưa to, những đám ruộng trước đây khô bây giờ đã ngập nước đến ngang bụng chân. Nước dưới ruộng ấm áp chứ không lạnh như nhiều người vẫn tưởng. Nước trong văn vắt. Những bông lúa sót lại nằm dưới đáy ruộng căng mọng vì nước. Có hạt thóc đã chớm nứt mầm trắng vẫn được vớt mang về. Bàn chân trần giẫm vào gốc lúa ráp mềm. Đàn cá mương mương đuổi nhau vèo vèo trên mặt nước như đùa nghịch cùng mỗi bước chân thơ trẻ. Những con ốc mít, ốc rạ béo múp míp nặng nhọc bò dưới chân ruộng. Đôi ba chú cua đá lồi mắt, giơ càng ra doạ dẫm. Chúng tôi nhặt tất cả cho vào túi. Mỗi ngày vài đứa góp lại cho một đứa thì cũng được một bữa canh cua nấu riêu hoặc nồi ốc luộc ngon lành. Cứ lần lượt quay vòng rồi cũng đến lượt nhà mình ăn canh cua, ốc. Gắn bó với nhau, nhường nhịn nhau như vậy mà thành kỷ niệm ngọt ngào đến tận lúc trưởng thành.
Mùa đông, cánh đồng rộng mênh mông cuối vụ gặt càng thêm vắng. Chúng tôi vừa mót lúa vừa nô đùa thoả thích. Từng đợt gió mùa đông bắc khô hanh khiến cho má những đứa trẻ khô nẻ cứ đỏ hồng lên như táo chín. Cuối ngày trở về nhà, mẹ tôi lại cần mẫn vò lúa, sàng sảy sạch sẽ rồi đem phơi cho vào thùng. Những bông lúa nếp được mẹ lựa riêng. Bông tươi xanh mẹ cho vào bếp than củi nướng cháy rơm, để lại những hạt thóc nếp thơm phưng phức. Ngồi nép vào lòng mẹ, dùng tay để bóc hạt gạo nướng xanh non như cốm, đưa vào miệng nhai dẻo ngọt. Bông lúa nếp già, mẹ tuốt ra phơi khô rồi đem rang thành bỏng. Đêm mùa đông giá lạnh, ngồi học bài trên nhà nghe tiếng bỏng nổ lép bép trong bếp thật vui tai. Một tay mẹ lựa trấu, vun bỏng. Khi được những hạt bỏng nếp sạch sẽ, mẹ pha nước đường trắng, đun nóng vẩy vào rồi nắm lại thành từng nắm xinh xắn. Mẹ vẫn thường dùng chúng làm phần thưởng mỗi khi chúng tôi được điểm 9, điểm 10.
Cứ mỗi một vụ mùa, tôi nhặt được khoảng ba chục cân thóc khô. Giữ đến gần Tết, mẹ đem xát lấy gạo. Số gạo đó mẹ để nấu riêng. Thứ cơm được nấu từ những bông lúa, hạt thóc mót trên cánh đồng lại có hương vị thật lạ. Bưng bát cơm đầy, mẹ cười rạng rỡ khen tôi hiếu thảo, còn nhỏ tuổi đã biết đỡ đần mẹ. Bát cơm đó không giống như cơm gạo tấm dính, tấm nở, gạo mậu dịch hồi ấy hay những bát cơm gạo tám xoan, gạo dự, gạo bắc hương thời bây giờ.
Nhiều năm trôi qua. Những đứa trẻ ngày xưa đã trưởng thành. Tôi đi qua tuổi thơ khó khăn nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm và sự hồn nhiên thơ trẻ. Có lẽ nhờ sự tảo tần thu vén của mẹ đã giúp tôi được học hành đầy đủ hơn một số bạn bè cùng trang lứa. Giờ đây, cứ sau một bữa liên hoan chiêu đãi hoặc dự một đám cưới, nhìn những bát cơm gạo tám trắng muốt đựng trong âu sứ, âu men hoặc bằng inox nằm khiêm nhường trên bàn tiệc bị bỏ thừa lại mà chạnh lòng. Nhớ đến quay quắt bát cơm từ những hạt lúa mót được trên cánh đồng làng năm nào.
Song Hà