Chiếc Mùi soa
Akutagawa Ryunosuke
Hankechi
Lời Người Dịch:
Người dịch được đọc Hankechi bằng tiếng Việt lần đầu tiên khoảng năm 1963 ở Saigòn trên tạp chí Văn Học của nhóm các nhà văn Phan Kim Thịnh, Dương Kiền... dưới cái tựa "Chiếc Khăn Tay" nhưng không nhớ tên dịch giả. Năm 1972, người dịch đã thử dịch từ bản tiếng Nhật và đăng trên một nội san sinh viên ở Paris. Sau vài lần dọn nhà, bản đó cũng mất.Bản dưới đây dịch lại từ nguyên tác đăng trong Văn Học Nhật Bản Toàn Tập (A Treasury of Japanese Literature) của nhà Chuô-Kôron (1964), tập 29 nói về Akutagawa. Trong khi dịch, đã tham khảo bản tiếng Pháp do giáo sư Mori Arimasa (Le Mouchoir, in Rashômon et autres contes, Gallimard, Unesco, Paris, 1965).
Vũ sĩ đạo (Bushidô) được xem như một qui phạm đạo đức của giới quân nhân hình thành từ cuộc chiến tranh giữa hai họ Taira và Minamoto (cuối thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 12) thời trung cổ Nhật Bản, phát triển với mạc phủ Kamakura (1185-1333). Đến thời Tokugawa (1600-1868), nó kết hợp với tư tưởng Nho Giáo và trở thành một định chế chặt chẽ nhằm củng cố chế độ phong kiến. Trung thành, hy sinh, tín nghĩa, liêm sỉ, giữ lễ, kiệm ước, đơn sơ, trong sạch, trọng danh dự, yêu vũ nghệ, không sợ chết... là những đức tính cần thiết của người vũ sĩ được nhắc trong Hagakure (Diệp Ẩn, 1716), tác phẩm có tính cách kinh điển của vũ sĩ đạo do đệ tử của Yamamoto Jôchô (Sơn Bản Thường Triều, 1659-1719) chép lại lời ông giảng.Từ nhiều thế kỷ, dù đúng hay sai, vũ sĩ đạo được nhiều người coi như đồng nghĩa với lối sống Nhật Bản.
"Chiếc mùi-soa" là tác phẩm tiêu biểu của Akutagawa Ryuunosuke, trong đó, ông đặt lại vấn đề giá trị đích thực của vũ sĩ đạo từ một câu chuyện giản dị.
*
Ngả lưng trên chiếc ghế mây dưới hàng hiên, Hasegawa Kinzô (1), giáo sư luật khoa Đại Học Đế Quốc Đông Kinh (2), đang đọc quyển Nghệ Thuật Viết Kịch (3) của Strindberg.
Lãnh vực nghiên cứu chuyên môn của giáo sư là chính sách thuộc địa nên chắc độc giả không khỏi chưng hửng khi thấy tả ông ta đang đọc quyển sách về thuật viết kịch. Tuy nhiên, giáo sư vừa có tiếng là một học giả kiêm nhà giáo dục nên sách vở dẫu không liên quan tới phạm vi nghiên cứu của mình, miễn nó ảnh hưởng đến lề lối suy nghĩ và tình cảm của đám sinh viên là giáo sư muốn liếc qua một lần cho biết.Dạo nầy, chỗ trường Cao Đẳng Chuyên Khoa nơi giáo sư vừa nhậm chức hiệu trưởng, đám sinh viên đang mê đọc Từ Hố Thẳm (4) và Ý Hướng Nghệ Thuật (5) của Oscar Wilde (6). Chừng đó lý do cũng đủ làm giáo sư bỏ công ra đọc mấy cuốn trên. Tính giáo sư thế đấy nên bây giờ có kể là sách ông đang cầm đọc vốn trình bày về các vở tuồng và diễn viên làng kịch Âu Châu cận đại thì chẳng có gì khiến ta phải lạ lùng. Nếu muốn rõ nguồn cơn thì xin thưa trong đám học trò giáo sư đào tạo, ngoài những cậu viết khảo luận về Ibsen (7), Strindberg hay Maeterlinck còn có cả nhiều cậu hăm hở theo dấu các nhà soạn kịch cận đại để sinh sống bằng nghề viết kịch nữa kia.
Cứ mỗi lần đọc xong một chương thấm thía, giáo sư lại để quyển sách bìa bọc vải màu vàng lên trên đùi, lơ đãng đưa mắt về phía chiếc lồng đèn Gifu (8) treo dưới mái hiên. Lạ cái là mỗi lần như thế, dòng suy nghĩ của giáo sư bỗng rời khỏi Strindberg lúc nào không biết. Thay vào đó, hình ảnh bà vợ, người đã cùng ông đi mua chiếc lồng đèn, lại hiện ra trong trí. Ông kết hôn trong thời gian du học Hoa Kỳ và dĩ nhiên ( 9 ) bà nhà là người Mỹ. Thế nhưng tình yêu đối với đất nước và con người Nhật Bản của bà chẳng thua gì kém chồng. Đặc biệt bà hết sức yêu thích đồ mỹ nghệ khéo léo của người Nhật. Do đó, chiếc lồng đèn Gifu treo dưới hiên nhà chính ra thể hiện sở thích cá nhân bà giáo chứ không phải khiếu thẩm mỹ của giáo sư Hasegawa.
Mỗi lần đặt sách xuống, dòng suy tưởng của giáo sư hết hướng về người vợ, về chiếc lồng đèn Gifu, rồi đến nền văn minh Nhật Bản tiêu biểu bằng chiếc lồng đèn nầy. Theo chổ ông nhận xét, trong vòng năm mươi năm nay, văn minh Nhật Bản đã có những bước tiến rõ rệt về phương diện vật chất. Thế nhưng về mặt tinh thần mà nói, hầu như không có tiến bộ nào đáng kể. Chẳng những thế, ở một ý nghĩa nào đó, nó còn tụt dốc nữa. Thế thì nhiệm vụ của nhà tư tưởng thời nay là phải tìm cách chỉ bảo đường lối thế nào giúp cho Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ tuột dốc. Theo ông nhận định, không có cách gì khác hơn là dựa vào vũ sĩ đạo, một truyền thống lâu đời. Không nên xem vũ sĩ đạo như một thứ đạo đức hẹp hòi và cứng nhắc của một giống dân ở đảo. Ngược lại, trong vũ sĩ đạo đã có những giá trị giống y tinh thần Cơ Đốc Giáo của các quốc gia Âu Mỹ. Nếu làm mọi người chấp nhận được là với vũ sĩ đạo, có thể chấn chỉnh lại trào lưu tư tưởng Nhật Bản hiện đại thì coi như đã cống hiến lớn lao cho văn minh tinh thần của Nhật Bản rồi. Nhân đó tiến xa hơn mà giúp sự giao cảm giữa người Nhật và dân tộc các quốc gia Âu Mỹ thêm dễ dàng, chưa nói đến lợi ích đóng góp cho hòa bình thế giới. Điều này phù hợp với ước mơ đóng vai trò chiếc cầu nối hai bờ Đông Tây mà từ lâu giáo sư vẫn thường ôm ấp. Suy nghĩ đến đó, giáo sư không khỏi cảm thấy dễ chịu khi nhận ra có một sự cân đối hài hòa giữa ba yếu tố: bà vợ, chiếc lồng đèn Gifu và nền văn minh Nhật Bản tượng trưng bằng chiếc lồng đèn ấy.
Sự sung sướng mà giáo sư cảm nhận cứ trở về liên hồi làm ông tuy tiếp tục đọc sách mà chợt thấy tâm trí mình đã lãng đãng rời khỏi Strindberg. Ông bực bội lắc đầu và lại chăm chú cúi xuống dán mắt vào những hàng chữ li ti. Vừa vặn lúc đó, đoạn ông đọc tới có viết như thế nầy:
"Khi diễn viên tìm ra được một kỹ thuật diễn xuất thích hợp để diễn tả một tình cảm thường thức nào đó và thành công với lối diễn xuất ấy rồi, họ có thói quen cứ dùng đi dùng lại bất kể trong tình huống nào, có khi vì chuộng sự dễ dãi, có khi vì thành công nó đem đến. Đó là cái mà người ta gọi là " kiểu cọ (10)"...
Xưa nay, giáo sư vốn không phải là người rành rẽ về nghệ thuật. Kịch đối với ông như đàn gảy tai trâu. Ngay cả sân khấu truyền thống, từng tuổi nầy mà ông đã đi xem mấy lần đâu! Có lần một cậu sinh viên, khi viết tiểu thuyết, nhắc đến cái tên Baikô. Một người tự phụ học rộng nhớ dai như giáo sư mà cũng chịu, không biết nhân vật nầy là ai. Sau đó, giáo sư có dịp gọi anh chàng sinh viên ấy đến hỏi :
-Nầy em, Baikô là ai vậy ?
-Thưa thầy, Baikô (11) à ? Ông nầy là kép thường trực của rạp kịch Đế Quốc khu Marunouchi, hiện đóng vai Misao trong hồi thứ mười vở Taikôki (12) đấy ạ.
Anh học trò, mặc cái hakama (có sọc) của vùng Kokura kính cẩn trả lời thầy.
Do sự kém hiểu biết đó, giáo sư không thể có ý kiến gì về các loại kỹ thuật diễn xuất mà Strindberg đã phẩm bình với một ngòi bút sắc cạnh. Nó chỉ đem đến cho giáo sư chút đỉnh thích thú trong phạm vi những vở kịch mà ông nhớ đã được xem ở phương Tây thời còn du học. Nói cách khác, trường hợp của giáo sư không khác chút nào cảnh một như ông thầy Anh Văn bậc trung học, nhân vì đi kiếm vài thành ngữ mà bắt buộc phải đọc kịch bản của Bernard Shaw (13) . Tuy cái ích lợi quyển sách đem đến không phải thứ ông muốn tìm nhưng dù sao nó cũng là một thứ ích lợi.
Chiếc lồng đèn Gifu treo lửng trên trần hàng hiên vẫn chưa ai thắp. Và trên chiếc ghế mây, giáo sư Hasegawa Kinzô nhà ta vẫn đang xem giở cuốn " Thuật Viết Kịch " của Strindberg. Người viết chỉ cần tả như vậy thiết tưởng cũng đủ giúp độc giả hình dung một cách dễ dàng đó là một buổi xế trưa đầu hạ ngày còn dài lê thê. Tuy nhiên khi nói thế, tác giả không có ý bảo giáo sư chán ngán cái gì đâu. Nếu có vị nào giải thích kiểu đó là cố ý đem ý nghĩa câu văn của tác giả bóp méo để mỉa mai đấy.
Và bây giờ, cho dù là Strindberg đi nữa, giáo sư cũng đành cho rơi nửa chừng. Tại sao ấy à, vì cô bé giúp việc vào báo có khách đến thăm làm giáo sư chợt mất đi cái hứng thanh tao. Cho dù ngày có dài đến đâu, coi bộ người đời không tìm đến quấy quả giáo sư là họ không chịu được hay sao ấy!
Giáo sư đặt quyển sách xuống, cầm tấm danh thiếp cô bé giúp việc vừa mới đưa vào, liếc qua một lượt. Tấm thiệp mầu ngà có ghi mấy chữ Nishiyama Atsuko xinh xắn. Thật tình giáo sư không nhớ đã gặp người mang tên nầy bao giờ cả.Vừa đứng dậy khỏi cái ghế dựa bằng mây, con người giao thiệp rộng như giáo sư đã thử soát lại cuốn sổ trong đầu ghi tên tuổi tất cả những người quen biết một lần cho chắc. Thôi chịu, không có khuôn mặt nào trùng hợp với cái tên ấy. Giáo sư bèn xen tấm danh thiếp vào giữa quyển sách thay cho thẻ đánh dấu trang, đặt quyển sách lên trên chiếc ghế mây, xong, với thái độ hơi bồn chồn, ông vừa sửa lại tấm áo bằng tơ Meisen mặc trên người cho ngay ngắn, vừa thoáng ngước nhìn lần nữa chiếc lồng đèn Gifu treo ngang tầm mắt. Thói thường, trong trường hợp như thế nầy, kẻ nôn nóng không phải là người khách bị bắt chờ mà là chủ nhân bắt khách phải chờ. Huống chi giáo sư là người xưa nay vẫn hết sức cung kính đối với khách dầu lạ hay quen, nên ông không thể lấy cớ người đàn bà hôm nay không quen mà cố ý làm khác đi cho được.
Xem chừng giờ, giáo sư mở cửa phòng khách. Khi tay ông vừa buông khỏi nắm đấm cửa thì hầu như cùng một lúc, khách, một người đàn bà tuổi trạc bốn mươi đang ngồi trên ghế bỗng bật dậy. Khách mặc một chiếc kimono lụa xám ánh lục thật sang trọng mà phẩm chất vượt ngoài cả tầm hiểu biết của giáo sư. Ở chỗ khép lơi lơi trước ngực áo haori choàng ngoài bằng sa đen, ánh lên một viên bích ngọc hình củ ấu để giữ chiếc thắt lưng, trông thật mát mắt. Một người không mấy tinh tế như giáo sư mà cũng nhận ra ngay bà khách búi tóc theo kiểu marumage(14) . Bà ta có khuôn mặt bầu bầu và nước da đỏ thắm, đúng là dáng dấp tiêu biểu của bậc mẹ hiền dâu thảo trong xã hội Nhật cổ truyền. Mới nhìn thoáng thôi mà giáo sư có cảm tưởng đã thấy gương mặt nầy ở đâu rồi.
-Thưa tôi là Hasegawa.
Giáo sư vui vẻ cúi đầu chào. Tự giới thiệu đi thì nếu là người mình đã gặp rồi, thế nào phía kia cũng thông báo chuyện đó trước.
-Dạ tôi là mẹ cháu Nishiyama Ken-ichirô.
Người đàn bà xưng tên bằng một giọng rõ ràng. Xong, lễ phép cúi đầu chào trả giáo sư.
Ai chứ Nishiyama Ken-ichrô thì giáo sư có biết. Chính anh ta là một trong những cậu sinh viên đã viết bình luận về Ibsen và Strindberg. Nếu không lầm thì anh ta chuyên môn về luật Đức nhưng từ khi lên đại học tới nay thường hay đem mấy vấn đề tư tưởng đến thỉnh ý giáo sư. Thế rồi mùa xuân nầy, anh mắc chứng viêm màng bụng phải vào nằm nhà thương của đại học. Giáo sư nhân dịp cũng đã vào thăm anh ta một hai lần. Suy ra, điều ông nghĩ rằng khuôn mặt của bà khách nầy mình đã có lần gặp ở đâu đó rồi cũng không phải thiếu căn cứ. Người con trai có cặp mày rậm và năng nổ kia với người phụ nữ nầy quả đúng như cách ví von của người Nhật, dung mạo hệt như " một quả dưa bổ đôi ". Giống nhau đến mức sửng sốt được.
-À, chú Nishiyama à. Ra thế!
Giáo sư vừa gật gù, chỉ tay về phía cái ghế đối diện bên kia chiếc bàn nhỏ:
-Xin mời bà ngồi.
Người đàn bà trước tiên xin lỗi đã đường đột đến gặp, lại cúi đầu thi lễ, rồi mới ngồi xuống chiếc ghế giáo sư vừa trỏ. Trong lúc làm động tác như thế, bà lấy trong ống tay áo ra một vật gì màu trắng, có lẽ là một chiếc mùi soa. Thấy vậy, giáo sư mau mắn mời bà dùng cây quạt Triều Tiên trên bàn rồi đến lượt mình ngồi xuống chiếc ghế trước mặt bà.
-Thưa nhà giáo sư trông đẹp quá ạ.
Người đàn bà có vẻ cố tình đảo mắt nhìn quanh căn phòng một vòng.
-Dạ chỉ được cái rộng chớ bừa lắm.
Giáo sư vốn đã quen lối chào hỏi kiểu cách như thế.
Vừa vặn lúc đó, cô giúp việc mang trà ướp lạnh ra, giáo sư bảo cô ta để cho ngay ngắn trên bàn trước mặt khách, xong đổi hướng câu chuyện qua mục đích của cuộc thăm viếng.
-Thế chú Nishiyama thế nào? Bệnh tình chú ấy có khá ra không?
-...Vâng.
Người đàn bà đặt hai bàn tay lên đầu gối như đang băn khoăn điều gì. Tiếng của bà đứt ngang, xong mới tiếp tục bằng một giọng trầm tĩnh, thong thả:
-Thực ra, hôm nay tôi đến gặp giáo sư cũng là để thưa chuyện của cháu. Từ dạo đó trở đi, bệnh vô phương cứu chữa. Lúc còn sinh tiền, cháu đã làm phiền giáo sư quá đỗi...
Cho rằng người đàn bà chưa đưa tay ra đụng vào tách trà vì còn ngại ngùng, nên lúc đó, giáo sư định nhấc tách trà của mình đưa lên môi. Ông nghĩ thay vì mời mọc lôi thôi chi bằng cứ cho khách thấy mình uống trước thì họ sẽ làm theo. Thế nhưng tách trà chưa chạm vào bộ râu mép mềm mại của ông thì câu nói bà khách đã đập thốc vào tai. Uống trà hay là không uống trà? Câu hỏi nầy thực ra hoàn toàn độc lập với cái chết của người sinh viên kia nhưng trong một khoảnh khắc nó làm ông bối rối. Chẳng lẽ cứ nhấc tách lên như thế nầy, chẳng nhẽ chưa nhấp mà đặt xuống. Nghĩ đến đó, giáo sư không dùng dằng nữa, hớp một hớp cạn đến nửa tách, lòng dàu dàu se lại và giọng nói nghèn nghẹn.
-Ôi chao ôi!
-Lúc nằm bệnh viện, cháu nó vẫn hay nhắc đến giáo sư cho nên dù biết thời giờ giáo sư quí báu chúng tôi vẫn đánh bạo đến để xin phép báo tin cháu và tỏ lòng tri ân .....
-Thưa, tôi đâu dám.
Giáo sư đặt tách trà xuống, tay cầm cây quạt Triều Tiên có những cái nan đánh bóng mầu xanh, thừ người :
-Thế không cứu chú ấy được à. Khổ thân chưa ! Đường tương lai còn dài. Lúc sau nầy tôi không có dịp ghé đằng bệnh viện nên cứ ngỡ chú ấy khá ra rồi ... Thế chú ấy mất từ hồi nào vậy ?
-Hôm qua vừa đúng một tuần ạ.
-Trong bệnh viện à ?
-Thưa phải.
-Chết chửa! Thật ai mà ngờ!
-Dù sao thì việc gì trong tầm tay chúng tôi cũng đã làm hết sức, chỉ biết cúi đầu trước số mệnh. Nhưng mỗi khi nhớ đến cuộc đời của cháu, thật tôi không khỏi than trời trách đất.
Trong khi hai bên đang trao đổi câu chuyện, giáo sư chợt để ý đến một điều kỳ lạ. Nhìn thái độ và cử chỉ của người phụ nữ nầy, không thấy bà có vẻ gì đang nói về cái chết của con trai mình. Mắt không rưng một giọt lệ, giọng nói cũng bình thường. Không những thế, bên khoé miệng như còn điểm một nụ cười. Nếu không nghe bà ta nói chuyện mà chỉ nhìn dáng dấp bên ngoài thôi, ta chỉ có thể nghĩ bà đang nói chuyện cơm canh trà nước trong nhà. Giáo sư thấy đó là điều không tưởng tượng nỗi.
Ngày xưa, giáo sư có thời du học ở Berlin. Lúc đó nhằm khi Kaizer (15) William I tức là bố của Kaizer bây giờ, băng. Giáo sư nghe tin đó ở một quán cà phê ông hay lui tới và chẳng thấy cảm động gì cho lắm. Thế rồi cũng như mọi ngày, ông tươi tỉnh cắp gậy dưới nách trở về nhà trọ. Đến nơi vừa kịp mở cửa thì đã thấy hai đứa bé con nhà chủ chạy ùa ra bá cổ ông bù lu bù loa. Một đứa là con gái độ 12 tuổi, mặc cái áo len màu nâu, đứa kia là trai mới lên 9, quần xanh nước biển. Giáo sư vốn yêu trẻ con nên tuy không hiểu ất giáp gì cũng vò mái tóc nhàn nhạt của hai đứa vỗ về an ủi chúng: "Sao vậy mấy em? Sao vậy hở?". Bọn trẻ vẫn không ngừng khóc. Sau một hồi như vơi đi nỗi sầu khổ, chúng mới bảo "Đức vua ông nội chết rồi, chú ơi!"
Đối với giáo sư, cái chết của một nguyên thủ quốc gia khiến cho cả trẻ con cũng buồn bã như thế là một điều khó tưởng tượng. Thế nhưng không chỉ có liên hệ tình cảm của thần dân đối với vị hoàng đế của họ khiến giáo sư kinh ngạc. Từ khi đặt chân lên các quốc gia phương Tây, qua nhiều dịp tai nghe mắt thấy, giáo sư đã xúc động vì lối bộc lộ rõ ràng xung động tình cảm của người dân bản xứ, và lần ấy, sự bày tỏ nơi mấy đứa trẻ đã làm một người Nhật tin tưởng vào vũ sĩ đạo như ông phải sửng sốt. Ông không bao giờ quên được sự ngạc nhiên pha lẫn đồng tình đã dậy lên cùng một lượt trong lòng ông lúc đó. Hôm nay, ngược lại, ông cũng ngạc nhiên biết bao thấy người phụ nữ nầy không có lấy một giọt nước mắt.
Thế nhưng sau phát hiện đầu tiên nầy, ông lại phát hiện thêm một điều thứ hai.
Câu chuyện giữa chủ khách sau khi xoay quanh mối hoài niệm về chàng thanh niên đã khuất, đến chỗ mấy chi tiết về cuộc sống hằng ngày của anh ta, xong lại quay về với nỗi tiếc thương. Vừa vặn lúc ấy, không biết sái nhịp thế nào mà cây quạt Triều Tiên bất chợt tuột khỏi tay giáo sư rơi xuống mặt sàn lát gỗ vân. Câu chuyện đang nói dĩ nhiên chẳng phải gấp gáp đến nỗi không thể cắt ngang trong giây lát cho nên giáo sư mới hơi nhoài người ra khỏi ghế, cúi xuống duối tay về hướng mặt sàn. Dưới chân cái bàn nhỏ, lá quạt đang nằm bên cạnh bàn chân mang tất tabi trắng ẩn trong chiếc dép của bà khách.
Khi đó, mắt giáo sư tình cờ nhìn lên khoảng đầu gối của người đàn bà. Hai bàn tay cầm chiếc mùi soa của bà đang đặt trên đầu gối. Chỉ thấy chừng đó chi tiết thì chưa đáng nói là phát hiện gì cả. Thế nhưng cùng một lúc giáo sư nhận ra rằng hai bàn tay ấy đang run lẩy bẩy. Không biết bà khách đang dồn hết sức lực để đè nén trào lòng đang dậy lên mãnh liệt hay sao mà hai bàn tay bà ghì chiếc mùi-soa chặt đến nỗi thiếu điều làm nó muốn rách. Thế rồi, từ giữa những ngón tay mềm mại đang nắm chiếc mùi-soa lụa vò nhàu kia thoảng ra một âm thanh nhẹ như gió thoảng làm lệch chỗ viền thêu xanh lục. Người phụ nữ kia, ngoài mặt như thể tươi cười nhưng từ khi nãy đến giờ, chính ra toàn thân bà đang nức nở.
Sau khi nhặt xong chiếc quạt và ngẫng đầu lên, vẻ mặt giáo sư khác hẳn từ đầu buổi gặp gỡ đến giờ. Một phần vừa ngượng ngùng vừa kính cẩn vì đã nhìn thấy một điều gì đáng lẽ mình không nên thấy, hai là vui thoả về điều vừa bắt gặp đã mang đến cho mình. Tuy hơi đóng kịch một chút nhưng đó là gương mặt biểu lộ cái tình cảm phức tạp bên trên kèm theo ý thức muốn phô bày sự hài lòng về điều đã cảm nhận.
-Thưa bà, tuy không có con nhưng tôi cũng thông cảm được với sự đau xót của bà.
Như người đang nhìn phải cái gì làm lóa mắt, giáo sư ngẫng đầu lên cao và hất cần cổ đằng sau, thốt ra câu nói với một giọng nhè nhẹ u buồn.
-Tôi xin hết sức cảm tạ lòng quí hóa của giáo sư. Nhưng nay chuyện đã qua rồi, còn biết thưa gì với giáo sư bây giờ....
Bà khách cúi đầu ngỏ lời. Thế nhưng trên khuôn mặt thanh thản kia vẫn điểm một nụ cười nhẹ nhàng.
*
Thế rồi hai tiếng đồng hồ sau, giáo sư khi đã đi tắm, dùng cơm chiều và nhón mấy quả anh đào tráng miệng xong, lại thủng thỉnh ra buông người lên chiếc ghế mây kê dưới hàng hiên.
Buổi chiều một ngày hạ dài, ánh sáng sâm sẩm vẫn còn đọng không đi. Trên hàng hiên rộng mà cửa kính nhìn ra ngoài vườn mở toang, trời chưa dễ dàng chịu tối hẳn. Trong ánh nắng yếu lịm, giáo sư, chân trái gác tréo lên chân phải, dựa đầu vào thành ghế mây lơ đãng ngắm tua giây đỏ kết dưới chiếc lồng đèn Gifu. Quyển Strindberg kia, giáo sư cầm trên tay tự nãy giờ nhưng chưa buồn giở ra xem lấy một trang. Chuyện cũng dễ giải thích! Đầu óc của giáo sư bây giờ hãy còn đầy ắp hình dáng và cử chỉ của bà Nishiyama Atsuko.
Trong lúc dùng bữa chiều, giáo sư có kể cho phu nhân nghe một phần câu chuyện xảy ra. Nhân đó ông tỏ ra tán thưởng tinh thần vũ sĩ đạo của người đàn bà Nhật Bản. Phu nhân vốn yêu nước Nhật và người Nhật, dĩ nhiên chỉ biết đồng ý với chồng. Về phần giáo sư, ông cũng mãn nguyện vì có một người sốt sắng chịu lắng tai nghe mình như bà giáo. Cả phu nhân, bà khách ban nãy và chiếc lồng đèn Gifu, bây giờ đã hiện ra trong trí giáo sư như một tổng hợp ba phần lồng trong một khung cảnh đạo lý.
Không biết giáo sư đã chìm đắm trong dòng hồi tưởng như thế một khoảng thời gian dài đến bao lâu nhưng sau đó ông chợt nhớ ra việc một tạp chí mời ông viết bài. Tạp chí đó đưa ra đề tài dưới hình thức "Thư gửi cho lớp người trẻ hôm nay" để các vị có tên tuổi khắp nơi có thể trình bày quan điểm của mình về vấn đề đạo đức nói chung. Giáo sư vừa gãi đầu vừa nghĩ chi bằng ta lấy ngay tư liệu từ câu chuyện xảy ra hôm nay mà trình bày cho độc giả cảm tưởng của mình.
Bàn tay gãi dầu của giáo sư lại chính là bàn tay đang cầm quyển sách. Bây giờ ông mới để ý đến quyển sách bỏ quên từ hồi nãy và mở ra đọc tiếp trang có xen tấm danh thiếp đánh dấu chỗ đang đọc. Cũng nhằm lúc đó, cô giúp việc bước vào thắp chiếc lồng đèn Gifu nên có đủ ánh sáng cho ông. Dù chữ trong sách in nhỏ, đọc cũng không khó lắm. Chả có hứng thú bao lăm, ông vẫn để cặp mắt lướt bâng quơ trên những hàng chữ mà Strindberg viết như sau:
"Khi tôi còn trẻ, người ta có kể cho nghe câu chuyện về chiếc khăn tay của bà Heiberg, có lẽ bắt nguồn từ Paris. Đó là một kỹ thuật diễn xuất hai tầng: mặt thì vẫn mỉm cười mà đã xé rách chiếc mùi-soa cầm trong tay làm đôi. Diễn xuất lối đó thiø người ngày nay cho là khôi hài đen".
Giáo sư lại đặt quyển sách lên đùi. Chỗ ông đang mở, tấm danh thiếp của bà Nishiyama Atsuko vẫn nằm giữa hai trang nhưng cái còn đọng lại trong tâm trí ông, chẳng phải là hình ảnh người đàn bà ấy nữa. Cả hình ảnh của phu nhân lẫn nền văn minh Nhật Bản cũng không tuốt. Có một vật gì kỳ lạ không rõ hình thù đã phá vỡ sự hòa hợp và bình lặng của ba yếu tố nói trên. Cái lối diễn xuất mà Strindberg phê phán dĩ nhiên không liên quan tới vấn đề đạo đức trong cuộc sống. Tuy vậy, sau khi tiếp nhận gợi ý đến từ trang sách vừa đọc, có một cái gì đã làm rối loạn sự thoải mái mà ông cảm thấy lúc từ bồn tắm bước ra. Vũ sĩ đạo, rồi cái "kiểu cọ" của nó!
Giáo sư lắc đầu hai ba lần với vẻ khó chịu. Thế rồi, ông nhướng mắt nhìn lên và bắt đầu chăm chú ngắm nghía ánh sáng của chiếc lồng đèn Gifu có vẻ hình mấy cọng cỏ thu.
Taishô thứ 5 (1916) tháng 9
Akutagawa Ryunosuke
Người dịch : Nguyễn Nam Trân
Chú thích
(1) Nhân vật hư cấu tạo theo mẫu Nitobe Inazô (1862-1933), học giả Nhật Bản, từng dạy các đại học Sapporo, Kyoto và Tokyo, sau chết ở Canada. Nitobe chịu ảnh hưởng tư tưởng Ki-Tô Giáo, nổi tiếng với tác phẩm Bushidô (Vũ Sĩ Đạo) viết bằng tiếng Anh.
(2) Một trong 8 đại học hàng đầu lúc Nhật còn tự xưng là đế quốc.
(3) Thuật Viết Kịch (Dramaturgie, 1907-1910), tác phẩm của August Strindberg (1849-1912), nhà soạn kịch Thụy Điển,một trong những người tiên phong của kịch nghệ hiện đại.
(4)De Profundis (1905) trong đó, Wilde kể lại hai năm sống trong ngục tối của mình.
(5)Intentions (1891), tập bình luận với quan điểm " nghệ thuật trên hết " của Wilde.
(6) Oscar Wilde (1854-1900), người Anh, nhà văn tiêu biểu của trường phái duy mỹ.
(7) Henrik Ibsen (1828-1906), người Na Uy, nhà viết kịch thuộc trường phái tự nhiên, phê phán xã hội thị dân, đề nghị một phong cách mới cho kịch cận đại.
(8) Gifu Chôchin, một loại đèn lồng nan nhỏ phết giấy mỏng của vùng Gifu, trung bộ Nhật Bản, trang trí cây cỏ chim chóc rất trang nhã, có tính nghệ thuật dân gian. Dùng để treo bên hiên trong những chiều mùa hạ để đón gió mát hay đặt bên ban thờ Phật dịp lễ Vu Lan, đưa đường cho người chết về nhà.
(9) Thời đó, phụ nữ Nhật sống ở Mỹ rất hiếm hoi nếu không nói là không có.
(10) Nguyên văn Manieru (Manière theo tiếng Pháp)
(11) Kép hát Kabuki nổi tiếng Onoue Baikô (Vĩ Thượng, Mai Hạnh) tập danh đời thứ sáu (1870-1934). Từng là giám đốc rạp hát Đế Quốc dưới thời Meiji.
(12) Tuồng dựa trên hành trạng của tể tướng Toyotomi Hideyoshi (1536 ?-1598), một trong ba danh tướng có công thống nhất Nhật Bản.
(13) George Bernard Shaw (1856-1950) nhà soạn kịch người Anh, giải Nobel Văn Chương.
(14) Một kiểu búi tóc của người đàn bà có chồng.
(15) Hoàng đế nước Đức