Quang Việt nhấp nhỏm đứng ngồi không yên trong phòng làm việc của phóng viên, mắt ngóng ra cổng chờ Tổng biên tập Minh Nguyên đi họp về. Thư ký cho biết sáng nay ông phải đi họp gấp với lãnh đạo Bộ, có dặn lại nếu anh đến thì chờ ông. Tối qua Quang Việt đã điện thoại báo cáo ông ngay sau đó, và ông Minh Nguyên dặn anh sáng mai đến sớm gặp ông, ngoài bài viết nhớ đem theo tất cả các tư liệu mà anh có về công ty A&T của giám đốc Diệp Kiến Châu, cũng như cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện tối qua đến để ông xử lý.
Thế nhưng sáng nay có điện lãnh đạo Bộ triệu tập ông đến gấp, không rõ chuyện gì, nhưng vì chỉ đích danh nên ông phải đi.
Kìa rồi, chiếc Toyota màu xám nhạt chầm chậm lăn bánh vào trước cửa phòng làm việc. Quang Việt hớn hở chạy ra và anh hơi sựng lại vì vẻ mặt mệt mỏi, nặng nề của ông Minh Nguyên. Ông gật đầu chào anh và ra hiệu cho anh theo ông vào phòng làm việc, bước đi được mấy bước chợt ông hơi loạng choạng, Việt vì đi trước nên không thấy, anh thản nhiên báo cáo công việc của mình đã làm. Vào trong phòng anh mới phát hiện thấy khuôn mặt Tổng biên tập có vẻ nhợt nhạt, Việt lo lắng.
- Chú sao vậy ?
- Ờ không có gì, mệt chút đỉnh thôi. Cháu đem hết các tư liệu đến đây cho chú chưa ?
- Dạ đầy đủ hết rồi.
- Vầy nghe. Cháu cứ để hết đây để chú xử lý. Còn cháu đừng nói với bất kỳ ai về chuyện này, kể cả trong tòa soạn, hiểu chưa ?
- Dạ hiểu
Hiểu nhưng Quang Việt thực tình không hiểu gì cả, anh chỉ thấy ông Minh Nguyên tỏ ra rất mệt mỏi và căng thẳng, nhưng vì lí do gì thì Việt không rõ. Anh cụt hứng bỏ ra ngoài, bực bội lầu bầu đi vào quán cà phê của báo ngồi tán phét với mấy phóng viên Ban chính trị - xã hội.
Đứng sau rèm che trong phòng, ông Minh Nguyên thưa biết Quang Việt sẽ nhăn nhó như thế nào. Nhưng quả thật ông mệt quá, đầu nhức ong ong như búa bổ, vết nhói trong tim từ hồi chiến tranh đang đau trở lại. Cuộc sống quả nhiên không dễ chịu chút nào, nhất là những người chịu đầu sóng ngọn gió như ông.
Sáng nay, tưởng có công việc quan trọng, ông Minh Nguyên vội vã lên Bộ. Ngay từ cửa cổng chính, thư ký của Thứ trưởng thường trực Bộ đã đón ông vào phòng làm việc của Thứ trưởng. Hiện nay đồng chí Bộ trưởng đang đi công tác ở nước ngoài, mọi công việc xử lý của Bộ do Thứ trưởng thường trực đảm nhiệm.
Tiếp ông trong phòng còn 1 người đàn ông lạ mặt nữa. Đồng chí Thứ trưởng vui vẻ tự tay pha bình trà mời ông Minh Nguyên uống. Nhìn vẻ mặt cởi mở của Thứ trưởng, ông Minh Nguyên kín đáo quan sát. Đây là điểm lạ, vì Thứ trưởng thường trực vốn nổi tiếng là 1 người khó tính, tìm thấy 1 nụ cười ở ông còn khó hơn đếm sao trên trời, đây là lời bình của đám nhân viên rổi hơi ở văn phòng Bộ.
Không có chuyện gì quan trọng cả, chỉ là những câu chuyện loanh quoanh nắng mưa thường ngày, ông Minh Nguyên kiên nhẫn ngồi nghe và chờ Thứ trưởng chỉ đạo vì ông hiểu rằng chẳng khi nào Thứ trưởng thường trực lại thừa thời gian mời ông lên để bàn về thời tiết. Huống chi ông và Thứ trưởng vốn không hợp nhau. Khi Thứ trưởng đang còn là tổng giám đốc 1 công ty của Bộ thì ông Nguyên với tư cách là Chánh thanh tra Bộ đã cho lập 1 đoàn xuống thanh tra công ty này về những hoạt động bê bối của nó trong ngành kinh doanh. Kết quả ban Tổng giám đốc bị kiểm điểm, tổng giám đốc bị đưa về 1 vụ của Bộ rồi sau đó được đưa đi làm Tham tán thương mại ở nước ngoài. Loanh quoanh thế nào đó, ông ta được rút về nước trước kỳ hạn, lên làm Vụ trưởng vụ đối ngoại và sau cùng là được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, được phân công la Thường trực, phụ trách mảng kinh tế đối ngoại và thông tin tuyên truyền, là thủ trưởng trực tiếp của ông Nguyên. Quả nhiên trái đất quay tròn,không sai theo chân lý khoa học. Ông Minh Nguyên lắc lư mái tóc bạc, cay đắng ngẫm nghĩ đến những khó khăn trong những ngày sắp tới giữa mình và vị lãnh đạo này. Thế nhưng Thứ trưởng là người khôn ngoan và tinh tế, ở Bộ này ai chẳng biết Bộ trưởng là người nâng đỡ ông Minh Nguyên. Vì vậy, Thứ trưởng không chỉ đạo công việc gì cụ thể ở báo mà chỉ giữ tư thế là cơ quan chủ quản của báo, mọi việc họp hành liên quan đến báo bao giờ cũng cử thư ký của mình xuống dự và truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Bộ nói chung.
Hôm nay Thứ trưởng buộc phải mời ông Nguyên lên làm việc trực tiếp vì có những vấn đề phát sinh ngoài dự kiến.
Cuối cùng Thứ trưởng cũng đi vào vấn đề trọng tâm:
- Ờ, cũng không có gì đâu anh Nguyên. Đây là anh Diệp Kiến Châu, Giám đốc công ty A&T, hiện nay công ty của anh Châu đang có 1 dự án làm với vài công ty thuộc Bộ. Anh Châu có nguyện vọng thăm báo để ủng hộ và đầu tư 1 cái gì đó cho báo ta. Tôi thấy đây là nguyện vọng chính đáng, hôm trước hình như báo có tờ trình lên tôi về việc cải tiến, nâng cấp nhà in của báo, nên tôi gợi ý luôn với anh Châu về việc này. Vậy 2 anh bàn bạc với nhau cụ thể đi, có gì anh báo cáo lên tôi để họp giao ban tuần này tôi sẽ đưa ra lãnh đạo Bộ xin ý kiến thông qua. Đây là 1 kế hoạch tốt, cần nắm lấy.
Quả là 1 nước cờ cao. Ông Minh Nguyên tự hỏi không biết đồng chí Thứ trưởng thường trực có dính dáng gì đến công ty A&T của Diệp Kiến Châu hay chỉ là vô tình ? Sau đó Thứ trưởng vội vã đi họp để 2 người lại bàn bạc với nhau và ông hẹn nếu kịp sẽ quay về trước 12 giờ trưa, còn không thì đề nghị báo cáo ông sau.
Hai người nhìn nhau trong chốc lát, rồi với vẻ nhũn nhặn của 1 con cáo già, Diệp Kiến Châu mở cặp lấy ra 1 tập hồ sơ và thao thao bất tuyệt về các hoạt động kinh doanh, thương mại của công ty A&T. Có vẻ như ông ta đang giải trình về các hoạt động kinh doanh của công ty hơn là bàn việc đầu tư vào nhà in của báo. Trong 1 phép lịch sự vừa phải, ông Nguyên vòng tay trước ngực gật gù lắng nghe ý kiến của D.K.Châu nhưng đầu óc lại nghĩ đâu đâu. Việc đầu tiên ông tự nhủ, có thể mình và Thứ trưởng có những thành kiến với nhau, nhưng đấy là cá nhân, còn lớn hơn tất cả vẫn là nghĩa vụ và trách nhiệm của những người Đảng viên. Do vậy, ông thấy mình có trách nhiệm báo cáo đầy đủ cho Thứ trưởng hiểu về những hoạt động của công ty A&T và cho biết báo sẽ có bài phanh phui về những hoạt động khuất tất của công ty này, và tiện thể cũng là xin ý kiến chỉ đạo vì lúc này đồng chí đang xử lý các công việc của Bộ thay mặt Bộ trưởng đi công tác nước ngoài.
Ông Minh Nguyên thấy mệt mỏi quá, ông đề nghị D.K.CHâu tạm ngừng câu chuyện vì ông phải về tòa soạn có công việc gấp. Hẹn với ông ta, Ban biên tập sẽ cử người đến làm việc cụ thể. D.K.Châu nở nụ cười xun xoe, 1 nụ cười đểu ánh lên với hàm rằng vàng của gã làm ông Nguyên sôi máu, chỉ muốn được đấm vào mặt gã 1 cái cho hả dạ.
Cầm tập hồ sơ của Việt lên, ông chăm chú đọc kỹ từng trang, rồi mở cuốn băng ghi âm ra nghe lại từng đoạn. Cứ như thế cho đến khi thuộc lòng, ông cẩn thận lấy bài viết của Việt ra gạch, xóa, thêm vào vài đoạn cần thiết, rồi điện thoại cho thư ký của Thứ trưởng xin được gặp gấp vào buổi chiều trong ngày vì có việc cần báo cáo.
Cuối giờ chiều, Thứ trưởng đã chuẩn bị xong quần áo lịch sự để chuẩn bị đi dự 1 buổi chiêu đãi ngoại giao, nhưng vẫn nén lại vì nghe báo cáo Tổng biên tập báo Sức sống có việc cần gấp ý kiến. Khi vào phòng Thứ trưởng, nhìn thấy ông đang nhấp nhổm ký mấy công văn để trên bàn, Minh Nguyên nhận thấy mình cũng không có được nhiều thì giờ để trình bày, vì vậy ông lặng lẽ đưa cho Thứ trưởng bài báo của Q.Việt. Thứ trưởng ngạc nhiên nhìn ông và cầm bài báo lên đọc, khuôn mặt ông bỗng tối sầm lại và sau đó ông lấy nhanh lại vẻ bình thường, hỏi:
- Anh đưa cho tôi bài báo này có ý gì ?
- Thưa đồng chí Thứ trưởng, tôi có trách nhiệm báo cáo với đồng chí về các thông tin mà báo chúng tôi có về công ty A&T. Có 2 lý do, thứ nhất vì công ty này đang có dự án làm ăn với các công ty của Bộ, thứ hai, sáng nay đồng chí có giới thiệu tôi làm việc với D.K.Châu. Do vậy tôi muốn báo cáo những vấn đề có liên quan đến ông ta để xin ý kiến chỉ đạo.
- Anh có đầy đủ thông tin về công ty A&T, cùng D.K.Châu chưa ? Thứ truởng bỗng nhiên nhận thấy mình hỏi thưa, vì ở Bộ này ai lạ gì tính cẩn thận của ông Minh Nguyên. Ông hỏi:
- Thế anh muốn xin chỉ đạo gì ở tôi ?
- Thưa đồng chí Thứ trưởng, thực ra tôi đã làm đơn xin nghỉ hưu, và đang chờ lãnh đạo Bộ duyệt. Tôi biết trong cuộc sống cũng có những điều lắt léo khó nói, về trường hợp của công ty A&T cũng như cá nhân D.K.Châu thì tôi có đủ thông tin, theo tôi không phải chỉ đưa lên báo đâu mà cần truy tố ra Tòa nữa kia. Tôi lo cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, nếu còn để những thứ sâu mọt như thế này thì có hại cho đất nước nhiều lắm. Cái khó là khi báo Sức sống lên tiếng thì A&T lại đang làm ăn với 1 vài công ty của Bộ, cũng như... Minh Nguyên hơi ngập ngừng, nhưng rồi ông nói thẳng - D.K.Châu có những mối quan hệ khá rộng rãi với các cấp lãnh đạo.
- À, tôi hiểu thì ra anh ngại vì vậy - Thứ trưởng cười - Cám ơn sự lo lắng của anh, tôi và D.K.Châu chỉ là những mối quan hệ thường thôi, nếu ông ta làm ăn vi phạm pháp luật thì cứ theo pháp luật mà xử
- Thế đồng chí có duyệt cho chúng tôi đăng bài báo này không ?
- Tôi nhớ không lầm trong luật báo chí có qui định rõ quyền hạn và trách nhiệm của 1 Tổng biên tập báo phải không ?
Họ chào nhau như những đồng chí, và Minh Nguyên ra về trong lòng thấy nhẹ nhõm.
Ông tin rằng đồng chí Thứ trưởng của mình hiểu vấn đề.
Mặc dù thẩm quyền cho đăng bài báo thuộc về mình, nhưng ông Minh Nguyên vẫn muốn thông qua tập thể về việc sẽ đăng bài báo này, và tối đó khi triệu tập cuộc họp Ban biên tập đột xuất để duyệt đăng bài thì tình hình lại hoàn toàn khác. Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung phản đối quyết liệt, lý do ông đưa ra là công ty A&T theo ông biết làm ăn đàng hoàng, vấn đề nó có, chẳng qua bất kỳ 1 công ty nào đang kinh doanh trên thương trường hiện nay đều va vấp phải. Chẳng qua môi trường pháp lý của chúng ta còn chưa rõ ràng trong cơ chế thị trường, làm báo là phải nhìn nhận ra vấn đề đó để có bài động viên chứ không phải phê phán làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động kinh doanh hiện nay. Và ông còn nhấn mạnh rằng, chưa kể còn có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại về việc thu hút các tầng lớp Việt kiều về làm ăn với quê hương. Ý kiến này được trưởng ban kinh tế phụ họa, tán thành, còn 1 số trưởng ban khác không có ý kiến cụ thể. Thư ký tòa soạn cắn môi suy nghĩ và cuối cùng anh ủng hộ Tổng biên tập cho đăng bài báo này.
Ông Minh Nguyên hỏi Phó Tổng biên tập của mình 1 lần nữa:
- Theo anh đăng hay không ?
- Theo tôi là không, tuy nhiên anh là Tổng biên tập, anh có toàn quyền quyết định.
- Xuống nhà in, gỡ bản kẽm ra, đưa bài này vào thế cho bài "sóng gió Phú Quốc" để kỳ sau đăng.
Ông Minh Nguyên ký vào bản thảo và đưa cho Thư ký tòa soạn, ra lệnh. Mọi người lục tục đứng lên ra về, riêng Phó Tổng biên tập được mời vào phòng làm việc riêng của ông. Ông Minh Nguyên đưa cho ông ta tập hồ sơ dày đề nghị nghiên cứu tại chỗ, cũng như cùng ông nghe các cuốn băng mà Việt đã thu được.
Phó Tổng biên tập đờ mặt ra sau khi đọc hết tập tài liệu cũng như nghe các cuốn băng, ông ta trách:
- Tại sao lúc nãy anh không cho công bố các tài liệu này trước ban biên tập để mọi người cùng biết, tán thành anh ?
- Có rất nhiều vấn đề tế nhị trong này chưa tiện nói ra, tuy nhiên tôi chỉ muốn anh hiểu vấn đề với tôi và tôi cũng thông báo anh biết là tôi đã tranh thủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng thường trực rồi. Quan điểm của lãnh đạo Bộ là ủng hộ chúng ta làm, miễn là đúng luật.
Phó Tổng biên tập im lặng ngồi xuống, khuôn mặt ông ta nằm sau chao đèn nên tối sẫm, không hiểu đang suy nghĩ điều gì.
Minh Nguyên tắt máy lạnh, mở toang cửa sổ ra, đón 1 luồng gió mát ùa vào, ông lấy điếu thuốc ra mời người phó của mình.
Một đêm tối sẫm, có tiếng chuông nhà thờ vọng về, không lẽ trời sáng nhanh như vậy. Đã vào lễ một rồi.
********
Thiếu tá Nguyễn Lân chăm chú đọc biên bản ghi lời khai của các nhân chứng, người quen biết với nạn nhân Phạm Hồng Bàng.
Biên bản lời khai của Phân viện trưởng:
"Biết nói sao cho các đồng chí hiểu nhỉ ? theo tôi, thạc sĩ Bàng là 1 cán bộ trẻ tuổi, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực. Do vậy, từ khi về phân viện chúng tôi công tác đến nay chưa đầy chục năm mà ban lãnh đạo phân viện đã quyết định bổ nhiệm anh ta làm Trưởng phòng 3, đây là 1 phòng quan trọng nhất của phân viện. Trong công việc thạc sĩ Bàng rất tận tụy, hăng say và đạt hiệu quả cao, có tinh thần trách nhiệm. Đấy là về chuyên môn, còn lối sống nhìn chung không mếch lòng ai, cũng không va chạm với ai, đời sống riêng tư không có điều tiếng gì. Thú thật chúng tôi cũng đang có dự kiến đề bạt anh ta lên làm Phân viện trưởng thay thế khi tôi về hưu vì số cán bộ trong phân viện hiện nay hầu hết đã quá tuổi quy hoạch, trừ thạc sĩ Bàng. Về tình cảm cá nhân, tôi rất mến Bàng, coi như con cháu trong nhà, vì vậy ở đây có dư luận cho rằng tôi là ô dù của anh ta. Thật sai lầm. Tại sao anh ta bị giết ? thú thật tôi không hình dung nổi, vì tôi không nghĩ Bàng có làm gì mang thù oán đến nỗi bị người ta giết. Chắc trộm cướp gì chăng ? "
Biên bản ghi lời khai của các đồng nghiệp:
"Anh ấy là người tốt, sống nghiêm túc, làm việc rất có năng lực. Là 1 con người kín đáo, ít hòa đồng với mọi người.
- Theo tôi về năng lực chuyên môn của anh ta thì không cần nói nữa, nhưng có vong hồn của anh Bàng chứng kiến, chúng tôi xin nói thật: trong công việc thì nhìn chung cán bộ dưới quyền không thiện cảm với anh ta lắm. Đây là 1 vị lãnh đạo nghiêm khắc, khắc nghiệt trong xử xự, đôi lúc chúng tôi cảm tưởng anh ta cố tình tàn nhẫn như vậy để hành hạ chúng tôi. Chúng tôi không thích anh ta.
Đây là 1 con người cao ngạo, sống lạnh lùng, cô độc và có nhiều bí ẩn trong đời sống riêng tư, anh ta không hề gần gũi bất cứ ai trong cơ quan. Đến là làm việc, hết việc là lầm lũi đi về, không cười đùa, chào hỏi ai, cũng không bao giờ thấy anh ta quan tâm đến bất cứ ai, cũng không la cà ngồi với ai. Kể cũng lạ thật, tôi không biết đánh giá thế nào về anh ta.
- Anh ấy kỳ dị lắm, chị em phụ nữ chúng em chẳng khi nào thấy anh ấy nở 1 nụ cười, hay thăm hỏi gì cả. Kiêu ngạo lắm, có mấy cô khi mới về thấy anh Bàng thì cũng tỏ ý mến mến, nhưng anh ta thờ ơ không biết đến ai. Theo chị em phụ nữ đánh giá anh ta là 1 con người khó gần, không thích đàn bà, có vẻ pêđê.
- Tôi làm bảo vệ ở cơ quan này đến nay cũng 20 năm rồi, chú Bàng tôi thấy cũng chẳng có vấn đề gì đáng trách. Người ta không thích chú ấy vì chú có tài, được lãnh đạo quý mến, còn mấy con nhỏ lăng xăng ở cái viện này nữa. Ai mà chịu nổi chúng nó chứ, ưỡn ẽo như thế còn gì là đàn bà con gái. Chú Bàng không thích thế là bọn nó xì xào cho rằng chú ấy là pêđê. Nhưng cũng có 1 chuyện tôi cũng chẳng biết nói như thế nào, tôi giấu kín hơn 5 năm nay rồi, chẳng dám mở moệng nói với ai, cái viện này nó như tổ quạ ấy, đụng 1 tí cả thành phố này biết ngay. Chẳng là hồi xưa khi chú Hải còn sống, chú Hải là cán bộ trong phòng của chú Bàng. Có 1 lần duy nhất vào buổi tối đã khuya, vì làm bảo vệ nên tôi phải đi đóng các cửa phòng làm việc. Khi đi ngang phòng chú Bàng, tôi ngạc nhiên vì té ra chú ấy đang còn làm việc, và tôi nghe thấy có tiếng xì xào. Tò mò tôi nhìn vào, cũng chẳng rõ lắm, tôi thấy chú Bàng ôm hôn ai đó trong phòng của mình. Lâu lắm, sau đó chú Bàng đẩy cửa bước ra có vẻ bất ngờ gặp tôi và lát nữa chú Hải đi ra, họ có vẻ lúng túng.
Nguyễn Lân, gạch chân dưới biên bản này và phê bên lề, chú ý tình tiết này và cho xác minh thật kỹ, Hải là ai ? - Ơi tôi già rồi, chuyện cũ kể cho mấy chú nghe vậy thôi, tin tôi làm gì, nay cả 2 người họ chết rồi, nói không phải mang tội chết. Như vậy họ làm gì với nhau trong đó, hay chú Bàng còn có cô nào trong ấy nữa ? tôi không rõ lắm. Đấy, nếu mấy anh hỏi về đời tư của chú Bàng thì tôi chỉ thấy có vậy thôi.
Biên bản ghi lời khai của những người xung quanh nhà nạn nhân:
" Chú Bàng về đây cũng gần 5 năm. Nhưng ở xóm này mọi người ít quan hệ với nhau lắm, đèn nhà ai nấy rạng. Thỉnh thoảng sáng sáng đi làm chúng tôi cũng gặp nhau và chào nhau, thế thôi. Tôi chưa bao giờ bước chân qua nhà anh ta nên cũng chẳng rõ như thế nào, đám ma tôi qua đấy là lần đầu tiên. Theo tôi đây là 1 trí thức đàng hoàng, đứng đắn.
- Tôi là tổ trưởng dân phố ở đây. Tôi cũng vài lần đến nhà anh Bàng để thu tiền an ninh trật tự, tiền bảo trợ các quỹ của phường... tôi thấy anh Bàng là người ít nói, ít cởi mở, tổ và phường có đặt vấn đề thu chi gì anh ta chấp hành ngay, không kêu ca, phàn nàn. Nhìn chung anh ta ở địa phương này chưa có điều gì tai tiếng. Tôi có nhận xét là anh này sống kín đáo quá, nhưng là cái gì tôi không biết.
- Nam mô a di đà Phật. Tôi tu tại gia, người xuất gia không được nói dối. Nhà tôi đầu hẻm, nên thỉnh thoảng cũng thấy anh Bàng. Tôi không quen anh ta, nhưng tôi có nhận xét anh này là 1 người có cái gì đó không đàng hoàng chính đáng cho lắm. Vì tôi thường thức rất sớm để tụng kinh công phu, cở hơn 3 giờ sáng là tôi dậy rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp anh ta đi đâu về rất khuya, có thể nói là về rất sớm mới đúng. Ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ lạ lùng lắm, có cái gì đó như... như là đàn bà vậy đó. Mô Pgật, cũng chẳng biết là giống gì nữa, xóm này có lẽ chỉ có mình tôi là biết chuyện này, thậm chí cả anh Bàng cũng chẳng biết, vì đâu có ai ngờ. Nhưng gần đây tôi thấy có 1 cô bế con đến nhà chú ấy luôn, họ có vẻ hạnh phúc lắm, hình như là vợ chồng thì phải, thiệt tôi không hiểu, hay tôi nhìn lộn người ? Riêng ngày 8/6, sáng sớm tôi có bắt gặp 1 người đàn ông lạ mặt dắt chiếc xe vội vã từ bên trong đi ra, anh ta là ai thì tôi không biết vì tôi ngồi trên lầu nhìn xuống. Người này che mặt và đi có vẻ rất vội vàng hốt hoảng lắm.
Xác minh cụ thể nguồn tin này, Nguyễn Lân ghi:
- Sáng ngày 8/6, tình cờ tôi dậy sớm đưa vợ con ra ga về quê. Lúc tôi và bà nhà đi ra thì có thấy 1 người đàn ông đang đi ra từ nhà anh Bàng. Anh ta khóa cửa cẩn thận và dắt chiếc xe đi rất tự nhiên, vợ chồng tôi nghĩ đó là người quen của anh Bàng, cũng có thắc mắc là đi đâu mà sớm vậy. Đâu có ngờ. Hình dạng vì tối nên cũng không nhìn thấy rõ lắm, người chừng 1.65m, ốm ốm, có tật ở chân thì phải, mặt mày tôi không rõ - Xác minh, Nguyễn Lân ghi.
Qua biên bản ghi các lời khai, Nguyễn Lân đã có thể hình dung ra 1 phần nào về đời sống riêng tư của thạc sĩ Bàng. Anh lấy bút dạ màu tô đậm vào 1 số điểm đáng chú ý để lưu ý các trinh sát khi tiến hành xác minh.
Thiếu tá cầm biên bản ghi lời khai của Trần thị Hòa, vợ chưa cưới của thạc sĩ Bàng và cũng là người đầu tiên phát hiện anh ta bị giết vào trưa ngày 8/6 tại nhà riêng.
Anh lướt qua các thủ tục ghi trong biên bản và chú ý vào phần chính trong lời khai.
"Tôi là 1 người đàn bà bất hạnh, hình như bất cứ người đàn ông nào có ý định tiến tới hôn nhân với tôi đều bị chết bất đắc kỳ tử.
Tôi biết anh Bàng là qua anh Hải, anh Hải là chồng chưa cưới của tôi, chúng tôi dự định sẽ cưới nhau. Thế nhưng cách đây 4 năm, trong 1 chuyến đi công tác lên biên giới phía Bắc, anh Hải bị tai nạn té xuống núi chết. Vì 2 người là bạn thân, nên sau đó anh Bàng đã thay mặt anh Hải tận tụy chăm sóc mẹ con tôi. Thằng bé này là con nuôi của anh Bàng. Anh Bàng rất quí mến mẹ con tôi, chăm sóc chúng tôi rất chu đáo, lúc đầu tôi chĩ nghĩ rằng anh ấy vì tình nghĩa bạn bè. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra không phải như vậy, còn có 1 cái gì đó lớn hơn tình bạn. Tôi đã ở vậy 4 năm, gia đình hàng xóm ai cũng quí mến anh Bàng và khen tôi tốt phước mới có 1 người bạn như vậy. Rồi mọi người đều có ý vun vào cho chúng tôi và thật sự tôi cũng mến anh Bàng. Thế như dường như anh ấy không muốn hiểu thịnh tình của mọi người cũng như của tôi giành cho anh ấy, và anh ấy có vẻ né tránh. Cho đến mấy tháng gần đây, thằng bé đã lớn, sắp vào lớp 1, và tôi không muốn để nó mãi mãi không có cha, trong khi thâm tâm nó từ lúc chào đời cho đến bây giờ vẫn gọi anh Bàng là cha. Tôi đã quyết định đặt thẳng vấn đề với anh Bàng, anh ấy có vẻ lúng túng không rõ lý do. Cuối cùng, cách đây mấy tháng thì anh ấy đã chấp nhận tôi coi như vợ chồng. Anh ấy bàn với tôi nên nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn, còn cưới xin tính sau. Anh chăm chút lo lắng cho 2 mẹ con tôi từng ly từng tý, tôi quá đổi hạnh phúc, nào ngờ....
Chúng tôi chuẩn bị đám cưới. Mỗi sáng anh ấy đều ghé qua nhà tôi đón 2 con tôi đi làm. Riêng sáng 8/6 thì tôi chờ mãi mà không thấy, không hiểu sao trong lòng tôi nóng ran như lửa đốt, có linh tính không lành. Chiều, đang làm ở cơ quan, không chịu nổi tôi liền chạy xe xuống nhà anh Bàng xem sao. Từ khi chấp nhận tôi là vợ thì anh ấy có đưa cho tôi 1 chìa khóa riêng để vào nhà. Khi đến nhà mở cửa đi vào và đi lên lầu thì.........
Tại sao bất cứ người đàn ông nào đến với tôi lại, không lẽ ông trời bắt tôi phải chịu cô quả suốt đời hay sao ? Anh Bàng là 1 người tốt, tuy sống có hơi khép mình 1 chút, nhưng là 1 người đàng hoàng đứng đắn. Sau anh Hải, không còn ai đối xử tốt với tôi như thế. Anh Bàng ơi! "
Nguyễn Lân bóp trán suy nghĩ, có 1 cái gì đó khá bí ẩn bao xung quanh đời sống của Phạm Hồng Bàng. Nên hiểu nó là cái gì ? Lân suy nghĩ về sự trùng lặp trong các lời khai: "lạnh lùng, kín đáo, ít gần gũi mọi người, giông giống đàn bà", Lân tự hỏi vậy khi nghiên cứu các lời khai ở các biên bản anh đang có. Tuy nhiên anh quyết định tạm giữ kín ý nghĩ này, anh muốn các trinh sát của mình được tự nhiên hơn trong công việc thảo luận về vụ án.
Các trinh sát của tổ 1 đã có mặt đông đủ, chờ cho những tiếng nói lao xao đã chấm dứt. Thiếu tá Nguyễn Lân yêu cầu thiếu tá Minh Thanh, đội phó đội 3 báo cáo kết quả sơ bộ của pháp y và kỹ thuật hình sự.
Minh Thanh từ tốn giở từng trang sổ tay và nói:
- Bên kỹ thuật hình sự kết hợp pháp y đã tiến hành mổ tử thi và xác nhận nạn nhân bị giết vào khoảng 3 giờ sáng rạng ngày 8/6, bị bắn 2 viên đạn K54 thẳng vào ngực. Một viên xuyên qua tim và 1 viên chếch bên cạnh, làm đứt mạch tim, chết ngay tại chỗ. Đã tìm thấy đầu đạn, chúng ta không tìm thấy súng. Theo hướng máu chảy có thể cho thấy nạn nhân bị bắn ở cự ly gần, khoảng cách 2 mét từ chỗ đứng đến chỗ bắn. Trong dạ dày còn ít thức ăn và rượu, cho thấy khi tối vào khoảng 11 giờ nạn nhân có ăn nhẹ, uống rượu và đi ngủ. Nạn nhân bị bắn chết trong tư thế đang ngủ say, không có dấu vết chống cự thủ phạm. Thủ phạm sau khi gây án có lục lọi trong tủ nạn nhân tìm kiếm tiền bạc, chúng ta đã thu lượm vân tay và dấu giày. Kiểm tra ổ khóa ở các cửa ra vào, được biết thủ phạm vào và ra khỏi nhà nạn nhân bằng chìa khóa chính, trong ổ khóa không tìm thấy dấu kim loại lạ. Như vậy, có khả năng thủ
phạm quen biết hoặc 1 lý do nào đó chưa rõ.
Đưa mắt nhìn mọi người, Minh Thanh kết luận:
- Đây mới là những kết luận ban đầu, đang còn tiếp tục bổ sung thêm. Có khả năng trong những ngày sắp tới chúng ta sẽ cho dựng lại hiện trường vụ án này để làm rõ thêm.
Thiếu tá Nguyễn Lân cất cao giọng:
- Hiện nay vụ án này có thể chia ra 1 số giả thuyết điều tra như sau: sáng nay ban chỉ huy Phòng đã họp và thống nhất với bên An ninh quân đội là: nếu cái chết của thạc sĩ Bàng có liên quan đến an ninh quốc phòng thì bên An ninh quân đội sẽ đảm trách và chúng ta có nhiệm vụ hổ trợ, trao đổi thông tin cùng bên ấy. Ngoài ra 1 số động cơ giết người trong vụ này chúng ta phải làm rõ, như: động cơ giết người đểấy tiền bạc thông thường. Nhưng tôi cho rằng giả thuyết không vững lắm, các đồng chí tham gia ý kiến. Nạn nhân là 1 trí thức, 1 cán bộ nghiên cứu có trọng trách ở cơ quan của mình, và đang sắp được đề bạt nên chúng ta cần nghiên cứu xem động cơ của vụ giết người này có phải vì ghen tức, thù hằn, tranh giành địa vị hay không ?
Liệu động cơ giết người vì trai gái, tiền bạc, thù hằn cá nhân.... về động cơ này có thể có, nhưng qua nghiên cứu các lời khai nhân chứng ban đầu thì xem ra động cơ này ít có khả năng xảy ra, vì nạn nhân được đánh giá là con người nghiêm túc trong đời sống xã hội, cơ quan và bạn bè. Tuy nhiên đây vẫn là 1 hướng điều tra của chúng ta. Không nên chủ quan qua các lời khai của nhân chứng vì chưa biết được anh ta có những mối quan hệ bí ẩn nào khác thì sao ?
Thiếu úy Hùng suy tư:
- Đến giờ tôi vẫn thấy lợn cợn trong đầu những ý nghĩ không mạch lạc lắm: nếu giết người vì lý do có liên quan đến an ninh quốc phòng thì thủ đoạn không giống lắm, tài liệu không bị lục lọi, dấy tay thủ phạm để lại khắp nhà... Tuy nhiên đây là việc của An ninh quân đội trực tiếp làm nên chúng ta không cần bàn đến.
- Khoan đã - Một trinh sát ngắt lời Hùng - Đồng chí nói đúng mà là không đúng. Tại sao chúng ta không nghĩ đến khả năng thủ phạm cố tình làm như thế, để che dấu mục đích thật sự có liên quan đến các công việc nghiên cứu của thạc sĩ Bàng ?
Thiếu úy Hùng thừa nhận ý kiến đó và nói tiếp:
- Vậy động cơ thật sự của tên giết người này là gì ? Căn cứ theo báo cáo của kỹ thuật hình sự và lời khai của 1 số nhân chứng thì cho thấy nó vào và ra nhà này bằng cửa chính, xử dụng chìa khóa của nạn nhân, vậy không loại trừ nó có 1 mối quan hệ nào trước đó đối với nạn nhân.
Nhìn thiếu úy Trung, em út cưng của đội đang rụt rè muốn phát biểu, Lân gật đầu mỉm cười khuyến khích. Trung mạnh dạn nói:
- Tôi có nhận xét là hình như thủ phạm rất quen thuộc căn nhà này, nó vào nhưng không rõ lý do gì bắn chết nạn nhân ngay. Căn cứ dấu giày chúng ta đo được thì có thể hình dung, nó mở cửa đi vào nhà, lên thẳng trên lầu và vào buồng ngủ, đứng ít phút trước mặt nạn nhân và bắn thẳng vào ngực nạn nhân. Chúng ta đã cho nổ súng thử thì được biết phòng máy lạnh rất kín, đêm khuya, và hôm đó lại có mưa khá to nên hầu như không ai nghe được tiếng súng. Như vậy rõ ràng nó vào nhà với chủ đích là giết chết nạn nhân trước, rồi sau đó mới lục tìm tiền bạc trong tủ. Có cần không ? Tại sao phải giết nạn nhân ngay từ khi mới vào, trong khi không có dấu vết cho thấy nạn nhân phát hiện ra thủ phạm trước đó.
Có khi nào là 1 vụ giết người theo đơn đặt hàng hay không ? Còn việc thủ phạm lục lọi trong nhà và để lại dấu tay là ngoài ý muốn của kẻ thuê.
Trước câu hỏi dò của 1 trinh sát, Hùng gật đầu xác nhận:
- Tôi có nghĩ như vậy. Rất có khả năng là 1 vụ giết người theo đơn đặt hàng thì đúng hơn.
Thiếu tá Nguyễn Lân lắng nghe các ý kiến bàn bạc sôi nổi, nhìn thấy trời cũng xế bóng, anh quyết định đứng lên kết thúc.
- Về các giả thuyết đã nêu ra, các đồng chí cứ suy nghĩ thêm, có ý gì mới thì báo cáo cho tôi biết. Hiện nay chúng ta đã có 1 số thông tin có thể khẳng định được như: Đây là 1 vụ giết người, nhưng động cơ thì vẫn chưa rõ, việc này chúng ta sẽ tiến hành điều tra. Việc xác định được động cơ rất là quan trọng vì nó sẽ định hướng cho công tác điều tra của chúng ta. Hai, tên giết người vào ra căn nhà nạn nhân rất tự nhiên, nên chúng ta không thể loại trừ nó có quen biết nạn nhân, điều này chúng ta căn cứ vào lời khai của các nhân chứng cũng như dấu vết khóa đệai trong nhà nạn nhân. Như vậy, hướng điều tra chúng ta sẽ khoanh lại từ các đối tượng có quen biết với nạn nhân, phải gắn động cơ ghen tức, thù hằn, tình, tiền... Ở đây chúng ta có chứng cớ rất quan trọng đó là dấu tay của thủ phạm để lại trong nhà. Ta cần khẩn trương cho truy tìm dấu tay ở phòng hồ sơ lưu trữ tội phạm, nếu nó là 1 tên chuyên nghiệp có tiền án, và cũng phải đối chiếu so sánh ở tàng thư thường vì cũng có khả năng là 1 kẻ giết người không chuyên. Nói chung là truy tìm cả 2 hướng, đây là chứng cớ rất quan trọng quý giá mà chúng ta có được.
Thiếu tá Nguyễn Lân đột nhiên ngừng nói, nhường lời cho thiếu tá Minh Thanh. Hiện nay Minh Thanh đang trong thời gian thử thách trước khi lên làm đội trưởng, việc này Nguyễn Lân đã thống nhất với ban chỉ huy Phòng và thông qua cấp ủy đơn vị. Đây là 1 sĩ quan cảnh sát hình sự có thâm niên trong ngành, được đồng đội quý trọng vì đức tính cẩn trọng, điềm tĩnh, chắc chắn trong công việc.
Thiếu tá Minh Thanh tính đứng dậy, nhưng thấy Lân vẫy tay hiệu không cần, nên anh lại ngồi xuống và nói:
- Ban chỉ huy đội đã thống nhất với lãnh đạo Phòng và chia hướng điều tra như sau: hiện nay chúng ta cần tập trung vào 2 hướng điều tra, 1 là truy tìm các nguồn tin xung quanh nạn nhân như gia đình, bạn bè, người thân... hướng thứ 2 tung cơ sở nắm tình hình di biến động của 1 số đối tượng hình sự trong thời gian gần đây có sinh hoạt gì bất minh không ? Nếu có thì phải xác minh làm rõ, chú ý các đối tượng đột nhiên nổi lên ăn chơi, tiêu xài tiền bạc nhiều, xì ke ma túy... Tổ 1 do đồng chí Hùng làm tổ trưởng cùng 3 đồng chí trong tổ và đồng chí Trung sẽ theo giúp cho đồng chí Hùng, kết hợp với công an quận chỗ anh Cơ để làm rõ vụ này. Cần làm nhanh và khẩn trương, vụ việc này có dấu hiệu phức tạp vì nó có liên quan đến an ninh quốc phòng, ngoài ra gia đình nạn nhân là cán bộ cao cấp, nên đây vô hình chung cũng là sức ép tinh thần đối với chúng ta.
Các trinh sát lần lượt đứng lên ra khỏi phòng họp nhưng vẫn còn tranh cãi nhau về động cơ giết người trong vụ án.