Hoài Niệm
Thạch Thảo
Trời tháng Mười xe lạnh, cái lạnh đặc thù của miền Tây, cái lạnh khởi nguồn từ đồng ruộng. Nhìn những con mương, con rạch khô cạn nước, lồi lõm bùn sình với những con còng đỏ huơ huơ đôi càng nhỏ xíu tôi chợt nhớ da diết về một thời. Không biết rồi sau này mười hay hai mươi năm nữa ký ức tuổi thơ có còn in đậm trong tôi như bây giờ không? Cuộc sống quá xô bồ, quá bon chen, thực sự có những lúc với ly cà phê với buổi sinh nhật, picnic hào nhoáng tôi đã vô tình lãng quên. Nhưng, tôi thiết nghĩ có lẽ - vâng có lẽ - tôi khó mà quên...
Ngày xưa, nói thì nghe diệu vợi quá nhưng cũng đã khá lâu: 8 năm hay 10 năm? 10 năm! Ngày đó tôi rất mê bắt những con còng màu đỏ này dù nó kẹp rất đau và nó rất hôi. Mặc dù cho mẹ la rầy, thậm chí đánh đòn tôi vẫn tìm cách trốn khỏi nhà theo con Mèo hàng xóm. Quê tôi không có nhiều ruộng lúa. Nhiều nhất là những hàng dừa cao vút mát rượi và những bờ mía thẳng tắp xanh rì thêm vào đó không biết cơ man nào là sông, sông to, sông nhỏ, kênh, rạch chằng chịt. Nếu có một ngày đi về miền Tây bạn sẽ thấy ở những con mương nhỏ có rất nhiều những lỗ tròn to bằng ngón chân cái - đấy là tổ ấm của loài còng.
Lũ nhóc chúng tôi có khi xắn quần lội xuống tìm bắt chúng một cách say mê và trước sau gì cũng có đứa mồm mếu máo: “Ðau quá! Còng kẹp tao rồi!”. Thế đấy, nếu người ta là người lớn, nếu người ta là người thành thị nhìn những đứa trẻ đầu trần chân đất dấy bùn trong cái nắng chang chang của những trưa hè, trong cái mưa tầm tã dai dẳng của miền quê người ta sẽ thốt lên: “Dơ quá!”. Vâng, “dơ quá!” nhưng ở những nơi mà trẻ con chỉ biết tụm năm tụm bảy hốt đất cất nhà chòi, bắn bi, ở những nơi mà cha mẹ suốt một đời không xa mảnh đất vườn cây mía, cây dừa thì liệu chúng biết làm gì hơn? Ở cái tuổi muốn tiếp xúc với thế giới, khám phá ra cuộc sống đời như thế nào, tuổi vô tư như một trang vở không tì vết, muốn hoạt động, muốn cười vui chúng phải làm gì nếu không rủ nhau hò hét trên con mương thửa ruộng? Nếu trẻ con thành phố được mẹ cha dắt đi Thảo cầm viên, nhà hát vào thứ bảy, chủ nhật thì chúng tôi ngày xưa chỉ biết gom lại đi dầm ngoài mưa, ngoài nắng. Lũ con gái lấy gáo dừa, hoa dừa giả bộ nấu cơm. Lũ con trai nhặt những trái dừa khô bị hư, những trái bưởi non rụng mà thỏa chí làm cầu thủ. Nếu trẻ con thành phố được ăn những món ngon trong nhà hàng, khách sạn thì chúng tôi có đứa phải tìm con tép, con cá cho bữa ăn gia đình từ lúc lên 7 hay lên 8.
Trong đau khổ người ta xích lại gần nhau hơn! Hình như hơn một lần tôi đã nghe ở đâu đó điều này. Quả là con người! Thật vậy bây giờ đôi lúc tôi thấy có những đứa bé cứ ôm lấy đồ chơi của mình không thèm chia sớt cho ai, hỏi chúng chúng bảo “Hư hết”. Nghe những lời ấy thốt ra từ những đôi môi mọng đỏ còn thơm tho mùi sữa tôi giật nẩy mình. Tôi nhớ lại ngày xưa tôi, con Mèo, con Vân, thằng Tí Chuột, con Muỗi chơi với nhau rất “hết mình”. Không có khái niệm cái này của tao hay cái kia của mày. Một củ khoai lang luộc cũng cố để dành trưa mỗi đứa một miếng, một trái ổi chua chia nhau trên bãi cỏ phía sau nhà. Thằng Tí Chuột và tôi là chúa đánh nhau, có lúc đến u đầu chảy máu, mẹ nó kêu vào đánh đòn làm cả đám con gái cũng sụt sùi khóc theo... Hoàn cảnh sống đổi thay thì tình cảm con người liệu có thay đổi?
Mười năm rồi... Mười năm trước tôi chỉ là một thằng nhóc quần cộc, cởi trần chạy rong khắp xóm. Mười năm sau tôi đã là một thanh niên, một người trưởng thành. Không biết tôi có đổi thay gì không nữa...
“Anh thành phố ơi coi chừng té xuống sình”. Tôi điếng người. Tiếng gọi giật của thằng bé câu cá làm tôi tỉnh hẳn. “Té xuống sình?” Ờ, phải thận trọng!
Mùi hăng hắc của bùn bốc lên xông vào tận mũi, ước gì bầy giờ tôi được gặp tụi nó nhỉ? Thằng Tí Chuột, con Vân, con Mèo, con Muỗi... Mười năm thời gian chưa đủ để quên nhau đâu tụi bay hả?
Thạch Thảo