Ví Dụ Ta Yêu Nhau: Ví Dụ 4
Đoàn Thạch Biền
Sáng thứ sáu ấy, dù bị nhức đầu, tôi cũng cố gắng đến giúp người bạn trang hoàng sân khấu cho một buổi trình diễn ca nhạc của trường anh như đã hứa. Buổi trình diễn có bán vé để lấy tiền phát phần thưởng cho các học sinh xuất sắc cuối niên học.
Tôi đến quá sớm. Trước rạp hát chưa có khán giả, những em học sinh trong ban trật tự đeo nơ đỏ trước ngực đang loay hoay làm những công việc vặt. Tôi đưa thiệp mời cho một em gác cửa để vào rạp ngồi nghỉ chân. Trong rạp tối om, máy điện chưa chạy, chỉ có một vài vệt sáng lờ mờ ở những khe cửa hở ở trên cao, tôi phải đưa tay lần mò để tìm một chỗ ngồi.
Bóng tối và những dãy ghế trống trơn đã giúp cơn đau trong đầu tôi dịu đi rất nhanh. Nhắm mắt lại, tôi ước ao được ngủ ở đây một giấc có lẽ bệnh nhức đầu sẽ không còn hành hạ. Chợt có tiếng ca nho nhỏ khiến tôi mở mắt, nhờ đã quen với bóng tối tôi nhận ra một người mặc áo trắng ngồi cách tôi một hàng ghế. Có lẽ em là nữ sinh trong ban văn nghệ nên mới được phép vào rạp lúc này. Em đang hát một bài nhạc nào đó tôi không nghe rõ lời, nhưng tiếng ca thật trầm ấm và tôi không ngăn được đánh diêm để châm một điếu thuốc. Tiếng diêm quẹt làm em ngừng hát, nhờ ánh sáng leo lắt ở đầu que diêm, tôi thấy em quay lại và đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Tôi vội quăng que diêm đang cháy dở nói xin lỗi đã gây ra tiếng động. Em nói không sao, chính em đã gây ra tiếng động trước ông. Tôi hỏi em có hát trong buổi trình diễn sáng nay không. Em nói dạ có. Tôi hỏi thăm người bạn trưởng ban văn nghệ đã đến chưa. Em nói em cũng đang đợi thầy ấy đến và ông có phải là người mà giáo sư nhờ đến đánh nhạc đệm cho tụi em hát không. Tôi lắc đầu. Tôi không biết đánh đàn, tôi đến giúp người bạn căng cái màn trên sân khấu và tôi chỉ biết kéo màn. Em cười nói công việc ấy cũng quan trọng lắm, vì nhờ ông khán giả mới thấy tụi em. Tôi nói cũng nhờ các em mà tôi mới có việc làm.
Điện trong rạp được bật sáng cùng lúc một số đông người bước vào. Người bạn đến chào tôi rồi anh vẫy tôi cùng một số học sinh đi vào hậu trường. Phải mất nhiều thời giờ chúng tôi mới căng được chiếc màn hơi nhỏ so với chiều rộng sân khấu. Vì thiếu ròng rọc để kéo dây nên hai em học sinh đã thay tôi nắm hai cánh màn chạy đi chạy lại mỗi khi muốn mở hay khép màn.
Buổi trình diễn thật vui, những tiếng vỗ tay chen lẫn tiếng la ó đã không ngớt vang lên sau mỗi màn trình diễn. Suốt buổi, tôi mải nói chuyện với một người bạn về ban vũ của các học sinh Chàm. Trong bộ quần áo nhiều màu sắc, các em đã bước đi những bước lạ lùng theo tiếng nhạc dồn dập, nhưng vẫn ẩn mang những nỗi buồn man mác. Tôi đã quên mất cô bé gặp trong rạp lúc đầu.
Khi buổi trình diễn chấm dứt, tình cờ gặp lại em trên đường về cùng đứng đợi xe lam, tôi ngờ ngợ hỏi:
- Có phải em đã hát bản Phố buồn trong buổi trình diễn ?
Cô bé nhướng mắt nhìn tôi qua khung kính cận để nhận diện rồi trả lời:
- Vâng, ông nghe em hát thế nào ?
Thú thật, lúc em hát tôi mải nói chuyện với người bạn nên đâu có biết gì, nhưng chỉ cần nhìn tướng em, tôi cũng đoán được em là một người hát rất hay.
- Thật tuyệt vời. Tôi ước ao có dịp được nghe em hát lại.
Hẳn nhiên, em chẳng tin lời tôi. Nhưng may nhờ đôi mắt tôi, đôi mắt lờ đờ như người sắp chết, trông có vẻ rất thành thật nên em bằng lòng hứa sẽ hát cho tôi nghe khi có dịp.
Tôi không bao giờ tin dịp may có sẵn từ trời cao rơi xuống đầu mình, nên tôi phải tự tạo ra dịp may bằng cách hỏi thăm người bạn dạy học về tên và địa chỉ của em. Ngay trong buổi chiều thứ bảy, sau khi đã hút hết nửa bao thuốc để lấy can đảm, tôi đã mạnh dạn đến gõ cửa nhà em.
Thật may, tôi đã gặp chính em mở cửa. Cô bé tròn xoe mắt ngạc nhiên và niềm nở mời tôi vào nhà.
Em cho biết đây là nhà của nội em, em đến đây trọ học vì nơi gia đình ở, trường trung học chỉ có các lớp đệ nhất cấp. Em nói vì mới đến đây học niên khóa đầu nên chưa có bạn bè, đi học về em chỉ biết nằm nhà đọc sách. Tôi nói:
- Con gái không nên đọc sách nhiều.
Em hỏi:
- Tại sao vậy ?
- Đọc nhiều chỉ tổ cận thị.
Em cười nói:
- Em đã lỡ cận thị rồi, có tăng thêm độ cũng không sao ?
Chuyện trò một lúc lâu, tôi nói:
- Em hát tặng tôi một bài đi.
Cô bé lắc đầu.
- Em chưa là ca sĩ để có thể hát bất cứ lúc nào theo yêu cầu, em chỉ hát được nhờ hứng. Vậy ông chịu khó đợi, đừng trách em.
Tôi chẳng phải là người thích trách cứ kẻ khác, vả lại cần gì nghe em hát, chỉ cần nhìn em tôi cũng thích thú lắm rồi, chẳng muốn đòi hỏi thêm.
Ở quận lỵ nhỏ bé này, tôi chẳng biết làm gì khi rảnh rỗi nên thường đến nhà em trò chuyện bâng quơ. Một lần, tình cờ nhìn vào lòng tay em tôi thấy rõ một hình ngôi sao in đậm nét, tôi chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì, nhưng cũng đoán mò như thầy bói mù. Số em nếu sống ở thời vua chúa chắc sẽ có một hoàng tử đến rước về triều đình, nhưng ở thời chiến tranh này tương lai em sẽ là một bà chuẩn tướng. Vậy từ bây giờ, tôi sẽ gọi em là "cô bé chuẩn tướng". Em tỏ vẻ không thích tên gọi đó, nhưng khi biết tôi chỉ là một binh nhì, em bắt tôi mỗi lần gặp em phải giơ tay chào theo kiểu nhà binh cho đến khi em ra lệnh bỏ tay xuống mới thôi. Có lần trễ hẹn, em đã bắt tôi giơ tay chào suốt buổi chiều mặc cho tôi năn nỉ. Em nói nếu ông bỏ tay xuống em sẽ nghỉ chơi với ông luôn. Vì em thường làm những gì em nói nên tôi phải triệt để tuân lệnh, khi em cho phép thôi chào thì tay tôi đã cứng đơ chẳng thể nào nhúc nhích. Em đã phải ráng sức kéo nó xuống và tìm dầu cù là xoa bóp một lúc, tay tôi mới có thể cử động bình thường.
Biết mình đã dạy dột trong trò đùa này nên tôi đề nghị với em bỏ trò chơi đó đi, nhưng cô bé nhất định không chịu. Em nói, chuyện đã rồi, sửa đổi cũng vô ích. Con gái mà hay nhăn mày nhíu mắt như em thì bướng bỉnh số dách. Tôi tự hứa mỗi lần nói chuyện với em phải cẩn thận uốn lưỡi một triệu lần trước khi nói.
Vườn nhà em, có một cây táo gai rất lớn, đến mùa những trái táo chín vàng trông thật đẹp mắt. Không hiểu sao tôi rất thích ăn trái táo phải gió đó dù chúng luôn luôn có sâu và chẳng béo bổ gì. Mỗi lần thăm em tôi đều nói em đi lấy muối ớt để chấm táo ăn. Nhìn những trái táo chín vàng trên cành, tôi không ngăn được đưa tay hái và em dậm chân la lên.
- Đừng có hái mà, để em rung cho rụng xuống ông lượm. Nếu ông hái một trái trên cành cả cây táo sẽ có sâu.
Không hiểu em nói vậy có đúng không, nhưng nhìn cách em dậm chân, tôi biết em đã quả quyết đúng và tôi đành cúi lượm những trái táo rơi rải rác trên mặt đất. Cắn một trái táo, tôi phải vội quăng đi vì con sâu trắng ởn nằm ở trong. Tôi nói:
- Sao mấy trái táo em rung rơi xuống đất vẫn có sâu như thường ?
Em cười, nói:
- Tại đã có người hái trái trên cành trước ông, mà sâu táo ăn đâu có sao, ông cứ ăn đi em bảo đảm không đau bụng đâu mà sợ.
Bây giờ, tôi mới nhận ra cổ nhân nói: "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" quả thật không sai. Tuy vậy, không phải cô bé này nói láo đâu, em rất thành thật nói ngay những gì em nghĩ và không che giấu tình cảm của mình. Có lần trời đổ mưa bất ngờ, cả hai không chịu chạy vào nhà, chúng tôi đứng núp mưa dưới tàn cây táo rậm lá. Tôi nhẹ nắm tay em và em nói:
- Ở bên ông, em cảm thấy thật hạnh phúc.
Tôi nói:
- Hạnh phúc như trái táo chín vàng, tôi nắm tay em hạnh phúc ấy đã có sâu.
- Chẳng sao, những trái táo sâu ăn rất ngon. Em mong chúng ta sẽ sống mãi bên nhau dù cho hạnh phúc của chúng ta là trái táo có sâu.
- Tôi không có số giữ của, có bao thuốc trong túi mà bạn bè lấy lúc nào cũng không hay, vậy làm sao tôi có thể giữ được em vì em làm một viên ngọc quí.
- Không, em chỉ là một viên sỏi.
- Nhưng viên sỏi lấy từ mặt trăng nên còn quí hơn ngọc nhiều.
Em nhăn mặt nói:
- Em chỉ là một viên sỏi tầm thường ở ven đường thôi, ông hiểu chưa ?
Khi em bậm môi trợn mắt trông còn dữ hơn cọp, nên tôi vội trả lời:
- Ừ, em là một viên sỏi nằm ở ven đường, nhưng đã làm tôi trợt chân té u đầu.
Một buổi chiều, tôi dẫn em xuống phố quận để mua vài quyển truyện cho em, không hiểu vì tướng tá tôi cù lần hay sao mà thiên hạ cứ trố mắt nhìn. Tôi nói:
- Em thấy chưa, người ta đang thì thầm: Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng mán thằng mường nó leo.
Em bĩu môi:
- Em cóc cần những con mắt trần gian.
Lâu lâu, em vẫn thường chêm tên các bản nhạc vào lời nói như thế, em thuộc rất nhiều nhạc và tất cả đều là nhạc buồn, thật trái hẳn với tính vui vẻ của em.
Mua sách xong, chúng tôi đi bộ dọc theo con sông nước mặn về nhà em. Trời hoàng hôn, dòng sông phẳng lặng phản chiếu bầu trời xanh thẳm và những đám mây tím rực. Chúng tôi im lặng đi bên nhau sợ lời nói làm xao động mặt sông sẽ phá vỡ những đám mây huyền ảo kia. Đột nhiên, cô bé cất tiếng hát: Chiều nay em ra phố về thấy đời mình là con nước trôi...
Quen em đã lâu, đây là lần đầu tiên tôi được nghe em hát rõ ràng. Tôi chẳng hiểu gì về âm nhạc, nhưng nghe giọng em tôi cảm thấy xúc động lắm lắm. Có lẽ em đã làm mủi lòng người nghe vì chính những giọt lệ của em. Tôi nói:
- Thôi đừng khóc nữa em.
Đầu cúi gằm, tóc che khuất khuôn mặt, em nói thầm thì:
- Ông nghĩ sao nếu em nói em yêu ông ?
Câu nói của em đã làm tôi bối rối, từ lâu tôi vẫn giấu em căn bệnh ngặt nghèo không biết sống chết lúc nào của mình. Tôi không muốn em đặt tin tưởng đời em vào một người mà chính hắn cũng chẳng dám hy vọng gì ở cuộc sống. Tôi đành nói:
- Em chưa điên, nên chẳng thể yêu tôi đâu ?
Em ngẩng mặt nhìn tôi đôi mắt đỏ hoe.
- Tại sao vậy ?
- Vì chỉ người điên mới hiểu tôi.
- Vậy em phải tập điên ngay từ giờ phút này.
Vì cố gắng tập điên nên em đã tỉnh dần. Em không còn sống trong cơn mê hạnh phúc bên tôi. Khi nhận ra tôi chỉ là một cây táo gai hèn mọn, em đã vỗ cánh bay đến những khu rừng bát ngát khác. Hôm chia tay tôi để rời khỏi quận lỵ, em nói:
- Suốt đời em sẽ không quên những kỷ niệm đẹp của chúng ta. Mỗi lần tưởng nhớ đến ông em sẽ nhắm mắt lại và thầm gọi tên ông.
Tôi gượng cười nói:
- Ừ, muốn thấy tôi em chỉ cần nhắm mắt lại vì bóng tối là tôi.
Bây giờ chúng tôi đã xa nhau. Mỗi khi nhớ đến em tôi đều thầm mong trên đường bay vạn dặm, con sơn ca yêu dấu của tôi đừng bao giờ đâm đầu vào một đám mây đen.