chuyện riêng
nguyễn thi Mộng Thu
Chưa hết giờ mà mọi người trong phòng đã lục tục ra về. Hân nhìn tôi cầu khẩn: "Em còn mấy cái công văn chưa đánh xong, chị làm ơn giúp em với. Con bé nhà em tối nay diễn văn nghệ ở trường mẫu giáo, em về sớm chuẩn bị"...
Tôi mỉm cười gật đầu. Cũng quen rồi! Hơn một năm nay ở phòng hàng chánh này tôi luôn là trung tâm để mọi người nhờ vả. Bởi vì tôi dễ chịu, tôi siêng năng, cẩn thận, nhưng chủ yếu là tôi rảnh rang hơn người khác. Phòng hành chánh có bốn người, chỉ tôi là son rỗi. Hằng ngày tôi đều nghe những tiếng kêu ca, than thở, khi thì tối qua ông chồng say quác cần câu, lúc lại con đau con ốm. Họ cùng nhau chia sẻ cảm thông nỗi vất vả của nhau và thường đem tôi ra so sánh: “Như chị vậy mà khỏe, chẳng vướng bận ai, muốn ăn ngủ lúc nào tùy thích”. Nghe vậy tôi cười mà lòng thật xót xa.
Giá có một ai cho tôi vướng bận, để tôi được tất bật như Ngọc, như Hân; để tranh thủ từng giờ chạy vù ra chợ mua con cá, mớ rau như Thủy; để biết nhấp nha nhấp nhổm mỗi khi làm việc quá giờ. Tôi thèm cái cảm giác biết có ai đó chờ đợi mình ở nhà. Mỗi chiều về tôi buồn đến nao lòng, thèm nghe tiếng trẻ con bi bô gọi mẹ, thèm một vóc dáng đàn ông thấp thoáng trong nhà. Có những đêm khó ngủ, tôi cứ đi ra đi vào, mở ti vi, cassette thật lớn nhưng vẫn không xua đuổi được cô đơn. Ba mươi tám tuổi, không đẹp, không xấu, chưa già nhưng tuổi trẻ đã đi qua, tôi không dám mơ mình có được tấm chồng như thiên hạ. Năm mười tám tuổi tôi quen một chàng trai. Tình yêu của chúng tôi dạo ấy đẹp như mọi mơ ước từng có trong đời. Chúng tôi trao nhau toàn những lời có cánh. Yêu nhau hai năm mới gặp mặt, mà nào có xa xôi cách trở gì lắm đâu, hai tỉnh kề nhau, chẳng núi cao cũng không ghềnh thác!
Một thời gian sau chúng tôi chia tay không vì lý do gì rõ rệt. Tôi khóc một ngày một đêm để nhận lời “từ nay chúng mình là bạn”. Sau đó mấy năm tôi yêu người khác. Có lẽ lần này mới là tình yêu thật sự. Tôi đắm chìm trong hạnh phúc, tôi như kẻ mộng du, nghĩ mình là Quỳnh Nga lo cho Trần Minh (những nhân vật trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa) đèn sách. Để lúc cầm tấm bằng đại học trong tay, chưa kịp nói với tôi lời từ biệt, Trần Minh đã vội vàng phóng lên chiếc xe con đời mới đi theo nàng công chúa Bích Vân (*), bỏ lại Quỳnh Nga âm thầm bên khung cửi.
Lần ấy tôi không khóc. Tôi ngẩn ngơ nửa ngày rồi chạy ào ra ruộng lúa, hò hét thật to làm bầy chim sẻ nay vù lên thảng thốt. Tôi kéo thằng bù nhìn rơm xé ra tan nát. Chiều tối tôi quay về, mắt khô và lòng ráo hoảnh.
Từ đó, tôi dửng dưng với mọi lời tán tỉnh.
Bây giờ tôi thấy ân hận quá! Giá như ngày ấy tôi ưng lấy anh chàng cùng xóm, hiền đến đỗi khù khờ, đã tốn không ít công đeo đuổi tôi, thì có lẽ giờ này tôi cũng đã con bồng con bế, cuộc đời không trống vắng thế này đâu. Bạn bè khuyên tôi đi thụ tinh nhân tạo hoặc xin một đứa con nuôi, nhưng đồng lương ít ỏi của một nhân viên hành chánh không cho phép tôi can thiệp vào vấn đề ấy, vả lại tôi chỉ khao khát một đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau và biết rõ cội nguồn.
Tôi chủ động hẹn gặp anh - người yêu đầu tiên trong đời tôi mà cũng là người bạn thân nhất của tôi suốt gần hai mươi năm nay.
Trước khi gặp anh, tôi chăm chút mình kỹ lưỡng. Tôi không còn là con bé ngây thơ mười tám tuổi, lần đầu tiên gặp nhau run đến không cầm được ly nước, viết cho nhau hàng trăm lá thư yêu đương rả rích, mà lúc gặp đến một cái nắm tay cũng không dám, ngồi cả buổi trời chỉ toàn nói chuyện nắng mưa. Giờ đây tôi già dặn rồi, tôi chín chắn rồi, tôi biết mình muốn gì và sẽ nói gì lúc gặp anh. Tôi biết anh vẫn còn tình cảm với tôi, vẫn quan tâm đến tôi dù bao nhiêu năm rồi chỉ liên lạc qua điện thoại và thỉnh thoảng một lá thư, một cánh thiệp. Nhưng tính tôi vốn cẩn thận, và để cho mọi việc diễn ra được tự nhiên, tôi bỏ mấy đêm để soạn sẵn chương trình”.
Anh đến đúng hẹn. Câu đầu tiên anh nói với tôi là: “Em bây giờ khác trước quá!”. Còn tôi, đáng lẽ phải nói: “Anh thì vẫn như xưa, như hai mươi năm trước , nhưng tôi không thể nói được, bởi năm xưa anh là một thanh niên dáng vẻ thư sinh, bây giờ lại bệ vệ như ông trưởng phòng tổ chức ở cơ quan tôi vậy. Tôi đành phải lạc chương trình: “Anh cũng thế!”.
Anh đưa tôi vào một quán nước rất ư là thơ mộng, có ngọn giả sơn, có hồ cá lội, có cả “lơ thơ tơ liễu buông mành”.
- Em vẫn uống cà phê chứ - Anh hỏi.
- Dạ!
Thôi chết rồi, đáng lẽ phải nói: “Không, em sợ cà phê lắm!”, rồi chờ cho người phục vụ đi khỏi sẽ giải thích thêm: Uống cà phê vào mất ngủ, đêm sẽ dài lê thê, em sợ cái cảm giác cô đơn trống vắng lắm! . Và, chắc chắn anh sẽ đặt tay lên vai hoặc lên tay tôi để chia sẻ.
Vậy mà tôi đã để vuột mất một thời cơ. Tôi thầm xỉ vả mình, đúng là đồ tham ăn tham uống...
- Cuộc sống của em bây giờ thế nào?
Tôi giật mình:
- Dạ, cũng bình thường.
Lại một lần nữa tôi không nói đúng với đề cương.
Anh nhìn tôi mỉm cười. Tôi xoay xoay ly nước, hỏi thăm anh về công việc, gia đình, vợ con. Anh nói công việc anh bình thường, vợ chồng anh vừa xây xong nhà, hai đứa con anh ngoan và học giỏi... Tôi như đứa học trò không thuộc bài bị thầy chất vấn nên cứ nói lung tung. Tất cả những gì tôi nghĩ, tôi đã cẩn thận viết ra và thuộc đến làu làu, ấy thế mà lúc ra khỏi miệng lại hoàn toàn khác. Điều tôi muốn nói với anh đâu phải là bịa đặt. Tôi quá cô đơn, tôi thật sự thèm khát một đứa con, tôi muốn xin anh cho tôi một kỷ vật mà chỉ riêng anh và tôi biết. Và rồi tôi sẽ không bao giờ liên lạc với anh nữa. Tôi tin mình có đủ nghị lực để làm điều đó.
Vậy mà... trời ơi! Tôi lại kể cho anh nghe chuyện lần đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, tối nào cũng leo lên tầng cao nhất của ký túc xá nhìn xuống đường xem xe chạy, chuyện cơ quan cử tôi đi thi hát karaoke, chuyện ông trưởng phòng tổ chức hay dùng từ giao hữu”. Rồi anh kể tôi nghe về những năm tháng sống trong quân ngũ, kỷ luật gắt gao. Có lần vì một lỗi không đâu, anh bị phạt hít đầu hàng mấy chục cái dưới trời nắng lửa... Anh cười ha hả, tôi cũng cười theo, câu chuyện của chúng tôi cứ đi dần như thế.
- Đêm nay em nghỉ ở đâu? - Cuối cùng anh hỏi khi ngoài đường đã vắng tiếng xe.
- Dạ em... Tôi lúng túng.
- Thôi được rồi, để anh đưa em đi.
Tôi khấp khởi mừng thầm khi thấy anh dừng xe trước khách sạn.
- Mỗi lần về đây học chuyên môn hay họp hành anh thường nghỉ ở nhà thằng bạn, hôm nay có em, anh cùng ở lại đây cho vui.
Hai má tôi nóng ran và tự nhiên muốn khóc. Một cảm giác sợ hãi bỗng ập đến. Không, không, không thể...! Tôi quên hết đề cương, quên hết chương trình mình ra công soạn thảo. Đầu óc tôi lùng bùng, chân tôi đứng liêu xiêu. Về thôi, về thôi, không thể nào như thế được đâu! Tôi chếch choáng đi ra cửa, bỗng khựng lại khi nghe loáng thoáng tiếng anh trao đổi với nhân viên khách sạn: “... hai phòng...”.
Tôi lấy lại bình tĩnh, nuốt ực những giọt nước mắt chưa kịp chảy ra. Thôi kệ, đã leo lên lưng cọp rồi, phải ráng ngồi cho vững!
Tôi lẽo đẽo theo anh lên nhận phòng. Sau khi hướng dẫn cho tôi một vài việc, anh vỗ nhẹ lên vai tôi, bảo:
- Em tắm đi cho khỏe, anh chạy ra ngoài mua chút gì vô anh em mình ăn, nghen!
Tôi dạ nhỏ, ngoan như con mèo ốm. Vừa tắm tôi vừa suy nghĩ mông lung, điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đây? Bao nhiêu ý chí, quyết tâm, bài bản trước khi đi giờ đã rụng rơi đâu mất. Anh có hiểu động cơ nào thúc đẩy tôi đến gặp anh không?
Sao anh vẫn đối xử với tôi chân tình, tự nhiên đến thế? Gần hai mươi năm qua, những lúc tôi hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất đều có anh để cho tôi san sẻ.
Anh cư xử đúng mực như một ngoài bạn, một người anh gần gũi. Lúc này, thật lòng tôi không muốn mất anh!
Anh mang về một túi đầy bánh mì, nước khoáng và cả kẹo dừa nữa. Anh đưa bịch kẹo lên trêu tôi:
- Em còn thích món này chứ?
- Dạ ... còn! Tôi cười nhăn nhó.
Tôi cùng anh khiêng chiếc bàn con ra hành lang, vừa gặm bánh mì, vừa thích thú ngắm nhìn quang cảnh đêm thị xã. Dưới đường, ánh đèn vàng vọt, thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chạy vụt qua, tiếng động cơ trong đêm nghe gấp rút. Thật hiền hòa, thị xã nhỏ đi dần vào giấc ngủ. Nhưng anh và tôi vẫn ngồi đó nói đủ thứ chuyện. Chúng tôi cười, tiếng cười quyện vào nhau, có lúc chúng rượt đuổi nhau chạy dọc theo hành lang hun hút.
Tôi thấy mình may mắn quá, trên đời có mấy ai được như tôi đêm nay?
- Gần 3 giờ sáng rồi, em ngủ đi!
- Em chưa buồn ngủ! – Tôi bướng bỉnh, nhưng cũng đứng lên cùng anh thu dọn “chiến trường”.
- Ngủ ngon nhé, bé con!
- Anh xoắn nhẹ vành tai tôi trước khi khép cửa phòng.
Tôi đổ sấp xuống giường, buồn vui lẫn lộn. Mục đích không thành cớ sao lòng vẫn lâng lâng?
Sáng, anh đưa tôi ra bến phà. Khi tôi đã bước qua cổng soát vé, anh với theo, giúi vào tay tôi mảnh giấy rồi vẫy tay chào. Tôi vẫy tay đáp lại và cảm thấy nước mắt vỡ khỏi bờ mi. Phà tách bến, bóng anh khuất rồi, tôi từ từ mở tờ giấy trong tay: “Anh không muốn chúng mình mất nhau, bé con ạ!”.
Tôi mỉm cười vu vơ. Ba mươi tám tuổi, già nhất phòng hành chánh mà vẫn được gọi là “bé con ư? Anh thật là... !
Mặt trời nhô lên khỏi làn nước, từng con sóng nhỏ loang loáng nắng nhấp nhô đùa giỡn với đám lục bình. Chỉ còn chút nữa thôi, phà vòng qua phía bên kia cồn là tới bến. Tôi sẽ trở về nhà mang theo kỷ niệm mà chỉ riêng hai chúng tôi mới biết.
Nói ra có mấy ai tin?
Hết