Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mái Tóc Dòng Sông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 487 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mái Tóc Dòng Sông
Hàn Lệ Nhân

Hầu hết dân trong xóm là người Việt, có cả ngôi chùa việt tên Bảo Quang Tự nên quen được gọi là xóm Bảo Quang và ít ai còn nhớ xóm vốn có sẵn tên lào là Bản Thôông (Xóm Đồng / Xóm Ruộng). Hình ảnh Xóm Bảo trong bài nầy là hình ảnh của trước 1975: Nhà anh Long ở khoảng giữa xóm, ven con đường đất đỏ, mưa bùn nắng bụi. Từ cổng nhà anh Long, quẹo trái là vào xóm trong, bên nầy đường có nhà bác Cai Lem, bác Dụ, bác Tề, ông bà Minh, chú thím Cận, anh chị Ta …, bên kia đường là nhà o Cọt - chú Nạp, nhà ông quan ba người Lào, nhà ông bà Bình … qua khỏi xưởng làm nước đá cục và nước ngọt Lê Sinh Ký mươi thước, bên kia con đường nhựa, là đồng ruộng với nhiều mái nhà sàn của người bản xứ và phi trường Savannakhet ; quẹo phải là ra xóm ngoài, bên nầy đường có nhà anh chị Phó, tiệm chú Chệt, nhà cô Công - chú François …, quá chùa Bảo Quang độ trăm thước gặp con đường trải nhựa cắt ngang, phân giới bất thành văn giữa xóm và phố ; phía trước mặt là nhà chú thím Chua, nhà anh chị Bột-Huống … cuối cùng là nhà hai bác Năm (Heo Quay) và hai bác Nhẫn (cũng chuyên làm heo quay). Bên kia con đường nầy có nhà chị Hồng ở cạnh nhà tôi, thuộc phố Nhà Thờ nơi có góc giáo đường được xây từ thời thực dân Pháp.
Anh Long, chị Hồng biết nhau từ thuở bé, lúc chị Hồng vào học hè trường tiểu học Lạc-Hồng của thầy Nguyễn Văn Viễn ; quen nhau từ năm đệ tứ nhờ học cùng lớp. Cuối năm đệ tứ anh Long chuyển, thi vào trường Trung Học Kỹ Thuật ( Lycée Technique) Savannakhet. Chị Thảo tôi và chị Hồng tiếp tục học đến hết lớp đệ nhất ban văn ở Trung Học (Pháp-Anh-Lào) Savannakhet. Sau mấy tháng đầu niên học năm 1972, chẳng hiểu do đâu anh Long thường đến nhà tôi chơi. Lúc đầu tôi nghĩ chẳng lẽ lại vì chị Thảo ? Không bao lâu sau, tôi mới biết mình lầm lớn khi anh Long bắt đầu gợi chuyện về chị hàng xóm sầu mộng thân thiết của tôi …
Chị Hồng kém chị Thảo tôi 2 tuổi mà xem ra chị ra vẽ hơn chị tôi nhiều. Chị Thảo nóng nảy, bộp chộp, chưa nói đã cười ra tiếng ( me thường bảo, gái lứa chưa nói đã cười là người … vô duyên). Chị Hồng chừng mực đoan trang. Chị Thảo ham dạo chơi hơn đọc sách. Chị Hồng, ngược lại. Ngày lại ngày, nỗi bận tâm của chị tôi, có lẽ cả trong giấc ngủ, chỉ lay hoay trong chuyện vải vóc, thời trang, giày nầy bóp nọ … sao tôi thấy chị tôi vẫn hoàn chị tôi. Chị Hồng trang sức giản dị lại thấy sang ơi là sang. Có lần tôi nêu thắc mắc đó trong gia đình, Bố mĩm cười trả lời " sách vở nâng cao phẩm cách con người ". Bấy giờ tôi không tin câu trả lời của Bố, tôi nghĩ ông cường điệu theo sách. Chị Hồng không có vẻ đẹp lộng lẫy, hấp dẫn của Linh, của Ái Thân hay của Phetsomphou ; không có đôi mắt to đen u uẩn của Ratmanyvone hay của Boupha để bạn trai đắm thuyền lòng trong đó ; không có nụ cười mím chi gợi cảm khó hiểu của Mai Phương hay của Samone cho người dám bỏ 5 / 7 triệu Kịp (trước 75) ra giành nhau ; không có sự hồn nhiên đầy sức sống của Moukda cho bạn bè yêu đời hơn … Sắc diện chị Hồng, chỉ thuộc loại " thường thường bậc trung " nếu thiếu mái tóc. Ôi mái tóc huyền của chị Hồng nó mới kỳ diệu khó tả làm sao ! Mái tóc mà đến nhà thi sĩ Nguyễn Long của tôi, sau nhiều đêm thức đua với trăng sao, góp hết ý lại cũng chỉ nẩy ra được mỗi bài thơ võn vẹn 4 chữ (1) : Mái Tóc Dòng Sông ! Thật vậy. Nhờ có mái tóc mà sắc vóc của chị Hồng trội hẳn lên. Nhưng, theo tôi, yếu tố sắc không thôi chưa đủ thành hấp lực làm nhiều bạn trai mơ mộng chị Hồng đến thế mà phải do cái nết của chị. Từ khi thân nhau, tôi chưa hề nghe chị Hồng phê phán, tranh cãi, giận hờn ai. Mà chị có giận ai, người đó cũng khó biết được vì lúc nào, với ai chị cũng hoà nhã đúng mức. Bố bảo " cái nết của cái Hồng đánh chết cái đẹp của mấy đứa khác". Me lại bảo " giao thiệp mà khéo léo, sâu sắc, chừng mực như cái Hồng, phi người thâm trầm, không dễ mấy ai làm được". Tuy nhiên, Me nhấn mạnh, "buồn vui không lộ ra mặt không hẳn là một nết tốt, nhất là trong tình nghĩa vợ chồng. Đó là tánh … nham hiểm ! Các con chớ có học theo …".
Trước Giáng Sinh năm đó, anh Long ghé nhà tôi. Tôi ngạc nhiên hết sức trước đầu tóc và cách ăn mặc của anh. Tôi cười cười hỏi anh: " chà, năm nay chắc bên Tây trở lại mốt Classique ?". Anh chỉ nhún vai thay câu trả lời. Trước khi chào ra về, anh Long đưa tôi một cuốn vở học trò, bảo nhờ Chi – tên tôi – đọc giùm, cho anh ý kiến và tuyệt đối kín miệng. Cuốn vở đó có tám bài thơ lâm ly, dằng dặc, do anh làm. Trong mấy bài thơ của anh, có bài " Một Mình " được mào đầu bằng hai câu thật hay, phía dưới có ghi N.B. Mãi sau nầy tôi mới biết hai câu đó được trích dẫn từ bài Tương Tư của Nguyễn Bính:
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng !
Đọc xong mấy bài thơ của thi sĩ Nguyễn Long, tôi lạnh người: Anh Long yêu chị Hồng, trời ạ ! Tôi kêu trời không phải tôi ghen với chị Hồng đâu ( cần nói ngay đây để bạn đọc khỏi hiểu lầm, tôi đã xấu lại ngu ngơ " chỉ biết học thôi, chửa biết gì ") mà trước hết vì khoảng thời gian đó, dưới mắt đa số người Việt trong tỉnh, anh Long là mẫu người " khôn bò đì " (người không tốt). Quan niệm về tốt-xấu, phải-trái theo bố me tôi cũng như theo hầu hết những người Việt lớn tuổi trong tỉnh rất giản dị: Lào có cách sống của Lào, Âu Mỹ có nếp sống phong tục của Âu Mỹ, Việt Nam có nề nếp của Việt Nam thì dù lưu lạc nơi nào, hoà nhập vào bất cứ xã hội nào, điều cốt yếu là đừng đánh mất nề nếp, văn hoá đã sẵn có trong ta qua gia tộc. Bấy giờ tôi trộm nghĩ quan niệm ấy là quan niệm " bảo hoàng hơn vua " vì trong khi ở Việt Nam thiên hạ hãnh diện chung sức lấp liếm, xoá bỏ nề nếp bình dị, lễ nghĩa " cổ hủ " của ông cha để được hãnh diện hít thở, nói cười, ăn mặc, ca nhạc … sao cho giống ông Tây, bà Mỹ thì tận nơi " khỉ ho cò gáy " xứ " Lèo mọi rợ " (định ngữ đến từ VN), các trưởng bối lưu xứ lại chắt chiu gìn giữ tất cả, truyền thừa lại – truyền thừa hay áp đặt ? – cho con cháu tất cả, coi đó như hương hỏa bất khả tư nghì.
Anh Long mang tiếng như vậy tựu trung do cái vỏ thời trang nặng phần " ca-bồi-làng " của anh. Thời trang trẻ trước 1975 ở Lào thường rập khuôn theo thời trang Âu Mỹ - bây giờ cũng vậy - , đặc biệt qua tạp chí Salut les Copains của Pháp: Trai thì quần ống chân voi dài lết thết, áo bó sát người, thắt lưng da to bản, giày bốt da đế cao 10 / 13 phân tây, tóc dài phủ vai ; con gái lycéenne chúng tôi – trừ chị Hồng – có thêm mini-jupe củn cởn, thường là 10 / 15 phân trên đầu gối. Chữ " thường " ở đây ngụ ý của " giới hạn chót " vì, theo bố me, nếu xén cao hơn chút nữa, mặc hay không mặc đâu khác gì nhau ! Lý do thứ hai làm tôi kêu trời là anh Long lắm đào và có tiếng lì khi " ngoại giao tình cảm " tuy không có mã đẹp trai như ca sĩ Văn Tấn Phát. Nếu chị Hồng yêu anh Long chắc chắn là " yêu lần đầu ", còn anh Long yêu chị Hồng hẳn là " yêu lần sau, kỳ thứ 20 ". Theo chỗ tôi biết, trước khi để ý chị Hồng, anh Long đã công khai bắt bồ với trên chục cô trong tỉnh Savannakhet ( chưa kể ở thủ đô Vientiane và các tỉnh khác như Paksé, Thakhek …) ! Thôi thì đủ quốc tịch, đủ thành phần, có điều cô nào cũng xinh. Lý do thứ ba của tiếng kêu trời là chuyện anh Long biết làm thơ ! Tôi chưa hề nghe ai nói qua trường hợp nầy thành thử đâm ra nghĩ ngợi vu vơ về sức mạnh của tình cảm được định danh Tình Yêu, là thứ tình cảm tôi chưa lần biết qua. Tôi băn khoăn thắc mắc: chẳng lẽ tình yêu lại ghê gớm thế sao, không những có thể thay đổi bề ngoài của một anh Playboy sính thời trang diêm dúa, mà còn biến một trái tim theo lẽ phải hời hợt, cọng thêm một bộ óc, trên nguyên tắc, đặc những con số lạnh lùng duy lý (vì anh Long học kỹ thuật mà) … thành trái tim ủy mị và bộ óc - hoặc một phần nhỏ của bộ óc - cởi mở tạo nên những dòng chữ mà thiên hạ gọi là Thơ ?
Có lúc tôi lại nghĩ xấu chắc anh chàng " cóp " ở đâu chăng ? Kết luận nầy không vững vì người và cảnh trong thơ rõ ràng là chị Hồng và Savannakhet yêu dấu của tôi. Tôi đã có ý định nhờ bố kiểm chứng giùm song sợ bố thiên vị vì bố vốn không ưa cách sửa soạn " ca-bồi-làng " của anh Long, nên thôi. Tôi định đưa cho chị Thảo xem nhưng lại sợ nhỡ chị nhận vơ người trong thơ là chị thì mệt lắm. Sau cùng tôi quyết định chọn chép những đoạn tả cảnh hoàng hôn trên sông Cửu khúc Savannakhet yêu dấu của tôi hay những đoạn nói vu vơ không có hình ảnh chị Hồng, cầu cứu với chính người trong thơ. Chị Hồng biết nhiều về thơ việt nam lại từng có thơ đăng báo Quê Hương do sứ quán VNCH trên Vientiane ấn hành, báo Phụ Nữ Ngày Mai tận Sàigòn, có thơ Pháp đăng trên tờ nội san Lycée Savannakhet. Mấy hôm sau, ban đầu chị Hồng hiểu lầm anh chàng nào tán tôi, tôi phải đính chính hết hơi xém buột mồm thề độc chị mới tha cho. Sau mấy câu rào đón thường tình, chị nhận xét rất mạch lạc, nay vì lâu ngày tôi không nhớ trọn, nhưng đại khái chị bảo: " tác giả phải là ngườI ở địa phương nầy, mới khởi viết, niêm luật và bố cục, nhất là bố cục cần chỉnh lại chút đỉnh … lợi điểm của tác giả là sự chân thành …". Chị còn bảo " giả thuyết tác giả là em, chị thành thật khuyến khích nên tiếp tục".
Từ năm chị Thảo lên đệ tam (lớp 10), mỗi mùa mai nở, chị em tôi được bố me cho phép mời một số bạn bè, thường cùng lớp, và các thầy cô người Pháp, ngườI Anh, ngườI Lào đến nhà ăn Tết ta. Nói Tết ta là vì ở Savannakhet nói riêng, ngoài những ngày nghỉ như Tết Lào, Tết Tây và tuy không chính thức, học sinh Việt hay gốc Việt cũng như Lào chính cống thường nghỉ học ngày mồng một mà khỏi cần xin phép hay khỏi phải đưa giấy chứng minh của phụ huynh. Phép nước thua lệ làng là vậy.
Trong số năm người bạn tôi chọn mời riêng Tết năm đó có anh Long, dĩ nhiên với sự đồng ý của bố sau thời gian ngắn thấy sự thay đổi của anh chàng. (Tôi quên nói dạo sau nầy bố và anh Long hay trao đổi quan điểm văn thơ lắm. Bố thay đổi thái độ,theo tôi, vì bây giờ anh Long hợp lăng kính " việt " trong bố. Vả lại tôi chẳng hiểu vì sao và từ lúc nào mình có hảo ý làm mai chị Hồng cho anh ấy). Đã có chủ ý, tôi sắp anh Long ngồi cạnh chị Hồng. Bữa tiệc thật vui. Mọi ngườI đều thắc mắc về sự thay đổi của anh Long. Suốt buổi họp mặt, anh chàng không mấy tự nhiên, nó sao sao ấy. Sau đó là màn cả bọn trẻ đi xem ciné, phim Ấn Độ chuyển âm Lào-ngữ. Tôi lại ranh mảnh dàn xếp anh Long ngồi giữa chị Hồng và tôi. Tôi hơi bực mình vì gần hai giờ phim, ngoài mấy câu vu vơ lúc quảng cáo, anh chàng ngồi như khúc gỗ, câm như hến. Tôi nghĩ bụng " thật có tiếng mà không có miếng ". Sau nầy tôi hiểu lý do qua bài " Đắn Đo " của anh :
Nghiêng mình xuống, chợt nghe hồn buồn lạ,
Mấy canh rồi ray rứt mãi chưa nguôi.
Gọi tên ai : Dung nhan nàng như họa,
Gió ân tình ve vuốt trái tim côi.
Anh sẽ nói hết những gì ấp ủ
Tận đáy lòng chưa dịp nói em nghe,
Để đêm đêm, đêm dài yên giấc ngủ,
Để linh hồn thôi khắc khoải trong mê.
Em đứng đó như chờ câu anh ngỏ,
Đắn đo hoài... Đâu hết lời văn hoa ?
Bánh thời gian âm thầm trên xóm nhỏ ...
Đêm nay về, thức trắng xua đêm qua !
Chị Hồng và tôi thường đi lễ mỗi sáng chủ nhật. Chúng tôi có cái thú thỉnh thoảng đạp xe đạp ven sông Cửu Long mỗi khi chiều xuống. Anh Long biết điều đó mà không bao giờ anh theo ra để như " tình cờ " gặp nhau. Anh bảo " không dám vì như thế sẽ thiếu tự nhiên ". Tôi cắc cớ hỏi lại " vậy khi anh đến nhà em sao không đi thẳng cho gần mà đi vòng chi mất thời giờ, thế có tự nhiên không ?". Anh cười, trả lời: "không biết. Đừng hỏi khó anh, tội nghiệp". Đôi khi tôi gợi chuyện anh Long với chị Hồng, thấy chị tự nhiên như khi bàn về một người bạn trai khác. Là bạn thân nên biết rõ tánh nghiêm của chị, tôi không dám lanh chanh trực tiếp nầy nọ giúp anh Long, sợ chị giận. Tôi chọn tiểu thuật thế nầy: Mỗi khi gặp chị, làm như vô tình " chen " tên anh Long vài lần vào trong câu chuyện. Tôi tập cho đối tượng quen tai dần dần cái tên đó... Chị Hồng hiểu cách khác, ghẹo tôi:
- Bé Chi đã vỡ nòng ... dzồi, hơi sớm đấy cưng.
Tôi không nói gì. Bấm bụng cười thầm. Vài tháng sau, không thấy tôi chấm phá tên anh Long trong câu chuyện nữa, chị Hồng lại trêu:
- Dạo nầy anh Nong của Chi ra sao dzồi ?
- " Giờ đã điểm " . Tôi nghĩ vậy, bèn trả lời:
- Chi có điều nầy muốn nói với chị. Có gì không "đúng", chị hứa không trách giận, Chi mới dám nói.
- Khéo nhỉ. Học đâu ra câu Intro ... nhạt như nước ốc? Điều gì Chi đã quyết tâm cần phải nói thì cứ nói, chưa quyết thì khoan nói. Chị em rào đón làm gì. Nhưng thôi, chị hứa đấy, Chi nói đi. Giúp được gì, chị sẵn sàng.
- Danh dự nha. Dù sao, " bài thơ " nầy ngoài chị ra không ai " giải " được ...
- Lại thơ ! Bài thơ nào ?
- Bài thơ tên Long và một người tên ... Hồng là chị !
- Á ...
- Em xin thề : Anh Long là chị chứ không phải em. Em chỉ là bà mai nội tuyến thôi ...
Ai đó có ví tình yêu như khói, dù khéo che đậy bao nhiêu, chóng chầy khói - nhất là thứ khói đượm hương chân tình – cũng thoát ra ngoài, bay tới nơi cần tới. Khói tình của anh Long bay vào mắt chị Hồng cách nào, lúc nào, tôi không biết. Chỉ biết dạo nầy mỗi khi tôi nhắc đến tên anh Long thì chị có vẽ thẹn, mắt thoáng long lanh như cười ... song, nghiêm trang nói lãng qua chuyện khác ngay. Phần anh Long cũng vậy, anh không còn đưa thơ cho tôi đọc như trước, ít nhắc tới chị Hồng. Và thái độ của anh giống hệt thái độ chị Hồng tức cũng luýnh quýnh, né né lách lách như ăn vụng bị bắt quả tang. Thật khó hiểu.
Khoảng cách nhà anh Long và nhà chị Hồng không quá 400 thước, cho nên sau nầy tôi theo dõi - chẳng biết họ có hẹn nhau trước không - chiều chiều, hai anh chị thơ thẩn ngoài ngõ nhà mình, chịu khó liếc về phía nhà " đằng kia " vài chục lần, thế nào cũng có lần toại nguyện : Thấy nhau trong chốc lát và dù chỉ " mờ nhân ảnh ". Tôi là người duy nhất biết chuyện của họ: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e ...
Lâu quá không thấy bài chị Hồng trên Quê Hương và Phụ Nữ Ngày Mai. Hỏi chị. Chị bảo chị bận. Hỏi bận gì, đâu phải mùa thi đâu. Chị không trả lời thẳng, lại xa xôi bí ẩn : " Viết hư cấu thì không hay, không động lòng mình, sao động được lòng người. Viết nửa vời thì không muốn. Còn viết thật " tình " mà đăng báo lại không ... ổn" ! Hỏi anh Long sao độ nầy không thấy anh đưa thơ cho đọc. Anh nói :" có thứ hạnh phúc chỉ thật sự là của mình khi mình mình biết, mình mình hay ... Trước khi du học, anh sẽ tặng bé toàn tập thơ anh. Chỉ sợ lúc đó bé lại thích thơ " người khác " đấy thôi ... "
Chị Thảo, chị Hồng và anh Long đều xuất ngoại sau mùa thi tú tài 1973, có điều ba người đi ba hướng. Chị Thảo đi Mỹ. Chị Hồng có ông chú nhận qua Pháp. Anh Long đi sau mấy tháng nhưng nhận học bổng đi Tiệp Khắc. Như đã hứa, anh Long tặng tôi tập thơ Sao Đen ( Etoiles Noires ). Sao Đen gồm cả thơ bằng tiếng Pháp, có mấy bài tùy bút. Bài " Nhà Nàng " được dẫn nhập bằng bốn câu thơ của Nguyễn Bính:
Nhà ấy hình như có mặt trời,
Có rừng có suối có hoa tươi.
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm ...
Chẳng có gì đâu, có một người !
Trước ngày chị Hồng theo xe đò lên Vientiane chờ đáp máy bay qua Paris, thi sĩ nhà ta còn lạc quan lưu niệm:
Mình chửa xa nhau đã nhớ nhau,
Nhớ nhau vì nỗi phải xa nhau.
Xa nhau chi để lòng nhau nhớ,
Mà có xa nhau mới nhớ nhau !
( Ca dao, 17/07/1973)
Nhưng anh bi quan ngay liền hôm sau:
..........
Tôi nhớ thương người kiều mỵ ấy,
Nhớ người sầu mộng của đời tôi.
Chiều qua, theo bánh xe rời bến,
Mang của tôi đi trọn tiếng cười !
(Đối diện, 18/07/1973)
Đêm mênh mông, một mình trước ngỏ,
Lặng lẻ buông lòng theo mêng mông.
Chẳng biết giờ nầy nơi phương đó,
Người ấy có thầm nhớ đây không ?
(Bâng khuâng, 06/08/1973)
Hai người có thư về cho tôi, do đó biết địa chỉ của nhau. Họ có liên lạc với nhau không, tôi không biết. Khi biến cố 30.4.1975 xảy ra, tôi và hai em trai đã qua Thái trước đó 5 ngày rồi xin tị nạn tại Tây Đức, lạc mất địa chỉ hai người. Bặt tin họ từ đó. Tập Sao Đen của anh Long tôi còn giữ. Hè 89 tôi theo chồng về đến Moukdahan. Chồng tôi người Lào trước ở Séno – bạn học đồng lứa với anh cả tôi – du học từ lâu lại có quốc tịch Đức nên thanh thảnh, tự nhiên qua sông vào Savannakhet. Tôi quyết định chờ gặp gia đình ở Mouk. Rất nhiều người tị nạn đã trở về thăm chốn cũ và đã an toàn trở ra. Riêng tôi, tôi không theo chồng qua sông chỉ vì chưa lấy lại được niềm tin đối với chính quyền đương thời, tuy biến cố 1975 (Lào 02/12/1975) trên đất Lào phải nói như một cái trở mình nhẹ nhàng, khác hẳn cuộc "giải phóng" ghê rợn ở Việt Nam hay ở Campuchia.
Ba ngày sau chồng tôi trở qua Mouk cùng Mẹ và gia đình anh chị tôi ... Sau năm ngày được sống hồn nhiên lại với gia đình, một lần nữa tôi lại nói câu giã từ với nhiều hứa hẹn như 16 năm xưa. Trên đường trở vào Bangkok chồng tôi kể:
" Năm 1977 chị Hồng (nhập tịch Lào với tên Khittiphone Keosavanh) có về lại Savannakhet trong phái đoàn " sinh viên yêu nước hồi hương kiến thiết xứ sở ". Ngồi chờ ròng rả hơn 7 tháng, không thấy chính phủ đả động gì tới chuyện bổ nhiệm, chị Hồng và mấy người em bèn trốn qua sông, hiện tị nạn tại Úc, đã lập gia đình với một người bạn học cũ. Phần anh Long, sau khi học xong, trên đường trở về tới Bangkok, trốn vào trại Latbouakhao (Thái Lan) xin tị nạn. Hiện anh đang sống tại Montpellier (Nam Pháp)." Thỉnh thoảng tôi có đọc bài anh trên các báo việt ngữ hải ngoại.
Giáng sinh năm 1991, tôi qua Pháp và có gặp anh Long. Nhắc lại chuyện xưa, anh đăm chiêu nhìn ra cửa sổ:
" Tình cảm giữa anh và Hồng chưa thành tên, nhưng hai đứa đều cảm nhận được và tin tưởng ở ánh mắt trao nhau như một hẹn thề ... Mùa Phục Sinh 1976, nhờ người bạn làm việc trong sứ quán cho biết – chắc Hồng cũng có ý tìm anh – anh gặp lại Hồng trong phái đoàn Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Pháp qua Tiệp tham quan. Anh quên cho Chi biết, từ lúc xa Lào, anh và Hồng không nối được liên lạc. Gặp lại nhau, hai đứa mừng lắm – lần đầu tiên anh với Hồng nói chuyện không có người thứ ba – tuy vẫn không bóng gió gì tới " chuyện ấy ". Hai hôm sau, sau đêm văn nghệ tại Prague có cả văn công từ Hà Nội sang, Hồng có gián tiếp cho anh biết là sẽ về lại Lào nay mai và có chúc anh sớm ra trường rồi về cùng phục vụ XHCN. Hồi ở Lào, anh đã tìm hiểu lịch sử Liên Sô, Trung Cộng và Đông Âu – bấy giờ anh nhất định không tin, mới quyết đi Tiệp – nay sống dở chết dở dưới chế độ, nên trong một phút không tự chủ, anh có nói thật với Hồng về hoàn cảnh tù hảm của anh từ ngày qua đây và bề trái của tấm huy chương XHCN... Hồng bình thản đưa ra quan điểm của mình nhưng trực giác cho anh biết, bất đồng ý kiến giữa hai đứa nẩy mầm từ đó. Rồi không hiểu vì bận rộn công việc trong phái đoàn hay vì lý do trên, Hồng không liên lạc với anh nữa. Anh có đến nhà khách tìm Hồng hai lần, để giấy lại... song vô ích. Hồng trở lại Paris, anh có viết thư cho Hồng nhiều bức. Hồng không trả lời. Trước kia, tuy đau khổ vì bặt tin người mình thương tưởng song anh không tuyệt vọng khi tự an ủi: Sự ngăn cách nầy chỉ là ngăn cách của không gian. Anh đã có lý, chứng cớ là hai đứa đã gặp lại nhau. Nhưng cay đắng thay, gặp nhau để vĩnh viễn mất nhau bởi một ngăn cách vô hình, đối lập của tình cảm, mang tên ý hệ XHCN. Anh thông cảm tâm huyết của Hồng lúc đó cũng như chia xẻ tâm trạng của nàng sau nầy, ngay cả giờ phút nói chuyện với Chi đây: Cả thế giới đã lầm và đã thức tỉnh trừ vài nước – đau đón thay – trong đó lại có đất nước ta ".
Kể xong, anh trầm ngâm suy nghĩ một lúc, nói: " Ông Sihanouk có một nhận định rất đúng, đại khái ông bảo: Sinh viên quốc gia du học các nước xanh đa số đều trở thành đỏ hay hồng, còn sinh viên du học các nước đỏ, chóng chầy cũng quay lại chống chế độ đã tạo nên họ ".
Tôi ngỏ ý muốn trao lại tập Sao Đen, anh Long trả lời: " Đó là những giọt máu từ tim anh tự nguyện chảy ra cho một người, một thời. Đớn đau nhưng êm đẹp. Nếu Chi chưa hé chuyện, Hồng không biết Sao Đen và mãi mãi anh không muốn Hồng biết. Anh đã tặng Chi, Chi cứ giữ lấy hay đốt đi tùy ý, đó chỉ là bản sao. Bản chính anh vẫn giữ trong tim ! "
Hàn Lệ Nhân
Chú thích:
(1) Truyện Kiều của Nguyễn Du là bài thơ việt ngữ dài nhất, 3.254 câu. Bài thơ ngắn nhất là lối thơ của ông Thao Thao:
Trời nước mơ hồ cá đớp trăng ( 8 chữ )
(Theo Luyện Văn của Nguyễn Hiến Lê).



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 935

Return to top