Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ở theo thời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15923 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ở theo thời
Hồ Biểu Chánh

Chương 9
Một buổi sớm mơi thầy giáo ăn lót lòng với Hà Tấn Tài rồi thầy đi qua Bến Thành mà chơi. Thầy đi vòng theo chợ mới, vừa đi ngang một tiệm cà phê thì nghe trong tiệm có tiếng kêu chỉ danh thầy. Thầy đứng lại ngó vô thì thấy trong tiện đông dày dày. Tại một cái bàn giữa, có tiếng kêu lên tên thầy nữa. Thầy ngó kỹ chỗ đó thì thấy Cao Lương Ký là bạn em bạn học với thầy, đương ngồi ăn uống. Thầy bước vô, hai người chào mừng nhau. Thầy Ký mời thầy Phát ăn lót lòng. Thầy nói đã dùng ở nhà rồi, song muốn vừa lòng người bạn, nên kêu đem một ly cà phê đặng ngồi uống nói chuyện chơi.
Hai người nói chuyện nhau một hồi, thầy Phát mới hay thầy Ký tuy hồi ra trường thầy thi rớt, nhưng mà bây giờ thầy làm việc trong một hãng buôn lớn, ăn lương mỗi tháng tới một trăm hai chục đồng và mướn phố ở đường Thuận Kiều. Thầy Ký ăn hủ tiếu, thầy vớt thịt với hủ tiếu ăn hết, chỉ còn một mớ giá với nước rồi xô cái tô qua một bên mà uống cà phê. Cái tô hủ tiếu vừa mới trịch qua, thì có một người trai và một đứa nhỏ đứng hờm hồi nào gần đó không biết, áp lại giành bưng cái tô. Người trai giành được bèn kê cái tô vô miệng mà húp nước hủ tiếu rồn rột, rồi lại lấy đũa và mớ giá mà nuốt nữa. Đứa nhỏ giành không lại, thì đứng ngó lườm lườm, coi bộ tức giận lắm. Thầy Phát thấy vậy mới móc túi lấy một đồng xu mà cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chưa kịp tạ ơn, bỗng thấy cái bàn gần đó có người đứng dậy đi, mà bỏ ly cà phê còn dư bộn, nó chụp lấy đồng xu rồi vói bưng ly cà phê dư mà uống ọt ọt.
Thầy Phát thấy lúc con người đến lúc nghèo, tấm thân phải hèn hạ đến thế, thì trong lòng thầy không vui chút nào. Thầy Ký mời thầy tối qua nhà chơi, đặng có nhiều giờ mà đàm đạo, chớ bây giờ thầy mắc đi làm việc.
Anh em phân rẽ nhau. Thầy Phát thủng thẳng đi tới bến xe hơi, thấy có hai người lơ (contrôleur) đương giành một người hành khách, ban đầu cãi cọ, lần lần tới chửi lộn, riết rồi đánh nhau, đứa cầm bù lon, đứa cầm dao, chém đập nhau, đổ máu, lính bắt hết mà đem về bót. Giành một người hành khách có lợi được bao nhiêu, mà đến nỗi phải lác đầu gãy tay, phải bị bắt ở tù như vậy!
Thầy băng qua mé nhà chợ, thầy gặp một tốp con nít đứa quần áo lang thang, đứa ở trần trụi, mỗi đứa có một cái thúng, thấy ai mua đồ thì chạy theo xin đội giùm về nhà. Lại cũng có nhiều con nít khác nữa, đứa ôm nhựt trình, đứa ôm sách, đón mời khách mua giùm. Con nít đến tuổi này thì phải ở tại nhà trường, vì cái nghèo mà phải chịu cực khổ từ lúc thơ ngây, ăn không no, ngủ không khỏe, đau không ai săn sóc, làm không ai dạy khôn, rõ ràng sanh làm người ta chẳng phải là hạnh phước, rõ ràng chốn dương trần chẳng phải là nơi khoái lạc.
Thầy đương ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng nghe trong nhà chợ có tiếng la, rồi thấy người ta lộn xộn một người đờn ông chạy trước, mấy người chen lấn nhau mà rượt theo sau. Có một người đờn bà nói om sòm: "Tôi mua đồ móc bóp ra lấy tiền mà trả, ở đâu không biết nó xớt giựt cái bóp mà chạy tuốt". Thầy Phát nghe rõ thì thầy lắc đầu rồi bỏ mà đi.
Thầy lần qua mé chợ bên kia, thấy có mấy người ngồi theo lề đường mà xủ quẻ, hoặc coi tướng, hoặc coi tay, chỗ nào cũng có hoặc đờn bà, hoặc đờn ông đặt tiền mà xin biết coi mạng số chừng nào làm ăn khá. Mấy ông thầy trả lời lanh lợi lắm, nói chuyện dĩ vãng, đoán chuyện tương lai của người ta, chẳng khác nào bực thần thánh tiên tri. Đời thiệt thiên hạ họ xảo lạ lùng, mà cũng tại có người tin tưởng yêu cầu, nên họ mới dùng cái xảo mà làm kế sanh nhai được.
Đến trưa thầy Phát về ăn cơm, thầy mới thuật những việc thầy thấy lại cho anh chị nghe. Vợ của Hà Tấn Tài mới cười mà nói rằng: "Ở đời hễ nghèo thì phải chịu cực khổ, phải sanh gian xảo chớ sao. Mà em đi chơi em lại coi chi những việc kỳ cục như vậy mà buồn. Em phải đi coi hát bóng, hát cải lương, phải đi coi đá banh, đánh tennis mới vui chớ".
Tối lại Thầy Phát qua đường Thuận Kiều kiếm nhà mà thăm thầy Ký. Khi bước vô hàng ba, thầy thấy có hai người đờn ông nằm dưới gạch lồm cồm đứng dậy mà xá thầy. Thầy đứng lại mà ngó, thì thấy chỗ hai người nằm chỉ ken những tờ giấy nhựt trình mà trải, chớ không có mền chiếu gì hết.
Thầy Ký ra rước thầy Phát vô nhà mời ngồi. Thầy Phát hỏi hai người nào nằm ngoài hàng ba. Thầy Ký châu mày mà đáp rằng: "Hai người đó hồi trước làm cu ly trong mấy hãng, bị thất nghiệp nên không có chỗ mà ở. Tôi tội nghiệp quá, hồi trước căn phố này bỏ trống không ai mướn, hai người ban ngày đi kiếm ăn, tối về đây mà ngủ. Khi tôi mướn mà dọn về đây, tôi nghe hai người than thở với nhau mà bàn kiếm chỗ khác mà ngủ. Tôi thấy vậy động lòng, nên tôi biểu tối cứ về đó mà nghỉ chẳng cần phải đi đâu. Hai người cám ơn tôi quá; họ ngủ đó chẳng hề làm điều chi nhọc lòng tôi, khuya chừng lối năm giờ họ thức dậy quét đàng trước sạch bót rồi mới đi".
Thầy Phát nghe việc thê thảm như vậy thì thầy thở ra mà nói rằng:
- Ban ngày họ đi làm việc gì?
- Có việc gì đâu mà làm. Bị khuẩn bách không ai mướn làm việc gì chi nữa hết. Họ đi bậy ngoài chợ ai mướn làm giống gì cũng được, ai cho bao nhiêu tiền cũng lấy.
- Nếu bữa nào không ai mướn làm việc chi hết, rồi tiền đâu mà ăn cơm?
- Ăn cơm thì tốn hao bao nhiêu. Hai đồng xu thì kiếm một bữa cơm được rồi.
- Ăn cơm đâu mà rẻ vậy?
- Toa không biết hay sao? Xẩm nó đi kiếm mấy tiệm cao lầu nó mua cơm với đồ ăn dư. Nó đem về mấy quán cóc, hoặc đem ra mé chợ hay là góc đường, nó bán lại từ xu nhỏ cho nhà nghèo ăn. Tôi hấy họ mua một đồng xu cơm với một đồng xu đồ ăn thì ăn no nóc.
- Cha chả! Khổ đến thế hay sao? Hèn chi hồi sớm mơi ở trong tiệm cà phê họ giành với nhau mà ăn cái tô hủ tíu dư của toa đó!
- Ừ, bây giờ khổ lắm mà. Thậm chí đờn bà con gái cũng không có chỗ ở, phải ngủ ngoài trời theo mấy cái băng đá mới thiệt tội nghiệp chớ.
- Tôi thấy cái cảnh khổ này rồi tôi nhớ cái cách họ đánh bạc chơi bời ở dưới Tiểu Cần, thiệt tôi buồn quá.
- Ở đời hễ giàu thì sung sướng, nghèo thì cực khổ, có cái gì đâu mà buồn. Thôi, hai anh em mình đi coi hát chơi; nghe nói tối nay ở rạp hát Thanh Bạch có ban hát bộ nào đó hát hay lắm.
- Tôi ít ưa coi hát, coi khuya buồn ngủ lắm.
- Thây kệ, đi bậy chơi mà. Như hát hay mình ở chơi khuya, còn như hát dở thì mình chơi một chúc rồi về ngủ, có hại gì.
Hai thầy dắt nhau xuống rạp hát Thanh Bạch, thấy ngoài cửa dán giấy đề "Hát hay lắm" chữ lớn đại, nghe trong rạp kèn trống vang vầy. Thầy Ký mua hai cái giấy hạng nhứt rồi dắt nhau vô cửa. Bầu gánh cổ động thì khoe hát hay lắm, mà kép hát ra sân khấu thì hát không ra tiếng. Hai thầy ngồi coi tới chín giờ rưỡi, không thấy lớp nào hay, nên thối chí rủ nhau ra về. Ra tới ửa, bỗng gặp một đứa con gái chừng mười một, mười hai tuổi đón xin giấy. Thầy Ký trao cái giấy của thầy cho nó mà nó còn chạy theo thầy Phát mà xin nữa. Thầy Phát cũng cho luôn cái giấy rồi cười mà nói: "Con nhỏ kỳ quá! Muốn coi hát thì xin một cái giấy cũng vô cửa được, lại nài xin làm chi tới hai cái không biết".
- Toa quê mùa quá! Toa tưởng nó xin giấy đó đặng coi hát hay sao?
- Nếu không coi hát thì xin giấy làm chi?
- Nó xin đặng nó bán lại, mỗi cái năm ba xu đem tiền về cho cha mẹ mua cơm ăn chớ.
- Trời ôi! Có cái nghề như vậy nữa sao?
- Ở đất Sài Gòn này nghề này cũng có hết thảy. Con nhỏ hồi nảy đó nó xin giấy hát mà bán, mỗi đêm kiếm cũng một hai cắt bạc.
- Thiệt tôi không dè chút nào hết.
- Ở Sài Gòn có đủ nghề mà. Bữa nào Toa đi coi hát bóng, toa sẽ thấy trước rạp hát có một bầy con nít chực sẵn mà giữ xe hơi của họ vô coi hát.
- Xe hơi thì có sốp phơ còn giữ cái gì.
- Có nhiều chủ xe họ cầm bánh, chớ không mướn sốp phơ. Họ vô coi hát họ giao cho một đứa trẻ giữ, chừng vãn hát họ cho một cắc. Cái cách giữ xe mướn đó, ngoài chợ Bến Thành cũng có, song ngoài chợ họ mướn giữ xe máy cho họ đi chợ, mỗi cái hai xu. Còn trong trường đua ngựa họ giữ một cái xe máy ăn tới năm xu.
- Sao toa biết nhiều chuyện quá vậy?
- Ở Sài Gòn thì phải quan sát chớ. Toa lúc này rảnh rang, toa nên đi vô mấy xóm nhà lá, đi vô mấy dãy phố trong đường hẻm, đi đến mất chỗ cu ly ở đặng coi cho biết cảnh hèn hạ cực khổ của con nhà nghèo. Mà coi cái khổ cũng chưa đủ, toa còn phải đi đến mấy chỗ thiên hạ ăn chơi, đi coi mấy chỗ thiên hạ đánh bạc, toa phải kiếm mà thấy oách gian lận, kiếm mà thấy cách thiên hạ lường gạt nhau, chừng toa quan sát cho đủ hết rồi, toa mới biết loại người bây giờ trí não tánh tình đều giống nhau, mỗi người là một "tay điếm trong chợ xã hội, ai cũng chăm lo kiếm cho được cái đồng tiền, người nào kiếm được nhiều thì đứng về bực giỏi, bực cao, người nào kiếm được ít thì đứng về bực dở, bực thấp, cái nghĩa của sự sống trong đời là "làm cho có tiền" mà thôi.
Thầy giáo Phát nghe lời bạn nói thì thầy mỉm cười. Thầy cho lời khuyên quan sát nhơn vật là phải còn lời luận xã hội kim tiền thì thầy còn nghi là lời quá đáng.
Tuy vậy mà thầy về nhà suy nghĩ hoài; thầy cứ hỏi trong trí vậy cái nghĩa của sự sống là lo mưu tính kế làm cho có tiền nhiều mà thôi hay sao? Còn nhơn nghĩa, còn đạo đức ở đâu?
Anh Hà Tấn Tài hôm nọ khuyên phải đi chơi, mà bạn là Cao Phương Ký bữa nay khuyên cũng phải đi chơi. Thầy Hà Tấn Phát chẳng còn ái ngại dụ dự nữa. Mỗi ngày lúc trời mát thì thầy thả đi chơi, bữa đi đường này, bữa đi đường khác. Thầy không thuộc Sài Gòn cho lắm, phần thì đi chơi một mình gặp cảnh vui hay cảnh buồn, không có ai nghị luận, nên mất thú vị hết nhiều. Thầy nhơn mấy bữa chúa nhựt thầy mới rủ bạn là Cao Lương Ký đi với thầy, đi tối ngày, đi cùng hết.
Nhờ đi chơi như vậy thầy giáo Phát mới thấy trong mấy xóm nhà lá, kẻ nghèo ăn ở dơ dáy không có vệ sinh chút nào, mới được thấy trong mấy hóc hẻm loi nhoi đủ các hạng người, kẻ dữ gần với người hiền, kẻ ngay chung với người gian vậy, già tóc bạc mà ở ăn không nên nết, trẻ ngây thơ mà cười nói đã lả lơi, vì chữ nghèo mà mạng phải rẻ, phẩm phải hèn, vì chữ nghèo mà hết nghĩa nhơn, quên đạo đức.
Thầy giáo Phát xem đủ cách buồn rồi, thầy mới khuyên thầy Ký đi tìm cái vui.
May lúc ở Sài Gòn có tổ chức cuộc chợ đêm đặng lấy tiền cứu giúp cho kẻ bị tai nạn. Hai anh em mua giấy vô cửa, mỗi người hết năm cắc mà đi coi chợ đêm. Hội chợ thì chẳng thấy cuộc chi vui, nhưng mà thiên hạ đông dày, đờn ông con trai, đờn bà con gái đều mặc y phục xinh đẹp, diện theo cách kim thời mua những gói sắc màu sắc nhỏ để vải lộn với nhau. Chừng ra về thầy Ký hỏi thầy Phát vậy chớ thầy nghĩ cách chơi vải giấy màu đó hay, hay là dở? Thầy Phát cười mà đáp rằng: "Chẳng nói chi đến cái phương diện phong hóa, theo ý tôi, mấy người mua giấy màu mà vải lộn với nhau đó hay hơn là để số tiền tốn hao như vậy mà cho những kẻ nghèo ở trong mấy xóm nhà lá, thì có ơn nhiều. Số tiền của một người vải đó đủ nuôi được nhà nghèo đôi ba bữa".
Cách vài ngày sau hai anh em dắt nhau vô một nhà hàng bán rượu mà coi "An nam nhảy đầm". Thầy giáo Phát thấy con trai con gái đeo nhau mà nhảy trước mặt công chúng thì trái với con mắt quê mùa của thầy quá, nên hối thầy Ký uống rượu riết cho hết mà ra.
Chừng ra ngoài đường, thầy Phát mới nói rằng: "vui chơi có nhiều cách, có cách thanh cao, có vui thô tục. Năm ngoái ở tiểu Cần tôi trách anh em dắt ca nhi đi du hồ; nay tại kinh thành tôi được thấy tân thời trí thức tổ chức cuộc nhảy đầm, té ra lời trách của tôi năm ngoái thiệt oan cho anh em Tiểu Cần quá!"
Qua tuần sau người ta tổ chức hai cuộc thể thao rất to tát, để tranh giải thưởng. Có giấy lớp dán cùng vách, lớp rải cùng đường, lại nhiều tờ nhựt báo cũng cổ động trét bốn năm bữa, mà nói rằng chiều thứ bảy có một cuộc đánh tennis, rồi chiều chúa nhật lại có một cuộc đánh banh tròn, trong hai cuộc đều tuyển chiến tướng đại tài ở Nam Kỳ để tranh đấu với chiến tướng Cao Mang.
Thầy Phát rủ thầy Ký mua vé vô coi luôn hai bữa, coi đánh tennis mỗi người mất một đồng, còn coi đá banh mỗi người mất hết năm cắc. Tuy đánh tennis thâu tiền vô cửa mắc, mà thiên hạ cũng đi coi đầy sân, tiếc vì hai người đấu với nhau mới có hai sết, mỗi người ăn một sết, rồi một người chịu thua, thành ra không có tranh kịch liệt, nên không thú vị. Còn bữa đá banh thì thiên hạ lớp ngồi lớp đứng giàn nào cũng đầu nhóc. Chiến tướng ráp đá, ban đầu hai bên hăng hái, nhưng mà cách chơi còn hòa nhã. Cách mười phút đồng hồ, chiến tướng Nam Vang ăn được một bàn. Chiến tướng Nam Kỳ quyết gỡ, nên nổ lực công kích dữ dội. Bên Nam Vang ráng thủ thắng, thành ra xung đột. Chiến tướng trong sân thì nóng nảy, công chúng trên giàn thì lại đốc sức la lối om sòm. Chiến tướng đá banh mà coi thế không cần trái banh nữa người này lừa đá ống quyển người kia, người kia kiếm thế đá trong ngực người nọ. Vì sức lực yếu, lại luyện tập ít, nên đá mới nửa cuộc rồi bên nào cũng bết hết, người thì đưa chơn đá gió, kẻ thì không chịu theo banh, làm cho khán giả la rùm, biểu trả tiền lại.
Theo cách cổ động thì công chúng ai cũng tưởng tennis bữa trước và cuộc đá banh bữa sau chắc là hay lắm, nào dè bữa trước lở dỡ, bữa sau chèm nhẹp; về dọc đường khán giả bàn với nhau, người thì nói đi coi uổng tiền, kẻ thì than nền thể thao suy sụp.
Vì thầy Ký hỏi ý kiến nên thầy Phát nói rằng: "Thể dục là một môn học có ích cho phần xác, cũng như ăn học có ích cho phần trí. Chủ nghĩa của người bày môn thể dục là muốn làm cho bực thanh niên trong nước thân thể được tráng kiện, nghĩ thì thân được mạnh thì trí mới dạn, mà thân mạnh trí dạn, thì ở đời mới có thế tấn thủ được. Cái hủ nghĩa của thể dục thì cao thượng như vậy đó. Theo ý tôi thì người làm đầu về thể dục trong xứ mình phải cần lo phương kiếm chước làm thế nào cho dân chúng từ thị thành cho tới thôn quê mọi người đều biết ái mộ thể thao, mọi người đều luyện tập thể hao. Phải giục lòng người, phải khuyến khích người, phải dạy dỗ người, nếu người không có đủ đồ tập thì phải giúp cho người. Nói tóm một điều là phải gây cho cái phong trào thể thao, đặng đờn bà cũng như đờn ông, ở đồng cũng như ở chợ, con nít cũng như người lớn, ai cũng đều tập luyện gân cốt hết thảy. Mà theo con mắt tôi xem, thì thể dục bấy lâu nay không có chương trình, không có phương pháp gì hết. Cái điều lệ nhứt là người lãnh trách nhiệm tổ chức thể dục lại đem cái môn quý báu ấy làm như một cuộc buôn bán, lo cổ động rao hàng bày định giá trồi sụt, chớ không lo phổ hóa hoặc cải lương gì hết. Cái phương châm kiếm tiền, thấy thiệt buồn quá".
Thầy Ký rùn vai đáp rằng: "Moa đã nói với toa, cái nghĩa của sự sống đời này là làm cho có tiền, có gì đâu mà buồn".

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 246

Return to top