4. Bà bảo mẫu có tên Francoise dẫn đàn cháu đi chơi trong vườn Luxembourg. Gương mặt đôn hậu, nhất là giọng nói ấm áp dịu dàng của bà khiến đàn cháu cứ quấn quýt chung quanh.
Theo sau bà một quãng, nghe bà dẫn ngụ ngôn La Fontaine lại kể sang chuyện cổ Grim cho các cháu, tôi rất muốn chào làm quen.
Đến chiếc ghế, bà thả đàn trẻ tỏa ra chạy nhảy nô đùa, cùng tôi ngồi trò chuyện. Tôi đoán:
- Thưa, bà từng dạy học?
- Không, tôi học ít thôi.
- Nhưng nay bà vẫn công tác ở trường?
- Nghỉ lâu rồi. Chỉ nhận hợp đồng dẫn các cháu đi làm quen với môi trường.
- Vậy mà bà đọc nhiều, nhớ thực nhiều truyện!
- Vâng... thì cũng phải biết chơi với các cháu. Phần lớn truyện, từ thời bé, mẹ tôi đọc truyền lại cho...
Chợt bà nhìn kỹ vào tôi:
- Bộ ông có vẻ cũng thích trẻ con? Ông là nhà văn?
- Thưa bà, cứ xem như tôi là người đi viết, yêu văn học Pháp từ thuở còn ở nhà trường.
- Thế ông có biết tượng Anatole France ở quãng nào trong vườn?
- Thưa bà, chưa...
- Tôi muốn đưa các cháu đến nhìn tượng nhà văn đó.
Tôi đứng dậy theo bà dẫn đàn trẻ đi tìm. Góc phải không, phía trái cũng không. Chỉ thấy toàn tượng những danh nhân khác. Gặp ông bảo vệ vườn hoa đi ngang qua, tôi hỏi:
- Xin ông vui lòng chỉ cho tượng Anatole France ở chỗ nào?
- Kia kìa, không xa đâu, phía bên phải.
Tôi cùng bà Françoise hớn hở bước tới. Hóa ra, đó lại là bức tượng Mandest France, vị cựu thủ tướng Pháp.
Chúng tôi trở lại câu chuyện.
- Vậy... ông có nhớ bài "tựu trường" (la rentrée des classes) của Anatole France?
- Vâng, có... đó là một áng văn hay thời bé tôi đã thuộc lòng.
Tôi đọc câu mở đầu. Bà nghe có vẻ thích. Đến đoạn văn hay, tự nhiên, bà lấy giọng đọc theo: Điều tôi trông thấy khi qua vườn... Rồi bà đứng lên làm điệu bộ nhảy lò cò vừa đọc theo tôi... Cứ tung tăng như con chim sẻ... Từ đâu, đàn trẻ chạy tới quanh bà, đứa cầm tay, đứa giục:
- Bà ơi, bà hát nữa đi!... Bà làm chim sẻ nữa đi!
***
5. Trước tuần gặp gỡ mấy bạn chuyên nghiệp nổi tiếng, tôi nảy ý định thăm dò sơ bộ thị hiếu của vài cây bút trẻ, nghiệp dư. Trong phòng đọc thư viện, dọc ghế đá công viên, trước quán sách và ở vài câu lạc bộ, nhiều người đã trả lời câu hỏi của tôi. Ba người tôi gặp hôm nay, có ba chính kiến đáng kể.
Lauren A., trước kia là thành viên một Câu lạc bộ bạn thơ. Anh thở dài cho biết đã bỏ sinh hoạt thơ. Với anh, không còn thích những buổi nghe thơ chen ca nhạc. Càng chán những người đi rao thơ, giảng thơ. Anh nói:
- Năm ngoái, tôi có dự Chợ thơ (marché de la poésie). Nhưng sách thơ bày đầy bám bụi, cả tủ thơ chọn lọc từ cổ điển sang lãng mạn đầy nhà, chẳng ai sờ đến nữa là thơ rao chợ!
Người thứ hai, chị Danielle là giáo viên văn có sáng tác truyện ngắn. Chị không phủ nhận tác phẩm thơ đương đại. Điều băn khoăn của chị là hiện nay thiếu nhà phê bình tầm cỡ để giúp bạn đọc lựa chọn, giúp nhà văn viết cho hay. Chị thành thực kể kinh nghiệm của bản thân mình:
- Năm kia, tôi bắt đầu viết một truyện lịch sử. Khi đưa cho một nhà phê bình có uy tín đọc, ông ta bảo: - "Giá chị chịu khó đọc hết, hoặc đọc lại Bách khoa thư thì đã tránh được hàng chục lỗi dẫn sai tư liệu". Năm ngoái, tôi nhờ ông ấy góp ý cho mấy bài thơ. Chỉ mấy ngày sau, nhận được ý ông trả lời - "Tiếc rằng, tôi không phải là nhà sáng tác để cảm thụ được nét thơ rất hiếm của chị"... Rút kinh nghiệm, đầu năm sau, sau thời gian đọc thêm, suy ngẫm nhiều, tôi chỉ viết một truyện ngắn để nhờ ông cho nhận xét. Anh có biết không, lần này thì nhà phê bình tôi mến mộ lại bảo: "Chị đọc quá nhiều, cho nên ảnh hưởng khá rõ Maupassant. Giá đọc xong, quên tịt đi, chắc chị viết hay hơn rồi!".
Đến người thứ ba, anh Emmanuel, một kỹ sư trẻ đã bỏ tiền ra in ba tập sách thì khác. Anh bảo anh không cần đọc ai và cũng chẳng cần tranh luận vô bổ! Sáng tác, theo ý anh là mình cứ viết theo nhận thức mình, "cần quái gì lý luận!". Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và hình như anh cũng ngỡ mình đã quá lời, nên chững lại. Lát sau, chính anh lại hóm hỉnh:
- Nói cho công bằng, tôi thừa nhận thực tế cũng có vài ba cậu cùng tuổi với tôi, yêu văn học, nhờ lý luận mà "nổi danh"! Một cậu mắc bệnh mộng du chỉ vì sách gối đầu giường là cuốn Hiện thực không bờ bến. Còn một cậu thất nghiệp trở nên trọc phú nhờ đọc Từ số không đến bất tận. Chắc anh thừa biết hai kiệt tác đó của ai rồi...
***
6. Jeannette, sinh viên năm thứ ba trường đại học Sorbonne mà thầy giáo giới thiệu tôi tới làm quen, quả là cây bút nữ trẻ, có tài.
Cuối hè, Jeannette về quê nghỉ, vừa trở lại Paris chuẩn bị vào kỳ thi.
Hôm đầu tới thăm nhà, thấy giá sách trong phòng cô khá nhiều tác phẩm của Molière, Bernard Shaw và Azit Nexin, tôi hỏi có phải cô theo khuynh hướng hài, Jeannette cười đáp:
- Vâng, em rất thích cái dí dỏm của các tác gia bậc thầy...
Cô mời tôi xuống quán cà phê ngay tầng dưới, nơi thường là điểm hẹn bạn bè sinh viên cùng lớp.
- Tôi được ông bạn đồng nghiệp cho biết, cô có mấy bản thảo viết khá hay...
- Có gì đâu! - Jeannette khiêm tốn - thầy giáo em động viên em đấy thôi. Bọn bạn em cũng giục gửi cho tạp chí nào đó... Nhưng em thì chỉ tập tõng luyện bút, đâu dám nghĩ mình là nhà văn như mấy bà bên quán kia kìa - cô chỉ tay sang một cửa hiệu có tấm biển "Bà thông thái" (Femme savante) ở bên kia phố.
Hôm ấy, tôi mượn Jeannette mấy bản thảo đem về. Đọc xong, tôi càng lạ cho sự khiêm tốn của cây bút trẻ đầy khả năng hài hước. Ở truyện thứ nhất, cô tả một bà giáo hợm mình, trong giờ dạy ngữ pháp dám dẫn ví dụ "tôi xinh đẹp" (Je suis belle) để hỏi học sinh động từ chia thuộc thời nào? (quel temps). Một em nhanh nhẩu đứng lên đáp dứt khoát: - Thưa cô, thời quá khứ ạ! (temps passé composé). Truyện thứ hai, cô kể về một phu quân sống ly thân, vuốt ve một "chú thỏ cái"... Truyện thứ ba, tả một bà nhà buôn nhẹ dạ, hám của, mất cả chì lẫn chài... Đại loại chi tiết hóm như vậy khá nhiều.
Hôm nay ghé nhà trả lại cô ba bản thảo, tôi hỏi:
- Truyện độc đáo, hóm hỉnh thế này, sao cô không gửi đi dự thi?
Jeannette lại mời tôi xuống quán để nhâm nhi trà đen, nhìn ra trò chuyện.
- Em đã nói là luyện bút cho vui, chứ không ôm mộng trở thành nhà văn...
Rồi cô chỉ sang cái quán "Bà thông thái" bên kia đường, cho tôi biết rằng ngồi đây nhìn sang, cô đã ấp ủ được nhiều chi tiết hay hơn, về chuyện các cô cậu, ông bà đua đòi tiêu xài. Cô kết luận:
- Giá Molière còn thời nay, tha hồ ông ấy múa bút.
Bỗng nhiên, Jeannette đặt chén xuống, mỉm cười hỏi tôi:
- Hay là... nếu bác thích, em dẫn bác sang nếm thử cà phê quán kia?
Linh tính bảo cho tôi biết, trước gương mặt trẻ hóm hỉnh này, tôi phải tìm câu trả lời sao cho khéo:
- Cám ơn! Cô vào quán "Bà thông thái" thì không sao, mà lại rất xứng đáng. Tôi vào đó, chỉ sợ bà chủ lại coi mình là "Ông ngốc nghếch"! (Homme stupide).