Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Phó nháy hàng tỉnh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 500 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phó nháy hàng tỉnh
Ngô Phan Lưu

TP - Hồi ở quê, tôi có một chiếc xe đạp Pacific trành và một cái máy ảnh Minolta trành. (Trành- tiếng vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt dùng nhiều ở Phú Yên, có nghĩa là quá cũ, hết xái, rán xài mót, chứ thực ra nên liệng vào nghĩa địa).


Nhưng hai món này lại là hai vật quí của tôi lúc bấy giờ. Lúa thóc cũng từ đấy mà có, tiền bạc cũng từ đấy mà ra. Bầy con có giắt lưng ít chữ cũng từ đấy mà được. Đó là một giai đoạn khốn khó, không có thời giờ để mà chán đời, cũng không có thời giờ để mà yêu đời.

Trước hết, nói về chiếc Pacific. Xe tôi thời ấy chỉ có các bộ phận nòng cốt, tức những bộ phận nếu không có thì không chạy được, ngoài ra chẳng râu ria gì nữa.

Đến cái thắng (còn gọi là cái phanh, cái hãm) vẫn thuộc dạng râu ria đua đòi, không cần thiết. Xe đang chạy ngon trớn, muốn thắng lại ư? Chỉ cần thò bàn chân vào bánh trước, cho dép kẹt vào hai cái đũa "phuộc". Rất gọn nhẹ, chỉ có điều dép bị mòn và dính đất cát tùm lum.

Xe tôi vẫn chạy bằng hai chiếc lốp mòn, mòn đến lủng lỗ. Những chỗ lủng ấy, ruột phình ra ngoài, tôi ràng dây cao su to bản nén lại. Và cũng chính nhờ ràng dây cao su mà mùa mưa không bị trợt bánh.

Con cóc trong ru-líp lại bị liệt, đạp ba tua tới, phải đạp trả một tua ngược cho trồi cóc lên. Dây sên quá cũ, răng ru-líp cũng mòn nhẵn, nên cứ trợt gai. Đạp tía lia tới, đạp tía lia lui, xe vẫn cứ tía lia thong thả, không nhanh hơn không chậm hơn...

Đến đây, chắc có bạn thắc mắc: "Xe đại thổ tả như vậy, đi bộ không sướng hơn à?". Đúng thế, nhưng xin thưa, không đi bộ được, bởi lẽ tôi phải chở hai bình ắc-qui 12 vôn khá nặng. Chở ắc-qui để có điện mà chụp hình. Tôi đi chụp ảnh dạo mà.

Xe đạp của tôi, hai ốc chuồn bị trợt gai, chạy một chặp, bánh xe cứ vẫy qua vẫy lại, nên luôn phải xuống xe, vặn lại ốc chuồn. Cỡi một chặp lại trật sên, lại phải xuống bắt sên lại. Cứ lên xe xuống xe lia chia để sửa, hai bàn tay dính lin-nhớt đen sì, nên lúc nào cũng phải thủ cục xà phòng trong túi quần. Tại sao phải lo rửa tay cho sạch? Xin thưa, như đã nói, tôi đi chụp ảnh mà.

Cỡi chiếc xe đạp này, tôi không còn thì giờ để chán đời. Không có thời giờ để tuyệt vọng. Không có thời giờ để phấn khởi. Tất cả dành cho lo toan và giải quyết sự cố. Giờ nghĩ lại mới biết là điều hay.

Giờ, nói tới chiếc máy ảnh Minolta. Dùng nó tôi cũng không còn thời giờ để chán đời. Vòng nấc điều chỉnh khẩu độ, tốc độ đều bị trợt gai, nên phải lấy băng keo dán chặt không cho xục xịch. Muốn điều chỉnh khẩu độ, tốc độ, phải gỡ băng keo ra, chỉnh xong, dán lại. Máy ảnh mà băng bó như thế, trông lại rất chiến tranh, rất lăn lộn thâm niên, ai nhìn thấy cũng phải nể.

Đèn flash lại to hơn máy ảnh, đèn muốn chớp sáng phải sạc điện trực tiếp từ một bình ắc-qui 12 vôn. Bấm máy kêu cái "rầm" như búa đập, đèn nhá sáng, hết ráo điện, lại phải cắm kẹp vào bình ắc-qui sạc vào. Tôi là thợ ảnh mà mình mẩy đầy những dây nhợ lòng thòng, bình giỏ lổn nhổn, trông cứ như anh đi soi ếch. Không, không phải anh soi ếch, mà là phi hành gia John Glenn đổ bộ mặt trăng đời đầu.

Phim âm bản đựng trong hộp thiếc chưa sạc-rê vào trục. Mua một hộp phim 10 cuộn, loại phim Foto của Liên Xô, về nhà phải trùm kín mền, xé lẻ từng cuộn rời để sạc-rê vào trục nhựa. Khốn nỗi, nhiều lúc ở trong mền bị ngạt quá, gài đầu phim vào rãnh trục không được chắc chắn, nên khi lên phim bị tuột, chụp mãi chẳng có pô nào.

Lại có lúc phim bị tuột ở đằng đuôi, không thể cuộn lại được, đành phải mượn mền chủ nhà trùm kín để tháo ra thay cuộn mới.  Cái nắp đậy họng thấu kính máy ảnh là cái nắp đậy hũ chao ăn chay. Cái nắp này màu đen, đậy vừa vặn, thật đẹp, đố ai biết đó là nắp hũ chao.

Chụp đám cưới ở quê lúc ấy, phải có nắp đậy bảo vệ họng kính, nếu không, trẻ nhỏ xúm xít thọc móng tay dài thượt sẽ trầy xước thấu kính. Nhưng cũng chính cái nắp hũ chao này đã bao phen hại tôi.

Số là, lần chụp đám cưới nọ, tôi cứ chụp xong vài kiểu lại nghỉ, khi nghỉ lại đậy nắp họng kính để bảo vệ thấu kính. Khi chụp nữa, lại quên mở nắp, nên chẳng có hình. Chắc có bạn không thạo máy ảnh, sẽ hỏi: "Không mở nắp, thấy gì mà chụp?".

Xin thưa, thấy cả đấy, vì đây là loại máy ảnh gián tiếp. Đối tượng chụp được nhìn thấy qua hệ thống lăng kính phía bên trên, không dính dáng gì với ống thấu kính ghi hình. Đậy nắp họng kính kín bum, đèn vẫn nhá sáng, vẫn thấy người ta cười duyên dáng trong máy, chỉ có điều… không có hình!

Tôi mắc tật đãng trí, làm vài cốc rượu vào, tật lại gấp đôi. Phát hiện nắp máy vẫn đậy, tôi vừa hoảng hốt vừa mừng rơn. Hoảng vì chụp quá nhiều, hao phim mà không có hình, mừng vì hai họ dự cưới còn đông đủ, chưa đi về. Tôi phải chụp lại, buộc họ lặp lại thủ tục, nào trao nhẫn, nào thắp hương vái lạy ông bà… Họ càm ràm lắm.

Tôi đổ thừa máy móc hiện đại thường nhiều sự cố. Họ hiểu ra, rồi cũng vui lòng, không có gì phiền hà cả. Ông bà mình ngày trước không có máy hình, nay muốn có hình ắt phải chiều theo máy chứ, khoa học kỹ thuật hiện đại đâu phải cũng dễ ăn.

Lần khác, tôi nhận chụp một đám cưới có thể gọi là "xịn". Hai gia đình đều khá cả, bò trâu có đến mấy chục con. Họ bảo cứ chụp thoải mái bằng hình màu (lúc ấy đã lác đác làm được hình màu). Tôi mừng rơn, nhẩm tính nếu nuốt trôi hai cuộn phim là lời một chỉ vàng.

Bèn hạn chế uống rượu, tuyệt đối không cho xảy ra tình trạng đậy nắp ống kính mà vẫn chụp. Sáng tạo sắp xếp đủ tư thế, đủ cảnh trí để nuốt cho trôi hai cuộn phim. Chụp xong, phóc xe đò vào Nha Trang rửa ảnh, vì  Phú Yên chưa có Lab rửa ảnh màu.

Cả mấy tỉnh vùng Nam Trung Bộ đều dồn vào Nha Trang để rọi rửa. Tôi phải ăn dầm nằm dề, chầu chực chờ lấy ảnh, hao cả tuần lễ. Kết quả, hình rất đẹp, không hư tấm nào, màu sắc tuyệt vời. Tôi mua album cho ảnh vào và tức tốc đón xe về nhà giao hình.

Nhà trai cầm album rồi để xuống, chẳng buồn mở ra xem, đùn tôi sang nhà gái mà giao hình. Khi sang nhà gái, nhà gái lại cầm album cũng để xuống, đùn tôi sang nhà trai mà giao hình. Lúc ấy, tôi mới vỡ ra, bọn trẻ đã ly dị rồi.

Tôi hung dữ, buộc họ phải nhận hình. Họ bảo: "Chúng tôi nhận hình đám cưới… để sắc thuốc uống à?". Thôi, cũng đành thua buồn. Tôi mà như họ, cũng không nhận. Đợt đó, tổ trác, lỗ to…

Hai năm sau, cái thằng chó chết ấy lại kêu tôi chụp hình đám cưới nữa, nó có vợ mới. Nghe nói thế, tôi cười sang sảng: "Chú mày cứ tổ chức đám cưới hoành tráng đi. Hình tao đã chụp năm kia rồi". Nó bảo: "Đây là đám mới, con vợ này khác con vợ trước, làm sao dùng hình cũ?".

Tôi tiếp tục cười dữ dội: "Nếu thế, chú mày vẫn làm đám cưới đi. Ba năm sau không ly dị, tao sẽ chụp cũng không muộn". Tôi đâu có dại để bị tổ trác lần nữa, phải không các bạn?

Giờ, tôi nghỉ chụp hình đã lâu nhưng kỷ niệm một thời phó nháy vẫn không phai…



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 328

Return to top