Từ ngày sống ở khu tập thể cơ quan mình, hầu như chủ nhật nào Nam cũng đón bé Hương Ly về chơi với anh. Đề nghị của anh, tôi đã đông ý. Và việc đó diễn ra trong thời kỳ đầu thật trôi chảy và tốt đẹp, kể cả khi mẹ con tôi đã sống chung với Lâm.
Nhưng dần dần thái độ giận dữ, bực bội của Lâm đã làm cho tôi suy nghĩ. Lâm không muốn tôi gặp lại Nam nữa và điều tồi tệ hơn là Lâm cho rằng sự có mặt của bé Hương Ly trong gia đình đã làm cho tôi luôn nghĩ và nhớ đến Nam. Sự ghen tuông ngày càng lớn trong con người Lâm. Anh không còn là anh nữa, không chỉ là mạnh mẽ, quyết đoán, đam mê, yêu hết lòng như tôi từng nghĩ, mà còn tỏ ra là người chồng thô bạo, cứng nhắc. Lâm cấm tôi tiếp xúc với Nam. Lâm không muốn cho bé Hương Ly ở trong cùng một ngôi nhà với tôi nữa. Tôi đau đớn. Phải xa con là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi tìm mọi cách thuyết phục Lâm, nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích. Bé Hương Ly mới hơn sáu tuổi mà đã nhận thấy sự đổ vỡ củ mẹ và bố dượng sẽ xảy được hoàn cảnh khó xử của tôi cộng với sự bất ổn trong cuộc sống của con gái, Nam đã đặt vấn đề với tôi để đưa bé Hương Ly về sống với anh. Thương con phải chịu đựng thái độ thất thường của bố dượng, tôi đành cắn răng đồng ý.
Tôi đồng ý để bé Hương Ly về sống với Nam cũng bởi vì thấy mình đã quá mệt mỏi với cái thai đang mang đã gần năm tháng cộng với những lời chửi bới của Lâm. Nhiều lúc, Lâm giận dữ vô cớ. Tiễn bé Hương Ly đi rồi, dẫu lòng đau đớn, tôi cũng cố gắng sắp xếp gia đình để sao cho cuộc sống vợ chồng "cơm lành, canh ngọt". Thấy cái thai trong bụng tôi ngày một lớn. Lâm rất phấn khởi. Nghĩ rằng khi có con, tôi sẽ chỉ là của Lâm, Lâm vui vẻ hơn. Lâm tỏ ra chăm sóc tôi và những lời lẽ "nhẹ nhàng bay bỗng" trước đây bây giờ lại quay trở lại. Tôi biết rằng Lâm thật sự yêu tôi nhưng tình yêu của anh vô cùng ích kỷ. Anh không thể hiểu được nỗi nhớ con gái quay cuồng trong tôi, dày vò tôi. Anh đã lấy mất của tôi niềm hạnh phúc của tình mẫu tử mà anh nào có hay. Con gái bé bỏng của tôi sẽ sống ra sao khi có mẹ kể? - Tôi băn khoăn tự hỏi.
Những lần nhớ con, tôi không dám khóc trước mặt Lâm mà chỉ lặng lẽ quay đi lau nước mắt. Tôi cũng không dám nhắc tên con tôi khi có Lâm. Nỗi đau này cứ ám ảnh tôi mãi cho tới bây giờ.
Rồi bé Hùng ra đời, một cậu con trai bụ bẫm, khoẻ mạnh. Nhìn Lâm sung sướng nựng con, tôi thấy vui vui. Dù khó khăn về mặt vật chất, tôi chẳng hề than phiền. Tôi cố gắng đi dạy thêm dù con còn bé. Lâm thì không thể làm thêm được gì ngoài lương. Vậy là mới vài tháng tuổi, bé Hùng đã phải xa mẹ cả buổi tối, ở nhà chơi với bố. Dù vất vả, bận rộn, trông tôi vẫn còn gọn gàng, tươi tất. Ngoài những giờ lên lớp, tôi trở về nhà lo lắng cho con, cho gia đình. Tôi chẳng nề hà việc gì. Nhưng Lâm cũng là người đàn ông chịu khó, anh lãnh hết những việc nặng như mua gạo, mua dầu, lấy nước, giặt giũ ... Tuy nhiên, từ ngày sống với Lâm, tôi hầu như chẳng ra khỏi nhà hàng xóm hay thảo luận với ai một vấn đề gì đó. Lâm không muốn. Chúng tôi cũng ít đến nhà bạn bè, ít tụ tập hội hè như trước đây. Tôi thích đông vui, hội ngộ bạn bè bao nhiêu thì Lâm ngược lại bấy nhiêu. Anh ít bạn bè và hầu như không có bạn thân. Không những anh chẳng thích tôi tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường mà còn chẳng muốn tôi có mặt ở các hoạt động ngoại khóa của khoa,của lớp tôi dạy nữa. Trước đây, mỗi lần tôi ra sân bóng, anh đều có mặt. Những cú đập bóng của tôi làm cho anh thích thú và anh đã vỗ tay rất nhiều mỗi khi tôi thắng đối phương. Khi tôi tập hát, tập múa cho sinh viên, anh hăng hái nhiệt tình giúp tôi tổ chức, chuẩn bị quần áo, dụng cụ ... Tôi đã thầm cảm ơn anh. Vậy mà giờ đây tất cả nguồn sinh khí ấy trong anh đã cạn kiệt đâu hết. Thay cho nụ cười và nét mặt vui tươi, rạng rỡ của anh ngày nào, anh hay nhăn trán, cau có hay nói lẩm bầm:" Ngu, đồ ngu như lợn !" hay "Câm mồm đi!" mỗi khi anh cảm thấy có điều gì không vừa ý. Tôi biết chắc chắn rằng câu nhục mạ chỉ có dành cho tôi mà thôi! Còn ai trong cái gia đình bé nhỏ này nữa? bé Hương Ly thì đã xa rồi ...
Mỗi buổi tối, nhìn thấy vợ mặc quần áo đẹp rồi đứng trước gương chải chuốt, lòng Lâm lại dấy lên nỗi ghen tuông. Vợ đi rồi, thay vì phải thấy xót thương cho vợ, Lâm lại nghĩ ngợi lung tung. Cái giờ khắc anh giận dỗi ở nhà là lúc mà tôi đang " hao hơi tốn phổi" trên lớp học. Anh không tìm cách hiểu và thông cảm cho công việc của tôi, anh lại suy ra các tình huống khác nhau để tự dày vò mình và hành hạ tôi. Lâm tự ti và cảm thấy mình bất lực ... Hạnh phúc chẳng tày gang. Từ chỗ đó, cuộc sống vợ chồng tôi rơi vào những cuộc cãi cọ không đầu, không cuối.
Ghen tuông với người chồng cũ của vợ chưa đủ. Lâm còn ghen với cả những đồng nghiệp nam và những người bạn trai khác của vợ. Tôi chẳng còn dám gặp người đàn ông nào nữa cả. Mỗi một lần tôi gặp gỡ một đồng nghiệp nam, dù chỉ là gặp gỡ trao đổi công việc giảng dạy hay bàn bạc về công tác của khoa, của trường, tôi đều nhận được những lời nói thô tục từ Lâm. Lâm cho rằng tôi đã dám từ bỏ cuộc sống khấm khá về vật chất với Nam để đến với Lâm khi Lâm chẳng có một xu dính túi thì tôi chẳng sá gì mà không nói dối Lâm để tìm cơ hội thỏa mãn đam mê của mình. Tự nhiên, Lâm lại có ý nghĩ là tôi sẽ dễ dàng bỏ Lâm để đi với một người đàn ông khác. Ý nghĩ đó ngày càng lớn trong con người Lâm và không chỉ sỉ nhục tôi bằng lời mỗi khi thấy tôi tiếp xúc với người khác giới. Lâm còn thể hiện là một ông chồng vũ phu, sẵn sàng đánh tôi ngay nếu tôi không đồng ý với sự suy diễn của Lâm mà còn tìm cách giải thích.
Tôi đau lòng nhận ra sự thật phũ phàng. Là một người phụ nữ tự trọng và đầy cá tính, tôi không nghĩ sẽ quay trở lại với Nam vì tôi đã có bé Hùng mặc dù tôi vẫn còn yêu Nam và tình yêu thương bé Hương Ly vẫn không nguôi trong lòng tôi.
Lại một lần nữa, tôi cắn răng chịu đựng.
Nhưng thật là tồi tệ. Lâm không những không chịu hiểu tôi mà còn dày vò làm tôi đau đớn. Còn đâu những buổi chiều cùng các bạn đồng nghiệp tung tăng trên sân bóng! Còn đâu những buổi tối cùng con gái dạo chơi quanh sân vận động của trường! Còn đâu những chiều thứ bảy, tay trong tay, cùng Nam dạo bước trên những con đường nhỏ, phía sau trường, dẫn tới những cánh đồng lúa xanh rì trong mùa xuân và chín vàng khi mùa hạ đến! Những ánh nắng chiều còn sót lại từ từ xuống núi! Cảnh vùng ngoại ô Hà Nội, vào lúc hoàng hôn, thật đẹp. Cảnh hư ảo, lung linh giữa ngày và đêm thật là đẹp, tình tứ… Tôi đã đắm mình vào cõi hư vô. Để rồi đây, khi ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi mới thấy mình quá bồng bột, vội vàng. Trong mơ mộng hão huyền, tôi đã quá đề cao tính cách của Lâm. A-lếch-xan-đơ Pốp, nhà thơ người Anh, thế kỷ XVIII, đã từng nói: “Kẻ si tình mơ mộng bị đánh thức khi thành vợ chồng”.
Lại nói về mẹ tôi, sau vụ ly hôn của Nam và tôi, mẹ tôi bị sốc, ốm suốt mấy tháng trời.Chị gái và anh rể tôi phải chăm lo chạy chữa thuốc men, mẹ tôi mới hồi phục dần. Mẹ tôi thương Nam, giận tôi và lo lắng nhiều cho cuộc sống về sau của tôi.
Chính vì vậy, những gì xảy ra giữa tôi với Lâm, tôi không dám hé nửa lời với chị, với mẹ. Tôi âm thầm chịu đựng. Mẹ không nói hẳn là từ tôi nhưng từ ngày tôi sống cùng Lâm, mẹ tôi chưa một lần lên lại Hà Nội. Thỉnh thoảng, mẹ tôi gửi quà lên cho cả Hương Ly và bé Hùng nhưng không hề có một lá thư. Tôi hiểu nỗi lòng của mẹ. Sự thật cuộc sống giờ đây của tôi đã minh chứng những linh cảm của mẹ tôi thật là kỳ diệu.
“Nhưng mẹ ơi, mẹ hãy tha thứ cho con, hãy tin là trong bất kỳ tình huống nào, con cũng cố gắng sống bằng hai bàn tay và khối óc của con. Con có thể bị sai lầm về mặt tình cảm nhưng con không bao giờ để mình bị coi thường về mặt vật chất, về quan điểm phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”. Tôi đã viết trong một bức thư gửi về cho mẹ tôi như vậy.
Mặc dù có những cơn giận dữ, bực tức vô cớ nhưng Lâm lại là người rất chăm yêu con. Sự có mặt của bé Hùng cũng phần nào làm cho tôi nguôi ngoai nỗi đau buồn. Con trai tôi lớn lên trong tình cảm yêu thương của cả bố lẫn mẹ nhưng cũng chứng kiến không ít những xung đột giữa hai người. Tôi lại là một người phụ nữ thẳng thắn nhưng trực tính nên lắm lúc cũng chẳng ghìm mình được. Khi Lâm suy luận những sự việc Lâm bắt gặp được rồi buộc tôi phải công nhận, tôi không chịu đựng nổi lời buộc tội đó, cãi lại. Vậy là sóng gió lại ập tới. cuộc sống cứ như vậy trôi qua. Tôi cảm thấy mình như sống trong địa ngục, muốn thoát ra nhưng đi đâu? Về đâu? Còn bé Hùng nữa? Tôi đâu đớn, dằn vặt vì tôi cũng là một người mẹ đắm đuối vì con.
*
Thời gian cứ thế trôi qua… Lãnh đạo khoa, trường và các anh chị em giáo viên cũng dần quên đi quá khứ lầm lỡ của tôi, thương tôi hơn trong hoàn cảnh hiện tại. Họ muốn giúp đỡ, gần gũi, an ủi tôi nhưng tất cả đều không dám thể hiện chỉ vì ngại Lâm. Chuyên môn của tôi cũng dần dần khẳng định được chỗ đứng của mình.
Khi bé Hùng được hơn ba tuổi thì tôi được khoa và trường cử sang Canada thực tập hai năm. Ra đi lòng tôi nặng trĩu, lo âu. Nhớ bé Hương Ly nhưng không được gặp vì Lâm không cho phép. Con gái tôi đã kết thúc năm học lớp 4 rồi. Tháng 9 tới, con gái tôi sẽ lên lớp 5, năm học cuối cùng ở trường phổ thông cơ sở. Trước đây, tôi vẫn hình dung những lúc được ngồi cạnh con, được dạy con tập đánh vần, dạy con làm tính… Vậy mà đến lúc con bước vào tuổi cắp sách đến trường, tôi lại không có mặt bên con. Trước ngày khai giảng năm học mới của con gái, tôi đã mua cho con gái một chiếc cặp sách xinh màu đỏ và một số đồ dùng học tập. Tôi đã nhờ Loan giúp tôi chuyển đến cho Hương Ly. Đêm đêm, tôi hình dung dáng bé nhỏ của con bước vào lớp, tiếng con đọc bài, kể chuyện, đọc thơ rồi hát…
Lúc này đây, khi phải chấp nhận đi xa vì chuyên môn, vì kinh tế, ngoài bé Hương Ly, tôi còn nghĩ rất nhiều đến bé Hùng nữa. Thương bé Hùng vì bé còn nhỏ dại. Nếu thời gian tôi đi đúng như ghi ở trong hồ sơ, đầu tháng 9 tôi đi cũng là khi con trai tôi được ba tuổi rưỡi. Cái tuổi đáng yêu làm sao! Hùng cũng ngịch ngợm như những bé trai khác nhưng trông thật ngộ nghĩnh. Mỗi khi ở lớp mẫu giáo về, Hùng hát: “
Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ, gần nhau là cười”. Những lúc ấy, tôi thấy niềm hân hoan, vui sướng thể hiện trên khuôn mặt Lâm. Anh ôm lấy con và nựng âu yếm. Giọng con còn ngọng ngịu, nghe lại càng thương. Ôi! Nay mai tôi sẽ phải xa con rồi! Ước gì tôi được mang bé Hùng theo nhỉ. Tôi làm gì được phép làm điều đó. Hơn nữa, mang con theo sẽ lo cho con thế nào được. dù muốn, dù mong, tôi cũng phải tự mình gạt ý nghĩ viển vông đó.
Dù Lâm không muốn và ban đầu cự tôi kịch liệt, Lâm vẫn phải để tôi ra đi vì phần để cải thiện kinh tế cho gia đình, phần nữa Lâm không thể chống lại quyết định của khoa, của trường tôi. Hơn nữa, tôi đã quyết mà khi tôi đã quyết thì khó ai có thể cản nổi kể cả Lâm.
Cho đến gần ngày lên đường, tôi mới chuẩn bị được vài thứ. Tôi chẳng muốn mang gì nhiều, chỉ mang theo vài bộ quần áo và chiếc áo ấm màu xanh đen dày, đẹp mà trước đây Nam gửi về cho tôi.
Ngày tôi ra đi, các bạn bè đồng nghiệp đều mừng cho tôi, có được một thời gian xa chồng để cả hai vợ chồng cùng nghĩ lại mà vun đắp cho hạnh phúc của mình. Ai cũng mong Lâm sẽ thay đổi theo chiếu hướng tốt đẹp khi tôi trở về. Chẳng một ai trong bạn bè, kẻ cả tôi lại nghĩ rằng đó là ngày cuối cùng của vợ chồng tôi và cũng là ngày cuối cung của tôi trong khu tập thể của trường đại học này. Giờ đây, mỗi khi nghĩ lại, tôi chẳng hề luyến tiếc cho cuộc sống vợ chồng giữa tôi và Lâm, chỉ thấy ân hận vì thương bé Hùng vô hạn. Mới hơn ba tuổi đầu, con tôi đã biết gì đâu! Con tôi đâu có tội tình gì mà phải sống một cuộc đời xa cách tình mẫu tử.
*
Từ ngày tôi đi, Lâm trong cảnh gà trống nuôi con. Không hiểu Lâm có ân hận về những gì xảy ra trong cuộc sống vợ chồng cùng tôi không nhưng qua bạn bè, tôi được biết bố con anh sống tách biệt với mọi người trong khu tập thể. Lâm lầm lì, lặng lẽ. Anh không muốn tiếp xúc với bất kỳ một ai trong khoa, trong trường tôi và ngược lại, mọi người ai cũng ngại anh. Dù bận rộn công việc cơ quan, việc nhà, Lâm muốn tự mình chăm sóc con và không nhờ vả ai cả. Hàng ngày đi làm, Lâm gửi con ở lớp mẫu giáo của trường, chiều anh về sớm đón con, chăm sóc, lo lắng cho con.
Lâm vẫn viết nhiều thư cho tôi. Những bức thư dài của anh vẫn tràn trề tình cảm nhưng ngoài nỗi nhớ thương da diết là sự ghen tuông tưởng tượng. Anh hình dung ra nhiều tình huống khác nhau mà tôi có thể dễ dàng chấp nhận, sẵn sàng sa ngã. Tôi rùng mình khi nghĩ đến tình yêu và sự ghen tuông bệnh hoạn của anh.
Dù tình yêu đối với Lâm trong tôi đã phần nào nguôi nhạt, tôi vẫn hằng mong thời gian chóng trôi qua để sớm được về bên con, bên Lâm, bên gia đình, bè bạn và quê hương. Nghĩ đến con, lòng tôi se lại. Thỉnh thoảng, Lâm cũng hướng dẫn Hùng vẽ tranh gửi cho tôi. Nhìn tranh con vẽ và những chữ nguệch ngoạc mà Lâm cầm tay con viết: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm!”, tôi không cầm nổi nước mắt. Chẳng bao lâu nữa con trai tôi đến tuổi tới trường Tôi sẽ trở về, hàng ngày sẽ dẫn con đi học và đón con về. Tôi sẽ dạy con tôi học đọc, học viết, học làm toán và sẽ chẳng bao giờ xa con nữa.
Nghĩ tới mẹ, tôi mong và hy vọng khi tôi đã về nước, tôi sẽ đưa bé Hùng về thăm mẹ lâu hơn những lần trước. Tôi sẽ cố gắng trong cuộc sống vợ chồng để mọi quan hệ sẽ tốt đẹp hơn, để mẹ tôi đỡ buồn khổ lo cho tôi hơn. Có lẽ tôi phải răn mình biết kiềm chế hơn nữa, biết chịu đựng hơn nữa.
Nghĩ tới những lần làm tình cùng Lâm, tôi lại thấy lòng xốn xang và không thể nào quên nổi những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy. Tôi tự nhủ rằng biết đâu thời gian xa cách này là cơ hội để kiểm chứng lại tình yêu của chính mình và cả tôi và Lâm sẽ tự điều chỉnh mình để hiểu nhau hơn, có cuộc sống bình thường như bao cặp vợ chồng khác.
Nghĩ vậy, tôi chỉ biết lao vào công việc học hành và mong cho thời gian trôi nhanh.
*
Đoàn Việt Nam của chúng tôi có ba người: anh Thành và Nhạc là giáo viên trường Đại học Ngoại ngữ, trường tôi, chỉ có mình tôi. Sang tới Canada, cả ba chúng tôi được phân về trường Đại học Kê-bếch ở thành phố Mông-tơ-rê-an. Anh Thành và Nhạc đi sâu về bộ môn dịch thuật, còn tôi học môn phương pháp giảng dạy.
Nằm sâu ở phía bắc châu Mỹ, tự hào là vùng đất Pháp ngữ, Kê bếch là kết quả của sự kết hợp hài hòa, đáng quý giữa thế giới mới và cổ. Chẳng những được thiên nhiên ưu đãi, người Kê-bếch còn là những người nhiệt tình, mến khách, đam mê nghệ thuật và yêu mến cuộc sống trên châu lục của mình. Kê-bếch mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa mang một vẻ đẹp duyên dáng khác nhau: mùa hè nồng ấm, mùa thu lãng mạn, mùa đông sôi nổi, mùa xuân dịu mát.
Mông-tơ-rê-an – thủ phủ của Kê-bếch, là một thành phố lớn nằm phí bắc Mỹ, nơi có số sinh viên nhiều nhất Canada so với số dân. Rất nhiều sinh viên ở các thành phố, các tỉnh ngoài Kê-bếch đã đến đăng ký học ở trường Đại học Kê- bếch – trường có danh tiếng khắp thế giới với chi phí tiền học không đến nỗi quá đắt.
Thư viện Mông-tơ-rê-an là thư viện Pháp ngữ lớn nhất châu Mỹ. Ngoài trường Đại học Tổng hợp Kê-bếch, còn có trường Đại học Thương mại Mông-tơ-rê-an đã cuối thu, sắp vào đông nên trời lạnh khủng khiếp, mặc dù, nói chung, Mông-tơ-rê-an là thành phố có khí hậu dễ chịu. Chí ít, thì đó cũng là thành phố không lạnh bằng bất kỳ một nơi nào khác trên đất nước Canada. Vậy mà vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống đến âm 25 độ C, còn mùa hè thì nhiệt độ lên tới 30 độ C. Dần dần, chúng tôi mới quen được cái lạnh buốt xương, thấu thịt đó. Suốt mùa đông, chúng tôi chỉ đi học rồi về nhà. Để tiết kiệm tiền, và vì trường cũng không xa chỗ ở lắm, hoảng 45 phút đi bộ đến trường. Mỗi tối về đến nhà, hai chân cứ như chẳng còn cảm giác, mặc dù tôi đã trang bị cho mình một đôi giầy lông. Cứ dẫm lên tuyết mà đi. Có lúc trơn, ngã chỏng vó, thế mà vẫn vui, vẫn thấy có cái thú vị của nó.
Sang xuân rồi đến hè, thời tiết ấm dần lên và thiên nhiên bắt đầu cởi bỏ tấm áo choàng tuyết trắng lạnh lẽo để khoác tấm khăn xanh lá cây, xen lẫn muôn màu sắc khác nhau của các loài hoa.
Mùa hè đến, sinh viên các nước đều trở về quê hương họ. Còn chúng tôi đành chịu. Tiết kiệm được ít tiền học bổng thì lo com cóp gửi về nhà cho con. Cũng may là ở Canada có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp nên có chỗ để thư giãn lúc rỗi rãi. Tất cả những khu rừng, công viên hay vườn hoa, thảm cỏ… đều được bảo vệ và phát triển theo nhu cầu của người dân. Mùa hè cũng như mùa đông, chúng đều có một vẻ đẹp tự nhiên và ở đó có nhiều hoạt động vui chơi cho mọi lứa tuổi. Từ công viên Mông-Roay-an, công viên Giăng-Đra-pô cho đến vườn bách thảo Mông-tơ-rê-an – vườn bách thảo này được xếp vào một trong những vườn bách thảo lớn nhất, đẹp nhất thế giới – tất cả như những bức tranh thiên nhiên hoàn hảo, lộng lẫy.
Những ngày đầu mới sang Ca-na-đa, tôi nhớ nhà, nhớ con tưởng chừng như không chịu nổi. May có hai người bạn đồng nghiệp nên tôi cũng cảm thấy đỡ lạc lõng, cô đơn hơn. Ngày lên lớp, nghe giảng. Sau khi tan trường, tôi lại tranh thủ đến thư viện, tìm tài liệu phục vụ cho luận văn thạc sỹ. Thực ra, chuyến đi thực tập hai năm này chủ yếu là hoàn thiện tiếng Pháp và học một số môn lý thuyết và thực hành về phương pháp giảng dạy. Sau khi tới trường Đại học Tổng hợp Mông-tơ-rê-an, tiếp xúc với các giáo viên dạy chương trình học, tôi đã gặp cô giáo Ca-tơ-rin Đuy-răng, người phụ trách trực tiếp nhóm thực tập sinh chúng tôi. Nghe tôi trình bày xong, cô giáo nói rằng cô có thể nhận là người hướng dẫn luận văn cho tôi với điều kiện tôi phải làm mọi thủ tục giấy tờ, băng cấp với trường xem có được làm thẳng từ bằng cử nhân của Nga sang bằng thạc sỹ của Ca-na-đa không.
Theo lời khuyên của cô giáo, tôi lên gặp cán bộ phòng đào tạo của trường. Nhưng quả thật không dễ như tôi tưởng, tôi chỉ có thể làm bằng thạc sỹ về ngôn ngữ với điều kiện phải thi thêm ba môn để có tương đương bằng cử nhân của Ca-na-đa. Lúc đầu, tôi cũng htaays ngán ngẩm, định bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, tôi thấy rằng, với mình, chắc chẳng còn cơ hội nào để đi học dài hạn nữa, vì vậy cuối cùng tôi đã tặc lưỡi chấp nhận ghi danh vào học thạc sỹ, ngoài chương trình về phương pháp luận giảng dạy (chương trình của chuyến thực tập). Là giáo viên, tôi nghĩ nếu mình có những bước đi xa về mặt chuyên môn, chắc chắn sẽ giảng dạy tốt hơn và sẽ có uy tín hơn.
Trước đây, học ở Nga, điều kiện tiếp xúc với người Pháp của tôi thật ít ỏi. Sau khi về nước, tôi chưa có dịp nào được đi thực tập ở nước ngoài. Vì vậy, lần thực tập này, tôi có cơ hội được nói tiếng Pháp với người bản xứ nhiều hơn. Trong trường chúng tôi học, có khá nhiều giáo viên là người Pháp, đến từ Pa-ri hoặc một số thành phố khác của Pháp. Qua quá tình tiếp xúc với số giáo viên này, phần phát âm của chúng tôi được cải thiện rõ rệt.
Ngoài những giờ học về môn phương pháp luận, tôi phải theo các buổi hội thảo, phục vụ cho luận văn, đồng thời phải học ba môn và thi để có tương đương bằng cử nhân của Ca-na-đa. Tôi làm việc gần như suốt ngày đêm. Lắm lúc, từ thư viện trở về nhà đã 10 giờ đêm, người mệt nhoài. Vì vậy dần dần nỗi nhớ gia đình cũng nguôi ngoai. Tôi đã dành dụm một phần ba số tiền học bổng hàng tháng để gửi về cho Lâm nuôi con. Ở Mông-tơ-rê-an, ngoài chi phí phục vụ học tập, sinh hoạt hàng ngày, ăn uống, chúng tôi phải trả tiền nhà ở khá cao.
Tôi cứ nhớ mãi, hôm đầu mới sang Ca-na-đa, chúng tôi được họ đón tiếp chu đáo, cho ở tạm trong một khách sạn nhỏ và được thông báo cho biết trong vòng hai tuần phải tìm chỗ ở. Lạ nước lạ cái, chúng tôi đi hết khu nọ sang khu kia theo chỉ dẫn của thông tin nhà đất trên báo, tìm nhà để thuê. Buồn thay! Với số tiền học bổng và giấy tờ tạm trú của chúng tôi, chẳng một chủ nhân nào đồng ý cho thuê cả. Cho dù chúng tôi xin đặt cọc trước tới ba hoặc bốn tháng, cũng đều bị từ chối. Cuối cùng thật may mắn có bác hội trưởng hội Việt kiều tại Mông-tơ-rê-an đứng ra bảo lãnh, chúng tôi mới thuê được hai phòng không liền nhau, không cùng tần nhưng cùng một tòa nhà. Anh Thanh và Nhạc ở chung một phòng, còn tôi ở phòng còn lại.
Năm thứ nhất trôi qua tốt đẹp. Song song với chương trình học nâng cao về tiếng, tôi đã thi xong ba môn để lấy tương đương bằng cử nhân của Ca-na-đa. Thi xong mà lòng thấp thỏm bởi hai trong ba môn đó là ngôn ngữ La tinh và văn hóa, văn minh La tinh. Suốt cả những tiết học về hai môn đó, thú thật, tôi rất lo. Vì đa số sinh viên Ca-na-đa và các nước Pháp ngữ cũng như sinh viên Pháp đã được học hoặc làm quen với tiếng La tinh từ trường phổ thông trung học, còn tôi lần đầu tiên được biết đến nét chữ của nó. Môn văn hóa, văn minh La tinh, được dạy và học bằng tiếng Pháp nên đối với tôi đỡ khó khăn hơn. Phải hơn hai tháng sau mới có kết quả thi. Khi biết mình đã qua được cả ba môn, tôi nhảy lên vì sung sướng. Vậy là từ nay, tôi chỉ còn tập trung vào luận văn và hai môn thi để lấy bằng thạc sỹ nữa mà thôi.
Tôi vẫn đều đặn nhận được thư của bé Hùng và của Lâm. Tôi còn nghe nói cháu Hương Ly đã đi theo bố khi bố đi công tác ba năm ở An-giê-ri từ mấy tháng nay mà tôi không có cách gì để liên lạc được nên đành chịu.
Từ ngày bé Hương Ly về ở với bố, Nam vẫn sống một mình cùng con. Thương con, Nam không muốn Hương Ly sớm phải chịu cảnh chia sẻ tình cảm. Anh dồn hết tình yêu thương cho con bé. Và cũng từ ngày đó, anh không hề gặp lại tôi và giữa chúng tôi cũng không hề có liên lạc gì cả.
Vậy mà qua những lá thư dài, Lâm vẫn không ngớt nghi hoặc về mối quan hệ của tôi với Nam. Từ ngày biết bố con Nam đi nước ngoài, mặc dù ở một nước xa lắc xa lơ với Ca-na-đa, Lâm vẫn tưởng tượng ra vô khối những tình huống mà chúng tôi có thể gặp nhau. Lâm còn viết nhưgnx câu đại loại: “Tình cũ không rủ cũng đến”. Hoặc Lâm cho rằng sở dĩ Nam chưa chịu lấy vợ là do tôi và Nam đều có hy vọng quay trở lại với nhau,v.v…
Tôi chỉ còn biết thở dài ngao ngán. Từ chỗ trước đây, thích đọc thư Lâm, say đắm với những tình cảm anh bộc bạch, thì nay tôi thấy sợ mỗi khi nhận được thư anh. Thư anh chứa đầy trách móc, giận hờn, nghi hoặc và có khi kèm theo dọa dẫm…
Chỉ còn sáu tháng nữa là được về nước rồi! Lòng tôi ngổn ngang bao nỗi… Bước sang năm thứ hai, phải làm việc thật cật lực để có thể hoàn thành cả hai chương trình, nhưng tôi đã không còn đủ sức, tâm trí và nghị lực. Căn bênh đâu đầu bắt đầu hành hạ tôi. Tôi mất ngủ triền miên. Có lúc, tôi tưởng như mình bị loạn óc. Đầu đau nhức nhối. Lo sợ. Tôi đã phải đến bệnh viện để khám. Nhưng rất may đầu tôi không có dấu hiệu gì đặc biệt. Bác sỹ bảo tôi phải cố gắng thư giãn, ngủ đủ giấc, không được lo lắng, hoảng sợ thì mới có thể trở lại trạng thái bình thường được.
Mặc dù được hai bạn đồng nghiệp và các thầy cô giáo, bạn bè trong lớp động viên, ai ủi, tôi vẫn không sao lấy lại được thăng bằng. đã nhiều ngày, tôi không thể lên lớp nổi, phải xin phép nghỉ học. Tôi không còn làm việc đều đặn ở thư viện được nữa. Tôi van xin Lâm đừng viết những lời thư cạn tình, cạn nghĩa với tôi như vậy nữa nhưng anh nào có buông tha. Anh đâu có hiểu được rằng vì bất lực và nghi ngờ vô cớ, anh đã viết ra những lời nhục mạ, xúc phạm tôi. Anh cứ tưởng như vậy là răn dạy tôi song những lời độc địa, chua cay ấy hành hạ tôi ghê ghớm, còn hơn cả đòn roi. Sau khi đọc những dòng thư ấy, rôi đã không những không thể tập trung vào học tập được nữa mà sức khỏe còn suy giảm nhanh chóng. Lâm nói rằng, giờ đây, tôi đang ssongs một cuộc sống sung sướng bằng ngàn vận lần bố con anh ấy, tôi phải biết chịu đựng dần để đến lúc trở về khỏi bị hẫng hụt Tính tôi dễ cho qua là vậy mà lần này tôi linh cảm thấy một cái gì đó nguy hiểm đang chờ đợi tôi. Phải chăng tôi đã sống không tốt với bố con Lâm để rồi giờ đây tôi phải chịu một hình phạt như vậy? – tôi tự hỏi.
Rồi ngày cuối cùng của kỳ thực tập đã đến. Tôi đau khổ và xấu hổ với cô giáo Ca-tơ-rin, với các thầy cô giáo của khoa Ngôn ngữ là không bảo vệ được luận văn thạc sỹ. Mặc dầu luận văn không nằm trong chương trình thực tập của tôi nhưng quả thực tôi lấy làm áy náy và có phần luyến tiếc cho bao công sức và tâm trí đã bỏ ra cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn. Những đêm cuối cùng trên đất Ca-na-đa tôi đã khóc rất nhiều. Tâm trạng tôi bị vò xé giữa hai ngả đường mà con đường nào cũng thấy đầy rẫy chông gai, nguy hiểm và không có lối thoát. Thương bé Hùng đến đứt ruột, muốn chạy ngay về bên con, nhưng tôi cảm thấy rùng mình, sợ hãi khi nghĩ đến cuộc sống cũ sẽ tiếp diễn…
Vậy là trong đêm cuối cùng chuẩn bị cho ngày hôm sau ra sân bay cùng anh Thanh và Nhạc, tôi đã quyết định không trở về nữa. Thời gian gấp gáp, tôi không còn đủ bình tĩnh để nghĩ được đúng, sai nữa.
Đó quả thật là một cuộc phiêu lưu! Tôi đã quyết định ở lại. Ở lại! Nhưng sẽ ở đâu và sống như thế nào? Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết được. Ở Ca-na-đa, tôi chẳng thân ai. Những mối quan hệ trong quá trình thực tập thì thật hời hợt và mong manh, chẳng ai có thể giúp tôi cả. Giấy lưu trú mà chính phủ Ca-na-đa cấp đã gần hết hạn. Sau gần hai tháng qua hạn về nước, tôi vẫn hoàn toàn trắng tay, vô phương cứu chữa cho hoàn cảnh.
Sau khi quyết định ở lại rồi, trong cảnh đơn thương độc mã của mình, tôi càng thấy lòng bồi hồi nhớ gia đình, quê hương da diết. Bình thường, nếu có người hỏi gì có gì ràng buộc khiến ta tha thiết yêu quê hương, ta khó mà trả lời được. Vậy mà lúc này đây, khi phải sống xa que hương, một mình bươn chải giữa cuộc đời, tôi mới thấy yêu vô cùng mảnh đất quê hương, mảnh đất đã thấy tôi sinh ra, lớn lên và ghi lại kỷ niệm thuở ban đầu. Tôi nhớ giọng nói, nụ cười của mẹ, của bố, của người chị gái. Tôi nghe bên tai mình tiếng thỏ thẻ của các con. Tôi nhìn thấy rõ con họa mi hằng năm bay về đậu trên cây vú sữa bố tôi trồng năm nao. Tôi nhớ cây lan hoa nở trắng xóa đầu hè nhà bác Nhân hàng xóm, hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín, hoa quỳnh e ấp nở trong đêm trên ban công nhà chị Hạnh. Tôi nao nao nhớ tổi chim sẻ ở dưới mái ngói phía trên cửa sổ. Tôi yêu vị thơm chua mát của trái khế tôi hái trên cây trồng trước sân nhà. Tôi yêu bãi biển cát mịn vàng giòn khi mùa hè đến… Và tôi đã thiếp đi trong làn mi đẫm nước mắt. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy đầu đau nhức nhối. Cả người tôi như cạn kiệt sức. Tôi cảm thấy mình bất lực. Có lúc tôi đã nghĩ đến việc trở về Việt Nam nhưng nếu về chắc chắn sẽ bị kỷ luật bởi tôi quá hạn đã lâu. Còn ở lại?
Cuối cùng “một liều ba bảy cũng liều”, tôi theo một số người đi sang Pháp du lịch. Tôi đành liều vậy thôi chứ ở Pháp, tôi có ai họ hàng thân thích gì đâu. Tôi lại chưa một lần được đặt chân đến Pháp nên nỗi sợ hãi càng dâng lên đến tột đỉnh. Ngồi trên máy bay mà lòng tôi như có lửa đốt. Liệu cảnh sát cửa khẩu có cho phép tôi vào nước Pháp không? Nếu được vào, tôi sẽ đi đâu, về đâu?
Khi đến sân bay Sác-lơ Đơ Gôn – Pa-ri, tôi bị cảnh sát khám kỹ lắm. họ hỏi tôi rất nhiều đến nỗi khi tất cả những người trên chuyến bay đã ra khỏi sân bay rồi mà tôi vẫn ở trong phòng khám xét. Lúc đó, nỗi nhục nhã trào dâng trong lòng. Nhưng tôi đã không còn có thể thay đổi tình huống được nữa rồi.
*
Tiếp theo đó là những ngày lang thang giữa Pa-ri, thủ đô ánh sáng của châu Âu. Pa-ri thật đẹp. Buổi tối, ánh đèn điện soi sáng đến từng ngõ ngách. Tháp Eepsphen sừng sững bên bờ sông Xen. Khi lên đến tầng ba của tháp, ta có thể nhìn thấy hết Pa-ri. Sông Xen nước chảy nhẹ, đều. Những con thuyền đưa khách du lịch đi và về lướt nhẹ trên dòng nước. Sông Xen chia Pa-ri làm hai gọi là bờ phải và bờ trái. Giữa sông Xen là đảo nhỏ có tên đảo Thị thành, nơi đó ta có thể tham quan nhà thờ Đức Bà Pa-ri, nằm đối diện với sở Cảnh sát thành phố. Nhà thờ Đức Bà và cảnh quan xung quanh đã là niềm cảm hứng bất tận cho biết bao nhà văn, nhà thơ Pháp, trong đó có Vích-to Huy-gô. Vích-to Huy-gô đã viết một tiểu thuyết bất hủ có tên là Nhà thờ Đức Bà Pa-ri. Lịch sử kiến trúc và xây dựng nhà thờ lớn này đã được Vích-to Huy-gô miêu tả một cách chi tiết và rõ nét xen lẫn với câu chuyện tình đơn phương của chàng gù Ka-đi-mô-đô sống trong nhà thờ này với cô gái Ai Cập E-xmê-ra-đa xinh đẹp.
Pa-ri đẹp và nên thơ như vậy nhưng tôi chẳng còn lòng dạ nào để dạo chơi hay ngắm cảnh nữa. Tôi muốn tìm việc làm dẽ dàng kiếm được một việc làm theo đúng nghĩa của nó ở chốn xa hoa này khi giấy tờ của tôi chỉ là tạm bợ của người đi du lịch, khi vốn tiếng Pháp của tôi dù khá cung không thể bằng họ dung tiếng mẹ đẻ, khi bản thân tôi chẳng có một bằng cấp gì của Pháp cả.
Nhờ có một người bạn Ca-na-đa giúp đơc, giới thiệu, tôi được ở tạm trong một gia đình ở ngoại ô Pa-ri nhưng phải trả tiền tháng và tự lo ăn uống. Ngày ngày, tôi lang thang trong các khu phố Pa-ri để tìm việc, đêm tôi trở về căn phòng nhỏ người ta cho tôi thuê trong một thơig gian ngắn. Nhưng cứ mỗi lần, chủ các tiệm ăn hỏi đến giấy tờ của tôi để thuê làm mướn, họ đều từ chối. Tôi cay đắng nghĩ rằng đến nỗi cai công việc rửa bát cho một tiệm ăn cũng phải có giấy tờ đầy đủ, và cũng không phải dễ kiếm. Hóa ra ở các nước nghèo, những người vô gia cư lại dễ tìm thấy sự đồng cảm hơn. Đã mấy lần tôi có ý định đến Đại sứ quán Việt Nam để xin giấy tờ về nước nhưng bao nỗi sợ hãi lại giày vò, ám ảnh tôi và rồi tôi cứ trượt dần theo số phận.
Trong quá trình lang thang đó, tôi đã gặp không ít đàn ông, người Pháp có, Việt kiều có, họ cám cảnh muốn giúp đỡ tôi nhưng khổ cho cái thân tôi là hễ quan hệ, tiếp xúc là họ đã muốn làm tình ngay rồi. Cái gì cũng có giá của nó, tôi sợ hãi nên khước từ tất cả. Tôi đã tự hứa với mình: Nếu không phải là tình yêu, tôi sẽ bất cần tất cả. Phải! Tôi là một người phụ nữ mãnh liệt nhưng đầy cá tính và tự trọng cao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cũng muốn tự lực cánh sinh, không muốn dựa dẫm để lợi dụng về vật chất hoặc tình cảm. Đúng, tôi cần đàn ông thực sự! Nhưng nếu không phải là người tôi yêu, tôi không thể lên giường cùng người ấy. Tôi không thể kề sát bờ môi mình vào môi một người đàn ông trong khi trái tim tôi nguội lạnh. Tôi không thể vuốt ve mơn trớn da thịt một người đàn ông khi bàn tay tôi sợ hãi đụng chạm. Tôi hoàn toàn không thể giả dối trong tình yêu. Vì thế, cứ mỗi lần tôi khước từ là một lần tôi rơi vào hoàn cảnh bất ổn, nhưng đầu óc lại thanh thản bởi vì khi không yêu, tôi không muốn lợi dụng người ta để rồi bị khinh bỉ.
Cứ như thế, cho đến nửa năm sau, tôi gặp Khánh. Khánh sang Pháp trên một chuyến tàu được tổ chức bất hợp pháp cho những người vượt biên từ cảng Hải Phòng. Khi biết Khánh là người Quảng Ninh, lại cũng đang trong hoàn cảnh bất ổn như tôi dù sang Pháp đã nhiều năm, tôi làm quen với Khánh ngay để cùng chia sẻ nỗi niềm. Khánh gầy, cao, trông thư sinh, không đẹp lắm nhưng lại có duyên. Tính tình hiền lành nhưng cục, kiệm lời, kiệm từ ngữ đến mức khó tin. Những lúc cần cho công việc, Khánh cũng nói nhưng không nói nhiều và không bao giờ nhắc lại những gì đã nói ra. Thỉnh thoảng, gặp những người thân quen, Khánh cũng đùa nghịch và hóm hỉnh ra trò.
Sau này khi đã thân nhau, Khánh nói, Khánh đã bị tôi hút hồn ngay từ lần đầu gặp gỡ, Khánh thích vẻ đẹp mặn mà và đằm thắm nơi tôi, một vẻ đẹp như được hoàn thiện hơn sau những bước thăng trầm của cuộc đời. Vẻ đẹp của tôi quyến rũ Khánh hơn là vẻ đẹp lộng lẫy của những cô gái khác còn trẻ.
Chúng tôi cùng kể cho nhau nghe về quá khứ của mình. Sau khi nghe tôi kể xong, Khánh cảm thông cho hoàn cảnh của tôi và tỏ ra yêu thương tôi vô cùng. Khánh muốn bù đắp cho tôi tất cả những nỗi khổ đau và mất mát. Khánh nói rằng Khánh bằng tuổi tôi nhưng chưa hề lập gia đình. Ước vọng của Khánh là quyết tâm tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng ở một đất nước giàu có.
*
Khánh được sinh ra và lớn lên trên cùng mỏ Quảng Ninh, trong một gia đình có bốn anh em và Khánh là con cả. Bố Khánh, người Việt gốc Hoa, là công nhân mỏ than còn mẹ Khánh là giáo viên cấp I. Cũng như những gia đình Việt Nam nói chung, vào thời kỳ sau giải phòng miền Nam năm 1975, gia đình Khánh gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt nhà lại đông con nên càng vất vả hơn.
Ngày nhỏ Khánh ham chơi hơn ham học. Bố mẹ anh cũng cố gắng đầu tư cho anh và mong muốn anh học lên, thi đỗ đại học. Khánh thông minh nhưng ở lớp thì mải chơi, không chăm chú nghe giảng, về nhà chằng mấy khi xem lại bài vở. Vì thế kết quả học tập cảu anh bao giờ cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình hoặc khả dĩ là trung bình khá mà thôi.
Những năm miền Bắc chưa bị giặc Mỹ bắn phá, Khánh còn nhỏ nhưng chẳng bao giờ quên được tuổi thơ yên bình, ấm áp. Anh thường theo chúng bạn ra bãi biển, gấp những chiếc thuyền bằng giấy, thả chúng trên biển hoặc chơi thả diều, chạy dài trên bãi cát… nhà Khánh ccachs vịnh Hạ Long chỉ đi bộ chừng mười phút. Ngày đó, vịnh Hạ Long chưa được làm cho hấp dẫn như bây giờ, chưa có mấy khách du lịch. Nói đến Quảng Ninh, người ta chỉ có nghĩ ngay đến vùng mỏ, đến các bãi than, đến những người công nhân suốt ngày làm việc lầm lũi trong đó. Trẻ con cũng suốt ngày bày đủ trò chơi với than, với cát. Khánh thời đó là một đứa trẻ nổi tiếng nghịch ngợm của xóm thợ mỏ. Bố mẹ Khánh đã bao lần phải nghe thầy cô, họ hàng, chòm xóm ca thán về những trò nghịch quái đản của con mình. Khánh nghịch là vậy, tính cục, dễ nổi cáu nhưng lại rất hiền.
Khi Khánh lên sáu tuooit, giặc Mỹ bắt đầu leo thang ra đánh phá miền Bắc. Vùn mỏ quê anh là một trong những trọng điểm ném bom của giặc Mỹ. Anh phải theo mẹ và các em sơ tán về một vùng nông thôn, còn bố anh vẫn ở lại cung mỏ làm việc
Đã qua đi bao nhiêu năm rồi mà Khánh vẫn còn nhớ như in những ngày đi sơ tán. Mẹ anh vẫn tiếp tục dạy học ở nơi sơ tán. Dần dần, anh đã biết lo lắng giúp đỡ mẹ, chăm sóc các em. Sau những giờ học, anh theo bạn bè trong xóm đi mót khoai, mót lúa. Những ngày nghỉ, vào rừng lấy củi. Mới năm giờ sáng, bạn bè đã gọi nhau í ới. Đi bộ chừng hai giờ mới vào đến rừng. Mẹ anh chuẩn bị cho anh một nắm cơm muối vừng. Suốt cả ngày ở trong rừng, vừa chặt cây về nhà phơi khô làm củi, vừa hái những quả sim, quả móc chín, ăn cho đến lúc về nhà, miệng và môi tím ngắt. Nhờ các anh chị lớn tuổi giúp đỡ, anh cũng gánh được hai nắm lá chè tươi người ta thường bán ở chợ. Dần dà, anh gánh được nhiều hơn. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vui, hồn nhiên, vô tư lắm.
Năm 1973, sau khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Khánh được trở về nhà, nơi anh đã được sinh ra và lớn lên, nay thuộc thành phố Hạ Long. Biết bao nhiêu gia đình, khi hòa bình trở lại đã mất mát người thân. Thật đau xót!
Cũng may là gia đình khánh còn nguyên vẹn. Gia đình bố mẹ con được sum họp bên ông bà nội tuy đã già nhưng vẫn còn khỏe. Bố mẹ Khanh khuyên Khánh cố gắng học hành tử tế. Anh đã bớt nghịch hơn đặc biệt khi anh vào học cấp III. Nhưng anh không thích học. Nguyện vọng của anh là muốn sớm được đi làm để kiếm tiền. Bố mẹ anh không đồng ý. Rồi trầy trật mãi, đến năm 19 tuổi, Khánh tốt nghiệp phổ thông cấp III nay là phổ thông trung học. Nhưng anh không thi đỗ đại học năm đó. Nghe lời mẹ khuyên nhủ, tâm tình, anh đã cố gắng học để thi lại một năm nữa. Đó là năm 1979. Anh không ngờ đó lại là bước ngoặt của cuộc đời anh và cũng là năm mang lại cho gia đình anh một tai họa khủng khiếp.
Đầu năm 1979, những cuộc đụng độ ở biên giới phía Bắc giữa Trung Quốc và Việt Nam đã làm cho hàng ngàn gia đình người Việt gốc Hoa trong đó có gia đình Khánh, sống trong sự bấp bênh và sợ hãi. Họ lo sợ cho tương lai và mong muốn đảm bảo cho con cái họ một cuộc sống tốt đẹp. Họ lần lượt rời Việt Nam. Đi bằng con đường nào? Những người gốc Hoa giàu có còn khả dĩ, còn những người nghèo lấy đâu ra tiền để ra đi một cách hợp pháp. Hàng ngày, bố mẹ Khánh cứ sáng ra khỏi nhà sớm, tối lại trở về muộn. Cả hai đều tìm phương tiện để ra đi nhưng mãi vẫn chưa tìm thấy.
Cuối cùng, cùng một số người Việt và người Việt gốc Hoa, gia đình Khánh liền bám theo một chiếc thuyền rời Việt Nam vào tháng 6 năm 1979. Lúc đó Khánh vừa tròn 20 tuổi. Trên thuyền có khoảng 100 người. Trước khi từ biệt mảnh đất đã bao nhiêu năm gắn bó, gia đình Khánh cũng được thông báo là ra đi bằng thuyền như vậy đầy nguy hiểm. Mùa mưa bão ở vùng Đông Nam châu Á đã là mối đe dọa khủng khiếp với những chiếc thuyền đơn độc giữa biển. Đó là chưa kể đến bọn cướp biển luôn rình rập, đe dọa. Và cũng vô cùng khó khăn để có đủ lương thực, nước uống và chất đốt dự trữ.
Giờ đây, mỗi lúc kể lại chuyện vượt biển ra đi, mắt Khánh đẫm nước mắt. Sự cơ cực, nỗi hãi hùng mãi mãi khắc sâu trong trí nhớ của anh. Chẳng phải riêng gia đình anh mà tất cả những ai trên cùng chiếc thuyền đều chung cảnh ngộ, số phận.
Sau khi thuyền rời đất liền được mấy ngày, lương thực, thực phẩm gần như đã cạn. Việc ăn uống phải dè xẻn. Những hôm mưa to, gió lớn, thuyền chao đảo trôi thật khiếp sợ. Vậy mà chưa hết, trước khi thuyền cập bến Ma-lai-xi-a, một cơn bão đột ngột ập đến. Chiêc thuyền chao lộn trong bão tố, bầu trời đen ngòm, mưa như trút, những ngọn sóng biển gầm lên dữ dội như muốn nuốt chửng cả con thuyền. Và lần này, chẳng có điều kỳ diệu nào đã có thể xảy ra cả. Khánh chỉ còn nghe thấy tiếng kêu khóc, la hét của mọi người, tiếng khấn cầu Thượng đế, tiếng niệm phật, tiếng mẹ gọi con, tiếng vợ gọi chồng… Nhưng tất cả… đã bị chìm trong sóng biển, chỉ còn mình Khánh. Anh cố sức bơi, cố sức tìm những người thân yêu của mình nhưng không được. Cả ông bà nội, bố mẹ và ba đứa em của anh đã bỏ mình cho những con sóng hung dữ. Và Khánh không hiểu sao lúc đó sức lực tuổi thanh niên trong anh trỗi dậy mãnh liệt. Anh bất chấp mưa to, gió gào thét trên đầu, sóng biển đẩy anh càng xa bờ hơn nữa, lấy hết sức bình sinh bơi, bơi mãi cho tới khi may mắn thay, anh vớ được một chiếc bè gỗ lập lờ giữa sóng. Không ngờ chiếc bè gỗ ấy đã trở thành vật cứu anh. Anh sống gần trọn hai ngày, không ăn, không uống, vật vờ với chiếc bè cho đến khi dóng yên biển lặng, cho đến khi anh gặp được mọt chiệc thuyền kkhas lớn cũng chở người ra đi như anh.
Người ta kéo anh lên thuyền, cho anh ăn uống, anh hồi tỉnh dần. Nhưng giờ đây, những giờ phút trên thuyền là những giờ phút sợ hãi. Mỗi đêm đến lại một cơn ác mộng dày vò tâm trí anh. Thương nhớ cha mẹ, ông bà, các em và những người trên thuyền đã cùng chia sẻ số phận. Nỗi đau cứ ám ảnh anh mãi không nguôi.
Khi đến ma-lai-xi-a, Khánh được đưa vào trại Cô-moa. Hàng ngày ở trại tỵ nạn, cũng như mọi người, Khánh phải sếp hàng xin nước uống, xin đồ ăn từng bữa. Không những thế, việc xin nước rửa ráy, tắm giặt cũng phải sếp hàng. Ở đó, những người tỵ nạn luôn cảm thấy bị giam hãm. Ai đó có tiền muốn mua thêm đồ ăn hay các thứ khác đều không dễ. Nhờ có sự giúp đỡ của dân địa phương, từ ngày có trại tỵ nạn, chợ trời ở Ma-lay-xi-a được hình thành và ngày càng phát triển.
Những người Việt Nam ra đi như Khánh có thể chọn các nước khác nhau để xin tỵ nạn nhưng phải được nước đó chấp nhận. Thường phải chờ rất lâu vì cán bộ của nước những người tỵ nạn xin đến phỏng vấn họ kỹ càng rồi một thời gian sau mới trả lời. Có khi được nhận nhưng cũng có khi bị từ chối.
Đúng là một cuộc sống khổ cực, bấp bênh đử mọi phương diện! Nhưng, như người ta từng nói, “có gan ăn muống, có gan lội hồ:, “đã trót thì trét” - một lần Khánh nói với tôi như vậy.
Cuộc sống của Khánh ở trại tỵ nạn Cô-moa cũng giống như mọi người. Thương ông bà, cha mẹ, nhớ các em nhưng anh không còn đủ sức để khóc nữa. Anh chỉ còn cách làm sao nhanh chóng được một nước nào đó nhận. Anh sống trong một căn phòng gồm ba mươi người. Anh thấy thất vọng bởi vì trại tỵ nạn chẳng khác gì một trại tập trung. Tất cả đều ngủ trên sàn. Muốn làm gì cũng phải xếp hàng. Ăn uống theo tiêu chuẩn, đinh lượng. Phải tự mình xoay sở. Vốn nhanh nhẹn, xốc vác nên Khánh được bầu là trưởng nhóm chia cơm. Thấy mấy em gái nhỏ bé, gầy còm, nghĩ tới các em mình, khánh ưu tiên chia phần hơn nhưng các nhà chức trách lại không muốn vậy. Thế là Khánh bị mất “chức”. “Khánh đã có thể chết vì đói” – Khánh nhớ lại và nói với tôi như vậy. Khánh kể, cạnh phòng Khánh ở, có một chị có thai đến kỳ sinh nở, đã đẻ con trên sàn nhà lạnh. Chị ấy nói trong nước mắt: “Con tôi chết mất! Tôi đã thấy nó tím tái!”. Và cuối cùng thì đứa bé sơ sinh đã chết. Khánh làm sao quên được những thảm cảnh như vậy…
Một năm sau, Khánh đã được nước Cộng hòa Pháp nhận. Khánh xin đi Mỹ nhưng chờ đi Mỹ chẳng biết đến bao giờ nên anh đã chấp nhận đề nghị đầu tiên là đi Pháp mặc dù anh chẳng biết một chữ một tiếng Pháp bẻ đôi. Anh nhớ mãi phút từ biệt tất cả những người ở lại trại. Dù khổ cực muôn bề nhưng đồng cảnh ngộ nên cũng dễ thông cảm. Anh bước lên chiếc máy bay chở hàng và ngồi yên cho đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Mác-xây. Sau đó anh được ở trong một cư xá của thành phố Mác-xây.
Khi đến Mác-xây, Khánh không có điều kiện và cũng không nghĩ đến việc đi học kể cả học tiếng. Mặc dù đã đến được nước Pháp, tương lai của Khánh vẫn mờ mịt. Khánh chưa biết sẽ xoay xở ra sao khi mình khồn hề biết tý gì về tiếng Pháp. Vốn liếng kiến thức văn hóa chẳng có là bao. Đêm đêm, anh vò đầu suy nghĩ. Lời mẹ năm nao còn văng vẳng bên tai anh nay anh mới thấy thấm thía: “Không phải cứ điều gì mình muốn là có thể được mà không cần sự cố gắng phấn đấu”. Người trẻ đôi khi hay nghĩ một chiều và cứ thế làm theo ý mình và cho là mình đúng. Khánh đã cho rằng những lời khuyên của bố, những lời tâm tình của mẹ là những lời chỉ có tính chất lý thuyết, giáo điều. Tồi Khánh thoáng nghĩ đến những lần trốn học, rong chơi hay đi bắt tổ chim trong những năm đi sơ tán. Giờ đây, Khánh giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về nỗi chán ngán của mình khi phải làm bài tập, phải các cuốn đọc sách…
Lúc ở trong hoàn cảnh thực, không đủ vốn liếng về văn hóa, kiến thức các môn khoa học cơ bản, không đủ nghị lực để vượt qua nỗi vất vả vừa đi học vừa xin làm thêm kiếm sống, không có lòng kiên nhẫn để học tiếng, nên Khánh dù được phép ghi danh học đã không thể theo học đại học hay trung cấp ở Pháp được. Khánh xin việc, đi làm ngay để kiếm sống. Khánh nhận làm chân rửa bát trong một nhà hàng ở thành phố Mác-xây. Để có thể làm công việc chạy bàn, Khánh cũng theo học tiếng Pháp. Ban đầu, vốn từ còn ít, thấy dễ, Khánh còn háo hức. Về sau, lượng từ ngày một nhiều, ngữ pháp ngày một khó, Khánh thấy nản, vậy là bữa đực bữa cái… Khốn nỗi, không muốn học từ vựng lại không theo chương trình ngữ pháp đến nưi đến choons, Khánh giao tiếp được nhưng chỉ là sự giao tiếp bình thường, đơn giản mà thôi. Khánh cho rằng mình không có năng khiếu ngoại ngữ nên không chịu cố gắng nữa.
Mấy năm làm việc cho nhà hàng mà tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Sau đo, Khánh chuyển lên phía bắc nước Pháp, xin vào làm chân bốc vác ở cacngr Ha-vrơ. Vất vă, cực nhọc mà lương tháng chẳng được bao nhiêu. Lại chuyển sang làm phụ sửa chữa cho một xưởng ô tô nhưng công việc cũng chẳng mấy hấp dẫn. Được mấy năm, Khánh lại muốn chuyển việc. Nghe nói ở Pa-ri dễ kiếm việc và tiền công thường được trả cao hơn, Khánh lại nấu ăn khá ngon và thích công việc đó, Khánh đã tìm về Pa-ri để thử vận may.
Chính trong những ngày đó của Khánh ở Pa-ri, Khánh và tôi gặp nhau.
*
Khánh ít nói nhưng mỗi lần kể chuyện cũng dí dỏm, hài hước. Quen nhau đã mấy tháng rồi, Khánh tỏ ra rất yêu thương, chăm sóc và an ủi tôi nhưng lại không hề đòi hỏi được quan hệ gần gũi thân thể khi lòng tôi chưa muốn. Quả thật, tôi thấy sợ cho một lần lầm lỡ nữa. “Con chim phải đạn, sợ làn cây cong”. Tôi đã làm khổ mẹ và gia đình tôi quá nhiều rôi. Quyết định thiếu chín chắn của tôi đã làm cho hai đứa con thơ dại của tôi phải chịu thiệt thòi, bất hạnh… Lắm lúc, tôi nguyền rủa mình nhưng tôi đã không thể làm được gì hơn nữa.
Dần dần, quan hệ vioo tư, trong sáng và sự quan tâm mạnh mẽ của Khánh đã chiếm được cảm tình của tôi. Biết Khánh đang trong hoàn cảnh khó khăn tôi thấy thương và đồng cảm. Thế rồi chúng tôi yêu nhau, sống cùng nhau trong một gian nhà nhỏ bé, tầng trên cùng, sát nóc của một tòa nhà vùng ngoại ô Pa-ri. Cũng như Khánh, tôi xin được giấy tờ và nằm trong danh sách những người tỵ nạn.
Làm gì để tiếp tục sống? Cầm trong tay thẻ tỵ nạn, tôi bắt đầu xin được việc làm, làm chân phục vụ trong một nhà hàng ăn uống Việt Nam tại Pa-ri. Vốn tính cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó, cũng như Khánh, tôi làm việc không kể ngày đêm, chỉ mong sao kiếm được tiền mà thôi. Ngày làm , tối làm, đêm đến khuya mới được về. lúc đó chân tay tôi mỏi nhừ, cột sống đau nhức.
Vì tôi thạo tiếng Pháp nên chủ nhà hàng giao cho công việc chạy bàn. Suốt ngày, hầu như chỉ có đi và đứng, tôi đau tê hết cả hai chân. Dù buồn, nhớ các con nhưng lúc nào tôi cũng phải cười tươi với khách. Một số cháu còn trẻ tuổi là sinh viên sang Pháp học, cũng đến nhà hàng xin làm thêm để có chút thu nhập. Thấy các cháu cũng làm công việc như mình, dẫu không nói ra nhưng trong lòng, tôi thấy tủi hổ. Ở nhà dù không phải là “cành vàng lá ngọc” nhưng tôi đâu có phải lao động chân tay như vậy. Thế mà giờ đây, vì cuộc sống, vì phải kiếm tiền, tôi lao vào làm việc. Không cong nghĩ được một cái gì nữa cả ngoài công việc. Còn nói chi đến xem phim, kịch, nghe hòa nhạc hay đơn giản là dạo chơi, vì không còn thời gian nữa.
Mấy tháng đầu sau khi có việc làm, tôi tìm cách gửi tiền quà về cho bố con bé Hùng. Từ ngày biết tôi quyết định không trở về nữa, Lâm như càng khép kín mình hơn. Vốn đã lặng lẽ, xa lánh những bạn bè, đông nghiệp của tôi, nay Lâm lại muốn cắt đứt hết mọi mối quan hệ có liên quan tới tôi. Lâm không nhận bất cứ một món quà gì tôi gửi nữa, dù đó chỉ là món đồ chơi cho con. Anh là một con người khái tính đến khủng khiếp. Khi đã không cần, anh sẵn sàng bất chấp tất cả. Những năm tháng trong quân ngũ rèn luyện cho anh thành một con người sống có kỷ luật, can đảm, không ngại khó, biết tự lực cánh sinhvaf không coi trọng vật chất. Khởi đầu những ngày yêu nhau, sống cùng nhau, Lâm là một người tốt, khảng khái, song có lẽ một phần vì quá yêu tôi, sợ mất tôi một cách dễ dàng, một phần nữa lại do tôi bướng bỉnh, đã không biết lựa tình huống để xử sự, đã không biết rằng một sự nhịn là chín sự lành, đã biến anh thành một con người yêu theo kiểu ích kỷ, bệnh hoạn. Tôi đã quen nếp đành hanh, “bắt nạt” Nam, nhưng với Lâm lại không thể như thế. Những lời nói không đúng lúc, đúng chỗ của tôi, mặc dầu nhiều lúc là có lý, đã như đổ thêm dầu vào lửa…
Tất cả những gì tôi gửi về cho Lâm và con chỉ một thời gian sau quay trở lại. Tôi thật sự đau khổ và thương con. Lâm không nhận và không cho con cầm bất cứ thứ gì của tôi nữa cả.
*
Cuộc sống của Khánh và tôi cũng dần ổn định. Hai năm sau, vào tháng 6 năm 1994, bé Ngọc ra đời, là kết quả tình yêu của tôi và Khánh. Lần này sinh con, sức khỏe tôi giảm sút nhiều nhưng tôi khoog muốn nghỉ việc. Thế nhưng ở Pháp, sau khi đẻ con, muốn đi làm, thuê người giúp việc lại phải trả số tiền tháng nhiều hơn là tiền lương của những người làm công như tôi. Bởi vì ngoài tiền lương phải trả cho người giúp việc, chúng tôi còn phải đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc và chịu trách nhiệm về người giúp việc nếu trường hợp người giúp việc đau ốm hay bị tai nạn. Không đơn giản là thuê người giúp việc như ở Việt Nam. Vậy nên tôi đã nghỉ ở nhà một năm trông con.
Khi bé Ngọc tròn một tuổi, chúng tôi gửi cháu ở nhà trẻ của quận. Cũng may cháu khỏe mạnh và ngoan. Hàng ngày, tôi chỉ làm việc từ sáng đến bốn giờ chiều vì còn phải về đón con. Càng ngày tôi càng thấm thía cuộc sống ở một đất nước giàu có, phát triển.. Khi chúng tôi phải thực sự lo cho cuộc sống của mình, ngoài căn nhà thuê, chúng tôi phải nộp đủ các khoản bảo hiểm, nào là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhà ở phòng khi có sự cố, bảo hiểm xe (chúng tôi đã mua được một chiếc xe ô tô cũ). Đến cuối tháng, một loạt hóa đơn thanh toán được gửi đến cũng đủ sởn cả tóc gáy. Đó là chưa kể những khi con cái hoặc mình bị ốm đau…
Khánh là một người đàn ông chăm chỉ, ham kiếm tiền và khéo nấu nướng, đã đảm nhận làm đầu bếp cho nhà hàng. Các món ăn do anh phụ trách được khách hàng khen nên chủ nhà hàng tỏ ra rất hài lòng.
Bé Ngọc lên ba tuổi, hàng ngày tôi đưa bé đến trường mẫu giáo. Bé ăn trưa tại trường. Tôi đóng thêm tiền hàng tháng để có thể gửi bé đến sáu giờ tối. Ngày thứ tư và chủ nhật, tôi ở nhà cùng con (thứ tư hàng tuần là ngày nghỉ của học sinh trường tiểu học). Ngày thứ bảy, thường khách hàng ở nhà hàng tôi làm đông, tôi không thể nghỉ được, phải nhờ người trông con.
Thời gian cứ thế trôi. Thấm thoắt, bé Ngọc đã đến tuổi đi học. Mỗi lần ở nhà với con, tôi đều tranh thủ nói tiếng Việt để Ngọc có thể sau này sử dụng được tiếng mẹ đẻ của mình. Ngọc không chăm lắm nhưng ngoan và học được. Năm nào Ngọc cũng được nhà trường và quận khen