GIAO THỪA Ở MỘT NƠI KHÁC
Song Thao
Hai lát săng-Uých kẹp tí rau tí thịt. Một trái táo xanh, vàng hoặc đỏ, mùa nào mầu nấy tùy theo giá sale ở chợ. Một lon coke để từ sáng tới trưa gần hết lạnh. Thịnh bất chợt nhớ tới bức thư của cô em ở Việt Nam vừa nhận được hôm quạ Mấy ông bên đó về ngồi trong nhà hàng có lon bia hoặc lon coca-cola trên bàn mặt cứ vênh lên. Chó má thật! Có vài chục cents mà cũng bầy đặt làm le với những người bần cùng đói khổ. Anh mở lon nước, tiếng cách khô khan chán chường vang lên. Đầu óc anh vẫn còn âm vang tiếng máy. Xập xình bụp. Xập xình bụp. Một ngày tám tiếng, một tuần năm ngày. Xập xình bụp. Một năm trôi qua chậm rãi nhẩn nhạ Vậy mà đã mười năm ngồi ôm cái máy chán ngơ chán ngắt. Thịnh cứ ngỡ mình như một bộ phận trong cái máy. Xập xình bụp. Tay quăng ra một miếng thép hình thù méo mó kỳ dị. Đã có hàng triệu cái xập xình bụp trong đầu. Đã có hàng triệu miếng thép quăng ra. Vậy mà anh chẳng biết người ta dùng làm cái quái quỷ gì những miếng thép đã chôn vùi đời anh. Cuộc sống bây giờ lạ thật! Cứ từng phút, từng giờ, từng ngày qua đi mà chẳng hiểu mình đang làm cái thứ gì. Ngồi như một đống thịt có cái đầu bằng đất và đôi tay bằng thép. Chẳng cần nghĩ ngợi. Ngu ngơ như một nhánh cây.
Thịnh bày bữa ăn giản dị trên mặt bàn lỗ chỗ những vết nứt nẻ. Anh chống một tay lên bàn làm chiểc bàn chao nghiêng kẽo kẹt. Chiếc bàn có lẽ cũng cùng tuổi với anh chủ già khú đế hà tiện kinh niên. Chẳng bao giờ anh ta chịu chi ra một đồng sắm sửa phương tiện cho công nhân thoải mái. Anh coi người làm như những tên nô lệ mẫn cán. Có làm mới có tiền, nghỉ làm thì nghỉ chi, thôi luôn càng tốt. Mướn người khác lươngng thấp hơn là xong. Nhưng máy hư thì anh cuống cuồng như gà mắc đẻ, chạy ra chạy vô mặt khó đăm đăm như khỉ đớp phảii miếng gừng già có hột. Thịnh dừng ngay những ý nghĩ vụn vặt về máy và người lại. Chẳng nên hành hạ quá đáng cái đầu vốn chẳng còn nhiều nhặn sự bén nhạy tinh anh.
Thịnh cắn một miếng bánh ngước mắt nhìn qua vuông cửa kính cao vút gần trần nhà có cái màn rách tơi tả mang cái màu mà anh vẫn gọi đùa là màu... thời gian. Đừng tưởng bở đó là cái màu thanh thanh của mấy ông thi sĩ nhiều tưởng tượng thường hay vẽ vời cho cuộc đời thêm hương thêm sắc. Đó là cái màu chẳng biết nguyên thủy nó ra sao nhưng nay thời gian đã làm nó bệ rạc như một cái khăn lau chén bát của mấy bà bàn cháo lòng ở quê nhà. Tuyết bay lất phất ngoài trời, như những cánh sao nho nhỏ đang chơi trò đuổi bắt. Mấy cành cây khô khẳng khiu giang tay ra chịu tội. Buồn thấm vào tận da.
Thịnh thấy nhớ nhà quá đỗi. Giờ này là giờ thiêng liêng nhất của một năm. Mọi người chắc đang quây quần đầy đủ bên bàn thờ nhang đèn lung linh trang trọng. Cha anh chắc vừa đốt xong chiếc bánh pháo toàn hồng đón chào năm mới. Từ bao nhiêu năm nay, ông có bao giờ quên phong pháo đầu năm này đâu. Cái tuổi thất thập có lẽ chưa đủ ngăn cản ông làm cái thủ tục trịnh trọng này. Anh giơ tay coi đồng hồ. Mười hai giờ mười phút. Chắc phong phào vừa hoàn tất cuộc hiến mình ồn ào mang lại niềm vui cho mọi người. Lũ cháu anh hẳn đang thích thú chạy loanh quanh trên thềm nhà hồng lên xác pháo để kiếm những chiếc pháo hiếm hoi còn sống sót sau cuộc hủy hoại trầm hùng đầu xuân. Chỉ một lát nữa thôi mẹ anh sẽ tươi cười phân phát những bao lì xì đỏ chót cho lũ cháu mỗi ngày mỗi đông hơn. Chỉ thiếu mấy đứa con thằng Thịnh. Năm nào bà cũng nhắc như vậy. Đã bao năm rồi mà mẹ vẫn chưa quên được cái cảnh vắng mấy cháu. Hình như mẹ luôn luôn nghĩ là sự xa cách không có thật. Nỗi đau xót rạt rào lúc nào cũng như tinh khôi. Đứa em gáí đã viết qua như vậy. Mỗi năm mỗi giọt nước mắt long lanh trên rèm mi thưa. Thịnh như nhìn thấy giọt nước mắt nhớ thương đó của mẹ già. Anh ngồi bất động tái tê.
- Ê ông bạn đang làm thơ hay sao vậy?
Thịnh chợt tỉnh cơn mơ quay qua cười với Claudẹ Claude nhe hàm răng trắng phô ra hết cỡ cười đáp lễ. Nhưng mắt Claude bỗng khựng lại soi mói:
- Mày khóc hay sao vậy?
Thịnh vụng về quệt tay ngang mắt chống đỡ yếu ớt:
- Đâu có!
Anh cầm lon nước lên uống một hớp. Nước lạnh như cuốn trôi những hình ảnh vừa lan man chập chờn trong đầu anh. Anh nhìn vào khuôn mặt đen bóng của Claude khẽ nói:
- Hôm nay là ngày đầu năm Việt Nam. Tiếng Việt gọi là tết. Tiếng chuông reng báo hiệu giờ ăn trưa ít phút trước đây chính là lúc khởi đầu của năm mới bên nước tao.
- Happy New Year!
Claude giơ bàn tay thô tháp ra nắm lấy tay Thịnh lắc lia lắc lịa. Nụ cười chưa kịp tàn đã lại rộn rã nở bung ra với ánh mắt long lanh và hàm răng bóng loáng của anh chà và Hynos. Thịnh nhớ lại cái quảng cáo thuốc đánh răng lớn khổ trên nóc chợ Bến Thành nhộn nhịp phiên chợ xuân. Cái ồn ào hỗn độn chen chúc nhiều khi làm Thịnh bực mình hồi đó bây giờ sao thấy thương nhớ miên man. Thịnh thèm cái không khí bụi bậm nóng bỏng với những vệt mồ hôi nhớp nhúa dính kìn kịt làm chua những chiếc áo mới thay, những tiếng rao hàng bằng loa phóng thanh đua nhau vặn hết cỡ chói chang nhức nhối, những chèo kéo của mấy anh chị bán hàng ồn ào thô lỗ, những màu sắc rực rỡ của bánh mứt nằm tràn lan trên những quầy hàng đỏm đáng bắt mắt.
Tiếng Claude thân mật hỏi han:
- Chắc mày nhớ nhà lắm. Mỗi lần năm mới đến tao cũng nẫu cả người nhưng nước tao cũng theo Dương lịch như bên đây nên thấy thiên hạ nhộn nhịp cũng bớt lẻ loi. Mày có một cái... Cái gì hè? Hồi nãy mày nói chữ gì? Đầu óc tao thật tệ mạt quá.
- Tết.
- À, tết. Tao phải cho cái chữ này vào cái computer khập khiễng trong đầu tao mới được! Mày có một cái tết... lẻ loi không giống ai nên chắc mày phải buồn hơn tao. Sống xa nhà.
mỗi lần lễ lạc là phiền cho cái trái phập phồng nằm trong lồng ngực phía bên trái lắm đó.
Claude có lối nói chuyện nhiều thông minh và không hiếm khôi hài. Đã từng gõ đầu trẻ, đã có lúc có job ngon làm cho phái bộ Liên Hiệp Quốc tiền bạc rủng rỉnh nhưng hắn đành phải ngậm ngùi giã biệt Haiti qua tỵ nạn ở Montreal. Tại vì cha con thằng Duvalier cả! Tụi độc tài thì đứa nào cũng như nhau. Nghi ngờ chống đối lại chế độ là a-lê-hấp vô tù. Bắt lầm còn hơn bắt sót. Anh chàng Claude trốn thoát một cuộc bắt giam là khăn gói quả mướp ra đi liền. Tao thấy hoàn cảnh tao cũng giống như mày? Thịnh gật đầu liền. Khuôn mặt quê mùa đần độn nhưng luôn luôn lên gân dạy dỗ của thằng quản giáo non choẹt trong trại học tập cải tạo, khuôn mặt bủng như chì thâm độc tàn ác của thằng công an khu vực, cái miệng nói như vẹt câu nào câu nấy đều nặng nề vẻ đe doạ, căm hờn của con mẹ phường trưởng về từ một xó xỉnh rừng rú nào đó. Những cái mặt đã đẩy anh ra biển làm một cuộc hải hành hãi hùng phần chết nặng hơn phần sống. Hai con người chê độc tài gặp nhau trong cái nhà máy tối tăm này. Tên da vàng mang nỗi phiền muộn như tên da đen. Cả hai giúp nhau đốt thời gian nhàm chán bằng những câu khôi hài ý nhị và bằng những bàn luận trên trời dưới biển, chính trị chính em, văn nghệ văn gừng, triết lý vẩn vơ.
Bụng Claude hìền lành như củ khoai tròn trịa nhẵn thín. Mỗi tuần lễ lãnh check đổi tiền xong là nhét vào cái ngăn nhỏ xíu trong bóp tiền một tờ hai chục. Tìền dâng cúng nhà thờ. Hắn theo đạo Cơ Đốc và Chủ Nhật nào cũng chịu khó tới vấn an Chúa. Mày là con ngoan của Chúa chắc chỉ nay mai Chủa sẽ cho gọi mày về ngồi b6n cạnh cho cuộc đời đỡ vất vả. Thịnh đã có lần nói rỡn như vậy. Claude dẫy nẩy lắc đầu cuồ cuội. Không có đâu. Còn sớm quá. Tao còn mấy đứa nhỏ phải nuôi chắc Chúa cũng hoãn cho tao ít chục năm nữa chứ!
Nhìn cái vẻ hiền lành chân chất của Claude, Thịnh không ngạc nhiên khi thấy dân Haiti vừa được bầu cử tự do liền bầu ngay ông thầy tu Aristide làm Tổng Thống. Và Thịnh cũng chẳng ngạc nhiên khi cái ông Tổng Thống nhu mì này ngồi chưa ấm chỗ đã bị mấy anh quân phiệt lật đổ chạy tất tưởi ra ngoại quốc. Bữa xảy ra đảo chánh ở Haiti, Claude buồn rã rợi. Thịnh nói về những hình ảnh nóng hổi trên đài truyền hình. Anh xúc động khi nhìn thấy cảnh sống nghèo nàn của người dân xứ này. Claude gật đầu. Dân nước tao nghèo lắm. Bao nhiêu tiền chui vào túi của những thằng cầm quyền tất cả. Bất công! Ánh mắt Claude đỏ lên nỗi giận dữ. Thịnh nhớ tới những cuộc tranh luận khá gay gắt giữa anh và Claudẹ Claude cho chỉ có chế độ cộng sản mới tiêu diệt được những áp bức to lớn trên trái đất này và mang lại một cuộc sống công bằng và bình đẳng cho con người. Thịnh đã hăng hái nêu ra những dữ kiện, kể lại những kinh nghiệm bản thân dưới chế độ hà khắc của cộng sản nơi quê nhà nhưng anh vẫn không thuyết phục được Claudẹ Cái bánh vẽ nhiều màu sắc của một chủ thuyết hấp dẫn trong sách vở làm cho cặp mắt Claude
choáng ngợp u mệ Kịp cho tới khi chế độ cộng sản thi nhau sụp đổ Claude mới thoát ra khỏi cơn mê muội. Hắn vỗ vai Thịnh thú nhận đã lầm lẫn. Có làm ngơ tới mấy thì mắt bây giờ cũng phải mở ra. Cái vết sâu quảng của chủ nghĩa cộng sản bị mở tung ra dưới ánh sáng mặt trời, mùi xú uế xông lên khắp mặt đất. Mũi nào còn chịu nổi? Nhất là cái mũi chè bè trống hốc trống hác của Claude.
Đôi mắt của Clande lém lỉnh như đôi mắt của một con sóc tinh ranh. Nó ánh lên vẻ ranh mãnh cời cợt nhiều khi làm Thịnh bất ngờ thích thú. Như có lần đọc báo thấy người ta làm cuộc thăm dò về cái trinh của con gái xứ này Claude hô hoán lên. Hỏng hết! Hỏng hết! Trăm đứa không có tới chục đứa đàng hoàng. Tụi này mà ở bên nước tao thì phải biết! Mặt Claude căng lên phẫn kích. Bên tao mà đứa nào léng phéng trước khi về nhà chồng thì sau đêm tân hôn, bên nhà trai sẽ gởi về bên nhà gái một cái bánh. Thịnh dương mắt dò hỏi. Cái bánh này có hình thù như hai bàn tay khum khum úp vào nhau ở giữa có một khe hở. Thế là rồi đời cái danh tiếng của cả họ! Thịnh phá lên cười. Sao nước mày cách nước tao cả vạn dặm mà cũng nghiệt ngã như nhau vậy? Bên nước tao coi chữ trinh của con gái đáng giá... Thịnh muốn nói tới chữ ngàn vàng mà không biết nói làm sao. Các cụ dậy bảo con cháu vắn tắt toàn bằng vần điệu nên nhiều khi làm khó con cháu quá. Ngàn vàng thì nói sao cho anh tây đen này hiểu. Thịnh cương như kép hát quên tuồng tích. Đáng giá một ngàn... lạng vàng. Một lạng vàng ở nước tao nặng hơn một ounce vàng ở bên này, theo thời giá chắc cũng phải năm trăm đôn. Mày cứ nhân lên một ngàn lần năm trăm đôn khắc biếc. Một núi tiền chứ ít ỏi gì. Thế cho nên về nhà chồng mà mất cái ngàn vàng thì chỉ đáng giá cái... tai heo. Nhà trai sẽ gửi cho nhà gái một đầu heo barbecue bị cắt tai. Tới lượt Claude cười hô hố. Bên mày rắc rối quá! Tao không hiểu cái bánh có đường rãnh ở nước tao và cái tai heo của nước mày cái nào có lý hơn. Claude thích thú ra mặt. Đôi mắt như hai con ốc nhồi đầy gân máu đỏ của hắn đảo qua đảo lại. Thịnh nhớ tới đôi mắt của những con lân rực rỡ uốn éo quay cuồng trong những ngày xuân. Tiếng trống lân nhịp nhàng dồn dập làm rộn rã lòng người. Như trở lại trong anh cái náo nức của những buổi sáng ngày Tết lái chiếc xe Vespa lóc nhóc bày con nhỏ xíu chạy đi săn lân khắp các đường phố Chợ Lớn. Nhưng ánh mắt non dại sáng lên trước những khuôn mặt ông địa cười hoài không bao giờ dứt đang lăng xăng múa quạt đùa cợt với lân. Bước chân lân vững chắc rỡn với những tràng pháo nổ tung toé bốc lên từng đám khói mù mịt thơm mùi tết nhất. Khuôn mặt ngây thơ hồi hộp theo dõi đầu lân đang leo lên cây cột cao vút cố với tới cây rau xà lách lòng thòng một dây tiền hấp dẫn. Ngày nay bày con của anh đã có nhiều đứa có chiều dài gấp đôi những đứa trẻ của ngày tết xa xa đó và những đôi mắt đã quen thích thú với những trò chơi trên tuyết chẳng hiểu có còn vương vấn chút nào hình ảnh con lân lộng lẫy của những ngày thơ ấu không?
Miếng bánh trong miệng Thịnh dẻo quẹo bám vào răng làm Thịnh khó nuốt trôi xuống cổ. Thịnh nhớ tới chai rượu nho cả nhà chia nhau uống vào gìờ đầu tiên của năm mới. Những miếng mứt do mẹ và mấy cô em gái làm từ mấy ngày tưrớc vẫn tươi mát thơm lừng. Thử nhón vài lát mứt bí trắng phau bỏ vào miệng. Cái vị ngậy ngậy, ngọt ngọt như thấm vào từng ngóc ngách trong miệng. Ăn thêm một trái mứt me màu hổ phách trong veo nằm hững hờ co quắp bên góc dĩa. Chua chua dìu dịu kéo nước miếng trào ra lòng vòng thích thú. Nhưng phải miếng mứt gừng mới mang lại vị tết. Cái vị tân khổ mà quyến rũ. Cay đắng mà ngào ngạt. Thịnh cảm thấy bứt rứt trong người. Miếng bánh theo làn nước miếng trôi tuột xuống cổ lúc nào không biết. Claude hỏi:
- Chắc ngày tết ở nước mày có nhiều phong tục lắm nhỉ?
Thịnh ngẩn người suy nghĩ. Trong cái rừng nghi lễ, tập tục kiêng cữ của ngày tết biết nói cái gì cho Claude có một ý niệm rõ ràng bây giờ? Anh chậm rãi trả lời:
- Tết đối với Việt Nam là một dịp xum họp của mọi phần tử trong gia đình, cả người sống lẫn người đã khuất. Chiều hôm tưrớc ngày tết, tất cả những người trong gia đình đã vĩnh viễn ra đi đều được mời về chung vui với những người còn sống. Thường trên bàn thờ có để hình những người đã chết được phủ một miếng vải đỏ, chỉ những dịp cúng giỗ hay tết nhất những tấm vải đỏ mới được vén lên để lộ những khuôn mặt của các người đã khuất giữa trầm nhang nghi ngút, đèn nến sáng trưng. Những người còn sống, theo thứ tự từ lớn tới nhỏ vào vái lậy trớc bàn thờ chào đón những người đã khuất. Dù ở xa xôi tới đâu đi nữa, người nào người nấy đều cố gắng thu xếp để có mặt trước bàn thờ trong giờ phút thiêng liêng của đất trời đổi mới. Ai không về được đều tự coi như bất hạnh.
Claude khẽ ngắt ngang lời Thịnh:
- Vậy mà giờ này mày ngồi đây giữa cái xó xỉnh buồn nản này.
Thịnh nghe như đôi mắt nằng nặng:
- Tao đã mang cái bất hạnh này mười năm nay rồi, bây giờ nó như một nỗi xót xa pha chút cay đắng.
Claude cảm thấy như đã lỡ lời nên vội khỏa lấp:
- Mày kể tiếp câu chuyện tết hấp dẫn của mày đi!
- Vì cái tết mang một ý nghĩa trọng đại như vậy nên mọi người đều cố gắng chuẩn bị thật chu đáo. Ngoài việc lau chùi, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa các thứ cần dùng trong ba ngày tết, mỗi người đều tắm rửa sạch sẽ để đón xuân. Thường người ta tắm bằng nước nấu các thứ lá có mùi thơm cho thân xác được thơm tho tinh khiết.
Claude mở to mắt sảng khoái nói lớn:
- Sao lạ vậy? Ở nước tao ngày đầu năm tất cả mọi người cũng tắm tẩy trần như vậy. Nhưng họ lội xuống sông tắm cho thiên nhiên cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp trong năm cũ. Dĩ nhiên cái nước da quá lửa của tao thì chẳng bao giờ phai được.
Claude nói xong nhìn Thịnh cười hô hố. Thịnh cũng cười theo. Anh biết Claude muốn nhắc tới câu chuyện khôi hài mà anh đã kể ít ngày hôm trước. Chuyện như thế này. Khi Thượng Đế muốn tạo ra con người, Ngài lấy đất sét nặn một hình nhân rồi cho vào lò nung. Lần đầu tiên, Ngài chưa có kinh nghiệm nên lấy ra hơi sớm. Hình nhân còn trắng bóc. Thế là có người da trắng. Ngài nặn một hình nhân khác. Lần này Ngài cẩn thận nung lâu lâu một chút cho chắc ăn. Không ngờ Ngài cẩn thận quá nên để quá lửa. Hình nhân đen thui. Thế là có người da đen. Ngài lại hì hục nặn một hình nhân khác. Rút kinh nghiệm của hai lần trước, lần này Ngài mang ra khỏi lò một con người vừa ý. Đó là người da vàng. Câu chuyện hơi... trịch thượng nhưng vẫn làm cho Claude bày ra hai hàm răng rộng rãi. Từ đó hắn rất thú vị tự nhận mình có làn da overbaked do sự vụng về của Thượng Đế. Hắn nói như tiếc rẻ. Phải chi Thượng Đế khéo léo hơn một chút thì cõi đời này vui biết bao nhiêu không. Anh nào anh nấy giống nhau như anh em một nhà, chẳng còn chia rẽ, chẳng còn phân biệt chủng tộc, chẳng còn kèn cựa ức hiếp, người nào cũng hiền lành như cục đất sét nguyên thủy. Thịnh thấy Claude có vẻ hiền lành như cục đất sét thiệt. Chẳng bao giờ anh thấy Claude to tiếng với ai, mặc dù chung quanh anh hầu hết là dân tứ chiếng từ khắp các ngõ ngách của trái đất tới đây tha phương cầu thực. Họ ít học nhưng nhiều máu giang hồ, nói năng không đệm được một câu chửi thề vào thì coi bộ lạt mồm lạt miệng, cãi nhau như cơm bữa và không ngại ngùng gì khi phải dùng tới tay chân để "nói chuyện" với người khác. Claude khác hẳn. Lúc nào nụ cười cũng sẵn sàng trên đôi bờ môi dày dặn vững chắc, củ mỉ cù mì nhẫn nhục như một ông thầy tu lạc lõng giữa chợ đời. Có lẽ Claude cũng thấy nơi Thịnh một con người không giống những người chung quanh. Giờ nghỉ ngơi chỉ biết ôm sách đọc ngấu nghiến không cần biết tới ai, ai hỏi thì nói, mà nói năng đàng hoàng không bao giờ dùng tới một chữ cộc cằn thô lỗ, gặp ai cũng chào hỏi lịch sự nhưng chẳng thân với ai. Chính trong một lần thấy Thịnh đọc một quyển tiểu luận về văn chương Pháp mà Claude làm quen với Thịnh. Hai người ngồi nói chuyện lan man về giòng văn chương của cái xứ sở thanh lịch đó và đã leo tuốt lên tận thế kỷ mười sáu đọc thơ Ronsard luôn! Ông Ronsard chắc phải ngỡ ngàng khi được hai tên công nhân hạng bét trong cái nhà máy ồn ào dơ dáy này thỉnh về trò chuyện. Thật chẳng là một chỗ thích hợp! Hai cái tên không giống ai từ đó thân thiết với nhau cứ tới giờ nghỉ là gặp nhau đấu láo toàn chuyện trên trời dưới bíển. Mấy anh cai chữ nghĩa rất lơ thơ mắt cứ trợn tròn lên trước cái cảnh một tên da vàng, một tên da đen ôm hết sách này tới sách khác ngồi thủ thỉ với nhau quên trời quên đất
Một anh cai già tới đập vai Thịnh hỏi:
- Đổi check không?
Thịnh bực dọc lắc đầu. Cái đầu của Claude cũng lắc theo khi ánh mắt xanh lè rã rượi liếc qua hắn chờ đợi. Chờ cho anh cai già đi “rao hàng” ở chỗ khác, Claude mới quay qua nói với Thịnh:
- Tao không hiểu nổi thằng cha này. Tộì thân gì mà đi nhặt nhạnh từng đồng cho tụi nó cười chọ Nhiều bữa thằng chả “ế hàng” mang cái mặt chảy dài tới rốn đến hạch sách làm tao muốn... chửi thề.
Nói vậy chứ Thịnh chưa bao giờ nghe thấy câu chửi thề phát ra từ cái miệng chỉ biết hát Thánh ca này. Nhiều hôm cao hứng Claude hát liên miên giữa tiếng máy nồ âm ĩ làm anh cai phải tới can gián mới thôi. Anh cai đã quá tuổi về hưu từ mấy năm trước nên ít thích nhộn nhịp lắm. Trên đời chỉ có một thứ làm anh lưu tâm là tiền. Không phải anh thiếu tiền đâu nhé. Có nhiều tiền nữa là khác. Ba bloc nhà cho thuê, một trang trại trồg cây ăn trái ở vùng quê và những cuốn sổ băng nặng nề chi chít những hàng số mà không lúc nào anh rời khỏi người. Mỗi ngày một vài lần anh vô một góc tường trong nhà máy tay run run mở những cuốn sổ có những sợi dây thung cuốn chặt chẽ chăm chú đọc rồi cười một mình. Nụ cười rách rưới của chiếc miệng đã cho hai hàm răng đi chơi gần hết. Da dẻ nhăn nheo, đi đứng cũng có mòi khó khăn, nói năng thều thào như một làn gió nhẹ, vậy mà anh nhất định không chịu nghỉ làm. Mỗi tuần không có cái check tao thấy khó chịu lắm. Chẳng phải mỗi tuần anh chỉ trông mong vào cái check, anh có ngàn lẻ một cách bòn tiền của đám dân tứ chiếng này. Ngày phát lương anh thủ cả đống tiền trong túi vào đổi check cho những người ngại ra nhà băng. Mỗi cái check anh lấy vài đồng tiền công. Mùa trái cây thì anh ôm trái cây hái trong vườn vào bán. Rẻ hơn ngoài chợ chút đỉnh nên chiếc xe van đầy túi to túi nhỏ của anh tới cuối ngày là rỗng tuếch mang lại một món tiền không nhỏ chui vào túi anh. Không có trái cây thì anh mang vé số vô bán, ép người này, ép người kia cũng kiếm chút tiền lời. Nhưng kiếm bộn hơn cả là anh cho vay tiền lấy lời cắt cổ. Tiền lời tính hàng tuần chứ không phải hàng năm như ở ngoài ngân hàng. Chỉ mươi tuần lễ là tiền lời ngang với tiền vay như khôug.
Thịnh mải mê nghĩ ngợi, buột miệng nói bâng quơ:
- Tiền bạc làm được nhiều điều ngộ nghĩnh thiệt!
- Mày nói cái gì vậy?
Thịnh thấy mình hơi ngớ ngẩn bèn cười giả lả bảo Claude:
- Tao đang nghĩ tới một chất ma túy rất phổ thông là... dollar. Con người bị nó hành phờ râu mà vẫn cứ nhắm mắt mải mê đạp lên nhau mà giành giật nó.
- Ừ, kể cũng tức cười há? Như anh chủ của mình đó. Cố gắng push cái nhà máy cho ra tiền riết rồi bỏ cả gia đình, vô ở luôn trong cái phòng nhỏ xíu dơ dáy nơi đây, ăn thì toàn là spaghetti với hot dog. Tụi nó nói là đêm không nghe tiếng máy chạy là ngủ không được. Riết rồi quen phải thu cassette tiếng máy chạy để khi nào đi công việc xa phải ngủ ở chỗ khác thì mở máy ra nghe mới ngủ được. Hình như anh ấy nghe thấy âm thanh của tiếng tiền long xong trong tiếng máy thì phải. Bệnh chứ còn gì nữa!
Thịnh gật đầu lia lịa:
- Bệnh đứt đuôi rồi! Mà tao không hiểu mấy anh gần đất xa trời như anh chủ với anh cai của mình thì còn khổ sở vì tiền làm chi nữa. Anh nào anh nấy đã lết tới gần sát ngôi mộ của mình, chỉ một cái chớp mắt là hai tay buông xuôi chẳng còn dính được đồng bạc nào nữa. Việc gì mà thân làm tội đời, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc, hưởng cũng chẳng dám hưởng nữa, ôm một đống tiền biết chắc không lâu nữa sẽ trở thành một đống giấy lộn, vậy mà cứ vất vả tìm trăm phương ngàn kế để kiếm thêm tiền. Tao thấy thương cho những tên u mê như vậy.
Clade nhìn Thịnh, nhếch mép cười:
- Tao cũng thương mày. Biết một mà không biết hai. Mấy anb già càng giàu thì lại càng cần tiền. Mày có biết để làm gì không?
Thịnh ngây người ngó sững Claude không hiểu tên này muốn nói gì. Claude vẫn giữ nụ cười nửa miệng nhìn lại nửa như thách thức nửa như đùa cợt:
- Chắc mày không biết đâu! Để tao nói cho mày nghe. Chúa có phán là những người giàu có vào Thiên Đàng cũng khổ như con lạc đà chui qua lỗ kim. Vì vậy khi chết các anh ấy phải... mang theo tiền. Lỡ ra gặp anh gác cửa biết ăn hối lộ thì dúi tiền vào tay đi vòng phía ngoài lỗ kim mà vào chứ sao!
Claude cười hăng hắc trước bộ mặt ngơ ngác của Thịnh. Thịnh cảm thấy mặt nóng ran ngượng ngập. Cái anh thày tu hiền lành này chơi gác được một cú khá ngoạn mục. Thịnh rỡn theo:
- Còn tao với mày thì trần trụi có lẽ hai thằng dắt tay nhau chui qua lỗ kim cùng một lúc cũng lọt băng băng chứ.
Claude bĩu môi trả lời:
- Chưa chắc đâu !
- Sao vậy?
- Biết đâu tối nay tao trúng số thành triệu phú thì sao?
Thịnh thấy thú vị. Tên này hôm nay nói chuyện coi bộ được Anh đùa thêm:
- Hiền lành như mày thì có thành triệu phú cũng sẽ là một triệu phú tốt bụng. Vào Thiên Đàng cái một!
- Chưa chắc đâu bạn! Giả thử bây giờ bạn có mười đồng, tôi cần tiền hỏi xin bạn một nửa, bạn cho ngay chứ gì. Nhưng bạn trúng số mười triệu đống bạn có sẵn lòng chia cho tôi một nửa không?
Thịnh thấy lúng túng. Lại bị tên này nắm cẳng nữa rồi. Anh lưỡng lự trả lời:
- Coi bộ khó quá!
- Thấy không! Không có một tên nhà giàu nào tốt bụng cả. Chúa đã phán thì làm sao mà sai được.
Claude thích chí cười vang. Thịnh thú vị cười theo. Vài người trong phòng kín đáo liếc mắt qua nhìn. Những khuôn mặt đen có, trắng có, vàng có, mà nhờ nhờ tai tái cũng có nữa. Anh chủ này có một bộ sưu tập màu da khá bề bộn. Cứ anh nào mới chân ướt chân ráo tới định cư ở cái xứ này, lạ nước lạ cái làm việc hùng hục mà không dám đòi hỏi mè nheo là nhận vô tuốt. Thành ra tiền vô túi cứ mỗi ngày mỗi nặng thêm. Nặng tới đâu hình như cũng chưa đủ. Thịnh khẽ bảo Claude:
- Tao thấy đồng tiền ở cái xứ này nặng quá đi!
Claude làm như không hiểu ý Thịnh:
- Thì đồng dollar mà. Phải nặng chứ!
Thịnh cũng làm như không hiểu cái giọng mỉa mai của Claudẹ Anh nói như nói với mình:
- Đồng tiền ở nước tao có tình nghĩa hơn nhiều. Ngày tết người ta bỏ tiền mới vào những bao giấy đỏ, màu của niềm vui rồi mừng tuổi cho con nít trong nhà như phân phát niềm vui và sự may mắn suốt năm.
Claude reo lên với cặp mắt ngạc nhiên tột độ:
- Sao lạ vậy? Y chang như bên tao! Tao còn nhớ ngày còn nhỏ, mỗi năm cứ sốt ruột chờ ngày đầu năm nhận tiền của ông bà, cha mẹ, chú bác và cả của những người khách tới chơi nhà. Mỗi một đồng tiền mới cầm trong tay là một niềm vui mà bây giờ nghĩ lại tao vẫn còn cảm thấy sung sướng.
Tiếng chuông báo giờ vào làm cắt đứt dòng hồi tưởng ngọt ngào của Claudẹ Miếng bánh dở dang trên tay Thịnh lạnh tanh buồn nản. Anh đứng dậy tiện tay vứt vào thùng rác. Tiếng máy nhen nhúm trong đầu anh. Xập xình bụp. Xập xình bụp. Nhịp điệu đều đặn chán chường. Giờ này bên nhà chắc tiếng pháo vẫn chưa ngưng nổ.
Hết