Lênh Đênh Như Bọt Sóng
Hà Phương Hoài
Những ngày ra đi và 30 năm trên đất Mỹ.
hph
Chiếc Pioneer Contender trong hải trình nhân đạo (từ ngày 29 tháng Tư cho đến ngày 4 tháng Năm) đã đảo lui đảo tới từ Bến Hải đến Phú Quốc ít nhất cũng ba vòng. Họ ráng tìm vớt những con thuyền bé tí teo nổi trôi theo số phận bọt bèo của người dân mất nước. Khi rời hải phận Việt Nam, trên tàu có khoảng bảy ngàn nạn nhân. Thuyền nhân nằm sát nhau như cá hộp. Không mui che mưa nắng. Mưa tắm cho ướt, rồi nắng hong người cho khô. Cảnh khóc cười mừng tủi khi người gặp người trong một góc đời hãn hữu. Anh quân nhân bất mãn, nổi giận cho những chuyện không đâu. Ông chính khách, ông tướng trở thành mục tiêu cho người người nguyền rủa. Nhân viên an ninh của tàu phải tìm cách tách rời họ.
Đối diện với chỗ gia đình Thanh nằm, có hai nhân vật của lịch sử, cụ Trần Văn Đỗ, trưởng phái đoàn của Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị Geneve 1954 và cụ Trần Văn Lắm, Hội Nghị Ba Lê năm 1973. Hai ông ngoại lão thành ngồi chung nhau trong một góc tàu chẳng phải là hình ảnh tương phản của cuộc đời sao? Những gì xảy ra trong ngày hôm qua và trước đây chỉ là trò phù phép của những thế lực ngoại xâm. Hiệp định 1954 giữa Tây và Cọng sản. Người dân Việt bên nầy là ông Tây mũi lõ và phía bên kia là ông vô sản Bạch Mao. Hiệp định 1973 cũng chỉ là trò xưa diễn lại. Ông Tây được thay bằng ông Mỹ. Ông Bạch Mao được tăng cường thêm ông Phệ Xì Dầu .
Con tầu vẫn phoong phoong đi về một hướng mà chẳng ai biết nó sẽ đi về đâu. Ông Cha và ông Sư ngồi cạnh nhau, tay vẫn lần từng hạt chuỗi nguyện cầu. Trên trời cao mây xám ngắt đuổi bắt làn mây trắng, cũng như người dân Việt bất hạnh đang bị phần số không may đuổi theo. Ngoài con tầu cưu mang những nạn nhân khốn khổ, trên biển khơi không có một bóng sinh vật nào khác. Sự ồn ào trong những cảnh người đông chen lấn, giành chỗ đã chìm lắng, nhường lại cho sự gào thét của sóng gió liên tục vỗ vào mạn tầu. Những người say sóng nằm im như thây chết.
Cuối tầu dường như có người được thủy táng. Linh hồn và thể xác của những người đó, có lẽ được hạnh phúc vì đã được giải thoát. Họ ra đi không cần lễ tiễn đưa, và cũng chẳng cần nghi lễ tôn giáo rườm rà.
Buổi sáng sớm ngày Năm tháng Năm, khi ánh hừng đông vừa ló dạng trên lằn chân trời, con tàu chở những người ra đi không định hướng đã cập bến Guam. Một vùng xa lạ sau đúng một tuần nổi trôi trên Thái Bình Dương. Nạn dân nối đuôi nhau bước xuống tầu. Họ phải qua nhiều trạm. Trạm xịt thuốc sát trùng. Trạm quan thuế. Nhân viên quan thuế của đảo làm việc rất nghiêm ngặt. Những người chạy loạn sau khi đã mất gần hết lại thêm một lần nữa bị buộc vất mọi thứ từ thuốc men cho tới đồ ăn vào những thùng rác khổng lồ ngay cửa trạm. Riêng những người lính chiến rã ngũ còn bị lột hết quân phục, để chỉ còn một chiếc quần cụt đi lên đảo. Trạm thứ ba là trạm phát áo quần cũ cho những người quân nhân bị lột xác. Qua khỏi trạm trên nạn dân được đưa đến trại tạm cư. Mọi người thất thểu đi theo nhân viên hướng dẫn vào một khu lều vải mới dựng ở đảo. (Tổng Thống Ford xin 750 triệu Đô-la để cứu vãn Miền Nam Việt Nam đang bị quân Bắc Việt tấn chiếm đã bị quốc hội lưỡng viện bác. Quốc hội Mỹ chỉ chấp thuận cho một cấp khoản nhân đạo là 450 triệu Đô-la để lo định cư những người Việt Miên Lào có liên hệ với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh hơn hai mươi lăm năm của Mỹ tại Đông Dương.) Trại lều nầy được thành lập, có lẽ đã vài tuần trước đây, trên một khu đất rống rộng lớn, nóng như thiêu đốt. Những ụ đất lẫn lộn với cây và đá được ủi dồn vào một góc rừng như những ngọn đồi. Những lều vải nhà binh cỡ 75 thước vuông với ghế bố xếp san sát vào nhau, chỉ chừa một lối đi nhỏ vừa một người đi qua. Dù chật hẹp và nóng bức nhưng còn hơn bảy ngày lênh đênh trên đại dương đương đầu với sóng gió bão bùng.
Thanh đưa gia đình đến lều tạm trú rồi tức tốc đi săn lùng tin tức. Bất cứ tin gì liên quan đến ngày tan hàng rã ngũ hay tương lai mù mịt của đám tàn quân. Năm ngày sau thì gia đình Thanh được chấp thuận vào trại Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas để rồi từ đó lo thủ tục xuất trại để bắt đầu một cuộc sống nổi trôi hay một kiếp lưu đày không hạn định.
Những ngày dài trên biển khơi, những ngày thắc thỏm nằm trong lều trại tỵ nạn, đợi ơn mưa móc của một người Mỹ nào đó giầu lòng từ tâm đón ra. Ngày nào chưa có người bảo trợ thì người tỵ nạn phải nằm trong trại như tù. Anh em bình thủy tương phùng thề ước với nhau, nương tựa nhau mà sống. Lúc này chính là lúc con người phải suy nghĩ nhiều. Suy nghĩ đến qua khứ để mà tiếc nuối hay để tự an ủi lấy chính mình. Nữ ca sĩ Khánh Ly đã lên sân khấu hát giã biệt khán thính giả cũng như giã biệt kiếp cầm ca.
Anh không cầm được cõi lòng thổn thức với những đổi thay quá nhanh đến với anh cũng như bao nhiêu người khác. Anh lặng lẽ đứng dậy rời bạn bè và đồng hương của anh đang ngồi khóc qua từng cung bậc và tiếng nấc của người ca sĩ từng được mến mộ.
Thanh thư thả tản bộ đến trước ngôi thánh đường của trại, mà bây giờ đã mang tên Việt - Thánh đường Đức Mẹ La Vang. Thay vì vào thánh đường, anh ngồi ở cửa chánh, nhìn người qua lại. Anh lấy một mẩu giấy nhầu nát đọc lại một bài thơ mà anh mới làm hôm qua.
Nước Mỹ building tiếng chọc trời
Empire State có mây trôi
Nhưng sao ta chỉ đi quanh quẩn,
Barrack hàng rào nát tả tởi
Sáng sớm tinh sương đã sắp hàng,
Vợ chồng chòm xóm kéo đi ăn.
Bữa trưa vừa dứt lo cơm tối,
Chẳng lẽ thân ta đến cuộc tàn!
Những lúc no nê lại họp bàn,
Chuyện Ông Bảo Trợ nổ như rang.
Bao giờ xuất trại cho yên chuyện,
Bến nước mười hai đâu dám than!
Những chuyện đau thương dở khóc cười,
Xảy ra nhan nhản dẫu dư hơi,
Chẳng ai thèm lý hay chê trách
Khi phải chung nhau một góc đời!
Cứ mỗi căn nhà trăm có dư
Người chơi kẻ nghỉ, đều lơ mơ
Trong la ngoài hét như khu chợ,
Kẻ đến người đi cứ mỗi giờ.
Trước đây quê cũ trọng nam nhân,
Ở trại nầy đây xuống giá lần
Những kẻ độc thân toàn tại chỗ,
Nay mai nữ giới hẳn lên chân.
Chuyện mừng chuyện tủi kể sao xong,
Những đớn đau kia nói chẳng cùng
Ân oán giang hồ tung cát bụi,
Hí trường cuốn gói sẽ rêu phong!
Đọc xong bài thơ, Thanh lại càng đau xót cho thân phận của anh và dân tộc anh. Anh lặng lẽ đứng dậy đi vào nhà thờ những mong tìm được chút an ủi nào qua câu kinh và tiếng nhạc. Giờ nầy không phải là giờ lễ cho nên chỉ có vài cụ già quỳ trước tượng Đức Bà Maria lâm râm khấn nguyện. Đọc được vài ba kinh, Thanh lại thui thủi ra nhập đoàn những người sắp hàng đi ăn.
Trời đã cuối xuân, cây lá sum sê, không giống như lúc mới bước chân vào trại tỵ nạn vào đầu tháng Năm, cây vẫn trơ cành. Cây Magnolia trước dãy nhà tạm trú của Thanh, hoa nở rộ phủ kín toàn cây. Hoa trắng có điểm chút sắc hồng gần đài hoa, ở xa trông như cây kẹo bông gòn. Dù rằng hoa cũng na ná như hoa ngọc lan, nhưng to gấp hai mươi lần hoa ngọc lan bên quê nhà và mùi hương đoảng vị chứ không thơm ngát. Những người chuẩn bị xuất trại đứng chờ xe dưới gốc hoa bàn tán về cái tên của loài hoa và hình như chẳng một ai chấp nhận nó là hoa cùng họ với loài Ngọc Lan thơm ngát quý yêu. Ngày mai đây, khi đàn chim Việt đậu trên cành cây mới ở quê hương mới cũng sẽ có nhiều khác biệt để tranh cãi...
Chiếc xe buýt đỗ xịch ngay trước mặt họ. Gia dình anh và những người được xuất trại dắt díu nhau lên xe. Khác với thời gian mới tới trại, chỉ có con cái và hai tay không, bây giờ ai ai cũng có một chút ít hành lý do trại phát. Thanh vẫy tay chào giã biệt những người bạn mới quen biết. Dù rằng chỉ mới quen nhau chừng một tháng nhưng bịn rịn như tri kỷ thâm giao. Cha mẹ và các em của Thanh (chưa có người bảo trợ) lên tận xe buýt để tiễn đưa. Các cụ khóc và nhắn nhủ:
- Các con ráng lo cho cháu của ba. Đừng để chúng nó quên ông bà tổ tiên. Ba sẽ cố gắng tìm người bảo trợ gần chỗ con ở.
Dung thay thế chồng trả lời:
- Ba má yên trí, việc nầy chúng con sẽ cố gắng chu toàn. Ba má ở lại ráng giữ sức khỏe. Ra tới ngoài đó chúng con sẽ vận động người ta đón gia đình ba má ra. Còn nếu như chỗ định cư của ba má tốt hơn chúng con sẽ đưa nhau đến đó đoàn tụ.
Trước ngày xuất trại, đại gia đình của Thanh đã họp bàn sẽ chia ra mà đi ba nơi khác nhau, rồi sau đó chọn nơi nào tốt nhất sẽ quy tụ về đó.
Phần số của Thanh luôn luôn lận đận, người bảo trợ của gia đình anh là một vị mục sư già có một thửa đất 1,600 mẫu tây (acres) đã trồng một triệu cây thông, đến tuổi phải cắt tỉa, đó là chưa kể một vườn nho, một vườn blueberries cần chăm sóc. Thanh hàng ngày phải lên đỉnh núi để sửa sang lại một ngôi nhà đã bỏ hoang hàng chục năm không cửa nẻo không điện nước. Căn nhà này sẽ là nơi cư trú của gia đình Thanh trong những ngày lao động cực hình tại đây .
Thật là nản chí. Nhưng biết làm sao đây, hoàn cảnh của anh bây giờ chẳng khác những người nô lệ da đen thời xa xưa. Anh muốn buông tay cho mọi sự muốn ra sao cũng mặc. Nhưng khi nghĩ đến vợ con, anh đành cắn răng đào cái basement để gia đình anh tá túc sau nầy.
"Basement rất mát khi mùa nực và ấm khi mùa lạnh .” ông bảo trợ của anh bảo thế. Đào xới hơn một tuần tay phồng nhiều chỗ đau nhức vô cùng. Một hôm anh đào tới tảng đá lớn. Anh không thể tiếp tục đào được nữa. Anh xuống tinh thần đến tột độ. Người bảo trợ thấy anh hì hà hì hục mãi vẫn chưa đào được một phần mười của basement. Ông ta nói:
- Anh chuẩn bị đưa gia đình về lại trại Ft Chaffee. Chúng tôi cần anh làm việc nông trại, nhưng xem ra thì anh chưa bao giờ làm việc nặng nhọc bằng tay chân!
Thật là đòn trời giáng. Thanh làm sao có thể mang bầu đàn thê tử trở lại trại tỵ nạn. Nói xong Jeff bảo Thanh dọn dẹp ra về dù chỉ mới ba giờ chiều.
Thanh về nơi tạm trú với tâm sự não nề. Dù rằng Mục Sư Jeff bảo trợ gia đình Thanh, nhưng vì nhà ông ta chật hẹp cho nên vị linh mục sở tại - cha Ron Arter nhận cho Thanh và gia đình tá túc tại rectory (nhà dành cho cha sở ở). Hơn hai tháng qua sống với cha Arter, gia đình Thanh đã trở thành người thân của người. Trước đây, người đi ăn lang thang ở các nhà bổn đạo, nay thì cha ăn cơm chung với gia đình Thanh. Thanh định bụng sau khi ăn cơm xong sẽ trình bày nỗi khó khăn của anh để mong người giúp đỡ.
Về tới nhà cha sở, Thanh cố gượng làm vui nhưng vẫn không xóa hết được những nỗi lo âu và chán chường. Dung thấy chồng mặt rầu rầu mới hỏi:
- Có chuyện gì mà trông anh ủ rũ như vậy?
Thấy vợ tay xách nách mang với bầy con dại đứa lớn mới chín tuổi, đứa áp út vừa biết đi. Con bé út chưa đầy ba tháng tuổi, làm cho tinh thần anh càng xuống tệ hơn. Anh nhìn vợ, nhìn con không muốn cho vợ khổ thêm anh lắc đầu nói:
- Anh chỉ mệt tý thôi vì không quen việc lao động. Nằm nghỉ một chút sẽ khỏe lại ngay.
Dung nhìn chồng với một cái nhìn đầy thương xót. Một tay bế con, một tay cầm tay chồng lên xem. Hai tay Thanh đều bị dộp vì bỏng, nước vàng chảy ra còn ướt. Hai hàng nước mắt chảy ròng. Linh tính cho nàng biết rằng chồng nàng đang dấu nàng một chuyện gì trọng đại. Nhưng nàng cũng cố gắng giữ bình tĩnh an ủi:
- Thôi anh đi nằm nghỉ một chút, chờ cha Arter về mình ăn cơm, nghỉ sớm mai còn tiếp tục công việc.
Tối hôm đó sau khi cơm nước xong, Cha Arter và Thanh ngồi uống cà phê nói chuyện đời. Qua dăm mười phút hàn huyên trong không khí một gia đình ấm cúng. Mấy đứa nhỏ con của vợ chồng Thanh nhảy lên lòng cha Arter đùa dỡn một cách thoải mái, vô tư lự. Thỉnh thoảng chúng nói tiếng Việt kèm theo chữ OK. Cha Arter chẳng hiểu chúng nói gì nhưng khi nghe tiếng OK, người cũng OK theo. Ông cười nói vui vẻ, tận hưởng những giây phút ấm cúng mà có lẽ trong đời người chắc gì đã có. Tuy vậy ông vẫn để ý đến những biến chứng tâm lý của Thanh hôm nay. Có lẽ cha là một người từng trải, cho nên đã nhìn thấu được tâm sự của Thanh, Cha hỏi:
- John, (vì tên Việt khó đọc cho nên người dùng tên thánh của Thanh cho dễ gọi và dễ nhớ) hình như anh có chuyện gì muốn nói với cha phải không?
Thanh giật mình, thắc mắc, làm sao cha Arter lại nhìn thấu tâm can của anh, nhưng anh không dám nói ra vì không muốn cho Dung biết một cách đột ngột.
- Dạ thưa không có gì.
Cha Arter đề nghị:
- À anh chàng Pat Goebel muốn gặp you. Anh ta có việc làm cho you. Anh đi với cha nhé.
- Pat Goebel là chủ nhà vãng sanh Goebel Funeral Home, và là bạn thân của cha Arter cho nên dù mới sơ giao nhưng gia đình của Pat đã trở nên thân thiết với gia đình Thanh như đã quen biết lâu năm.
Thanh dạ một tiếng rồi đứng dậy về phòng mang giày.
Vừa cho xe chạy được một chút cha Arter từ tốn nói:
- Bây giờ anh có thể nói được rồi chứ. Cha biết anh không muốn để Mary (Dung) biết những khó khăn mà anh đang phải đối đầu. Anh đừng ngại nói ra để cha tìm cách giúp cho.
Thanh vẫn chỉ ừ hữ, chưa muốn nói sự thật nát lòng.
- Thưa cha đâu có gì đâu, mọi sự vẫn bình thường thôi.
Cha Arter đi thẳng vào vấn đề. Người nói:
- Từ khi đón gia đình anh từ phi trường Columbus về, cha đã có ấn tượng là anh không thích hợp với công việc mà Jeff muốn anh làm.
Thanh phân bua:
- Công việc của ông Jeff có chi đâu mà không thích hợp. Công việc nầy không tốt hơn việc vắt sữa bò quanh năm của anh Định ở Bremen sao? Mỗi ngày 12 tiếng, một năm 365 ngày
- Khác nhiều lăm chứ. Định có sức khỏe vả lại anh ta đã từng quen làm việc bằng tay chân còn anh cả đời làm việc bằng trí óc, cha đoán là anh sẽ làm không nổi. À anh chưa biết Định đã nằm nhà thương hơn một Tuần nay sao?
- Ảnh đau gì mà nằm nhà thương?
- Bệnh tâm thần.
Nghe như vậy Thanh nghĩ đến thân phận của mình. Sớm muộn gì Thanh cũng theo gót Định. Không, không thể được. Anh cần phải mạnh dạn, anh cần phải phấn đấu cho vợ con yêu quý của anh. Trong lúc Thanh đang nghĩ đến thân phận của mình thì cha Arter nói:
- Tháng trước khi cha đưa gia đình anh xuống thăm gia đình của Định, Định đã chẳng nói với cha qua anh thông dịch:
"Cha làm ơn giúp con, chứ sống ở đây không có ngôn ngữ, chẳng ai hiểu ai, một ngày nào đó con sẽ điên mất.
Cha chưa làm gì được thì anh ta đã điên rồi. Nghe nói, Định đánh vợ con nhừ tử rồi ngồi trong trailer, đóng cửa la hét và đặp phá lung tung.
Thanh ngồi yên lặng như là một cách gián tiếp biểu đồng tình với vị linh mục già. Cha Arter thấy Thanh không trả lời mới nói thẳng:
- Cha nghe anh Pat Goebel, người hàng xóm của Jeff cho biết rằng, cuối tháng nầy, Jeff sẽ trả gia đình anh về lại Ft Chaffee.
Vì đã biết trước sự thể cho nên Thanh không có phản ứng. Thanh quay qua cha Arter nói:
- Cha có thể giúp chúng tôi ở lại không? Tôi sẽ đi kiếm việc làm ngày mai
Linh mục Arter thở dài ngắt lời Thanh:
- Cha thấy khó xử quá vì vấn đề tế nhị cha thừa sức để bảo trợ gia đình anh nhưng làm vậy sẽ bẽ mặt Jeff. Anh hãy nói Jeff và Elizabeth ráng nán thêm ít lâu, để cha về quê của cha nhờ họ giúp. Đồ ăn trong freezer của cha đủ cho gia đình anh ăn trong vòng vài ba tuần. Cuối tuần cha sẽ cho anh biết kết quả
Nói tới đây thì hai người cũng vừa vặn tới nhà của Goebel. Họ được hai vợ chồng Pat đón đưa tận cửa. Barbara vợ của Pat ôm Thanh hôn một cách thân tình. Nhà của Pat khá rộng rãi, có ba phòng ngủ. Phòng ăn, ăn thông với nhà bếp, phòng chơi và phòng khách ở phía trước có cửa thông với nhà quàn. Dù bây giờ là cuối mùa hè, khí trời còn nóng bức thế mà khi bước vào nhà của Pat Thanh thấy lành lạnh không phải cái lạnh của máy điều hòa mà là cái lạnh của âm khí vất vưởng đâu đây. Thanh không hiểu làm sao mà vợ chồng con cái của nhà Goebel có thể sống ngày nầy sang tháng nọ. Tự nhiên Thanh rùng mình, nổi gai ốc. Barbara thấy thế hỏi:
- John, anh thấy lạnh hả. Trời hôm nay cũng 76 độ F mà.
Thanh chỉ cười không nói gì. Pat đi lấy bia mời hai người. Qua vài ba câu chuyện mưa nắng, thời sự trong ngày. Pat mới hỏi Thanh:
- Này John, anh chắc đã biết ý định của Jeff rồi chứ gì? Anh nghĩ sao?
Thanh buồn buồn đáp lời:
- Vâng, tôi đã được Jeff cho biết lúc chiều nay. Nếu từ nay đến cuối tháng mà tôi không kiếm được việc làm thì chúng tôi sẽ đi Chicago.
Pat cho biết:
- Sáng nay khi ông bà Jeff cho tôi biết quyết định nầy thì tôi có nói với họ rằng - họ đâu cần phải trả gia đình anh trở về trại Ft Chaffee. Nhưng Jeff cho biết hắn không muốn liên quan đến vấn đề trách nhiệm pháp lý sau nầy ngoại trừ có một người chịu ký giấy kế tục bảo trợ. Tôi đưa vấn đề nầy với Theodore chủ Nghĩa trang Crooksville thì Theodore đồng ý làm thủ tục đó và sẽ cung cấp nhà cửa miễn phí ngay trên ngọn đồi tại trung tâm nghĩa trang cho gia đình anh. Ngược lại anh sẽ giúp ông ta quản thủ và phục vụ cho nghĩa trang dĩ nhiên có lương đủ cho gia đình anh sống.
Nghe tới đây tự nhiên tai Thanh nổ lùng bùng. Cái lạnh ma quái của ngôi nhà Goebel tăng thêm. Những hình ảnh rùng rợn của ma trơi, ma cụt đầu, ma le tự đâu kéo đến quay cuồng trước mắt Thanh. Thanh co rúm người lại. Cha Arter nhìn thấy Thanh hai tay ôm lấy đầu, lùi sát thành ghế dựa, người hỏi:
- John, lạnh lắm hả
Tiếng thân thương và lo lắng của vị linh mục già, kéo Thanh về với thực tại, Thanh nói:
- Vâng tự nhiên tôi thấy lạnh lắm, có lẽ bị cảm.
Barbara đứng dậy tiến đến chỗ của Thanh đưa tay rờ trán anh và nói:
Không, John, anh không bị cảm đâu! Có lẽ anh bị dị ứng rag pollen. Mùa nầy là mùa dị ứng mà.
Thanh nghĩ - "Đúng thế, tôi bị dị ứng nặng nhưng không phải bị dị ứng hoa, cỏ mà bị dị ứng cõi siêu hình." Anh không biết phải dùng lời lẽ nào để diễn tả sự suy nghĩ của anh cho họ biết rằng anh không thể nào chấp nhận công việc đó. Trong lúc anh đang phấn đấu với sức mạnh của thế giới siêu hình và phép lịch sự tối thiểu thì cha Arter lên tiếng:
- Pat, tôi không nghĩ là John thích hợp với công việc nầy vì cũng giống công việc nông trại, John phải đào huyệt trong mùa đông lạnh gia, và còn bao nhiêu công việc nặng nhọc khác của nghĩa trang.
Thanh quay qua cha Arter, nhìn với con mắt biết ơn và ngồi yên lặng. Hầu như Barbara cũng cảm thông được với Thanh nên tiếp lời:
- Theo em nghĩ công việc đó không mấy hợp với John đâu. Hay là mình gọi điện thoại cho hãng Purina biết đâu những kinh nghiệm về canh nông của John ở Việt nam có thể dùng được cho việc sản xuất những hóa phẩm nông nghiệp bán cho các nước Á Châu.
Cha Arter đồng ý:
- Ừ, ý kiến hay! Để mai tôi gọi cho họ.
Pat, cười hề hề nói:
- Mình phải tìm cách giữ John ở lại đây. Quay qua Thanh Pat hỏi:
- Như vậy là mai anh không phải đi sửa nhà nữa phải không? Nếu rảnh trưa mai đến giúp tôi một tay. Người phụ tá của tôi đi phép mốt mới về.
Thanh không biết là sẽ giúp Pat việc gì nhưng cũng vui vẻ nhận lời:
- Mấy giờ thì anh cần tôi?
- 11 giờ, Ron có thể chở John lại đây được không?
- Được, mai tôi có lễ ở Bremen lúc 12 giờ. Tôi sẽ thả John xuống đây lúc 10 giờ rưỡi?
Đêm hôm đó, Thanh nằm trằn trọc mãi vẫn không chợp mắt được. Hình ảnh Dung ôm còn ngồi khóc, chẳng nói được câu nào khi nàng biết được hoàn cảnh bi đát của gia đình trong lúc nầy nhất là lúc nghe đến chuyện làm cai nghĩa địa của chồng. Cùng tâm sự như Thanh, Dung, nằm yên, khi nhắm lại thì thấy những cảnh kinh hoàng lởn vởn quanh nàng.
Hôm sau, cha Ron Arter và Thanh đến nhà vãng sanh Goebel. Thanh vừa bước vô nhà thì Pat đã vui mừng nói:
- Tốt, anh đến sớm như thế nầy ta có thể khởi sự sớm. À John đã ăn uống gì chưa?
- Cám ơn Pat, tôi ăn rồi. Thanh trả lời:
- Vậy uống cà phê nhé. Pat hỏi.
- Cám ơn anh, tôi uống hơi nhiều sáng nay rồi!
- Vậy thì đi theo tôi.
Thanh, như người bị thôi miên đi theo Pat về hướng nhà vãng sinh. Khi cửa vừa mở Thanh thấy một luồng gió lạnh ào qua táp vào mặt anh. Một mùi đặc biệt hắt vào mũi. Anh không biết đó là mùi gì, nhưng trực nhớ ngay. Đó là mùi nhà xác mà trước đây anh đã từng đến để nhận xác anh em chiến hữu của anh. Pat dắt đi giới thiệu từng phòng một, những phòng sáng sủa rộng rãi, trang hoàng như một nhà nguyện là nơi thăm viếng của tang gia. Khi vào phòng trong, Pat nói:
- Đây là nơi làm việc của chúng tôi.
Pat mở tủ lấy áo choàng ngoài bằng cao su đưa cho Thanh và nói:
- Hy vọng nó không quá lớn đối với anh.
Mặc áo xong thì Pat lại đưa cho anh dụng cụ che mũi miệng. Pat cũng mặc áo đồ trang bị tương tự. Thanh làm theo như cái máy. Tới đây thì Thanh đoán được công việc mà Thanh sắp làm là công việc gì. Thanh rụng rời tay chân, nhưng đành đi theo. Pat mở phòng lạnh. Ngay giữa phòng có một chiếc bàn mổ. Pat bật đèn, ngọn đèn sáng có lẽ cả ngàn watts. Trên bàn có xác chết của một người đàn bà có lẽ còn tuổi trung niên. Chờ cho Thanh bước vào phòng lạnh, Pat đóng cửa và tiến về hộc tủ phía bên trái lấy dụng cụ dao kéo. Tiếng kim loại va chạm vào nhau tuy nhỏ nhưng trong trường hợp nầy, Thanh nghe thấy hơi chói tai.
Pat bỏ các thứ cần dùng vào một cái khay rồi đưa cho Thanh, anh đỡ lấy tiến sát phía bên trái của Pat vì Pat thuận tay trái. Như một bác sĩ chuyên mổ xẻ, Pat mổ bụng người đàn bà và lôi bộ đồ lòng ra. Máu tuy không còn nhưng nước nhầy chảy ra trên tấm vải cao su. Hình ảnh nầy gợi nhớ đến xác chết của Nguyễn Nghi sau trận Lò Gò. Ruột gan của Nghi cũng lòi ra như vậy. Nỗi thương tâm trỗi dậy trong lòng của Thanh. Thanh nhớ đến bạn bè những người còn sống cũng như những người đã nằm xuống cho an bình của Miền Nam Việt Nam. Tự nhiên anh thấy người choáng váng, đứng không muốn vững. Thanh để khay dụng cụ xuống bàn mổ rồi tìm đến ghế ngồi phịch xuống. Pat biết chuyện gì đã xảy ra nhưng vẫn hỏi:
- John, anh có sao không?
Hỏi để mà hỏi và chưa kịp nghe Thanh trả lời, anh lột bao tay, tiến lại đỡ Thanh về phòng khách nhà anh. Sau khi đặt Thanh nằm xuống ghế sofa. Pat an ủi:
- Chuyện nầy rất bình thường. Cho nên nghề ướp xác chết không phải ai cũng làm được. Anh George bạn thân của tôi là một cựu chiến binh. Trong ca mổ đầu tiên cũng bị hồi quang (flash back) vì những cái chết của đồng đội cũng bị phản ứng sinh lý như anh hôm nay, nên anh ta đành bỏ cuộc .
Nói xong anh gọi Barbara đưa Thanh về nhà.
Chiều tối khi ăn cơm xong cha Arter hỏi:
- Sao hôm nay có chuyện gì đáng nói không?
Thanh biết cha muốn hỏi về chuyện mổ ướp xác. Thanh thành thật nói:
- Cái nghề nầy không thích hợp vơi tôi cha à.
- Cũng vì điểm nầy mà sáng hôm nay Pat cố ý cho anh chứng kiến việc làm đó. Pat rất đúng khi nói: việc làm tuy nhẹ nhàng nhưng không phải ai cũng làm được!
Pat có ý định cho anh cái công việc ướp xác nhưng thấy anh có phản ứng tâm lý quá đột ngột sau khi nghe đến việc làm cai nghĩa địa. Thế nên Pat mới tạo điều kiện cho anh chứng kiến ca mổ để xem phản ứng của anh. Bây giờ đã rõ ràng, anh không thích hợp với nghề của nhà vãng sanh. Pat sẽ khỏi phải ngượng ngùng khi bị anh từ chối hoặc sẽ khỏi làm anh khó nghĩ vì lời đề nghị.
Cuối tuần cha Arter và John đi tìm người kế tục bảo trợ. Thanh tạm đi tập lái xe. Dù đã lái xe bao năm trên đường trường Nha Trang, Dà Lạt, Nha Trang Qui Nhơn hay Nha Trang Phan Thiết nhưng lần đầu tiên chạy xe trên đất Mỹ, Thanh cũng vẫn cảm thấy ren rét. Cha Arter nói:
- Ở cái làng nho nhỏ nầy tập xe dù sao cũng dễ hơn. Mai mốt dọn lên ở Lancaster xe nhiều thi lấy bằng cũng khó đậu lắm!
Họ đạo St Mark, Lanscaster ở ngoại ô của Columbus, chấp nhận kế tục bảo trợ gia đình Thanh một cách dễ dàng. Cũng ngay trong ngày đó hãng bánh donut Jolly Roger nhận thuê Thanh làm thợ lăn bánh, lương $100.00 một tuần, xuất đêm, số giờ mỗi xuất tùy nhu cầu. Thường là 10 tiếng, tuần làm sáu ngày. Ngay trong tuần đó gia đình Thanh khăn gói đi sống nhờ một gia đình khác. Trong lúc nầy, gia đình của thân phụ Thanh đã có bảo trợ tại Granview, Columbus. Thanh cũng thấy yên trí, việc thăm viếng và chăm sóc cho cụ cũng dễ dàng.
Don Davis với vợ và năm con sống trong một ngôi nhà nhỏ một phòng ngủ rưỡi, bây giờ nhét thêm bảy mạng của gia đình Thanh. Don đã nhường phòng ngủ của mình cho Thanh. Don làm thợ cơ khí ở Columbus, lương rất khiêm nhường. Do đó trong vài tuần đầu ngân sách bị thiếu hụt. Biết điều đó, Thanh lãnh lương ra mua sẵn đồ ăn để Don khỏi thâm hụt vì phải nuôi ăn thêm bảy miệng ăn nữa.
Sợ sống chung đụng chật hẹp dễ làm cho con người mất bình tĩnh. Cho nên giáo hội Episcopal đã giúp cho gia đình Thanh một chỗ ở trong khuôn viên nhà thờ St John.
Tại sở làm, nhờ tính tháo vát và bén nhạy học việc rất nhanh cho nên, chỉ 1 tháng sau, ông chủ đã giao cho Thanh đứng coi một tiệm. Sự kiện nầy làm cho Cindy, một thợ bạn ganh ghét, kỳ thị Cô ta phải làm chín năm mới được nâng lên hàng thợ chính. Cindy xúi dục đám bán hàng của tiệm làm khó và hạch sách đủ điều làm Thanh bất mãn vô cùng. Vì phải làm quá nhiều giờ, luôn luôn mệt mỏi và Thanh không nhịn nổi sự ghen ghét và kỳ thị của thợ bạn, anh đã bỏ việc làm ngang xương sau sáu tháng. Mặc cho lão chủ năn nỉ, hứa hẹn tăng lương .
Khi đi làm về, Thanh kể cho vợ biết quyết định của anh. Dung buồn nản không nói gì. Bố mẹ của Dung đã được định cư ở Chicago, và cũng đang lâm bệnh. Dung quá đau khổ vì hoàn cảnh đường xa cách trở không phục dịch được bố mẹ già lúc đau yếu và trong một phút quẫn trí không ngủ được, nàng đã uống quá liều thuốc ngủ, phải đưa đi súc ruột. Trong tình huống nầy, Thanh an ủi vợ, rồi tức tốc lái xe lên Chicago, trước là thăm sức khỏe của bố vợ sau là dò đường đi nước bước để đưa gia đình lên Chicago ...
Từ hồi còn ở bên quê nhà tiếng tăm của Chicago làm cho mọi người khiếp vía. Cái gì của Chicago cũng hầu như là đứng đầu thiên hạ nhất là hình ảnh của băng đảng qua phim Al Capone. Trên con đường lái xe đến Chicago một mình, lần đầu tiên, hoang mang vì bao nỗi sợ sệt dự tưởng. Dù sao đi nữa, trong hoàn cảnh nầy anh chẳng thể làm khác hơn được. Sau hơn sáu tiếng lái xe. Anh đã đến vùng đất hứa. Sự hứa hẹn có hai chiều – Sẽ bi đát hơn hoặc tương lai sẽ sáng sủa hơn!
Hình ảnh đầu tiên làm nhụt chí Thanh là tình trạng lưu thông trên xa lộ I90 và I94. Xe nhiều như mắc cửi, đường xá ngang dọc mênh mông hà hải không biết đâu mà mò. Nhà cửa san sát nhau và cao ngợp trời nhất là ngay trung tâm thành phố. Vì chưa biết đường, Thanh lạc vào ngay khu của người Mỹ da màu làm anh rét tới xương sống. Nhưng dù sao cũng phải làm gan, dừng lại hỏi đường. Vừa hỏi xong chưa kịp nghe anh Mỹ đen trẻ trả lời thì Thanh đã nghe hai phát súng nổ cách anh chừng một trăm thước. Thấy một người ngã lăn ra đường tuy nhiên mọi sự đều không có gì thay đổi, Người bộ hành vẫn tiếp tục đi, xe chẳng hề ngưng chạy Có một thanh niên trẻ chạy về hướng của Thanh. Thấy Thanh có vẻ ngơ ngác, lo ngại, người Mỹ chỉ đường nói:
- Đừng sợ, tụi nó thanh toán nhau đó và để tránh bị bắt hay bị nhận diện, hai phe đều bỏ chạy hết. Chẳng còn gì đáng lo nữa đâu!
Đến Chicago ngày hôm trước, ngày hôm sau Thanh đã nhận việc làm vệ sinh cho trung tâm mua sắm sang trọng nhất của Chicago - The Water Tower Place Shopping Center. Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng cũng đầy nước mắt. Quét rác, nhặt tàn thuốc bảy tầng lầu, 5 tầng basement. Phụ trách đánh bóng hai thang máy. Đánh cho bóng loáng, không có dấu tay, và làm sạch sẽ mười cầu tiêu đàn ông mười cầu tiêu đàn bà. Anh bận bịu suốt ngày vì nhà cầu có đông người xử dụng. Thường bất cẩn, nên thường bị nghẽn, đổ nước trên sàn nhà.
Đồng lương tuy cũng khá nhưng cũng không đủ nuôi vợ con, cho nên sau khi tan sở Thanh còn ở lại giữ xe dưới tầng hầm thêm năm tiếng đồng hồ nữa. Suốt ngày bận bịu chạy lung tung lo giữ sạch sẽ cho bảy tầng lầu, nên Thanh không có thì giờ để suy nghĩ viễn vông. Nhưng trong năm tiếng giữ xe là lúc rỗi rãi, anh đâm suy nghĩ nhiều chuyện. Những lo lắng cho tương lai, những ưu tư cho hiện tại và những xót thương cho người ở lại luôn luôn ám ảnh anh. Chính lúc nầy là lúc anh nghĩ nhiều đến quá khứ, thời niên thiếu, thời anh còn phục vụ trong quân đội. Tuổi đời, vui buồn có thể qua đi, nhưng dĩ vãng thì chắc chắn không. Nó sẽ mãi đeo đuổi ta trong suốt những ngày tha hương còn lại.
Làm nhân viên vệ sinh cho Water Tower Place được một năm thì anh được nâng lên hàng đốc công, coi sáu nhân viên làm vệ sinh cho một cao ốc 30 tầng tọa lạc ngay tại trung tâm Chicago. Chức vụ nghe có vẻ oai phong nhưng công việc thì cũng như cũ, thêm phần trách nhiệm điều động nhân viên của anh đổi mồ hôi và nước mắt lấy bát cơm đem về nuôi gia đình. Anh bận bịu luôn luôn, hơn cả lúc làm lao công. Những lúc tuyết lớn anh phải làm mười hai tiếng một ngày mà lương chẳng thêm một đồng nào.
Chicago thường lãnh những trận tuyết lớn chôn xe, chôn nhà, đường xá bị tắc nghẽn, phải dọn dẹp nhiều ngày, nhiều khi cả tuần mới xong.Sau trận tuyết, Thanh phải phụ đào xới để giải thoát xe của khách hàng bị chôn nơi bãi đậu xe, đã bị đóng đá. Nhân viên của anh cũng là những người tỵ nạn từ phương trời Âu đến. Họ và Thanh cũng bị ngăn cách nhiều qua hàng rào ngôn ngữ. Ngoài những dằn vặt và cau có của chủ cao ốc cũng như khách hàng, anh phải tìm mọi cách để cảm thông với nhân viên của anh khi ngôn ngữ gần như bất đồng.
Làm đốc công được một năm thì anh lần mò kiếm được công việc khác hợp với mơ ước của anh và có điều kiện để giúp đỡ đồng hương của anh.
Nhờ kiến thức thu thập được qua khóa Lực Lượng Đặc Biệt trước đây, dạy những khuôn mẫu xây dựng cộng đồng những vùng mới bình định hay vùng đóng quân và kinh nghiệm của chương trình dân sự vụ trong lúc hành quân chiến đấu, cơ quan Travelers Aid Society nhận Thanh làm việc cho chương Trình Indochinese Social Services Outreach Program một cách dễ dàng.
Theo truyền thống của nước chủ, dù bất thành văn, thì dịch vụ xã hội là - thi ân bố đức cho những kẻ khốn cùng. Thanh cực lực lên án và đưa ra phương thức phục vụ mới áp dụng câu châm ngôn cũ của cha ông: “Của cho không bằng cách cho.” Nói một cách khác là phải hiểu biết và tôn trọng đối tượng. Phải đặt mình vào vị trí của đối tượng. Nếu mình là người đi xin dịch vụ thì mình mong gì ở người thi ân ?
Qua kinh nghiệm bản thân và những người bạn của anh đã vì hoàn cảnh đổi đời, đổi cách sống cấp thời mà mất hết khả năng chịu đựng. Một hội chứng người bản địa gọi là bệnh tâm thần. Theo Thanh, việc chính phủ và các cơ quan thiện nguyện bắt buộc người tỵ nạn phải tự túc kinh tế quá sớm sẽ tạo ra những khủng hoảng đáng tiếc sau nầy. Thanh đề ra những phương thức trị bệnh tâm thần hợp với văn hóa và suy tư của người tỵ nạn hơn. Trước hết là phải chấp nhận quan niệm giá trị đồng đều trong “Dĩa Sà Lách” (Salade Bowl) và bác bỏ giá trị quyện hòa (Melting Pot). Có nghĩa là Thanh khuyến khích một cộng đồng thiểu số quy tụ để hỗ trợ cho nhau trên mọi phương diện. Anh đề ra chương trình “Giúp họ để họ giúp chính họ” (Help them help themselves).
Một ông Tây mũi lõ, dù có hiểu biết nhiều về một dân tộc chưa hẳn đã hiểu hết cách suy tư và cảm xúc của những cá nhân thuộc dân tộc đó. Những nỗi dặt vằn của kẻ khốn cùng đó chỉ có thể cảm thông bởi người có cùng văn hóa với anh ta. Anh chỉ có thể khóc lóc được với người hiểu anh, chứ chẳng mấy ai khóc lóc với một gốc cây hay một cục đá. Ngôn ngữ khác biệt chính là yếu tố làm cho đối tượng kia trở thành khúc cây và cục đá. Quan trọng hơn hết là một người di dân dù đã có chuẩn bị cho cuộc hành trình xa xứ mà vẫn còn bị khủng hoảng tâm lý trên quê hương mới. Huống hồ một người tỵ nạn phải vượt qua trăm cay nghìn đắng, cái chết gần kề trên biển khơi, nỗi kinh hoàng của rừng thiêng cọp dữ, bãi mìn, cướp bóc và thù nghịch đe dọa họ từng mỗi bước đi trên đường vượt thoát. Những hoang mang sợ sệt đó khó có thể rời bỏ họ khi họ phải đối đầu với nhiều nỗi khó khăn trên đất mới. Nói tóm lại mỗi một người tỵ nạn hay di dân đều cần có thời gian tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bước thăng tiến trong đời sống kinh tế, kể cả việc học nghề hay bổ túc nghề nghiệp.
Tư tưởng và lý thuyết của anh đưa ra, được đón nhận một cách chân tình. Anh đã được đưa đi thuyết trình tại nhiều tiểu bang khác. Cụ thể là lý thuyết nầy đã trở thành một phương thức cung cấp dịch vụ mới cho cấp liên bang mang tên là “Quản trị cá nhân” (Case management). Chính phủ Liên bang đã phát động mạnh mẽ cho hai dự án lớn đó là Chương Trình định cư Tù Nhân Học Tập Cải Tạo (HO hay Humanitarian Operations) và Chương Trình Con Lai (Amerasian). Sau nầy áp dụng chung cho mọi sắc dân.
Cảm thông với người đồng cảnh, nên Thanh hăng say làm việc để chứng minh cho sự khả thi của ý tưởng mà anh cưu mang. Cũng như anh hăng say đấu tranh cho một lý tưởng quốc gia mà dân tộc anh kỳ vọng. Anh chẳng những ra sức xây dựng một cộng đồng cho đồng hương của anh mà còn giúp cho các sắc dân khác nữa. Anh quan niệm “Trước hết mình tự giúp mình sau đó trời mới giúp mình”. Một thí dụ điển hình là việc an dân phải do cảnh sát lo nhưng nghĩ cho cùng, cảnh sát không thể theo ta suốt đêm ngày. Khi chuyện cướp bóc xảy ra và sau đó cảnh sát đến thì chỉ còn một mình nạn nhân ôm đầu khóc lóc vì mất của hay người nhà bị thiệt thân.
Thấy người Á Châu khi đi lãnh tiền trợ cấp ở Currency Exchange, bọn vô lại thường chặn đường khi họ về nhà, siết cổ lấy hết tiền bạc cũng như tem phiếu thực phẩm. Mỗi ngày có đến gần ba mươi vụ cướp như vậy nhưng chính quyền địa phương chẳng thể nào dẹp được. Thanh và một số chiến hữu đã cùng nhau hỗ trợ cảnh sát, gài bẫy bắt cướp theo phương thức phục kích. Bọn cướp đã bị bắt và ngày ra tòa, khoảng ba trăm người tỵ nạn khốn khổ đã xuất hiện làm chứng tống cổ bọn chúng đi nằm nhà pha đếm lịch mệt nghỉ.
Nghiệm thấy bài học tự túc tự cường cần được viết lại cho con cháu sau nầy noi gương, sống không nên ỷ lại bất cứ trong trường hợp nào. Những dặt vằn trong tâm tư của anh đã trở thành những xoắn ốc, những đinh nhọn dàn trải qua chữ nghĩa: Những vòm trời của dấu yêu, của kinh hãi, của hận thù. Những bọt sóng thân thương thuở thơ ấu khổ nghèo bên bờ Sông Hương. Những ngày oai hùng trong đời quân ngũ. Tất cả là những chuỗi dài phấn đấu để sống còn. Anh không thể ngưng nghỉ. Sự ngưng nghỉ chứng tỏ anh thua cuộc. Anh không muốn làm một Al Capone, nhưng Al Capone là chất xúc tác cho anh dồn mọi nỗ lực để làm và để viết. Dĩ vãng xa xưa lại chập chờn nhẩy múa trên đầu ngọn bút Thanh...
Hà Phương Hoài - Trích Trầm Bay