Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một cuộc đổi đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1105 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một cuộc đổi đời
O. Henry

Một người cai tù đi đến xưởng đóng giầy của nhà tù, nơi Jimmy Valentine đang chăm chỉ may các phần trên thân các đôi giày, và kêu anh đi theo mình đến văn phòng. Người quản đốc trại giam nơi đây trao cho Jimmy lệnh ân xá Thống đốc Bang vừa ký ban sáng. Jimmy nhận lấy tờ giấy với dáng vẻ mệt mỏi. Anh đã bị giam gần mười tháng cho một bản án bốn năm tù. Anh nghĩ mình sẽ chỉ bị tù nhiều nhất là ba tháng. Với một người có nhiều bạn bè bên ngoài như trường hợp của Valentine, khi vào nhà đá là không cần bận tâm đến chuyện cắt tóc.
 
Người quản đốc trại giam nói:
-Này Valentine, anh được trả tự do sáng mai. Tu tỉnh lại đi để thành người tốt. Anh vẫn có một tâm hồn. Đừng đi phá két sắt nữa, sống cho đàng hoàng đi.
Valentine đáp trong vẻ ngạc nhiên:
-Tôi ấy à? Cả đời tôi chưa từng phá một két sắt nào cả!
Người quản đốc cười to:
-À không! Dĩ nhiên rồi. Xem nào. Làm thế nào mà anh lại bị kết án sau vụ làm ăn ở Springfield hở? Anh không thể chứng minh mình vô tội vì sợ liên lụy đến ai đấy trong giới giang hồ phải không? Hoặc là chỉ vì bồi thẩm đoàn có thù hằn gì với anh? Với những nạn nhân vô tội như anh thì thế nào cũng có cớ này cớ nọ.
-Tôi ấy à? Thưa ngài, cả đời tôi chưa bao giờ đặt chân đến Springfield!
Quản đốc trại giam mỉm cười, bảo thuộc hạ:
-Cronin, dẫn anh này trở vào, chuẩn bị quần áo để trả tự do. Bảy giờ sáng mai cho anh này về. Valentine, anh nên nghe lời khuyên của tôi.
 
7 giờ 15 sáng hôm sau, Jimmy đã chuẩn bị xong tại văn phòng quản đốc trại giam. Anh mặc một bộ quần áo loại may sẵn trông khá ngổ ngáo, mang một đôi giày cứng nhắc kêu cót két, tất cả đều do nhà nước cấp phát khi tiễn đưa những khách trọ bất đắc dĩ. Người thư ký trao cho anh một giấy xe lửa và một tờ năm đô la, xem như đây là cách luật pháp muốn giúp anh trở lại thành công dân lương thiện và khá giả. Quản đốc trại giam đưa cho anh một điếu xì gà, rồi bắt tay anh. Valentine, số tù 9762, được ghi vào sổ “Được Thống đốc tha bổng”, và ông James Valentine bước vào ánh nắng bên ngoài.
 
Không màng gì đến tiếng chim ríu rít, cây lá xanh đong đưa và hương hoa trong gió, Jimmy đi ngay đến một quán ăn. Anh ta tận hưởng hương vị đầu tiên của tự do bằng món gà hấp kèm một chai rượu vang trắng, tiếp theo là một điếu xì gà thơm ngon hơn là thứ quản đốc trại giam cho anh. Rồi anh đi bộ nhàn nhã đến nhà ga. Anh ném một đồng 25 cent vào chiếc mũ của một người mù ngồi gần cửa ra vào, và bước lên tàu. Sau ba giờ đồng hồ, anh xuống tàu tại một thị trấn nhỏ gần biên giới của bang. Anh đi đến quán ăn của Mike Dolan và bắt tay anh này đang đứng đơn độc sau quầy rượu. Mike nói:
-Jimmy à, mình tiếc không thể giúp cậu ra khỏi tù sớm hơn. Bọn mình phải đối phó với sự phản đối từ Springfield, và Thống đốc Bang gần như gây cản trở. Mạnh khỏe chứ?
-Khỏe, còn giữ chìa khóa của tôi không?
 
Jimmy nhận lấy chìa khóa, đi lên lầu, mở cửa căn phòng cuối hành lang. Mọi thứ vẫn còn y nguyên như khi anh đi. Trên sàn nhà vẫn còn chiếc cúc cổ áo của thanh tra Ben Price, sút ra khi vật lộn để bắt giữ anh. Jimmy kéo chiếc giường gấp ra khỏi bức tường, đẩy một tấm chắn trên tường thụt vào phía trong, rồi rút ra một chiếc túi xách phủ đầy bụi. Anh mở nó ra, ngắm nhìn trìu mến bộ đồ lề tinh xảo nhất trong toàn vùng miền Đông dành cho đạo chích. Đấy là một bộ đồ lề đầy đủ, chế bằng thứ thép tinh luyện đặc biệt, gồm các mũi dùi, đục, kẹp, kềm, cùng các món linh tinh khác mà Jimmy tự ra mẫu lấy theo kiểu mới nhất. Anh lấy đó mà hãnh diên. Anh đã tốn bảy trăm đô la để đặt làm bộ đồ lề tại…một cơ xưởng chuyên chế tạo những món như thế.
 
Trong vòng nửa giờ, Jimmy đi xuống. Bây giờ anh đã mặc một bộ vét đúng mốt và vừa vặn, mang trong tay chiếc túi xách đã lau chùi sạch bụi. Mike Dolan hỏi anh thân mật:
-Có chuyện làm ăn hở?
Jimmy đáp một cách ngạc nhiên:
-Tôi ấy à? Tôi không hiểu cậu nói gì. Tôi đang là đại diện thương mại cho hãng bánh kẹo York Almagated và công ty Bánh mỳ Frazzled1.
Câu nói khiến Mike thích thú đến nỗi Jimmy phải nhận uống ngay tại quầy một ly sữa pha nước khoáng. Anh không hề động đến các thức uống làm say xỉn.
 
Một tuần sau khi Valentine, số hiệu 9762, được trả tự do, có một vụ mở két sắt thật gọn gang ở Richmond, bang Indiana, mà không có chứng tích tác giả là ai. Chỉ có tám trăm đô bị phỗng mất. Hai tuần sau, một két sắt tại Logansport, loại hiện đại có bằng sáng chế, bị phá tung như là đồ chơi với một nghìn năm trăm đô không cánh mà bay, riêng mấy mẩu giấy chứng khoán và các món bằng bạc thì còn nguyên. Kế đến là một tủ sắt nhà băng kiểu cổ điển ở thành phố Jefferson bị kích hoạt, tuôn ra năm nghìn đô la tiền mặt. Đến lúc này thì tổng thiệt hại đã lên đến mức lớn lao để nhờ đến công sức của thanh tra Ben Price. So sánh các vụ làm ăn này với nhau có thể thấy ngay những điểm tương tự. Ben Price đến xem xét các hiện trường, và người ta nghe ông lẩm bẩm:
-Đúng là dấu ấn của cái anh ưu tú Jim Valentine rồi. Hắn đã quen đường cũ. Xem cái ổ khóa này – hắn rút ra như người ta nhổ củ cải sau cơn mưa. Chỉ hắn mới có đồ lề để làm ăn như thế. Và nhìn cái ổ khóa này. Jimmy bao giờ cũng chỉ khoan một lỗ duy nhất. Đúng rồi, mình sẽ tìm bắt hắn. Lần sau thì đừng hòng có việc khoan hồng ngu xuẩn.
 
Ben Price biết rõ thói quen của Jimmy. Ông đã nắm mọi mánh lới này từ vụ Springfield. Đi làm ăn thật xa, tẩu tán như chớp, không có đồng bọn, có gu sành điệu của giới thượng lưu – mấy mánh lới này giúp anh Jimmy nhà ta dễ trốn lánh. Thế là Ben Price bắt đầu lần dò theo dấu chân Jimmy, và thiên hạ có két sắt cảm thấy an tâm hơn.
 
***
 
Một buổi chiều, Jimmy và chiếc túi xách lần đến Elmore, một thị trấn ở bang Arkansas, nằm cách đường tàu không đến mười cây số. Jimmy, với dáng vẻ như là một sinh đại học khỏe mạnh vừa từ đại học về thăm nhà, đi dọc theo một hè phố rộng trên đường đến khách sạn của thị trấn.
 
Một cô gái trẻ băng ngang đường, đi qua gần anh, bước vào một cánh cửa với tấm biển ghi “Ngân hàng Elmore”. Jimmy nhìn vào mắt cô gái, quên bẵng mình là ai và trở thành một con người khác. Cô gái cúi mặt, má hơi ửng hồng. Thanh niên với thời trang và ngoại hình như Jimmy thì hiếm ở Elmore.
 
Jimmy làm quen với một cậu bé lảng vảng ngoài cửa nhà băng y như một cổ đông của ngân hang, lân la hỏi chuyện về cái thị trấn nhỏ, thỉnh thoảng lại bón cho thằng nhóc một đồng tiền mười xu. Mãi đến lúc cô gái kia bước ra, với dáng vẻ vương giả không thèm để ý gì đến chàng trai lạ mặt với chiếc túi xách, và đi thẳng.
Jimmy hỏi cậu bé một cách khéo léo đặc biệt:
-Có phải đấy là cô Polly Simpson không?
-Hổng phải. Đó là cô Annabel Adams. Ông già cổ làm chủ nhà băng. Ông đến Elmore làm chi vậy? Cái dây đồng hồ của ông bằng vàng phải hông? Cháu định mua một con chó. Ông có thêm đồng tiền nào nữa hông?
Jimmy đi đến khách sạn Planters, ghi vào sổ tên mình là Ralph D. Spencer để nhận phòng. Anh đứng tựa vào quầy lễ tân để khai báo phương án của mình. Anh bảo anh đến Elmore để tìm một vị trí cho cơ sở làm ăn. Nghề đóng giày thì thế nào? Tôi đang nghĩ đến việc mở một hiệu giày. Ở đây đã có ai mở chưa?
 
Anh lễ tân bị thu hút bởi thời trang và phong thái của Jimmy. Chính anh ta cũng chú ý đến thời trang theo kiểu hàng mã cuả bọn trẻ ở Elmore, và giờ anh cảm thấy mình còn thua xa ông khách. Anh sốt sắng cung cấp thông tin. Vâng, nếu mở một hiệu giày thì sẽ khá lắm. Không có hiệu nào chuyên bán giày ở đây, mà chỉ có các cửa hàng tạp nhạp bán thêm giày. Mọi công việc làm ăn ở đây đều khấm khá. Hy vọng ông Spencer sẽ định cư ở Elmore. Ông sẽ thấy đời sống ở thị trấn này dễ chịu lắm, và dân địa phương sống rất hòa đồng.
 
Ông Spencer nghĩ ông ta sẽ lưu lại đây ít ngày để xem qua tình hình địa phương. Không, không cần lễ tân mang hành lý cho ông. Ông muốn tự mang chiếc túi xách lên phòng vì nó khá nặng.
 
Ông Ralph D. Spencer, giờ như cá chép hóa long, hóa thân do tiếng sét ái tình bất ngờ, lưu lại Elmore, và phát tài. Ông mở một hiệu giày, được đảm bảo một vị trí ăn nên làm ra. Ông cũng thành công về mặt giao tiếp xã hội, có thêm nhiều bạn bè. Và con tim ông đã được toại nguyên. Ông đã làm quen với cô Annabel Adams, càng ngày càng bị cô hớp hồn. Đến cuối năm thì tình hình của ông Spencer là như thế này: ông được dân trong thị trấn trọng vọng, hiệu giày của ông phất lên thấy rõ, thêm nữa là ông và cô Annabel sẽ làm lễ đính hôn trong vòng hai tuần kế tiếp. Cha cô, dân nhà băng phố lẻ chính tông và cần cù, đã chấp thuận cuộc hôn nhân. Về phần Annabel, cô cảm thấy vừa hãnh diện về ông Spencer vừa trìu mến ông hết mực. Ông cảm thấy thoải mái trong gia đình của Annabel và gia đình bà chị của cô như thể ông đã là một thành viên thực thụ trong các gia đình này.
 
Một ngày kia Jimmy ngồi trong phòng khách sạn của mình để viết một bức thư gửi đến địa chỉ an toàn của một anh bạn cố tri ở St Louis như sau:
Anh bạn thâm giao, mình muốn cậu đến quán Sullivan ở Little Rock, tối thứ tư tới, lúc chin giờ. Mình muốn cậu lo ít việc cho mình. Và mình cũng muốn biếu cậu bộ đồ lề của mình. Mình biết cậu sẽ vui sướng lắm khi nhận bộ đồ lề này – dù cậu có chi cả nghìn đô cũng không thể cấp được một bộ như thế. Billy à, mình đã bỏ nghề cũ, từ một năm nay rồi. Mình có một cửa hiệu ăn nên làm ra. Mình đang sống đời lương thiện, trong hai tuần nữa mình sẽ cưới người con gái tuyệt vời nhất thế gian. Mình sẽ chỉ có một cách sống Billy à – sống chân chất. Mình sẽ không chôm chỉa của ai một đô nào nữa. Sau khi thành hôn, mình sẽ bán tất cả rồi đi về miền Tây, nơi mình sẽ không có nguy cơ bị đòi các món nợ ân oán giang hồ. Nói cho bạn biết, cô nàng là một thiên thần. Cô tin tưởng nơi mình, và mình sẽ không làm thêm một chuyện gì lôi thôi nữa. Cố gắng thu xếp đến quán Sullivan, vì mình cần gặp cậu. Mình sẽ mang theo bộ đồ lề.
Bạn thân thiết của cậu, Jimmy.
 
Vào buổi tối thứ Hai sau khi Jimmy đã gửi bức thư trên, thanh tra Ben Price đi trên một chiếc xe ngựa chạy đường hoàng vào Elmore. Ông đi rảo trên các phố theo cách êm thấm đến khi ông tìm ra được điều muốn tìm. Từ một hiệu thuốc bên kia đường đối diện hiệu giày của Spencer, ông quan sát kỹ người mang tên Ralph D. Spencer. Ông khẽ nói với chính mình:
-Sắp cưới cô con gái chủ nhà băng phải không Jimmy? Hừ, không chắc đâu đấy!
 
Sáng hôm sau, Jimmy đến ăn sáng ở gia đình ông nhạc gia tương lai Adams. Anh sẽ đi Little Rock ngày này để đặt may một bộ trang phục cho lễ cưới và mua món gì đấy hay hay cho Annabel. Đây sẽ là lần đầu tiên anh ra khỏi Elmore từ khi anh đến thị trấn này. Đã hơn một năm từ khi anh làm phi vụ cuối cùng, và anh nghĩ anh có thể ló đầu ra một cách an toàn. Sau bữa ăn sáng, cả bầu đoàn thê tử cùng nhau đi xuống phố - ông Adams, Annabel, Jimmy và chị gái của Annabel với hai đứa con nhỏ, năm và chin tuổi. Họ đi đến khách sạn nơi Jimmy ngụ, anh chạy lên lầu và mang xuống chiếc túi xách. Rồi họ cùng nhau đi đến ngân hàng. Nơi đây đã có sẵn chiếc xe ngựa và Dolp Gibson, người sẽ đánh xe đưa Jimm đến nhà ga. Tất cả đi qua bên trong hàng rào chắn cao bằng gỗ sồi chạm trổ để vào phía trong phòng ngân hàng – Jimmy cũng đi cùng, vì chàng rể của ông Adams được chấp nhận thân tình ở mọi nơi. Các nhân viên nhà băng cảm thấy vui vui khi chàng thanh niên trẻ đẹp trai, có tư cách, mà cũng là ý trung nhân của con gái ông chủ, chào hỏi họ. Annabel, lòng ngập hạnh phúc và tâm hồn tràn đầy sức tươi trẻ, lấy chiếc mũ của Jimmy đội lên đầu mình, và nhấc chiếc túi xách hộ anh.
-Trông em có giống như nhạc công đánh trống nhà nghề không? Ơ này, anh Jimmy, sao mà cái túi này nặng thế? Như là chứa đầy những thỏi vàng vậy!
Jimmy điềm tĩnh trả lời:
-Đấy là mấy cái móng ngựa mạ kền anh dùng để đóng giày. Anh định tự mang đem đi trả lại, để đỡ tiền cước gửi. Anh đang tiết kiệm chi tiêu tối đa đây.
 
Ngân hàng Elmore vừa đặt làm một cái tủ sắt mới. Ông Adams rất hãnh diện về cơ sở này, nhất quyết muốn mọi người đến xem. Cái tủ sắt tuy nhỏ, nhưng có một loại cửa khóa hiện đại được đăng ký bằng sáng chế. Có ba ống khóa bằng thép cứng, cả ba dập lại với nhau bằng một cái cần duy nhất, và có thêm một cái khóa đồng hồ. Ông Adams hớn hở giảng giải cách vận hành cho anh Spencer nghe, nhưng anh này chỉ tỏ vẻ chú ý theo cách lịch sự mà không mấy thông minh. Hai cô con gái nhỏ, Mary và Agatha, đều thích thú với nước kim loại sáng ngời cùng những khóa và chốt thật ngộ nghĩnh. Trong khi mọi người đang chú tâm như thế, Ben Price lẻn vào, lấy tay chống cằm và nhìn vào bên trong một cách xuề xòa. Ông nói với một nhân viên là ông không cần gì cả, ông chỉ đứng chờ một người quen của ông.
 
Thình lình có một hai tiếng rú của mấy người phụ nữ, và có sự nhốn nháo. Không có người lớn để ý trông chừng, Mary, cô chị lên chín, trong khi đùa nghịch đã nhốt cô em Agatha vào trong cái tủ sắt. Rồi cô bé khởi động cần khóa và vặn núm số theo cách cô đã thấy ông Adams làm. Ông chủ nhà băng nhào đến cái cần khóa kéo giật một hồi. Ông hổn hển:
-Cửa này không mở được, chưa ai vặn đồng hồ khóa, mà cũng chưa ai đặt số khóa!
Bà mẹ của Agatha lại kêu rú lên một cách điên dại.
Ông Adams run rẩy đưa tay lên:
-Suỵt. Tất cả giữ im lặng.
Ông cố hết sức nói thật to:
-Agatha! Nghe ông đây!
Trong phút im lặng kế tiếp, mọi người chỉ nghe rất khẽ tiếng cô bé la hét bên trong cái tủ sắt tối đen, trong nỗi hốt hoảng kinh khiếp. Bà mẹ rền rĩ:
-Con gái cưng của tôi! Nó sẽ quá khiếp đảm mà chết! Mở cửa ra, phá nó ra. Mấy người đàn ông không có cách gì hay sao?
Ông Adams trả lời trong tiếng run rẩy:
-Người gần đấy nhất có thể mở tủ sắt này thì ngụ tại Little Rock. Cơ khổ, anh Spencer, ta phải làm gì đây? Đứa nhỏ này – nó không thể chịu đựng được lâu trong đấy. Hơn nữa lại không có đủ không khí, rồi nó sẽ quá kinh hãi mà lên cơn động kinh mất!
Bà mẹ của Agatha, giờ trở nên hoảng loạn, đấm vào cánh cửa với cả hai nắm tay. Có ai đấy điên rồ đề nghị dùng chất nổ. Annabel quay sang Jimmy, đôi mắt to của cô đầy vẻ lo lắng, nhưng không có vẻ tuyệt vọng. Với người mà cô tôn thờ, hình như không có việc gì mà anh không làm được. Cô van nài:
-Ralph, anh có thể làm gì đấy được không? Anh cố thử, được không anh?
Anh nhìn cô với vẻ mặt rất kỳ lạ, với một nụ cười trên môi anh và trong cả đôi mắt anh.
-Annabel, em tặng anh cánh hồng em đang mang, được không?
Cô không tin mình nghe đúng lời anh nói, nhưng cô vẫn tách cánh hoa hồng khỏi ve áo của cô, đặt trong lòng bàn tay anh. Jimmy nhét nó vào túi áo vét, cởi áo choàng ra, xắn hai tay áo sơ mi lên. Với động tác này, Ralph Spencer đã ra đi, và Jimmy Valentine thế chỗ vào. Anh ra lệnh:
-Mọi người hãy dãn ra khỏi cánh cửa.
 
Anh đặt chiếc túi xách lên mặt bàn, mở toang nó ra. Từ lúc ấy, dường như anh không để ý đến sự hiện diện của ai nữa. Anh nhanh nhẹ bày ra các món đồ lề sáng bóng, hình thù kỳ dị, huýt sáo nho nhỏ theo thói quen khi anh làm việc. Trong bầu không khí im lặng tuyệt cùng và bất động, những người khác nhìn anh làm việc như chính họ bị thôi miên. Chỉ trong một phút, mũi khoan của Jimmy đã đi ngọt vào cánh cửa thép. Trong mười phút, phá mọi kỷ lục trộm đạo của chính mình, anh đã ném ra các cần khóa và mở toang chiếc cửa sắt. Agatha gần như bất tỉnh, nhưng an toàn, được bà mẹ ôm vào vòng tay.
 
Jimmy Valentine mặc áo choàng, rồi bước ra hướng cửa chính. Anh nghĩ anh đã nghe tiếng gọi tên anh từ khoảng xa, theo tên giả “Ralph”. Nhưng anh không hề chần chừ. Tại cánh cửa chính, một người đàn ông to lớn đứng ngáng một bên. Vẫn với nụ cười lạ lùng trên môi, Jimmy nói:
-Chào Ben. Cuối cùng rồi cũng đuổi kịp phải không? Thế thì đi nào. Bây giờ tôi thấy ra sao thì cũng thế thôi.
Nhưng rồi Ben phản ứng một cách kỳ lạ. Ông nói:
-Tôi nghĩ ông đã nhầm rồi, ông Spencer. Tôi không nghĩ là tôi quen biết ông. Xe ngựa ông đang chờ đấy, có phải thế không?
 
Và Ben Price quay đi, bước dọc theo hè phố.


 
Chú thích :
1.    Jimmy bông đùa. “Almagated” nghĩa là dính lại thành một khối và “Frazzled” nghĩa là xơ xác.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 620

Return to top