Máy phát thanh miễn phí
Salman Rushdie
Tất cả chúng tôi đều biết tương lai của nó sẽ không khá nổi một khi mụ vợ góa của thằng ăn trộm đã quắp móng vào thịt nó, nhưng thằng bé là đứa ngây thơ, đồ con lừa thứ thiệt, anh không thể dạy dỗ loại người như vậy.
Thằng bé đó đáng lẽ có một cuộc đời khá. Thượng đế đã ban cho nó ngoại hình của chính Thượng đế, và cha nó xuống mồ vì nó, nhưng ông ấy chẳng đã để lại cho thằng bé chiếc xích lô hạng nhất mới toanh có ghế bọc nhựa và các thứ đó sao? Thế thì: mã ngoài nó có rồi, nghề riêng nó cũng có rồi, sẽ tới lúc nó có một con vợ khá, lẽ ra nó chỉ cần vài năm để dành dụm được dăm đồng rupee; nhưng không, nó đâm mê tít mụ vợ góa của thằng ăn trộm trong khi râu vẫn chưa kịp mọc lún phún trên cằm, có thể nói là chưa kịp rụng răng sữa.
*
Chúng tôi thấy tội cho nó, nhưng ngày nay còn ai nghe lời minh triết của người già?
Tôi nói: còn ai nghe?
Đúng, chẳng ai nghe, một đứa óc bã đậu như thằng đạp xích lô Ramani thì lại càng không. Nhưng tôi trách mụ góa. Tôi đã thấy chuyện xảy ra, anh biết đó, tôi thấy gần hết mọi chuyện, cho tới khi chịu hết nổi. Tôi ngồi dưới đúng cây đa này, hút đúng y chang cái tẩu này, và chẳng có mấy thứ thoát khỏi sự chú ý của tôi.
Một lần tôi cố cứu nó khỏi nghiệp chướng, nhưng chả đi đến đâu…
Con mụ góa tất nhiên là hấp dẫn, khỏi phải chối, theo một kiểu sa đọa nào đó thì mụ coi cũng được, nhưng phải cái tâm tính mụ đồi bại. Mụ già hơn Ramani phải tới mười tuổi, với năm đứa con còn sống và hai đứa đã chết, họa có Trời mới biết cái thằng ăn trộm đó còn làm gì khác ngoài việc ăn trộm và đẻ con, nhưng hắn không để lại cho mụ một xu nào, vì vậy dĩ nhiên mụ nhắm thằng Ramani. Tôi không nói một tay đạp xích lô có thể kiếm ăn khá ở thành phố này, nhưng có hai miếng ăn cho vào miệng vẫn hơn là ngáp gió. Mà không mấy kẻ để mắt tới mụ góa vô tích sự này tới hai lần.
*
Tụi nó gặp nhau ngay ở đây.
Một hôm Ramani đạp xích lô ế vào thành phố, nhe răng cười theo thông lệ, làm như có ai mới thưởng cho mười xu, miệng nghêu ngao một bản nhạc từ máy phát thanh, tóc nó bôi dầu bóng loáng như sắp đi dự đám cưới. Nó đâu phải thằng ngu mà không biết tụi con gái ngắm nó hoài và bình phẩm cặp chân dài rắn chắc của nó.
Mụ vợ góa thằng ăn trộm tới quán cây đa mua dăm mớ đậu, tôi không nói tiền ở đâu ra, nhưng tối tối thiên hạ lại thấy lũ đàn ông lảng vảng gần cái lán dâm dục của nó, người ta nói thậm chí ở cả cây đa, nhưng cá nhân tôi xin miễn bình luận.
Mụ dắt theo đủ bộ năm đứa nhóc; mụ gọi, giọng như cái quạt:
- Ê! Xích lôôô!
Nghe cứ oang oang, anh biết đó, đúng là cái thứ rẻ tiền. Mụ khoe với tụi tôi mụ có thể trả tiền đi xích lô, làm như ai cũng để ý. Lũ con mụ chắc phải nhịn đói để trả tiền xích lô, nhưng theo ý tôi đó là một kiểu đầu tư của mụ, vì chắc chắn mụ đã quyết tâm câu bằng được thằng Ramani. Thế là cả bọn leo lên xích lô; thằng Ramani chở mụ đi; năm đứa nhóc cùng với một mụ góa chắc là nặng dữ, vì thế thằng Ramani thở hổn hển, gân máu lồi ra bắp chân, và tôi nghĩ: cẩn thận nghe con, kẻo rồi mày sẽ kéo cái gánh nặng này suốt đời.
Nhưng rồi thiên hạ vẫn thấy Ramani và mụ vợ góa thằng ăn trộm khắp nơi, ở chỗ công cộng, không biết ngượng, và tôi mừng là mẹ nó chết rồi; nếu còn sống mà thấy cảnh này chắc bà ta chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa.
*
Hồi đó thỉnh thoảng Ramani tới phố này vào buổi tối để gặp bạn. Bọn nó cứ nghĩ mình bảnh lắm, vì bọn nó vào phòng sau cái quán của thằng Ba Tư để uống rượu lậu, dĩ nhiên ai cũng biết, nhưng chả ai làm gì, nếu bọn nhóc tự hủy hoại đời chúng thì cứ để họ hàng chúng lo.
Tôi buồn khi thấy Ramani giao du với bọn xấu này. Tôi biết cha mẹ nó hồi còn sống. Nhưng khi tôi bảo Ramani tránh xa cái lũ khoác lác đó, nó nhăn răng cười như con cừu mà nói là tôi sai, không có chuyện gì xấu xảy ra hết.
Tôi nghĩ: thôi bỏ qua.
Tôi biết mấy thằng bạn chí thân đó của nó. Tụi nó đeo băng tay của Phong trào Thanh niên mới lập. Hồi này đang là Tình trạng Khẩn cấp, và mấy đứa bạn này cũng không phải là tụi ngoan ngoãn; thiên hạ nói có chuyện ẩu đả, vì thế tôi cứ ngồi im dưới gốc cây của mình. Ramani không đeo băng tay nhưng nó chơi với tụi nó vì phục tụi nó, quả là một thằng ngu.
Đám thanh niên đeo băng tay này cứ nịnh Ramani. Tụi nó nói: mày đẹp trai như vậy, nếu so với mày thì Shashi Kapoor và Amitabh[1] chỉ như bọn hủi, mày nên đi Bombay mà đóng phim.
Chúng ra sức bơm nó lên bằng những mộng tưởng kiểu đó vì chúng biết có thể gỡ tiền nó bằng cờ bạc và nó sẽ mua rượu cho chúng uống khi được nghe tâng bốc, dù nó không giàu hơn đứa nào. Vậy là bây giờ cái đầu thằng Ramani đầy ắp những giấc mộng đóng phim - trong đầu nó có chứa thứ gì khác đâu - và đây lại thêm một lý do nữa tại sao tôi trách mụ đàn bà góa, vì mụ nhiều tuổi hơn, đáng ra nên tỉnh táo hơn. Trong hai tích tắc mụ có thể làm nó quên đi chuyện đóng phim, nhưng không, một bữa tôi thấy mụ nói với nó cho mọi người nghe:
- Đúng là anh có tướng của thần Krishna, chỉ khác là anh không xanh lè từ trên xuống dưới.
Nói giữa đường! Để mọi người biết tụi nó là nhân tình! Từ bữa đó tôi dám chắc là sẽ xảy ra tai họa.
*
Hôm sau, lúc mụ góa thằng ăn trộm ra đường tới tiệm cây đa, tôi quyết định hành động. Không vì lợi ích riêng tư mà vì cha mẹ quá cố của thằng nhỏ, tôi liều chịu ô danh vì một … không, tôi sẽ không lôi tên mụ ra mà rủa; bây giờ... người ta sẽ biết mụ ta là cái giống gì.
Tôi gọi:
- Mụ góa thằng ăn trộm!
Mụ chết sững, mặt mụ cau có trông gớm chết, như thể tôi vừa xách roi quất mụ ta.
Tôi bảo mụ:
- Tới đây nói chuyện.
Lúc này mụ không thể từ chối vì tôi là một nhân vật không phải không quan trọng trong thành phố, và có lẽ mụ tính toán rằng nếu thiên hạ thấy chúng tôi nói chuyện, họ sẽ thôi coi thường mụ, vì thế mụ đi tới, tôi biết mà.
Tôi chững chạc bảo mụ:
- Tao nói chỉ một điều này. Tao thương thằng xích lô Ramani, cho nên mụ phải kiếm kẻ nào cùng lứa tuổi, hay tốt hơn nữa, tới khu dành cho bà góa ở Benares sống nốt đời còn lại và cầu nguyện thánh thần; hãy tạ ơn Trời là luật pháp bây giờ người ta không cho phép thiêu sống vợ góa theo chồng nữa.
Thế là mụ xỉ vả tôi bằng cách la hét và nguyền rủa, mụ bảo tôi là thằng già độc địa đáng lẽ phải chết lâu rồi, mụ nói:
- Nè ông thầy sahib[2] về vườn, cho ông biết nghe, thằng Ramani của ông có hỏi cưới tôi, tôi nói là không, vì tôi không muốn có thêm con nữa, nó còn trẻ, nó nên kiếm con riêng của nó. Đi kể cho cả thế giới nghe đi, đừng có phun cái nọc độc hổ mang của ông nữa.
*
Một thời gian sau đó tôi nhắm mắt làm lơ trước cuộc tình giữa Ramani và mụ góa thằng ăn trộm, vì tôi đã làm hết sức mình, với lại trong thành phố có nhiều chuyện khác để một người như tôi chú ý. Thí dụ, nhân viên y tế địa phương đem một chiếc xe trắng to tướng vào phố và được phép đậu khuất dưới cây đa; mỗi đêm lại có một đám đàn ông bước vô xe, người ta làm chuyện gì đó.
Hồi này tôi chả muốn ngồi gần chiếc xe, vì tụi thanh niên đeo băng tay luôn luôn có mặt, vì vậy tôi xách tẩu ngồi chỗ khác. Tôi có nghe đồn về những chuyện diễn ra trong xe nhưng tôi bịt tai.
Nhưng chính từ hồi cái xe to tướng sực mùi ête này tới thành phố thì mức độ tai quái của mụ góa trở nên trắng trợn; vì lúc này Ramani bỗng dưng bắt đầu nói về chuyện tưởng tượng mới của nó; gặp ai nó cũng kể là nó sắp nhận một món quà rất đặc biệt và có tính cá nhân, từ chính quyền trung ương ở tận Delhi, và món quà này phải là cái máy phát thanh bán dẫn chạy pin bảnh chọe mới keng.
Rồi sao: chúng tôi vẫn tin là thằng Ramani của chúng tôi hơi bị hâm hấp, với ý định thành tài tử điện ảnh và đủ thứ khác; vì vậy đa số chúng tôi chỉ gật đầu khoan dung mà nói: “Ừ, Ram, nghe được quá nhỉ!”, và: “Chính quyền tốt thiệt, rộng rãi thiệt, tặng cả máy hát cho người có khiếu nhạc bình dân!”.
Nhưng Ramani cứ khăng khăng là đúng, và vẻ vui hơn bao giờ hết, một niềm vui không thể giải thích một cách đơn giản bằng tương lai giả định của chiếc máy bán dẫn.
Sau cái lần nhắc tới chiếc máy phát thanh trong mơ, Ramani và mụ góa thằng ăn trộm cưới nhau. Tôi hiểu hết. Tôi không tới dự lễ cưới - một đám cưới bết bát về mọi mặt - nhưng một hôm không lâu sau đó, tôi nói chuyện với Ramani lúc nó đạp xích lô ế ngang qua cây đa.
Nó tới ngồi kế bên tôi, và tôi hỏi:
- Con, mày có vô cái xe đó không? Mày đã để họ làm gì mày?
Nó đáp:
- Đừng lo. Mọi thứ tuyệt dễ sợ. Con đang yêu, thưa thầy sahib, con làm vậy để được cưới người đàn bà của con.
Phải thú nhận là tôi nổi đóa. Đúng vậy, tôi suýt khóc khi biết Ramani tình nguyện đem thân chịu nỗi nhục mà những thằng đàn ông bị bắt lên cái xe trắng phải chịu. Tôi cay đắng quở nó:
- Đồ thằng con ngu ngốc, mày để mụ đó tước đi cái giống đàn ông của mày!
Ramani nói bóng gió chuyện nasbandi[3]:
- Đâu có tệ lắm. Đâu có phải vì vậy mà thôi không làm tình hay gì gì nữa đâu, con xin lỗi đã nói mấy chuyện đó, thưa thầy sahib. Chỉ thôi không có con, vì vợ con không muốn có con nữa, thành thử bây giờ OK một trăm phần trăm.
Nó còn lưu ý:
- Ngoài ra cũng vì lợi ích quốc gia, với lại cái máy phát thanh miễn phí sẽ tới liền.
Tôi lập lại:
- Máy phát thanh miễn phí.
Ram bộc bạch:
- Vâng, thầy sahib có nhớ hồi năm xưa, lúc con còn nhỏ, khi ông thợ may Laxman chịu làm vụ này không? Máy phát thanh tới liền, và cả thành phố tụ tập đến nghe. Đó là cách chính quyền cám ơn mình. Có cái máy cũng tuyệt.
- Xéo đi, tránh xa tao ra.
Tôi hét lên tuyệt vọng, và không lòng dạ nào nói cho nó cái chuyện mà cả nước biết là vụ máy phát thanh miễn phí đã dẹp rồi, dẹp lâu rồi, quên lâu rồi. Hết rồi, xiiì, từ đời tám tổ nào rồi.
*
Sau mấy biến cố này mụ góa thằng ăn trộm - bây giờ là vợ thằng Ram - không hay ra thành phố nữa, chắc là quá xấu hổ vì cái việc mụ đã xui nó làm, nhưng Ramani làm việc siêng hơn bao giờ hết, và cứ hễ gặp ai trong đám hàng chục người nó đã kể cho nghe về cái máy hát, nó lại đưa một tay lên tai làm như đang nắm cái máy trời đánh thánh vật trong tay, và nó bắt chước chương trình phát thanh thật là hăng hái khéo léo.
Nó tuyên bố với hàng phố:
- Yé Akashvani-hai. Đây là đài phát thanh Toàn Ấn Độ. Sau đây là bản tin. Phát ngôn viên chính phủ hôm nay tuyên bố máy hát của anh xích lô Ramani đang gửi đi và sẽ được giao bất cứ lúc nào. Và bây giờ là nhạc phát lại.
Sau đó nó hát nhạc Asha Bhonsle hay Lata Mangeshkar bằng giọng the thé lố lăng.
Ram hoàn toàn tin tưởng một cách hiếm có vào những mơ mộng của nó, nhiều khi niềm tin về cái máy phát thanh tưởng tượng của nó gần như phỉnh được chúng tôi, vì thế chúng tôi nửa tin cái máy sắp tới thật, hay thậm chí đã có đó rồi, khum khum bên tai nó một cách vô hình trong lúc nó đạp xích lô khắp phố. Chúng tôi bắt đầu đợi nghe Ramani, ở góc phố hay ở giữa đường, rung chuông và hớn hở reo:
- Đài phát thanh Toàn Ấn Độ! Đây là đài phát thanh Toàn Ấn Độ!
*
Thời gian trôi qua. Ram tiếp tục đem cái máy phát thanh vô hình đi khắp thành phố. Một năm trôi qua. Vẫn bức tranh biếm hoạ chương trình phát sóng trên đường phố của nó. Nhưng bây giờ gặp nó, tôi thấy một cái gì mới trên mặt nó, cái mệt mỏi như đang cố gắng phi thường, mệt hơn đạp xích lô rất nhiều, thậm chí mệt hơn việc kéo xích lô chở mụ góa thằng ăn trộm với năm đứa con còn sống của mụ và hồn ma hai đứa đã chết; như thể tất cả năng lực trong tấm thân trai tráng của nó đổ vào khoảng không giả tưởng giữa cái tai và bàn tay nó, và nó đang cố biến cái máy hát thành hiện thực bằng một ý chí mạnh mẽ và quyết liệt.
Có thể nói với anh rằng tôi cảm thấy hầu như bất lực, vì tôi bói thấy thằng Ram đã đặt hết lo nghĩ vào cái máy phát thanh và hối tiếc về điều nó đã làm, và nếu ước mơ không thành nó buộc phải đối diện với tội ác trầm trọng nó đã làm với thân thể mình, để hiểu rằng mụ góa thằng ăn trộm trước khi cưới nó đã biến nó thành tên trộm ngu ngốc và kinh khủng, vì mụ xúi nó ăn cắp chính mình.
Chiếc xe trắng bự trở lại đậu dưới cây đa, và tôi biết chả làm gì được, vì Ram chắc chắn sẽ tới nhận quà của nó.
Nó không tới, một hôm, rồi hai hôm, sau đó tôi biết nó không muốn tỏ ra tham lam. Nó không muốn nhân viên y tế nghĩ là nó khát khao cái máy phát thanh. Ngoài ra, nó có phần hy vọng họ sẽ đưa máy tới tận nhà, có lẽ với một lễ nghi nho nhỏ nào đó để chính thức trao quà. Thằng ngốc là thằng ngốc, không gì có thể dẹp bỏ được những ý nghĩ của nó.
Đến ngày thứ ba thì nó tới. Rung chuông xe và giả tiên đoán thời tiết, bàn tay khum tai như thông lệ, nó tới chỗ chiếc xe to. Trên chiếc xích lô đằng sau nó là mụ góa thằng ăn trộm, mụ phù thủy, không kìm được nên phải đi theo để xem tình cảnh thằng chồng của mụ thế nào.
Đâu cần lâu.
Ram hớn hở vào xe, vẫy lũ bạn chí thân đeo băng tay đứng gác để ngừa thiên hạ nổi giận, và tôi nghe kể - vì tôi rời hiện trường để khỏi phải đau đớn - tóc nó chải dầu và áo quần mới hồ. Mụ góa thằng ăn trộm không ra khỏi xích lô, nhưng mụ ngồi đó kéo sari đen trùm đầu, túm bầy con như túm bó rơm.
Một chút xíu sau có giọng nói bất bình trong xe, sau đó có tiếng động ầm ĩ hơn, cuối cùng bọn thanh niên đeo băng tay vào xem có chuyện gì, và ngay sau đó Ram bị tụi bạn rượu khiêng sấp hai tay hai chân ra, dầu chải tóc loang nhòe nhoẹt trên mặt nó và mồm nó tứa máu. Tay nó không còn khum bên tai nữa.
Vậy mà - người ta kể cho tôi - mụ góa trời đánh của thằng ăn trộm không rời chỗ của mụ trên xích lô, dù người ta liệng chồng mụ xuống đất.
*
Vâng, tôi biết, tôi là ông già, đầu óc nhăn nheo với tuổi tác, hồi này họ nói cần triệt sản và có Trời mà biết là cần gì, và có lẽ tôi trách mụ góa cũng là sai - sao lại không? Có lẽ mọi quan điểm của người già bây giờ không đáng đếm xỉa, nếu đúng vậy thì đành mặc. Nhưng tôi đang kể câu chuyện này, mà chuyện thì chưa hết đâu.
Mấy bữa sau vụ việc xảy ra ở chiếc xe lớn, tôi thấy Ramani bán chiếc xích lô của nó cho lão khốn Hồi giáo chủ tiệm sửa xích lô. Thấy tôi nhìn, Ram đi tới nói:
- Tạm biệt thầy sahib, con đi Bombay để thành ngôi sao màn bạc lớn hơn cả Shashi Kapoor hay Amitabh Bachchan.
Tôi hỏi nó:
- Con nói con đi hả? Chắc con đi một mình?
Nó đứng thẳng người. Mụ góa thằng ăn trộm đã dạy nó không nên khúm núm trước người già.
- Vợ con của con cũng đi.
Đó là lần cuối chúng tôi nói chuyện với nhau. Ngay hôm đó, tụi nó lên xe lửa đi chuyến tàu xuôi xuống phía Nam.
*
Vài tháng sau tôi nhận lá thư đầu tiên của nó, dĩ nhiên không phải do chính nó viết, vì dù hồi xưa tôi đã cố dạy lắm nó vẫn không biết viết. Nó trả tiền cho một kẻ viết thư chuyên nghiệp, chắc là tốn tiền bộn, vì mọi thứ trên đời đều tốn tiền, mà ở Bombay còn tốn gấp đôi. Đừng hỏi tại sao nó viết cho tôi, nhưng vậy đó. Tôi có mấy bức thư có thể cho anh xem làm chứng, có lẽ người già vẫn có ích lợi chi đó, hay có lẽ nó biết tôi là kẻ duy nhất để ý tới tin của nó.
Dù gì thì gì, mấy lá thư toàn chuyện sự nghiệp mới của nó, thư kể về chuyện làm thế nào mà nó được khám phá ngay tức thì; một xưởng phim lớn cho nó đóng thử, bây giờ họ đang "nuôi" nó thành tài tử, hồi này nó đang ở khách sạn Sun’n’Sand ở bãi biển Juhu cùng với mấy nữ minh tinh hàng đầu, nó đang mua một cái nhà lớn ở Pali Hill, xây kiểu nhiều tầng giật cấp, lại gắn máy báo động loại mới nhất để ngăn đám hâm mộ xi-nê, mụ góa thằng ăn trộm khỏe mạnh và hạnh phúc, mụ béo ra, cuộc đời đầy sáng lạn và thành công, còn rượu thì khỏi nói.
*
Những bức thư tuyệt vời, tràn ngập tự tin, nhưng mỗi khi đọc - đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn đọc - tôi lại nhớ tới vẻ mặt nó những ngày trước khi nó biết sự thật về cái máy phát thanh, và bao nhiêu năng lực điên rồ nó đổ vào cái việc phù phép ra thực tại, hành động xuất phát từ một niềm tin tráng lệ, toát ra từ chốn hư không giữa bàn tay khum khum và cái tai của nó.
--------------------------------------
Chú thích:
[1] Shashi Kapoor và Amitabh Bacchan: các nam diễn viên điện ảnh thời thượng hàng đầu của Ấn độ.
[2] Sahib: tiếng xưng hô thông dụng ở Ấn độ dùng với nam giới, có nghĩa tương đương với "ông, ngài".
[3] Nasbandi: ở Ấn độ, là từ dùng để gọi việc triệt sản đối với nam giới, được Chính phủ tài trợ và khuyến khích.