Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Con Thúy

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5379 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Con Thúy
Duyên Anh

Chương 6 - 10

6.

Giấc ngủ trưa thật ngắn. Vũ định tắm gội xong sẽ mang tặng Thúy ít hình đề can cô ma mi mà Vũ mua ở Hà Nội, chắc Thúy sẽ thích. Nhưng chưa bước khỏi giường, tiếng mi cô rè rè đã léo nhéo trước cửa :
- Đồng bao thân mến, phát xít Nhật vừa đánh vỡ đầu một cụ già của chúng ta ở bên kia cầu Bo. Cụ già sắp chết. Yêu cầu đồng bào đi biểu tình đả đảo phát xít Nhật để trả thù cho cụ già của chúng ta. Chú ý, chú ý... Đồng bào thân mến, phát xít Nhật...
Vũ vùng dậy, chụp khẩu súng và cái còi nhét vào túi quần xoóc rồi mở cửa chạy ra đầu phố. Côn, Luyến, Long, Lộc đã đứng chờ dưới cột điện. Một lát, nhi đồng cầu Kiến Xương ào ào kéo tới. Ở các phố khác, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng đã đổ xô ra đường. Tất cả đều háo hức trả thù Nhật. Thị xã không còn bình thản như xưa. Luôn náo nhiệt. Ngày và đêm. Ngày mít tinh, biểu tình. Đêm ca hát, hội họp. Không ai hướng dẫn ai cả. Mạnh người nào người ấy tụ tập một nhóm đông để biểu dương lòng yêu nước. Chẳng ai xúi giục bọn thằng Vũ. Tự chúng nó, chúng nó quyến rũ hết nhi đồng cầu Kiến Xương.
- Nhi đồng cầu Kiến Xương phải chiến nhất tỉnh. Chúng mày mua kẹo chưa ?
- Mua rồi.
- Kẹo đựng trong súng thủy tinh chứ ?
- Ừ.
- Ăn hết kẹo chưa ?
- Rồi.
- Đổ nước vào súng, lấy nút li-e đút kín chưa ?
- Rồi.
- Chiến lắm. Bỏ áo vào quần rồi giắt súng trước bụng. Nhật lùn sẽ lác mắt.
Ba mươi ông nhãi, võ trang súng lục thủy tinh đầy nước lã, nhét trước bụng, hiên ngang đi biểu tình phản đối Nhật lùn. Đoàn người dài nửa cây số tuần hành từ đầu cầu Bo, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu đã hô từ hôm cách mạng thành công. Những khẩu hiệu cũ rích mà ai cũng tưởng còn mới tinh. Nhi đồng cầu Kiến Xương đi sau rốt. Đến câu lạc bộ, đoàn biểu tình dừng lại, hướng mặt vào, hô các khẩu hiệu đả đảo Nhật rồi hát lớn bài "Diệt phát xít".
Việt Nam, bao năm ròng rên siết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vung lên
Đã tới ngày trả mối thù chung...

Lính Nhật đứng bên trong tường sân vận động nhe răng cười. Đoàn biểu tình bỏ đi. Nhi đồng cầu Kiến Xương ở lại, bài hát :
- Này công dân ơi, nhớ chăng những ngày năm ấy. Giặc lùn tràn sang ngang nhiên rút bòn xương máu...
Tới câu chót :
-... Dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn...
Ba mươi ông nhãi nhất loại rút súng lục thủy tinh đạn nước, chĩa vào câu lạc bộ. Nhiều đứa rút súng mạnh quá, nút li e bật ra, nước chảy văng tóe. Nhưng lính Nhật không cười. Lính Nhật mở to mắt một mí nhìn bọn thằng Vũ. Vài tên quen mặt Côn, Luyến, Lộc, Long, ném kẹo ra đường. Bọn thằng Vũ nghiến răng giẵm nát kẹo Nhật quăng. Rồi bỏ đi, Vũ ngoái lại :
- Sư bố Nhật lùn !
Nhi đồng quen miệng, hô luôn :
- Sư bố...
Vũ dẫn nhi đồng cầu Kiến Xương tới Vọng Cung. Ở đây, đoàn biểu tình tụ họp đông đúc. Người nọ kháo người kia sắp xử tử Việt gian. Côn nhẩy cỡn :
- Sắp xử tử Việt gian !
Tiếng mi cô rè léo nhéo :
- Cách mạng sắp xử tử thằng Ban, Việt gian, tay sai của phát xít Nhật ?
Côn mừng rỡ :
- Đáng đời "thằng" Ban. Ai bảo nó đánh anh Đạo.
Côn chợt nhớ hình ảnh đau đớn hôm giổ tổ Hùng Vương năm ngoái. Anh Đạo bị lính Nhật giáng báng súng vào mặt, máu chảy ứa ra chỉ vì anh dám nhổ nước bọt vào mặt thằng Việt gian Ban. Không biết anh Đạo còn sống không. Chắc anh Đạo đã chết. Nhưng thầy Đàn sao chưa về, sao chưa thấy thầy ở Thái Bình ?
- Thằng Ban bị bịt mắt, trói tay dẫn tới kia kìa...
Bọn thằng Vũ bỏ rơi nhi đồng khu cầu Kiến Xương. Năm đứa lách đám đông để vào nhìn rõ mặt. Việt gian Ban. Ông ta bị trói chặt cánh khuỷu. Quần áo lếch thếch, chân không, đầu tóc bơ phờ mặt tái mét. Ông ta quỳ gối, lưng dựa vào tường cổng Vọng Cung. Ông chủ tịch tỉnh đọc bản án xử tử, kể hết tội "liếm gót giầy phát xít Nhật" của ông Ban. Ông ta còn nói ông Ban trốn ở đâu và bị cô đầu Vũ Tiên chỉ chỗ trốn. Nói một hơi dài, ông chủ tịch hỏi :
- Đồng bào bằng lòng xử tử tên Việt gian này không ?
Cô đầu Vũ Tiên hò hét :
- Bằng lòng.
Ông chủ tịch hỏi :
- Tại sao đồng bào thích xử tử tên Ban ?
Một cô đầu già đáp :
- Nó đã hát quỵt còn đánh đập chị em.
Ông chủ tịch nói :
- Vậy giết nó.
Cô đầu hoan hô nồng nhiệt. Rồi dân thị xã hoan hô theo. Ông Ban được nâng dậy. Nhưng ông sợ quá, vừa đứng đã quỵ ngã.
Người ta lại nâng ông dậy. Ông lại quỵ. Cuối cùng, người ta phải tìm cái ghế, bắt ông Ban ngồi. Ông Ban khóc lóc, van xin. Dân thị xã cười đùa, chế nhạo ông. Một cô đầu xỉa nói :
- Dạo nọ mày cậy thế Nhật mày bắt nạt các bà, mày không khóc. Tại sao bây giờ mày khóc ?
Một cô đầu khác thích chí :
- Thằng Việt gian... tè ra quần !
Dân thị xã mở căng mắt nhìn tử tội. Ông Ban ngồi trên ghế dựa, đầu ngoẹo một bên. Nước mắt đầm đìa ở khuôn mặt tái xanh. Côn không còn nhớ hình ảnh anh Đạo trong ngày giỗ tổ Hùng Vương nữa. Côn cũng không thể mường tượng đôi mắt long lanh thù giận của ông Ban khi ông bị anh Đạo nhổ nước miếng trúng mặt. Nó quên luôn cái bánh súng lính Nhật đánh vỡ má anh Đạo. Côn chỉ nghĩ đến những giọt nước mắt của ông Ban. Ông ấy ngồi kia, thảm não như một cao bồi bị trói dộng đầu chờ mọi da đỏ lột da.
Côn níu vai Vũ :
- Ông Ban sắp chết rồi...
Vũ nói :
- Ừ, ông ấy sắp chết. Tao không ghét ông Ban nữa. Tao muốn bỏ tù ông Ban thôi.
Luyến lắc đầu :
- Tao về đây, tao sợ xem xử tử lắm.
Luyến lách đám đông, bỏ về. Long và Lộc theo Luyến. Ông chủ tịch bước gần chỗ ông Ban, ngoảnh mặt ra đám đông :
- Đồng bào có xin khoan hồng cho thằng Ban không ?
Cô đầu Vũ Tiên nhao nhao giơ tay :
- Không.
Không khí cuồng loạn lúc đầu đã lắng đọng. Dân thị xã im lặng, hết cười cợt, reo hò. Ông chủ tịch hỏi tử tội :
- Ban, anh muốn nói gì thì nói đi !
Tự nhiên, ông Ban đứng lên. Ông đòi tháo miếng vải bịt mắt ông. Người ta chiều ông, tháo miếng vải. Ông Ban trừng mắt ngó đám đông. Nhiều người sợ ông Ban hóa thành ma trả thù, quay đi chỗ khác.
- Bịt mắt nó lại !
Người ta lại bịt mắt ông Ban. Hai người lính khố xanh cũ, bây giờ là quân Việt Minh, mặc quần áo nâu, xách hai khẩu mút cơ tông, đứng trước mặt ông Ban, cách chừng ba mươi thước. Đám đông hai bên, dạt xuống một phía, sau lưng hai người lính, sợ đạn lạc. Súng đã nạp đạn sẵn. Hai người lính, quỳ gối trên mặt đường, súng đặt ngang vai, nhắm đích. Ông chủ tịch hằn học :
- Giờ đến tội phản quốc của Việt gian đã điểm !
Ông chủ tịch tỉnh Thái Bình vung tay. Hai phát súng nổ chói tai. Ông Ban vẫn đứng sừng sững. Côn và Vũ nhắm mắt trước khi súng nổ. Chúng nó tưởng ông Ban trúng đạn ngã rồi. Nhưng ông Ban chưa trúng đạn. Côn lẩm bẩm "Lính khố xanh bắn như củ thìu biu". Hai ông cách mạng lên đạn lách cách. Hai cái vỏ đạn rơi xuống đường nhựa kêu leng keng. Tử tội thản nhiên như không biết chuyện gì.
Côn đập vai Vũ :
- Ông Ban can đảm ghê !
Vũ nhăn nhó :
- Ông ấy sợ quá chết đứng rồi.
Hai phát súng thứ nhì nổ tiếp. Không trúng. Cô đầu cười khanh khách, bình phẩm :
- Lính khố xanh lười tập bắn bia nên bắn sai hết.
Ông chủ tịch giậm chân :
- Ai còn gọi quân cách mạng là lính khố xanh sẽ bị xử tử.
Bọn cô đầu Vũ Tiên nín thinh. Hai ông cách mạng xấu hổ, đứng dậy, tiến tới thật gần tử tội. Lần này, hai ông bắn đứng. Đạn trúng bụng ông Ban. Ông ta kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn, giẫy giụa. Hai ông cách mạng mừng rỡ, cắp súng vào nách, chìa tay bắt tay nhau. Tử tội vừa lăn vừa hét y hệt con lợn bị chọc tiết, y hệt con gà cắt cổ chưa chết hẳn. Côn đã thấy bao nhiêu người chết đói dưới gầm cầu Bo. Nó đã gớm ghiếc song không gớm ghiếc bằng cái chết của ông Ban. Côn nhắm mắt, thề sẽ không nhìn ông Ban vật vã, giẫy giụa. Nó bịt chặt tai để khỏi nghe ông Ban rống lên những tiếng thảm thiết.
Thằng Vũ nhiều lần phiệu rằng, ở Hà Nội, nó đã thấy dân Hà Nội giết Nhật lùn giữa phố. Vũ chỉ được cái nước nói phét, trộ bạn bè. Chứ, nó cũng chưa hề trông rõ cảnh tượng người giết người.
Nhưng Vũ không nhắm mắt, không bịt tai. Hai ông cách mạng chúc mũi súng hai bên mang tai ông Ban. Đạn nổ. Ông Ban hết giẫy, hết hét. Máu và óc ông văng ra, dính lên cả tường Vọng Cung. Ông Ban đã chết thật. Dan thị xã tự ý giải tán, chẳng chịu ở lại hoan hô cách mạng thành công. Bọn nhi đồng cầu Kiến Xương biến mất từ nãy.
Vũ và Côn nhìn nhau. Tự dưng, nước mắt hai đứa ứa ra. Sau lưng chúng nó, một khoảng đất mênh mông. Ông Ban nằm chết cùng với những người còn sống hoan hô cách mạng. Vũ rút khẩu súng thủy tinh ném trúng cột điện. Tiếng vỡ nghe buồn buồn.


7.

Vũ ngồi yên, Vũ nhé !
- Ừ.
- Mà Vũ đừng đòi về cơ.
- Ừ, Vũ không đòi về đâu. Nhưng Thúy phải tung chăn ra chứ ?
- Thúy ốm.
- Ốm gì lại trùm chăn kín cả mặt ?
- Thúy bị...
Vũ nhổm đít khỏi ghế, hốt hoảng :
- Thúy lên đậu à ? Thúy, Thúy... rỗ à ?
Con Thúy cười khúc khích trong chăn :
- Thúy... rỗ hoa !
Vũ rơi cái bịch xuống ghế. Nó ngồi trơ thổ địa. Đôi mắt mở thao láo. Vũ nhớ dạo nọ, hôm bị con Thúy kể tội vồ tiền của bác cả Hồng, cớp lồng bẫy chim của thằng Hội, quên ơn "hiệp sĩ" Vũ đánh thằng "súc sinh" Dương, bênh vực Thúy ở cầu Bo, Vũ đã mơ mộng chuyện giang hồ vặt và muốn Thúy già nua, mặt rỗ, mắt toét, lấy thằng chồng bán lạc rang khổ sở. Còn Vũ, Vũ sẽ lấy con bé đẹp gấp mười Thúy để trả thù Thúy cái tội vô ơn. Bây giờ, Thúy bị rỗ hoa, Vũ hối hận quá. Nó ngồi im lặng.
Con Thúy hỏi :
- Vũ nghĩ gì thế ?
Vũ ấp úng :
- Không, Vũ chả nghĩ gì cả. À, tại sao bị rỗ mà Thúy còn cười ?
- Thúy thích cười. Thúy cười đứa rỗ hoa đó. "Mặt rỗ như tổ ong bầu, Hàm răng khấp khểnh như cầu ao tre". Vũ sợ mặt rỗ, hở ?
- Không.
- Không sao cứ hỏi mãi ?
- Ừ. Thúy rỗ thật hay giả vờ ?
- Thật.
- Giả vờ, hở ?
- Thúy rỗ thật đấy. Thế Vũ còn thích chơi với Thúy nữa không ?
- Vũ... Vũ...
- Vũ sợ Thúy mặt rỗ như tổ ong chứ gì ?
- Thúy giả vờ hở ? À, Côn nó bảo Thúy khen Vũ ném phi tiêu cừ nhất, hở ? Côn nó bảo Thúy nhắn Vũ lại chơi, hở ? Sáng qua, Vũ đến cửa nhà Thúy, Thúy biết không ?
Vũ hỏi một thôi. Thúy lắng tai nghe.Tiếng Vũ y hệt tiếng chim hót. Tiếng nói ấy làm Thúy quên thử lòng Vũ. Con bé vội khoe :
- Thúy sưng quai bị đó, Vũ ạ !
Vũ chớp mắt lia lịa. Tim nó đập rộn ràng. Nó cũng quên rằng đã có lần nó nói với thằng Côn là nó ghét con gái thậm tệ. Vũ mỉm cười. Nó xoa tay :
- Vũ biết Thúy giả vờ.
Con nhà Vũ ba hoa :
- Thúy rỗ hoa thật, Vũ vẫn...
Thúy xoay người :
- Vũ vẫn sao ?
- Vẫn chơi với Thúy, chơi thân hơn dạo xưa.
Thúy khoe :
- Má bên phải Thúy sưng vù, xấu lắm cơ.
Vũ nịnh :
- Xấu cái gì, Thúy hé chăn cho Vũ nom mặt một tí đi...
Thúy muốn tung chăn ngồi dậy để nhìn rõ Vũ xem một năm xa tỉnh lỵ, Vũ đã thay đổi nhiều chưa. Nhưng Thúy khôn ghê ghê là. Nó bắt bí thằng Vũ :
- Vũ phải xin lỗi Thúy chứ !
Vũ ngây người ra :
- Vũ có làm Thúy giận đâu mà xin lỗi ?
- Người ta nhắn đến chơi, chả thèm đến.
- À, à... Vũ tưởng...
- Tưởng gì ?
- Tưởng Thúy ghét Vũ.
Vũ dời chiếc ghế. Nó bước lại gần giường Thúy :
- Cho Vũ ngồi với Thúy nhé ! Vũ kể chuyện Hà Nội cho Thúy nghe. Vũ biếu Thúy nhiều hình đề can cô ma ni.
Thúy chưa trả lời thì Vũ đã ngồi ở đầu giường. Nó nói :
- Cách mạng rồi đấy, Thúy biết chưa ? Cách mạng kinh lắm, xử tử ông Ban. Vũ xem lính khố xanh, à quên, lính cách mạng bắn ông Ban. Ông Ban chết giẫy giụa...
Thúy buột miệng :
- Eo ơi !
Vũ cụt hứng. Thúy không thích nghe chuyện cách mạng. Con nhà Vũ đâm ra luống cuống. Nó thọc tay vào túi quần, đứng dậy :
- Vũ về nhé ?
Thúy vùng vằng :
- Lại giận Thúy à ?
- Không. Tại Vũ không thích nói chuyện với người trong chăn.
- Thúy chui ra nhé ?
- Ừ.
- Mà Vũ đừng chế Thúy cơ ?
- Vũ không chế Thúy đâu.
- Vũ nhắm mắt lại. Hễ Thúy bảo mở mắt mới được mở.
Vũ nghe lời Thúy một nửa. Nó ti hí mắt nhìn. Con Thúy nhẹ nhàng chui ra khỏi chăn. Như mặt trời chui ra khỏi lớp mây u ám. Tia nắng đầu tiên từ đôi mắt đen láy của Thúy làm nóng trái tim Vũ. Và xao xuyến, bâng khuâng tựa hồ buổi chiều đứng trên cầu Bo cùng Côn mong ước thầy Đàn về thị xã. Vũ mở bừng mắt :
- Thúy...
Con Thúy quay mặt đi. Nó phụng phịu :
- Vũ ăn gian.
Vũ định nói một câu chưa bao giờ nó nói với Thúy. Nhưng Vũ không nói được dù nó muốn nói vô cùng. Vũ ấp úng :
- Thúy... Thúy... nói dối !
Thúy quay mặt lại. Con bé vênh váo :
- Nói dối cái gì ?
Vũ cười :
- Má Thúy chả sưng vù tí ti ông cụ nào.
Thúy sờ tay lên má, ngạc nhiên :
- Ơ, lạ nhỉ... ?
Vũ cười tươi hơn :
- Đấy, Thúy đã nói dối Vũ.
Thúy phân trần :
- Sáng nay Thúy soi gương còn thấy má sưng. Má Thúy nóng ran à... Vũ thử rờ xem...
Vũ đã ngồi xuống giường. Thúy xích gần Vũ. Con bé cầm tay thằng bé ấp vào má mình. Vũ cảm giác lạ. Tai nó nóng bừng. Tim nó đập mạnh. Và tay nó nóng như hơ lửa.
- Thúy nói dối, hở ?
- Không.
- Sao Vũ bảo Thúy nói dối ?
- Ừ.
- Ừ gì ?
- Ừ Thúy nói thật. Thúy ạ, Vũ...
- Vũ ăn gian, hở ?
- Ừ... Vũ...
- Vũ xin lỗi Thúy, hở ?
- Không.
- Ăn gian còn không chịu xin lỗi !
- Ừ, Vũ xin lỗi Thúy, Vũ...
Vũ không thể nói nổi một câu nó ao ước được nói cho Thúy nghe, câu nói nó đã nghĩ từ hôm Côn đến xin cơm nhà Thúy và Thúy nhắn Vũ tới nhà nó.
- Thúy ốm lâu chưa ?
- Hai tuần lễ rồi.
- Hà Nội có xe điện, có vườn Bách Thú nhiều khỉ lắm...
Thúy nhìn Vũ, mỉm cười như thể chế nhạo Vũ. Trưởng toán nhi đồng cầu Kiến Xương, thằng bé đã dám rút súng thủy tinh bắn nước vào mặt phát xít Nhật, hò hét cách mạng thành công, vua phiệu chuyện, lúc này, ngồi trơ thổ địa. Nó chẳng biết nói gì với con bạn nhỏ bé của nó. Vũ bí. Vũ chuyển sang chuyện Hà Nội. Và Vũ bị Thúy cười.
- Vũ chỉ huy bọn nhi đồng cầu Kiến Xương. Con gái cũng vào nhi đồng, Thúy có vào nhi đồng không ?
Thúy ngó Vũ, mắt ngập tràn trách móc :
- Vũ không thích chơi với Thúy nữa, hở ?
Vũ liếm môi. Nó móc trong túi ra một gói nhỏ :
- Hình đề can cô ma ni Vũ mua ở Hà Nội đấy. Toàn chim, bướm và hoa... Vũ biểu Thúy. Tại Thúy thích chim khuyên, Vũ chọn nhiều chim khuyên.
Thúy lắc đầu :
- Chả thèm đâu. Ai bảo về Thái mà không thèm nhớ người ta.
Vũ buồn buồn :
- Vũ sợ Côn giận Vũ.
Con Thúy là chú khôn. Nó bĩu môi :
- Không có Vũ, Thúy mới chơi với Côn. Vũ về, Thúy chỉ thích chơi với Vũ. Thúy trêu tức Côn, Thúy bảo Côn ném phi tiêu hạng bét.
Vũ chộp lấy cánh tay Thúy. Con bé không hất ra. Bước chân mùa xuân vừa đặt lên trái tim Vũ. Cả trái tim Thúy nữa. Tháng giêng tình yêu luôn luôn có cơn nắng hồng ấm áp. Cơn nắng ấy chỉ thấy trong mắt Vũ và Thúy.
- Vũ ơi ! Đê sắp vỡ, đi hộ đê !
Tiếng thằng Luyến réo gọi bên ngoài. Làm sao nó biết Vũ ở nhà Thúy.
- Đê sắp vỡ, Vũ ơi !
Cơn nắng hồng chưa bừng sáng đã tạm biến. Vũ rời bàn tay khỏi cánh tay yêu dấu. Tự nhiên Vũ muốn quên thực dân Pháp, phát xít Nhật, cách mạng, đê điều. Nó muốn quên hết. Để khỏi bị đánh thức trong giấc mơ êm ái.
- Vũ về nhé !
- Vũ đi hộ đê à ?
- Ừ, nước sông lớn lắm. Không chừng đê vỡ.
- Mai Vũ đến kể chuyện Hà Nội cho Thúy nghe, nhé Vũ nhé !
- Ừ, Vũ sẽ đến mãi mãi...
Vũ bước ra đường. Mắt nó hoa lên. Tai nó nghe rõ từng hồi trống ngũ liên thôi thúc. Mắt nó nhìn khuôn mặt nhớn nhác của thằng Luyến.


8.

Sau một đêm mưa tầm tả, đê Trà Lý vỡ. Nước lũ dâng cao và chảy siết. Những khúc đê mới được tu sửa, đắp cao không chịu nổi sức cuốn của dòng nước lũ hung bạo và nước mưa xối xả, đã tan vã, vỡ tung. Nước lũ có lối thoát, ào ào chảy xuống những cánh đồng lúa con gái xanh mướt. Thoạt đầu, con đê phía bên kia cầu Bo bị nước lũ cắt một khúc dài. Các phủ huyện Thái Ninh, Hưng Nhân, Quỳnh Côi, Phục Dực chìm nghỉm dưới biển nước mênh mông. Rồi con đê phía bên này cầu Bo ục vỡ. Hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương chịu chung cảnh ngộ lụt lội. Chỉ còn vài huyện miền bể là thoát nạn. Thị xã gần Vũ Tiên, xa khúc đê vỡ nên mãi buổi trưa, nước mới tràn tới. Trong khi đó, nước lũ vẫn hung hăng siết chân cầu Bo và mặt nước sông vẫn cao hơn mặt đất. Tiếng trống hộ đê im bặt. Tiếng đập của trái tim dân tỉnh lỵ cũng ngưng, nhường cho tiếng thở dài ảo não...
Trẻ con thị xã chạy xô ra đường phố nghịch nước. Nước ngập đường, ngập vỉa hè. Đến tối, nước ngập nền nhà. Sáng hôm sau, mực nước đứng lại, bằng mực nước sông nhưng ở những con đường thấp nhất, nước vẫn ngập tới bụng người lớn. Không khí cách mạng chìm trong tiếng thở dài ảo não của dân chúng. Nhìn biển nước ngầu đỏ, chẳng ai thiết hoan hô cách mạng thành công. Tỉnh lỵ đợi một trận chết đói như trận chết đói thảm khốc hồi tháng ba. Dòng nước lũ oan nghiệt đã cuốn trôi hết sự nghiệp của dân quê. Trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa bị cuốn phăng. Cả người nữa. Đứng trên cầu Bo, nhìn biển nước mênh mông, thấy toàn những ngọn cây và mái nhà cao từ xóm làng xa xa. Không biết lấy gì mà sống chờ vụ chiêm sang năm. Chín tháng trời nhịn đói ư ? Dân thị xã lo lắng, sợ hãi và bắt đầu ăn một bữa. Nhiều gia đình nghèo đã kéo nhau xuống huyện Tiền Hải kiếm kế sinh nhai. Vẻ buồn đen sẫm trên bức họa tỉnh lỵ. Người ta oán trách trời đất gieo rắc khổ đau liên tiếp cho dân Thái Bình hiền lành, chất phác và chung thủy. Hết Pháp đô hộ đến Nhật xâm lăng. Rồi chết đói, chết no. Rồi cách mạng ồn ào. Và lụt lội. Chưa đầy một năm, dân tỉnh lỵ chứng kiến và chịu đựng mấy phen tủi cực. Tự nhiên, không ai thích đời sống mới nữa. Tất cả đều mơ ước đời sống cũ tẻ nhạt nhưng bình yên, an phận nhưng no lành.
Cách mạng chừng hiểu được ý nghĩ của dân tỉnh lỵ nên suốt ngày, trên những chiếc thuyền nan, nhân viên tuyên truyền với chiếc loa đồng cũ kỹ, bơi khắp phố loan báo tin chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ lo cứu trợ nạn lụt. Tuyên truyền trấn an dân chúng và không quên dọa xử tử Việt gian. Ai chống cách mạng là Việt gian ! Ai không tin tưởng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng là Việt gian ! Không ai muốn chết khổ sở như ông Ban. Thành thử, những ý nghĩ chán ghét đời sống mới chỉ là ý nghĩ âm thầm của từng người. Hôm nọ, trong buổi mít tinh nghe ông chủ tịch Thái Bình đọc bức thư từ bỏ ngai vàng của vua Bảo Đại để trở về làm công dân nước độc lập, một người nói đùa : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Lập Cập Trộn Gio Trộn Chấu đã bị bắt nhốt. Phải nói Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc ! Lại có người hát bài chào cờ đổi câu Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa vang khúc quân hành ca thành Cờ in máu kiến cắn kêu làng nước, ối giời ơi đau quá dân mình ơi cũng bị bắt nhốt. Bởi vậy, khi chiếc loa đồng vang vang lời trấn an, dân chúng đành một lòng tin tưởng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lãnh đạo.
Bọn thằng Vũ chưa có ý nghĩ âm thầm của người lớn. Cái chết của ông Ban đã thoáng qua trong tâm hồn chúng. Bây giờ, chúng nó chỉ buồn gì không được chạy rông ngoài phố hoan hô cách mạng. Và Vũ, Vũ buồn hơn vì chưa nghĩ được cách nào tới thăm con Thúy và làm con Thúy phục nó. Thị xã đã đầy thuyền bè. Dân chúng di chuyển bằng thuyền. Cả những cánh cửa gỗ cũng đã được gỡ ra, kết bè. Vũ nghĩ tới bè chuối của nó, bơi sang bên kia sông Trà Lý cớp vải năm xưa. Ánh mắt Vũ sáng ngời. Nó vội thủ một con dao, mặc trần xì cái quần đùi, lội qua nhà thằng Côn sau một tuần lễ buồn bã.
Côn nghe Vũ nói chuyện chặt chuối kết bè, sướng rên. Thế là bọn thằng Vũ và mấy đứa nhi đồng cầu Kiến Xương bơi vào Kỳ Bá chặt chuối. Những cây chuối hột thật cao đã ủng rễ, bị bọn thằng Vũ hạ rạp. Chẳng ai thèm ngăn cản chúng nó. Vũ bảo các bạn kéo chuối ra cống Kỳ Bá. Mặt cống chỉ sấp sỉ nước. Chúng chặt tre, vót cọc, đóng bè tại đây. Năm chiếc bè chuối hai tầng của bọn thằng Vũ vừa dài, vừa rộng, đủ sức chở năm ông nhãi trên một chiếc. Năm "thuyền trưởng" Vũ, Côn, Luyến, Long, Lộc chống sào, đẩy bè về thị xã.
Vũ nhớ anh em thằng Vũ sún ở Cống Đậu, nó nói :
- Giờ mà có thủy chiến, tao làm thuyền trưởng Bờ-lút !
Lộc kháy :
- Trông mày giống E-rô Fin ghê !
Vũ cười :
- Giống mạnh sền gù ! Nhi đồng Kiến Xương chiến nhất tỉnh.
Tự hôm Vũ về Thái, Vũ nói nhiều tiếng mới. Bọn thằng Côn không hiểu và quên hỏi. Nay Luyến chợt nhớ ra. Nó hỏi Vũ :
- Chiến là gì ?
Vũ phưỡn ngực :
- Là cừ nhất hạng. Dân Hà Nội thích nói chiến lắm. Cừ, kền vất đi, thua chiến.
Luyến khoái chí :
- Bè của tụi mình chiến quá !
Nó nheo mắt :
- Còn mạnh sền gù ?
Vũ hất tóc :
- Là mạnh hơn cả mạnh thủy tinh, là ghê gớm...
Chẳng mấy nả, năm cái bè chuối đã được đẩy về phố nhà Vũ. Những cuộc phản đối phát xít Nhật vẫn xẩy ra hàng ngày. Song nước chưa cạn nên chưa có biểu tình đả đảo Nhật dù Nhật đã làm cho đê vỡ ! Chính quyền Thái Bình quả quyết chính Nhật và Việt gian đã ngấm ngầm đem bộc pha làm nổ tung đê điều. Trò chơi cách mạng đả đảo Nhật không hấp dẫn trong mùa lụt. Thành ra chỉ có những chiếc thuyền câu chở nhân viên tuyên truyền đi đả đảo. Vũ gặp dịp may này. Nó ra lệnh chở hai mươi nhi đồng cầu Kiến Xương theo đuôi những chiếc thuyền câu của nhân viên tuyên truyền. Những đứa trẻ được tiếng cứu quốc. Thực ra, chúng nó khoái đùa nghịch.
Trên một chiếc bè, có thằng cởi truồng, lấy quần đùi của nó treo lên đầu cành tre và cắm ở đầu bè. Cờ quần đùi của nhi đồng cầu Kiến Xương bay phần phật như cờ đỏ sao vàng của cách mạng. Nhi đồng khu phố khác bắt chước nhi đồng cầu Kiến Xương, đẵn chuối kết bè, lênh đênh suốt ngày khắp đường thị xã. Chúng đả đảo Nhật, hoan hô cách mạng, vạn tuế Hồ Chí Minh, tung hô Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa muôn năm, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc muôn năm. Nhờ những ông nhãi mà không khí cách mạng tỉnh lỵ không bị nước lũ cuốn trôi. Những ông nhãi thì chẳng hề biết mình đã cứu nguy cách mạng.
Vũ tách năm chiếc bè của nhi đông cầu Kiến Xương khỏi đoàn biểu tình trên nước. Nó dẫn đầu, chống sào, đẩy bè qua phố nhà con Thúy. Đến trước cửa nhà Thúy, Vũ sực nhớ "thuyền trưởng" Côn. Nó bỏ ý định gây huyên náo để con Thúy hé cửa sổ chiêm ngưỡng nó. Vũ chống sào lẹ, đẩy bè lướt nhanh. Nó nghĩ thầm "Chả lẽ mặc quần đùi vào nhà bác Thụy". Vũ tự nhủ : "Mình sẽ diện đẹp và con Thúy sẽ lác mắt". Vũ cao hứng huýt sáo bài quen thuộc. Bọn nhi đồng hát vang :
"... Kìa lời gió ngàn
Kìa lời sông núi
Nhắc nhở em rằng tuy mình đang còn thơ ấu, nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên...
... Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời.
Em trọn đời trung với Việt Nam..."
Tiếng hát lan tỏa trên mặt nước lặng lờ. Sao tâm hồn vũ xốn xang thế ? Nó đã có một niềm vui riêng sau niềm vui chung. Vũ hét lớn :
- Về phố mình !
 
9.

Buổi tối thật buồn tẻ. Không nghe thấy tiếng rao của hàng lục tầu xá hay canh bún cá. Mà chỉ có tiếng rao bán bánh khoai, bánh nếp từ chiếc thuyền nan leo lét ngọn đèn dầu. Vũ lén lội ra cửa. Nó cởi bè, chống sào, đẩy đến nhà con Thúy. Trăng mờ trên đầu Vũ. Mặt nước yên lặng. Vũ nghe rõ tiếng bè lướt trôi. Nó còn mơ hồ nghe rõ cả tiếng con Thúy trách móc nó tại sao từ hôm đê vỡ, Vũ chả chịu đến chơi với Thúy. Vũ nuốt ực một cơn sung sướng. Nó chống sào mạnh để bè lướt nhanh, thật nhanh. Tới gần nhà Thúy, Vũ rút sào đặt lên trên bè. Chiếc bè trôi từ từ. Vũ ngồi giữa bè, móc túi rút cái kèn ác mô ni ca. Nó thổi bài mới nhất vừa học thuộc :
Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít
Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu
Kim Đồng, quê hương Việt Bắc xa mù
Kim Đồng, thay cha rửa mối quốc thù
Anh Kim Đồng ơi
Anh Kim Đồng ơi
Tuy anh qua đời
Gương anh sáng ngời
Đoàn tôi cố noi
Bao phen giao thông trong rừng
Gian lao nguy nan muôn trùng
Xung phong theo gương anh hùng
Đùng đùng đùng
Đoàng đoàng đoàng
Anh vẫn đi
Kim Đồng, tên anh muôn kiếp không mờ
Kim Đồng, tên anh lừng lẫy chiến khu...

Vũ thổi hết bài Kim Đồng thì bè của nó trôi tới cửa nhà con Thúy. Và hết đà, chiếc bè dừng lại. Cánh cửa sổ nhà Thúy hé mở, một khoảng ánh sáng của đèn điện ùa ra cùng lúc tiếng kèn ác mô ni ca tan trong mênh mông. Thúy đứng giữa vùng ánh sáng giới hạn đó. Con bé mỉm cười, thò tay qua chấn song cửa, vẫy lia lịa tựa hồ người đứng trên bờ vẫy chào người thân yêu trên boong tầu sắp ghé bến. Vũ nhét vội chiếc ác mô ni ca vào túi quần. Nó cầm sào, đứng vậy, chống bè táp vô cửa nhà Thúy.
- Chiến không ?
Thúy ngơ ngác :
- Chiến cái gì ?
Vũ chỉ chiếc bè chuối :
- Cái này.
Thúy chẳng hiểu chiến ra sao, cũng khen rối rít :
- À, cái bè chuối chiến lắm. Vũ mua ở đâu thế ?
Vũ đã xuống bè, rón rén bước tới cửa sổ. Nó khoe :
- Vũ làm Tác-giăng ngậm dao bơi vào Kỳ Bá chặt chuối đóng bè đấy. Vũ đóng năm chiếc. Vũ đem tặng Thúy một chiếc.
Thúy khẽ reo :
- Thích quá.
Con bé giục :
- Vũ vào đây với Thúy đi !
Vũ lắc đầu :
- Vũ đứng gần Thúy được rồi. Vũ tới xin lỗi Thúy.
Thúy nắm lấy bàn tay Vũ :
- Vũ có làm Thúy giận đâu mà phải xin lỗi ?
Vũ thấy bàn tay lạnh lẽo của nó ấm dần. Và nóng ran. Như thể được xoa dầu Nhị Thiên Đường.
- Vũ muốn đứng bên ngoài.
- Sao tay Vũ lạnh thế ?
Vũ bối rối :
- Chả biết tại sao nữa.
Thúy hơi nhăn nhó :
- Đưa tay kia Thúy xem nào.
Vũ đặt nốt bàn tay lên thành cửa sổ. Con Thúy đã nắm bàn tay nó. Hai bàn tay trong hai bàn tay. Hai con mắt nhìn hai con mắt. Vũ cảm giác như trong ngày mùa đông nhiều nắng hanh vàng bị khát nước. Và nó bê cái ấm tích nước lạnh tu ừng ực. Nước thấm lạnh từ cổ họng xuống tận dạ dầy. Nước đến đâu, lạnh đến đó. Hả hê vô cùng. Vũ đang đứng giữa nắng hanh vàng. Nắng hanh vàng của những ngày vàng thần tiên của Vũ. Thúy là ấm tích nước lạnh. Tâm hồn Vũ được tưới bằng nước mưa ngâm hoa bưởi.
- Tay Vũ lạnh ghê ghê là...
- Tay Thúy ấm lắm.
Tại Thúy ở trong nhà, Vũ ở bên ngoài, Vũ chèo bè đấy mà...
Vũ nhìn Thúy. Bốn bàn tay đã tạm xa nhau.
- Thúy ơi !
- Hở ?
- Có thật Thúy bảo Vũ cừ không ?
- Vũ ném phi tiêu cừ hơn Côn.
- Nhưng Vũ không ném phi tiêu ?
- Vũ mà ném, Vũ sẽ cừ hơn Côn.
- Có thật...
- Thật gì cơ hở Vũ ?
- Thật Thúy... nhớ Vũ không ?
- Thật chứ. Thúy nhớ cả gói táo tầu Vũ cho Thúy, nhớ cả chiếc lồng bẫy chim khuyên Vũ cớp của thằng Hội. Thúy ghét thằng Hội. Thúy nhớ cả lần Vũ đánh thằng Dương bênh Thúy...
Bỗng Thúy hỏi :
- À, thằng Dương có bị cách mạng tát tai không ?
Vũ thích chí :
- Lão phó Cẩm bị tù rồi. Thằng Dương, thằng Hách, thằng Huấn bây giờ lủi thủi, chả ai thèm chơi. Giá thằng Vọng còn sống, nó sẽ trả thù thằng Dương, thằng Hách.
Thúy bùi ngùi :
- Thằng Vọng ghẻ tầu tốt lắm. Nó cứ gọi Thúy bằng "chị" và cho Thúy nhiều cánh cam.
Vũ không muốn nghe chuyện thằng Vọng nữa dù nó rất thương Vọng. Tai nó nóng bừng. Cái gì đó làm Vũ khó chịu, Vũ không hiểu, song nó chỉ thích nghe Thúy nói với nó về nó.
- Thúy ơi !
- Gì, Vũ ?
- Má Thúy hết nóng chưa ?
- Hết rồi.
- Thúy nói dối.
- Chả tin rờ má Thúy đi...
Vũ đưa bàn tay áp vào má Thúy. Xuân hồng của Vũ lại bừng nắng rực rỡ, tràn ngập tiếng chim ca ánh ỏi. Và bướm muôn mầu rợp bay.
- Ừ, hết nóng rồi.
- Vũ tin Thúy chưa ?
- Vũ tin. Mà, Thúy ơi !
- Gì hở, Vũ ?
- Tóc Thúy thơm quá.
- Thúy có bôi nước hoa đâu !
- Sao thơm thế ?
- Vũ lại không tin Thúy à ?
Con bé cúi đầu thấp sát chấn song cửa sổ. Vũ thấy rạo rực tâm hồn. Nó muốn hôn lên tóc Thúy nhưng sờ sợ. Thúy giục :
- Ngửi tóc Thúy xem có phải Thúy bôi nước hoa không nào ?
Vũ định bắt chước thằng bé trong phim ca nhạc quàng tay qua cổ con bé Danna Durbin và hôn nhẹ lên trán con bé. Mà Vũ ngại ngùng khôn kể.
- Vũ ơi, à, mày ở đây !
Cả Thúy lẫn Vũ cùng bối rối. Vũ quay mặt lại. Con nhà Luyến cười hô hố :
- Tìm mày toát mồ hôi. Chúng nó tưởng mày xuống An Tập.
Vũ cáu sườn. Nó lẩm bẩm :
- Thằng chó chuyên phá đám.
Nhưng Vũ mừng gì thằng Luyến bắt gặp nó ở đây chứ không phải thằng Côn. Thúy dặn khẽ :
- Mai Vũ tới nhé !
Và con bé khép cửa sổ. Vũ lội ra vỉa hè, leo lên bè của thằng Luyến. Con nhà Luyến hỏi :
- Mày bảo mày ghét con bà cô Thúy, sao mày còn chơi với nó ?
Vũ phiệu :
- Tao cho nó cái bè, mai nó sẽ bị ngã, uống nước sặc sụa. Đừng nói tụi thằng Côn biết, nghe chưa.
Luyến vỗ tay :
- Hay quá. Hoan hô mày, Vũ ạ !
- Tìm tao làm gì ?
- Đi cớp bè của tụi Tầu.
Vũ vừa tặng Thúy chiếc bè, nó thấy cần cớp chiếc khác kẻo thằng Côn nghi ngờ. Vũ giậm chân mạnh làm chòng chành bè :
- Cớp hết. Nhi đồng cầu Kiến Xương chiến nhất. Mỗi thằng một chiếc bè.
Chiếc bè lướt đi. Hai đứa bé nói chuyện vang vang mặt nước. Vũ không biết con Thúy vẫn đứng ở cửa sổ, hé một chút, nhìn theo chiếc bè xa dần con phố nhà mình.



10.

Nước đã rút dần sau mấy tuần đứng yên không thèm nhúc nhích. Nhưng khi nước rút lại rút thật nhanh. Mỗi ngày vài tấc. Đến hôm nay, nước chỉ còn cao đến đầu gối người lớn ở những con đường thấp nhất trong thị xã. Nhi đồng hết trò chơi thủy chiến bằng bè chuối hay thả bè câu cá hay lênh đênh cả buổi trên mặt nước rồi, hễ chán, họp nhau, chống bè qua Câu Lạc Bộ đả đảo Nhật lùn. Dân chúng bớt thở dài. Vẻ thê lương mờ nhạt nhường chỗ cho nắng vàng tương lai. Thị xã chợt nổ bùng một phẫn nộ mới : Thực dân Pháp đã theo quân đồng minh đổ bộ lên miền Nam.
Dân chúng biểu tình tuần hành dưới nước đả đảo thực dân Pháp. Phát xít Nhật được quên đi như thể đã chiến thắng rồi. Tám mươi năm đô hộ khơi dậy bao nỗi căm hờn. Chẳng ai muốn Pháp trở lại. Những cuộc biểu tình rầm rộ tưởng muốn nghiêng đất hất nước lụt ra biển cả. Cô Yến, con gái ông Hậu Hòe, nhân vật nổi tiếng của Thái Bình, lần đầu tiên xắn quần lội nước đi đả đảo giặc Pháp xâm lăng. Vài hôm sau những cuộc biểu tình chống Pháp, nước rút hẳn. Thị xã khô ráo. Và ở khắp phố, bài hát mới hâm nóng lòng yêu nước của mọi người.
Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu lấy miền Nam
Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn
Người Việt Nam, giống anh hùng từng tranh đấu
Đã từ lâu đứng lên phá tan u sầu
Người Việt Nam, giống anh hùng từng tranh đấu
Tới ngày nay toàn dân quyết chiến không lui
Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang sông núi miền Nam giục ta ra tranh đấu.

Cả ngày, cả đêm, bài hát ầm vang cơ hồ tiếng súng Nam Bộ kháng chiến ầm vang của người miền Nam yêu nước. Tất cả đều đứng lên. Tin tức chiến sự toàn loan những chiến thắng. Dân miền Nam đã anh dũng chống trả liên quân Anh, Ấn, Pháp bằng dáo, mác và gậy tầm vông. Ngay những người xẩm bến đò, bến xe cũng từ bỏ những bài hát cũ rích và hát bài "Tiếng súng Nam Bộ". Thanh niên Thái Bình tình nguyện vào Nam kháng chiến chống Pháp. Phương hen, người bạn già bán bánh mì thịt quay cửa trường Moonguillot đã ghi tên vào Nam. Thanh niên mười hai phủ, huyện lũ lượt kéo nhau lên thị xã chờ đợi ngày lên đường vào Nam. Phải giành độc lập, phải đuổi thực dân Pháp khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu. Tiếng súng Nam Bộ thức tỉnh tình đoàn kết và làm sôi sục máu nóng của dân chúng.
Bọn thằng Vũ đã dự buổi lễ tiễn những người thanh niên tình nguyện vào Nam đánh Pháp. Những người này được quàng hoa kín cổ, được hoan hô nồng nhiệt. Vũ và Côn vỗ rát cả tay khi Phương hen giơ tay vẫy vẫy. Những người tình nguyện mà không được tuyển chọn, khóc sướt mướt. Khuôn mặt họ ủ rũ, buồn hiu hệt trẻ con mong mẹ về chợ mà chẳng có quà bánh. Vũ đã nuốt nước bọt thèm khát cái vinh dự đánh đuổi xâm lăng Pháp. Giá nó lớn, chắc chắn, nó đã ghi tên vào Nam. Và nó sẽ cho giặc Pháp biết tay. Đoàn người vào Nam lên đường, tỉnh lỵ thêm mùa nước lũ. Nước lũ cuồn cuộn, hung hăng hơn con nước lũ vừa tàn phá đê điều. Kể từ đó, bọn thằng Vũ căm thù thực dân Pháp. Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn.
Dân chúng hướng vào Nam Bộ, mong tin chiến thắng. Không ai thiết lo thóc cao gạo kém. Tương lai sẽ gần như mùa lúa chiêm sắp tới, mùa lúa chiêm vàng đầy đồng nhờ phù sa bồi bón. Riêng Vũ, Vũ chỉ lo nó chưa kịp lớn, giặp Pháp đã bị đánh thua tan nát. Vũ mơ ước chóng lớn. Niềm ước mơ ấy làm quên xuân hồng của nó. Vũ chỉ còn nhớ Thúy sau mỗi cuộc biểu tình. Vũ ngồi dựa lưng vào tường, bực tức từa tựa nỗi bực tức của Trần Quốc Toản. Nó đứng dậy, đá tung cái hộp sữa bò. Côn đến đúng lúc. Nó ngạc nhiên :
- Mày giận ai đó ?
Vũ mím môi :
- Ông đép được vào Nam. Phương hen được vào Nam mà tao không được vào !
Côn rút trong túi quần xoóc ra một tờ báo gấp nhỏ :
- Trong Nam có thằng chiến hơn Kim Đồng. Báo đăng đây này.
Vũ chộp vội tờ báo. Cái tít to tướng đập vào mắt Vũ : "Một em bé tẩm xăng tự đốt rồi nhẩy vào kho đạn của giặc Pháp". Vũ say sưa đọc báo. Nó cười ha hả :
- Ừ, chiến hơn Kim Đồng.
Tin em bé Nam Bộ tẩm xăng tự đốt rồi nhẩy vào kho đạn của giặc Pháp ở Sàigòn đã xôn xao thị xã. Đi tới chỗ nào cũng thấy kể chuyện em bé Nam Bộ. Em bé Nam Bộ được coi như anh hùng cứu quốc. Nhi đồng cầu Kiến Xương, khối đứa mơ thành em bé Nam Bộ. Chúng nó tưởng rằng kho đạn của thực dân Pháp nổ tung, giặc Pháp sẽ hết đạn bắn. Quân ta sẽ giết hết chúng nó. Báo Cứu Quốc không ngày nào là không nhắc gương can đảm của em bé Nam Bộ cùng với tin Thanh Niên Tiền Phong giết Pháp cầu Quay, cầu Mống, Khánh Hội, Gò Vấp, Bình Xuyên, Gò Công... Những đại danh xa lơ xa lắc bỗng gần gũi lạ thường. Vũ đã thổi ác mô ni ca không biết mệt cho nhi đồng cầu Kiến Xương hát bài :
Bình Xuyên, Bình Xuyên oai hùng ngàn năm
Đoàn dũng sĩ máu sôi lòng hờn căm
Khi quân ta tiến ra
Vung gươm chói lòa muôn đầu rơi sát khí ầm vang hát chốn sa trường không tiếc thây
Bình Xuyên, Gò Công bao lần diệt Tây...

Vũ tưởng tượng Bình Xuyên, Gò Công như là Đống Đa, Chi Lăng, nơi các dũng sĩ miền Nam đang chém ngang thây thực dân Pháp, nơi tổ tiên ra đã chém ngang thây giặc Trung Hoa. Nó thấy Nam Bộ thật gần gũi và mến yêu lạ lùng. Nam Bộ không phải là "tân thế giới" xa xôi toàn rừng cao su và roi da quật trên thân thể người Việt Nam, miền lưu đầy cu ly đồn điền, dời quê hương đến sống khốn khổ và chẳng bao giờ trở lại. Nam Bộ anh dũng. Nam Bộ cháy bừng lửa chiến đấu giết thù. Trái tim thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, thằng Long, thằng Lộc cháy theo. Lần đầu tiên, những đứa trẻ biết quê hương chúng nó không phải chỉ có Thái Bình. Quê hương chúng nó còn ở Khánh Hội, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Bình Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Chợ Mới. Nơi ấy, chú bác chúng nó đang tập làm Nguyễn Trung Trực, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Tri Phương... Và em bé Nam Bộ đã noi gương anh Kim Đồng. Nơi ấy, đồng bào chúng nó đang kháng chiến bằng gậy tầm vông. Tự nhiên, Vũ ước ao được đứng trên cầu Mống, rút súng thủy tinh đầy nước chĩa thẳng vào mặt liên quân Anh Ấn Pháp như nó đã chĩa thẳng vào mặt Nhật lùn.
Vũ đút vội kèn vô túi quần, đùng đùng nổi giận :
- Mẹ bố tụi tây đen bán vải !
Nhi đồng cầu Kiến Xương nhôn nhao hỏi :
- Tại sao lại chửi tụi tây đen ?
Vũ nghiến răng ken két :
- Tụi nó là Ấn Độ đánh giết quân ta ở Nam Bộ.
Nó hét :
- Đi tẩn bỏ mẹ tụi nhãi con Ấn Độ trả thù cho đồng bào Nam Bộ.
Nhi đồng cầu Kiến Xương reo hò. Chúng nó đi lùng nhãi con Ấn Độ. Nội buổi chiều, có năm thằng nhãi Ấn Độ bị đánh sưng vếu mặt mũi. Mấy hiệu bán vải của tây đen Ấn Độ bị ném đá, không dám mở cửa. Nhi đồng cầu Kiến Xương đứng trước các hiệu tây đen, hát láo :
Ông tây đen nằm trong cái bồ
Đánh cái rắm làm bánh ga tô

Tây đen không hiểu tại sao bọn nhãi ranh lại nghịch ngợm tinh quái thế. Bọn thằng Vũ không thèm nghịch ngợm, chúng nó đang tưởng tượng vào Nam Bộ kháng chiến. Nam Bộ nằm giữa trái tim thằng Vũ.

<< Chương 1 - 5 | Chương 11 - 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 810

Return to top