Bức Họa Núi Thu
Akutagawa Ryunosuke
Nguyên tác : Shuzanzu
Lời Người Dịch:
Cũng như nhiều nhà văn Nhật Bản, Akutagawa Ryunosuke thường mượn bối cảnh và đề tài Trung Quốc cho tác phẩm của ông. Bức Họa Núi Thu (Thu Sơn Đồ) đã được đăng tải lần đâu tiên trên tờ Kaizô vào tháng giêng năm 1921, lúc ông 29 tuổi.
Các họa phổ của Trung Quốc thường nhắc đến bức Phỏng Họa Hoàng Đại Si Thu Sơn Đồ của Vương Thạch Cốc mà không thấy ghi chép về bản chính Thu Sơn Đồ do Đại Si sáng tác. Nếu Thu Sơn Đồ, bức danh họa mà nhà văn nói đến ở đây,không hề có thực thì có quan trọng không? Vẻ đẹp tuyệt đối của một tác phẩm nghệ thuật phải chăng chỉ có trong tâm khảm của người thưởng thức nó ?
Hai lần nhìn một bức tranh, người ta có thể cảm nhận hai cách khác nhau nhưng có thể nào cùng một người xem mà một bức tranh được coi là đẹp khi treo trong ngôi nhà hoang phế của khách tài tử phong lưu lại đâm ra xuống sắc khi chưng trên tường phủ đệ một phú hào thiếu nghệ sĩ tính.
Người dịch sử dụng bản Nhật Ngữ của Tuyển Tập Văn Học Nhật Bản (quyển 29: Akutagawa Ryunosuke) do nhà Chuô Kôron ấn hành lần đầu tiên năm 1962 và tham khảo bản dịch qua Anh Ngữ nhan đề Autumn Mountain ( bị cắt xén nhiều chổ so với nguyên tác ) của nhà Nhật Bản Học Ivan Morris (Modern Japanese Short Stories, Charles E. Tuttle Co.,Tokyo, 1962).
- Nói đến Hoàng Đại Si (1) , thế cụ đã xem Thu Sơn Đồ của Đại Si chưa ạ?
Một tối mùa thu, Vương Thạch Cốc (2) đến thăm Âu Hương Các và khi đang nhấp mấy ngụm trà với chủ nhân Uẩn Nam Điền (3) , câu chuyện đưa đẩy thế nào mà tự dưng khách đi vào câu hỏi đó.
- Thưa không, tôi chưa được xem ạ. Thế cụ đã có dịp thưởng thức tranh ấy chưa ?
Đại Si Lão Nhân Hoàng Công Vọng tề danh với Mai Đạo Nhân (4) và Hoàng Hạc Sơn Tiều (5) , đời coi là ba thánh thủ hội họa dưới triều Nguyên. Uẩn Nam Điền vừa nói thế mà có cảm tưởng những bức danh họa của Đại Si mình có dịp chiêm ngưỡng ngày xưa, nào Sa Tích Đồ, nào Phú Xuân Quyển như phảng phất hiện về trong ký ức.
- Ấy, biết thưa thế nào đây, bảo là xem rồi thì vẫn đúng mà bảo chưa xem cũng chẳng sai. Chuyện nói ra thật khó tin, bẩm cụ ...
- Cái gì mà xem rồi lại như chưa xem, thế nhỉ ...?
Uẩn Nam Điền lộ vẻ thắc mắc, nhìn Vương Thạch Cốc như dò hỏi.
- Hay tranh cụ xem là bức họa mô phỏng thôi chứ gì ?
- Thưa không, chẳng phải phỏng họa nào cả. Rõ ràng tôi được xem bản chính đấy. Nào phải một mình tôi đâu., Cả Yên Khách tiên sinh (6)(Vương Thì Mẫn) lẫn Liêm Châu tiên sinh (7) (Vương Giám) đếu có chút duyên may với bức Thu Sơn Đồ nầy cả đấy, cụ ạ !
Vương Thạch Cốc mới nhấp thêm ngụm trà, ra vẻ nghĩ ngợi lung lắm, rồi mới mỉm cười.
- Nếu không nhàm tai cụ thì tôi xin được phép kể lại đầu đuôi câu chuyện.
- Vâng, cụ tự nhiên cho.
Uẩn Nam Điền khêu lại ngọn lửa trên giá đuốc đồng, vừa ân cần thôi thúc khách.
Chuyện xảy ra hồi Nguyên Tể tiên sinh (8) (Đổng Kỳ Xương) còn sinh tiền cơ. Mùa thu năm ấy, có hôm đang cùng Yên Khách Ông luận về hội họa, bất chợt tiên sinh hỏi Ông đã được xem Thu Sơn Đồ của Hoàng Nhất Phong chưa. Như cụ thừa biết, trong ngành họa, Ông là môn hạ họa phái Đại Si, nên có thể bảo đã là tác phẩm của Đại Si lưu lại trên cõi đời nầy, Ông đều xem không sót. Thế mà mỗi một bức gọi là Thu Sơn Đồ, rốt cục ông chưa hề được xem.
- Không ạ, tên còn chưa nghe tới, nói chi đến xem !
Yên Khách Ông vừa trả lời như thế vừa không khỏi thẹn thùa.
-Thế thì khi nào có dịp, xin ông xem một lần cho biết. So với Hạ Sơn Đồ và Phù Băng Đồ, tranh ấy còn nổi hơn một bậc. Có lẽ trong số họa phẩm của Hoàng Đại Si lão nhân, Thu Sơn Đồ chính là bạch mi ( 9 ) đấy ạ !
- Kiệt tác như thế hở cụ. Tôi phải tìm xem mới được. Thế cụ có biết hiện nay ai là chủ bức tranh ấy không?
- Nó nằm ở nhà họ Trương xứ Nhuận Châu. Trên đường vãng cảnh Kim Các Tự chẳng hạn, ông nhớ tạt qua gõ cửa hỏi thăm chủ nhân xem. Tôi sẽ xin vì ông mà thảo một phong thư giới thiệu.
Yên Khách Ông lãnh thư của tiên sinh, tức thời lên đường đi Nhuận Châu. Nghĩ thầm nếu nhà họ Trương là nơi sở tàng một bức danh họa như vậy thì đến đó, ngoài tranh Hoàng Nhất Phong chắc còn có cơ chiêm ngưỡng được những bức họa tuyệt vời khác, nên Yên Khách Ông bồn chồn bứt rứt không thể nào nán lại thư phòng Tây Viên (10) thêm một khắc nào nữa.
Thế nhưng khi tới Nhuận Châu, Ông mới vỡ lẽ. Ngôi nhà họ Trương mà ông thèm thuồng đến viếng kia, cơ ngơi đồ sộ thì có đấy nhưng sao hoang phế tiêu điều quá. Giây trường xuân leo đầy tường dậu, cỏ dại um tùm trên sân, một đàn gà vịt nhớn nhác nhìn khách lạ. Cảnh tượng như thế làm cho một người trung hậu như Ông cũng bất giác nghi ngờ lời nói của Nguyên Tể tiên sinh vì không nghĩ ra cớ gì mà tranh Đại Si lạc loài đến chốn hoang vu thế nầy. Nhưng đã cất công đến lại chưa chìa danh thiếp mà đã bỏ về thì sao gọi là sở nguyện bình sinh. Vừa vặn lúc ấy người canh cửa bước ra, Ông đành phải trình bày việc làm khách viễn phương ghé xem tranh Hoàng Nhất Phong, rồi trao phong thư giới thiệu của Tư Bạch Tiên Sinh.
Chỉ trông chốc lát, Yên Khách Ông đã được mời lên đại sảnh. Ở đây cũng vậy, tuy có đặt bộ trường kỷ bạch đàn nom rất trang nhã nhưng thoang thoảng mốc meo, như thể mùi hoang phế bốc lên cả từ nền gạch. May thay, khi chủ nhân bước ra thì dầu nhìn mặt thấy như người mang bệnh nhưng tướng mạo nom ra cũng hiền lành. Không những thế, khuôn mặt xanh xao và bàn tay thanh tú kia cho ta cảm tưởng người ấy có cái phong thái con nhà dòng dõi. Sau khi hai bên phân chia ngôi thứ theo đúng lễ sơ kiến, Ông bèn thưa với chủ nhân xin được chiêm bái tác phẩm cao diệu của Hoàng Nhất Phong. Nghe giọng khẩn khoản mới thấy Ông có vẻ đang bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ nếu không tìm xem cho được bức họa bây giờ, e nó sẽ biến thành sương thành khói mất.
Chủ nhân vui vẻ nhận lời và cho treo ngay lên tường của sảnh đường một bức họa :
- Xin thưa đây là Thu Sơn Đồ mà quí khách hằng ao ước.
Yên Khách Ông mới nhìn bức tranh trên tường một lượt thôi đã bất giác thốt ra tiếng kêu kinh ngạc.
Nền họa tuyền một màu xanh lục.Chỗ dòng khe uốn mình như rắn lượn, lác đác xóm làng và mấy nhịp tiểu kiều. Bên sườn ngọn núi vút lên cao nhất, chòm mây thu nhàn nhã được điểm đậm nhạt bằng mấy lớp phấn trắng. Núi xếp giăng hàng theo phép hoành điểm (11) của Cao Phòng Sơn (12) , tươi tắn sau cơn mưa như một nét mày xanh, lại ánh lên nét đẹp của màu son rắc đó đây trên những khóm cây lá đỏ. Không biết dùng lời nào để diễn tả cho hết ý, và còn lo đòi hỏi đó vượt cả khả năng của ngôn ngữ nữa. Chỉ thấy bức họa vừa diễm lệ, vừa hùng tráng, bút mực lại rất đổi nồng đượm. Có thể nói màu sắc rực rỡ như thế mà vẫn toát ra một cái gì xa xưa, hư không lãng đãng.
Yên Khách Ông để thần hồn bay bổng, mắt mải mê không rời bức họa. Càng nhìn càng ngắm, Ông khám phá hết chỗ ảo diệu nầy đến chỗ ảo diệu khác.
- Thế nào, quí khách có hài lòng không ạ ?
Chủ nhân miệng hơi mỉm cười, nghiêng nhìn ông dò hỏi.
- Quả là thần phẩm ! Lời tán tụng của Nguyên Tể tiên sinh chẳng những không quá đáng tị nào mà còn như là chưa đủ đấy ạ. Đem những danh họa tôi xem được cho đến nay mà so với bức tranh nầy thì chúng đều ở thế hạ phong cả.
Miệng thì nói nhưng mắt Yên Khách Ông vẫn không rời khỏi bức họa.
- Thế cơ, bức tranh nầy là kiệt tác đến mức đó sao, thưa quí khách ?
Yên Khách Ông lúc đó mới đảo mắt nhìn chủ nhân, ra dáng ngạc nhiên :
- Tại sao bây giờ ngài lại tỏ ra mất tin tưởng như thế.
- Không ạ, tôi nào có mất tin tưởng gì đâu. Chẳng qua là........
Lúc đó, chủ nhân bỗng đâm ra bẽn lẽn như cậu thư sinh, mặt đỏ lên vì lúng túng. Mãi sau mới nở một nụ cười buồn bã, tần ngần nhìn bức họa và tiếp lời :
- Thực tình, mỗi lần nhìn bức họa nầy, dù mắt đang mở trao tráo, tôi vẫn thấy mình như đang ở trong cõi mộng.Thu Sơn đẹp đến thế nầy ư ? Vẻ đẹp ấy chỉ có mình tôi cảm nhận được thôi sao ? Ngoài tôi ra, dưới mắt người khác nó chỉ là một bức họa tầm thường chăng ? Không hiểu tại sao sự ngờ vực đó cứ dằn vặt tôi. Đâu là nguyên nhân ? Một là tâm trí tôi bấn loạn vì nó hoặc giả bức tranh kia quá đẹp để có thực ở trên đời ? Mang một tâm trạng lạ lùng như vậy nên lời tán thưởng mới đây của quí khách chỉ làm tôi dao động thêm thôi.
Thật tình lúc đó Yên Khách Ông chẳng có vẻ để ý gì lời biện bạch của chủ nhân. Đang bị Thu Sơn Đồ hớp hồn, ngoài nó Ông không thấy gì khác. Ông chỉ có cảm tưởng từ đầu chí cuối, chủ nhân toàn ăn nói lung tung nhằm che dấu sự yếu kém về khả năng thưởng thức hội họa của mình.
Sau khi trò chuyện một đỗi, Yên Khách Ông cáo từ họ Trương và rời ngôi nhà hầu như hoang phế ấy để lên đường.
Thế nhưng làm sao thì làm, từ khi bức Thu Sơn Đồ mở bừng con mắt cho Ông thì nó không rời khỏi tâm trí Ông nữa. Thực sự nếu ta đặt mình vào địa vị Yên Khách Ông, người truyền thừa họa phong của Đại Si, thì chắc chắn sẽ sẵn sàng lìa bỏ mọi thứ miễn sao bức họa kia lọt vào tay mình cho được. Ngoài lý do tình cảm đó, cá nhân ông còn là nhà sưu tập tranh. Những bức danh họa gia bảo trong đó kể cả Sơn Âm Phiếm Tuyết Đồ của Lý Doanh Khâu (13) mà ông đã phải trả bằng hai mươi dật hoàng kim, so với Thu Sơn Đồ thì vẫn còn thua sút về mặt thần diệu. Vì thế, ở cương vị một người chơi tranh sành sõi, ông càng thèm thuồng bức họa hi hữu của đại sư Hoàng Nhất Phong.
Trong thời gian ở Nhuận Châu, bao lần Ông cho người đến thương lượng với họ Trương để nài Thu Sơn Đồ nhưng Trương thị trước sau không khứng. Theo lời kể của người nhà được Ông phái đi, chủ nhân có khuôn mặt xanh xao kia đã nhắn lại : " Nếu quí khách có lòng yêu bức tranh ngần ấy thì tôi xin cho ngài mượn nhưng xin thứ cho việc bắt tôi phải xa lìa nó vĩnh viễn". Đối với người hiếu thắng như Yên Khách Ông, lời từ chối đó như chạm mạnh đến tự ái. Được rồi, thèm gì mà mượn, một ngày nào đó bức tranh sẽ vào tay ta cho xem. Ông định bụng như vậy rồi, cuối cùng tạm xa Thu Sơn Đồ và rời khỏi Nhuận Châu.
Vừa vặn một năm sau, Yên Khách Ông đã trở lại chốn cũ. Tới nơi, Ông liền đến ngay nhà họ Trương. Cảnh vẫn chẳng có gì thay đổi , giây trường xuân bò lan tường dậu và cỏ dại mọc đầy sân, màu sắc cứ như xưa. Tuy nhiên khi hỏi thăm người giúp việc, mới hay chủ nhân đi vắng. Không gặp được chủ nhân nhưng Ông cũng xin phép ngắm lại Thu Sơn Đồ. Có điều dầu khẩn khoản bao lần, mượn cớ chủ không có nhà, gia nhân quyết ngăn Ông vào. Cuối cùng, họ còn sập cửa, không thèm cả ừ hử. Ông chỉ còn cách tơ tưởng đến cái bức danh họa hiện đang được cất giấu một xó nào trong căn nhà điêu tàn ấy, bồi hồi trở gót quay về.
Sau lần đó, lúc Ông có dịp gặp Nguyên Tể tiên sinh thì cụ lại báo cho biết ở nhà họ Trương, ngoài Thu Sơn Đồ của Đại Si, còn có cả những kiệt tác khác như Vũ Dạ Chỉ Túc Đồ và Tự Thọ Đồ của Thẩm Thạch Điền (14) nữa.
- Lần trước định nhắn ông rồi lại quên khuấy. Hai bức tranh tôi vừa kể ra phải nói là những kỳ quan của họa đàn cũng như Thu Sơn Đồ đấy ạ. Thế nào cũng phải tìm xem cho được, ông nhé.
Yên Khách Ông tức tốc phái người nhà đến Nhuận Châu gặp họ Trương. Ngoài tờ thư với thủ bút của Nguyên Tể tiên sinh, người nhà còn được soạn sẵn cho cả một đãy bạc để dùng vào mua tranh. Thế nhưng họ Trương vẫn khăng khăng không chịu nhượng lại tác phẩm của Hoàng Nhất Phong. Ông đành bấm bụng bỏ rơi chuyện Thu Sơn Đồ.
Vương Thạch Cốc chợt ngừng bặt trong giây lát.
- Những điều tôi kể đế đến đoạn này là nghe từ chính miệng Yên Khách Ông đấy, thưa cụ.
- Thế thì chỉ có mỗi mình Yên Khách tiên sinh được chiêm ngưỡng Thu Sơn Đồ thôi phỏng ?
Uẩn Nam Điền vừa mân mê chòm râu, vừa hỏi lại Vương Thạch Cốc cho chắc.
-Tiên sinh bảo với tôi người đã xem rồi. Còn việc tiên sinh có thực thấy nó chưa thì chẳng ai dám quả quyết.
- Nhưng qua nội dung câu chuyện dường như ... ... ... ... ....
- Ậy, để tôi kể thêm cái đã. Nếu mà nghe cho đến cuối thì e rằng cụ sẽ đưa ra kết luận khác tôi cũng không chừng.
Lần này, Vương Thạch Cốc, trà cũng chẳng nhấp, kể luôn một mạch.
*
Yên Khách Ông cho tôi nghe câu chuyện trên, tính ra từ hồi cụ được xem Thu Sơn Đồ lần đầu tiên là gần năm mươi năm sau, trải qua biết mấy tinh sương rồi. Lúc đó Nguyên Tể tiên sinh ra người thiên cổ từ lâu mà cơ nghiệp họ Trương cũng đã truyền đến đời thứ ba. Cho nên bấy giờ tôi chẳng những không biết ai là người giữ bức Thu Sơn Đồ mà còn ngay ngáy nỗi bức danh họa kia đã ngọc nát vàng phai. Lúc Yên Khách Ông tả cho tôi xong cái thần diệu của bức tranh mà cụ như đang cầm chắc trên tay, bèn ngậm ngùi than : " Cái bức Hoàng Nhất Phong ấy giống như đường kiếm của Công Tôn Đại Nương (15) anh ạ. Bút mực có đó mà không thấy bút mực. Cái thần khí của bức tranh như ụp lên trái tim mình. Như thể nhìn rồng bay trong mây, không sao phân biệt đâu là người đâu là kiếm ".
Chừng một tháng sau lần gặp gỡ nói trên, gặp lúc gió xuân sắp nổi, tôi định một mình thăm thú phương nam. Đem chuyện đó thưa với Ông, Ông mới bàn :
-Thế thì còn gì bằng. Anh cũng nhân cơ hội nầy tìm gặp Thu Sơn thử xem. Nếu bức danh họa xuất hiện với đời lần nữa thì đúng là một tin vui cho làng họa đấy.
Dĩ nhiên tôi chỉ mong chừng đó, liền phiền Ông thảo hộ phong thư. Thế nhưng trên bước đường du lịch, hết xem chỗ nầy đến chỗ nọ, không tìm ra thời giờ đến nhà họ Trương xứ Nhuận Châu. Tôi để lá thư giới thiệu của Ông trong tay áo, mãi khi cuốc gọi vào hè vẫn quên bẵng việc viếng Thu Sơn.
Chợt lúc ấy có tin đồn một vị quí thích họ Vương mới là người hiện giữ Thu Sơn Đồ lọt vào tai tôi. Nếu thế thì là trong khi du lịch, tôi có lần đem thư Yên Khách Ông cho một người quen xem và họ cũng là chỗ đi lại với một tân khách của Vương. Chắc Vương thị nghe tin từ đó mới biết bức tranh đang nằm ở nhà họ Trương Nhuận Châu. Theo lời thiên hạ kể thì nào là khi cháu Trương thị tiếp người của vị họ Vương kia phái tới đã mang hết đỉnh vạc thư tịch tổ tiên truyền lại, kể cả Thu Sơn Đồ của Hoàng Đại Si, mà hiến dâng ngay. Rồi nào là Vương thị quá đỗi mừng rỡ, mời cháu nhà họ Trương ngồi ghế trên, hết sai ca kỹ trong nhà ra tấu nhạc thù tiếp, yến ẩm linh đình, lại còn tặng nghìn vàng làm lễ thọ...Tôi mừng muốn nhảy tưng tưng vì trải qua năm mươi năm dâu bể Thu Sơn Đồ vẫn bình yên vô sự ! Hơn nữa, nó đang nằm trong tay Vương thị, người mà tôi có chút quen biết. Ngày xưa Yên Khách Ông lao khổ là thế, lại không được nhìn lấy bức họa được lần thứ hai, hẳn là bị quỉ thần ghét bỏ để cuối cùng đành nuốt hận. Trong khi họ Vương kia cứ đủng đỉnh chẳng phải chờ mà bức họa lộ ra ngay trước mặt như lâu đài tiên xây cho. Chỉ có thể ví với cái may sung chín rụng nhằm mồm. Tôi vội thu nhanh vén gọn tìm đến ngay phủ đệ nguy nga của họ Vương để hội kiến Thu Sơn.
Đến nay tôi vẫn nhớ rõ như in mấy cành mẫu đơn khoe sắc thắm giữa một buổi xế trưa đầu hè lặng gió ngoài hàng lan can đẹp như ngọc của viên đình nhà họ Vương. Mới nhìn Vương thị, chưa chào hỏi xong xuôi mà tôi đã không nén được tiếng reo vui :
- Giờ đây Thu Sơn là báu vật của quí phủ rồi. Yên Khách tiên sinh mất ăn mất ngủ bao nhiêu vì nó nhưng chắc lần nầy cụ ấy đã an tâm. Chỉ nghĩ chừng đó thôi đã đủ sung sướng.
Mặt Vương thị lộ vẻ mãn nguyện.
- Hôm nay cả Yên Khách tiên sinh và Liêm Châu tiên sinh cũng ghé chơi. Thế nhưng ta cứ theo thứ tự, ông đã đến xin mời ông vào xem trước cho.
Vương thị mới sai người treo bức Thu Sơn Đồ ấy lên trên tường bên cạnh. Vẫn thôn làng trong rừng lá đỏ nhìn xuống giòng nước, vẫn chòm mây trắng che khuất thung lũng, cả những ngọn núi gần xa vút lên như mấy tấm bình phong, những gì Đại Si lão nhân tô vẽ đã hiện ra lồ lộ trước mắt tôi. Quả thật là một cõi tiểu thiên địa mà xem còn thần diệu hơn cả đại tự nhiên. Lòng rộn ràng, mắt tôi đăm đăm ngắm bức họa trên tường. Cái cảnh khói mây gò trũng này, phân vân gì nữa, Hoàng Nhất Phong đây rồi. Ngoài Si Ông ra, hỏi có mấy ai thành công được khi vừa gia phép tuấn điểm (16) mà vẫn làm dậy nét mực, tô màu đậm đến thế mà không dấu ngọn bút. Tuy nhiên, vâng, tuy nhiên bức Thu Sơn Đồ này so với bức tranh mà ngày xưa Yên Khách tiên sinh đã được xem ở nhà họ Trương là một Hoàng Nhất Phong khác mất. Bức này nếu đem ra mà so sánh với Thu Sơn Đồ mà ông đã tả cho nghe, hẳn còn thua một bậc.
Từ họ Vương cho đến đám thực khách đang ngồi vây chung quanh đều nhìn vẻ mặt tôi như chờ đợi. Chính vì vậy tôi cảm thấy cần giữ ý không để một chút thất vọng nào lộ ra cả. Cố gắng được có bấy nhiêu, rốt cuộc vẫn không tài nào dấu nỗi vẻ không phục. Vương thị mới từ từ quay lại phía tôi, lo lắng cất tiếng hỏi :
- Thấy thế nào hở ông ?
Tôi mới làm bộ trả lời:
- Thần phẩm ! Bức tranh nầy xưa có làm điêu đứng Yên Khách tiên sinh thì cũng chẳng lấy làm lạ. Mặt Vương thị mới tươi lên được một chút. Dù sao giữa khoảng đôi mày vẫn thấy có gì không được hài lòng về lời tán thưởng của tôi.
Vừa lúc đó, Yên Khách tiên sinh, người từng đem cái cao diệu của Thu Sơn Đồ ra thuyết tôi nghe, đến nơi. Trong lúc chào hỏi họ Vương, tôi thấy Ông tủm tỉm cười ra dáng vui mừng.
- Năm mươi năm trước được xem Thu Sơn Đồ trong ngôi nhà đổ nát của Trương thị, ngày nay lại diện kiến Thu Sơn giữa khung cảnh dinh thự phú quí như thế này, thật là một mối nhân duyên kỳ lạ.
Vừa nói thế, Yên Khách Ông ngước nhìn bức họa trên tường. Thu Sơn này có đúng là Thu Sơn ông nhìn thấy năm xưa hay không, chuyện đó ngoài ông ra không ai có thể rõ hơn. Biết vậy, cả họ Vương lẫn tôi đều đổ dồn con mắt theo dõõi nét mặt Ông lúc xem tranh. Quả nhiên, tôi bỗng nhận ra ngay khuôn mặt Ông như vương vướng chút mây mờ.
Sau một hồi im lặng trầm tư, Vương thị càng thêm lo lắng, nhìn về hướng Ông, giọng run run:
- Sao hở cụ? Mới đây Thạch Cốc tiên sinh vừa không tiếc lời khen.
Lúc đó, bụng tôi sợ hết vía, không khéo một người thẳng thắn như Yên Khách Ông sẽ trả lời bộc trực quá chăng. Nhưng chắc Ông chẳng đành lòng để Vương thị chuốc lấy thất vọng. Mắt nhìn Thu Sơn xong, ông mới nghiêm trang trả lời họ Vương:
- Ngài thật may mắn mới thu nạp được bức tranh nầy. Từ đây, kho tàng gia bảo của quí phủ sẽ thêm mười phần hương sắc.
Thế nhưng nghe được lời nầy, nét mặt của Vương thị chỉ đắm chìm trong u ẩn.
Nếu lúc đó không có Liêm Châu tiên sinh vì trễ hẹn hộc tốc chạy vào thì bầu không khí giữa chúng tôi sẽ còn nặng nề hơn. May quá, lời bình phẩm của Yên Khách Ông vừa đến chỗ ngúc ngắc thì tiên sinh đã khoái hoạt nhập đám:
- Ủa, Thu Sơn Đồ vẫn được truyền tụng là đây à?
Chào hỏi vội vàng xong, tiên sinh đến đứng trước mặt bức tranh của Hoàng Nhất Phong. Im lặng hồi lâu, tiên sinh chỉ cắn râu không thốt ra một tiếng.
- Yên Khách tiên sinh cho biết năm mươi năm về trước cụ đã được xem tranh nầy một lần rồi.
Vương thị ra chiều lo lắng, giải thích thêm. Thật ra, Liêm Châu tiên sinh chưa hề được Yên Khách Ông bình phẩm cho nghe cái thần diệu của Thu Sơn Đồ.
- Thế nào ? Cụ giám định ra sao ?
Tiên sinh chỉ khẻ thở hắt ra, mắt vẫn không rời bức họa.
- Xin cụ chớ ngại ngùng, cứ bảo ban cho chúng tôi biết.
Vương thị gượng cười, dục tiên sinh thêm lần nữa.
- Bức nầy đấy à, bức nầy nó ... .....
Mồm Liêm Châu tiên sinh mím lại.
- Bức nầy nó ... ... ... ... ... ... ... ... ....?
- Nó là danh tác số một của Si Ông đấy. Ngài cứ xem chỗ mây khói đậm nhạt kìa ! Không tràn trề sức sống là gì. Cách cho màu rừng cây phải gọi là thiên tạo mới đúng ! Nhìn cái đỉnh núi xa xa kia thử đi ! Toàn thể bố cục hài hoà với nó, không có gì sinh động hơn được.
Sau một hồi im lặng mới thấy Liêm Châu tiên sinh quay về hướng Vương thị không ngớt lời ca tụng và giảng giải từng chút cái cao diệu của bức họa. Tôi không thưa chắc cụ cũng đoán được là nghe đến đâu, mặt mày Vương thị rạng rỡ ra đến đấy.
Trong khi đó tôi và Yên Khách Ông ngầm đưa mắt nhìn nhau.
- Thưa thầy, đây là Thu Sơn Đồ thật sao ?
Thấy tôi hạ giọng hỏi, Ông khẻ lắc đầu, vừa nháy mắt một cái thật khó hiểu :
- Tóm lại mọi sự ở đời chỉ là thoáng chiêm bao. Xem sự thểxảy ra mới nghĩ thầm biết đâu chủ nhân họ Trương kia lại chẳng là một thứ tiên chồn!
*
- Chuyện Thu Sơn Đồ chỉ có thế thôi, thưa cụ !
Vương Thạch Cốc kể xong, mới chiêu trọn một chung trà.
- Thế à, câu chuyện quái lạ đấy chứ nhỉ !
Từ nãy giờ, Uẩn Nam Điền vẫn lặng ngắm ngọn lửa trên giá đuốc đồng.
-Về sau, dường như Vương thị cũng hết lòng thăm hỏi nhiều nơi nhưng nếu nói đến Thu Sơn Đồ của Si Ông thì ngoài bức ấy, ngay nhà họ Trương chắc cũng chẳng biết gì khác. Do đó, Thu Sơn Đồ mà Yên Khách Ông có lần được xem, một là có ai dấu biệt đâu đâu, hai là không gì khác hơn một điều lầm lẫn trong trí nhớ của cụ ta thôi. Sự thật thế nào, tôi không dám quyết. Có khi việc cụ khăn gói đến nhà họ Trương để tìm xem Thu Sơn Đồ cũng chỉ là một câu chuyện hoàn toàn huyễn hoặc ... ... ... ... ....
- Thế nhưng trong tâm trí Yên Khách Ông vẫn ghi khắc rành rành hình ảnh bức Thu Sơn Đồ kỳ quái kia chứ hở cụ ? Và trong tâm trí của cụ cũng thế phải không ?
- Màu lục đậm của đá núi và màu son đỏ của rừng phong cho đến bây giờ vẫn rõ mồn một trong đầu tôi.
- Nếu thế thì cho dù Thu Sơn Đồ không có thực chăng nữa, cụ có điều gì để tiếc hận đâu nào !
Đến đây, Uẩn, Vương hai bậc đại gia một lượt vỗ tay, cùng cười ha hả.
(Tháng 12 năm Taishô thứ 9)
Akutagawa Ryunosuke
Người dịch : Nguyễn Nam Trân
Chú thích
(1) - Hoàng Đại Si tức Hoàng Công Vọng (1269-1354) hiệu Nhất Phong, họa gia đời Nguyên, nổi tiếng về tranh sơn thủy. Một trong Tứ Đại Gia khoảng Tống mạt Nguyên sơ.
(2) - Vương Thạch Cốc tức Vương Kỳ (1631-1717), họa gia đời Thanh, thiện tranh sơn thủy, tập đại thành họa pháp hai phái Nam Bắc Tống.
(3) - Uẩn Nam Điền hay Uẩn Thọ Bình (1633-1690) họa gia đời Thanh, sau khi xem tranh sơn thủy của Vương Thạch Cốc thì bỏ sơn thủy mà chuyển qua tranh hoa điểu và thành công trong lĩnh vực nầy.
(4) - Mai Đạo Nhân Ngô Trấn (1280-1354), họa gia đời Nguyên, có công nâng cao kỹ thuật của tranh sơn thủy, mặc trúc, mặc hoa, là một trong Tứ Đại Gia cũng như Hoàng Đại Si.
(5) - Hoàng Hạc Sơn Tiều Vương Mông ( ? ? 1385) họa gia đời Nguyên, một trong bốn đại gia, nổi tiếng về hội họa ( sơn thủy) lẫn văn chương.
(6) - Yên Khách Ông Vương Thì Mẫn(1592-1680), họa gia thời Minh mạt Thanh sơ. Cuối đời, về ở ẩn và đào tạo đệ tử trong đó có Vương Thạch Cốc.
(7) - Liêm Châu Vương Giám (1598-1677) cũng là họa gia cuối Minh đầu Thanh. Đứng ngang hàng với Vương Thì Mẫn, giỏi tranh sơn thủy.
(8) - Nguyên Tể tiên sinh Đổng Kỳ Xương (1554-1636), hiệu Tư Bạch, họa gia thời Minh mạt. Đầu đàn họa phái Nam Tông. Giỏi thi phú.
(9) - Mã Lương đời Tam Quốc có đôi mày trắng, tài tuấn nhất trong năm anh em, tất cả đều là người giỏi (Thục Chí, Mã Lương Truyện).
(10) - Tây Viên Thư Phòng là thảo am của Yên Khách Ông Vương Thì Mẫn, người còn có biệt hiệu là Tây Lư Lão Nhân.
(11) - Hoành điểm là phép vẽ núi, khe, sương, khói bằng cách chấm chấm nhiều điểm theo hàng ngang bên nhau.
(12) - Cao Phòng Sơn tức Cao Khắc Cung (? - 1310) hoạ gia đời Nguyên, hiệu là Tú Sơn, vẽ sơn thủy có tiếng.
(13) - Lý Doanh Khâu tức Lý Thành ( ?-967), họa gia Đường mạt Tống sơ, đại sư về tranh sơn thủy.
(14) - Thẩm Thạch Điền tự Thẩm Chu (1426-1509), họa gia sơn thủy, sống giửa đời Minh, ông tổ của Ngô phái.
(15) - Công Tôn Đại Nương là người diễn trò dưới đời Đường Huyền Tông, múa kiếm cực giỏi. Đổ Phủ từng làm thơ ca ngợi (Quan Công Tôn Đại Nương Đệ Tử Vũ Kiếm Khí Hành)
(16) - Tuấn điểm: thủ pháp chấm phá từ thời Bắc Tống để làm khói mây, núi non đất đá trên mặt tranh nổi bật lên cả chiều dày, sinh động như thực.