Trên triền dốc
Nguyễn Thị Sớm Mai
Ngọc bắt đầu vào ngày thứ hai của một sự kiện đáng buồn xảy ra giữa hai đứa. Ngọc khóc vào lúc nửa đêm gần sáng. Rồi sáng nay vừa đứng chùi rửa toilettle, Ngọc đứng khóc nức nở, dàn dụa. Chàng vẫn nằm yên trong phòng, có lẽ thức lâu rồi nhưng vẫn chưa muốn rời khỏi giường, có lẽ nghe tiếng Ngọc khóc từ trong buồng tắm, Ngọc nghe tiếng chàng trở mình.
Cuộc sống chung kéo dài nhiều năm, có lẽ đây là lần thứ năm, thứ sáu gì đó, những chuyện đại loại như vậy đã xảy ra. Những lần trước, sự thiếu tế nhị, thẳng thắn, thực tế của chàng, Ngọc bị sốc, choáng váng, ngơ ngẩn, Ngọc không hiểu chàng nói thật hay nói đùa, Ngọc giận, khóc, bỏ ăn, người gầy xọp. Chàng vỗ về, xin lỗi rồi lại xin lỗi. Họ làm hoà, hôn nhau, làm tình, trở về nguyên trạng quan hệ vợ chồng. Coi như không có, hoặc chưa có gì xảy ra. Lần này tình hình có vẻ gay cấn. Có lẽ bắt đầu từ sự xuất hiện của một khuôn mặt đàn bà…
Mười năm về trước, gặp Vinh ở Vancouver, lúc đó Ngọc đi làm và đi học. Ban ngày đứng caisse cho một tiệm thực phẩm ở Chinatown, ban đêm cày cho xong mảnh bằng đại học kế toán, Ngọc gầy rạc người, mặt nổi mụn lấm tấm vì thức khuya. Cái nhan sắc xanh xao đó bỗng dưng lọt vào mắt xanh của chàng kỹ sư trẻ tuổi độc thân, mới ra trường, vì một gặp gỡ hết sức tình cờ.
Mùa xuân năm đó, Ngọc được mời đến ăn tiệc nhà chị Thu. Chị người gốc Huế, lấy chồng người Canada gốc Ănglê, vốn là thầy dạy cũ của chị thời sinh viên. Theo tục lệ mà hiện nay còn nhiều người Canada gốc Ăng-lê chính hiệu vẫn coi đây là một tục lệ vui tươi hóm hỉnh là ngày đầu Xuân, tiết trời ấm áp, những người yêu nhau đều kéo xuống biển nhúng người vào dòng nước mặn để tắm gội, “tẩy tray” mùa đông dài lê thê của năm cũ. Tục lệ cũng vui vui, không khác tục lệ “xối nước” của người Lào hoặc Kampuchia, nhân dịp đầu năm mới. Chỉ khác nhau lúc đó trời Vancouver còn lạnh, trên dưới 20 độ, cả bọn ngại ngần chưa dám thử trò chơi nghịch ngợm đó, chỉ chờ vợ chồng chị Thu cùng với những cặp tình nhân khác ùa nhau xuống biển nghịch nước tung toé. Vinh cũng trong số đám người sôi nổi đó! Vóc người chàng to cao, vạm vỡ. Chàng bỏ đám phụ nữ Việt Nam e thẹn, quê mùa hoà nhập theo bọn con gái tóc vàng đùa nghịch trên bãi và buông lời tán tỉnh. Cuộc vui kéo dài đến nửa đêm. Ai nấy đều mệt lả, một phần vì nốc rượu mạnh quá nhiều, một phần nước biển thấm lạnh. Cả bọn chất nhau lên xe hát vang trên đoạn đường trở về căn nhà chị Thu nằm ở lưng chừng núi. Vinh dựa vào người Ngọc, chàng say mềm, hai tay chàng ôm chặt lấy Ngọc, hát lảm nhảm. Ngọc chịu trận! Trên xe chật cứng, mọi người cười đùa ngả nghiêng đến trâng tráo.
Về đến nơi, chị Thu, bà chủ nhà sành sỏi trong tất cả cuộc vui bể đình bể đám, bắc ngày nồi cháo đêm cho cả bọn, bỏ mặc ông chồng già ngồi ngu ngơ, đưa mắt nhìn dò hỏi những cái miệng hằng loạt đang mở máy, đấu hót cười nói bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng mà ông ta không thể nào thông cảm được. Chị Thu vẫn tiếp tục uống rượu, một tay cầm cốc rượu vang đỏ thẫm, tay kia luôn khuấy nồi cháo, tươi như hoa… Ngọc ngưỡng mộ và khâm phục chị như một type phụ nữ “feminist” đúng nghĩa. Chị có đủ tất cả: nghề nghiệp, nhan sắc, sự duyên dáng và lê trên tất cả là sự tự tin và tự do. Ở ngoài phòng khách, Vinh nằm lăn trên sàn. Đêm đó, nghe lời chị Thu, Ngọc cởi áo cạo gió cho Vinh. Ngọc mang bát cháo cho chàng, giúp chàng nâng đầu dậy. Lúc chàng ngẩng lên, dường như đã bớt say, chàng nhìn Ngọc có vẻ ngượng ngập. Hôm sau rồi hôm sau nữa, Vinh gọi điện thoại cho Ngọc…
Ba tháng sau, Ngọc nghiễm nhiên ngồi bên cạnh chàng trên chiếc xe Chevrolet màu trắng bạc. Ngọc bớt công việc ở tiệm thực phẩm, viện cớ phải học thi cuối khoá. Thật sự, bất cứ những lúc rỗi rảnh, Ngọc đến nơi chàng. Trong căn phòng xinh xắn, tiện nghi, Ngọc giặt áo, chùi thảm, dọn giường, nấu cơm cho chàng, những bữa cơm xinh xinh với hai đôi đũa son nằm đối diện nhau, những đĩa thức ăn thơm tho nóng sốt gợi lên một hình ảnh ấm cúng, nhiều ràng buộc. Ngọc đóng vai người tình, người vợ tương lai mà không cần biết chàng yêu mình tới mức nào! Đến tháng thứ sáu, Ngọc tắt kinh. Theo kinh nghiệm “đường trường”, Vinh nói nàng có bầu. Ngọc vẫn cãi: “Không! Lâu lâu em bị như vậy, chắc em bị stress vì học thi”. Thật ra, đã có chữ nào vào trong óc nàng đâu và rồi bụng càng ngày càng to ra. Ngọc bàn với Vinh làm đám cưới. Vinh ngồi thừ người nghĩ mông lung, sau cùng chặc lưỡi: “Ừ! Thì cưới!”.
Đứa con gái ra đời, mũm mĩm, có chiếc mũi cao, quý phái, cặp chân mày rậm, rất giống chàng. Bim, con gái Ngọc giống mẹ ở dáng thanh với đôi chân dài. Trong khi đó, Ngọc giống như tạc bà ngoại của Bim. Má Ngọc có thân hình dong dỏng cao, suối tóc dài óng ả. Hồi má có bầu Ngọc sáu tháng, mà vẫn mặc áo dài lụa tơ tằm đi chợ, ai để ý mới biết ở má có nhiều thay đổi. Vậy mà cô hàng vải, hoa khôi Xóm Bóng Nha Trang dạo nào bỗng chốc có vài năm, cuộc đời hạnh phúc bình yên bỗng sụp đổ. Ngọc bỗng nhớ dì Ân từ dưới quê ra. Dì đi xe lửa từ Duy Xuyên hết hai ngày đường mới đến Nha Trang. Dì gánh mít mật chín mùi, dắt đứa bé trai bẩy tuổi, bằng tuổi Ngọc, mặc bộ quần áo bằng vải ú ngắn cũn cỡn. Dì mang con trả lại cho ba…
- Con ơi, con về ở với nội, chắc má không sống nổi ở cõi đời này…
Má khóc nức nở, vật vã từ trên bộ ván gõ rồi lặn lộn xuống dưới sàn nước. Năm đó, nhà Ngọc cũng giống như những gia đình ở Xóm Bóng, đều có dựng sàn nước phía sau nhà nhìn ra bờ sông để tiện việc giặt giũ, tắm gội…
Lần cuối, Ngọc rời Việt Nam xuống tàu hải quân đi di tản với chú thím, má mặc áo nâu sòng, đầu cạo trọc đứng dưới mái tam quan. Khuôn mặt âu sầu, má nhìn Ngọc không nói. Dường như tất cả những đau đớn, ưu phiền của cuộc đời làm vợ, làm mẹ kém may mắn, má cầu nguyện cho con gái má trong bước đường tha phương lưu lạc, sẽ được tránh khỏi. Còn nghiệp chướng oan gia của đời má, coi như má đã trả xong rồi…
- Em nghĩ gì mà mặt mũi đăm đăm vậy! Chiều nay cho con ra Harvey’s ăn hay muốn mua bánh cuốn nhà chị Tú…
Ngọc lắc đầu không trả lời Vinh. Tối nay Ngọc muốn mang hai con về nhà, tự tay dọn bữa cơm chu đáo cho chúng nó. Mấy bữa nay ở nhà bà Lucie, bà già giữ trẻ gốc Do Thái, mấy đứa con của Ngọc không chịu uống sữa, người chúng nó gầy rạc. Ngọc định sẽ chiên cho tụi nó hai cục steakhaché bự bằng nắm tay, còn salade thì sẽ luộc đậu côve, cà rốt thía khoanh trộn với bơ. Sau cùng, để thưởng cho Bim và Su đã ngoan ngoãn ở nhà bà Lucie mà không đái dầm, Ngọc sẽ dọn cho con hai ly kem Sundea có rất nhiều chocolat.
- Youpi, Youpi Maman.
Mỗi khi hứng chí ca ngợi mẹ, hai đứa con của Ngọc đều hét lên như vậy. Ngọc sực nhớ, Su ăn chocolát nhiều hay bị chảy máu cam…
- Anh định gởi con thêm vài bữa nữa. Tối nay, nếu em thích, hai vợ chồng mình ra ngoài ăn nói chuyện. Gần đây, chuyện nhà lục đục bởi vì thái độ của em rất là kỳ cục, rất là chướng, không ai chịu nổi!
Chàng sắp sửa rủa xả Ngọc! Thôi đi cái miệng Trụ Vương, cái lưỡi Tần Thuỷ Hoàng, cái miệng bóng như bôi mỡ. Cái miệng chỗ nào cũng đặt lên được, đặt đến đâu là trơn tru đến đó. Ngọc oán hận nhìn chàng. Nhìn nghiêng, Vinh đẹp trai, cứng cỏi. Vầng trán cao, thẳng, cái cằm lẹm. Toàn bộ khuôn mặt chàng, theo Ngọc, có cái cằm lẹm làm chàng bị thất tướng, con người bất nhất, ăn ở không có hậu.
Ngọc nhớ lại các chú bên nội, em ba, ai cũng có cằm lẹm. Bên họ nội của Ngọc, đàn ông lẹm cằm, đàn bà má lúm đồng tiền. Trên khuôn mặt họ nội, phía nam hay nữ đều có một chỗ hõm vào của sự thiếu sót, hụt hẫng… Chính cái không tròn trịa này đã làm đảo điên những người đàn bà mà cuộc đời má là một ví dụ.
Má gói cho Ngọc mấy bộ đồ bằng vải pôpơlin trắng, cổ lá sen với hai cái áo cụt mặc tết bằng vải soie Thái Lan hoa vàng, khúc vải thừa má cố ý dặn chị thợ may áo dài phải dành cho Ngọc một cái áo cụt để khi ra đường, ai nhìn đều thấy hai mẹ con mặc áo giống nhau. Má xếp trong cái hộp gỗ chạm bằng cẩm lai hai đôi khuyên vàng ta, một cái kiềng chạm rồng, một mặt đá cẩm thạch màu hoa lý có nạm bạc… má trả lại của cải cho bà nội. Má quì xuống lạy bà nội ba lạy rồi khóc:
- Con lạy má để xin quy y cửa Phật. Con xin má thương con nuôi cháu nên người. Khi nào nó khôn lớn ra đời, nó sẽ hiểu mà đứng trách móc gì con…
Có lẽ ngày lạy bà ngoại đi lấy chồng má cũng khóc. Nhưng đó là giọt nước mắt “khóc như thiếu nữ vu quy. Tiếu tự thư sinh lạc đệ kỳ” – Khóc như thiếu nữ ngày về nhà chồng, cười như học trò vừa hỏng thi - Giọt nước mắt của thứ hạnh phúc mới mẻ, ngỡ ngàng lẫn với nỗi rầu rầu của sự ly biệt mẹ cha. Ngày lấy chồng má cũng buồn vì xa ngoại! Bởi vì má cũng bắt đầu cuộc hành trình giống như ngoại trước kia. Ngoại cam phận, bó tay thúc thủ, nuốt lệ mà nuôi đàn con dại và nhìn sự phản bội bằng sự tha thứ. Còn má, má ra đi với sự căm hận.
Hôm chia tay má, Ngọc đứng ôm cây cột ở giữa nhà, Ngọc muốn chạy ra ôm má. Ngọc không muốn má đi đâu hết. Nhưng rồi, cuối cùng má cũng cắp nón ra đi. Ngọc không bao giờ phai mờ trong trí nhớ hình ảnh của má đi trên đường làng. Thuở đó, khi có chồng má không còn xoã tóc mà mái tóc óng ả đó đã được búi gọn ghẽ, nghiêm nghị về phía sau lưng. Má đi thẳng, hai vai run lên theo tiếng nấc, bước chân xiêu vẹo không một lần quay lại. Bóng má mất hút sau rặng trâm bầu kể từ hôm đó…
Sáng sáng, Ngọc thức dậy trong căn phòng ở chái hiên nhà. Ngọc nghe tiếng nghiến răng kèn kẹt của bàn nội sai bảo dì Ân bưng nước nóng rửa mặt. Tiếng chổi quét sàn sạt trên sân xi măng phơi thóc của những người giúp việc. Đến xế trưa, trời đổ nắng xối xả trên mái ngói, Ngọc mới lồm cồm ngồi dậy và sực nhớ mọi người trong gia đình dường như đã quên mình. Ngọc chạy xuống bếp lục niêu cơm, bới cho mình một chén vun với vài miếng cá sòng kho kèm theo trái ớt chỉ thiên cay xé lưỡi, rồi ra trước hè ngồi ăn. Thỉnh thoảng, Ngọc mang cơm vào khu vườn sau nhà. Những lần đó, Ngọc phải đi qua dãy nhà ngang. Thoáng vài lần, Ngọc gặp ba, lúc ông vừa thức dậy. Ông quấn trên người tấm xàrông của người Miên bằng vải sọc đen, cả thân hình to lớn, cường tráng của ông chiếm gần hết bộ ván. Ông gọi Ngọc vào, vuốt tóc Ngọc, hỏi han đôi câu và lần nào cũng móc từ trong chiếc ví bằng da cá sấu một vài đồng lẻ cho Ngọc ăn đá nhận. Hồi đó, Ngọc mê món ăn của thuở ấu thơ là món đá bào ướp xi-rô bỏ thêm vào muống chanh muối. Ngọc ngồi thu lu một góc sau vườn, những khi không có tiền, trong túi Ngọc đầy những trái me keo chát xì. Đôi khi, cũng có vài quả ngọt nhưng đó là những hôm gặp may…
Ngọc sống thơ thẩn với lũ bạn hàng xóm, nghịch ngợm phá phách, tò mò chuyện người lớn; rồi lớn lên như một thân cây dại. Tuổi thơ trôi qua một cách buồn thảm cay đắng, như những lần Ngọc nghe bà con trong làng nói về má, về ba. Rồi Ngọc nhớ lại những lần đi qua dãy nhà ngang, nghe tiếng cười rúc rích, tiếng thì thào phụ nữ xuyên qua vách nứa vang ra từ gian phòng của ba…
- Maman, Su không thích ăn cereal!
- Ăn đi, đừng làm ồn. Trễ giơ rồi đó. Tiếng Vinh vang lên bực dọc. Tờ báo vẫn không rời khỏi tay chàng. Vinh có lỗi nói ra lệnh như vậy cho trẻ con lẫn người lớn.
Đêm qua Vinh thức khuya. Chàng cặm cụi với chương trình điện toán của hãng phải hoàn thành trong tháng tới. Chiếc terminal dưới sous-sol lúc nào cũng sẵn sàng để làm việc. Mỗi khi Vinh về tới nhà, chàng đi thẳng xuống phòng. Đặt chiếc cặp da trên bàn, chàng mở ngay đồng hồ sơ như một người có thói quen tổ chức mọi công việc đều lớp lang đâu vào đó, để sau bữa ăn tối, chàng lại ngồi dính liền bên hệ thống máy tính đến nửa đêm. Thằng boss của Vinh hứa sẽ để chàng qua Paris, New York làm việc vài tháng trong năm. Còn lương của chàng cứ tăng đều đặn mỗi năm mặc dù còn xa lắm mới đến “top” “Càng tăng lương càng phải làm hộc máu càng bị thuế nặng” Vinh nói về điều này với một sự chán chường mệt mỏi những lúc trà du tửu hậu với bạn bè.
Nhưng không hẳn luôn luôn chàng bận bịu với công việc ở sở! Vinh có một nhóm bạn cùng chơi tennis với chàng. Một loại club nho nhỏ của những người đàn bà, đàn ông thành đạt mà từ hồi ở Việt Nam, Ngọc đã thành kiến với lối sinh hoạt trưởng giả này. Họ chơi thể thao thì ít mà tụ tập ăn nhậu, bồ bịch, nhảy đầm là chính… Nhưng dù sao, ở xã hội này, nó vẫn là sinh hoạt “lành mạnh” nhất…
Mỗi sáng thứ bẩy, sau khi đưa Ngọc và hai con ăn phở hoặc “tiểm xấm” ở phố tàu, chàng lái xe thẳng ra sân tennis, miệng huýt sáo nho nhỏ…
Đôi lần, nhìn chồng, Ngọc buột miệng:
- Đi đánh tennis mà cũng bôi nước hoa, dị òm!
Chàng cười bả lả:
- Nước hoa nào! Anh xài lotion cạo râu “Paco Rabanne pour homme” chính hiệu!
Vinh mê say hưởng thụ đời sống. Nỗi đam mê dữ dội không kém cũng như khi chàng làm việc.
Bé Su vẫn tiếp tục không chịu ăn cereal! Bim thì mải mê với mấy cái robot để chén sữa nguội tanh. Ngọc vừa thúc dục các con ăn sáng cho kịp đến trường, vừa bôi phấn lên mặt, tóc đầy ống cuốn chưa kịp tháo. Chiếc áo ngủ nhàu nát trễ xuống để lộ hai chiếc xương cổ khẳng khiu, nơi thóp cổ, lên xuống phập phồng. Ngọc nhìn kỹ trên gương. Hai chân mày dường như giật ngược.
Giật mình, Ngọc nhẩm tính ngày có kinh rồi chạy bổ ra đầu giường chụp lấy bảng theo dõi nhiệt độ hình ziz-zac. Trời ơi! Có bầu lúc này là oan gia nghiệp chướng. Có bầu lúc này là lú lẫn mê muội. Hỉnh ảnh Jane, rồi Martien nặng nề đi lại trước mặt Ngọc trong sở làm:
- Khi tao có bầu, tao muốn chưởi vào mặt thằng chồng tao! – Martine gác chân lên ghế, châm điếu thuốc rít một hơi dài, cười hăng hắc nói tiếp:
- Hai đứa không mần ăn gì được, tao để nó líp-ba-ga nhưng mỗi lần đi chơi, đều dặn nó phải “đội nón”.
Vinh có lẽ đã thức dậy. Chàng quay sang Ngọc, bàn tay quen thuộc tìm kiếm. Người Ngọc cứng đơ không đón nhận nổi mọi cảm giác khi bàn tay đầy thói quen của chàng len lỏi sau làn chăn mỏng. Miệng Ngọc chua và đắng, cảm giác trên lưỡi và trong hồn.
- Tại sao anh giấu em?
- Anh không hề giấu em! Anh nghĩ là em thông cảm anh ở mức độ nào đó! Từ mười năm nay, anh vẫn sống cho em, cho con, em còn muốn đòi hỏi gì nữa…
- Anh trở lại với chị ấy từ lúc nào? Giọng Ngọc nghẹn ngào.
Trước mắt Ngọc, hình ảnh chiếc banh bay lượn giao nhau trên sân tennis. Chị Thu với chiếc jupe ngắn, mái tóc quăn xù được buộc gọn lại, thắng ngang trán bằng chiếc băng đô màu đỏ ngổ ngáo. Thân hình gọn chắc của chị xoay nhanh sau mỗi cái vung tay cú rờ-ve. Mầu da nâu hồng của chị đậm đà, mượt mà dưới ánh nắng…
Rồi hình ảnh của chị Thu mặc chiếc quần Jean bó sát, áo sơmi rộng thùng thình không nịt ngực đứng bên bếp lửa một tay quậy cháo một tay cầm ly vang đỏ của mười năm về trước, nơi căn nhà dọc theo triền núi ở Vancouver.
Lúc đó Vinh là một anh chàng trai trẻ mới lập nghiệp thường đến nhà chị Thu để tìm chút tình đồng hương…
Ngọc có cảm tưởng những suy nghĩ dự tính của mình về vai trò người vợ, người chủ gia đình ở xã hội này bị đảo lộn hoàn toàn. Nàng tự nhủ lòng khi bước chân vào tuổi thiếu nữ: “Nhất định không để xảy ra giống má”. Ngày xưa, ba má gặp nhau bắt đầu bằng tình yêu say đắm lúc hai người còn rất trẻ. Nhà ông bà nội giàu có, ba không cần học hành, của cải ăn đến mãn đời. Lấy được má ít lâu, ba vào lính, đơn vị đổi về miền Trung. Cái lon Trung sĩ của ba với cái mã đẹp trai đã chinh phục biết bao cô gái quê. Ba đóng quân ở Duy Xuyên, được sáu tháng thì dì Ân bụng đã có bầu lúp xúp. Đến lúc đơn vị ba đổi đi nơi khác thì những mối tình nhăng nhện đó cũng theo ba, khi thì mấy cô chủ quán cà phê lúc thì mấy bà goá bán cơm đĩa gần các trại lính mà ba là khách ăn cơm tháng quen thuộc…
Má Ngọc là người đàn bà nhu mì, đứng đắn, chịu đựng. Thế nhưng đến lúc dì Ân bồng con từ quê ra trả cháu cho bà nội thì má tưng hửng, chết đứng. Thì ra, cũng sau khi cưới má mấy tháng, có bầu Ngọc, thì dì Ân cũng có mang. Trong một năm, bà nội bỗng dưng có hai đứa cháu.
Cuộc chia tay không phải chỉ riêng má buồn khổ. Ba hối hận, nài nỉ, tìm cách nối lại tình nghĩa phu thê. Ba nhẹ dạ mang thói trăng hoa nhưng đối với vợ con bao giờ cũng hết mực. Của cải bà nội cho thừa kế, ba đưa hết cho má: vòng hột, nữ trang, văn tự ruộng đất không tiếc thứ gì! Cũng có thể ba giữ trăng hoa nhưng chẳng bao giờ ba để má bị phần thiệt… Nói một cách khác, đó cũng là một cách xoá mặc cảm tội lỗi.
Còn Vinh đối với Ngọc, chàng rõ ràng sòng phẳng, suy luận một cách logic bởi vì anh đã mang ít nhiều thói quen nghề nghiệp vào đời sống gia đình.
Khi Bim được một tuổi, Ngọc tìm được việc làm ở một hãng bảo hiểm, đồng lương cũng khá, công việc phù hợp với ngành học của nàng. Tháng đầu tiên Ngọc cầm chèque lương mừng rõ khoe với chồng, Vinh điềm tĩnh tự nhiên nói với Ngọc như khi Vinh dặn Ngọc ra dépanneur mua hộp sữa cho con: “Tháng lương đầu em giữ lấy sắm sửa quần áo đi làm cho giống người ta, tháng tới mình sẽ tính tiếp”.
Những tháng sau đó, Vinh mang quyển sổ nhỏ bàn về budget gia đình với Ngọc: “Lương anh trả tiền nhà, tiền xe… toàn là thứ tiền nợ nhà băng… Lương em trả tiền sưởi, điện thoại, tiền chợ, garderie cho con…”. Sau mỗi tháng, tính toán tiền lương Ngọc thấy chỉ còn vừa đủ cho mình mua thẻ đi metro và ăn trưa…
Một hôm Vinh nói thêm: “Vợ chồng mình sống ở xứ Mỹ ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng cách sống ở đây, em đừng nên trầm trọng vấn đề… Nhà và xe hơi mới mua phải “dao” hơi nhiều, anh phải mượn thêm nhà băng và đứng tên anh… Thôi thì tiền ai nấy cầm, hồn ai nấy giữ…”
Ngọc không trả lời, ôm hai con vào lòng, buồn chất ngất.
Đối với xã hội Bắc Mỹ, đàn ông Việt Nam kiểu như Vinh lại được ưu đãi, đôi lúc Ngọc thầm nghĩ như vậy! Cách sống và cách suy nghĩ của chàng về tình yêu, hạnh phúc sự nghiệp… dường như có cả một sự ủng hộ triệt để, hợp lý hợp tình. Ở xã hội này, chẳng ai có đủ thì giờ lên án những thứ vụn vặt thuộc về đời tư người khác. Dẫu như Vinh có mỗi ngày đưa đón Suzane cô bạn đồng nghiệp đến sở làm vì tiện đường, có ăn trưa với Nicole, đánh tennis mỗi ngày với chị Thu thì chẳng qua chỉ là chuyện giao tế thường tình, đôi khi cần thiết cho nghề nghiệp. Còn cái chuyện, chàng đề cập tiền nong, tài sản chung riêng của hai đứa thì nó cũng bắt nguồn từ… thói quen thôi. Mai kia, nếu Ngọc quen, thì sẽ thấy việc góp lương sống chung là chuyện hợp lý. Ở xã hội này không ai nuôi ai và không ai đựơc nuôi. Trừ chính phủ được quyền làm chuyện này. Nhưng đó lại là chuyện khác của ông chính phủ đầy lòng hào hiệp. Ví thử chẳng may Ngọc thất nghiệp thì còn có chômage, tệ hơn nữa, không có việc làm thì đã có bien-être social… Nếu lý luận như vậy thì còn gì để nói giữa hai vợ chồng! Chỉ còn có cách công bằng nhất là nàng hãy tập thói quen sống cho chính nàng. Hãy nghĩ đến mình mỗi sáng thức dậy… Hãy chăm sóc tóc, môi, da, quần áo… luôn luôn tươi tắn yêu đời, hưởng thụ mọi hương vị cuộc đời… tại sao Ngọc không cầu cứu cả một nếp suy nghĩ và nếp sống kiểu Mỹ! Xứ sở này là nơi phát sinh ra phong trào giải phóng phụ nữ và luật pháp ở đây ủng hộ cho hoàn cảnh của nàng: chồng bỏ, phải nuôi hai con dại. Tại sao nàng đã có dịp thoát khỏi một xứ sở phong kiến, đã được ăn học, có nghề nghiệp, biết văn minh… vậy mà chẳng lẽ chấp nhận số phận rồi ngồi khóc như ngoại hoặc bỏ đi như má nàng. Không! Ngọc phải sống một đời sống khác của chính nàng trước khi chuẩn bị cho Bim và Su cuộc đời của chính nó. Kể từ nay, nỗi căm hận Vinh, căm hận ba, thay vì được nhân lên gấp hai lần nước mắt, nàng sẽ biến nó thành nỗi kiêu hãnh thách thức.
Vị quan toà tuyên bố bản án lạnh lùng, dửng dưng. Khuôn mặt đó đã quen mọi xúc động trước giọt nước mắt của phụ nữ mà luật pháp ở xứ này, không cần phải thiên vị đã cãi thắng cho nàng.
Nàng đã cư xử với Vinh một cách lịch sự trí thức như một cô đầm Mỹ chính hiệu. Luật sư của nàng đã làm việc tận tình để nàng “không bị thiệt hại về quyền lợi” và sau đó cũng “tận tình” gửi đến nàng cái facture về tiền thù lao của những tháng làm hồ sơ ly dị cho Ngọc.
Do sự dàn xếp khéo léo, Ngọc vẫn được quyền ở lại căn nhà cũ. Mỗi tháng chàng phải chu cấp một phần tiền lương để nuôi Bim và Su. Ngọc đỡ gánh nặng này ít nhất cho đến khi Bim và Su được 18 tuổi.
Buổi sáng đầu Xuân năng vàng rực rỡ. Những đóa hoa tulip màu hoả hoàng mãn khai, lung linh trước gió. Ba mẹ con ngồi ăn sáng ngoài vườn. Bim vẫn lười không chịu ăn cereal còn Su, mặt buồn xo ngồi lấy xẻng xúc cát vào những cái xô nhỏ. Vinh không còn ngồi bên nó đùa nghịch như trước. Ngọc nói với các con: “Papa đi làm xa, hai tuần mới về thăm một lần”. Bim và Su đã quen thuộc cảnh Vinh đi làm xa trước đây nhưng chúng nó chỉ ngạc nhiên là mỗi lần papa về, không vào phòng và ở lại cùng với mẹ.
Nỗi cô đơn Ngọc chịu đựng đến bây giờ, sau khi đã lắng đọng theo ngày tháng, mang một khuôn mặt nhiều góc cạnh với vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng như sự trưởng thành chín đỏ trong tâm hồn nàng.
Ngọc nhớ đến cuốn phim “Bonne mere malgré tout” do Diane Keaton đóng. Trong đó Anna, người mẹ cô đơn đã sống với đứa con nhỏ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Rồi ngày tháng qua, Anna sống với những sinh hoạt êm ả đã trở thành thói quen giữa hai mẹ con nàng: tập đàn với Molly, kể chuyện cổ tích với con mỗi tối trước khi đi ngủ, đi dạo trên đường phố đầy nắng ấm… Rồi một ngày tình yêu đến với Anna, nàng đón nhận nó với tất cả mê say cho đến một hôm nàng bị đứng trước chọn lựa đau đớn giữa đứa con yêu dấu và người tình. Cuối cùng Anna đã chọn ở lại với con. “Toute passion a son prixt” (Mọi đam mê đều có cái giá phải trả của nó) Lời kết luận cho cuốn phim. Hình ảnh cuối cùng tuyệt đẹp là bên khu vườn đầy nắng ở ven hồ, người mẹ cô đơn ấy ngồi ngắm nhìn cái hạnh phúc nhỏ nhoi của mình đang vô tư đùa nghịch trên cỏ. Đối với Ngọc dù sao, tất cả bây giờ còn mới mẻ quá! Có thể rồi nàng sẽ tìm kiếm, chờ đợi một người tình nào đó sẽ đến với nàng.
Nàng nghĩ đến Bim và Su; có lẽ đến cuộc đời của Bim và Su ở xứ Mỹ mọi thứ đều khác hẳn. Chúng nó sẽ không cần đến kinh nghiệm của nàng. Ngọc như chiếc xe đã lao đi rồi, không còn cách nào khác để rẽ phải, rẽ trái hoặc quay đầu lại./.
Nguyễn Thị Sớm Mai
Montréal, Canada, tháng 4 – 1989