Lối 12 giờ khuya. Như Thạch đứng tại hàng ba nhà bảo sanh Bà Chiểu, tay vịn lan can mắt ngó cửa phòng ngay trước mặt. Vì cửa phòng khép khít nên chàng không thấy được, trong phòng chỉ nghe tiếng cô Nhung rên mà thôi, chàng đứng trân trân không cựa quậy, mặt tái xanh, ngực hồi hộp.
Cách một lát, cửa phòng mở hé rồi một cô mụ lách mình bước ra. Như Thạch chận hỏi: “Sanh rồi hay chưa vậy cô?” Cô mụ lắc đầu mà đáp: - “Cô yếu quá nên không dám cho rặn. Để cho cô nghỉ một chút rồi tôi sẽ cho rặn thử coi, nếu không được thì phải kêu ông thầy, chớ biết làm sao”.
Cô mụ đi rột rẹt rồi xách một bầu nước trở vô phòng, khép cửa lại.
Như Thạch trong lòng lạnh ngắt, day mặt ngó ra sân thấy cây cỏ lờ mờ, còn ngoài đường thì hàng đèn khí nối nhau mà chiếu, song không có dạng người qua lại. Chàng vì lo, vì sợ, vì buồn, bởi vậy trong trí bối rối ngó cây cỏ, ngó đèn mà không để ý đến cảnh vật chút nào hết.
Thình lình nghe trong phòng có tiếng rặn một hơi rất dài. Như Thạch càng thêm bối rối, nên nín hơi lóng tai nghe. Rặn rồi thở hổn hển, thở rồi rặn nữa, rồi lại nghe tiếng con nít oa oa. Như Thạch nửa mừng nửa sợ ngổn ngang mừng con đã sanh, mà lo sợ vợ đuối sức. Chàng nóng nảy, trông cho họ mở cửa phòng đặng vô mà hỏi thăm, nhưng trông hoài không thấy mở.
Cách một hồi rất lâu, một cô mụ già mở bét cánh cửa ra vừa thấy Như Thạch thì nói: “Sanh rồi, con gái. Con nhỏ mạnh lắm tới ba ký lô rưỡi. Còn cô thì mệt quá, để tôi đi kêu thầy điều dưỡng tiêm cho cô một mũi thuốc khỏe cho cô nghỉ. Ông vào mà thăm cô, bây giờ ông vô được”.
Cô mụ nói rồi quày quả đi liền. Như Thạch bước vô phòng, thấy vợ nằm trong giường, mắt nhắm khít, ngực hoi hóp, mặt mét xanh, coi bộ mệt lắm. Chàng nắm tay vợ mà nước mắt rưng chảy. Cô Nhung day mắt ngó chồng, lắc đầu rồi nhắm mắt lại, Như Thạch thấy cô mụ bồng con nhỏ bước lại gần thì chàng đứng nhìn con. Cô mụ nói: “Con nhỏ này chừng lớn nó ngộ lắm”.
Cô mụ già trở vô phòng lại dắt theo một ông thầy điều dưỡng còn ngây ngủ, nên mặt sật sừ. Thầy điều dưỡng tiêm cho cô Nhung một mũi thuốc, rồi bỏ đi ra, không nói mội tiếng chi hết. Hai cô mụ lo sắp đặt cái nôi đặng để em nhỏ nằm.
Cô Nhung thở dài rồi mở mắt ngó chồng, miệng chúm chím cười. Cô mụ già bước lại rờ trán cô và hỏi: “Khỏe rồi hả?”. Cô Nhung gật đầu đáp nhỏ: “Em khỏe. Em cám ơn hai cô”.
Hai cô mụ bước ra ngoài rồi khép cửa phòng lại.
Như Thạch nhắc một cái ghế đem để bên cạnh giường ngồi và nói chuyện với vợ:
- Em mệt nhọc quá! Vậy em ngủ một chút cho khỏe. Để anh ngồi đây anh coi chừng con cho.
- Bây giờ em khỏe rồi.
- Hồi nãy anh sợ quá.
- Thật anh ạ! Hồi nãy em mệt lắm, em tưởng đã không xong rồi.
- Em muốn uống nước hay không?
- Xin anh làm ơn rót cho em một chén.
Như Thạch rót nửa ly nước trà bưng lại cho vợ uống, rồi vén tóc, bao mền cho vợ, bộ lo lắng lắm.
Bây giờ cô Nhung thiệt khỏe nên cô nói:
- Em chưa trông thấy mặt con. Nghe nói con gái phải không?
- Con gái. Em muốn anh bồng con cho em coi hay không?
- Em muốn lắm, song sợ anh không quen bồng rồi anh đánh rơi con.
- Anh bồng được. Để anh bồng con lại cho em coi. Mặt dễ thương quá.
Như Thạch bước lại giở cái nôi mà bồng con nhỏ đem để nằm một bên mình vợ.
Cô Nhung day qua nhìn con, Như Thạch cũng đứng một bên mà ngó. Con nhỏ mở mắt rồi nhắm mắt lại một lát nó quơ hai tay, làm cho cha mẹ nó vui vẻ vô cùng.
Như Thạch nói:
- Gương mặt con giống hệt mặt em.
- Đây là dấu tích của vợ chồng ta, có con tình vợ chồng ta càng thêm khắng khít.
- Để ngày mai anh sẽ đi khai sanh cho con. Em muốn đặt tên gì?
- Em không dám. Việc ấy tự ý anh định.
- Anh muốn đặt con là Thanh Nguyên, vừa ý em hay không?
- Tên ấy tốt lắm ạ.
- Thanh Nguyên nghĩa là nguồn nước trong. Anh không muốn cho con mình nhiễm trần tục chút nào hết, nên anh mới đặt tên ấy.
- Vâng, em bằng lòng lắm.
- Thôi, để anh đem con trở lại nôi, đặng em thong thả mà ngủ một chút.
- Anh để con nằm đây với em được. Em để con nằm một mình trong nôi sợ con lạnh.
- Em muốn như vậy cũng được, song để cho anh bỏ mùng xuống kẻo muỗi cắn con.
Như Thạch bọc mùng kín đáo rồi ngồi ngoài coi chừng cho vợ ngủ.
Cô Nhung sợ chồng mệt nên khuyên chồng về mà nghỉ. Nhưng chàng không nỡ về cứ ngồi đó cho tới sáng, có mấy cô mụ vô phòng rồi, chàng mới chịu từ giã vợ về thay đồ đặng lập tức đi khai sanh cho con.
Mỗi bữa Như Thạch đều có mặt tại nhà bảo sanh mà săn sóc vợ con luôn, trừ ra tới bữa cơm và tới giờ đi dạy học thì chàng mới chịu về.
Cô Nhung nằm tại nhà bảo sanh mười bữa, tuy vậy trái tim của cô vẫn không dứt nên cô hay yếu và mệt, song cô xin chồng đem cô về nhà đặng cô nằm cho thong thả.
Về nhà vợ chồng vui vẻ hết sức, cứ thay phiên nhau mà bồng con, nhứt là cô Nhung thương con quá, nhiều khi chồng đi dạy học, cô ở nhà bồng con ngồi nhìn trót giờ mà không biết mỏi, nhìn rồi cô lại cảm xúc nên ứa nước mắt. Tại cô thấy con là kết quả rõ ràng về cái ái tình của cô mà cô cảm, hay là tại cô thấy con rồi cô lo sợ về cái đời tương lai của con nên cô cảm. Nếu lúc ấy ai cắc cớ hỏi cô như vậy thì cô không biết sao để trả lời, cô chỉ biết rằng hễ cô ở nhà một mình với con, hoặc ban đêm cô thức dậy cho con bú, cô nhìn một hồi thì cô hồi hộp trong lòng, lo sợ buồn thương lẫn lộn.
Vì trong mình đã có bịnh sẵn lại thêm sanh sản, mà cũng vì tiền bạc khiếm khuyết nên thuốc men luốt lát, bởi vậy thân thể cô Nhung ngày một thêm ốm, mặt mày của cô ngày một coi thêm mệt. Tuy cô biết trong mình có bịnh nhiều, sợ không thể sống lâu được nhưng mà cô không dám nói cho chồng biết, trước mặt chồng cô cứ làm ra vui cười luôn luôn.
Tuy vậy Như Thạch vì thương vợ nên không cần vợ nói chàng cũng đã hiểu biết, bởi vậy trong bụng chàng lo sợ lung lắm.
Một đêm cô Nhung để con Thanh Nguyên nằm ngoài ván rồi cô ngồi một bên coi chừng muỗi cho con ngủ. Như Thạch bưng đèn lại gần và chàng ngồi phía bên này ngó con với vợ. Vợ chồng nhìn con rồi nhìn nhau, bỗng sanh trong lòng mối cảm tình nồng nàn thiệt là khó chịu, song nói ra không được.
Cách một hồi lâu Như Thạch day mặt vô vách mà nói:
- Thanh Nguyên còn nhỏ quá mà em bịnh một ngày một thêm nhiều, anh nghĩ tới đường tương lai anh buồn hết sức.
- Anh sợ em chết à? Em không chết đâu, xin anh đừng lo. Em thương chồng thương con, có lẽ nào em đành chết mà bỏ hai cục thương của em đó cho được.
- Sống thác đều tại số mạng, có phải em muốn mà được đâu em.
- Số mạng là gì? Ấy là hai chữ để kẻ yếu trí đặt ra đặng khỏa lấp che đậy thói nhu nhược của họ. Anh phải cương quyết, phải dạn dĩ đặng chống cự với cuộc đời, chẳng nên thấy khổ mà ngã lòng thối chí.
- Không, anh có ngã lòng thối chí đâu, dầu đến chừng nào anh cũng còn can đảm đối phó với nhân tình thế cuộc luôn luôn. Tiếc vì bịnh hoạn mình biết làm sao chiến thắng nó cho được, vì vậy nên anh mới lo sợ chớ.
- Ví dầu em phải chết đi nữa, xin anh cũng cứ vững lòng mạnh dạn bước tới, đừng buồn rầu đừng nhút nhát.
- Không nhút nhát thì được, chớ không buồn rầu sao được! Hai đứa mình đồng tâm quyết chí nắm tay nhau đồng bước trong một đường mới, ví như một đứa ngã, đứa kia bơ vơ không nhớ thương buồn rầu sao được.
- Như em có chết, thì còn con Thanh Nguyên đó nó là dấu tích của em, có lẽ nó cũng đủ làm cho anh vui với sự sống tự do, cứng cỏi, ngay thẳng, trong sạch được vậy chớ. Mà em phải sống đặng giúp anh nuôi con rồi dạy cho nó kế chí của vợ chồng mình, em không chết đâu.
- Anh van vái cho được như lời em nói đó.
Như Thạch ngó vợ ngó con rồi chảy nước mắt.
Tuy cô Nhung nói cứng cỏi như vậy, mà sự muốn không thắng nổi chứng bịnh. Bởi vậy con đẻ vừa đầy mấy tháng thì bịnh cô trở nặng, mỗi ngày mệt đến mấy lần, và mỗi lần mệt thì tưởng cô phải tắt hơi.
Một đêm, biết trong mình cô đã hấp hối, cô bèn kêu chồng bồng con đem lại cho cô hun. Cô nằm một tay ôm con, một tay níu chồng, cô hun con hai ba cái, rồi cô hướng mặt nhìn con và chồng trân trân, giọt lệ tuôn ra chảy ướt hai gò má cô. Cô mệt lắm, song ráng nói nho nhỏ: “Em xin anh tha lỗi cho em... Em đã hứa đi với anh cho cùng đường, mà nay em phải bỏ anh giữa chừng, ấy tại bịnh hoạn nó giết em, chớ không phải em sợ khổ cực hay là thấy sự nguy hiểm mà trốn lánh... Em chết thiệt em tức lắm, tức vì không được tiếp với anh mà phá hủy những chế độ hẹp hòi của gia đình xã hội, tức vì không được dạy cho con biết kế chí của vợ chồng ta...”
Cô Nhung nói đến đó, thì mệt quá, nói không được nữa. Như Thạch đau đớn chịu không được, chàng cúi mặt xuống hun vợ, bốn giọt nước mắt hòa lộn với nhau.
Đến khuya cô Nhung tắt hơi.
Sáng bữa sau Tự Cường hay tin vội vã vô thăm. Chàng chắc Như Thạch túng tiền, nên đưa một trăm đồng bạc cho Như Thạch lo liệu tống táng cho cô Nhung.
Chôn vợ rồi Như Thạch kiếm vú mướn nuôi Thanh Nguyên. May lúc ấy chị Thì ở gần, mới sanh con được ba tháng kế con chết, nên chị mới còn sữa, Như Thạch cậy chị đem Thanh Nguyên về nuôi giùm mỗi tháng trả tiền cho chị 6 đồng bạc.
Vợ chết rồi thì sự sống của Như Thạch chẳng còn một chút gì vui vẻ nữa. Mỗi ngày chàng kêu chị Thì đem Thanh Nguyên lại cho chàng bồng giây lát, đặng nhìn mặt con cho giảm bớt nỗi buồn, té ra ngó con chừng nào thì càng nhớ vợ thêm chớ không giảm được.
Có khi chàng nhớ tới mẹ thì chàng đau đớn về sự chàng làm cho mẹ giận hờn. Nhưng đau đớn về cái lỗi của chàng, lại cũng đau đớn về sự nghiêm khắc của mẹ, nên chàng ôm lòng mà chịu, không tính trở về thú tội.
Vì trong mình đã mang sẵn bịnh lao, nay gặp sự buồn rầu dồn dập, nên bịnh càng ngày càng thêm hoài. Cô Nhung chết chưa được 5 tháng thì Như Thạch ốm như tàu lá, không thể đi dạy học được nữa. Chàng biết không sống lâu được nên một đêm chàng nằm thao thức, trong trí nhớ đường kia nẻo nọ, rồi chàng ngồi dậy đốt đèn viết một bức thơ gởi về cho mẹ mà thưa cho mẹ hay rằng mình sắp chết và xin mẹ tha lỗi. Thơ gởi đi rồi thì bịnh càng nặng thêm hoài. Cách 10 bữa sau, Như Thạch nằm liệt, Tự Cường có đến thăm thì chàng nằm nói chuyện chớ không dậy nổi.
Một buổi chiều, chị Thì bồng Thanh Nguyên lại thăm. Như Thạch ngó con rồi khóc, chớ không bồng con được.
Đêm ấy chàng ráng ngồi dậy rồi đi lại bàn viết lấy giấy viết, ngồi viết trót hai giờ đồng hồ. Viết rồi chàng lấy một cái bao thơ lớn bỏ vô, lại soạn giấy tờ trong tủ lấy 3 tờ khác và đút chung vô đó nữa.
Dán bao thơ kín đáo, lại lấy bánh kiến gắn thêm phía sau cho chắc chắn rồi mới viết mấy hàng chữ ngoài bao.
Chàng viết rồi thì mệt đuối, nên lần đi lại bộ ván mà nằm, để cái bao thơ hồi nãy dựa bên mình.
Qua ngày sau, Như Thạch biểu thằng Sung, là đứa tớ, ra trường “Vân Thế” đón mời Tự Cường vô cho chàng nói chuyện.
Tự Cường mỗi ngày đều có vô một lần đặng lo thuốc men cho bạn, biết bạn không còn sống lâu nữa được, nên được tin mời thì lật đật vô liền.
Như Thạch thấy Tự Cường thì sai thằng Sung đi kêu chị Thì bồng Thanh Nguyên lại.
Tự Cường kéo ghế ngồi một bên Như Thạch và hỏi:
- Bữa nay anh nghe trong mình có khỏe hơn hôm qua hay không?
- Tôi mệt lắm, chắc giờ chết đã gần tới rồi!
- Tôi coi anh còn tinh thần nhiều. Chưa chết đâu. Xin anh hãy vững lòng đừng lo sợ.
- Nếu tôi còn tinh thần nhiều, ấy là vì tôi còn chút nợ đời bận lòng tôi, nên tôi nhắm mắt chưa được.
Như Thạch nói mới mấy câu mà đã mệt, nên nằm yên. Tự Cường thấy vậy không muốn nói chuyện nữa, nên định đứng dậy. Như Thạch khoát tay tỏ ý muốn Tự Cường cứ ngồi đó, chàng nằm nghỉ một chút rồi nói tiếp:
- Tôi mời anh vô đây là vì tôi có một tâm sự cần phải tỏ gấp với anh.
- Anh cứ nói đi, tôi sẵn lòng nghe.
- Khi mới quen nhau tôi có tỏ cho anh biết rằng vì tôi theo cái thuyết tự do kết hôn nên bà già tôi giận, không thèm nhìn tôi là con.
- Phải. Anh có nói với tôi rồi.
- Cách mười bữa trước tôi biết tôi sẽ chết gấp, nên tôi có viết thơ từ giã và xin lỗi bà già tôi. Tôi có nói tôi có một đứa con, như bà già tôi còn nghĩ tình máu thịt, thì cho người lên đem về mà nuôi, chớ hễ tôi chết rồi con tôi nó sẽ bơ vơ, vô gia đình, vô thân tộc... Tới bữa nay mà không thấy tin tức gì hết... Chắc bà già tôi bỏ đứt tôi, mà cũng không thèm nhìn con tôi.
- Sợ thơ lạc, hoặc dưới nhà không biết anh ở đâu mà kiếm.
- Thơ không thể lạc được. lại trong thơ tôi biên chỗ tôi rành rẽ... Chắc bà già tôi còn giận nên tuyệt luôn... Có lẽ xưa nay anh đã thấy rõ thái độ của tôi. Tôi thung dung chờ ngày chết. Chẳng lo sợ chút nào hết. Tôi chỉ buồn có một việc là khi tôi chết đi rồi con Thanh Nguyên của tôi đây rồi tôi bỏ nó cho ai.
- Xin anh đừng thêm lo, đến giờ cuối cùng phải để chí cho bình tịnh. Nếu không ai nhìn nhận con Thanh Nguyên thì tôi lãnh nuôi cho.
Như Thạch mở cặp mắt chỏi hỏi mà ngó Tự Cường rồi cười nói tiếp:
- Tôi cảm tình anh lắm. Nếu được vậy thì tôi chẳng còn chút gì bận lòng nữa. Tôi mời anh vô đây là có ý muốn nói chuyện đó với anh. Hổm nay tôi không nói là vì tôi còn tưởng má tôi hoặc chị tôi lên đem nó về nuôi. Hồi chiều hôm qua chị vú bồng con tôi lại, tôi thấy mặt nó, rồi tôi nhớ ở dưới nhà không ai lên, thì tôi cảm động hết sức. Đêm hồi hôm tôi không ngủ được, tôi ráng ngồi viết một tờ di ngôn mà để lại cho con. Nếu anh sẵn lòng thế cho tôi mà nuôi giùm con tôi, thì tôi giao giấy tờ trong bao thơ nầy cho anh. Xin anh cất giùm, chừng nó được 18 tuổi có đủ trí khôn rồi anh sẽ trao cho nó.
- Tôi hứa chắc với anh rằng tôi sẽ hết lòng nuôi con Thanh Nguyên cũng như anh nuôi vậy. Anh hãy an tâm, đừng lo chi hết.
- Cám ơn anh.
Như Thạch lấy cái bao thơ niêm hồi hôm đưa cho Tự Cường rồi ngoắt chị vú biểu đem Thanh Nguyên lại, chàng với ôm đầu con hun và nói: “Thôi, cha từ giã con, tên con là Thanh Nguyên vậy chừng con khôn lớn con phải trong sạch như nước trong nguồn, đừng nhiễm một chút bụi trần nào hết, tuy cha chết, nhưng mà con đã có cha khác lãnh nuôi con, dạy con, cũng như cha còn sống vậy. Con không đến nỗi thất dưỡng thất giáo đâu mà lo”. Như Thạch nói dứt rồi, bèn xô con lại cho Tự Cường mà nói: “Đây tôi giao con tôi cho anh đây, xin anh lãnh lấy”. Tự Cường đưa tay ra bồng Thanh Nguyên và để cái bao thơ trước ngực con nhỏ mà nói: “Con đừng có buồn, ba sẽ thương yêu con bảo hộ con, cũng như cha đẻ của con vậy”.
Con Thanh Nguyên không hiểu chi hết, nó thấy lộn xộn thì nó ngó Như Thạch rồi ngó Tự Cường ngó quanh quất, rồi lại chành miệng cười hịt hạt.
Như Thạch phỉ tình, nên nằm thơ thới, bộ bớt mệt. Thanh Nguyên đòi bú nên chị vú lãnh lại và bồng đi ra ngoài.
Tự Cường hỏi Như Thạch:
- Anh còn muốn dặn điều gì nữa hôn?
- Còn. Tôi xin anh hai điều này:
1. Hễ tôi chết rồi, thì anh phải giấu con Thanh Nguyên mà nuôi, dầu bà con thân tộc của tôi năn nỉ thế nào anh cũng đừng cho họ lãnh.
2. Nuôi con Thanh Nguyên, thì anh đừng cho nó biết căn nguyên của nó, anh cứ xưng anh là cha đẻ nó, chừng nào nó đúng mười tám tuổi anh sẽ đưa cái bao thơ cho nó. Nó đọc tờ di ngôn của tôi rồi nó liệu định thế nào tự ý nó.
- Tôi sẽ làm y theo lời anh dặn. Còn về cách giáo dục như anh có dặn điều gì chăng?
Như Thạch nằm ngẫm nghĩ một chút rồi mới đáp: “Anh quang thông triết lý, tâm lý học. Vậy dạy dỗ con Thanh Nguyên, tôi ưng để cho anh tự do mà liệu định. Tuy vậy mà tôi xin anh, dầu anh khiến cho nó đi đường nào, anh cũng ra công sửa vỗ cái óc nó cho trong sạch, cho cao thượng, đừng cho nhiễm những thành kiến hủ bại của xã hội”.
Tự Cường gật đầu vừa cười vừa nói: “Tôi khen anh lắm. Đến ngày cuối cùng mà anh không nao lòng không đổi chí. Tôi sẽ ráng sửa chí con Thanh Nguyên giống như chí của anh”.
Như Thạch nghe mấy lời thì hớn hở, tuy hấp hối mà mặt còn tỉnh táo lắm.
Tự Cường không nỡ lìa bạn, nên viết giấy rồi sai thằng Sung đem ra trường xin phép ông hiệu trưởng đặng ở lại đó cho Như Thạch vui lòng.
Đêm đó Như Thạch tắt hơi.
Tự Cường đứng lo tống táng. Chàng cậy ông hiệu trưởng trường “Vân Thế” đứng cáo phó giùm cho thiên hạ hay Như Thạch chết, bởi vậy tờ ai phó nầy không giống với tờ ai phó khác thường không có biên tên cha mẹ, anh em, vợ con.
Nhờ tờ ai phó ấn hành trong nhựt báo, nên ông huyện Khoan hay, bữa tống chung có ông đến dự lễ với ông hiệu trưởng và các giáo sư trường “Vân Thế”.