Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Tuyển tập truyện ngắn Vũ Hồng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13428 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyển tập truyện ngắn Vũ Hồng
Vũ Hồng

Móng tay hình trăng khuyết
Cô chủ quán có bộ ngực nhỏ bưng ly cà phê và gói thuốc Mai đặt trước mặt ông lão.
"Cám ơn!"
"Cần thêm gì cứ gọi nhé, "bố"".
"ờ".
Tiếng "ờ" toát ra từ miệng ông lão nhẹ như hơi gió thoảng. Ông lão ngồi nghiêng người, gương mặt nửa tối, nửa sáng, làm nổi lên những vùng hõm sâu, khắc khổ.
Dòng sông Tiên Thủy vào những ngày mưa tháng mười đục ngầu phù sa. Xa xa, những mảng lục bình trôi, vô định. Ông lão dõi mắt nhìn theo, vẻ đượm buồn.
Cô gái nhìn trời và nói vu vơ:
"May quá, chiều nay không có mưa...".
"ờ, không có mưa".
Ông lão lặp lại lời cô gái như một cái máy. Chậm rãi, ông nhích cái bàn sang một bên và co chân lại, ngồi thu lu trên chiếc ghế mây đã đen bóng lên theo thời gian. Hai mươi sáu năm, biết bao buổi chiều trôi qua, ông lão vẫn ngồi bất di bất dịch ở chỗ ấy, chỉ trừ những ngày Tết nhứt, giỗ chạp, quán phải đóng cửa. Bốn giờ chiều, ông đến. Chủ quán không hỏi, tự động mang đến cho ông gói thuốc đen và ly cà phê không đường. Năm giờ, ông lang thang dọc triền sông giống như một du khách nhàn tản đang say sưa ngắm cảnh đồng quê. Bảy giờ, ông xuống đò sang cù lao, về với căn chòi lợp lá đã cũ nát của mình. Điều đó hầu như đã thành qui luật của riêng ông, mặc cho ngày ấy là một ngày nắng đẹp trời hay mưa dông tầm tã cũng thế. Người dân ở cái thị trấn đồng bằng này chưa bao giờ thấy ông bị bệnh tật, ốm đau, bởi lẽ ông như một cái đồng hồ biết đi của họ. Thấy ông lững thững bước vào quán, những ông chồng vội vã gọi các bà vợ đang ngồi tán dóc nơi góc phố về để chuẩn bị bữa cơm chiều.
Thoạt đầu, những người dân trong vùng cho là ông bị "chập" hay bị căn bệnh trầm uất nào đó chẳng hạn. Họ xầm xì, bàn tán, ông nghe và chỉ cười. Riết rồi tất cả đâu lại vào đấy như cái bình lặng vốn có của một thị trấn đìu hiu từ trước đến nay.
Đốt một điếu thuốc, ông lão im lặng lắng nghe tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ, cùng tiếng la ơi ới gọi đò từ bờ bên kia. Làn khói bay ra từ miệng ông lượn lờ một chút trong không trung rồi trong phút chốc, một cơn gió liu riu qua xé nó tan ra thành từng mảnh vụn.
"Tối nay trăng sẽ sáng lắm đây" - Cô gái chống tay lên lan can bằng gỗ - "Chiều nay "bố" trông có vẻ buồn hơn mọi ngày?".
Ông lão không đáp, chỉ nở nụ cười hiền hậu. Thấy ông có sắc vui, cô gái líu lo kể đủ thứ chuyện, từ chuyện thời trang đến chuyện mùa màng, thời tiết. Cho đến tận bây giờ, ông mới phát hiện ra rằng: càng lớn lên, cô gái này càng giống nàng quá đỗi, nhất là đôi mắt có quầng đen, sâu thẳm như đôi mắt của một vũ nữ ấn Độ.
"Bố" kể chuyện của "bố" cho con nghe với" - Cô gái nài nỉ.
"Chuyện gì đâu?".
"Chuyện ở R. Con nghe mấy chú nói hồi đó ở trong rừng vui lắm, phải không?".
"Thì cũng mấy chuyện "bố" đã kể cho con".
"Nhưng hình như "bố" còn giấu con một chuyện gì đó...".
Ông lão im lặng, lảng tránh ánh mắt của cô gái. Câu nói vô tình ấy đã khơi gợi lại vết thương lòng mà ông muốn giấu kín, giấu kín ngay cả chính bản thân ông. Ông sợ đem lương tâm mình ra đối diện với sự thật, bởi lẽ lúc nào ông cũng là một anh hùng trong chiến tranh trước đôi mắt bạn bè. Vậy mà, người anh hùng ấy đã có vài giây phút nhu nhược, yếu hèn. Sự nhu nhược, yếu hèn để lại một khoảng trống lạnh lẽo đời đời trong tâm hồn ông.
Trong tiếng gió lùa qua hàng dừa phía cù lao Khánh Hội, hình ảnh nàng của ngày xưa như hiện về, huyễn hoặc trước mắt ông. Nàng nằm đó, trên bãi cỏ, mái tóc dài phủ lên chân ông mềm như ngọn gió.
***
..."Để anh cài cho tóc em. Tóc em cài hoa rất hợp" - Nam cúi xuống hôn phớt qua má nàng - "Khi nào hết chiến tranh anh sẽ về sống ở quê em".
"Em nghi quá!" - Nàng chống tay ngồi dậy - "Coi chừng rối tóc em. Đó, anh cuộn như vậy mới thành bím chứ cột như lúc nãy tóc em sẽ giống như cây chổi mất. Anh nói về quê em à? Giờ có người ta trước mặt thì nói vậy, chứ sau này lỡ đóng quân ở chỗ khác thì anh lại quên em ngay. Đi theo em, anh bỏ mấy cô xứ biển cho ai?".
"Cho sóng và cát" - Anh âu yếm ôm nàng vào lòng - "Tụi mình sẽ cưới nhau. Anh và em cũng không cần gì cả. Chuyện chiến tranh, chết chóc rồi sẽ đi vào dĩ vãng. Tụi mình sẽ dựng một căn chòi bên dòng Tiên Thủy quê em, ngày ngày đưa đón khách sang ngang".
Nàng ngước mắt nhìn anh, cái nhìn thật dài:
"Người ta có gật đầu đâu mà nói chắc như vậy?".
"Sao không chắc. Chính em đã theo tán tỉnh anh trước kia mà" - Anh nheo mắt, tinh nghịch - "Thân con trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu...".
"Xạo đi. Có nhiều người ve vãn em rồi đó, đừng có khi dễ nghe" - Nàng nhẹ nhàng hất bím tóc qua một bên vai và cười nụ sau câu nói lấp lửng - "Hồi tuần rồi, chú Ba hỏi em có thích chuyển về văn công của Khu không nhưng em chưa trả lời. Nghe nói mấy anh bộ đội ở Khu đẹp trai hơn ở đây nhiều".
"Đẹp trai, cho em đẹp trai nè" - Anh dứ dứ những ngón tay vào gáy nàng khiến nàng phải né người sang một bên vì nhột. Rồi họ cười đùa, rượt đuổi nhau vòng vèo trên bãi cỏ và những hõm cây duối dại. Tiếng cười của họ ngân vang trên mặt sông, mặt sông đang ngã bóng hoàng hôn.
Nàng ôm ngực, thở dốc, gương mặt đỏ như gấc. Nàng tựa đầu vào vai anh, thủ thỉ:
"Nói vậy chứ em đã nguyện suốt đời là cô giao liên của anh, Nam à!".
"Giọng hát của em mà bỏ phí đi thì cũng uổng".
"Anh muốn em theo văn công thật sao? Vậy đó, nói yêu thương người ta cho lắm mà chỉ thích đẩy người ta đi cho thật xa. Hèn chi, con Oanh mỗi lần gặp em đều hỏi đủ thứ chuyện về anh".
"Thì anh nói cho có vẻ cao giá chơi chứ chẳng có Oanh hay Hồng nào cả. Anh tính vầy em xem có được không. Mỗi tối em cứ sang chỗ anh, em hát, anh vỗ tay, là xong".
"Đầu óc anh lúc nào cũng mơ tưởng bậy bạ" - Nàng giả vờ co rúm người lại, sợ hãi, trong khi ánh mắt lại phát ra những tia cười, long lanh.
Nam bật thốt sau giây phút lặng im:
"Kỳ quá ta!".
Nàng giật mình, ngơ ngác, ngước mắt nhìn anh với vẻ dò hỏi:
"Sao?".
"Ông Tơ bà Nguyệt se duyên thế nào để cho hai đứa mình gặp nhau hoài cũng lạ thật. Chắc kiếp trước anh mắc nợ em".
"Mắc nợ cái gì?".
Nam bật cười khanh khách sau câu nói của mình. Nàng liền xô anh ngã trên cỏ và tát yêu vào má anh:
"Cái miệng ăn nói thấy ghê!".
Một thoáng đất trời chợt như chững lại. Trong khoảnh khắc, mặt họ như gần sát vào nhau. Người con trai cảm thấy những mạch máu căng trào, muốn vỡ tung ra khi anh thoảng nghe đâu đó có làn gió đang mơn man, phảng phất một mùi hương cỏ dại, trinh nguyên mà từ lúc trưởng thành đến giờ anh chưa được nếm qua. Mùi hương ấy như dìu anh vào miền cổ tích nào đó, có cánh đồng lúa vàng, có bầu trời mênh mông cùng những đám mây mịn màng như dải lụa. Rồi từ trong đám mây, một người con gái bước ra, rạng rỡ như một vị nữ thần, tinh khiết như giọt sương của buổi ban mai, và rót vào đời anh từng dòng mật ngọt.
"Ui da!" - Nàng chợt kêu lên - "Gãy móng tay em rồi".
Nam cười, vẻ ngượng nghịu vì sự vụng về của mình.
Nàng nói với giọng hờn dỗi:
"Em không chơi với anh nữa. Ai bảo đi bẻ móng tay người ta. Công người ta để cả mấy tháng trời mới được bấy nhiêu đó".
Nam nhìn xuống đất. Cái móng tay nhỏ nhoi bị gãy giờ trông giống như vầng trăng khuyết nằm đó, lạc loài giữa một nhụy hoa dại. Trong ý nghĩ vô thức, anh nhặt nó lên và bỏ vào túi áo.
***
""Bố" bệnh à?" - Cô gái đột ngột cắt ngang dòng suy tưởng của ông lão - "Mặt "bố" đỏ bừng lên giống người bị sốt cao. Để con chạy sang hiệu thuốc tìm cho "bố" vài viên Paramol".
""Bố" thì trâu vật cũng không chết. Thôi khỏi!" - Ông lão khoát tay - "Cha mẹ con đi đâu hết rồi?".
"Cha mẹ con đi chợ thị xã mua vài thứ về để ngày mai làm đám giỗ cô Hai. Phải chi có cha con ở nhà cùng đánh với "bố" vài ván cờ tướng cho vui. Sáng mai "bố" sang dự đám giỗ nghe, con mời. "Bố" thật kỳ. Mời hoài mà chẳng năm nào có mặt "bố". Lần này "bố" không đến thì con sẽ nghỉ nói chuyện với "bố" luôn".
"Mình có xứng đáng với tình yêu của nàng đâu" - Ông lão nghĩ thầm và cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.
Cô gái vẫn nói say sưa với vẻ hồn nhiên:
"Nghĩ mà thương cô Hai, mất rồi mà không còn được cái gì làm kỷ niệm để lên bàn thờ. Con nghe người dân quanh đây nói, hồi con gái cô con đẹp nhất vùng này. Tay quận trưởng theo ve vãn hoài, thậm chí cả hăm dọa mà cô con cũng nhất quyết không chịu. Bực mình, cô con nhảy vào vùng giải phóng làm giao liên. Ai cũng cho là con giống cô Hai. "Bố" biết không, cô con hy sinh anh dũng lắm. Hy sinh để cứu đồng đội. Mà cái người được cô con cứu ấy thật tệ. Giải phóng lâu rồi vậy mà không thèm tìm về đây, thậm chí chỉ để thắp một nén nhang".
"Nhiều khi người ấy cũng không còn nữa trên cõi đời này" - Ông lão lẩm bẩm.
"à, chắc là vậy" - Cô gái nhìn ông lão tỏ vẻ ngạc nhiên - ""Bố" khóc à, "bố"? Con xin lỗi, "bố" đang buồn mà con cứ kể những chuyện gì đâu đâu ấy!".
Có vài đứa trẻ đến hỏi mua kẹo, cô gái bỏ dở câu chuyện, xoay mình bước đi.
"Đám giỗ của nàng ư? Làm sao mà ta còn mặt mũi nào để đến với nàng được nữa?" - Ông lão cay đắng nghĩ - "Làm sao ta có thể quên được cái ngày khủng khiếp đó của năm 62. Cái ngày đã đeo bám theo nỗi cô độc của ta hơn ba mươi năm qua. Nó đã hành hạ, dằn vặt lương tâm ta đến mòn mỏi".
***
... Trong căn hầm tối tăm, ngột ngạt, nàng nói với giọng nài nỉ:
"Để em lên, Nam. Em không chịu nổi nữa!".
"Không được" - Nam rít qua kẽ răng - "Em định trở thành kẻ đầu hàng để nhơ danh suốt đời sao?".
"Em chỉ giả hàng thôi. Bắt được em chắc chúng sẽ không còn bao vây vườn dừa này nữa. Chừng ấy anh có thể thoát về được bên kia sông".
"Chúng sẽ giết em mất" - Nam vuốt ve đôi má nàng để chuộc lại cơn nóng giận vô cớ vừa rồi - "Em hãy nhắm mắt lại, ngủ đi và mơ một giấc mơ đẹp. Không có gì nhục nhã cho bằng sự đầu hàng, em hiểu không? Lỗi ở anh. Lẽ ra bữa đó anh đừng rủ em sang bên này sông".
Nàng bật khóc tấm tức. Căn hầm bí mật kiểu cá nhân không đủ sức chứa hai người nên giờ đây họ giống như con cá bị ép trong hộp, không xoay trở gì được. Nó gây ra sự ngứa ngáy, khó chịu.
Nàng chợt áp tai vào vách hầm và nói như mê sảng:
"Anh có nghe thấy gì kia không, Nam? Tiếng sóng. Sông đang gọi tụi mình quay về đó" - Lời nàng như chìm vào một cõi xa xăm - "Xa con sông một ngày em như không còn là em nữa. Hồi nhỏ, em bị má rầy hoài. Má nói con gái gì mà như con trai, tối ngày lặn hụp dưới sông, lớn lên đen mốc, đen mò ai mà thèm lấy. Em chỉ cười và đáp: Con chẳng chịu có chồng đâu. Con sẽ ở vậy với má. Miệng má cười nhưng mắt má khóc. Tội nghiệp, ba mất sớm làm má cực. Lúc ba mất, em mới lên năm, còn thằng út Phi thì vừa giáp tháng. Hồi xưa, ba em theo bộ đội ông Cống. Đã hai ngày một đêm rồi ở dưới hầm, không tắm táp gì được, giờ chắc em hôi hám và xấu xí lắm phải không?".
Câu hỏi của nàng khiến cổ họng Nam như nghẹn lại. Nước mắt anh trào ra. Anh cảm thấy mình trở nên nhu nhược, yếu hèn vì đã không bảo vệ được người mình yêu.
Anh ôm nàng vào lòng, âu yếm:
"Suốt đời anh chỉ có một mình em thôi. Hồn anh em đã nắm giữ kể từ buổi đầu sang sông ấy".
"Em cũng vậy. Lúc chú Ba nói đùa: "Tao gả thằng Nam cho mầy, chịu không? Sẵn dịp dạy cho nó chèo đò luôn thể?". Em thấy anh đỏ bừng mặt vì mắc cỡ mà em phát thương. Con trai gì nhút nhát còn hơn con gái. Đến hồi anh dám đứng sổng người bắn giải vây cho em bơi được sang sông thì em mới thương anh thật sự".
"May mà anh bắn không trúng nhầm vào em chứ lúc đó mắt anh nhắm tít lại, đâu còn thấy gì nữa" - Nam đùa.
Nàng phì cười. Nam vuốt ve làn tóc mai bết dính mồ hôi của nàng:
"Thanh nè!".
"Chi anh?".
"Tháng sau chú Ba đi họp ở Bình Đại, anh xin cho em đi cùng nghe. Em chưa biết biển là thế nào, phải không?".
"Chưa".
Có tiếng nện thình thịch trên mặt đất. Hai người vội nín lặng. Họ nghe rõ cả những chiếc lá khô bị gió cuốn qua và tiếng bàn chân ai dẫm đạp. Vài phút sau, tiếng chân bước xa dần về phía bìa vườn kèm theo những tiếng chửi thề.
Nàng chợt níu lấy áo anh:
"Anh rút cái chân ra để em ngồi bệt xuống đất cũng được. Kiểu này chúng còn bao vây lâu đây".
"Đừng, em đang bệnh. Mặt đất sền sệt nước thế kia!".
"Bụng em không còn đau nữa".
Im lặng. Một phút sau, có tiếng của Nam:
"Bàn tay em đâu rồi?".
"Chi vậy anh?".
"Đưa đây anh lau cho, để ẩm ướt lâu ngày mấy cái móng sẽ hư hết" - Nam áp tay nàng vào bờ môi mình - "Em có đôi bàn tay đẹp nhất trần đời".
***
"Tay của con mà" - Cô gái đặt bình trà nóng xuống bàn và mỉm cười độ lượng - "Mắt yếu vậy sao "bố" không đeo kính? Để con rót nước cho kẻo "bố" bị phỏng mất".
Ông lão hơi ngượng ngùng vì sự nhầm lẫn vừa rồi:
"Xin lỗi! Tay của con mà "bố" cứ tưởng...".
"A, "bố" có nhí nào rồi phải không? Vậy mà dám giấu con".
Ông lão cười xòa:
"Cái con bé này lém lỉnh không ai bằng".
Cô gái nghiêng đầu, rũ mái tóc dài sang một bên, nhí nhảnh:
""Bố" có vợ con sẽ tặng "bố" một món quà đặc biệt".
"Gì nào?".
Cô gái đưa ngón tay lên miệng ra dấu bí mật rồi chạy vào buồng.
"Hiện thân của nàng đó ư?" - Ông lão thở dài, mắt lơ đãng nhìn đàn cò trắng bay qua - "Vậy mà nàng đã không còn gì nữa cả. Chiến tranh! Chiến tranh đã cướp mất tình yêu của ta" - Ông lão chống hai tay lên cằm, nghĩ ngợi.
***
... Một cảm giác bồng bềnh, bay bổng giữa không gian khiến ngời Nam chao đi và anh nghe một tiếng nổ đâu đó từ xa vẳng lại, giống như tiếng sấm rền. Anh choàng tỉnh dậy. Ngực anh như bị ai đó đấm vào đến nghẹt thở. Anh bật ho khan vài tiếng và cố há miệng thật to để tìm chút không khí.
Giơ tay sờ soạng xung quanh, anh giật điếng người khi nàng không còn ở đấy nữa. Nàng đã bỏ anh mà đi, đi trong lúc anh chìm vào giấc ngủ say. Theo bản năng, anh đưa tay lần xuống thắt lưng nhưng quả lựu đạn duy nhất cũng không cánh mà bay. Rồi anh chợt hiểu ra tất cả sau mấy phút định thần. Tiếng nổ? Tiếng nổ mà anh nghe được trong giấc mơ.
Anh vội chồm dậy nhưng lại ngã khuỵu xuống vì đôi chân tê cóng.
Cố nén cơn đau của hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt, anh vươn hết tầm tay và nhích nắp hầm sang một bên. Luồng không khí từ bên ngoài ùa vào khiến những mạch máu ngỡ như đã ngủ yên chợt thức giấc trong anh. Từ phía đâu đó theo làn gió thoảng, anh nghe có mùi cháy đến khét lẹt, mùi máu mằn mặn...
"Thanh ơi!".
Nam kêu lên, thảng thốt. Cố tì khuỷu tay vào thanh cây chắn ngang miệng hầm, anh nhoài người lên mặt đất từng tí, từng tí một. Dưới ánh trăng soi tỏ như ban ngày, cảnh vật phơi bày trước mặt anh, trông thật hãi hùng.
"Thanh ơi! Em đang ở đâu?".
Nam ôm mặt. Đôi vai anh rung lên từng hồi. Vừa mới đây thôi, nàng vẫn còn hiện hữu bên anh vậy mà tất cả đã trở thành sương khói.
Theo một quán tính gần như là vô thức, Nam thất thểu đi qua những mảnh thịt còn vương vãi để đến bãi cỏ ven sông. Anh nghe như tiếng nàng đang hát thủ thỉ bên tai anh hòa với tiếng sóng vỗ bờ róc rách.
***
"Con tặng "bố"" - Cô gái trở lại bên ông lão tự khi nào. Trên tay cô ta là chiếc lược đồi mồi - "Con mới đi Vũng Tàu hồi mùa hè".
Ông lão cầm chiếc lược lên ngắm nghía và khen:
"Con có óc thẩm mỹ lắm. Tóc con dài thì con nên giữ nó. Nói giỡn chơi chứ "bố" không dám nhận đâu".
Cô gái phụng phịu, hờn dỗi. Cô ta nhét đại cái lược vào túi áo của ông:
""Bố" từ chối, con giận, con sẽ không pha cà phê ngon cho "bố" uống nữa".
"Mai "bố" từ giã chỗ này rồi".
""Bố" đi đâu?".
"Về quê cũ của "bố"" - Ông lão đáp, giọng buồn rầu - "Già rồi, "bố" muốn được nằm cạnh ông bà".
""Bố" lúc nào cũng buồn và bi quan. Quê "bố" ở đâu?".
"Biển".
"Xa quá! Hay "bố" ở lại đây đi. Nếu "bố" thấyở một mình bên cù lao buồn con nói với cha mẹ cho. "Bố" phụ lau bàn và rửa ly tách cũng được vậy".
Ông lão bật cười trước lời đề nghị hồn nhiên của cô gái.
Có tiếng Honda đỗ xịch nơi cửa. Cô gái quay ra, nét mặt rạng rỡ hẳn lên. Cô nói nhỏ vào tai ông lão:
"Nhí của con đến. Tụi con đi đây chừng ba mươi phút, "bố" trông chừng dùm quán nhé. Lỡ cha mẹ con có về thì "bố" cứ nói con đi gọi điện thoại cho dì út ở Sài Gòn. Hôm nay con không tính tiền cà phê của "bố" đâu".
"Cái con này. ờ, nhưng trò chuyện với người yêu thì vài mươi phút sao đủ?".
"Thời đại bây giờ nói nhiều chi cho mệt hơi, "bố"!".
Cô gái nói xong và phóng nhanh ra cửa như một con sóc.
Nhìn đôi trai gái đang cười đùa tình tứ mà lòng ông chợt man mác. Lũ trẻ ngày nay hạnh phúc quá. Ông chợt thấy xót xa như có ai đem muối xát vào vết thương đã bị sưng tấy lên. Giá như không có chiến tranh. Giá như nàng vẫn còn hiện hữu bằng xương bằng thịt bên ông. Đêm đêm, nằm một mình trong căn chòi lạnh lẽo, ông lắng nghe tiếng kẽo kẹt của con đò mà ngỡ như nàng đang thủ thỉ bên tai.
Buồn rầu, ông bước đến bàn thờ giữa nhà thắp một nén nhang. Nén nhang tỏa ra mùi hương dìu dịu và làn khói như muốn ôm ông vào lòng, quấn quýt không rời. Ông lôi từ trong túi áo ra chiếc hộp nhỏ bằng thủy tinh và đặt nó bên cạnh lư hương.
"Anh xin gửi lại cho em và mong em hiểu, Thanh ơi!" - Ông lão nói nghẹn ngào trong nước mắt.
Rồi ông lẳng lặng đi về phía chiếc xe lam cuối cùng trong ngày.
***
"ủa, "bố" già mới đây mà bỏ đi đâu rồi?" - Cô gái thốt lên khi vừa trở lại.
Nén nhang đang cháy dở và một vật gì trên bàn thờ đập ngay vào mắt cô. Run run, cô với lấy chiếc hộp.
Bên trong, cái móng tay có dáng vầng trăng khuyết nằm đó, nhỏ nhoi, bất động.
Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng khiến cô gái tuôn trào nước mắt:
"Dượng Hai, dượng Hai ơi!".
"Nhà có mất thứ gì à?" - Người yêu của cô gái hỏi.
Cô gái trừng mắt nhìn người yêu. Chẳng nói chẳng rằng, cô lao vút về phía bến đò sang cù lao.
Trong cảnh nhập nhoạng của buổi hoàng hôn, trước mắt cô gái, căn chòi cũ kỹ của ông lão đã đổ ập xuống vì trận mưa giông dữ dội đêm qua.
Viết tại Nha Trang, 11/1996

<< Bà già ngủ ngồi | Một, hai, ba và bốn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 969

Return to top