Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tấc lòng gửi lại

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 521 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tấc lòng gửi lại
Đỗ Thành

Nghe tin tôi về, mọi người kéo đến thăm rất đông.  Bà con, anh em, thân bằng, quyến thuộc đã đành, đằng này cả những người không quen không biết cũng thay nhau tìm hỏi.

Trong số có cả cái anh ngày nao đi ton hót tố cáo tôi.  Chả là dạo đó tôi được người lính cũ rủ đi vượt biên, không phải đóng góp gì cả.  Nói thực lúc đầu tôi cũng ngại, thời buổi lăng xăng chẳng tin ai được, cho nên dăm lần bảy lượt anh bạn rủ, tôi đều làm lơ như câm điếc.

Phải qua bao phen giải thích, nài nỉ,  tôi mới để lọt vào tai.  Thì ra ở đời chẳng có gì gọi là cho không nhau cả.  Sở dĩ anh bạn rủ rê tôi theo là vì biết tôi có lần đi du học ngắn ngày.  Anh muốn có một người ba xí ba tú để khi gặp tàu cứu vớt may ra họ nhận cho nhập cư.

Chẳng ai biết khả năng tôi đến đâu, nhưng có đi học ở xứ người ắt hẳn nói năng không đến nỗi phải vung tay vung chân quá đáng thay cho cái miệng.  Thế nên, thời đó người bập bẹ chút ngoại ngữ đều có giá.

Khi tôi thoát rồi thì chính tay này đi “ mách bu “ với phường, khóm.  Họ kéo đến hoạnh họe, chất vấn gia đình tôi.  Cũng may hồi đó tôi lanh tay xin được cái giấy tạm vắng đi làm công nhân lao động nên vợ con đổ triệt là nhà nước cấp giấy đàng hoàng, còn ổng đi đâu ai mà biết.

Đe dọa chán chẳng xơ múi gì nên lâu rồi cũng qua.  Tôi đến đảo, xung phong vào làm chân thông dịch mấy tháng thì được bốc.  Vậy mà cả mấy năm liền chẳng viết một lời về.  Mãi sau phải nhờ một người khác đứng tên ngoài phong bì còn bên trong là chữ của tôi mới thông báo được cho nhà biết tôi đã đến nơi, đến chốn.

Cong cóc đi làm đủ mọi thứ ngành nghề, với đồng hương, với người bản xứ, trải qua lắm phen ê chề thất vọng, rồi ki cóp tôi cũng lo được cho vợ con sang.  Thời thế đổi thay cái gọi là “ theo chân đế quốc “ phai nhạt dần, tôi tính đi tính lại mãi mới dám bò về một chuyến.

Thế là phải tiếp mệt nghỉ người đến hỏi han tôi.  Chung qui họ có lòng nhưng quanh đi quẩn lại vẫn phải trả lời những câu hỏi tương tự nhau, tôi cảm thấy nản.  Nhất là phải đối mặt với cái anh nhâng nhâng ngày nào.

Mọi người tương đối còn nói ít, còn anh ta thì huyên thuyên đủ chuyện.  Anh có thể dựng đứng lên những điều không có.  Nào là khi tôi đi rồi anh phải tất tả qua lại để xem có giúp gì được gia đình tôi không.  Nào là anh đã nói khôn, nói khéo để phường, khóm không bắt nạt gia đình tôi được.

Tôi chẳng hơi đâu đôi co với anh ta nên chỉ ậm ừ cám ơn cho xong việc.  Anh hết nói điều này, điều khác thì mời tôi sang nhà anh trò chuyện với nhau.  Tôi lấy cớ bận để từ chối mà không ngày nào anh không lần khân qua gạ gẫm.

Tôi tiếp mãi cũng chán vì ai cũng tưởng tôi nhiều tiền, lắm của nên hỏi mượn, hỏi vay hoặc đặt thẳng việc xin xỏ.  Tôi giải thích biết mấy họ vẫn không chịu hiểu, cứ một mực Việt Kiều ắt phải hơn họ.

Bàn đi tính lại, tôi liệu ở không xong nên trông trước trông sau tôi rút trốn biệt.  Tôi từ giã bà má giữa khuya và nhờ thằng em lặng lẽ chở tôi ra thành phố ngay trong đêm.  Thằng nhỏ bị dựng cổ dậy khi đang ngủ, cằn nhằn cửi nhửi, nhưng rồi má tôi nói vô nó cũng nghe.

Dọc đường hậm hực, nó chạy xe thấy ớn.  Tôi phải năn nỉ nó : mày đừng hại anh nghe cưng.  Mày còn một mình, nhưng anh vợ con đầm đìa, tôi dụ khị nó chở anh ngon lành rồi muốn thưởng gì cũng có.

Thằng nhỏ nghe bùi tai nên xẹt vô cái quán cóc dọc đường, kêu cà phê uống cho tỉnh ngủ.  Nó hút thuốc phà khói thấy mà kinh, tôi hỏi nó bộ muốn hun phổi sao mà rít dữ dội, nó cười : thời buổi nay hổng đốt thuốc cho quên đời thì liệu còn làm được gì.

Tôi nghe ngứa rần rần sau cổ, đưa tay mò gãi gãi mà hổng trúng đâu với đâu.  Thằng em nói xà lơ làm tôi hơi rét : anh Hai lần sau đừng dzìa nữa, mấy chả hăm he cưa anh đứt chến mới nghe.

Điều này tôi đã thoáng thấy, hồi hôm mấy tay rủ tôi ra quán, tôi đã mau lẹ giúi cho mấy chả một mớ để các tía non nhậu nhẹt với nhau.  Thà mất một món còn hơn bùi tai ra đó là coi như nộp mạng tiêu đời.

Ở bển hồi này ai cũng uống như hũ chìm, toàn thứ đốt gan, cháy phổi hôn hà.  Tôi mà chập choạng đế vô là chắc về lại có nước đi rà lại hết trơn chớ hổng thôi xí lắc léo là cái chắc.

Tôi đem ý này hỏi thằng em : chớ mày cũng nhậu được chớ.  Tưởng tôi rủ rê, thằng nhỏ tỉnh ngủ ngay đía vô : em nhậu hổng có căn, nhưng đủ sức tiếp anh mà anh Hai.  Tôi nghe lạnh gáy, phải phân bua ngay là hỏi chơi thôi, chớ tui mà nhậu cái gì.  Thằng tửng cười hề hề : anh Hai dị òm, chơi mà nhát.

Nó ngồi uống rề rà, kêu hết ly này tới ly khác, vô cái ót coi bộ đã à nghen.  Tôi sốt ruột hỏi nhóng mấy lần, nó nhèo nhẹo than : buồn ngủ chi buồn ngủ lạ.  Tôi đành ngồi nán lại, để loạng quạng nó xìa bậy xìa bạ, rủi một chưn đi chơi thì uổng.

Cuối cùng rồi nó cũng đứng lên.  Bà chủ quán mắt hấp hem gạ tôi mua một xâu bánh đêm ăn dọc đường.  Tôi nghĩ giúp bả nên chẳng cần biết nếp tẻ ra sao cũng mua đại một xâu, móc vô tay lái xe Honda của thằng tửng nói trỏng : đem dzìa cho sắp nhỏ.

Trời đêm gió lành lạnh, thằng tửng ngáp từng hồi.  Tôi có cảm tưởng bây giờ hổng ai còn biết sợ là gì nữa.  Mọi người phí sức thức đêm, nhậu nhẹt, đốt thuốc và chưa chừng còn tùm lum nhiều chuyện mà ai đâu mò ra cho nổi.

Tôi vừa ôm eo vừa phăng phăng kể với thằng em.  Nó cười xí xóa góp vô : chớ anh biểu có ai thấy tương lai mình ra sao mà hổng sống vội cho rồi.  Anh dòm ở bất cứ đâu cũng hàng quán, người ta ăn nhậu lu bù, con gái con trai có mặt rần rật.

Và chừng sực nhớ ra, nó chọc ghẹo tôi : anh Hai có ưng gà móng đỏ thì để em dẫn một lần cho biết.  Tôi cười chống chế : thứ tao mà nước non gì, chun vô ba tổ quỉ chỉ làm trò cười thiên hạ.

Thằng tửng đi một đường lả lướt : nọ anh thấy không, ngày nay mấy cổ ăn bận mà như không có gì hết, mông cẳng bày hết trơn, vậy chớ rớ vô là bể hết nghe anh.  Nó nói tôi nghe hổng bực mà giọng nó cười tôi nghe nực làm sao.

Tôi tắt ngang hổng nói năng gì hết.  Vì cái thằng như chiếc máy hát rè, đụng vô là nó hát tiều, hát quảng.  Tôi nín thinh để nó nghĩ tôi buồn ngủ mà bớt mở loa phát thanh.  Vậy mà lâu lâu nó cũng cà khịa bằng được : nè, ông anh, có ngủ thì ôm cho chặt nghe, đừng tơ lơ mơ rồi rớt đùng xuống đường là chết đó.

Chiếc xe chạy hoài hổng thấy tới.  Đường sá tối thui, chặp chặp xóc ổ gà làm tôi nhảy nhổm muốn đau điếng.  Thằng em càu nhàu : ba thằng lục lộ đớp mẹ hết tiền hổng lo sửa sang gì hết.  Tôi lắc đầu êm ru.

Mãi mới thấy xa xa ánh đèn hắt lên sáng rực.  Thằng nhỏ chạy bưng bưng mà hét reo lên : sắp tới rồi, anh Hai.  Tôi loáng thoáng thấy xe rồ ga vượt lên cái cầu cao ngất.  Đèn chi chit như sao sa, thành phố nào cũng phí phạm ánh sang trong khi miệt quê tối lu tối mù.

Hú vía xe tới nơi an toàn.  Tôi hối thằng em ghé một khách sạn nào đó lẹ lẹ vì tôi buồn ngủ quá đỗi.  Tôi móc đưa cho nó một khoản tiền và dặn dò trở về cẩn thận.  Thằng em ừ ào rồi phóng đi ngay.

Tôi lò dò vào nhà khách, ghi tên và chỉ mong sao chóng lên chỗ nghỉ.  Khi vào tận phòng rồi, tôi khóa cửa cái rầm và lăn ra ngáo tút suỵt.  Lơ mơ tôi thấy mình đã xa thiệt xa chốn chôn nhau cắt rún hồi nao.

Tôi bỏ lại tất cả, trở về nơi đã ra đi không một chút ngần ngừ.  Khi đã ngồi yên vị trên phi cơ, nhìn xuống thành phố nghiêng chao dưới cánh máy bay, tôi thấy như vừa thả rơi những vụn tình rách bở.

Nắng Saigon gay gắt, chiếc phi cơ liệng chào lần cuối bãi đáp vừa cất cánh lên.  Con sông đỏ quạch lượn lờ chen trong gió.  Tôi nghĩ gì đây, tôi nhớ gì đây, hình như chẳng còn chút gì để lại ngoài tấc lòng nhỏ nhoi đang tàn phai từ mỗi khắc bay đi…

Đỗ Thành



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 222

Return to top