Lời giới thiệu của người dịch: Heinrich Böll (1917- 1985) sinh ở Cologne (tức Köln, Đức). Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học việc ở một nhà buôn sách rồi đi làm nghĩa vụ lao động bán quân sự. Sau đó ông học đại học, nhưng đến năm 23 tuổi ông phải đi quân dịch. Trong thời gian này ông chứng kiến nhiều chuyện tàn bạo và bất công; về sau ông thể hiện trên những trang viết của mình nỗi căm ghét chế độ Đức Quốc xã. Tác phẩm của ông phản ánh giai đoạn lịch sử Đức từ 1949 đến giữa thập niên 1980. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là Chơi bi da lúc chín rưỡi (Billards at Half-Past Nine, 1962) và Anh hề (The Clown, 1965). Ông được trao giải Nobel Văn chương năm 1972.----------------
Tối đó chúng tôi mời vợ chồng Zumpen dùng bữa, những con người dễ thương mà nhờ có cha vợ tôi mới làm quen được; từ khi chúng tôi lấy nhau, cha vợ đã giúp tôi gặp gỡ những người có thể giúp tôi trong việc làm ăn, và tay Zumpen này thì có thể hữu dụng: ông ta là chủ tịch một ủy ban chuyên giao hợp đồng về các dự án xây dựng nhà ở cỡ lớn, còn tôi, nhờ quan hệ hôn nhân, đã lọt được vào một doanh nghiệp chuyên đào móng.
Tối đó tôi thấy căng thẳng nhưng Bertha, vợ tôi, trấn an tôi. Nàng nói: “Ông ta sẽ tới nhà mình, thế là hứa hẹn lắm rồi. Chỉ cần cố gắng lái câu chuyện về vụ hợp đồng. Anh biết là ngày mai sẽ giao thầu đó”.
Tôi đứng nhìn qua rèm lưới của khung cửa trước có lắp kính, chờ Zumpen. Tôi hút thuốc, dí nát đầu điếu thuốc dưới chân rồi hất vào dưới tấm thảm. Sau đó tôi lại đến bên cửa sổ phòng tắm và đứng đó tự hỏi tại sao Zumpen lại nhận lời mời; ông ta khó mà thấy hứng thú gì với việc dùng bữa tối với chúng tôi, và chuyện cái hợp đồng lớn mà tôi có can dự vào, được giao thầu ngày mai, hẳn sẽ làm toàn bộ sự vụ trở nên phiền hà cho cả ông ta và tôi.
Tôi cũng nghĩ tới cái hợp đồng: nó thuộc cỡ lớn, tôi sẽ kiếm được 20.000 Mark trong vụ này, và tôi thèm khoản tiền đó.
Bertha đã quyết định tôi phải mặc bộ đồ nào: áo vest sẫm, quần nhạt màu hơn và một cái cà vạt kiểu cổ điển. Đó là những thứ nàng học được ở nhà và ở trường nội trú với các bà sơ. Cũng như việc mời khách món gì, lúc nào thì đưa cognac ra, lúc nào tiếp rượu vermouth và sắp xếp món tráng miệng thế nào. Thật dễ chịu khi có một người vợ rành những chuyện như thế.
Nhưng Bertha cũng căng thẳng: khi nàng đặt tay lên vai tôi, bàn tay nàng chạm vào cổ tôi, và tôi cảm thấy hai ngón cái ẩm và lạnh trên cổ mình.
“Sẽ ổn thôi,” nàng nói. “Anh sẽ được cái hợp đồng đó.”
“Chúa ơi”, tôi nói. “Cái đó tức là 20.000 Mark, mà em biết mình cần tiền đến mức nào đấy.”
“Người ta không được gọi tên Chúa trong chuyện tiền bạc!”, nàng nói nhẹ nhàng.
Một chiếc xe sẫm màu đậu lại trước nhà chúng tôi, tôi không nhận ra hiệu xe, nhưng nó có vẻ như của Italy. “Thoải mái đi anh”, Bertha thì thầm. “Cứ đợi tới lúc họ nhấn chuông, để họ chờ vài giây rồi hãy thong thả ra mở cửa.”
Tôi nhìn ông bà Zumpen bước lên thềm: ông ta gầy và cao, tóc hai bên thái dương điểm bạc, mẫu người mà năm mươi năm trước hẳn đã nổi tiếng là nịnh đầm; bà Zumpen là kiểu phụ nữ gầy gò da ngăm luôn làm tôi nghĩ tới những trái chanh. Nhìn mặt Zumpen, tôi biết rõ việc dùng bữa tối với chúng tôi là chuyện chán khủng khiếp đối với ông ta.
Rồi chuông cửa reo, tôi chờ một giây, hai giây, đi chậm rãi tới cửa và mở ra.
“Ô”, tôi nói. “Ông bà tới thật quý hóa!”
Cầm cognac trên tay, chúng tôi đi từ phòng này sang phòng khác của căn hộ mà ông bà Zumpen muốn xem qua. Bertha ở trong bếp để nặn ít sốt mayonaise từ một cái ống ra món khai vị; nàng làm việc này rất tuyệt: thành hình những trái tim, vòng uốn lượn và những ngôi nhà bé xíu. Ông bà Zumpen ca ngợi căn hộ của chúng tôi; họ mỉm cười với nhau khi thấy cái bàn to tướng trong phòng làm việc của tôi, ngay lúc đó thì tôi cũng thấy nó hơi lớn.
Zumpen cũng khen cái tủ nhỏ kiểu thế kỷ 18, một món quà của bà nội mừng đám cưới bọn tôi, và bức tượng đức mẹ trong phòng ngủ chúng tôi nữa.
Lúc chúng tôi trở ra phòng ăn, Bertha đã dọn lên xong, nàng bày biện rất hay, trông rất hấp dẫn mà vẫn tự nhiên; bữa ăn thật dễ chịu và nhẹ nhõm. Chúng tôi nói chuyện phim ảnh và sách báo, những kỳ bầu cử gần đây, rồi Zumpen khen cách trộn phó mát còn bà Zumpen ca ngợi cà phê và bánh ngọt. Sau đó chúng tôi cho ông bà xem các hình chụp trong tuần trăng mật: những bờ biển Breton, mấy con lừa Tây Ban Nha và cảnh đường phố Casablanca.
Rồi chúng tôi uống thêm ít cognac, và khi tôi đứng lên để đi lấy cái hộp đựng ảnh chụp hồi bọn tôi mới đính hôn, Bertha ra dấu cho tôi, thế là tôi không đi lấy nữa. Trong khoảng hai phút, không khí hoàn toàn im lặng, vì chúng tôi chẳng còn gì để nói, tất cả chúng tôi đều nghĩ tới cái hợp đồng; tôi thì nghĩ đến 20.000 Mark và chợt nhớ ra rằng tôi có thể khấu trừ chai cognac vào thuế lợi tức của mình. Zumpen nhìn đồng hồ và nói: “Ồ tệ quá, mười giờ rồi, chúng tôi phải về đây. Tối nay thật là sảng khoái!”. Bà Zumpen nói: “Thật tuyệt, hy vọng anh chị sẽ ghé chúng tôi một tối nào đó”.
“Chúng tôi rất muốn”, Bertha nói, và chúng tôi đứng lần khân thêm nửa phút nữa, ai nấy lại nghĩ đến bản hợp đồng; tôi cảm thấy Zumpen đang chờ tôi kéo ông qua một bên và đặt thẳng vấn đề. Nhưng tôi chẳng làm gì cả. Zumpen hôn tay Bertha và tôi bước đi trước, mở cửa trước, rồi giữ cửa xe cho bà Zumpen chui vào.
Bertha nói dịu dàng: “Tại sao anh không nói chuyện bản hợp đồng với ông ấy? Anh biết là ngày mai người ta giao mà”.
“Ừm.”, tôi nói. “Anh chẳng biết làm sao lái câu chuyện về vụ đó.”
“Coi kìa”, nàng nói bằng giọng lặng lẽ. “Lẽ ra anh có thể mượn cớ nào đó để mời ông vào phòng làm việc, đó là chỗ anh phải nói chuyện với ông ta. Anh phải thấy ông ta rất quan tâm tới nghệ thuật. Lẽ ra anh phải nói: Tôi có bức Chúa chịu nạn hồi thế kỷ mười tám trong kia mà ông có thể xem qua, rồi thì...”
Tôi chẳng nói gì, còn nàng thì thở dài và cột dây tạp dề lại. Tôi theo nàng vào trong bếp; chúng tôi bỏ món khai vị còn dư vào tủ lạnh, và tôi bò lê trên sàn tìm cái nắp của ống mayonaise. Tôi cất chỗ rượu cognac còn dư đi, đếm lại các điếu xì gà: Zumpen hút có một điếu. Tôi trút sạch cái gạt tàn, ăn thêm một cái bánh, và xem trong bình còn sót chút cà phê nào không. Khi tôi trở vào bếp, Bertha đã đứng đó, chìa khóa xe trong tay.
“Gì vậy?”, tôi hỏi.
“Đương nhiên là mình phải tới đó rồi”, nàng nói.
“Tới đâu?”
“Nhà Zumpen”, nàng nói. “Chứ anh nghĩ là đi đâu?”
“Gần mười rưỡi rồi.”
“Có nửa đêm em cũng mặc”, Bertha nói. “Em chỉ biết là vụ này có tới 20.000 Mark. Đừng nghĩ là họ liêm chính.”
Nàng vào phòng tắm để chuẩn bị, còn tôi đứng sau lưng xem nàng chùi sạch miệng và kẻ lại đường son môi. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cái miệng nàng rộng và bán khai đến thế. Khi nàng thắt nút cà vạt cho tôi, lẽ ra tôi đã hôn nàng, theo cái kiểu vẫn làm mỗi khi nàng thắt cà vạt cho tôi, nhưng tôi không làm.
Dưới phố các quán cà phê và nhà hàng vẫn còn sáng trưng. Người ta ngồi đầy hàng hiên phía ngoài; ánh đèn đường hắt xuống những dĩa kem màu bạc và những xô đá. Bertha nhìn tôi khích lệ, nhưng nàng vẫn ngồi yên trong xe khi chúng tôi đậu lại trước nhà Zumpen. Tôi nhấn chuông và ngạc nhiên thấy nó mở ra mau lẹ như vậy. Bà Zumpen chẳng có vẻ gì ngạc nhiên khi thấy tôi; bà mặc một bộ pijama đen với quần rộng có thêu những đóa hoa vàng, nó lại khiến tôi liên tưởng hơn nữa tới những trái chanh.
“Xin bà thứ lỗi”, tôi nói. “Tôi muốn nói chuyện với ông nhà.”
“Ông ấy đi vắng rồi”, bà nói. “Chừng nửa giờ nữa mới về.”
Trong tiền sảnh tôi thấy có rất nhiều tranh tượng Đức Mẹ, kiểu gothic cũng như baroque, ngay cả các đức mẹ kiểu thế kỷ mười tám, nếu trên đời này có một thứ như thế.
“Tôi hiểu rồi”, tôi nói. “Vậy thì, nếu bà không phiền, nửa tiếng sau tôi sẽ quay lại.”
Bertha đã mua một tờ báo buổi tối; nàng đang đọc và hút thuốc. Khi tôi ngồi xuống bên cạnh. Nàng nói: “Em nghĩ anh cũng nên nói chuyện này với bà ta luôn”.
“Nhưng làm sao em biết ông ấy không có nhà?”
“Vì em biết tối thứ tư nào cỡ giờ này ông ta cũng chơi cờ ở Hội quán Gaffel."
“Lẽ ra em phải nói cho anh biết từ trước.”
“Anh hãy cố mà hiểu”, Bertha nói và gấp tờ báo lại. “Em đang ráng giúp anh. Em muốn tự anh tìm ra cách xử lý các chuyện như thế này. Nếu không thì mình chỉ cần gọi điện cho ba, ba chỉ gọi điện một cú là thu xếp được mọi chuyện thôi, nhưng em muốn tự anh lấy được cái hợp đồng đó.”
“Được rồi”, tôi nói. “Vậy ta làm gì bây giờ: ở đây chờ nửa tiếng, hay vào nhà ngay rồi nói chuyện với bà ấy?”
“Mình nên vào ngay”, Bertha đáp.
Chúng tôi ra khỏi xe và lên thang máy. Bertha nói: “Cuộc sống toàn là những thỏa hiệp và nhượng bộ.”
Bà Zumpen lần này cũng chẳng ngạc nhiên gì hơn lần trước khi tôi lên một mình. Bà chào chúng tôi và chúng tôi theo bà vào phòng làm việc của ông chồng. Bà mang ra một ít cognac, rót ra ly và trước khi tôi kịp nói gì về bản hợp đồng thì bà đã đẩy tập hồ sơ màu vàng sang chỗ tôi: “Dự án gia cư Fir Tree Haven”, tôi đọc dòng chữ rồi ngước nhìn bà và Bertha với vẻ cảnh giác, nhưng cả hai đều mỉm cười. Bà Zumpen nói: “Mở ra đi”. Tôi mở ra; bên trong là một lớp bìa màu hồng, tôi đọc thấy: “Dự án Fir Tree Haven - Công đoạn đào móng”. Tôi mở tiếp, rồi nhìn thấy bản dự toán của tôi nằm trên cùng, ở mé trên có ai đó đã ghi bằng mực đỏ “Giá thầu thấp nhất”.
Tôi thấy trong mình bừng lên một niềm sung sướng, tim tôi rộn ràng và tôi nghĩ tới khoản 20.000 Mark.
“Chúa ơi”, tôi thầm thì và gấp hồ sơ lại, và lần này thì Bertha quên không rầy rà tôi nữa.
“Chúc sức khỏe”, bà Zumpen nói với một nụ cười: “Hãy uống mừng đi”.
Chúng tôi uống, rồi tôi đứng dậy nói: “Có thể tôi hơi bất lịch sự, nhưng có lẽ bà hiểu cho là bây giờ tôi muốn về nhà”.
“Tôi rất hiểu”, bà Zumpen nói. “Chỉ cần xem lại một chuyện nhỏ nữa thôi.” Bà cầm lấy hồ sơ, lật lật và nói: “Đơn giá của ông tính trên mỗi mét vuông còn thấp hơn người kế tiếp đến ba mươi xu. Tôi đề nghị ông nâng giá bỏ thầu của ông lên mười lăm xu nữa. Như thế ông vẫn là người bỏ thầu thấp nhất mà còn kiếm thêm được bốn ngàn năm trăm Mark nữa. Nào, làm ngay đi!”. Bertha lấy cây viết trong ví ra đưa cho tôi, nhưng tôi bối rối quá không viết được; tôi bèn đưa hồ sơ cho Bertha và ngồi nhìn nàng sửa đơn giá lại bằng bàn tay cầm viết vững chãi, viết lại tổng giá bỏ thầu và trao hồ sơ lại cho bà Zumpen.
“Bây giờ”, bà Zumpen nói, “chỉ còn một chuyện nhỏ nữa thôi. Ông hãy lấy sổ chi phiếu ra, viết một chi phiếu ba ngàn Mark; đó phải là chi phiếu rút tiền mặt do chính ông ký hậu.”
Bà nói điều này với tôi, nhưng Bertha lại là người móc cuốn chi phiếu từ trong ví của nàng ra và viết ngay.
“Đâu có đủ tiền trong tài khoản”, tôi nói thì thào.
“Khi giao hợp đồng thì sẽ có khoản tạm ứng, và thế là sẽ có đủ tiền trong tài khoản của ông”, bà Zumpen nói.
Có lẽ tôi không hiểu hết được mọi chuyện lúc đó. Khi xuống thang máy, Bertha nói nàng rất sung sướng, nhưng tôi chẳng nói gì cả.
Bertha chạy một con đường khác để về nhà, chúng tôi đi qua những khu dân cư yên tĩnh, tôi thấy ánh đèn ở các ô cửa sổ còn mở, người ta ngồi trên bao lơn uống rượu vang; đó là một đêm trong trẻo, ấm áp.
“Chắc chi phiếu là cho Zumpen hả?”, tôi chỉ nói thế, nhẹ nhàng, và Bertha đáp, cũng nhẹ như vậy: “Dĩ nhiên”.
Tôi nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn, rám nâu của Bertha trên tay lái, trông chúng bình thản và tự tin. Những bàn tay, tôi nghĩ, đã ký chi phiếu và nặn sốt mayonaise, và tôi nhìn lên, vào miệng nàng, vẫn không thấy thèm muốn hôn nó.
Tối hôm đó tôi không đưa xe vào gara giùm Bertha, cũng không giúp nàng rửa chén đĩa. Tôi rót cho mình một ly cognac lớn, đi lên phòng làm việc, ngồi xuống bên chiếc bàn quá lớn đối với tôi. Tôi đang băn khoăn về điều gì đó. Tôi đứng dậy, vào phòng ngủ và nhìn bức tượng đức mẹ theo phong cách baroque, nhưng thậm chí ở đấy tôi vẫn không nhận ra mình đang băn khoăn điều gì.
Tiếng điện thoại reo cắt ngang ý nghĩ của tôi; tôi nhấc ống nghe và không ngạc nhiên khi nghe giọng Zumpen.
Ông ta nói: “Bà xã ông đã nhầm chút đỉnh. Bà đã nâng giá lên hai mươi nhăm xu thay vì mười lăm”.
Tôi suy nghĩ một giây rồi nói: “Không phải nhầm đâu, bà ấy làm thế với sự nhất trí của tôi”.
Ông ta im lặng một hai giây rồi vừa cười vừa nói: “Vậy ra hai ông bà đã bàn tính trước đến mọi khả năng?”.
“Vâng,” tôi nói.
“Được rồi, vậy thì viết thêm chi phiếu một ngàn nữa.”
“Năm trăm thôi”, tôi nói và nghĩ: thật giống một cơn ác mộng - giống y như vậy.
“Tám trăm”, ông ta nói, và tôi đáp trong tiếng cười: “Sáu trăm”, và tôi hiểu, tuy rằng chưa có kinh nghiệm gì về chuyện thương lượng kiểu này, rằng ông ta sẽ nói bảy trăm rưởi, và khi ông ta nói thế tôi đáp ngay “Vâng”, rồi gác máy.
Khi tôi xuống cầu thang và leo vô xe để đi tới nhà Zumpen trao tờ chi phiếu thì vẫn chưa tới nửa đêm; ông ta chỉ có một mình và bật cười khi tôi thò tay vào để đưa tờ chi phiếu gấp gọn cho ông ta. Khi tôi chậm rãi đi vào nhà thì không thấy bóng dáng Bertha đâu; nàng cũng chẳng xuất hiện khi tôi vào phòng làm việc; không xuất hiện khi tôi trở xuống nhà để rót một cốc sữa trong tủ lạnh, và tôi hiểu nàng đang nghĩ gì, nàng đang nghĩ: anh ấy phải vượt qua điều đó, và mình phải để mặc anh ấy; đây là chuyện mà anh ấy phải hiểu.
Nhưng tôi chẳng bao giờ hiểu được. Nó nằm ngoài tầm thấu hiểu.
Phạm Viêm Phương dịch từ tiếng Anh và chú giải__________________
Chú giải:Truyện ngắn này lấy bối cảnh nước Đức sau Thế chiến Hai, khi kinh tế chưa phục hồi và hàng hóa còn thiếu thốn (nhân vật chính phải cất lại những phần ăn thừa, đếm xì gà; đãi khách bằng cognac vốn là thứ rẻ hơn sâm banh), nhưng cũng là giai đoạn viện trợ Mỹ đổ qua tràn ngập để giúp nước Đức tái thiết và cũng là cơ hội kiếm ăn của đủ hạng người, trong đó có vợ chồng nhân vật chính.
Nhân vật “tôi” vốn nhờ lấy vợ mới vào được giới kinh doanh nên còn xa lạ với công việc, nhất là chuyện giao dịch cửa sau, phải nhờ vợ chỉ bảo đường đi nước bước. Khi thực sự làm chuyện giao dịch cửa sau (mời nhà Zumpen ăn tối), anh ta không làm được, phải để bà vợ quyết định. Chính từ lúc này anh thấy vợ mình xa lạ (hai lần anh nói không hôn vợ được). Bà vợ càng lọc lõi, công việc giao dịch và hối lộ càng suôn sẻ bao nhiêu (chính anh cũng mau lẹ học được cách giao dịch ấy), anh lại càng cảm thấy mình lạc lõng trong thế giới kinh doanh và quyền thế bấy nhiêu.
Bà vợ được tả là lọc lõi, biết giao dịch và tiếp khách, biết thừa cơ qua mặt người khác để trục lợi cho mình (sửa giá thầu cao hơn giá bà Zumpen gợi ý), nhưng dưới mắt nhân vật chính, bà ta cùng nhà Zumpen là những kẻ thản nhiên sống chung với cái xấu (hối mại quyền thế, ăn hối lộ), và xem đó như chân lý hiển nhiên (bà vợ nói: “Cuộc sống toàn là những thỏa hiệp và nhượng bộ”) tuy họ là người sùng đạo (không gọi tên Chúa khi nói chuyện tiền bạc, trong nhà đầy tranh tượng Đức Mẹ - Đây là cách sử dụng yếu tố mỉa mai của tác giả). Nhân vật tôi là mẫu người còn giữ được chút lương tâm, còn biết e dè cái xấu và ngạc nhiên khi thấy người ta thản nhiên làm chuyện xấu.
Xung đột trong truyện, như thế, là trong nội tâm nhân vật chính, giữa thái độ sống theo cái tốt hoặc ngả theo cái xấu. Kết cục của xung đột này là nhân vật chính có nguy cơ thua cuộc. Cảm giác xa lạ với bà vợ đã quá rõ, thậm chí anh coi bà ta như không còn hiện diện trong đời anh nữa (ở đoạn cuối, ba lần tác giả nhắc chuyện Bertha không xuất hiện), nhưng anh vẫn không hiểu được tại sao mình hòa nhập với cái xấu nhanh đến thế tuy anh có ý thức về nó rất rõ.
Đến đây ta thấy chủ đề của truyện là: ý thức về cái xấu đã khó, dám chống lại nó còn khó hơn. Nói cách khác, im lặng trước cái xấu là khởi đầu quá trình suy đồi nhân cách. Tiếc thay, đây lại là chuyện quá thường gặp trong cuộc sống.