BEN OKRI
(1959)
Ben Okri, sinh năm 1959, một gương mặt tiêu biểu của nền văn học Nigeria – một trong những nền văn học được xem là năng động nhất ở Châu Phi hôm nay. Ông đã được nhận giải Booker năm 1991 với tiểu thuyết The Famished Road.
Truyện ngắn “In the Shadow of War” (Dưới bóng chiến tranh) được dịch dưới đây rút từ tuyển tập truyện ngắn Stars of the New Curfew của Ben Okri. Tác phẩm vừa thể hiện khuynh hướng hiện thực thần kỳ mà Ben Okri theo đuổi, vừa thể hiện được đặc trưng của thế loại truyện ngắn: sức nén rất cao, sức gợi rất lớn với những tượng trưng tương chiếu lẫn nhau, mở ra nhiều liên tưởng, nhiều khả năng diễn dịch. DƯỚI BÓNG CHIẾN TRANH
Buổi chiều hôm đó, ba người lính đến làng. Họ xua lũ dê và gà làm chúng chạy tán loạn. Họ đến quán rượu lợp lá cọ và gọi một nậm rượu cọ. Họ uống rượu giữa đám ruồi bay vò vè.
Omovo quan sát họ từ cửa sổ trong lúc đợi bố mình ra khỏi nhà. Hai cha con đều đang nghe đài. Bố nó đã mua chiếc đài Grundig cũ này với giá rẻ từ một gia đình phải chạy khỏi thành phố khi cuộc chiến bùng nổ. Ông phủ một tấm vải trắng lên chiếc đài, khiến nó trông giống một đồ thờ cúng trong nhà. Họ nghe tin về những vụ ném bom và không kích trong vùng nội địa của đất nước. Bố nó chải đầu, rẽ ngôi cẩn thận và vỗ một chút dầu thơm dùng sau khi cạo râu lên khuôn mặt còn chưa cạo của mình. Rồi ông cố để mặc được vào người tấm áo khoác tồi tàn từ lâu đã không còn vừa với ông.
Omovo đăm đăm nhìn ra cửa sổ, nó thấy bực bội vì bố mình. Bảy ngày qua, cứ vào giờ này, một người phụ nữ lạ mặt đầu trùm khăn đen lại đi ngang qua nhà. Bà ta đi lên theo những lối mòn trong làng, băng qua đường cao tốc rồi biến mất vào trong rừng. Omovo ngồi đợi bà ta xuất hiện.
Những tin chính đã hết. Phát thanh viên trên đài thông báo đêm nay có nguyệt thực. Bố của Omovo lấy tay lau mồ hôi trên mặt, nói bằng một giọng pha chút cay đắng:
“Cứ làm như nguyệt thực sẽ chấm dứt cuộc chiến này không bằng!”
“Nguyệt thực
[1] là gì?” Omovo hỏi.
“Là khi thế giới này trở nên tối sầm và những điều lạ xảy ra.”
“Như thế nào ạ?”
Bố nó châm một điếu thuốc.
“Gấu ăn trăng, người chết bắt đầu dạo bước và hát. Thế nên đừng có mà đi chơi về muộn, nhớ chưa?”
Omovo gật đầu.
“Những con gấu này
[1] ghét trẻ con lắm. Chúng ăn thịt lũ trẻ đấy.”
Omovo không tin bố nói thật. Bố nó mỉm cười, đưa cho nó mười kobo
[3] tiêu vặt, và bảo:
“Tắt đài đi. Trẻ con mà nghe tin xấu về chiến tranh thì chẳng hay ho gì đâu!”
Omovo tắt đài. Bố nó rảy một chén rượu cúng ở lối cửa ra vào, rồi cầu nguyện tổ tiên. Sau khi hoàn thành nghi lễ, ông xách chiếc cặp táp và nhanh nhẹn bước ra ngoài với vẻ tự mãn. Omovo dõi theo bố mình khi ông len lỏi theo lối mòn đi lên bến xe bus trên đường chính. Khi thấy một chiếc xe bus chạy tới và bố mình theo xe đi khỏi, Omovo lại bật đài lên. Nó ngồi bên bục cửa sổ và đợi người phụ nữ đó. Lần gần nhất, nó nhìn thấy bà ta lướt qua với tấm áo choàng màu vàng bay phần phật. Đám trẻ con ngừng làm những việc chúng đang làm, nhìn theo bà ta không chớp mắt. Chúng bảo bà ta không có bóng. Chúng bảo chân bà ta không chạm đất bao giờ. Khi bà ta đi qua, bọn trẻ bắt đầu ném các thứ vào bà ta. Bà ta không nao núng, không rảo nhanh chân và không nhìn lại phía sau.
Trời nóng đến mụ người. Những tiếng động trở nên mơ hồ và mất hết âm sắc. Dân làng vật vờ làm đủ việc khác nhau như thể họ là những người mộng du. Ba người lính uống rượu cọ và chơi cờ đam dưới cái nắng chói gắt, ngột ngạt. Omovo để ý thấy hễ khi nào có trẻ con đi ngang qua quán rượu, những người lính lại gọi bọn nó lại, trò chuyện với bọn nó và cho bọn nó ít tiền. Omovo chạy xuống cầu thang và chậm rãi đi qua quán rượu. Mấy người lính chăm chú nhìn nó. Lúc nó quay về, một người lính gọi nó lại.
“Ê cu, mày tên gì?” hắn hỏi.
Omovo ngần ngừ, nó mỉm cười một cách láu lỉnh và trả lời:
“Gấu ăn trăng.”
Tên lính cười lớn, văng cả nước bọt vào mặt Omovo. Hắn có một khuôn mặt chằng chịt những mạch máu. Hai người lính đi cùng hắn có vẻ như không quan tâm.
Họ xua lũ ruồi và tập trung vào trò chơi của mình. Súng của họ đặt trên bàn. Omovo nhận ra trên các khẩu súng đều có các con số. Tên lính bảo:
“Có phải bố mày đặt cho cái tên ấy vì mày có cặp môi bự thế kia không?”
Hai người lính kia nhìn Omovo và bật cười. Omovo gật đầu.
“Mày ngoan đấy,” tên lính nói. Hắn ngừng lại. Rồi hỏi Omovo, bằng một giọng khác:
“Mày có thấy mụ đàn bà trùm mặt bằng khăn đen không?”
“Không.”
Tên lính đưa cho Omovo mười kobo và bảo:
“Con mụ ấy là gián điệp. Mụ giúp đỡ kẻ thù của chúng ta. Nếu thấy mụ ta đến, báo cho bọn tao ngay, rõ chưa?”
Omovo từ chối nhận tiền và đi trở lại lên cầu thang. Nó lại ngồi bên bục cửa sổ. Thỉnh thoảng, mấy người lính lại nhìn nó. Cái nóng làm nó ngây ngây, rồi chẳng mấy chốc, nó thiếp ngủ trong tư thế ngồi. Những con gà trống cất tiếng gáy ủ ê làm nó tỉnh dậy. Nó cảm thấy trời chiều đang dịu lại, ngả thành ban tối. Mấy người lính ngủ gà gật trong quán rượu. Tin tức hàng giờ được phát đi. Omovo lắng nghe con số thương vong hàng ngày mà không hiểu gì. Phát thanh viên không giữ được tỉnh táo nữa, ngáp dài, xin lỗi và trình bày những chi tiết cụ thể hơn về trận đánh.
Omovo ngước lên và nhận ra người phụ nữ đó đã đi mất rồi. Những người lính đã rời khỏi quán rượu. Nó nhìn thấy họ len lỏi giữa những mái hiên thấp chìa ra từ những ngôi nhà tranh, bước loạng choạng qua những làn hơi nóng bốc lên. Người phụ nữ kia đã đi đến gần cuối con đường mòn. Omovo lao xuống cầu thang và chạy theo những người lính. Một người trong số họ đã cởi phăng áo quân phục của mình ra. Người lính ở phía sau có mông to đến nỗi sắp làm nứt cả đáy quần. Omovo bám theo họ băng qua đường cao tốc. Khi vào đến rừng, những người lính ngừng đuổi theo người phụ nữ kia mà đi theo một đường khác. Có vẻ họ biết mình đang làm gì. Omovo bước vội để còn trông thấy người phụ nữ.
Nó lách qua đám cây cối rậm rạp để bám theo bà ta. Bà ta khoác một tấm áo choàng đã lợt màu và một chiếc khăn màu xám với một tấm mạng màu đen trùm kín mặt. Trên đầu bà ta đội một chiếc giỏ màu đỏ. Nó quên bẵng việc phải xác định xem bà ta có bóng không, hay chân bà ta có chạm đất không.
Nó băng qua những khu nhà còn xây cất dang dở, với những bảng hiệu sặc sỡ, tróc sơn và những hàng rào đã sụp đổ. Nó băng qua một nhà máy xi măng trống không: những khối đá vỡ vụn thành từng đống và nhà kho của công nhân thì bị bỏ hoang. Nó băng qua một cây bao-báp, dưới lùm cây có một cái đầu lâu còn nguyên vẹn của một con thú lớn. Một con rắn rơi xuống từ một cành cây và trườn đi qua những bụi cây thấp. Phía xa xa, bên kia vách đá, nó nghe thấy tiếng nhạc vang vang và tiếng người hô những khẩu hiệu chiến tranh át đi những tiếng động khác.
Nó đi theo người phụ nữ tới một cái trại rất tồi tàn nằm trên dải đất bằng ở bên dưới. Những bóng người đi lại dật dờ trong ánh sáng chập chờn của cái hang. Người phụ nữ đi về phía họ. Những bóng người đó vây quanh bà ta, vịn vào vai bà ta và đưa bà ta vào trong hang. Nó nghe thấy những giọng nói phều phào cảm tạ bà ta. Thế rồi người phụ nữ đó ra khỏi hang, không còn mang theo chiếc giỏ. Những đứa trẻ bụng ỏng và những người phụ nữ ăn mặc rách rưới tiễn bà đến nửa quãng đường lên đồi. Rồi họ ngập ngừng vịn vào vai bà như thể họ sẽ chẳng còn gặp lại bà lần nữa, và họ quay về.
Nó đi theo bà ta đến một dòng sông bùn. Bà ta di chuyển như thể có một lực vô hình nào đó thổi bà ta đi. Omovo trông thấy những chiếc xuồng bị lật úp và những bộ quần áo ướt sũng dập dềnh trên làn nước. Nó trông thấy những đồ cúng tế trôi lềnh bềnh: những ổ bánh mì được bọc trong giấy chống thấm nước, những bầu đựng thức ăn, nhưng lon Coca. Khi nhìn lại những chiếc xuồng lần nữa, nó thấy chúng đã biến thành hình hài của những con thú chết trương. Nó trông thấy những đồng tiền đã hết hạn sử dụng nằm rải rác bên bờ sông. Nó nhận ra một mùi gì đó rất kinh tởm trong không khí. Rồi nó nghe tiếng thở nặng nề phía sau mình, rồi có một ai đó ho và khạc nhổ. Nó nhận ra giọng của một người lính giục những người còn lại đi mau lên. Omovo nép người dưới bóng của một cái cây. Những người lính chạy vụt qua nó. Không lâu sau đó, nó nghe thấy một tiếng thét. Những người lính đã bắt kịp người phụ nữ. Họ vây lấy bà ta.
“Những tên kia đâu?” một tên lính gào lên
Người phụ nữ nín thinh.
“Con phù thủy thối tha! Mày muốn chết à? Bọn nó đâu?”
Bà ta vẫn im lặng. Bà cúi đầu xuống. Một tên lính ho và nhổ nước bọt về phía dòng sông.
“Nói! Nói mau!” hắn vừa nói vừa tát bà ta.
Tên lính to béo giật phăng tấm mạng của bà ta và vứt nó xuống đất. Bà ta khom người xuống để nhặt tấm mạng lên và ở yên trong tư thế quỳ, đầu vẫn cúi gằm. Đầu của bà ta bị hói và bị biến dạng với những nếp nhăn hằn sâu. Một vết rạch bầm tím chạy dọc một bên mặt của bà ta. Tên lính cởi trần xô bà ta một cái. Bà ta ngã sấp mặt và nằm yên đó. Ánh sáng biến đổi trong khu rừng và lần đầu tiên Omovo nhìn thấy những con thú chết nằm bên bờ sông thực ra là thi thể của những người đàn ông. Xác họ vướng nhằng nhịt rong ở sông, những con mắt của họ thì sưng húp. Trước khi nó có thể phản ứng, nó lại nghe thấy một tiếng thét nữa. Người phụ nữ đứng lên với tấm mạng trên tay. Bà ta xoay người về phía tên lính to béo, vươn thẳng người và nhổ vào mặt hắn. Vẫy vẫy tấm mạng lên không trung, bà ta bắt đầu hú lên điên loạn. Hai tên lính còn lại chạy lùi ra xa. Tên lính to béo chùi mặt và nhấc súng lên chĩa vào bụng bà ta. Một giây lát trước khi Omovo nghe tiếng nổ thì có tiếng đập cánh dữ dội ngay trên đầu nó khiến nó phát hoảng, phải chạy khỏi chỗ nấp của mình. Nó vừa chạy qua khu rừng vừa gào thét. Những người lính nặng nhọc lê chân sau nó. Nó chạy qua một lớp sương mờ dường như bốc lên từ những tảng đá. Trong lúc chạy, nó nhìn thấy một con cú mèo nhìn nó chòng chọc từ một tán lá. Nó vấp phải rễ của một cái cây và ngất đi khi đầu đập xuống đất.
Tỉnh dậy, nó thấy trời đã tối lắm. Nó huơ huơ ngón tay trước mặt nhưng không nhìn thấy gì cả. Tưởng là mình bị mù chứ không phải do trời tối, nó gào lên, vùng vẫy tứ tung và đâm sầm vào một cánh cửa. Khi tỉnh lại sau cú đập ấy, nó nghe thấy những giọng nói ở bên ngoài và tiếng đài rè rè phát đi những tin tức về cuộc chiến. Nó lần ra bao lơn và đầy ngạc nhiên vì thị giác của mình đã trở lại. Nhưng khi nó ra đến đó, nó sửng sốt nhận ra bố nó đang ngồi trên chiếc ghế mây, uống rượu cọ với ba người lính nọ. Omovo chạy vội đến bên bố nó và hoảng hốt chỉ vào ba người lính.
“Con phải cảm ơn mấy chú mới đúng,” bố nói bảo. “Mấy chú đã đưa con từ rừng về nhà đấy.”
Omovo, sau khi đã qua cơn hoảng loạn, bắt đầu kể lại cho bố nó những gì nó đã trông thấy. Nhưng bố nó mỉm cười xin lỗi những người lính, ông bế cậu con trai của mình lên và mang nó vào giường ngủ.
1988
------------
Nguồn: Ben Okri, “In the Shadow of War”, in trong The Story and Its Writer, Ann Charter biên soạn, Bedford Books of St. Martin’s Press, 1995, trang 1086-1089.
Chú thích của người dịch: [1]Trong nguyên bản, Ben Okri sử dụng 2 từ: (1) – “eclipse”: trong ngữ cảnh của tác phẩm có nghĩa là nguyệt thực; (2): “heclipse(s)”: một biến âm của từ “eclipse”. Tôi cho rằng Ben Okri để nhân vật người cha dùng biến âm này vì không muốn phải trả lời câu hỏi vặn vẹo của đứa con. Từ “Heclipse” này cũng có mối liên hệ về âm nên người lính mới hỏi trêu đứa bé: “Có phải bố mày đặt cho cái tên đó vì mày có cặp môi bự thế kia không?” (“cặp môi” trong tiếng Anh là “lips”) “Heclipse” khi dịch sang tiếng Việt, tôi không tìm được cách dịch biến âm tương đương, nên chọn giải phải tìm cách dịch tương đương về nghĩa. Trong tiếng Việt, dân gian có cách gọi hiện tượng nguyệt thực là “gấu ăn trăng”. Để văn bản dịch có một sự mạch lạc nhất định, nên trong đoạn này chúng tôi có “phóng tác” thêm một số chi tiết liên quan đến cụm từ “gấu ăn trăng” trong tiếng Việt. Chúng tôi cho rằng đây là trường hợp giữa nguyên tác và bản dịch có độ vênh tất yếu.
[2]Kobo: Loại tiền xu được lưu hành ở Nigeria.