Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Ngày Hôm Qua

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 365 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngày Hôm Qua
Huệ Minh

Tôi nhận được thư nhà. Em trai viết: "Ba không được khỏe, nhắc tới anh luôn. Mẹ nhớ anh lắm, rất mong anh về. Năm học mới, em sẽ có học bổng. Anh về đi cho ba mẹ mừng. Mùa gặt đến rồi, tụi mình sẽ ra đồng giúp mẹ. Ngày nào rảnh rỗi, em và anh sẽ cùng nặn tò he...". Tôi xòe bàn tay, đếm đến ngón thứ tám mới đủ số tháng mình xa nhà.

Gia đình tôi sống đầm ấm hạnh phúc nhưng rất nghèo, chẳng biết có thể nghèo hơn được nữa không! Ba tôi là thương binh nặng, đau yếu luôn nên chẳng thể làm được việc đồng áng. Ba ở nhà đan rổ rá thúng mủng, các loại vật dụng trong gia đình để mẹ đi chợ bán vào những ngày thư nhàn. Rỗi rãi, ba thường dạy anh em tôi cách pha tre, vót nan và kể chuyện chiến trường. Những câu chuyện của ba đã nhen lên trong lòng anh em tôi tình yêu cuộc sống, ý chí vươn lên trong khó khăn gian khổ và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Mẹ tôi là một người đàn bà xinh đẹp. Nghe ba nói, ngày xưa mẹ đẹp nổi tiếng khắp vùng. Mắt đen, da trắng, tóc dài, dáng người thon thả. Nhưng tháng năm vất vả, nhọc nhằn đã lấy dần những nét thanh tân của mẹ. Bây giờ, mẹ tôi da nâu, mắt nhạt màu, người đậm chắc. Một mình làm gần mẫu ruộng, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, hết chiêm sang mùa, quần quật cày cấy mà cuộc sống của gia đình tôi cũng chẳng khá hơn mấy tí. Có buổi trưa hè, trời nắng chang chang, hai anh em đi học về, không thấy mẹ, tôi hớt hải chạy ra đồng. Nhìn về phía cây gạo cổ thụ đứng im lìm, chơ vơ giữa cánh đồng mênh mông, vắng cả tiếng gió, trái tim nhỏ bé của tôi thắt lại khi thấy mẹ vẫn lom khom cào cỏ lúa ở đám ruộng gần bờ mương. Tôi bước từng bước chậm lại gần, lội xuống và đứng dầm chân trong bùn, nghe tiếng sột soạt của đất ẩm, ngửi mùi cây cỏ, mùi mồ hôi của mẹ đẫm lưng áo mà thấy thương mẹ nhiều hơn.

Vài năm trước, cả hai anh em cùng đi học. Tôi thì dốt nát, học hành không bằng ai, lớp bảy đúp lại, hết lớp chín tôi trượt cả tốt nghiệp nên ở nhà giúp ba mẹ, không cố công học tiếp. Thật ra, tôi không lười nhác, cũng chẳng chán học. Nhưng tôi rất khó nhồi nhét vào đầu mớ công thức khô khốc ngoắt ngoéo của các môn tự nhiên hay những con số chính xác của từng trận đánh, từng chiến dịch lịch sử hoặc diện tích một châu nào đó của môn địa lý. Thậm chí, thơ tôi cũng thuộc rất ít, chỉ vài bài lục bát là tôi nhớ. Thằng Hưng, em trai tôi lại khác hẳn. Nó học rất giỏi. Mặc dù phải giúp ba mẹ nhiều việc vặt trong nhà nhưng nó vẫn luôn dẫn đầu lớp. Học hết cấp một, nó được tuyển thẳng vào trường năng khiếu của tỉnh, cách nhà tôi không xa. Biết nhà nghèo, Hưng rất chăm chỉ nên năm học tới được nhận học bổng, chắc ba mẹ tôi vui lắm. Dù sao cũng đỡ một khoản không nhỏ.

Gần một năm xa nhà, tôi nhớ quay quắt ba mẹ, nhớ em trai, nhớ làng Hạ ven đê sông Hồng bốn mùa chở nặng phù sa. Làng Hạ có hình mâm xôi, cây trái quanh năm xanh tốt. Người làng Hạ thân ái lắm, nhất là đám trẻ con...

2. Rời sách vở, tôi theo gót mẹ ra đồng. Có tôi, mẹ cũng đỡ vất vả. Khác với vẻ nhỏ bé, trắng trẻo của thằng Hưng, tôi cao lớn, da đen, vóc người chắc khỏe. Mới mười lăm mà trông tôi như mười bảy tuổi. Những khi rỗi rãi, tôi cũng ngồi cặm cụi học cách đan rổ rá với ba. Khoảng thời gian yên bình kéo dài không lâu thì ba tôi phát bệnh. Vết thương cũ trong đầu lại hành hạ ba. Nửa năm trời, mẹ phải chăm sóc ba tại bệnh viện trên thành phố. Nhà tôi kiệt quệ dần. Khi chiếc sập gụ, đồ vật đáng giá cuối cùng lặng lẽ rời khỏi nhà thì cũng là lúc ba tôi được đưa về chăm sóc, bệnh đã thuyên giảm. Nhìn thân hình gầy yếu của ba, dáng vẻ lam lũ, mệt mỏi của mẹ, tôi quyết định rời làng lên thành phố kiếm việc làm.

Ra Hà Nội, tôi làm đủ thứ nghề. Đầu tiên là đánh giày, bán vé số nhưng không ổn vì tôi cao lêu nghêu, lại chẳng cẩn thận tỉ mỉ gì. Sau đó là gánh nước thuê, phụ hồ. Và cuối cùng, ra chợ người chờ việc. Tối về, ngủ ở nhà trọ bình dân, giá hai nghìn một đêm với ánh điện đỏ quạch, rầu rĩ. Có điều, tôi chẳng kiếm chác được là mấy và rất nhớ nhà.

Chiều xuống ở thành phố, không khí vẫn bị hâm nóng, oi nồng bức bối, người tràn ra đường như kiến bò. Nhộn nhịp, xáo đảo khiến tôi nhớ từ tiếng vo gạo, vỗ rá đồm độp của thằng Hưng, tiếng người giặt giũ bì bõm, tiếng la hét của mấy đứa trẻ hàng xóm trong cái ao đầy bèo tây cạnh nhà. Cái ao đó rộng chừng hai sào bắc bộ, nước trong leo lẻo, ngày nắng nhìn thấy cả cá cờ bơi lội dưới đáy bùn. Bèo tây cao nghều, thân mảnh mai, lá xanh thẫm tròn xoe được cán gọn vào một góc cao. Những bông hoa tím nhạt, to như bắp ngô lai thi thoảng trồi lên làm thẫm cả mặt ao. Trời chạng vạng, không nhìn rõ mặt người, mùi khói rạ, mùi củi gỗ cháy lẫn trong đống trấu dấm. Có cả mùi phân hăng xè vì con bò nhà chú Thi đi ngang cổng vô ý ị bậy. Nhiều lúc, chú ấy còn lờ đi, mặc ai qua đường cứ tự nhiên dẫm phải, sáng hôm sau, ba lại lặng lẽ dọn sạch... Đêm đến, đâu đó có mùi ổi chín nẫu trong khu vườn ấm nóng. Mùi thơm tỏa ra từ vườn ổi nhà cụ Tam cùng xóm. Vườn ổi rộng lắm, quả sai lúc lỉu sau bốn bức tường rào cao ngất nghểu. Chưa một đứa trẻ nào của làng Hạ, kẻ cả những đứa nghịch như quỷ sứ, vặt trộm được ổi nhà cụ Tam. Mà cụ thì, quả thực là keo kiệt ghê gớm. Cụ không bao giờ cho đứa nào dù chỉ một quả tí tẹo. Chín nẫu ra cụ mới gọi người đến bán.

... Xa nhà, bắt đầu trở thành người lớn, tôi thao thức nhớ những ngày thơ ấu vui vẻ, hồn nhiên chẳng để ý gì đến chuyện mưu sinh hoặc sự nghèo khổ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với bờ đê sông Hồng trải trong nắng. Cỏ lên xanh mượt, từng đàn trâu bò thong thả kiếm ăn còn chúng tôi thì lê la chơi ô ăn quan, đánh cờ và cãi nhau ỏm tỏi. Bên kia đê, nơi Bãi Nổi màu mỡ phù sa, được trồng toàn đậu tương, khoai lang. Nhổ đậu non, moi khoai trộm là nghề ruột của bọn trẻ. Những chiều đông, gió buốt căm căm, trời hanh hao, xam xám màu chì. Cây cối đều đã đổ hết lá, trơ khấc, già cỗi không làm chúng tôi quan tâm. Những đống than hồng rực, ngun ngút khói tỏa. Những củ khoai tròn long lóc, những bắp ngô non phúng phính sữa, trắng ngà được vùi sâu. Rồi mồm miệng, mặt mày đứa nào cũng nhọ nhem. Đến lỗ mũi cũng đen nhẻm. Nơi đó còn có một vườn chuối tây rộng bát ngát, thỉnh thoảng lũ chúng tôi lại chui vào, vạch tìm buồng to nhất, quả thật mọng, thật đều rồi hè nhau đào một cái hố nhỏ dưới gốc, đổ cả rá vôi bột xuống và lấp đất lên. Chờ dăm bảy ngày, chặt buồng chuối xuống đánh chén. Vỏ chuối vẫn xanh nhưng ruột thì đã chín, ngọt lừ. Và rồi, một vài chiều sau, cả bọn đành phải tảng lờ, làm ra vẻ ngây ngô khi bà chủ vườn chuối kia lạch bạch chạy qua chạy lại, tay chắp ngang hông riết róng, om sòm những lời độc địa.

Mọi người trong làng vẫn thường kháo nhau, khu vườn hoang đầu xóm Đông, cạnh đầm sen rộng mênh mông có rất nhiều ma và chúng tôi cả tin vào những chuyện như thế. Cả lũ, đứa nào cũng thích dọa ma những đứa bé hơn vì đứa nào cũng sợ ma. Đó là nỗi khiếp sợ vừa ghê gớm vừa thú vị. Dưới con mắt chúng tôi, mặt đất không có ma mới vô vị, nhạt phèo và nghèo nàn làm sao. Ba mẹ tôi chẳng bao giờ nói chuyện ma như ông bà những đứa khác đêm đêm hay kể cho chúng nghe. Nhưng thế chưa đủ. Chúng tôi phải bịa thật nhiều. Mỗi đứa nghĩ ra một vài câu chuyện có ma và mỗi đứa tưởng tượng một kiểu rồi kể. Thế là khắp xó xỉnh trong làng, ngoài ruộng, từ cái vườn rậm rạp tối om nhà cô Đào chết trẻ đến hồ sen mênh mông, trống toang hoác ở bìa làng, chỗ nào cũng có ma. Ma xõa tóc ngồi trên cành hát véo von ném quả xuống ao tùm tũm. Ma tắm bì bõm từng bầy dưới hồ. Ma mắc võng trên cây gạo ru con... Cứ đêm xuống, ma lại sống cùng người. Chúng đông đúc, náo nhiệt và chẳng bao giờ cãi nhau chí chóe cả.

Cũng bởi nhớ nhà nên chỉ một tháng là cùng, tôi lại lên tàu rời Hà Nội. Về thăm ba mẹ vài hôm rồi đi. Hơn một năm sau, gia đình tôi ổn dần dù ba vẫn phải dưỡng bệnh. Thời khắc khó khăn nhất, chúng tôi đã lần hồi vượt qua.

3. Dù đã quen thuộc với phố phường và thạo việc, tôi vẫn không kiếm được nhiều nhặn gì. Phụ hồ quá vất vả. Ra bến xe làm cửu vạn thì phải theo nhóm, theo hội, không được làm ăn đơn lẻ. Đến chợ người, công việc lại thất thường... Nhiều lúc, tôi nghĩ đến việc về quê làm ruộng với mẹ và chăm sóc ba. Nhưng nhà tôi khó khăn chưa hết. Ba tôi cần tiền để dưỡng bệnh. Ba gian nhà nhỏ trống tuênh không giường chiếu, bàn ghế. Mẹ ngày ngày vẫn phải gánh nước giếng làng về nấu cơm. Nhà tôi cần một cái giếng khoan cho mẹ đỡ vất vả. Tất cả khiến tôi vắt óc nghĩ cách. Và việc nặn tò he để bán đã xuất hiện trong cái đầu nóng bỏng của tôi.

Một trong vài trò chơi ưa thích của tôi và Hưng là trò “nồi tôi”. Xuống ao, lấy một nắm đất bùn nâu sẫm (hoặc ra bến sông khuân về một tảng đất sét to tướng). Đập đi đập lại xuống nền đất lạnh và khô cho nắm bùn dẻo quánh lại rồi nặn thành một cái nồi, đặt trên tay:

- Ai mua nồi tôi, thì thương tôi với! - Tôi cất giọng ngân nga.

- Tôi mua! - Thằng Hưng đáp lời.

Tức thì, cái nồi được đập mạnh xuống đất. Một tiếng nổ bụp vang lên làm nó thủng toác một lỗ ở giữa. Tùy lỗ thủng to hay nhỏ mà thằng Hưng phải lấy đất đắp vào. Thường thì nó véo rất ít rồi dàn cho mỏng dính, cố gắng bịt cho kín lỗ thủng trước vẻ mặt hí hửng của tôi. Tuy là anh em, nhưng tôi chưa bao giờ nhường nhịn nó trong trò chơi này cả. Dần dà, nắm đất của tôi to bự còn của thằng Hưng, nhỏ như quả trứng gà so. Lúc ấy thì nó chán, vì cái nồi nó nặn bé tí tẹo đập xuống chỉ kêu đánh bẹt một cái, không có lỗ thủng. Mặt thằng Hưng tiu nghỉu, mặc tôi hoan hỉ gom nốt nắm đất của nó lại, cặm cụi nặn con giống, cây cỏ, hoa, các loại quả mà tôi ưa thích rồi đem ra sân nắng, phơi thật khô. Vài ngày sau, tôi tự kiếm màu để phết. Màu thì không có nhiều, tôi lấy quả mồng tơi nghiền nát với nước, tùy độ đậm nhạt mà được sắc tím hồng hay tím sẫm. Màu đen được tạo ra bằng quả pin nghiền nhỏ trộn lá khoai nước. Tôi đem những sản phẩm xinh xắn của mình cất gọn vào một chiếc hộp lớn trong góc nhà rồi tặng người mình thích. Dĩ nhiên, người được tặng nhiều nhất là thằng Hưng, em trai tôi. Sau, đến mấy đứa trẻ hàng xóm quanh nhà.

Việc nặn tò he để bán đầu tiên khá khó khăn nhưng tôi rất say mê. Từ miếng bột nhuộm màu vô tri, những gì tôi thích thậm chí tưởng tượng được hiện lên mới mẻ, thực sự sinh động và hài hước. Này là con trâu sừng cong vút, đuôi dài vắt vẻo. Thằng bé trên lưng trâu mặt nghếch lên trời thổi sáo đầy hứng thú. Này là chú gà trống mào to đỏ rực, rủ xuống che kín cả mắt, mỏ há ra thật lớn, tưởng chừng tiếng ò, ó, o đang vang động xung quanh. Này là chị mèo mướp lười biếng nằm duỗi dài trước hiên nhà đầy nắng, mắt hấp háy, mặt xị xuống như hờn dỗi ai. Này là cô lợn ỉ, bụng quét đất sền sệt với một lũ con lít nhít chạy lũn cũn đằng sau. Rồi những quả na, quả bưởi, những bông hoa tưng bừng nở xung quanh mẹt tò he, cao thấp, nhỏ to đủ cả... Tôi bán được ít, về sau nhiều hơn. Các em nhỏ thích những con giống tôi nặn ra bởi chúng có cái gì đó khác với thông thường. Tôi thầm cảm ơn ba, bởi chính ba là người thổi vào tôi sự mới mẻ, tươi tắn của cuộc sống dẫu phía trước còn nhiều nỗi buồn. Ba đã dạy tôi biết tin yêu cuộc đời, lạc quan trước khó khăn gian khổ. Sự hài hước dẫu nhỏ bé trong những con giống xinh xinh kia khiến tôi luôn cảm thấy được an ủi và có gia đình bên cạnh mình.

4. Sau khi nhận được thư nhà chừng một tuần, tôi thu xếp về quê. Mọi việc vậy là tạm ổn. Không lâu nữa, ba tôi sẽ khỏe lại. Vụ gặt sắp tới tôi cần giúp mẹ một tay. Sang năm học mới, phải cho thằng Hưng trọ học để có nhiều thời gian cho việc học tập của nó. Những ngày chủ nhật, anh em tôi sẽ cùng nặn tò he. Thằng Hưng vụng lắm, nhưng tôi sẽ dạy nó. Những con tò he ngộ nghĩnh, xinh xắn chắc sẽ được các em nhỏ làng Hạ yêu thích. Tôi sẽ nặn một con sơn ca thật lớn, một con sơn ca đang hót đặt cạnh mẹt tò he để có cảm giác lúc nào nó cũng hát mừng một ngày mới bắt đầu. Nó hát rằng cuộc đời thật tươi đẹp, rằng mọi người phải vui sống với ngày hôm nay và không được quên những gì, dẫu đau khổ hay sung sướng, của ngày hôm qua.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 197

Return to top