Ngưu lang
Nguyễn Thị Minh Ngọc
T hế là, như mơ, tôi đứng giữa những người đàn bà và cả đàn ông khác mầu da, tiếng nói. Đêm đầu ở một nước lạ, dường như để dễ nhận ra, ai cũng kiếm những bộ cánh đặc biệt của mình. Những diễn viên của một nhà hát thổ dân Úc chúi vào nhau cười rúc rích, da mốc trắng lên vì trời lạnh, hệt như những người dân tộc tôi vẫn gặp hồi nhỏ ở Pleiku. Một phụ nữ có gương mặt như Phật, trang phục Trung Quốc của bà khiến ai cũng muốn gợi chuyện, nhưng rồi lại thất vọng vì bà không biết tiếng Anh mà người thông dịch của bà thì lại chưa đến được. Những người Nam Hàn và Bắc Hàn nhìn nhau. Cô gái Nhật, sau một hồi nói chuyện về Kobo Abé, đưa danh thiếp cho tôi, mới hay cô ta là đại biểu đến từ Mỹ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi ở Úc là thành phố Adelaide đẹp, nhiều người tốt. Nhưng có lẽ vì thời tiết quá lạnh và thức ăn lạ miệng, nên cơn nhớ nhà cồn cào nổi lên khi về đến phòng riêng. Việc đầu tiên là gọi cho Liên đang ở cách đó hàng ngàn cây số, rồi Liên sẽ nhắn cho những bạn khác. Và sau đó là điện thoại tới tấp của Quang, của Vũ, của Khiêm, của Philip, của Phượng và Bằng, của Dung và Lân... Đứa nào cũng rủ tôi sau hội nghị ở lại chơi thêm vài tuần vì biết rồi có dịp nào sang đây nữa không. Nghe tôi kêu phải về để chuẩn bị cưới chồng, Quang cười giòn, hỏi phải vẫn cái ông "Mười năm luôn gặp mà tình không cũ?" Tôi đính chính mười một năm ba tháng hai ngày rồi. Giọng ngậm ngùi của những bà vợ, phê bình tôi cái gì cũng được, chỉ dở tệ đường chồng con... Mãi đến lúc không giờ, hẹn mai trò chuyện tiếp.
Khoảng ba giờ, chuông điện thoại reng. Tôi nhấc lên, bên kia đầu dây là tiếng khóc. Tiếng khóc của một người con trai trong đêm khuya nghe như đến từ một cõi khác. Tội bật đèn, những bức hình đang cười toe quanh tôi như một tương phản lại. Chúng tôi được phân về ở những ký túc xá sinh viên. Họ đang nghỉ hè. Chủ chúng tôi đang ở để nguyên cả mọi thứ tranh ảnh, sách báo, đàn, giày... Có đến cả phút, tiếng khóc ngưng. Rồi một giọng nói lạ vọng lên:
- Tôi là Phiêu!
Hiểu rồi! Trước khi tôi sang Úc, Châu có nhờ tôi tìm xem Phiêu giờ sống ra sao, nhờ vậy nhưng không có số điện thoại lẫn địa chỉ. Châu dặn cứ cho biết Phiêu hồi xưa ở Việt Nam thường đóng những vai như Hamlet, Othello, Khuất Nguyên, Từ Hải v.v. hồi nãy tôi có nhờ Quang, Quang nói biết tên này, sẽ nhờ người phăng ra. Trái đất nhỏ thật. Trước khi tôi lên máy bay, Châu còn dặn, nếu Phiêu hỏi Châu sống ra sao cứ nói rằng sống được. Rồi thôi! Đừng cung cấp thêm một chi tiết nào nữa hết.
May quá, sau đó Phiêu vẫn chưa hỏi thăm gì về Châu mà dường như là một người đàn ông khác hẳn với người khóc trước đó. Phiêu hỏi tôi cần gì? Thông dịch viên? Phương tiện di chuyển? Đồ lạnh? Những địa chỉ nên đến để viết bài? Tôi kêu chỉ thèm cơm Việt Nam, nếu có rau muống cà dằm thì quá tuyệt.
Nói cho vui vậy thôi, không ngờ sau buổi họp chiều ra, nghe nhắn có hai vợ chồng ngồi đợi tôi một tiếng đồng hồ để đưa về nhà ăn cơm rau muống. Họ xưng là Đức và Hiền, bạn của Phiêu. Tôi kéo theo Julie là tác giả vài vở kịch viết về Việt Nam, đã sang Việt Nam mấy lần, rất mê những người phụ nữ Việt Nam. Trời vài độ, chưa âm, có lẽ chưa bao giờ những cọng rau muống lúc đó với tôi lại ngon như vậy. Và mắm nữa chứ. Các thứ rau lạ quen có mặt đầy đủ, kinh giới, tía tô, diếp cá, thì là, lá to hơn nhưng hình như vị không nồng nàn bằng ở nhà. Nhất là ớt.
Julie kêu không bao giờ hiểu nổi những người Việt Nam này. Chưa gặp chưa quen nhau bao giờ, chỉ qua vài lời giới thiệu bâng quơ trên điện thoại, lại có thể ngồi đợi cả tiếng đồng hồ, rồi kéo về nhà ăn uống chuyện trò như đã thân từ một kiếp khác. Đức nói đơn giản vì Phiêu sống quá tốt với bạn bè, nên anh cần bất cứ điều gì, chúng tôi mừng rỡ làm ngay vì rất ít có cơ hội trả ân anh. Thấy tôi có vẻ không rành lắm về Phiêu, Hiền cung cấp cho tôi một đoạn.
Vào những tháng ngày nghiệt ngã của năm 1979, cả gia đình Châu đi hết nhưng Châu ở lại vì mê nghề. Phiêu và Châu lúc ấy đang là hai diễn viên chính của một đoàn kịch mới lập. Sau một số vở thành công, đoàn lại có nguy cơ tan rã vì cả một tập thể đụng với người trưởng đoàn. Dầu được Thành đoàn ủng hộ, những diễn viên trụ cột vẫn bị buộc thôi việc gần hết, trong đó có Phiêu, Châu. Vác đơn đi kiện tiếp, họ dốc cả ruột gan cho người trưởng phòng tổ chức của cấp cao hơn. Sau đó, họ nhận thêm lệnh cấm biểu diễn trên địa bàn thành phố. Hóa ra, bà trưởng phòng nọ là chị họ của ông trưởng đoàn kia. Vậy là Châu giận dỗi kiếm đường sang Pháp với gia đình. Phiêu chỉ định đi tiễn bạn, nhưng giờ chót Châu không đến, người tài công tiếc một tiêu chuẩn bỏ nên kéo Phiêu đi thay. Sau một thời gian ở đảo khá dài, Phiêu tấp vào nước Úc.
Đêm đó, khoảng hai, ba giờ, Phiêu gọi lại, lần này bắt tôi kể chuyện Sài Gòn. Tôi cứ hồi hộp sợ Phiêu hỏi tới Châu. Biết nói về Châu thế nào bây giờ khi cô đã dặn chỉ nói hai chữ thôi: sống được! Mà cũng chẳng biết lúc này Châu buồn hay vui. Chỉ thấy nó có một điểm giống tôi, lúc nào cũng ở tư thế hùng hục làm việc như một con điên. Đời riêng cũng chẳng vui gì. Anh bồ hiện tại khá tốt, chỉ phải tội mê đánh bạc hơn mê Châu. Tôi đã từng chứng kiến những đêm dài, những dịp cuối tuần, cô diễn viên ngôi sao này phải ngồi dài cổ đợi.
Những ngày sau tôi bớt nhớ nhà, bớt thấy lạnh có lẽ nhờ công việc túi bụi và một phần nhờ những người bạn tốt của tôi và của... Phiêu. Có một đêm:
- Xin lỗi vì chỉ gọi được cho chị vào giờ này. Chị vừa đi xem Hamlet về phải không? Xưa ở Việt Nam đã có lúc tôi đóng vai Hamlet. To be or not to be? Giờ này Hamlet đang lột sò ở Melbourne. Lột hay không lột, đó là vấn đề!
Tiếp theo là một tràng cười, nghe buồn hơn tiếng khóc hôm nọ.
- Nói chuyện khác đi Phiêu, những chuyện khác nơi Phiêu đang sống.
- Đám bạn của chị giao cho tôi nhiệm vụ thuyết phục chị ở lại chơi vài tháng. Tôi đang kiếm xe chạy qua đó đưa chị đi chơi.
- Không được, tôi đã quá lớn tuổi rồi. Mãi mới được một người chịu làm đám cưới với mình sau khi ở đây về, không thể bỏ qua dịp may hiếm có đó.
- Trễ mươi ngày có sao đâu, nếu người ta thương chị thật.
- Tôi đã trễ hơn mười năm rồi. Nhưng mà nè, sao cậu không về?
- Tôi sợ!
- Bao nhiêu người đã về chơi không làm cậu an tâm sao?
- Tôi chỉ sợ một điều: Châu không được hạnh phúc.
- Giả sử như vậy, thì cũng có phải lỗi của cậu đâu?
- Ráng ở lại đi, dù chỉ một tuần ít ra, được gặp chị, tôi cũng thấy đỡ nhớ Việt Nam.
Ngày chuyển từ Adelaide sang Canberra, máy bay ngưng vài tiếng ở Melbourne, tôi không định bước ra ngoài, nhưng cô tiếp viên đến cho biết có người cần gặp tôi bên ngoài. Tôi chạy thật nhanh ra, cứ nghĩ không biết Vũ, Hằng hay Nghiêm, Toản thì đã thấy thấp thoáng cuối đường tấm bảng ghi tên tôi kề một khuôn mặt lạ. Tôi hỏi phải Phiêu không? Hắn gật đầu, nắm chặt tay tôi kéo đi. Tay tôi và tay hắn đều nằm trong găng êm, nhưng nghe đau lắm. Tôi đùa:
- Cậu không định bắt cóc tôi chứ?
- Nếu chị là Châu, có thể tôi sẽ. Nhưng nghe chị nói tội quá. Đợi mãi mười năm mới kiếm ra người chịu cưới mình.
- Bây giờ đi đâu?
- Đi sắm vài món đồ lạnh cho chị.
Tôi đứng khựng lại:
- Thôi Phiêu, tôi đang bị những cái áo như cái mền của bạn cậu đưa ám ảnh. Vừa mới gởi trả lại xong.
- Vậy thì đi uống nước?
Căn phòng toàn kính. Hoa khô và những cỏ thơm chất đầy ở góc phòng. Những chiếc máy bay xòe cánh ngoài kia lấp lánh sáng tối. Những người dị chủng tới lui lao xao, thầm thì, xa lạ. Miệng tôi cảm giác đắng khi nghe Phiêu hỏi:
- Sao mãi đến hôm nay chị vẫn chưa chịu nói rõ cho tôi biết đời sống hiện tại của Châu? Tôi có biết cô ấy đang là một diễn viên nổi tiếng, nhưng còn mơ hồ lắm về đời riêng. Hẳn là cô ấy đã lấy chồng? Hẳn là cô ấy đang hạnh phúc?
Tôi giữ đúng lời hứa với Châu là không nói gì ngoài hai chữ "sống được". Rồi mở to mắt nhìn Phiêu. Đọc đi, hãy đọc trong mắt tôi những lời không nói được. Châu những đêm một bóng ngồi đợi người đàn ông chưa được
gọi là chồng. Châu ngồi co ro dưới mưa dầm bán vé số. Châu diễn kịch hài kịch bi lúc khóc lúc cười. Châu tươi cười nhận hoa tươi ngập tay từ những người hâm mộ. Châu những đêm diễn xong lang thang không biết về đâu. Châu kể chuyện tiếu lâm gây cười suốt chuyến xe lưu diễn. Châu mệt nhoài thiếu ngủ, mặt trong veo thanh thản như đang được ngủ giấc cuối cùng. Và cạnh đó, song song tồn tại với Châu, người trưởng đoàn năm nào cũng thăng tiến trên con đường quan chức. Ông ta vẫn tiếp tục thay thủy thủ đoàn không thương tiếc để còn được nắm chắc tay lái của chiếc thuyền bị tấp vào một dòng sông kiệt nước từ lâu...
Soi lại bóng mình trong đôi mắt nhỏ, thanh dài, sắc của Phiêu, bỗng nhiên tôi nhớ lại bạn xưa Trâu Nước. Đó là một trong những người bạn mà khi mất đi bạn mới thấy thiệt thòi biết bao khi không còn anh ta bên cạnh, mặc dầu lúc anh ta còn lẽo đẽo bên cạnh để chiều chuộng những điều trái tính trái nết của bạn thì bạn chỉ thấy vướng víu làm sao.
Melbourne đang là đêm và cái cảm giác bềnh bồng trên mây vẫn còn vây bọc lấy tôi. Ở Việt Nam bây giờ đang là chiều. Và còn chỗ ở của Trâu Nước lúc này, chẳng biết có thấy được trăng không? Hay mặt trời đang lặn, mọc? Chúng tôi ngồi yên lặng, đối diện nhau như vậy với những lời không nói được ứa tràn ngập mắt. Cho đến khi tiếng loa báo chiếc máy bay của tôi chuẩn bị bay tiếp, Phiêu mới rút hai tay ra khỏi găng, đặt trên bàn:
- Ở Việt Nam, đôi tay này thường để khảy đàn, tuốt gươm khi đóng Roméo, Hamlet... Sang đến đây thì chai dày đi vì nhiều thứ khác: làm farm, lột sò, lái xe, phục vụ nhà hàng, may vá, bấm computer...
Tôi cũng rút một tay ra khỏi găng để bắt tay Phiêu, nghe nhịp thổn thức trên đường đi của máu trong bàn tay nháp, nóng. Thời tiết bên ngoài nghe nói đã sụt vài độ dưới không.
Sau đó, ở những thành phố khác của Úc, vẫn có những người bạn của Phiêu chăm sóc tôi mọi mặt, nhưng Phiêu không gọi điện thoại cho tôi sau lúc không giờ nữa. Một chiều ở Canberra, một người bạn gái của Phiêu, Noel, đưa tôi lên một đỉnh núi trông xuống thành phố là đà trong mù sương. Noel kêu thích Phiêu lắm, nhưng không hiểu nổi những nóng, lạnh bất chợt của bạn mình. Cô đọc cho tôi nghe những bài thơ của Phiêu mà tôi đều thấy thấp thoáng dáng của Châu.
Xa tít xa, ở một đỉnh núi khác, là chiếc tháp truyền hình nổi tiếng của Canberra. Bỗng tưởng như có tiếng quạ đen ríu rít xoải cánh làm cầu. Và từ chiếc lồng thủy tinh trên tháp ấy bước ra một ả Chức, lướt trên Ô kiều, băng băng chạy đến với chàng Ngưu. Họ sẽ làm gì, đầu tiên, khi lại được chạm vào nhau, trên đầu những con quạ đen tốt bụng đó? Tôi nhắm mắt. Dường như không đương nổi sức nặng của hai người, chiếc cầu quạ gãy. Dường như không thắng nổi sức hút của lòng đất, họ rơi, theo chiều thẳng... Nhưng hãy cố xoay ngang, để thấy họ đang trôi...
*
* *
Khi tôi rời Úc người ta đưa cho tôi một tờ giấy của Phiêu vừa fax tới:
"Dầu muốn dầu không, Châu cũng là Miss Sài Gòn đối với tôi từ những ngày trước đến nay. Qua chị, tôi thấy một Sài Gòn năng nổ, sống động nhưng vẫn còn nhiều phức tạp và vẫn chưa xóa được đâu những gì đó hoài nhớ trong mình. Qua mắt chị, tôi thấy Châu xưa đã bớt là hiện tại.
Cảm ơn chiếc áo dài, cảm ơn cái bắt tay... để tôi an tâm lên núi làm farm.
Hãy gửi thiệp cưới cho tôi khi có dịp. Để tôi còn một duyên cớ, trở về... "
Hơn nửa năm, sau khi từ Úc trở về, tôi vẫn chưa gửi được thiệp cưới cho Phiêu. Người chuẩn bị làm bạn đời của tôi khá thân với người đang sống chung với Châu. Hằng đêm, họ vẫn gặp nhau ở một câu lạc bộ vui chơi, nơi có những khuôn mặt đam mê hốc hác. Điều này xảy ra có lẽ phần lớn do những người phụ nữ như Châu và tôi. Chúng tôi đã không giúp được cho bạn mình xóa hẳn cảm giác cô đơn. Chúng tôi không thích hợp trong những vai người vợ bình thường. Và càng không được như Chức Nữ, mỗi năm, được nắm lấy hạnh phúc thật của mình, dù chỉ một lần, trên nền quạ đen muồi bên dưới, và trong những cơn tầm tã mưa ngâu...
Những lo toan trắc trở của cuộc sống đòi hỏi con người phải tự vượt qua, biết đủ, tránh viển vông nhất là ở những nơi xa cách với quê hương, đồng bào.