Buổi sáng ở thành phố Huế không ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn. Thời tiết đầu mùa hè vẫn còn dịu mát. Mặc cho tình hình quân sự ngày càng căng thẳng và Huế bị pháo kích dữ dội, những lớp hè của bậc trung học đệ nhất cấp đã bắt đầu khai giảng. Trung Úy Hưng ngồi uống cà phê ở một quán cà phê trong thành nội. Cà phê ở đây nổi tiếng nhất Huế. Không biết có phải tại cà phê ngon hay vì mấy chị em cô chủ quán xinh đẹp, và quán lại tọa lạc trong một khung cảnh trữ tình của Đại Nội, vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Hưng không biết đơn vị của mình sẽ dừng quân ở đây bao lâu, cứ với tình hình này, chắc không thể lâu được. Thây kệ, được ngày nào hay ngày đó. Đã bao năm chinh chiến miệt mài! con người, bất kể tuổi tác, rồi cũng có một lúc nào đó, thấy thèm một sự yên nghỉ. Có những buổi chiều hành quân qua những buôn Thượng, nhìn làn khói trắng từ trong bếp của mấy căn nhà sàn bay lên giữa bầu trời lúc hoàng hôn, Hưng chợt muốn được dừng chân ở đây, cưới một cô sơn nữ nào đó, sống bình yên, phẳng lặng dưới mái nhà sàn, rồi sinh con đẻ cái.
Sinh trưởng tại miền Nam và lớn lên nơi đó, đây là lần đầu tiên Hưng theo đơn vị ra hành quân tận miền Trung. Tháng 5 năm 1972, sau khi thành phố Quảng Trị lọt vào tay Cộng quân, đơn vị của Hưng, Pháo Đội F thuộc Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rút về Huế dưỡng quân để chờ ngày phản công quân địch. Pháo Đội của Hưng đóng trong cửa Thượng Tứ và mới về đây được vài hôm.
Tôi tình cờ gặp lại Trung Úy Hưng trong quán cà phê này. Anh đang ngồi uống cà phê với mấy người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, có lẽ cùng đơn vị. Khi đi ngang qua bàn, tôi dừng lại chào hỏi:
- Chào Trung Úy Hưng. Cũng lâu lắm rồi mới gặp lại anh.
Trung Úy Hưng quay lại, thấy tôi, anh rất ngạc nhiên:
- Chị Duyên, chị mạnh khỏe?
Tôi chào mấy người bạn của anh và đáp:
- Cám ơn, vẫn bình thường. Anh ra đây lâu chưa?
- Lâu rồi, từ Quảng Trị rút về. Đơn vị đang dưỡng quân gần cửa Thượng Tứ, chờ tái chiếm Quảng Trị.
- Nhớ lần gặp anh hành quân ở Cao Miên, mới đó mà đã gần hai năm.
Hưng gật đầu tán đồng:
- Phải, mới đó mà đã gần hai năm rồi!
Thời gian qua thật nhanh. Hồi đó Hưng còn là Thiếu Úy, sĩ quan tiền sát của tiểu đoàn. Tôi gặp anh đang dừng quân bên trấn Neak Leung trong một cuộc hành quân quy mô cấp quân đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua biên giới và đánh sâu vào trong lãnh thổ Cao Miên để tiêu diệt những căn cứ hậu cần của Cộng quân và đón cả trăm ngàn đồng bào về nước để tránh khỏi sự tàn sát của người Miên, trả thù vì Việt Cộng ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ của họ.
Tháng 11 năm 1969, Bắc Việt đưa khoảng 40 ngàn quân xâm nhập và đồn trú trong lãnh thổ Cao Miên, dọc theo biên giới. Đầu năm 1970, lực lượng này đã tăng lên đến 60 ngàn người. Theo hãng thông tấn UPI, quân Bắc Việt đang di chuyển những số lượng quan trọng gạo và các loại thực phẩm khác xuyên qua lãnh thổ Cao Miên. Ngày 8 tháng 3, khoảng 1500 dân của tỉnh Sray Rieng, một tỉnh sát biên giới miền Nam Việt Nam đã biểu tình phản đối kịch liệt quân Bắc Việt ngang nhiên chiếm đóng nhiều nơi trên lãnh thổ của họ. Cộng quân nổ súng bắn vào đoàn người biểu tình. Dân Miên giận cá chém thớt, họ phát động phong trào tàn sát người Việt đang sinh sống trên xứ này.
Ngày 12 tháng 4 năm 1970, Tướng Lon Nol sau khi đảo chánh lật đổ Thái Tử Sihanouk, đã tuyên cáo một chế độ Cộng Hòa đồng thời phát động chiến dịch chống quân đội Bắc Việt chiếm đóng lãnh thổ và chống luôn cả mọi người Việt ở Cao Miên. Hiện nay có khoảng 600 ngàn người Việt sinh sống trên đất Cao Miên đang bị đe dọa, vì Việt Cộng càng mở rộng các cuộc tấn công vào các đơn vị của Cao Miên thì người Miên lại càng căm thù Việt kiều bấy nhiêu. Hàng ngàn người Việt đã bị quân đội Miên tập trung lại để canh phòng và tra hỏi. Một số tình nghi có liên hệ với Bắc Việt bị bắt giữ. Chính quyền Nam Vang đã ban bố tình trạng giới nghiêm riêng cho Việt kiều và bắt làm căn cước đặc biệt.
Ngày 10 tháng 4, hãng Reuter loan tin: “Khoảng 100 người Việt gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con đã bị thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị thương giữa hai lằn đạn giao tranh ác liệt của quân Bắc Việt và quân Cao Miên”.
Ngày 16 tháng 4, cảnh sát Miên ập vào một ngôi làng gọi là Xóm Biên bắt hết đàn ông con trai Việt từ 14 tuổi trở lên đưa đến một nơi nào không ai biết. Nhưng những ngày sau đó, một vài phóng viên ngoại quốc và một vài vị tu sĩ Công Giáo đã nhìn thấy cả ngàn Việt kiều bị lùa lên tàu chở đi. Hai hôm sau, người ta đếm được khoảng 500 xác bập bềnh trôi dọc theo dòng sông. Những người này bị giết và thả xuống sông từ nhiều nơi khác nhau, đa số đều bị trói hai tay.
Ngày 17 tháng 4, tại thị xã Takeo, lính Miên đã 4 lần xả súng bắn vào trại tập trung Việt kiều làm cho hơn 100 người thiệt mạng. Hằng đêm, tàu Hải Quân Cao Miên chở từng loạt người Việt đến cù lao rồi xả súng bắn bỏ. Những người còn lại sống trong tình trạng kinh hoàng, họ tìm cách trốn tránh, tìm đường trở về nước và một số bỏ theo Việt Cộng. Chính quyền Nam Vang không hề lưu ý đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Giữa hai nước chưa có sự bang giao chính thức.
Trong lúc đó, vùng tam biên bắt đầu dậy sóng. Quân Bắc Việt từ Lào kéo xuống dốc Cao Miên, và miền Nam cũng đã dàn quân dọc biên giới.
Ngày 29 tháng tư năm 1970, một lực lượng đặc nhiệm gồm hơn 100 chiến xa và khoảng 15 ngàn quân của Việt Nam Cộng Hòa vượt biên giới tiến sâu vào trong đất Cao Miên. Lực lượng này đã kiểm soát được hai thị trấn Chipou và Prasaut mà quân Bắc Việt đánh chiếm hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Lực lượng đặc nhiệm từ ba mặt tiến vào. Cánh quân thứ nhất không gặp một sự kháng cự nào. Cánh quân thứ hai phải chạm súng dữ dội khi tiến chiếm một dãy những căn cứ tiếp liệu, trung tâm huấn luyện của địch. Cánh quân thứ ba xuất phát từ Kiến Tường và đánh qua biên giới.
Cánh quân chiếm Chipou và Prasaut là một tiểu đoàn Biệt Kích người Việt gốc Miên, di chuyển theo 40 chiến xa M48 và được một tiểu đoàn Bộ Binh yểm trợ. Đơn vị Bộ Binh này đã tập trung người Việt trong vùng lại và hộ tống họ đến nơi đóng quân của bộ chỉ huy trung đoàn. Đồng bào được phát lương thực và chờ phương tiện đưa về nước.
Tư Lệnh Hành Quân, Trung Tướng Đổ Cao Trí đã tuyên bố với các phóng viên tại Svey Tiep, một nơi cách biên giới Việt-Miên 24 cây số:
- Mục đích cuộc hành quân là tiêu diệt Việt Cộng, phá hủy các cơ sở tiếp liệu để vô hiệu hóa hoạt động của chúng trong một thời gian dài.
Về địa lý, lãnh thổ của Cao Miên có một giải đất nằm lọt vào sâu trong lãnh thổ của miền Nam và có hình dáng giống mỏ của con chim vẹt, nên vùng này có tên là vùng Mỏ Vẹt. Cái mỏ vẹt chỉ cách Hòn Ngọc Viễn Đông chưa đến 60 cây số, cho nên nếu không kiểm soát được Mỏ Vẹt, thì Hòn Ngọc Viễn Đông có thể bị “mổ” bất cứ lúc nào.
Ngày 3 tháng 5, một cánh quân gồm Bộ Binh, Biệt Động Quân và Thiết Kỵ đã ác chiến dữ dội khi tiến vào mật khu Ba Thu trong vùng Mỏ Vẹt. Ba Thu là một trong những mật khu lớn và quan trọng của Cộng quân. Chiếm mật khu này, quân ta tịch thu được nhiều kho vũ khí, đạn dược của địch tích trữ bấy lâu nay.
Sát với Mỏ Vẹt là vùng Lưỡi Câu, vì hình dạng giải đất này giống hình lưỡi câu. Người ta nghi ngờ đây là nơi trú đóng bản doanh của Trung Ương Cục Miền Nam hay cục R. Một lực lượng đặc nhiệm thứ hai gồm khoảng 9 ngàn quân với sự yểm trợ của Không Quân, Pháo Binh và Thiết Giáp đã tiến vào càn quét vùng Lưỡi Câu để lùng bắt Cục R.
Tin tình báo cho rằng, bản doanh của Cục R cũng là bản doanh của Công Trường 7, và Trung Đoàn 66 là một trung đoàn chính quy tinh nhuệ nhất của Bắc Việt có nhiệm vụ bảo vệ Cục R. Nhưng khi lực lượng đặc nhiệm này tiến vào, có những dấu hiệu cho thấy địch quân đã rút ra khỏi vùng trước đó một, hai ngày. Cũng có giả thuyết cho rằng, bản doanh của Cục R có những hệ thống địa đạo dẫn vào những khu rừng rậm nằm sâu trong đất Miên.
Ngày 10 tháng 5, một lực lượng thủy bộ gồm có 140 chiếc tàu của Hải Quân đủ loại, 300 chiến xa của Thiết Giáp và 5 trung đoàn Pháo Binh yểm trợ cho 8 ngàn Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh tiến vào đất Miên dọc theo sông Cửu Long. Lực lượng này được chia ra làm hai mũi tiến công: một cánh trên bộ và một cánh trên sông. Cuộc hành quân có tên là Hành Quân Cửu Long và do Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Thiếu Tướng Ngô Dzu chỉ huy.
Hơn 300 chiến xa đã mở đầu cho cuộc hành quân xuất phát từ Kiến Phong ào ạt tràn qua biên giới. Khi băng qua những cánh đồng đất khô, đoàn chiến xa đã tạo một màn bụi mờ rộng lớn che phủ cả một vùng. Một lực lượng Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đổ xuống Neak Leung và đánh vào thị trấn này.
Buổi sáng ngày 12 tháng 5 năm 1970, tôi đi từ Sài Gòn về Cần Thơ, rồi từ Cần Thơ đến Châu Đốc bằng đường bộ. Buổi tối tôi ở lại Châu Đốc tại nhà của một người bạn gái học cùng trường. Sáng hôm sau, ra bãi đáp ở tòa hành chánh Châu Đốc thật sớm để theo trực thăng qua Neak Leung.
Neak Leung là một thị trấn nhỏ nằm gần biên giới Việt Miên. Hai dãy phố nằm dọc theo con đường chính chạy xuyên qua thị trấn và bên cạnh một dòng sông nhỏ, hai bên bờ sông trồng toàn cây thốt nốt. Khi tôi đến, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui Việt Cộng và hoàn toàn kiểm soát thị trấn này. Nhưng Neak Leung đã bỏ ngỏ kể từ ngày Việt Cộng tràn vào xâm chiếm. Dân chúng, đa số là người Việt và người Hoa, đã trốn đi nơi khác để tị nạn. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ ở đây đóng rải rác khắp thị trấn. Mỗi toán nhỏ vài người trong một căn nhà hay phố trống. Có toán đóng trong các vườn cây. Một nhóm Thủy Quân Lục Chiến đang đá banh giữa đường phố một cách thoải mái. Một vài căn nhà kế đó, có mấy gia đình người Miên vẫn liều ở lại trong thị trấn, họ nằm đu đưa trên võng căng trước nhà và thản nhiên nhìn mấy người lính Việt Nam đá banh.
Trong lúc đó, các cấp chỉ huy của những đơn vị này đang nóng lòng chờ các cánh quân của Cao Miên đến bắt tay để bàn kế hoạch hành quân sắp tới, nhưng họ tiến quá chậm và rời rạc làm mất nhiều thời giờ.
Một Thiếu Úy đến chào và ngỏ ý nhờ tôi mang dùm thư và một món quà nhỏ về Sài Gòn cho gia đình của anh. Tôi nhìn bảng tên và hỏi:
- Thiếu Úy tên Hùng hay tên Hưng?
- Tôi tên Hưng, Nguyễn Phục Hưng.
- Tôi sẽ đưa tận nhà cho anh. Anh thấy tình hình ở đây như thế nào?
- Chưa thấy đụng nặng, chỉ có pháo kích thôi.
- Anh gặp đồng bào mình không?
- Không thấy ai nhiều. Một số đã bỏ trốn từ ngày bị người Miên cáp duồn, một số bị bắt vào các trại tập trung hoặc đem đi nơi nào chẳng ai biết.
- Khi quân mình đến đây, người Miên họ có thái độ như thế nào?
- Người Miên đang thù Việt Cộng, mình vào đánh Việt Cộng, thì họ có cảm tình với mình hơn.
Buổi trưa, anh em Thủy Quân Lục Chiến mời tôi ăn cơm gạo sấy. Sau bữa cơm, tôi rời Neak Leung đến Kompong Trach. Ngang qua một con sông, cây cầu đã bị Việt Cộng giựt sập khi rút lui cho khỏi bị truy kích. Một đơn vị Công Binh Chiến Đấu đang nối lại cầu. Xe phải dừng để chờ. Một vị sĩ quan Công Binh nói với tôi:
- Có ông xếp lớn chỉ huy dưới sông.
Tôi ngạc nhiên, xuống xe đến gần xem, nhưng nhìn mãi không thấy ông xếp lớn nào cả. Một lúc sau, tôi mới thấy Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh, mặc bộ đồ đen, đang đứng dưới sông, phụ nâng một cây đà lên cùng với anh em Công Binh làm cầu. Tướng Chức tóc hớt thật cao, nắng gió Cao Miên làm cho da ông đen sạm. Tôi biết ông từ hồi ông còn là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu mà chiều hôm nay suýt chút nữa không nhìn ra ông. Nắng và gió của Cao Miên nhuộm màu da người rất nhanh, tôi mới qua đây chưa đầy một ngày, nhìn xuống hai cánh tay, thấy đã đổi màu rõ rệt.
Tiếng gió thổi, tiếng búa đập, tiếng người lao xao... khiến nơi đây ồn ào như một công trường. Tôi đứng trên bờ la lớn:
- Chào Thiếu Tướng.
Tướng Chức nhìn lên, thấy tôi cũng có mặt ở đây, ông có vẻ ngạc nhiên:
- Chào cô Kiều Mỹ Duyên.
Tôi cũng ngạc nhiên và cảm phục khi thấy một vị tướng đang xắn tay áo, lội xuống dưới sông làm việc với những người lính của mình giữa chiến trường.
Từ Kompong Trach, tôi trở lại Neak Leung để phỏng vấn một số chiến sĩ trong lực lượng Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lực lượng hành quân này gồm khoảng 30 chiến hạm đã ngược dòng sông Cửu Long, dừng lại ở bến Neak Leung trước khi tiến lên Nam Vang. Từ Neak Leung, một chiếc tuần giang đỉnh đi trước mở đường, dẫn đầu là chiến hạm Vũng Tàu, và lực lượng Hải Quân này tiến vào thủ đô Nam Vang trước sự hâm mộ của hàng ngàn dân Miên đứng đầy bên bến tàu. Trong lúc đó, hàng ngàn người Việt đang ở trong các trại tập trung của Miên, vô cùng xúc động và hãnh diện khi nghe tin này. Họ mất mác quá nhiều: tài sản, sinh mạng, cả nơi sinh sống của họ. Nhưng nay đã được chút an ủi, được bù đắp bởi tình đồng bào và vòng tay che chở của quê hương.
Khi Hải Quân Đại Tá Nguyễn Thanh Châu, chỉ huy trưởng cuộc hành quân, từ chiến hạm Vũng Tàu bước lên bờ, một phái đoàn của chính quyền Nam Vang đã chờ sẵn để đón tiếp. Ngày hôm sau, đoàn tàu tách ra một toán đi Kompong Cham, cách Nam Vang chừng 120 cây số, là một tỉnh có nhiều người Việt sinh sống, nằm ở thượng lưu sông Cửu Long. Đoàn tàu này gồm một chiến hạm 400 tấn, 10 giang đỉnh yểm trợ, và 10 giang vận hạm để chở đồng bào về. Trên đường đi, đoàn tàu phải giao chiến với các lực lượng Việt Cộng hai bên bờ, cho nên không thể ở lại Nam Vang cùng ngày được. Đoàn tàu đón được 4 ngàn người từ Kompong Cham và ở Nam Vang, 5 ngàn người sẵn sàng để hồi hương. Hàng ngàn người Việt đã sinh sống lập nghiệp ở đây, cũng có người sinh ra và lớn lên, xem mảnh đất này như một quê hương thứ hai, nhưng buổi sáng hôm nay, họ bỏ lại nhà cửa, cơ sở làm ăn, từ trong những tại tập trung ở Nam Vang, lúc sáng sớm tinh sương, đã khăn gói, bồng bế nhau sắp hàng trên bờ sông chờ xuống tàu. Những người lính Hải Quân đứng thành hàng dài để chuyển dùm đồ đạc, trẻ con, giúp những người tàn phế, già cả xuống tàu và phát thực phẩm.
Khoảng xế trưa, Phó Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân, đáp trực thăng ngay ở bến tàu và bước xuống chiến hạm Vũng Tàu thăm hỏi đồng bào tị nạn.
Đúng 1 giờ chiều, đoàn tàu rời bến Nam Vang, mang theo hơn 9 ngàn đồng bào trở về quê nhà. Lực lượng Hải Quân đã hoàn thành cuộc hành quân ngược dòng Cửu Long để đón đồng bào về nước đợt đầu như một cuộc biểu dương thật rầm rộ, hào hùng và đẹp mắt chưa từng thấy từ trước đến nay trên dòng Cửu Long giang.
Và tiếp theo, còn nhiều đợt khác sẽ được thực hiện để đón khoảng 100 ngàn đồng bào rải rác trên đất Miên về nước. Hiện nay, chính quyền Nam Vang đang còn giam giữ khoảng 30 ngàn người Việt sống một cách thiếu thốn, khổ cực và bị ngược đãi trong các trại tập trung. Hồng Thập Tự quốc tế phải cảnh cáo chính quyền Nam Vang là coi chừng một trận dịch sẽ lan tràn. Như một lời phúc đáp, những người đi lại trên phố Nam Vang đều thấy những tấm bích chương dán đầy đường, với nội dung bằng hai thứ tiếng, Pháp và Miên: “Việt Cộng còn đáng sợ hơn cả bệnh dịch nữa”.