Sáng nay đang trong giờ phát thuốc của trạm xá Tâm thấy Ban hớt ha hớt hải chạy tới, tay vẫy hắn lia lịa:
- Tâm ơi…, Tâm, mày được Mỹ nhận rồi !
Tâm như người trên trời rớt xuống, hắn sững sờ quên cả nhiệm vụ phát thuốc. Ban đã chạy lại bên hắn, mừng quá phát vào vai hắn mấy cái đau điếng. Hai thằng ôm nhau cười ha hả nhảy cà tưng như hai thằng khùng. Mấy người bệnh đang chờ hắn phát thuốc cũng vui lây túa đầy vào phòng phát thuốc, bao quanh lấy hắn để bắt tay chúc mừng và lấy hên, có người không quen cũng đến vỗ vai thân thiện:
- Chúc mừng anh Tâm y tá được đi Mỹ nghen !
Tâm quay sang Ban, khuôn mặt hí hửng :
- Mày chờ tao chút, còn vài người nữa xong. Tao dẩn mày đi ‘ăn khao’.
Đóng cửa phòng phát thuốc xong, Tâm cặp cổ Ban bước ra khỏi trạm xá ‘sick bay’. Đang đi hắn chợt dừng lại một cách nghiêm chỉnh trước cái miếu nhỏ đặt dưới đất ngay gốc cây dừa xanh, những tàu lá dừa dài vươn ra thành cái tán rất rộng trước mặt của trạm xá như một cái dù lớn che rợp bóng mát, Tâm đứng chắp tay, miệng lẩm nhẩm khấn nguyện. Ban thắc mắc hỏi:
- Mày làm gì vậy Tâm ?
- Tao cám ơn ông già biển cả. Ngày nào tao đi ngang miếu cũng khấn khứa với ổng.
- Ông gia biển cả nào ?!
- À…, tao gọi thế thôi chứ mày biết cái miếu cô hồn này dựng nên thờ ông già vượt biên đến đảo Bidong, đang ngồi nghỉ dưới gốc cây bị trái dừa rớt xuống trúng ngay mỏ ác, chết tại chỗ này nên linh lắm.
- Mày coi tướng ‘ba trợn’ vậy mà cũng có tâm linh quá hả ?
- Sao không… ?! Mày không nghe ông bà nói ‘có tin có lành, có cầu có được’ à !
Tâm lôi Ban đi lên con dốc nhỏ dẫn sang khu bãi biển. Cũng đã gần 11 giờ trưa nhưng quán café vẫn còn vắng khách. Hai thằng chọn cái bàn dưới tấm bạt bằng nhựa có sọc xanh đỏ chìa ra ngoài làm mái hiên cho đỡ chói nắng. Phía bên kia đảo Bidong là đảo ‘Cá mập’ hiện ra trong tầm mắt. Tâm nghe những người ở đảo lâu cho biết tên đó là do dân tỵ nạn đặt cho vì hòn đảo có dáng dấp như con cá mập bơi săn mồi, chứ không phải khúc biển này có cá mập. Hắn kêu hai ly café đá và bao thuốc thơm ‘White Horse’ như những lần hai thằng có rủng rỉnh vài đô Mã trong túi chơi sang ra quán ngồi uống café nghe nhạc. Ly café uống trễ sáng nay có vị đăng đắng như đồng điệu với điếu thuốc thơm hút thấy ngon lạ ! Hai thằng ngồi bên nhau nhưng mỗi đứa như đang theo đuổi một tâm sự riêng, chả nói với nhau câu nào. Thằng Ban ‘nằm’ đảo cũng đã hơn hai năm vì trục trặc giấy tờ khai báo thân nhân ở nước ngoài, giờ vẫn chưa được đệ tam quốc gia nào nhận. Đặt ly café xuống bàn, hắn quay sang Ban phá vỡ cái im lặng:
- Mày biết chừng nào tao có danh sách rời đảo không ?
- Chừng 2 tuần thì có danh sách từ bên Kuala Lumpur gửi sang, mày liệu chuẩn bị.
Mấy hôm này Tâm cảm thấy bồn chồn trong lòng có lẽ vì đây là những ngày cuối cùng hắn còn trên đảo. Tâm nghe tên hắn trong danh sách rời đảo được Ban Thông tin công bố trên loa phát thanh chiều hôm qua. Trong lòng hắn giờ buồn vui lẫn lộn thật khó tả, vui vì những ngày tháng dài vô vọng trên đảo đã kết thúc, tương lai mở rộng đang chờ đợi trên đất Mỹ tự do giầu có, cuộc đời hắn sẽ bắt đầu một trang mới. Hơn một năm trời sống bấp bênh không lý tưởng như nhánh củi mục trôi sông, đời tỵ nạn buồn nhiều hơn vui, những lúc tuyệt vọng hắn tự hỏi sự tự do được đánh đổi bằng một cái giá cao quá chăng ? Làm sao Tâm quên được chuyến vượt biên liều mạng ‘nhất tiền khoáng hậu’ của bọn hắn. Cả bọn toàn thanh niên 15 đứa ngồi xếp hàng một trên chiếc ghe dài 9 thước đóng kiểu Thái Lan ‘cao mũi, nhọn lườn’ loại chẻ sóng đi biển, để qua mặt và tránh bị bọn công an nghi ngờ nên ghe không gắn mui, chiếc máy ‘Yanma’ cải biến cộng thêm bộ số của máy ‘xe reo’ nên chiếc ghe chạy ngọt lắm, chỉ cần lên ga là nó ngóc mũi xé nước chạy phăng phăng. Trên ghe Quang là tài công rất thành thạo nghề đi biển. Gia đình Quang làm nghề ngư phủ trên biển đã bao nhiêu đời, họ rành rẽ sông nước và biết thời điểm nào biển lặng gió êm nên đã chủ động chuyến đi này. Sang ngày thứ tư ghe đã đến hải phận Mã Lai nhưng nếu không được ngư phủ Mã Lai chỉ đường đến đảo Bidong bọn hắn đã đi lạc vào vùng vịnh Thái Lan rồi. Những cây dừa xanh trồng dọc theo bãi cát trên đảo Bidong nhìn xa như những cây dừa xanh mọc dọc theo bờ sông quê hắn. Có những buổi trưa nhìn những cây dừa xanh sai trái trên đảo, Tâm thèm khát trái dừa xanh óc ách đầy nước mát và ngọt dịu hắn thường uống trong những trưa hè oi bức bên nhà, miếng cùi dừa trắng muốt được nạo ra thả vào ly nước dừa trông mềm mại bắt mắt làm hắn liên tưởng đến phát thèm. Trên đảo Bidong dừa là thứ ‘quốc cấm’, lính Mã bắt được ai trèo cây hái dừa họ phạt nặng lắm. Tâm đã chứng kiến bọn lính Mã lấy ‘dùi cui’ quật túi bụi lên đầu lên cổ những người tỵ nạn leo cây hái dừa, không những bị đánh mà còn bị cạo đầu và phạt ngồi ‘chuồng cọp’. Năm thì mười họa, có trái dừa khô gặp hôm mưa to gió lớn rớt xuống đất mới được phép nhặt. Dừa khô chỉ có nước bào ra lấy nuớc cốt dừa nấu chè xôi nếp hay xắt mỏng kho chung với cá ăn sừn sựt cũng ngon, còn nước dừa khô chua loét không ai uống chỉ đổ đi thôi, người tiếc của thì đổ vào nồi cá kho cho cá mềm và mau rục.