Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Giao Tuyến

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6629 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giao Tuyến
Vũ Hồi Nguyên

Anh hãy để Thư nói, đừng ngắt lời. Có rất nhiều điều Thư muốn nói với anh sau ngày anh đi. Lúc nào cũng vậy, những lời đáng nói luôn luôn đến trễ, quá trễ. Làm người ta bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội để hiểu nhau.
Cứ tạm coi như anh và Thư có một lần gặp gỡ. Gặp gỡ nhau được một lần, vậy thôi. Hai thế giới khác biệt, gặp nhau một thời gian, hai năm, không biết là quá ngắn hay quá dài, rồi tách rời. Chúng mình chỉ đủ thời gian khám phá nhau. Chẳng kịp có gì chung, ngay cả những thói quen đầu tiên.
Anh đến, anh đi, như một kẻ ở trọ những cuộc đời người khác, không một nơi trú thân cố định. Thường thường, thời gian tạo những tiện nghi giữ người ta lại một chỗ. Nhưng ở anh, chuyện gì cũng báo trước một ngày ra đi về sau. Không lẽ chỉ có những bước chân đi từ người này qua người khác, một chắp nối những mẩu chuyện ngắn, một mớ tạp nhạp những mảnh phần rời rạc?
Thư đã chồng con. Ở một người đàn bà như Thư, những tình cảm phiêu bạt đó đây đã được thu về một mối. Đã đầy đủ đồng hành cho phần đời tiếp theo. Người chồng bên cạnh không quan trọng bằng những hy vọng gửi trọn vào những đứa con. Ngoài ra, chỉ thoáng thấy những khuôn mặt đi qua, thay đổi theo những giai đoạn của đời sống gia đình. Thế mà...
Còn anh, anh lang thang một mình ở ngoài những nơi chốn ổn định. Anh xa lạ với những bận tâm bình thường của mọi người. Cô đơn của anh cùng cực. Nhưng anh chỉ biết sống với nó, không biết sống với ai, kể cả với chính mình.
Đáng lý ra anh và Thư chẳng có chỗ nào gặp nhau. Nhìn thấy nhau đã là chuyện không ngờ. Dù chỉ một lần, trong một thời gian ngắn.
Anh muốn biết gia đình Thư bây giờ ra sao? Không có gì thay đổi. Không thể có gì thay đổi. Thư tiếp tục đến phòng mạch chữa răng bốn ngày mỗi tuần. Anh Dương vẫn vậy, làm sao khác. Hai đứa nhỏ cứ thêm dần sinh hoạt, ngày nghỉ trong tuần của Thư mất hết thì giờ vào chuyện đưa đón chúng. Anh Dương không còn nhắc đến anh. Ngày hôm nay, hai người hai sở làm khác nhau, hết liên lạc cũng dễ hiểu.
Đến lượt Thư hỏi thăm anh. Thư không biết hiện nay anh ở đâu, sống ra sao. Nhưng thật ra không quan trọng. Gặp gỡ của chúng mình chỉ có một lần. Chưa kể là với thời gian nó không còn thật. Nó đã dày thêm lớp tưởng tượng Thư đắp lên trên. Anh biết không, Thư đã học được của anh cái thói sửa đổi sự thật theo ý mình. Cho đến khi những ảo ảnh làm nên một sự thật khác.
Thư chỉ thắc mắc là anh còn giữ gì về mình. Thư không đoán được mình ở đâu trong trí nhớ anh, giữa những kỷ niệm linh tinh về những người đàn bà đến trước và đến sau. Thư không ghen với họ. Không ai giành được anh cho riêng mình. Và Thư đã nhận phần của Thư.
+
Chắc anh cũng thấy, Thư không có thiện cảm với anh khi mới quen. Một người đàn ông sống một mình là một phần tử đáng nghi ngờ. Cuộc sống gia đình của Thư không thể phơi ra cho cái nhìn của một kẻ lạ, một hạng người không có vẻ gì đàng hoàng tử tế. Anh đến làm gì với gia đình Thư? Anh sống lập dị, đã có những giới riêng cho người lập dị, ở nơi khác. Anh muốn nhìn một lối sống bình thường? Nhưng làm sao anh hiểu được rằng hạnh phúc gia đình nó chỉ thế thôi?
Rồi những ác cảm giảm dần khi Thư khám phá một cá nhân vui tính, xuề xoà, nghĩ cho cùng không nguy hiểm gì lắm. Anh không bao giờ kể về lối sống của mình. Có khi còn tìm cách thoát ra ngoài sự chú ý của người khác. Tuy vậy, chính những lúc anh cố gắng đi đứng như thiên hạ, trịnh trọng khách sáo với kẻ đối diện, gật gù nói hùa theo ý đa số, vỗ tay nhảy hát trong các cuộc vui, chính những lúc đó Thư lại thấy cái khác người của anh nổi bật, không biết đáng phục hay đáng tội nghiệp.
+
Hồi đầu, những hôm ngồi riêng với vợ chồng Thư, anh thích nói đùa, và những pha trò của anh làm hai vợ chồng cười không ngừng.
Trước tiên, anh cười chính cá nhân mình. Anh đưa ra một chân dung đúng là khôi hài. Một cá nhân loay hoay không biết phải sống ra sao. Chẳng hiểu chuyện gì cả, khi tưởng hiểu thì lại hiểu sai. Bản thân đã bất tài còn xấu thói, đầy tật. Cái dại khờ thi đua với cái gàn dở. Trí não đóng băng, tình cảm lẩm cẩm. Lúc thì hấp tấp vụng về, sống chật nhịp với mọi người. Lúc thì chậm chạp lỗi thời, không theo kịp tốc độ của văn minh. Hết lầm thời gian lại lộn không gian. Ở chổ nào cũng như một kẻ lạc môi trường. Có ai nghi ngại một con người buồn cười như vậy?
Rồi cái nhìn châm biếm của anh hướng về thiên hạ chung quanh. Anh đùa về cái giới của mình, những người Việt định cư lâu năm ở nước ngoài, nay đã khá giả. Anh vẽ lên hình ảnh một hội chợ làng cố tìm nhộn nhịp trong cái nhỏ xíu của nó. Ở đó, ai ai lúc nào cũng như nhún nhảy lắc lư trong những màn trình diễn phô trương nhạt nhẽo, vô duyên. Người ta tranh nhau lời nói, tuyên bố mình có đủ thứ, dư thừa nào là tiền của, nào là chức vị, nào là kiến thức bác học, nào là lòng yêu nước, nào là sự thương hại bố thí cho đám đồng hương thấp kém... Nói gì đến hạnh phúc, cái đó đương nhiên ở cá nhân mỗi cái tôi, tuy khó lắm ở người khác. Người ta giành nhau chỗ đứng. Khó mà biết được ai hơn ai, chỉ một chút tiếng tăm quyền hành vụn vặt đẻ ra ngay một thiên tài ghê gớm, cái đinh của các dạ vũ liên hoan, cái rốn đích thực của vũ trụ. Rốn mọc lên như nấm, khắp nơi, giống nhau như đúc, từ trong bụng ra bên ngoài. Người ta đua nhau lừa dối, biết cười khóc theo quyền lợi và âm mưu, biết bao bọc những dơ bẩn hèn nhát bằng những mỹ từ hào nhoáng cao thượng. Từ kẻ học làm sang đến kẻ tưởng đã sang, những nhân vật lố bịch và thiểu não lũ lượt xuất hiện trong những câu chuyện anh kể. Toàn những bộ mặt tự mãn chen lấn nhau trên một sân khấu nhỏ thấp, màu mè và ồn ào.
Nào anh chịu ngừng ở cái cộng đồng của mình! Anh đụng luôn vào những thần tượng mọi người trọng nể. Anh hạ bệ những nhà lãnh đạo quyền lực vô hạn, các đại trí thức nắm hết chân lý trong tay, các vị thánh sống nghiêm canh đạo đức xã hội. Đối với anh, họ chỉ là những kẻ đầy tham sân si như mọi người. Những bọn thân cận tâng bốc họ khi nào còn thấy cái lợi của chúng trong đó. Họ được đúc thành những pho tượng lớn để thoa? mãn những quần chúng thiếu lý tưởng.
Bêu xấu các cá nhân không đủ, anh tấn công vào các giá trị và niềm tin của số đông. Biến những đề tài nghiêm chỉnh trọng đại, như chính trị và văn hoá, thành những đề tài để bông đùa. Anh nói làm sao mà các ý tưởng thời thượng trở thành những quả bong bóng rỗng tuếch, dễ xì hơn dễ nổ. Trong cái nhìn của anh, niềm tin mới của xã hội, cái niềm tin đặt vào văn minh của thị trường, mới nhúm lên đã nặng chịch những tham lam ngắn hạn và những ảo tưởng lâu dài. Anh giễu cợt về các loại văn hoá " mì ăn liền " và các nghệ sĩ chỉ lo mời mọc dân tiêu thụ có tiền, là ngoại quốc thì nhất. Một cách đùa nghịch của anh là đi ngược dòng các khuynh hướng hiện thời, tung ra những quan niệm lập luận quái gở, không giống ai. Nếu cần cho cái cười, anh không ngại đổi xoá sự thật, vừa đủ thôi. Trải một lớp nghịch lý lên các sự kiện. Chích một liều bi hài kịch vào những câu chuyện còn nhạt nhẽo. Anh tô đậm, bôi nhọ, thổi phồng, bóp méo, cắt nối, đảo lộn... Anh pha trộn sự thật với tưởng tượng, cái cười vô hại và sự đả phá, câu mỉa mai và lời tố cáo.
Cả một tràng cười trước một hài kịch đầy những nhân vật trào lộng và những hoạt cảnh phi lý. Sau đó chẳng còn gì quan trọng. Chẳng còn gì đáng tin cậy. Chẳng còn gì để tranh cãi.
Làm sao mà Thư không hiểu! Cái cười đời ở đây là một thái độ từ chối thực tế. Với thực tế, anh không biết thoa? hiệp, nhân nhượng, chấp nhận những gì mọi người chịu đựng. Anh châm biếm cuộc sống để đẩy thực tế ra xa, giữ một khoảng cách với nó, làm một hàng rào ngăn cách. Thực tế là thù nghịch vì, ngày này qua ngày khác, nó cứ làm tan biến những chờ đợi và ảo tưởng của anh về con người.
+
Những lời đùa giỡn của anh mà đem ra chỗ đông người, người ta sẽ thích thú khoái trá, khen anh có duyên, muốn nghe hoài. Ai cũng dễ dàng cười người khác, có bao giờ thấy mình bị liên quan. Mấy ai để ý đến một sự bất mãn, một cái nhìn bi quan, một nỗi thất vọng. Nhưng không, Thư có thể yên tâm. Anh đâu chịu làm vui những buổi họp mặt, càng từ chối làm hề cho một đám người cần giải trí.
Dần dần, anh để dành những câu chuyện chọc phá đời cho những lúc chỉ có anh và Thư. Để dành chúng cho riêng Thư. Chúng mình thân nhau qua những trận cười không có nhân chứng. Cho dù chúng có thể bật lên ở bất cứ nơi nào. Giữa đường phố đám đông, ngay trong một tiệm ăn lịch sự, một buổi tiếp tân long trọng, một nơi thuyết trình văn hoá cao siêu, không khí trang nghiêm của nhà thờ chùa chiền, không khí đấu tranh của một cuộc hội thảo chính trị... Thư làm sao quên được những trận cười bất kể trời đất, chẳng nể nang gì những giá trị đạo đức phổ biến, đạp lên cả những lá cờ biểu ngữ của các đám cuồng tín.
Những thận trọng ý tứ giữa chúng mình tan biến nhanh trong cái cười. Bắt đầu là thiện cảm tự nhiên giữa hai người bạn dễ vui. Sau đó là sự gần gủi của hai kẻ cùng phe trong trò chơi nói xấu thiên hạ. Cuối cùng là tình cảm đồng loã chung một âm mưu chống đối thực tế chung quanh. Và Thư đã đi theo tiếng cười phản kháng ấy. Tung hê mọi thứ để theo nó, cho đến những nề nếp suy nghĩ đã làm nên một cuộc sống chuẩn mực.
+
Dĩ nhiên Thư so sánh anh với chồng của mình, người đàn ông chung sống với Thư đã được hơn mười năm. Anh phải hiểu, anh Dương là sự an toàn Thư không thể thiếu. Nếu liệt kê những đức tính của chồng Thư thì dài lắm. Nào là một người tốt, vừa thực tế vừa có tham vọng. Nào là một bằng kỹ sư đàng hoàng, và vô số dự tính cho tương lai. Tính tình ôi thôi là giản dị dễ chịu, tinh tế kể gì trong giao dịch với người khác. Những đam mê tìm đâu cho ra mà sợ sao lãng chuyện gia đình và nghề nghiệp. Tinh thần trách nhiệm, ý thức bổn phận, chuyện đâu ra đấy, chiều vợ con như thể trông nom cây hoa trong vườn. Đâu có lúc nào quên việc tiến thân và đầu tư tiền bạc. Các ý tưởng chính trị xã hội à, luôn luôn thận trọng và ôn hoà. Những tính xấu? Chúng chẳng có gì đặc biệt hơn những tính tốt. Anh còn muốn Thư nói gì thêm? Đúng, Thư hài lòng với cả những sở thích của anh ấy. Như trong các rao vặt tìm bạn đời, chồng Thư thích du lịch, thích giải trí lành mạnh, thích sửa sang nhà cửa, thích tự mình rửa xe mỗi tuần. Một người đàn ông gương mẫu, một may mắn cho bất cứ phụ nữ nào.
Giữa anh Dương và Thư có gì, anh biết không? Có hai đứa con, một hình ảnh vợ chồng hoà thuận, những quyền lợi góp chung, những nhường nhịn để yên thân, những thói quen cho dễ sống. Thư còn muốn gì nữa?
Với anh Dương, Thư đã chọn một người chồng, không phải một người yêu. Ở tuổi Thư muốn lấy chồng, có anh Dương là gần nhất. Một cá nhân tương đối hội đủ khả năng để cùng Thư xây dựng một công trình lâu dài. Chỉ trong tiểu thuyết, người ta mới lẫn lộn hôn nhân với tình yêu. Ở đời thật, hôn nhân là một kế hoạch, may ra thì cuối cùng được một chút tình nghĩa. Những tình cảm Thư trao cho anh Dương, không chừng chẳng có lúc nào dành riêng cho cá nhân anh ấy.
Anh Dương dễ hiểu bao nhiêu thì anh phức tạp bấy nhiêu. Mọi suy nghĩ hành động của chồng Thư đều có thể giải thích được. Chúng được xã hội và giáo dục quy định. Anh thì bất cần những giá trị của thiên hạ, coi thường những nguyên tắc đạo đức, chỉ sống theo cảm thức. Anh Dương thăng bằng, từ tốn. Anh sôi sục, đòi hỏi nhiều để rồi thất vọng không ngừng, đam mê và hoài nghi lẫn lộn trong người. Anh Dương trong suốt, không khi nào gây ngạc nhiên. Anh khác hẳn, thu tất cả vào nội tâm, như tìm cách cố thủ trước sự vây hãm của thực tế đời sống.
Thư không biết gì về quá khứ của anh. Anh nói, nó chẳng có gì ghê gớm để kể. Thư đoán trong đó có những thất bại lâu quên, nhiều chuyện không may, những cơ hội bỏ lỡ, những tình yêu đánh mất, và một nỗi chán chường dai dẳng.
Nhưng Thư không muốn nhìn vào quá khứ này. Thư chỉ muốn biết anh đúng ở thời điểm chúng mình gặp nhau, không có quá khứ và tương lai. Muốn hiểu anh từ kết quả của tất cả những gì anh đã hứng nhận. Thư còn muốn đẩy ra xa cái quá khứ của anh. Thư ghét nó. Nó làm giữa anh và Thư không có bình đẳng. Lạ thật, cứ như cuộc đời bình thản của Thư ghen với quá khứ của anh, nhìn những bất hạnh trong đó như một sự giàu có đáng thèm.
So sánh làm gì anh với những người khác! Bên cạnh anh, họ trở thành quá giản dị, an phận, tẻ nhạt. Anh không mạnh, nhưng anh dám từ chối sự an toàn của đám đông. Anh không thực tế, nhưng cái mơ hồ hão huyền của anh như có gì đáng quý hơn cái tỉnh táo sát mặt đất của nhiều người. Anh không thành công, nhưng anh tự do hơn những cá nhân chạy theo quyền thế, tiền bạc, danh vọng, những kẻ chỉ hiện hữu được trong sự so sánh với người khác. Thư nghĩ đời anh lận đận, nhưng cái khổ của anh nhiều chất sống hơn những khuôn mẫu hạnh phúc đóng hộp.
+
Không biết từ khi nào những tháng ngày phẳng lặng của Thư bắt đầu trở gió. Những cơn gió mỗi lúc mạnh thêm, bóc gỡ dần các lớp sơn, lớp giấy màu che phủ những bức tường thô. Chúng lay chuyển những thành quả của một cuộc sống ổn định. Chúng tấn công vào những rằng buộc vô hình kềm giữ những ước muốn chưa thuần. Chúng gọi trở về những khao khát đã bỏ quên từ lâu.
Thư như người tỉnh dậy từ một giấc ngủ dài. Ngạc nhiên thấy thời gian đã để những con mọt đục khoét những cột thành tưởng mãi mãi vững bền.
Hồi nhỏ, trong môn toán, có những biểu đồ vẽ về ảnh hưởng của thời gian. Trong đó Thư chỉ thích những đường thẳng. Những đường thẳng tuyệt hảo, toàn mỹ. Con bé thuở đó có một ước mơ. Nó muốn thời gian cho đời nó một đường thẳng, thật thẳng. Về sau, mọi cố gắng của Thư không ra ngoài những tính toán cho những đường thẳng, nối liền thực tại với một mục đích chính xác. Để tranh thủ thời gian, giữ vững hướng đi, giản dị hoá cuộc sống. Cứ thế Thư đi từng chặng đường thẳng tắp, chỉ nhìn về nơi phải tới, không ra ngoài vết kẻ và những trông chờ có từ đầu. Không dành chỗ cho bất ngờ, chọn sự toại nguyện thay cho những hạnh phúc thực sự. Ngày hôm nay, Thư tự hỏi những con đường thẳng này đã làm mình mất mát những gì.
Rồi đến những cái khung. Thư thấy mình đi đứng trong những cái khung lớn nhỏ, chồng chéo lên nhau. Một khung cho xã hội Âu Tây, một khung cho xã hội Việt Nam, một khung cho văn minh hiện đại, một khung cho giáo dục cổ truyền, một khung cho các con, một khung cho chồng, một khung cho mỗi đối tượng, cho đại gia đình, cho cộng đồng, cho bạn bè, cho hàng xóm... Những cái khung cắt nhỏ không gian, áp đặt sự vuông vắn ngăn nắp cho vừa ý con mắt thiên hạ. Bây giờ Thư thèm muốn thoát ra khỏi mọi cái khung và những cái nhìn phê phán đi kèm. Không còn chịu nổi một cuộc sống chật chội, lệ thuộc vào đòi hỏi của số đông. Thư muốn đi tìm những nơi rộng thoáng, những không gian trinh nguyên, không có đất, không có trời, không có gì đằng trước, không có gì đằng sau.
+
Mọi thứ đã sẵn sàng, mọi chuyện sẽ tự nhiên, im lặng len lỏi vào giữa những trao đổi, một tiếng cười đứng lặng trong khoảng không, vì có người bất chợt nhìn thấy gì đó, một lời nói nửa chừng không còn quan trọng, ý nghĩa giây phút đã rời đi nơi khác, những con mắt hỏi nhau chuyện gì đã thay đổi, dù hiểu ngay, hiểu thừa, im lặng làm gì cho lỡ lời, một điều trầm trọng sắp xảy ra, chắc chắn, không thể khác, không ai sợ, chỉ dao động bồn chồn, thời gian hãy chậm lại, hay nhanh lên, chẳng biết nữa, có gì nhoà hẳn đi, có gì quá đậm rõ, chuyện không ngờ thật ra đương nhiên, nhưng vẫn cứ giật mình, không chừng chính vì nó đương nhiên quá.
Chúng mình dẫn nhau vào giữa một không gian màu trắng. Trắng tuyệt đối. Trắng loà. Trắng quá khứ và tương lai của anh. Trắng quá khứ và tương lai của Thư. Trắng những con mắt nhìn. Trắng sạch mọi thận trọng. Trắng kín một chỗ cho tội lỗi. Có gì không thể bắt đầu từ màu trắng này?
Thư có thấy lằn ranh hiện ra. Thấy rõ chứ, Thư đã mở to mắt chờ nó mà. Thư biết, bước qua lằn ranh là chấm dứt hết một quá khứ, thay đổi cả một con người. Thư có đủ thì giờ, không thể nói bị bất ngờ. Ngay trong cơn xoáy, ở mỗi giây phút Thư đều có thể phản ứng. Bất cứ phản ứng nào, nhỏ yếu đến đâu đi nữa, cũng còn là một kháng cự. Nhưng không. Thư tuyệt nhiên không có một phản ứng. Không cảm thấy gì khi vượt qua lằn ranh. Làm như lằn ranh chỉ là thời điểm chính xác của một sự hoá thân đã chín muồi.
Kể từ đó Thư bước vào một vùng sương mù dầy đặc. Mò mẫm đi theo những tiếng gọi giục giã thoáng nghe thấy ở hướng này hướng khác. Thư tìm mọi cách bám víu vào sự thật của những tình cảm. Thư nâng niu từng cảm xúc, những dấu vết trong sạch cuối cùng ở mình. Chuyện sống còn của bản thân mình nằm ở đây. Đâu có gì khác để đối mặt với tội lỗi. Rồi cứ yên trí được phần nào là lại muốn đi xa hơn nữa, đi tới cùng. Mọi chuyện kéo dài được bao lâu, thật ảo như thế nào, mặc kệ. Những giây phút của hiện tại trói buộc tất cả ý thức. Các cấm đoán trở thành nơi bộc phát những tự do mới. Tự do đến độ chóng mặt, mê sảng. Đồng thời, chưa bao giờ Thư tùy thuộc vào một cá nhân đến thế. Thư để anh định đoạt mỗi vui buồn của mình, mỗi suy nghĩ ưu tư, mỗi ước mơ hy vọng. Thư trao cho anh luôn cả thời gian của mình. Những tháng ngày từ bỏ bước chân đều đặn, quay tròn nhảy múa vòng quanh những cuộc gặp gỡ của chúng mình. Mà có gì đâu, chỉ vỏn vẹn những lần hẹn hò giấu giếm và dở dang, không làm nổi một câu chuyện đàng hoàng.
+
Quả thật là khó hiểu. Anh không ở lâu với bất cứ ai, thế mà đến ngày hôm nay, Thư vẫn không nghĩ anh là một kẻ ích kỷ. Anh đã chấp nhận nguyên vẹn con người Thư. Chấp nhận ở Thư những quan niệm anh không hiểu hay không chia sẻ. Chấp nhận cái tầm thường của một cá nhân không dám sống hẳn những gì mình nghĩ. Anh không đòi hỏi một sự trao đổi đồng đều. Giữa Thư và anh, từ đầu tới cuối, không có ai mạnh ai yếu, ai được ai thua, ai lợi ai thiệt. Và anh đã dành cho Thư một tình thương không đắn đo, không chờ đợi trả lời. Biết bao nhiêu lần Thư đã thấy những cử chỉ lời nói của anh miệt mài vun trồng từng niềm vui nhỏ cho Thư. Đã thấy những lúc tất cả sự trìu mến của anh như đọng lại trên từng phản ứng của Thư. Không, dứt khoát là không, anh không tước đoạt gì của Thư để giữ riêng cho mình.
Vô lý! Tại sao tự nhiên Thư lại bào chữa cho anh? Tại sao Thư không oán ghét được anh, kẻ đã phá rối cuộc sống bình yên của mình? Thư cận thị quá, chỉ nhìn thấy những gì mình nhận được. Thế còn cái thái độ lạ lùng của anh đối với những tình cảm đến từ Thư? Mỗi lần, làm như anh ngạc nhiên, không mong đợi chúng. Thiếu điều anh khó chịu, như bị chúng quấy rầy. Thư càng muốn cho anh nhiều, anh càng khép kín mình lại trong một phản ứng man dại. Với anh, tình yêu chỉ giới hạn ở những gì anh cho tặng. Lúc đầu Thư tưởng anh hoài nghi mọi chuyện, không tin vào sự chân thật của bất cứ ai. Nhưng bây giờ Thư hiểu, anh chỉ biết cho, anh không biết nhận. Anh mở toang cửa cho những tình cảm của mình ra ngoài, nhưng khoá chặt cửa không cho những tình cảm của người khác đi vào. Vậy anh có biết người ta bị hụt hẫng, trơ trẽn ra sao khi những biểu lộ thương yêu của mình bị từ chối? Chắc anh không có một mảy may suy nghĩ nào về chuyện này. Thư vừa nói anh không ích kỷ! Tất cả ích kỷ nằm ở đây, bây giờ quá rõ. Người ta ích kỷ khi nhận dễ cho khó. Anh ngược đời, cái ích kỷ của anh cũng ngược đời.
Anh khước từ những tình cảm nhận được, để Thư giải thích tại sao. Cũng phải có người nói cho anh một lần sự thật! Sự thật là anh có thể rộng lượng với người khác, nhưng tuyệt đối không biết khoan dung với chính mình. Anh nghĩ mình không xứng đáng với bất cứ tình yêu của ai. Sự thật, anh biết không, là anh không thương bản thân anh. Thương hại cũng không. Thư phải nói cho hết. Anh thất vọng về thiên hạ không bằng thất vọng về chính anh. Đến độ anh không tin mình có thể cho người khác một hạnh phúc lâu dài. Anh còn sợ gây khổ cho ai nhìn vào được nội tâm của anh. Đừng tưởng Thư nghĩ có gì đẹp đẽ cao thượng ở đây. Thư chỉ trông thấy một sự tật nguyền. Chỗ đụng độ của anh với chính mình là một nơi đóng kín. Tình thương từ ngoài không thể vào. Anh có ra sao, không ai làm gì được cho anh!
+
Thư phải ngừng lại. Những lời nói đã quá đáng, chỉ còn làm đau. Thư đã mất bình tĩnh. Một năm rồi mà cứ như anh vẫn còn ngồi trước mặt. Anh đã đi xa. Trên con đường anh đi, có những người đàn bà, như Thư, nhận được những gì đẹp nhất của anh, có lẽ cũng thuộc về những gì đẹp nhất của đời Thư. Nhưng không ai yêu được anh như mình muốn. Có người đã bị chạm tự ái. Có người đã kết luận tình yêu đó thật ra không dành cho mình. Người nào cuối cùng cũng nản lòng.
Anh đừng nói gì. Có nhiều điều Thư đã hiểu. Có nhiều điều Thư không thể nào hiểu. Ở chỗ giao tuyến của hai cuộc đời, màu sắc những tháng ngày đậm lại, nhưng ở đó còn thiếu mãi phần cô đơn của mỗi người. Bây giờ Thư ước mong, một ngày nào đó, có một người đàn bà tuyệt vời, biết làm đẹp những gì anh trông thấy, ở chung quanh và ở trong mình.
tháng 12 năm 1999


Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 755

Return to top