Vào lúc đó, đoàn hát thường bị những nhóm du đãng gọi là “Peragoro” sống bám vào. Đó là những thanh niên hư hỏng, bỏ nhà ra đi, nương náu theo các đoàn hát và hành động theo sở thích nhất thời, không tuân theo một luật lệ gì cả. Có lúc chúng tỏ ra ngoan ngoãn, biết điều, nhưng cũng có khi chúng sách nhiễu, đòi hỏi đủ thứ. Trong nhóm du đãng có một thanh niên khoảng 17, 18 tuổi chi đó tên là Ryochan. Tuy còn trẻ nhưng hắn đã tỏ ra gan dạ, bướng bỉnh không thua những tay anh chi lão luyện trong nghề. Hắn sẵn sàng làm đủ mọi việc từ khuân vác, quét dọn sân khấu cho đến đâm thuê, chém mướn. Tôi nghe nói lúc cần tiền, hắn dám cướp cả những sòng bạc có người canh gác cẩn thận. Tuy bề ngoài liều lĩnh hung hăng là thế nhưng bên trong hắn vẫn chỉ là một đứa bé hay e thẹn, bẽn lẽn trước phụ nữ. Một hôm gặp hắn lang thang trong hậu trường, tôi hỏi:
- Nầy Ryochan, sao em cứ quanh quẩn ở đây mãi vậy?
Lúc đầu Ryochan thẹn thùng không trả lời, nhưng về sau hắn ấp úng:
- Tại em không có nhà để trở về.
Tôi biết các thanh thiếu niên nầy đều thuộc thành phần lêu lổng, bỏ nhà ra đi nhưng mỗi khi kiếm được chút tiền, chúng cũng biết trở về thăm nhà và dấm dúi cho cha mẹ hoặc anh chị em chút tiền quà bánh.
Ryochan cho biết thêm:
- Thưa chị, em không có mẹ.
Vừa nghe vậy tôi mủi lòng ngay và thông cảm hoàn cảnh đáng thương của hắn. Tôi nghĩ rằng đây là một đứa bé đang lầm đường lạc lối cần có người săn sóc và hướng dẫn cho đến khi trưởng thành. Tôi lập tức từ bỏ gánh hát đưa Ryochan đến tỉnh Nagoya, xây dựng một cuộc đời mới.
Sau khi chung sống với tôi một thời gian, gã du đãng hung hăng liều lĩnh đó đã trở nên ngoan ngõan hiền lành như một con cừu non. Hắn tìm được việc làm tại tòa báo địa phương, phân phối báo cho các đại lý. Dưới sự hướng dẫn của tôi, hắn ghi tên đi học lớp bình dân giáo dục để có thể đọc được sách báo và mở mang thêm kiến thức. Phần tôi thì khác, chỉ một thời gian ngắn tôi thấy mình trở nên một người đàn bà độc đoán, ghen tuông và nóng nẩy. Không hiểu sao những chủng tử xấu nằm sâu trong tiềm thức của tôi tự nhiên trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Tôi thấy mình đã thốt ra những câu vô lý như “Ryochan, tại sao giờ nầy em mới về nhà?”, “Ryochan, em phải làm việc nầy ngay lập tức”. “Ryochan, tại sao tiền lương tháng nầy lại ít vậy” Phải chăng em mang bao một con đĩ nào đó rồi?” Tôi càng cố gắng kiểm chế mình bao nhiêu thì lại thấy mình càng nóng nảy, giận dữ bấy nhiêu. Suốt ngày tôi la hét, quát tháo bắt Ryochan phải làm theo ý muốn của mình. Dần dần tôi nhận thấy rằng cái mà tôi tưởng là tình thương chẳng qua chỉ là một sự ích kỷ, một thứ quyền lực, một hình thức biểu hiện của những hạt giống đau khổ, cay đắng mà tôi đã tiếp nhận từ trước. Tôi vẫn nghĩ mình có ý tốt, muốn cứu vớt giúp đỡ người khác nhưng không hiểu sao hành động của tôi lại trái ngược hẳn, thay vì cứu vớt Ryochan, tôi thấy mình mới là kẻ cần được cứu vớt hơn ai hết.
Trong khi Ryochan đi làm, tôi thường tụ tập với những người đàn bà trong xóm để đánh bạc hay nói chuyện ngồi lê đôi mách. Thỉnh thoảng họ cũng rủ nhau đi chùa lễ Phật nhưng đây chỉ là một hình thức xã giao bề ngoài của những kẻ nhàn rỗi. Họ đến chùa để chưng diện quần áo, để nói chuyện mưa gió thời tiết, để khen chê lẫn nhau chứ không phải để học hỏi giáo lý. Phần tôi thì khác, tôi nghĩ rằng tôn giáo có thể giúp tôi tìm ra một lối thoát cho hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Tôi bèn tham dự các khóa lễ, tụng kinh niệm Phật và hăng hái quyên góp tiền bạc để trùng tu chánh điện, đúc tượng, tô chuông. Ryochan không hề phản đối việc nầy. Hắn chẳng bao giờ phàn nàn về việc tôi vắng nhà thường xuyên cho các công tác của chùa cả.
Sau một thời gian hăng say làm công quả, tôi không thấy mình tiến bộ được bao nhiêu, vẫn độc đoán, ích kỷ và hay nóng giận như trước. Một hôm sau khóa lễ, tôi hỏi vị trụ trì:
- Những bài kinh dài nầy nói những gì?
- Kinh Phật cao siêu vô cùng, nói ra cô cũng chẳng thể hiểu được.
- Tại sao thầy lại nghĩ như thế? Chúng tôi ê a bài những kinh nầy cả ngày thì cũng cần phải hiểu ý nghĩa của nó chứ.
- Theo ý tôi, cô chỉ cần lo quyên góp tiền bạc để xây chùa, đức tượng, tạo chút phước đức là đủ rồi, đừng tìm hiểu những điều cao siêu không thể nghĩ bàn.
- Nhưng nếu không thể hiểu được những điều mình đọc thì tụng kinh làm gì? Ít ra người ta cũng cần biết những điều đức Phật đã chỉ dạy chứ.
Vị sư suy nghĩ một lúc rồi trả lời vắn tắt:
- Đức Phật dạy rằng: “Kẻ nào tạo nhiều phước đức sẽ hưởng sung sướng ở kiếp sau, còn kẻ nào không biết làm phước sẽ đọa vào địa ngục”.
Tôi không sợ phải đọa vào địa ngục và cũng không cần được hưởng sung sướng ở một kiếp xa vời nào đó. Cái mà tôi cần là làm sao giải quyết được những vấn đề khó khăn trong đời sống hiện tại. Tôi thắc mắc:
- Nhưng không lẽ người ta bất lực không thể làm gì khác hơn là chờ đợi một đời sống tốt đẹp hơn ở kiếp tương lai?
- Dĩ nhiên rồi, vì cô đã tạo nghiệp xấu ở kiếp trước nên kiếp nầy phải trả.
Tôi không biết mình đã tạo những nghiệp xấu gì nhưng lời giải thích đó làm tôi khó chịu. Tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả việc làm của mình, nhưng không thể thụ động bó tay, chờ đợi một hứa hẹn hão huyền nào đó. Thấy tôi có vẻ không tin, vị sư bực bội:
- Cô thắc mắc nhiều quá, nghi ngờ người tu hành là một điều xấu, sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián.
Tôi không chấp nhận lời giải thích có tính cách dọa nạt nên bỏ ngôi chủa đó, tìm đến một chùa khác thuộc phái Nhật Liên Tông (Nichiren). Vị trụ trì nghe tôi kể lể sự tình bèn nổi giận:
- Thật đáng tiếc khi có những kẻ quá chú trọng đến hình tướng bên ngoài mà làm hoen ố giáo pháp cao quý của đức Thế Tôn như vậy. Thời mạt pháp có khác, giáo lý của đức Phật bị những kẻ tu hành không chân chính xuyên tạc, lạm dụng để tích lũy tài sản.
- Theo ý thầy thì hiện nay tôi phải làm gì?
- Con đường tốt nhất lúc nầy là tụng kinh Pháp Hoa, và giản dị hơn nữa, thay vì niệm Phật, cô chỉ cần niệm Pháp là đủ, vì Pháp là tất cả. Cô chỉ cần xưng tụng câu “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” thì sẽ được giải thoát vì đó là thông điệp chân thật nhất của đức Phật.
Tôi nghĩ thầm: “Ít ra vị sư nầy cũng khuyến khích mình đọc kinh thay vì quyên góp tiền bạc để cầu phước”. Tôi trở nên đệ tử của vị nầy nhưng chỉ một thời gian sau tôi thấy vị nầy cũng không hơn gì vị trước. Ông dành rất nhiều thì giờ để chỉ trích, công kích các tông phái khác của Phật giáo hơn là giải thích những diệu lý của kinh. Học trò của ông thường kéo nhau ra đường phố hùng hồn tranh luận với người của các tông phái khác mà họ gọi là tà giáo. Họ chủ trương bạo động, nếu cần thiết, để thiết lập một quốc gia xây dựng trên triết thuyết của Nhật Liên tổ sư. Lúc đầu tôi cũng hăng say tham gia việc truyền bá tư tưởng của phái nầy nhưng hình thức đả phá, tranh luận không mang lại cho tôi sự thoải mái nào, trái lại nó chỉ làm tôi thêm sân si hơn trước. Ngoài ra tôi không đồng ý cách truyền đạo có tính cách lôi kéo, quyến dụ tín đồ bằng phương pháp biện luận cũng như hành vi hung hăng, hiếu chiến của những người lãnh đạo phái nầy. Tôi bày tỏ ý kiến của mình với vị sư trụ trì. Thay vì an ủi tôi thì ông lại nổi giận:
- Nếu cô không tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của chúng tôi thì thôi, những kẻ lưng chừng, nửa tin nửa ngờ như cô chỉ là những kẻ phá hoại Phật pháp, đi theo con đường của Đề Bà Đạt Đa, và sẽ vĩnh viễn đọa địa ngục.
- Nhưng chính đức Phật đã chẳng nói rằng mọi chúng sinh đều có Phật tánh và ngay cả Đề Bà Đạt Đa cũng sẽ thành Phật kia mà.
Vị sư nổi giận quát tháo om sòm. Dĩ nhiên tôi không trở lại ngôi chùa đó nữa. Vài tháng sau tôi có dịp tham dự một buổi diễn thuyết tại đền thờ Kasuga của Thần đạo (Shinto). Một vị lão sư khuôn mặt nghiêm nghị đã bước lên diễn đàn nói về đề tài “ Chính tâm, thành ý” (Kokor, Makoto). Ông nói:
- Trong thiên nhiên đã có sẵn một trật tự chung. Biết sống với cái trật tự nầy là đã gần đạt được đến đạo rồi. Muốn đạt đến đạo lớn thì phải biết lập chí lớn; muốn lập chí lớn thì phải lo tu thân; muốn lo tu thân thì phải chính tâm; muốn chính tâm thì phải thành ý; và muốn thành ý thì phải biết rõ sự liên quan của tất cả mọi sự vật với nhau. Con đường tu tập phải bắt đầu bằng việc quán xét thật kỹ các hiện tượng trong trời đất, xét cho cùng chỗ tương quan của chúng, coi xem cái nào là gốc cái nào là ngọn, cái nào là nguyên nhân cái nào là hậu quả. Có biết rõ được điều nầy thì ý mới thành; và ý có thành rồi thì tâm mới chính; khi tâm đã chính thì thân mới tu sửa được. Và khi việc tu thân có hoàn mãn thì chí mới vượt lên cao, vươn khỏi mọi sự tầm thường để đạt đến đạo lớn. Thành ý (Matoko) là căn bản bao gồm tất cả mọi sự. Mọi giá trị đương thời như luân lý, đạo đức đều xây dựng trên cái căn bản quan trọng nầy. Nếu mình biết sống thành thật với chính mình, không tự lừa dối mình, thì hành động chân thật nầy sẽ biểu lộ ra ngoài, cảm hóa được những người chung quanh. Thành ý không phải là một cái đức mà còn là một năng lực cảm hóa hết sức mầu nhiệm, có thể thay đổi tất cả.
Tôi say mê theo dõi từng câu nói của vị lão sư và nhủ thầm: “ Đây mới thật là một vị thầy chân chính, đây mới chính là con đường mà ta mong đợi từ bao lâu nay”. Tôi nghĩ đến tấm lòng thương yêu chân thành của cha tôi mà muốn rớt nước mắt. Cả một dĩ vãng tự nhiên hiện ra rõ rệt trong tâm tôi. Phải rồi, tôi đã từng nghĩ đến cái căn bản nầy một cách mơ hồ sau khi đã được cảm hóa nhưng cho đến lúc đó chưa ai có thể giải thích một cách rõ rang, lưu loát như vị sư nầy. Tôi vội vã trở về nhà thu xếp hành lý đến gặp vị lão sư để xin làm đệ tử. Sau khi nghe trình bày hoàn cảnh, vị lão sư nghiêm giọng hỏi:
- Như vậy cô đã được phép của gia đình chưa?
- Thưa… chưa.
- Thế thì không được, cô hãy trở về nhà ngay. Có lẽ giờ nầy chồng của cô đang nóng lòng chờ đợi.
Tôi ôm mặt khóc ròng:
- Thưa thầy, con đã khổ công tìm kiếm con đường nầy từ bao lâu nay rồi. Xin thầy rủ lòng thương xót…
- Không được, ta không thể thu nhận cô nếu không có sự đồng ý của gia đình cô.
- Nhưng nếu con trở lại với sự ưng thuận của gia đình thì sao?
- Đến khi đó sẽ hay, bây giờ cô phải trở về nhà ngay.
Biết không thể năn nỉ gì thêm được, tôi gạt nước mắt trở về nhà. Lúc đó trời đã vào thu, nhiệt độ bắt đầu lạnh nên Ryochan trùm mền ngủ kỹ. Thấy tôi về, hắn chỉ nhô đầu ra khỏi chăn hỏi: “ Em đã về đấy ư?”. Hỏi xong, hắn lại vùi đầu ngủ tiếp. Nhìn khuôn mặt vô tư của hắn, tôi động lòng trắc ẩn và tự hỏi liệu mình có thể từ bỏ Ryochan được không? Cho đến lúc đó tôi đã đóng vai một người mẹ, một người chị và một người yêu của hắn. Liệu tôi có can đảm từ bỏ tất cả để lên đường tìm đạo không? Ryochan sẽ nghĩ thế nào về quyết định của tôi? Tâm trạng tôi rối bời vì muôn ngàn ý nghĩ trái ngược nhau nhưng cuối cùng tôi biết mình không thể làm gì khác hơn là lên đường học đạo. Sau một thời gian chuẩn bị tư tưởng cẩn thận, tôi viết một lá thư dài cho Ryochan rồi lên đuờng đi Shikoku, nơi vị lão sư cư ngụ. Năm đó tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi, và đã sống với Ryochan đuợc gần hai năm.
Vị lão sư sống trong một căn nhà nhỏ bé, khiêm tốn nhưng căn phòng chính có bày một bàn thờ hết sức trang nghiêm đẹp đẽ. Ông mời tôi dùng trà và lên tiếng hỏi ngay:
- Cô đã được phép gia đình rồi chứ?
- Thưa vâng.
Tôi lo sợ không biết có được ông thu nhận hay không. Dù sao tôi cũng đã viết một lá thư cho Ryochan để giải thích việc nầy. Lão sư hỏi tiếp:
- Được lắm. Như vậy cô được phép đi trong bao lâu?
- Thưa một năm.
Tôi trả lời mà không suy nghĩ, trong thư viết cho Ryochan tôi đã đề cập đến thời gian học đạo khoảng một năm mặc dù trong tâm tôi quyết sẽ không trở về với Ryochan nữa. Vị lão sư vui vẻ chấp thuận cho tôi trở nên học trò tại gia của ông.
Lão sư Meano Choji không những là một vị thầy nổi tiếng của Thần đạo (Shinto) mà còn là một danh thủ về Kiếm đạo (Jaijutsu) và Nhu thuật (Jujitsu) nữa. Ông có rất nhiều học trò và thường được mời đi diễn thuyết, giảng dạy ở khắp nơi. Cuộc sống của ông rất điều độ, giản dị; ngoài việc giảng dạy, ông dành nhiều thì giờ để tĩnh tọa trong một căn phòng riêng. Hàng ngày nhìn cử chỉ ung dung, điềm đạm của ông tôi thầm ao ước “Không biết mình phải tu tập thế nào mới đạt được cái nhân cách siêu phàm ấy?” Lão sư cho biết:” Khi còn nhỏ ta không khỏe mạnh lắm, lại mắc bệnh suyễn nên cha mẹ ta đã tìm đủ mọi thầy hay, thuốc giỏi để chữa nhưng không kết quả gì cho đến khi ta tu tập phương pháp tĩnh tọa Kannagara- no - michi. Chỉ một năm tu tập mà bao nhiêu tật bệnh tan hết, thân thể ta phát triển một cách tự nhiên. Từ đó đến nay ta không bao giờ bị bệnh cả, ngay cả những bệnh xoàng như nhức đầu, sổ mũi, cảm mạo cũng không bao giờ ảnh hưởng được đến ta”.
Phương pháp Kannagara – no – michi của Thần Đạo gồm ba phần chính là điều thân, điều khí và điều tâm. Phần điều thân là giữ cho tư thế ngồi thật vững vàng ngay thẳng. Người tập quì gối, ngồi lên trên bọng chân, giữ lưng cho thẳng, mắt nhắm lại và đặt hai tay lên trên đùi. Sau khi đã ngồi yên được một lúc thì chuyển qua việc điều khí, giữ cho hơi thở điều hòa tự nhiên, khi hít vào thì phình bụng ra và khi thở ra thì ép bụng vào. Sau khi hơi thở đã điều hòa thuần thục thì bắt đầu điều tâm bằng cách tập trung tư tưởng để phát ra âm thanh “oo-oo”. Trong khi phát âm, không được nghĩ đến bất cứ một thứ gì khác mà chỉ chú tâm vào việc phát âm thôi; tuyệt đối không mong cầu, ao ước thứ gì. Sau khi phát âm “oo-oo” đều đặn khoảng một lúc thì chuyển sang việc phát âm từng nguyên âm (a, e, i, o, u). Khác với âm “oo-oo”, việc phát âm những nguyên âm nầy đòi hỏi sự phối hợp của cả tinh thần lẫn thể xác; âm thanh phát ra phải rõ ràng, mạnh mẽ và thật sâu (deep chant). Lão sư cho biết tĩnh tọa là căn bản quan trọng nhất trong phương pháp tu tập của Thần Đạo.
Thần Đạo là một truyền thống đặc biệt của Nhật Bản có từ ngàn xưa nhưng theo thời gian đã thay đổi ít nhiều. Một phần vì chịu ảnh hường văn hóa Trung Hoa (Khổng giáo và Phật giáo), nhưng một phần khác là do các yếu tố chính trị.
Vào thời đại Tokugawa (1600 – 1867), trường Quốc học (Kokugaku) được thành lập với mục đích nghiên cứu các di sản văn hóa của Nhật. Nhờ biết áp dụng phương pháp nghiên cứu về cổ ngữ, các học giả lúc đó đã phục hồi được nhiều sách vở tài liệu có giá trị, tưởng đã bị thất truyền. Một số học giả có tinh thần quốc gia cực đoan, chủ trương bài ngoại đã lợi dụng tình thế chính trị lúc đó (bế quan tỏa cảng) để phục hồi truyền thống Thần Đạo, không chịu ảnh hưởng của Phật giáo hay Khổng giáo, mà họ gọi là Kannagara-no-michi.
Theo sự giải thích của tông phái nầy thì vào thời hoàng kim, tâm thức con người vốn chất phác và thuần hậu nên có thể giao cảm với tâm thức của các đấng thần linh (Kami). Vì hiểu rõ tâm thức của các vị thần nên tư tưởng, hành động của con người luôn luôn hòa hợp với sự biến chuyển của các định luật thiên nhiên và đời sống là một điều tốt đẹp thoải mái. Về sau con người sa đọa, bị dục tính lấp đi cái thiên tính thần hậu, vô tư ngày trước nên họ không thể giao cảm với thần linh được nữa. Vì bị ái dục chi phối nên tư tưởng, hành động của họ không còn hòa hợp được với các biến chuyển tự nhiên của thiên nhiên và đời sống trở nên một sự phấn đấu, đầy đau khổ và trắc trở.
Truyền thống Kannagara-no-michi hay “ Sống thuận theo ý chư thần” chủ trương phục hồi cái bản tính vô tư thuần hậu qua việc tẩy uế thân tâm, dẹp bỏ lòng tham dục, để tái lập mối liên lạc với chư thần linh trong thiên nhiên (Kami).
Ngoài việc học hỏi với lão sư, tôi còn tham cứu thêm các sách vở trong nhà, và tìm được một phương pháp để dẹp bỏ lòng tham dục qua việc tẩy uế thân tâm. Tôi thấy việc tĩnh tọa như lão sư chỉ dạy đòi hỏi một thời gian lâu dài nên tôi muốn tìm một lối tắt nhanh hơn. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, tìm đến ngọn thác Kagami gần đó để tắm gội, tẩy uế bằng nước lạnh (Misogi). Tôi đứng dưới chân ngọn thác, mặc cho làn nước lạnh như băng xối lên người, tập trung tư tưởng và cầu nguyện các đấng thần linh phù hộ cho tôi. Tôi tin rằng nước có công dụng rửa sạch những ô uế trên thân thể tôi và nhờ sự thành tâm cầu nguyện, tâm hồn của tôi có thể mở rộng để đón nhận mặc khải của chư thần như tôi đã từng kinh nghiệm khi còn ở Hokkaido. Vì Thần Đạo không phân biệt tâm và thân, một thân thể trong sạch biểu lộ một tâm thức trong sáng nên việc tắm gội hành xác đối với tôi là một việc làm hết sức tự nhiên.
Một hôm lão sư bắt gặp tôi làm việc đó, ông lắc đầu quát lớn:
- Cô tưởng rằng mình có thể ngộ được điều gì đó qua hành động bên ngoài như vậy hay sao?
Tôi không hiểu lão sư muốn nói gì vì lúc đó tôi không có một ý thức gì về danh từ “ngộ” (satori) cả. Tôi tin rằng nhờ thành tâm thực hành các phương pháp cổ truyền như việc tẩy uế bằng nước lạnh (Misogi) mà tôi có thể đạt được một quyền năng phi thường, hay một trạng thái tâm thức có thể giao cảm được với chư vị thần linh. Tuy bị lão sư cảnh cáo nhưng tôi vẫn tiếp tục thực hành phương pháp đó một cách siêng năng, chuyên cần.
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Thoáng chốc tôi đã tu tập ở đây được đúng một năm. Hôm đó, sau buổi tĩnh tọa, lão sư hỏi:
- Hình như ngày mai cô lên đường về nhà thì phải. Cô đã ở đây tròn một năm rồi. Liệu cô đã sẵn sàng chưa?
Tôi bàng hoàng không biết phải nói gì. Lúc đầu tôi tưởng lão sư có ý muốn đuổi tôi đi vì tôi đã thực hành những phương pháp mà ông không thích nhưng tôi nhớ lại thời hạn một năm mà tôi đã trình bày khi xin thụ giáo năm xưa. Thật ra lúc đến học đạo, tôi chỉ nói bừa ra thời gian một năm chứ không hề có ý định sẽ trở lại với Ryochan. Tôi nghĩ mình đã đoạn tuyệt với quá khứ, đã dứt bỏ tất cả mọi sự, tôi không còn mặt mũi nào trở về để gặp Ryochan nữa. Mặc dù thấy tôi có vẻ ngần ngại, lão sư vẫn thản nhiên:
- Dù thế nào chăng nữa, đã đến lúc cô phải trở về nhà.
Tôi trở lại Nagoya với một tâm trạng hoang mang chán nản. Chưa muốn về nhà ngay, tôi ghé qua hàng xóm để tâm sự. Bà hàng xóm lắng nghe tôi giải bày những nỗi khó khăn thì lắc đầu than:
- Nghiệp của cô nặng như thế thì làm sao mà tu cho được! Phải chăng cô vẫn còn yêu Ryochan nên không dám nói thẳng cho hắn biết ý định muốn từ bỏ tất cả để đi học đạo? Cô tưởng mình có thể đi theo ông thầy kia nhưng vì còn nặng nợ với Ryochan nên trước sau cô vẫn phải trở về. Theo tôi, cô không thể làm gì khác được đâu! Khi nào duyên nợ còn thì cô vẫn phải ráng mà trả cho hết. Chúng ta mang kiếp người là mang cả một gánh nghiệp quả, nào là duyên với người nầy, nào là nợ với người kia. Có khi vừa là duyên vừa là nợ, chập chùng không biết đâu vào với đâu. Cô không thể chống lại cái nghiệp đó được; dù cố gắng lắm cô cũng chỉ có thể hành động theo ý mình một lúc thôi, việc phải đến vẫn xảy đến như thường. Thà cứ thuận theo nó còn hơn…
Tôi gật đầu ra vẻ đồng ý nhưng trong thâm tâm rất khó chịu. Tôi rủa thầm mình đã dại đột đem chuyện riêng tư ra kể cho người khác nghe và quyết định từ đây sẽ phải tránh cái thói nhi nữ thường tình nầy.
Khi tôi về nhà thì Ryochan đi làm chưa về. Tôi không biết sẽ phải nói sao với hắn. Liệu tôi có nên cho hắn biết ý định vẫn muốn tiếp tục trở về với lão sư hay không? Tôi cố gắng chuẩn bị một thái độ nhưng tâm trạng cứ rối bời, không biết phải làm gì. Trong lúc thất vọng cùng cực, tự nhiên tôi nhớ đến một câu kinh quen thuộc:” Nếu có chúng sinh nào chịu mọi khổ não, một lòng xưng niệm tên hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, tức thì Bồ Tát Quán Thế Âm quán sát tiếng kêu cầu ấy, độ cho họ thoát khỏi khổ não”. Tôi vội vã cung kính chắp tay thành tâm niệm lớn:” Nam Mô Đại Từ Đại Bi, Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”. Tôi không biết mình đã niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm bao nhiêu lần, nhưng tự nhiên trước mắt tôi bỗng có một luồng sáng hiện ra sáng chói, giữa luồng ánh sáng đó có một dòng chữ lớn: “Con hãy tập yêu thương”. Tôi cảm thấy toàn thân rung động mãnh liệt, như có một luồng điện ở đâu rót vào đầu óc u tối của tôi khiến nó bừng sáng. Tôi giật mình thảng thốt kêu lớn: “Phải rồi! Đó mới là giải pháp cho tình trạng hiện tại”. Chỉ trong giây phút, tôi ý thức ngay rằng từ trước đến nay tôi đã nghĩ về mình quá nhiều; tôi chỉ quan tâm đến nỗi khó khăn của riêng mình mà chẳng bao giờ chú ý đến nỗi khổ tâm của người khác. Tôi chỉ muốn điều nầy hay điều nọ nhưng chẳng bao giờ tự hỏi hành động của tôi đã gây đau khổ cho người chung quanh như thế nào. Tôi đã làm cha mẹ tôi không hài lòng, đã làm cho chồng tôi bỏ đi, đã khiến cho hai đứa con của tôi phải chịu thân phận mồ côi chỉ vì tôi tham lam, ích kỷ quá. Tôi tưởng rằng tôi đã thay đổi nhưng thật ra tôi không hề đổi thay gì hết, vẫn chứng nào tật ấy. Tôi chưa bao giờ biết yêu thương, làm sao tôi có thể giúp đỡ ai khác khi không hề có tình thương? Tôi có cảm tưởng như gánh nặng trên vai đã được ai đó nhấc đi và đầu óc tôi trở nên thoải mái hơn bao giờ hết. Tôi ý thức rõ rệt những sai lầm mà tôi đã tạo, những phản ứng nhất thời mà tôi đã làm, tất cả chỉ vì muốn thay đổi mọi sự theo ý mình. Phải chăng đó là biểu hiệu của một lòng tham không đáy? Giờ đây tôi đã hiểu, tôi sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho Ryochan, tôi sẽ chờ hắn về để xin lỗi hắn, để kể cho hắn nghe những khát khao thầm kín vẫn nung nấu thâm tâm tôi. Tôi sẽ nói về quan niệm “chí tâm, thành ý” mà tôi đã học hỏi được; với một tình yêu chân thành, tôi sẽ tâm sự với hắn về những kinh nghiệm lạ lùng đã xảy ra cho tôi, và hắn sẽ hiểu, sẽ thông cảm…
Ryochan kiên nhẫn nghe tôi thổ lộ tâm sự rồi cười lớn:
- Nầy Satomi, em nghĩ rằng người ta có thể giải quyết được những nỗi khổ đó qua đức tin tôn giáo hay sao? Đó chỉ là một ảo tưởng! Tôn giáo chỉ là một trò bịp bợm, một thứ thuốc độc, một loại nha phiến cho những tâm hồn yếu đuối. Thời đại nầy mà em còn giữ những tư tưởng cổ hủ đó ư? Hãy mở mắt mà xem những tên tu sĩ lưu manh đang dọa nạt quần chúng bằng những danh từ như tội lỗi, hình phạt rồi kêu gọi đóng góp tiền bạc cho các cơ sở tôn giáo để chuộc tội nầy nọ. Đó chỉ là một hình thức ăn xin; những kẻ ăn xin đó thì cứu giúp được ai? Con người không có ai xấu cả nếu họ có một đời sống vật chất đầy đủ. Họ xấu vì thiếu các điều kiện nầy nên mới phải làm chuyện xằng bậy. Để ta nói cho em nghe một trật tự mới trong xã hội, nhờ đó tất cả mọi người đều được sung sướng thực sự. Sở dĩ người ta thiếu thốn, đau khổ vì trong xã hội có kẻ giàu và người nghèo, có sự hơn kém thua thiệt. Nếu tất cả đều bình đẳng, đều giàu sang, đầy đủ như nhau thì đâu còn khổ đau nữa. Đó mới là giải pháp đúng đắn nhất và đó chính là chủ nghĩa xã hội. Những người theo chủ nghĩa nầy quyết tâm tranh đấu cho quyền lợi của quần chúng, sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho quyền lợi chung, đó mới là những bậc thầy đáng kính trọng. Chủ nghĩa xã hội chính là một tôn giáo mới mà mọi người đang mong đợi; những người theo chủ nghĩa nầy chính là những tu sĩ mới của thời đại hiện nay.
Tôi bàng hoàng trước những câu nói hùng hồn của Ryochan. Làm sao một kẻ thất học như hắn lại sử dụng được những danh từ mới mẻ, văn hoa như vậy? Hiển nhiên hắn đã học hỏi những trò nầy trong khi tôi vắng nhà. Ryochan đắc chí nhìn tôi nói tiếp:
- Nầy Satomi, em biết ta tôn trọng tự do riêng của em, nhưng ta không thể làm ngơ khi thấy em trở nên nạn nhân của những tên tu sĩ chuyên “bán nha phiến” đó được! Chúng và cái gọi là tôn giáo của chúng cần phải bị tiêu diệt càng sớm càng tốt… Từ nay ta cấm em không được bén mảng đến những nơi chốn đáng khinh bỉ đó. Nếu em không nghe lời ta thì đừng có trách…
Càng nói Ryochan càng trở nên hung dữ, cặp mắt hắn quắc lên như muốn ăn tươi nuốt sống một đối thủ vô hình nào đó. Hắn tiếp tục nói về chủ thuyết xã hội mà hiện nay hắn đang cố gắng cổ xướng trong giới nhân công nhưng tôi không còn muốn nghe nữa. Tôi tủi thân ôm mặt khóc tấm tức. Trước mắt tôi, Ryochan không còn là một cậu bé hiền lành nhút nhát ở gánh hát năm nào nữa. Hắn cũng không còn là một thanh niêm chăm chỉ đi phân phối báo cho các đại lý, mà đã trở nên một con người khác hẳn. Hiển nhiên hắn đã thay đổi nhờ những liên hệ với một tổ chức chính trị nào đó. Ryochan cho tôi biết hắn đã bỏ việc phân phối báo và trở nên ký giả một tập san thuộc nhóm xã hội. Hắn còn đảm nhận việc tổ chức các buổi học tập cho những người mới gia nhập tổ chức nầy.
Tôi im lặng nghe Ryochan hùng hồn diễn giảng, đáng lẽ ra tôi phải thất vọng lắm mới phải, nhưng không hiểu sao tôi lại thấy mình bình tĩnh một cách lạ thường. Tôi biết Ryochan đã thay đổi nhưng chính tôi cũng đã đổi thay, hiển nhiên đời sống của chúng tôi không còn như xưa nữa mà bước vào một ngã rẽ mới.
Vì Ryochan đã bỏ việc phân phối báo cho các đại lý để dấn thân vào những hoạt động khác nên cuộc sống của chúng tôi trở nên túng thiếu hơn trước, phải dè xẻn lắm mới đủ ăn. Tuy nhiên tôi chỉ coi đó là một thử thách. Tôi biết mình không thể thay đổi được hoàn cảnh như ý muốn nhưng đồng thời cũng biết rằng mình có thể thay đổi được thái độ của mình đối với hoàn cảnh bên ngòai. Nếu giữa tôi và Ryochan có duyên nợ gì với nhau thì dĩ nhiên tôi phải trả cho hết, nhưng điều nầy không có nghĩa rằng tôi phải từ bỏ việc học đạo của mình. Ryochan không muốn cho tôi lui tới những nơi chốn có tính cách tôn giáo nhưng không thể cấm tôi tu học tại nhà. Không thể trở lại với lão sư nhưng tôi vẫn có thể thực hành những phương pháp tôi đã được học hỏi. Tôi dọn dẹp lại căn nhà, thiết lập bàn thờ chư thần (Kami), và tiếp tục tu tập phương pháp tĩnh tọa Kannagara-no-michi. Tôi thường tĩnh tọa rất lâu, có khi từ sáng đến tối, và cuối cùng phát âm những chữ a, e, i, o, u thật rõ ràng với tất cả mọi năng lực trong người. Lúc đầu việc tu tập của tôi làm nhiều người trong xóm hiếu kỳ xúm lại xem, trẻ con cũng bắt chước tôi kêu “aa, uu, oo” om sòm nhưng dần dần người ta quen đi và không làm phiền gì tôi nữa.
Ngoài việc tĩnh tọa, tôi còn nghiên cứu pho sách Kojiki của Thần Đạo, để tìm hiểu thêm những ẩn nghĩa trong đó. Tôi chú trọng vào việc phát triển định lực (Joriki) vì nó là một năng lực quan trọng, có thể giúp người ta thích ứng được với những hoàn cảnh thay đổi bên ngoài. Cuốn sách nói rõ rằng một người có định lực cao có thể hoàn toàn làm chủ được mình cũng như hoàn cảnh đời mình; bất cứ chuyện gì cũng không ảnh hưởng đến họ được. Tôi thực hành nhiều phương pháp khác nhau, từ việc nhịn ăn để kiềm chế thể xác, đến việc tẩy uế thân xác bằng nước lạnh. Vào mùa đông, dù tiết trời lạnh thế nào tôi cũng chỉ khoác trên mình một tấm áo mỏng. Khi thực hành nghi thức tẩy uế bằng nước lạnh (misogi), dù nước đã gần đóng thành băng tôi vẫn cố gắng chịu đựng, xối nước lên khắp người để tẩy uế những ô nhiễm đã bám vào thân thể tôi. Bất chấp mọi khó khăn cực nhọc, tôi kiên trì thực hành các nghi thức vì biết đường đạo là một hành trình rất gian nan, nếu không cố gắng, người ta không thể thành công. Trước cửa nhà tôi có một mảnh sân hẹp mà trẻ con lối xóm thường tụ tập chơi đùa. Hằng ngày mỗi khi thờ cúng, thực hành các nghi thức tẩy uế (O Harae) xong, tôi thường mang lễ vật như oản xôi chia cho lũ nhỏ trong xóm. Gia đình bên cạnh nhà tôi có nuôi một con chó nhỏ tên Koro. Con chó nầy cũng hay chầu chực trước nhà tôi để xin ăn. Ít lâu sau gia đình đó dọn đi nơi khác, bỏ con Koro lại. Con chó trung thành cứ chầu chực trước nhà chủ cũ, kêu lên những tiếng ảo não bi thương. Khi đói nó chạy qua bên nhà tôi để được cho ăn, nhưng ăn xong nó lại bỏ về trước cửa căn nhà cũ nằm rên rỉ. Một hôm không thấy nó đến như thường lệ, tôi kêu gọi mãi và hỏi lũ nhỏ trong xóm nhưng không ai biết con chó đã bỏ đi đâu. Vài hôm sau tôi đang tĩnh tọa thì nghe tiếng động và thấy con Koro ở đâu chạy vào ngoắc đuôi mừng rỡ. Tôi đưa tay bồng con chó vào lòng vuốt ve thì thấy trên cổ nó có một vết dao đâm rất sâu, chạy dài xuống bụng, dường như nó đã bị ai lột da, mổ thịt. Tôi thất thanh kêu lên: “Koro đã chết” và đột nhiên tỉnh lại. Thì ra trong lúc nhập định tôi đã nhìn thấy con Koro, có lẽ đã bị người ta bắt giết làm thịt. Vào lúc đó những con chó vô chủ, lang thang ngòai đường, bị bắt giết thịt không phải là một điều lạ. Hiển nhiên con Koro không ra ngoài số phận đó nhưng có lẽ nó nhớ đến ơn tôi nuôi nấng nên tìm đến báo tin. Tôi xúc động khóc lóc mất mấy ngày rồi mua hương hoa phẩm vật, tụng kinh siêu độ cho nó. Tôi tập trung định lực chân thành cầu nguyện và khi hoàn tất nghi thức cầu siêu, tự nhiên tôi có cảm tưởng rằng con Koro đã thoát kiếp chó. Đây là một sự kiện lạ lùng, không hiểu sao tôi lại “cảm biết” được như thế. Dường như có một cái gì đã cho tôi biết mà tôi không thể giải thích nhưng tôi biết đó không phải là sự tưởng tượng hay tự kỷ ám thị, mà là một “cái biết” đến rất tự nhiên. Khoảng một tuần lễ sau, tôi đang tĩnh tọa thì thấy một người đàn ông lạ mặt ở đâu bước vào. Tôi biết cửa nhà đã khóa kỹ, người lạ không thể vào được trừ khi đó là kẻ gian. Lúc đó chúng tôi nghèo túng lắm, trong nhà chẳng có gì quí giá cả nên thay vì hốt hoảng, tôi tập trung định lực để đối phó. Có lẽ khả năng tập trung của tôi đã khá cao nên chỉ trong thoáng giây, tâm hồn tôi đã hết sức bình tỉnh. Tôi biết mình không ngủ mê hay gặp ảo giác mà thấy rõ đó là một người đàn ông trung niên, mặt mày sáng sủa, mặc kimono hiệu O-shima rất đắt tiền. Ông nầy đứng yên trước mặt tôi một lúc rồi lên tiếng:
- Thưa bà, tôi là cha của Tamataro. Khi còn sống, tôi làm nghề cho vay nặng lãi. Cái nghiệp xấu nầy ám ảnh tâm thức tôi rất nhiều nên khi qua đời, tôi phải sống trong một cảnh giới tối tăm, nặng trọc. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như đang ở trong một vũng bùn nhầy nhụa, muốn ngoi lên nhưng không sao ngoi lên được, càng cử động thì càng bị lún sâu xuống. Thưa bà, khi còn sống tôi chẳng làm điều gì quá xấu nhưng cũng chẳng làm điều gì tốt đẹp nên sau khi chết, thần thức cứ vật vờ trôi nổi trong cảnh giới bùn lầy nước đọng nầy mãi. May thay nhà tôi là người hiền lương, thường tụng kinh niệm Phật, hồi huớng công đức cho tôi. Hàng ngày tôi nghe được lời kinh của nhà tôi cầu nguyện nên bắt chước đọc theo, nhờ đó tôi hiểu được luật nhân quả và quyết tâm sám hối. Đến nay nghiệp xấu đã trả hết, tôi vừa thoát khỏi cái thế giới đen tối nhầy nhụa đó nên đến đây để nhờ bà chuyển lời cho nhà tôi rằng tôi sắp được siêu thoát lên cõi sáng. Chính nhờ công đức hồi hướng cao cả vô biên của nhà tôi mà tôi được thoát khổ. Tôi muốn nhắn nhà tôi rằng những món nợ người ta vay từ trước xin hãy bỏ qua, đừng tốn công đòi rồi gây phiền muộn cho người khác nữa. Tôi đã không công bình trong việc cho vay nặng lãi, tôi rất hối hận, xin hãy giúp cho tôi được yên tâm để siêu thoát.
Tamataro là một trong những đứa nhỏ hay chơi đùa trước cửa nhà tôi. Cha nó đã qua đời từ nhiều năm nay, mẹ nó ở vậy nuôi con. Bà làm nghề may, chuyên lãnh hàng từ các tiệm buôn về nhà để may cắt. Mặc dù bận rộn như thế nhưng hàng ngày bà vẫn khuya sớm tụng kinh rất chân thành. Khi nghe tôi kể lại câu chuyện, bà gật đầu chùi nước mắt:
- Quả đúng là chồng tôi rồi. Chồng tôi luôn luôn mặc áo kimono hiệu O-shima như vậy. Chồng tôi làm thương mại nên có tiền cho vay lấy lãi. Sau khi ông qua đời, tôi tìm được một rương chứa toàn giấy nợ chưa thanh toán. Xem xét kỹ, tôi thấy ông đã đòi một mức lời quá cao, thật không công bằng chút nào, do đó tuy còn giữ giấy nợ nhưng tôi vẫn ngần ngại không biết phải làm gì. Tôi là đàn bà chân yếu tay mềm, đâu biết đòi nợ ra sao. Chắc hẳn khi qua đời chồng tôi cũng lo lắng, bận tâm về việc nầy lắm nên mới không siêu thoát được như vậy. Nay nhờ bà cho biết thì tôi mang thùng giấy nợ đi đốt, để chồng tôi không còn phải bận tâm gì nữa.
Tôi ngạc nhiên về kinh nghiệm lạ lùng nay nên viết thư báo cho lão sư. Trước khi nhận được giấy hồi âm thì một sự kiện lạ lùng nữa đã xảy ra. Một hôm tôi có linh tính rằng ngoài tôi và Ryochan, hình như trong nhà còn có sự hiện diện của một người thứ ba nào đó nữa. Vài hôm sau, đang tĩnh tọa, cái cảm giác đó lại nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi bèn tập trung định lực để quan sát thì thấy có một người đàn bà, vóc dáng gầy gò yếu ớt đang quanh quẩn trong nhà. Tuy tuổi không cao nhưng mặt bà đầy những vết nhăn, có lẽ vì quá ưu tư lo lắng. Bà nhìn tôi, miệng cứ mấp máy nửa như muốn nói, nửa lại sợ sệt không nói ra. Bà cứ quanh quẩn bên tôi nhưng mỗi khi tôi đến trước bàn thờ làm lễ thì bà lại biến mất. Dĩ nhiên tôi biết đó là một hồn ma nhưng tôi thấy nó không gây trở ngại gì cho nên tôi không quan tâm. Hôm sau trong lúc tĩnh tọa, tự nhiên tôi biết hồn ma đó không phải ai xa lạ mà chính là mẹ của Ryochan. Một lần nữa, cái cảm giác “biết” nầy làm tôi bối rối. Để kiểm chứng cái năng khiếu ấy, chiều hôm đó tôi hỏi Ryochan:
- Nầy Ryochan, khi còn sống mẹ anh là người thế nào? Sao không mấy khi anh nói gì về mẹ anh hết?
- Gia đình ta có bốn anh em, khi mẹ ta qua đời thì ta mới lên ba tuổi và đứa em nhỏ nhất mới được sáu tháng. Ta không biết gì nhiều về mẹ ta mà chỉ biết tên bà là Shigeko. Bà chết vì bị bệnh lao, năm đó bà mới ngoài hai mươi sáu tuổi...
Tôi suýt kêu lên: “Quả đúng là mẹ của Ryochan rồi”. Một người mẹ qua đời khi con cái còn thơ dại như thế thì làm sao có thể siêu thóat được! Chắc chắn bà đã lo lắng cho con cái nhiều lắm nên trông bà mới bơ phờ như vậy.
Qua hôm sau, tôi nhận được thư hồi âm của lão sư.
Trong thư ông viết vắn tắt:” Con hãy trở về đây ngay, ta chấp nhận cho con được phép tiếp tục học đạo với ta”. Thật khó có thể diễn tả được nỗi vui mừng của tôi. Những điều mong cầu ao ước đã trở thành sự thật. Khi trước lão sư không nhận tôi vì tôi không được phép của gia đình, nhưng hiện nay mọi việc đã đổi khác, ông sẵn sàng thâu nhận tôi vô điều kiện.
Tôi sung sướng nhủ thầm: Lần nầy mọi việc sẽ tốt đẹp. Buổi chiều tôi ngồi tĩnh tọa rất lâu nhưng khi vừa xuất định tôi đã thấy người đàn bà đó đứng trước mặt tôi, vẻ mặt đầy căng thẳng, lo lắng. Có lẽ bà đã biết tôi quyết định rời bỏ Ryochan để lên đường học đạo. Tôi bèn lên tiếng an ủi: “Mẹ Shigeko, xin mẹ đừng quá lo lắng như vậy. Con đã quyết lên đường học đạo nhưng con hứa khi học xong sẽ trở lại săn sóc cho Ryochan. Mẹ cứ yên tâm, hiện nay Ryochan đã lớn khôn, đã trưởng thành, tự lo lấy mọi việc được rồi, mẹ không phải quá lo lắng cho anh ấy nữa. Bây giờ mẹ hãy quay về lo cho chính mình thì hơn”. Tôi nói một cách hết sức chân thành vì dĩ nhiên người ta không thể nói dối một hồn ma được, ở cõi bên kia người ta đọc rõ tư tưởng của nhau như mở một cuốn sách. Sau khi tôi nói xong, tự nhiên hồn ma biến mất, từ đó tôi không hề gặp lại bà nữa.
Ít lâu sau, tôi lên đường trở lại Shikoku để học đạo với lão sư. Lần nầy tôi ra đi với một tâm trạng thoải mái, không vội vã hay luyến tiếc như lần trước. Trên xe lửa tôi có nghĩ đến Ryochan. Việc từ bỏ một đứa bé như Ryochan, lúc nào tôi cũng chỉ coi Ryochan như một đứa bé, khiến tôi tự hỏi về mối quan hệ giữa mình và hắn. Bất ngờ thay, trước mặt tôi bỗng hiện lên một hình ảnh rõ rệt như một cuốn phim được chiếu trên tường. Đó là một vùng đất hoang vu, cây cối mọc chằng chịt, trông như một khu rừng miền nhiệt đới. Tôi thấy một thanh niên, thân thể vạm vỡ, mặc quần áo may bằng da thú, đang khuân một cái chum lớn bằng đất nung vào một hang đá. Trong hang có một người đàn bà cũng mặc quần áo may bằng da thú, đang chăm chú nhìn người đàn ông đó. Người đàn bà đó chính là tôi, và người đàn ông kia chính là Ryochan. Thì ra chúng tôi đã là hai chị em trong tiền kiếp. Tự nhiên tôi “biết” được sự liên hệ giữa hai chúng tôi như thế nào. Hình ảnh nầy hiện ra thật rõ ràng, trong lúc tâm hồn tôi đang tĩnh lặng, bình yên. Tôi thản nhiên uống tiếp ly trà nóng trên tay, nghe tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ và “biết” rằng sự ràng buộc giữa tôi và Ryochan đã chấm dứt. Quả thật tôi đã phát triển được một khả năng đặc biệt khác thường. Dĩ nhiên cái khả năng nầy chỉ là kết quả của nhiều năm tu tập về định lực (Joriki) nhưng lúc đó tôi không phân biệt được rằng cái khả năng thần thông nầy và sự giải thoát là hai việc hoàn toàn khác hẳn nhau.