May mà có em đời còn dễ thương
Lê Huy
(Một chút nhớ về Phố Núi)
"May mà có em đời còn dễ thương!" – Ôi…! Lời ca nghe sao mộc mạc mà lại thiết tha quá, chân tình quá…!
Dễ chừng lâu -- lâu lắm, anh đã nghe nhiều và cũng đã nghêu ngao nhiều vài câu rời rạc trong bản nhạc “Còn một chút gì để nhớ”. Nghêu ngao vài câu cho đỡ buồn ấy mà! Mà nếu có muốn nghêu ngao cho hết bài thì anh cũng chả có tài nào nhớ hết vì bộ nhớ anh nó thường hay đi … nghĩ hè lắm. Bù lại, trời thương cho anh nhớ dai nhớ dẳng có mỗi một câu này thôi: “May mà có em đời còn dễ thương!”.
Nhớ thời chinh chiến, gót chinh nhân anh cứ vụt đến vụt đi vội vội vàng vàng với Phố Núi nên Phố Núi ấy đã không kịp ban cho anh một chút gì để nhớ. Có nhớ chăng là nhớ cái triền miên nắng bụi mưa bùn, đỏ cả giày xô áo trận, đỏ cả tóc cả râu. Có nhớ chăng là nhớ cái mùi chiến tranh khét lẹt thuốc súng phủ trùm Phố Núi bé nhỏ tội nghiệp kia, cùng với chết chóc chia lìa luôn rình rập con-người-quá-cơ-cực-suốt-đời từng lúc từng nơi. Ờ …! Mà nào chỉ riêng Phố Núi phải hứng chịu tai ương đó thôi, cả cái Phố Biển của em và anh cũng phải hứng chịu, cả chiều dài chiều ngang của Đất Mẹ cũng phải hứng chịu tai ương đó suốt mấy chục năm trời. Ôi …! Thật tội nghiệp cho Đất Mẹ của chúng mình quá …!
Lần nào từ vùng lửa đạn trở về Phố Núi-với-em-Pleiku-má-đỏ-môi-hồng anh dường như vẫn thấy mình lạc lỏng và xa lạ. Không biết từ bao giờ anh đã quen nhấm nháp cái hương vị cà phê nóng đặc quánh với một chút đường, đắng ơi là đắng! Có lẽ anh muốn xem nó có đắng có đau như những ngọn roi đời quất tới tấp xuống phận anh từ khi anh rời giảng đường rời phố thị không. Anh ngồi ngắm cảnh ngắm người ở khu Diệp Kính từ một quán cà phê trên đường Hoàng Diệu mà hầu như những lần về phố này anh đều ghé vào đây, nên khá quen thuộc. Quán nhỏ thôi nhưng ấm cúng và nhạc thì hay không chê được vào đâu được. Làm sao quên được giọng hát cao vút và khỏe khoắn của Plei Ba Ngoi – như tiếng hót của một loài chim quý hiếm ở núi rừng tây nguyên này. Mỗi lần nàng cất tiếng hát là tất cả những tiếng động những xôn xao quanh nàng tự nhiên lắng xuống, không gian như chết lịm trong thế giới nàng.
. . .
Ai về sau dãy núi Kim Bôi
nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
hình dung một chiếc thắt lưng xanh
một chiếc khăn màu trắng trăng
một chiếc vòng sáng lóng lánh
với nụ cười nàng quá xinh
. . .
Anh chợt chép miệng tinh nghịch: “May mà có Plei rừng còn dễ thương!”.
. . .
Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,
dệt mấy cung yêu thương
gởi lòng trong trắng
của mấy bông hoa rừng
Đời đời không tàn
với khúc nhạc lòng tôi
. . .
Anh thầm cám ơn Plei đã nói giùm anh cái tâm sự bàng bạc mà thân thiết này – cái tâm sự với núi rừng xơ xác, với buôn làng tan hoang mà anh đã đi qua, cùng với những con người suốt đời quấn xà rong đóng khố mang gùi, âm thầm chịu đựng lầm lũi với kiếp sống mà ánh sáng chỉ là ngọn lửa rừng, khi thì bập bùng khi thì lập lòe trong bóng đêm triền miên hoang dã.
* * *
Một em bé đánh giày trạc mười tuổi mời anh:
- Chú …! Đánh giày nghe chú …! Cháu đánh giày cho chú nghen …!
- Khô … ô …ng …! Chú sắp đi xa rồi! – Anh nhỏ nhẹ từ chối.
- Giúp cháu mà chú …! – Thằng bé khẩn khoản.
Anh chợt nhớ tới đứa em út của mình, cũng trạc tuổi này, nhưng có cái may mắn là đang được đi học. Anh cười hiền hòa:
- Thôi được, ngồi đây chơi với chú đi!
- Hổng được đâu chú! Cháu phải đi kiếm tiền mờ!
Giọng anh trìu mến hơn:
- Ngồi chơi với chú đi, chút nữa cháu sẽ có tiền.
Có lẽ thấy “ông lính” này tóc tai râu ria xồm xoàm, sùm sụp cái mũ rừng trên đầu – “bụi lắm” – mà sao hiền quá, thắng bé khẽ “dạ!”. Anh đẩy ghế cho nó ngồi.
- Cháu uống gì đây, cà phê nghen! Có hút thuốc không?
- Dạ hông …! Ba má biểu cháu chỉ được uống sữa thôi! Cháu không được hút thuốc.
- Ừ …! Thì uống sữa! – Anh ân cần.
Anh hỏi chuyện, thằng bé nói:
- Ba cháu chết trận ở Đức Cơ hơn năm rồi.
- Uả, dzậy hả, chú cũng dzừa ở trỏng ra đây. Còn má cháu?
- Má cháu bán xôi ở Chợ Lớn Lê Văn Duyệt.
- Thế nhà cháu ở đâu?
- Nhà cháu ở trên đài phát thanh một chút, mà bị pháo kích sập rồi, má cháu bị đứt một bàn chân -- giọng nó lạc đi -- Các bác hàng xóm che giùm cho má cháu một cái nhà tole nhỏ.
Anh sững sờ, ngậm gùi … Chỉ giữ lại một ít tiền, anh dúi phần lương còn lại cuối tháng vào tay thằng bé. Nó mở to đôi mắt kinh ngạc:
- Cháu không dám!
- Chú “bù” cho cháu đấy, cầm đi cho chú dzui.
- Mà chú đi lính đâu có tiền nhiều.
- Không sao, ngày mai chú lãnh lương rồi.
Cầm chặt xấp tiền trong tay, thằng bé lí nhí cám ơn anh rồi xách hộp đồ nghề bước đi. Được một quãng, nó quay đầu nhìn lại, anh vẫy tay chào nó. Nhìn theo thằng bé, anh lại chợt nhớ tới đứa em út của mình, cũng trạc tuổi này, nhưng có cái may mắn là đang được đi học.
Anh tự hỏi còn bao nhiêu thằng bé như thế này nữa nhỉ!? Một câu hỏi không thể nào có câu trả lời.
* * *
Anh rời quán cũng là lúc “đàn bướm trắng” từ cổng trường trung học Minh Đức -- trên đường Lê Lợi, bên kia công viên Diệp Kính -- bay túa ra, rộn ràng nhộn nhịp trắng cả một góc phố. Anh nghe lòng mình xôn xao, cái xôn xao trở lại sau chừng hai tháng bỏ phố lên rừng.
áo ai trắng quá chiều nay
lòng ta mơ mấy sông dài núi cao
sông ơi có mấy nhánh sầu
núi ơi có mấy rừng đau cho vừa
(lhd)
Anh chợt nhớ, à …, “đàn bướm trắng” tức là các em gái hậu phương đây rồi. Anh lại nghe lòng mình phấn chấn và, với một chút “ngông” anh hòa mình vào “đàn bướm” ấy mà thấy mình phơi phới yêu đời. Nhưng, ô kìa …, lạ quá, các em gái hậu phương lại dần dần tránh né lánh xa anh. Và, anh chợt hiểu ra …! Thảo nào, các em gái ấy chỉ đi uỷ lạo chiến sĩ ở các hậu trạm, hậu cứ hoặc bộ chỉ huy mà thôi, chứ đâu có đến tận tiền đồn là nơi mà anh cùng đồng đội ngày đêm gườm tay súng. Nên mỗi khi nghe tin “các em gái hậu phương đi ủy lạo chiến sĩ” là nhóm tiền đồn vụt phá lên cười, cười sặc sụa như chưa bao giờ được cười; lại vừa cười vừa … thọc lét vào nách mình nữa chứ! “Ậ … y …! Phải thông cảm chứ, tiền đồn là chỗ hòn tên mũi đạn mà . . .!”.
Nhưng dù sao, ít nhất là vào lúc này, anh cũng đã cảm thấy lòng mình xôn xao, phấn chấn và phơi phới yêu đời. Vì … “May mà có em đời còn dễ thương!”.
* * *
Đó là một vài chuyện tủn mủn của mấy mươi năm trước đây, anh nhớ hoài, không thể nào quên được.
Lê Huy
(Los Angeles)