Thuận Thiên năm thứ hai (1129). Mùa Xuân. Tháng Giêng. Ngày Thìn. Vua cho mở hội khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù. Cách đây ba tháng, ngựa trạm đã phi suốt ngày đêm mang lệnh vua cấp báo các ngôi chùa trong nước truyền cho tất cả các sư sãi phải về kinh dự đại lễ. Chuẩn bị hàng trang, dặn dò chú tiểu đóng cửa cho chặt, tay nải khóac chéo vai, một tay cầm gậy trúc, các sư sãi lên đường về kinh. Các nẻo đường trong nước nhan nhản những vị sư khất thực gầy guộc trong chiếc áo vàng lấm bụi qua vai đi miên man. Đôi khi, người ta bắt gặp xác của một vị sư vô danh khô quắt dưới bóng cây, trên gương mặt vẫn ngưng đọng nụ cười mãn nguyện của người tin rằng mình đang lên đường tới cõi Phật. Để có tám vạn bốn nghìn bảo tháp, triều đình đã huy động vô kể thợ gốm, thợ ngoã ròng rã cả năm trời trước đó để nặn ra những ngôi tháp cao chừng năm tấc, đem nung bằng lửa rơm và than củi trong những chiếc vò khum khum mà mọi kích thước đều do nhóm thợ cả đo đạc, tính toán cẩn thận… Khi ánh lửa tàn, các ngôi tháp xuất lò có màu đỏ như son. Những ngôi bảo tháp được đặt trên gác Thiên Phù khiến cả ngôi gác lộng lẫy, hắt bóng duyên dáng xuống dòng sông uốn lượn. Những nhà sư đến từ khắp mọi miền ngồi la liệt tụng kinh gõ mõ cầu cho sự thịnh vượng của nhà Phật, mừng thiên hạ thái bình, quân của triều đình bách chiến bách thắng, cầu chúc cho đức hoàng đế Thần Tông sống lâu muôn tuổi. Kiệu vàng của Thần Tông đã đến gần chân gác Thiên Phù. Trong tiếng tiền hô hậu ủng của hàng ngàn quân hộ tống và đoàn tuỳ tùng, nhất loạt sư sãi cùng háo hức ngẩng đầu nhìn về phía đức vua. Thần Tông đã sang tuổi mười bốn. Gương mặt xanh xao với đường sống mũi thẳng như một lưỡi dao. Một vành ria mờ mờ hiện bao quanh môi mỏng luôn mím chặt. Đôi mắt ngài ngự nay hiền như mắt đàn bà. Và thỉnh thoảng đôi mắt đó lại thoắt rờn rờn lên như sóng nước. Kiệu dừng. hai thị vệ đỡ hai tay ngài ngự xuống kiệu. Quan quân, dân chúng và tăng ni cúi rạp mình trong tiếng hô vang dội: "Đức hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…!". Tim Thần Tông đập rộn. Tột đỉnh vinh hoa quyền lực là đây. Cố nén niềm kiêu hãnh trong lòng, Thần Tông giơ tay, khẽ nói: - Bình thân! Tại cuộc đại lễ này, ta ở dưới chân đức Phật và chỉ ngang hàng với chú tiểu nhỏ kia! Nói rồi đức vua thong thả dạo bước giữa những hàng dài như vô tận các tăng ni phật tử đang ngồi xếp vòng tròn tay lần tràng hạt, tay gõ mõ, miệng tụng kinh. Chưa bao giờ lòng thành kính với đức Phật lại được bầy ra rờ rỡ như trong đại lễ này. Thần Tông bước đi giữa miên man những màu áo cà sa. Miên mang tiếng gõ mõ đọc kinh rầm rì như biển sóng lúc nửa đêm khiến những trái tim cứng rắn nhất cũng trở nên mềm dịu. Thần Tông như được ai đó bỏ vào trong nôi và đu đưa vào giấc miên viễn. Con đường nào tít tắp xa trước mặt chợt hiện? Mọc đầy đá tai mèo màu tím. Cái ánh sáng nhàn nhạt này không rõ của ngày hay của đêm. Mà văng vẳng tiếng lục lạc rung từ đầu tích trượng của tỳ kheo. Người đàn ông gầy guộc vai đeo tay nải, tay cầm bát gỗ khất thực trên đường thiên lý. Con đường không soi tỏ đi đâu về đâu. Thần Tông không thể cắt nghĩa nổi, tại sao con đường đó cứ bám chặt lấy tâm trí ngài. Trong giấc mơ, bất kể ngày hay đêm, Thần Tông đều thấy hiện lên gương mặt của một thiếu nữ. Gương mặt nhạt nhoà. Chỉ thấy một đôi mày dài và có đuôi như lá. Không khóc mà dường như ấn nấp đâu đó trong khoé mắt là những giọt nước nặng trĩu. Đẹp và buồn miên man khiến trái tim yếu ớt của ngài thổn thức. Mỗi lần mơ thấy gương mặt ấy, Thần Tông đuổi theo. Gương mặt cứ chập chờn xa dần. Nếu có thi thoảng ngài đuổi kịp, thì gương mặt thiếu nữ ấy biến mất, lồng vào đó là một gương mặt có cái mõm nhọn, phủ một lớp lông tơ mượt mà. Thần Tông thức dậy, thấy tràn ngập xung mình mùi ngọt nhàn nhạt, man mát như hương hoa lúa. Ngài chép miệng, cố nhớ lại xem đó là mùi gì. Không rõ. Chỉ biết đó là mùi khiến ngài khát. Khát lắm. Thái y đến để phân định xem mùi gì khiến đức vua đang nhớ, đang khát đến hành hạ thể xác. Tất cả các thứ mang mùi ngọt nhàn nhạt được mang đến. Không phải. Mãi về sau, khi nhũ mẫu mang đến một ít sữa đàn bà mới vắt, đựng trong bình ngọc, Đức vua nhìn thấy mới tỏ vẻ háo hức, nói: "Hình như ta nhớ thứ này". Rồi vồ lấy bình ngọc uống cạn. Sau đó đẩy bình ra: "Được. Nhưng chưa hẳn là thứ ta tìm kiếm. Nhưng từ nay, cứ đúng ngọ, hãy đem cho ta!". Từ đó, cứ đúng ngọ, một bình sữa đàn bà mới vắt được đặt lên mâm ngự thiện. Bình sữa này được Thái y tuyển từ mười hai bình sữa của mười hai người đàn bà sinh con so khoẻ mạnh, mới được bứt ra khỏi trẻ sơ sinh, mang thẳng vào cung, ngày ngày được tẩm bổ sâm nhung quế phụ, chỉ để bữa vắt sữa vào bình ngọc đem dâng Vua. Một lần, Đức vua đòi xem mặt những nô tỳ đã vắt sữa cho vua uống. Nhìn khắp lượt mười hai gương mặt, rồi Vua dừng lại ở một người đàn bà có đôi bầu vú nhỏ, nhọn hoắt, ở giữa hai bầu vú có ba sợi lông dài vàng óng, mắt tròn, mặt nhọn có nhiều lông tơ như mặt dã nhân. Vua đặt tay vào đôi vú, ve vuốt ba sợi lông vàng, nhìn lâu cái gương mặt đó, như nhìn ra cố nhân: "Từ nay, ta chỉ uống sữa của người này". Mười một người đàn bà khác được trả về nhà. Mỗi ngày, người đàn bà mặt nhọn được chăm bẵm, tẩm bổ những món lợn sữa, trước giờ ngọ chừng ba khắc bắt đầu vén áo, ghé đầu vú vào miệng bình ngọc. Một dòng sữa trắng đục, hăng hơn sữa người thường phun thành từng tia xuống đáy bình. Vua uống sữa, đã cơn khát, khỏi ốm. Mỗi lần Thần Tông uống cái thứ sữa đựng trong bình ngọc, thì đỡ nôn nao. Nhưng vẫn mường tượng thiếu một cái gì đó. Mỗi lần ghé môi vào mình sữa, ngài dường như thấy những giọt sữa rỏ xuống từ một bầu vú ấm và lông lá. Giấc mơ viên của Thần Tông tiếp nối, trong khi chân vẫn đưa ngài qua những dòng sư sãi đang cúi đầu tụng kinh gõ mõ. Chợt một tiếng mõ lạc lõng, rơi ra ngoài giàn đại hợp của muôn ngàn tiếng mõ đnag râm ran trong buổi lễ, rót thẳng vào tai Thần Tông. Tiếng mõ đó đứng riêng một sắc, lúc trầm đục như thúc tức vỡ ngực, lúc trong trẻo như tiếng hạc bay, lúc như khóc như than, lúc rủ rỉ như ru êm. Có một sức trì níu ma quái nào đó kéo đôi chân ngài vô tình lựa giữa ngàn ngạt những tăng ni để hướng về phía tiếng mõ. Thần Tông đưa mắt tìm kiếm. Ngài chạy giữa hàng hàng lớp lớp những bóng áo cà sa để nửa vai trần, đầu trọc, đang ngồi xếp bằng theo thế liên hoa, đang nao nức tụng kinh. Ngài cuống quýt tìm nơi phát ra tiếng mõ. Thần Tông chạy ra xa tít. Đám cận thần và lũ thị vệ áo bào vướng víu, võ phục nặng nề khó khăn lắm mới kịp theo bước chân ngài ngự. Khi họ dừng lại, thấy đức vua đứng sững trước một người bé nhỏ. Đó là một sư bà ngồi ở cuối dẫy cuối cùng. Cái đầu trọc cúi xuống. Những sợi tóc mọc thóang điểm lấp lánh như bạc hắt ánh sáng lên gương mặt chăm chú đang hết sức căng thẳng của Thần Tông. Dáng cúi đầu thật yêu kiều. Cái bàn tay lần tràng hạt thon mềm. Chỉ nhìn cũng biết chúng mát như lụa. Bàn tay phải quấn quýt lấy chiếc dùi mõ và bàn tay đó như run rẩy gõ lên từng chuỗi âm thanh như hờn khóc. Đôi hàng mi nặng trĩu rủ xuống trông như ngủ. Dường như người gõ mõ đang cử động chiếc dùi trong một cơn mê, với trái tim đang run lên nối nhịp với chiếc mõ vô tri. Thần Tông không bước nổi. Nặng như ngàn cân đeo đầu mũi chân. Ngài dính chặt xuống mảnh đất trước sư bà. Thần Tông đứng rất lâu, mồ hôi nhỏ giọt ướt cả mặt đất mặc dù có hai tiểu thái giám cầm quạt phe phẩy hai bên. Tiếng mõ khiến tim ngài đau nhói. Cơn đau tim này không bao giờ có trong lồng ngực của một đứa trẻ mười bốn. Thần Tông cảm thấy như mình đã sống qua nhiều kiếp, oải mình vì bể dâu. Một người đàn ông từng trải đang hiện diện trong ngài, ngắm nhìn người đàn bà đầu trọc lạ lẫm lạc lõng với khung cảnh đô hội và trước tám vạn bốn nghìn bảo tháp đang đỏ rực toả sáng. Dường như không Phật, không trời, không vua, không trần gian trong cái hàng mi nặng trĩu sập xuống như then khoá kia. Và ngài háo hức muốn được nhìn tận mặt. Được nhìn vào đôi mắt ẩn sau hàng mi khép như ngủ kia. Nhưng những tiếng rộn rịch của đám tiền hô hậu ủng nãy giờ đã kịp đến tề tựu xung quanh vua trước mặt, sư bà vẫn không ngẩng đầu, vẫn như chìm vào một giấc ngủ say đắm từ thuở hồng hoang. Hàng trăm đôi mắt đổ dồn vào chỗ đức vua và sư bà. Mọi người chưa bao giờ thấy sự lạ như vậy. Bởi dẫu là sư bà hay ai đi nữa thì khi đức vua có biệt nhãn, người đó buộc phải giữ lễ, phải ngưng tụng kinh, phải quì mọp xuống, chắp hai tay xưng tụng đức vua. Khi đức vua cho phép bình thân thì mới được quay lại việc tụng kinh gõ mõ. Viên thị vệ theo hầu vua nổi giận thét: - Sư bà chùa Trầm… Ngài ngự giáng lâm… sao sư bà không mau mau quì lạy? Sư bà vẫn không ngẩng mặt. Viên thị vệ rút soạt kiếm ra khỏi vỏ. Mũi kiếm lách dưới cằm sư bà: - Mụ này hỗn xược! Thất lễ! Muốn ta đưa mụ đi đường tắt lên Niết bàn phải không? Viên thị vệ tay giữ kiếm không rời khỏi cổ sư bà, mắt nhìn Thần Tông chờ đợi. Nếu nhà vua gật đầu, hoặc chỉ cần nhìn lảng sang chỗ khác, lưỡi kiếm sắc như nước lập tức sẽ đưa ngang, cái cổ mảnh mai sẽ đứt lìa và máu của sư bà sẽ phun lên làm đỏ thêm những ngọn tháp. Nhưng Thần Tông lại không hề tức giận. Ngài hạ giọng như thì thầm: - Sư bà! Người hãy cho ta nhìn mặt. Lúc đó sư bà chùa Trầm mới như sực tỉnh khỏi giấc ngủ, vụt ngẩng đầu lên. Đôi mắt lập tức chiếu rực vào mắt Thần Tông. Đôi mắt dài như lá, không khóc mà sũng lệ khiến cho đôi hàng mi không phải là bờ bến mà chỉ như những cánh cửa khép mở đưa người ta đến một cõi phiêu bồng xa thẳm. Đôi màu khói lam ủ dột như chau. Đôi mắt ấy hắt cái ánh sáng kỳ lạ khiến ngài ngự rùng mình và trái tim như tuột rơi đâu mất. Mùi da thịt thơm ngát như mùi sen chớm nở thoảng lên khiến Thần Tông sững sờ. Vẻ quyến rũ vô tình của sư bà khiến cho người ta quên mất hai nếp nhăn khắc khổ đã hằn vết bên khoé miệng tuyệt đẹp. Thần Tông bất giác tự hỏi: "Sư bà bao nhiêu tuổi nhỉ? Hai mươi. Năm mươi… Hay đã thiên thu…?". Tên thị vệ cũng ngẩn người nhìn, thẫn thờ buông kiếm. Lưỡi kiếm tuột từ cổ xuống, đậu hững hờ trên vai sư bà. - Đức hoàng đế vạn tuế…! Sư bà khẽ nói trong miệng, giọng buông thõng và đôi hàng mi lại đổ sóng soài như cố che giấu điều gì. Đôi bàn tay như lụa lần tràng hạt. Tiếng mõ lại đều đều vang lên. Nhưng không giấu được sự run rẩy. Thần Tông bỗng cảm thấy như say sóng. Dáng vẻ lạ lẫm và mùi hương thoảng lên từ da thịt của người đàn bà luống tuổi đã tự giam mình trong cửa Phật lâu ngày khiến ngài cứ thấy da diết nhớ. Đang đứng trước mặt bà mà lại nhớ. Dường như cái giấc mơ cố hữu đang trở lại. Có phải các gương mặt thiếu nữ mà ngài rượt đuổi mỗi đêm? Nhưng đây lại là một sư bà luống tuổi! Không rõ nhớ gì. Nhưng thổn thức và trống vắng mà cồn cào lo sợ. Sợ giây phút cái hình ảnh đang hiển hiện trước mặt kia bỗng chốc sẽ tan biến vào thinh không như một ảo giác. Thần Tông bỗng hạ giọng, như nài nỉ: - Sư bà động Trầm, người có thể về trông nom việc tụng kinh niệm Phật trong nội cung ta được chăng? Sư bà vẫn không ngẩng đầu. Thần Tông lại khẩn khoản: - Nội cung của ta đang cần một người như sư bà để giáo hoá Phật đạo cho các cung nữ. Lời từ chối bật ra từ lồng ngực rung động: - Kẻ tu hành xin cảm tạ đặc ân của Đức hoàng đế. Kẻ tu hành này đã quen uống nước suối ăn mầm cây trong động Trầm. Không quen với các nghi lễ quí phái chốn kinh thành… Thần Tông ngạc nhiên, thoáng sợ: - Ngươi từ chối ư? Đó là niềm mong ước của cả ngàn tăng ni… Sư bà vụt nhìn lên, chói chang mắt Thần Tông: - Đức hoàng đế bỏ qua cho kẻ tu hành này… Lễ sắp tàn. Xin hoàng đế gia ân cho kẻ tu hành này được trở về động Trầm. Thần Tông lại thêm một lần nài nỉ khiến mọi người chung quanh lại thêm sửng sốt: - Thôi được… sư bà sẽ về chùa Trầm. Nhưng trước khi sư bà trở về, ta muốn lưu sư bà lại một tuần trăng để cùng đàm đạo đôi điều về Phật pháp… Thần Tông hấp tấp phất tay áo trở gót không kịp để sư bà từ chối. Khi vua vừa quay mình, từ đôi mắt sóng sánh của sư bà hai dòng lệ trào ra, nối nhau chảy xuống theo những nếp nhăn khắc khổ trên miệng và chảy vào đầu lưỡi, đầy vị mặn. "Nghiệp chướng!" Hai tiếng nấc khẽ trong khoé miệng của sư bà.