Văn đạp xe kèm Chánh đến phố Hàng Cháo. Chánh nhảy xuống trước một quán ăn của người Tàu:
- Anh nhìn thấy chưa? Xe đạp của nó dựng kia kìa, trước cửa đấy...
Văn gật đầu, trao ghi đông xe cho Chánh và dặn:
- Thấy rồi! Bây giờ em đạp xe lên quá đây vài nhà, và đứng đợi anh ở ngã tư...
- Vâng... nhưng anh cẩn thận đấy!
Văn lại gật đầu và đợi Chánh đạp xe đi khỏi. Văn nhìn bốn phía thấy không có kẻ theo dõi, Văn lững thững đi về căn nhà thấp lè tè, cửa đóng kín, bên ngoài dựa ba chiếc xe đạp trong đó có chiếc xe Nhật đen sì.
Như một khách quen thường đến tiệm hút, Văn đẩy cửa bước vào nhà. Bên trong tối ầm u mặc dù ngoài đường nắng chói. Văn giả bộ ôm ngực ho khan mấy tiếng, đưa mắt quan sát, chỉ thấy một người đàn bà ngồi trên tấm phản phía sát tường. Người đàn bà gật đầu chào và nói: Xin mời cụ lên gác...
Cầu thang gỗ ọp ẹp, mỗi bước chân nó kêu lên cót két. Văn nhẹ nhàng trèo lên gác. Căn phòng phía trên cũng không sáng sủa gì hơn nhưng đôi mắt đã quen với bóng tối, Văn nhạn ngay ba chiếc phản gỗ kê ba nơi. Cái phản ngoài cùng, sát cầu thang có hai người đang nằm hút, mùi thuốc phiện thơm toả ngào ngạt, hương vị quen thuộc làm Văn muốn hắt hơi. Văn lấy mù-soa lau mũi và ngắm chiếc phản kê giữa còn bỏ trống. Văn đến bên, vén tà áo dài ngồi mớm lên trên và đưa mắt nhìn sâu vào bên trong. Ở đấy, kê chiếc sập chân quỳ có hai người nằm, một người đang ghếch tẩu lên miệng đèn, vê vê que tiêm, một người nữa nằm ngửa vắt cánh tay lên trán. Ý chừng gã đã hút xong đang nằm say lơ mơ, không thấy nó đâu cả, cái thằng giáo sư tiếng Nhật ấy, nó chui vào chỗ quái quỷ nào không biết? Mùi thuốc phiện cháy cứ ngào ngạt, thơm hắc với mùi mồ hôi khăn khẳn, mùi mốc và mùi mắm cứ quyện vào nhau...
Người bồi tiêm từ dưới nhà chạy lên, đến bên Văn. Gã mặc bộ quần áo cánh bằng vải trúc bâu trắng lâu ngày không thay giặt biến thành màu ngà ngà, ám khói. Gã nhảy tót lên tấm phản, đánh diêm châm đèn rồi lấy khăn lau bàn đèn. Gã móc túi lấy ra hộp thuốc phiện, miệng mời:
- Mời cụ xơi chén nước nóng... Cháu tiêm ngay hầu cụ ạ... Cụ tháo giày, cởi áo dài cho mát.
Văn cầm lấy cái tẩu, đưa lên mũi ngửi. Cái mùi thum thủm làm Văn muốn ọe ra ngay, Văn đặt vội xuống, đảo mắt nhìn suốt căn phòng lần nữa. Văn không thấy nó, quái lạ thật.
Văn hỏi gã bồi tiêm:
- Nhà có mấy bàn này thôi à?
Người bồi tiêm dùng con dao nhọn khẽ nạy nắp hộp thuốc, ngẩng đầu lên chưa nghe rõ lời khách nên gã không đáp. Cùng lúc ấy, Văn thấy người khách đang nằm vắt tay lên trán nhỏm dậy, giơ tay coi đồng hồ. Y văng tục câu gì đó, rồi lê đít tụt xuống, ngoáy ngoáy cái chân tìm đôi giầy. Văn giật mình. Cái bộ ria Hít le và khuôn mặt choắt thâm sịt kia không thể nào nhầm lẫn được. Văn vội chụp cái mũ lên đầu, giơ tay ngăn gã bồi tiêm:
- Khoan khoan đã nhá...
Tên giáo sư tiếng Nhật đang đứng lom khom, quay lưng về phía Văn, một chân co lên mép sập để buộc dây giầy. Tấm lưng lồ lộ, mảnh áo sơ mi màu nước dưa nát nhàu. Văn thong thả bước tơi sau lưng hắn, tay rút khẩu súng chĩa thẳng vào tấm lưng ấy.
Tên mật thám như có linh tính gì, quay ngoắt lai, trợn mắt trừng trừng nhìn cái họng súng đang chĩa vào mặt hắn. Cho đến phút nảy, hắn vẫn chưa thật hiểu việc gì đang xảy ra, gương mặt hắn ngỡ ngàng, hắn nhắm tịt mắt lại, lắc đầu.
“Cạch”, đạn lại thối. Văn thấy lạnh hết sống lưng. Tên kia loạng choạng ngã ngồi xuống. Văn quắc mắt áp đảo tay rút quy lát súng cho bật viên đạn thối ra ngoài. Phía sau Văn, gã bồi tiêm rú lên sầm sầm chạy xuống cầu thang.
Cái người đang nằm hút trên sạp khiếp đảm eo quắp cả chân tay lê tít vào trong tường. Tên chó săn vẫn chẳng có phản ứng gì khác hơn là đang chết khiếp đi như con chuột đứng trước con mèo. Văn cứ nhằm vào mặt vào ngực nó. Văn bóp cò liên hồi. Chỉ thấy cái bia thịt kia rướn lên rồi đổ sập xuống ngã dụi trên sàn gỗ.
Văn lùi lại giữa phòng, huơ khẩu súng nói to:
- Tất cả mọi người ngồi im. Không ai được chạy ra ngoài nguy hiểm Đồng bào đừng sợ. Tôi xin tuyên đọc bản án.
Văn rút trong túi áo ra mảnh giấy trắng và ứng khẩu đọc rất dõng dạc:
-
Việt Nam độc lập muôn năm... Đả đảo phát xít Nhật. Toà án quân sự đặc biệt trực thuộc thành bộ Việt Minh thành Tô Hiệu... xét răng: Tên Đô Đức Phin can tâm bán rẻ Tổ quốc làm tay sai cho giặc Nhật, phá hoại phong trào cách mạng, bắt bớ tra tấn và giết hại nhiều người vô tội. Nay quyết định:
Điều Một: xử tử hình tên Việt gian Đỗ Đức Phin
Điều Hai: Đội danh dự Việt Minh thành Tô Hiệu chịu trách nhiệm thi hành bản án này.
Tô Hiệu ngày... tháng... năm 1945
Hôm nay đội danh dự Việt Minh đã trừng trị tên chó săn nguy hiểm này. Đồng bào hãy ngồi nguyên tại chỗ, một giờ sau mới được rút khỏi nơi đây. Hiện nay quanh nhà, các chiến sĩ Việt Minh đã bao vây kín. Đồng bào không nên ra ngoài tránh đổ máu. Xin chào đổng bào đả đảo phát xít Nhật, ủng hộ Việt Minh.
Văn nhét tờ giấy vào túi quay lại thì gã bồi tiêm không hiểu sao từ dưới nhà hùng hục chạy lên, đâm bồ vào Văn. Gã lăn ra, quỳ mọp dưới chân Văn, miệng ú ớ như người rụt lưỡi. Văn tránh sang bên và đi xuống thang. Văn qua nhà dưới chẳng gặp ai. Người đàn bà ngồi đó biến đâu mất. Văn mở cửa bước ra đường, người lảo đảo như say rượu...
Hàng phố vẫn bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Có lẽ mấy phát súng quá nhỏ lại bị bịt kín trong nhà, những tiếng nổ của đạn 7,65 lọt thỏm trong sự ồn ã của dẫy phố toàn quán ăn của Hoa Kiều này...
Văn đi được một đoạn mới nhận ra mình ngược đường. Văn rẽ sang hè phố bên kia và đi tới chỗ hẹn. Từ xa, Văn đã trông thấy Chánh đang đứng loanh quanh bên cài xe đạp công-pho, vẻ nôn nóng, sốt ruột. Văn quên mất mình đang là ông già, Văn rảo bước như chạy lại bên Chánh.
- Xong chưa anh?
Văn gật đầu, nắm lấy ghi-đông xe và cúi xuống dặn Chánh:
- Em quay trở lại xem tình hình thế nào anh đợi ở nhà anh Trường.
Rồi Văn trèo lên xe đạp, vút luôn.
Văn nói với Trường:
- Tao phải đi ngay lên Hà Nội, phải vọt qua cầu Hạ Lý sớm giờ nào hay giờ ấy.. Cái cặp với đống quần áo cũ, tao gửi mày ở đây.
- Mày có đem theo khẩu súng đi không?
- Có mỗi sắc-giơ bắn hết, mang đi làm gì? Chúng nó khám thấy thì bỏ mẹ...
Rồi không đợi Chánh đến báo kết quả, hai giờ chiều Văn rời khỏi đất Cảng. Văn đạp xe qua cầu Hạ Lý rồi cầu Xi măng một cách bình yên mặc dù trong bụng nơm nớp lo bọn lính Nhật gác hai bên câu chộp đúng mình. Dưới mắt Văn lúc đó dường như ai ai cũng đã biết câu chuyện vừa rồi, người đi đường hay những người lấp ló trong các ngôi nhà dọc phố, đểu xì xào chỉ trỏ mỗi khi Văn đi qua. Và những kẻ đứng lảng vảng ở các ngã tư ngã ba, những tên cảnh binh phóng xe đi dọc phố cũng đang lủng sục tìm kiếm kẻ vừa hạ sát thủ lĩnh của chúng.
Văn cứ đạp xe với những ý nghĩ như vậy và đầu óc càng lên chờ đợi... Bây giờ Văn đã trút hết lốt cũ. Văn mặc quần đũi mỡ gà, chiếc áo sơ-mi lụa và cái mũ panama, trông giống như một viên chức hưu trí.
Khi qua cầu xi măng, về đến Sở Dầu, Văn mới cảm thấy yên tâm nhưng lập tức hình ảnh về cái tiệm hút lại choán ngợp ý nghĩ của Văn. Thế là lân đầu tiên trong đời, Văn đã hạ thủ một con người, đã giết người. Cái người bị Văn giết ấy là một tên chó săn nguy hiểm, không hiểu sao khi thấy khẩu súng chĩa vào mặt, nó không kêu cứu, hoặc hét lên bỏ chạy. Giá mà nó làm thế thì chẳng biết cái kết cục sẽ ra sao? Chắc chắn là nó sê chạy thoát bởi viên đạn đầu tiên bị thối. Thậm chí nếu nó xông vào Văn thụi cho Văn một quả vào mặt. Không được, chẳng gì thì Văn cúng đã qua lớp Vovinam. Văn đã là võ sĩ cấp khăn vàng nêu nó xông tới thì chỉ cần một thế võ, Văn có thể quật đổ nó, cái thằng nghiện oặt ấy. Nhưng tại sao trước cái chết nó lại đờ ra rồi loạng choạng ngồi xuống chịu tội? Đôi mắt của nó gần như lác giật đi, nhay nháy sau cặp kính và không hiểu sao lúc đó Văn vẫn bình tĩnh kéo quy-lát móc viên đạn lép ra khỏi nòng. Rồi Văn nhằm vào cái thân hình rúm ró kìa nhả đạn... Văn không nhớ đã bắn liền mấy phát, có lẽ là ba, bởi cái sác-giơ chỉ còn vẻn vẹn có ba viên. Người cùng nằm hút với nó “ối giời” một tiếng rồi lăn vội xuống gầm sập. Ông ta bị một phen khiếp đảm.
Lâu lắm thành phố mới xảy ra sự kiện dữ dội ấy, chỉ chiều nay thôi là cả thành phố đểu biết người ta sẽ còn đồn đại nhân lên gấp mười lần cái việc có thật ấy... Nào là Việt Minh hành động “xuất quỷ nhập thần”... nào là đội Danh dự Việt Minh bao vây kín tiệm hút... nào là hai bên nổ súng bắn nhau kịch liệt v.v... Dân ta lâu nay quen những chuyện đồn đại và những chuyện đó chỉ có lợi cho cách mạng. Bọn thân Nhật sẽ hốt hoảng, run sợ, co rụt lại, không dám hoành hành như trước. Anh em mình dễ dàng hoạt động hơn... Chẳng gì, cái oai danh của Đội danh dự Việt Minh sẽ hỗ trợ họ...
Văn đạp xe lên Dụ Nghĩa, vào nhà Phúc. Ông ký ga đang nằm lơ mơ trên chiếc võng gai mắc ngang buồng cùng với đứa con gái hơn một tuổi nằm gọn trong lòng bố. Thấy Văn, Phúc chồm dậy nhìn chằm chằm, ngơ ngẩn. Lát sau Phúc mới nhận ra bạn, Phúc vội đặt con trong võng rồi hỏi:
- Mày ở đâu về mà mặt mũi như hề thế. Đóng kịch hả?
- Đóng kịch. Tao vừa ở Phòng lên. Thằng Phin chết rồi.
- Vậy hả? Mày mày khử nó hả?
Văn gật đầu:
- Thôi, lát nữa kể chuyện. Bây giờ mày kiếm cho tao ít xăng để tao rửa mặt đã. Chiều nay tao ở đây với mày, tối nay đi tầu đêm về Hà Nội. Mày đem chiếc xe công-pho này giả thằng Luyện trên Quán Toan hộ tao, mày lấy chiếc xe của tao về đây.
- Được, tao sẽ đi kiếm xăng cho mày... Tao gọi vợ tao về nấu cơm, kiếm con vịt về đánh tiết canh. Chẳng gì cũng phải ăn mừng thắng lợi của chúng ta chứ. Thằng chó ấy chưa khử được thì đám Hải Phòng còn gay go với nó... Phải làm tí tửu, đúng đấy Rượu ngang ở đây rất tuyệt... Đêm nay tao sẽ gửi mày đi chuyến tàu đá, bảo đảm hơn tàu khách, tao gửi mày cho thằng xếp-tanh(19), ngồi toa với nó, tuyệt lắm...
Phúc nói một thôi quên cả bạn. Khi Phúc ngừng lời quay lại thấy Văn nằm trên giường cứ nguyên quần áo, mặt mũi râu ria mà ngủ. Phúc nhún vai rất Tây, rón rén đi ra ngoài.
***
Xình xịch xình xịch xình xình loảng xoảng ken kéééét. Tiếng bánh tầu nghiến trên đường ray. Tiếng móc toa va nhau choang choang. Cánh cửa toa đập rầm rầm. Cái móc cửa kêu lanh canh. Xinh xình xịch xịch. Con tàu chạy giữa đêm trăng, ánh trăng già úa, cánh đồng hai bên hun hút mờ mờ như ảo ảnh... Và gió thổi rần rật, gió luồn trong toa, thổi thốc cái mũ nan panama của Vàn ụp trên mặt, chiếc mũ rơi trên sàn tàu quay tròn rồi chui tọt vào nằm trong gầm ghế băng nơi Văn đang nằm ngủ...
Tối khuya chuyến tàu đá mới đến ga Dụ Nghĩa.
Người xếp-tanh đứng tuổi nhận lời của Phúc dẫn Văn vào trong toa của ông. Ông ta chỉ chiếc ghế dài bảo Văn nghỉ ở đó, đưa cho Văn bao thuốc Bastos, bao diêm rồi xin phép đi vào ngăn riêng của mình. Cái ngăn vừa là nơi ngủ vừa là nơi làm việc của trưởng tàu trong đó có cả máy đánh điện tín tặc tè, tặc tè tè...
Văn ngồi hút thuốc, chán thì nằm lơ mơ trên ghế gỗ rồi ngủ thiếp đi khi con tàu chạy được một lúc. Một ngày đêm căng thẳng qua đi làm Văn mệt mỏi rã rời, lại thêm mấy chén rượu trắng trong bữa com chiều nay ở nhà Phúc làm Văn đã ngà ngà. Và Văn ngủ ngon lành giữa mọi tiếng động ầm ĩ, đều đều của con tàu chở đá... Quá nửa đêm, tàu dừng ở ga Cẩm Giàng, trút xuống đây hai toa đá. Tiếng đá rơi chen nhau ầm ầm như núi lở làm Văn giật mình tỉnh dậy. Văn đứng lên nhận ra ngoài. Trên nền trời đen, mặt trăng méo mó vàng úa, chênh vênh sau những khóm tre xơ xác. Hơn một giờ sau, con tàu lại lăn bánh nhưng Văn thì không thể nào ngủ tiếp được nữa.
Văn cứ đứng tựa vào cửa toa nhìn ra ngoài.
Thật ra Văn không nhìn vào đâu hết. Dưới ánh trăng hạ tuần cảnh vạt nhòe nhoẹt, hư hư thực thực không có hình thủ gì rõ nét. Con tàu lắc lư lắc lư tiếng bánh sắt rin rít, tiếng xích sắt loảng xoảng chạm nhau và tiếng thở hồng hộc của đầu máy...
Trong cái không gian mờ mờ ảo ảo kia hiện lên biết bao nhiêu cảnh tượng mà Văn đã từng chứng kiến, đã trải qua. Những toán quân Nhật đổ bộ vào bến đò Khuể. Những trái bom đầu tiên rơi xuống Hải Phòng làm sập mấy căn nhà ở phố Câu Đất. Quân Nhật theo đường Cầu Niệm tiên vào thành phố. Những con ngựa Mông Cổ cao lớn chở những tên sĩ quan Nhật với những thanh kiếm ngắn giắt bên hông. Cuộc chiến tranh Nhật-Mỹ diễn ra trên bầu trời, chiếc máy bay dakota to lớn nặng nề của Mỹ bị lũ khu trục Nhật bu đến đón đánh chúng như đàn chim chèo bẻo xúm quanh con quạ đen. Máy bay Mỹ dội bom xuống thành phố cúa Văn. Lính Nhật không thấy thằng nào chết, chỉ chết toàn những người mình, những đàn bà và những con trẻ, những mảnh xảc người, những mảnh quần áo thấm máu vắt vẻo trên cành cây phượng vỹ. Cái chết lúc nào cũng quẩn quanh suốt bao năm, rồi đến đận đói nữa như cái kết cục vô củng bi đát của cả một dân tộc. Một vùng đất màu mỡ, những cảnh đồng phì nhiêu, một dân tộc cần cù, chịu khó đến chừng ấy, vậy mà phải chết đói trong khi những kho thóc, kho gạo của Pháp của Nhật nối tiếp nhau để đến mục ra, đổ làm phân bón...
Đã sang tháng sáu ta rồi, đã có lúa chiêm rồi mà dân mình vẫn chết vì đói. Những cái chết cay cực vì thiếu ăn và thiếu thuốc... Bao giờ, bao giờ... phải đến bao giờ cách mạng nổi lên được, cái chết mới chấm dứt, cách mạng nhất định sẽ nổi lên nhất định như thế. Lúc ấy chúng ta sẽ bắn vào đầu bọn Nhật và cả bọn Pháp nữa, những kẻ đã gây ra nạn đói, gây ra cái chết khủng khiếp vừa qua.
Chúng ta sẽ bắn, nhất định thế. Cách mạng không chỉ có tiếng đàn, tiếng nhạc, tiếng ca, tiếng kêu gọi. Cách mạng phải có vũ khí, phải có nhiều súng đạn, những khẩu súng dành cho người lính, không phải loại súng lục đàn bà mà Văn sử dụng trưa nay. Phải có nhiều loại súng, và như vậy phải có quân đội được trang bị đủ loại vũ khí cướp được của giặc.
Hôm ở Hà Nội, anh Khang đã bảo Văn:
- Này, cậu làm một bài hát cho anh em trường Quân chính kháng Nhật đi. Phải thật hung dũng vào...
- Được lắm tôi sẽ viết.
Nhưng cho tới lúc này, Văn chưa viết được dòng nhạc nào. Tất cả còn lộn xộn còn mờ mịt trong đầu.
Tiếng móc tàu va nhau kêu loảng xoảng như tiếng binh khí chạm nhau. Văn nhìn ra cánh đồng đang xoay trần, cánh đồng mờ ảo như thấy ở đó bóng dáng cả một đoàn quân cách mạng đang ào lên, đoàn quân Việt Minh... Đó là những con người cùng khổ, cả đàn ông, đàn bà, rách rưới tơi tả với những đôi mắt rực cháy như lửa giữa khuôn mặt hốc hác, xám đen vì đau khổ và đói khát. Những đôi mắt màu đỏ. Những lá cờ màu đỏ... Những giọt máu rơi xuống đỏ cháy cả nền đất khô cằn... Và tất cả đều vươn cổ lên, ngẩng cao đầu lên để hát, tiếng hát lộn xộn nhưng vang đi rất xa, rất xa, giục giã và kêu gọi...
Trong lòng Văn bỗng ngân theo. Đoàn quân Việt Minh đi... Vũ trang đây, lên đường... Đúng rồi, phải như thế... Văn sẽ phải viết những câu nhạc nóng bỏng như lửa cháy ấy, những dòng chữ căm hờn đỏ như những giọt máu ấy. Từ bao lâu ta nuốt căm hờn... Vũ trang đây, lên đường... Văn thấy cay sè ở mắt, không phải bụi than bay vào mắt mà nước mắt Văn cứ trào ra. Những giọt nước mắt chảy ròng trên khuôn mặt võ vàng của Văn. Văn cũng không lau đi cứ để chúng chảy vào miệng mặn chát...
Ngày mai, Văn sẽ viết đúng như thế...
Chú thích:
(1) Cám ơn
(2) Tạm biệt.
(3) Kính thường
(4) Một trường tư thục ở Hải Phòng
(5) Hòm thư bưu điện hoặc tư gia
(6) Chương trình
(7) Được - Không
(8) Ôi, cái đêm Trung Hoa tiếng Nhật.
(9) Đường sắt
(10) Tên thật là Lê Văn Cật, con trai ông Ký Kiểm. Lê Văn Cật là con nuôi của bà Sáu và kiêm luôn chức lái xe cho bà. Bà Sáu, vợ thứ sáu của ông Mai Trung Cát, được thế chồng, mở sòng bạc ở làng Ro Nha (sát Quán Toan), bà Sáu chia tiền hồ cho ông Cật, do vậy ông Cật mua 15 mẫu ruộng, xây nhà và lập trại ở Quán Toan. Với thế lực như vậy, nên dinh cơ của ông Cật hoàn toàn có thể coi là an toàn (Chú thích của Nguyễn Học, chắt của bà Sáu)
(11) Tốt được lắm
(12) Sơn dầu
(13) Bột mầu
(14) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Boeux Arts)
(15) Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương
(16) Xưởng
(17) Tiếng lóng chỉ hút thuốc phiện
(18) Nhà ở phố Hoàng Văn Thụ, cạnh rạp chiếu bóng 1-5, thích chơi piano và ngưỡng mộ Văn Cao. Viễn là anh trai ca sĩ Trần Khánh, người trong bài mang tên Chánh. (Chú thích của Nguyễn Học)
(19) Trưởng tàu